Vài kỷ niệm nhân 1 năm Nguyễn Chánh Tín mất

  Bùi Chí Vinh

Ngày 4-1 kỷ niệm 1 năm ngày mất của Nguyễn Chánh Tín, người bạn giang hồ nghệ sĩ của tôi. Gọi là giang hồ vì Nguyễn Chánh Tín hễ say vô là nổi máu đại ca “kiến nghĩa bất vi vô dõng giã” trong bàn tiệc coi trời bằng vung, sẵn sàng tỉ thí với đám đại gia háo danh bỏ tiền mua vui hợm hĩnh hoặc đám anh chị ngăn cản anh xưng hùng xưng bá với những giai thoại võ lâm mà chỉ mình anh biết. Gọi là nghệ sĩ vì Nguyễn Chánh Tín rất dễ xúc động trước những câu chuyện thời thế và cũng dễ dàng khóc như con nít trước một bài thơ đau đời cho dù anh rất sợ... chính trị. Bài thơ SINH NGHI HÀNH và bài thơ TUYÊN NGÔN THI của tôi đã từng lấy đi những giọt lệ hiếm hoi lúc về chiều của anh, lúc anh không còn tin vào bất cứ điều gì ngoài tiền và những mối tình hư ảo. Với anh, quê hương đã khuất bóng hoàng hôn, chỉ còn lại bọn Tàu ngự trị trên toàn đất nước. Anh đã từng gào thét trong bàn rượu rằng: “đất nước đang bị Tàu Cộng chiếm lĩnh” khi có dịp đi khắp nơi trong vai trò giám khảo các cuộc thi ca hát, thời trang, hoa hậu.

Gạt qua những “kinh nghiệm yêu nước” đột xuất của Nguyễn Chánh Tín, tôi nhớ anh ở những chuyện khác. Những kỷ niệm khó mà quên trong lần gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi.

Chúng tôi làm quen nhau ở nhà họa sĩ kiêm diễn viên Lê Chánh trên đường Vườn Chuối đầu thập niên 80. Thuở ấy tất cả đều nghèo, trên mâm rượu chỉ có “xị sô” Gò Đen, Cây Lý và me xoài cóc ổi. Thuở ấy Nguyễn Chánh Tín đã là một ca sĩ phòng trà thành danh và là diễn viên điện ảnh có khuôn mặt “mỹ nam tử” hút hồn phụ nữ, còn tôi là một thi sĩ giang hồ bụi bặm. Thuở ấy chỉ cần “ngửi” nhau qua một bài nhạc có đẳng cấp hay qua một bài thơ khẩu khí độc đáo là mọi người đã thương nhau như ruột thịt. Thuở ấy đẹp đến nỗi mãi hơn 20 năm sau này tôi mới tái ngộ Nguyễn Chánh Tín mà hai người vẫn nhớ như in những bài thơ đã đọc, những bài nhạc đã hát ngày xưa lúc anh Lê Chánh còn sống. Chính kỷ niệm gắn bó hơn 20 năm trước đã kết dính tôi và Nguyễn Chánh Tín thành “cặp bài trùng” trong điện ảnh. Thời gian qua chúng tôi hợp tác làm việc cùng nhau qua thương hiệu một hãng phim tư nhân được thành lập vào năm 2007 mang tên là CHÁNH TÍN FILM. Tôi đảm nhận việc viết kịch bản phim còn Nguyễn Chánh Tín làm đạo diễn. Chúng tôi chủ trương khôi phục dòng phim kinh dị đã mất tích từ sau giải phóng bằng hàng loạt phim nhựa ngắn 45 phút chiếu các rạp lớn trên toàn quốc và phát hành đĩa DVD tại Bắc Mỹ và Châu Au. Chúng tôi đã thực hiện liên tiếp 4 phim mang tựa NGÔI NHÀ BÍ ẨN, SUỐI OAN HỒN, CHẾT LÚC NỬA ĐÊM, BỐN THÍ NGHIỆM TRONG ĐÊM TÂN HÔN. Đáng tiếc là công việc của tôi với Tín đến đó tạm ngưng vì nhiều lý do khác nhau. Không chỉ làm phim, Nguyễn Chánh Tín còn kinh doanh trên địa hạt bất động sản và ở “môn phái” này anh thất bại hoàn toàn. Anh phải cầm cố nhà cho một ngân hàng và tháng 11-2014 kể như mất luôn quyền sở hữu chủ căn nhà ở đường Ba Vì, cư xá Bắc Hải.

Cuộc đời Nguyễn Chánh Tín cũng thăng trầm không kém gì tôi. Anh từng vượt biên nhiều lần và bị bắt một lần để đời. Nếu không nhờ ông Dương Đình Thảo, giám đốc Sở Văn Hóa Thông Tin Thành Phố lúc đó bảo lãnh đóng phim VÁN BÀI LẬT NGỬA của Trần Bạch Đằng thì chắc bây giờ còn lâu anh mới tái xuất giang hồ cùng tôi lần nữa. Lần được ông Dương Đình Thảo “cứu bồ” đó, Nguyễn Chánh Tín đã gây dấu ấn xuất sắc trong làng điện ảnh nước nhà với vai diễn trung tá tình báo Nguyễn Thành Luân, một nhân vật ảo từ nhân vật có thật là trung tá Phạm Ngọc Thảo. Nhân nhắc đến ông Dương Đình Thảo, không riêng gì Nguyễn Chánh Tín, bản thân tôi cũng là người chịu ơn ông. Chính ông Sáu Thảo tức Dương Đình Thảo đã cùng anh Huỳnh Bá Thành, Vũ Quang Hùng lo hộ khẩu cho tôi khi tôi nằm quân lao H39 vì dám chống lại cấp chỉ huy độc đoán trong quân đội.

Chớp mắt một cái Nguyễn Chánh Tín đã chết đúng 1 năm. Cuộc sống có đó rồi mất đó. Có đó như chuyện một hôm anh bất ngờ gọi điện kêu tôi cấp tốc đến nhà anh trong cư xá Bắc Hải, đến để nhận một món quà đặc biệt trước sự chứng kiến của gia đình và bạn bè. Món quà đặc biệt là một chiếc hộp gỗ sang trọng màu đỏ hình chữ nhật, bên trong đựng một chai rượu vang khổng lồ. Nguyễn Chánh Tín bắt Nguyễn Chánh Minh Thức (con trai Tín làm giám đốc hãng phim) phải trân trọng đưa chiếc hộp rượu vang ấy cho tôi và anh phát biểu: “Đây là quà của sếp gửi Bùi Chí Vinh để nhà thơ có hứng viết kịch bản phim”.

Coi, cái từ “sếp” mà Nguyễn Chánh Tín nói còn ai khác hơn ngoài Nguyễn Tấn Dũng, người cháu của anh thời điểm đó đang làm đương kim Thủ Tướng và gọi Nguyễn Chánh Tín bằng cậu họ. Tất nhiên tôi nhận, bởi rượu ngon không nhận là một sai lầm, huống hồ quà tặng từ trên trời rớt xuống kia có mùi vị hư hư thực thực huyền ảo. Điều quan trọng là chai rượu đến giờ này tôi vẫn chưa khui nút và còn lưu giữ dù chưa hề gặp chủ nhân bí mật của nó.Tín ơi, viết đến đây coi như cũng tạm đủ cháy tàn 2 điếu thuốc cho bạn rít hết kiếp người ở thế giới bên kia. Còn lại gì trên đất nước nhiễu nhương này ? Đẹp trai cũng chết, xấu trai cũng chết, nhiều tiền cũng chết, ít tiền cũng chết, thừa gái cũng chết, thiếu gái cũng chết, cái còn lại cuối cùng là những giọt nước mắt bạn ứa ra sau bài SINH NGHI HÀNH mà tôi chép lại hôm nay:

SINH NGHI HÀNH
Sinh nghi ta viết một bài hành
Vợ nghi chồng, em út nghi anh
Cha nghi con cái, bè nghi bạn
Thủ trưởng thì nghi hết ban ngành
Láng giềng dòm ngó nghi hàng xóm
Ngoài đường nghi phố chứa lưu manh
Ngay ta khi viết bài in báo
Cũng nghi mình kiếm chác công danh
Trời ơi, mọi chuyện sinh nghi thiệt
Chén kiểu thường nghi kỵ chén sành
Thời buổi công hầu như chén cứt
Thiếu chó, mèo ăn cũng rất nhanh
Mèo ăn cho chó leo bàn độc
Vừa sủa vừa nhai riết cũng rành
Trẻ con khát sữa ai cho bú
Vú mẹ gầy, sâu rúc nồi canh
Quang Trung bỏ núi Tây Sơn xuống
Hoảng hốt vì gương vỡ chẳng lành
Nguyễn Du chỉ một đêm dạo phố
Đoạn Trường ngồi viết lại Tân Thanh
Thuý Kiều phát triển nhiều như thế
Thảo nào đất nước hoá lầu xanh
Nhà tù phát triển nhiều như thế
Sĩ tử làm sao dám học hành
Ta làm thơ mà lòng đứt ruột
Suốt đời bao tử chạy loanh quanh
Lãnh tụ nói: đói quên nghi kỵ
Ơn ấy ngàn năm sáng sử xanh!


Nguyễn Chánh Tín và Bùi Chí Vinh đi chọn cảnh phim.


Nguyễn Chánh Tín và Bùi Chí Vinh ra mắt phim NGÔI NHÀ BÍ ẨN, SUỐI OAN HỒN.


Bộ sậu làm phim CHẾT LÚC NỬA ĐÊM, BỐN THÍ NGHIỆM ĐÊM TÂN HÔN.


Hộp rượu vang đỏ của Nguyễn Tấn Dũng gửi tặng.