Một chút tản mạn về phương ngữ Nam bộ

Khi nghe “Nghe mãi điếc cả tai”“Nghe miết điếc con ráy” thì biết ngay đó là sự khác nhau của hai phương ngữ Nam và Bắc. Hiểu ngay vì trong phương ngữ có tính thông hiểu và tính quen dùng. “Tôi đụng bả hồi nẳm” (tôi lấy bà ấy hồi năm ấy) thì “đụng” vốn là va chạm cơ học mạnh nhưng trong trường hợp này lại là sự êm ái của yêu thương, là từ có tính thông hiểu ở phương ngữ Nam Bộ, giá trị địa phương của nó cao.

Là ngôn ngữ của người sống giữa thiên nhiên hài hòa và da dạng, đồng ruộng bao la, sông ngòi chằng chịt, cây trái xanh thẳm bốn mùa... nên phương ngữ Nam bộ có nhiều tiếng đầy ắp hình tượng cụ thể lấy từ những con những cây hay vật dụng: uống mật gấu – mật gấu đắng kinh khủng, uống là rất liều; Dai như trâu đái - đúng là có trâu xả tiểu khá lâu vì nhiều; Ăn như xáng múc - cái gàu múc cả thước khối đất thì ăn chi mà dữ thần vậy cha? Làm như lục bình trôi – lờ đờ, chậm rãi, ầu ơ dzí dzầu tức... làm biểng! Lời nói thiếu hình tượng và so sánh là lời nói thiếu sức mạnh, thiếu sắc thái, nghèo nàn. Phương ngữ làm nhiệm vụ sáng tạo hình ảnh một cách tích cực và có hiệu quả hơn ngôn ngữ phổ thông toàn dân hay ngôn ngữ văn học chuẩn mực.

Sông ngòi chi chít, về sự chuyển động của dòng nước, người ta không những phân biệt nước lớn (thủy triều dâng) và nước ròng (thủy triều hạ) mà còn thêm nhiều từ ngữ khác như: nước ròng, nước kém, nước trồi, nước dềnh, nước sụt, nước giựt, nước bò, nước nhảy, nước đứng, nước nằm, nước chừng, nước nhửng, nước ương, nước chết, nước sát, nước rặc, nước quay v.v... Lạ thay, nước cũng biết... nhảy, đứng, nằm, bò, chết... vốn là những động tác của sinh vật, nhưng đó là cách tiếp cận sự vật của người Nam bộ!

Tương tự, các loại động vật sống ở sông nước thậm chí trong cùng một loại cũng được thông qua ngôn ngữ mà phân biệt nhau rất tỉ mỉ, chẳng hạn con tôm có: tôm bạc, tôm càng, tôm châm, tôm chấu, tôm chì, tôm gọng, tôm hùm, tôm kẹt, tôm lóng, tôm lúa, tôm mắt tre, tôm quỵt, tôm rồng, tôm sắc, tôm sú, tôm thẻ, tôm tích, tôm tu, tôm vang, v.v... Thật hết sức phong phú! Mỗi loài đều có tên riêng đủ thấy phương ngữ phải phong phú phải “chẻ” ra để đáp ứng được tư duy của con người.

Cường điệu và khuếch đại trong ngôn ngữ Nam bộ không phải bốc đồng, làm to chuyện một cách vô lý mà là phục vụ mục đích tâm lý của con người Nam bộ luôn sống cởi mở, lạc quan và hướng về cái lớn, muốn nhấn mạnh những gì mình yêu thích hoặc chán ghét một cách rõ ràng, dứt khoát. Cường điệu trong phương ngữ Nam Bộ mang tính hình tượng, so sánh và cụ thể nhưng cũng thật bất ngờ, thú vị: cao trật ót-cao ngất nghểu đến mức phải ngẩng cổ nhìn thẳng lên làm cho gáy cổ như bị gập lại; no lòi bản họng - đã no tràn ra ngoài miệng rồi, có đâu ăn thêm vào được nữa; đói queo râu – đói mờ mắt là chuyện bình thường có tính lô-gíc, còn đói mà liên hệ đến bộ râu thì thật bất ngờ thú vị, người không có râu (và phụ nữ) cũng vẫn bị đói queo râu như thường. Tức cành hông, rầu thúi ruột, sợ thót dái, cay té đái, muồi rụng rún... cũng đều như thế. Khi nói đến mức độ của cái nghèo, nghèo lắm lắm, tiếng Việt phổ thông có các từ: nghèo xơ xác, nghèo rớt mồng tơi, nghèo không có đồng xu dính túi..., phương ngữ Nam Bộ còn thêm nghèo mạt rệp, và bất ngờ thay nghèo không có đồng xu cạo gió, nghèo không có hột thóc nhổ râu, nghèo cháy nóp thì thật là nghèo hết biết, mà vẫn đượm vẻ lạc quan hóm hỉnh.

Người dân Nam Bộ sống nổi bật với một tinh thần lạc quan, sôi nổi, cởi mở, thích trẻ trung, dí dỏm, hài hước. Tỏ tình với người yêu là chuyện tế nhị, bay bướm, thế mà lời lẽ thật hồn nhiên, ngộ nghĩnh: “Hai ơi, qua thương Hai thiệt mà / Thôi đi cha nội, Xạo hoài à / Xạo xe cán qua chết luôn đó / Trời đất, thề chi đổ nhà đổ cửa vây trời. Mà thương rồi sao??? Mở đầu có vẻ căng nhưng ăn tiền ở cái xuống giọng đó!

Tính hài hước, dí dỏm trong phương ngữ Nam Bộ rất nổi bật đi đôi với tính giản dị, mộc mạc, gây nên cái cười, cái vui tự nhiên, thoải mái. Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, trong phương ngữ Nam Bộ, đâu đâu cũng thấy toát lên tính tươi vui, dí dỏm, có cái bộc trực, có cái vui ngầm:

Hột châu nhỏ xuống kẹt rào
Thò tay em lượm, phụ mẫu chào, em buông

Không biết vì sao mà những từ như: rất, lắm, quá, vô cùng, hết chỗ nói... lại đẻ ra nhiều từ riêng lột tả hết ý mình muốn nói: quá tay, quá xá, quá trời quá đất, quá cỡ thợ mộc, hết sảy, tản thần, tràn đồng, tùm lum tà la, tứ tung binh tàng... vừa để một phần nhấn mạnh ý nghĩa, vừa chủ yếu biểu đạt tâm lý của con người. Từ đó tạo ra khá nhiều từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa. Tương đương với hai từ “mềm xèo” và “mềm nhũn”, phương ngữ Nam Bộ có thêm các từ mềm èo, mềm ẻo, mềm lũn, mềm lụn, mềm mủm, mềm múm, mềm mụm, mềm múp, mềm mụp, mềm xùm, mềm xúm, mềm xụm.

Và đàn ông nào không thấy ớn:

- Anh tính về sớm đón em nhưng kẹt quá....
- Khỏi!
(vợ giận nói)

Nhiều thứ ở Nam Bộ đã và sẽ mất đi hoặc bị thay thế trong tiến trình hiện đại hóa, cái xe thổ mộ ở Sài Gòn là một thí dụ rõ nhất. Nhưng đã là cư dân vùng sông nước này dù đến từ thời nào, nguồn nào thì ai mà không bị quyến rũ bởi tiếng lách cách nghe từ trong hẻm lên đến những chung cư, là tiếng mì gõ?


Xe mì gõ.

Có chuyện về mì gõ như thế này.

Chú bé từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn kiếm cơm từ một xe mì gõ vỉa hè. Được bao cơm và một tô xí quách vào đêm cùng với tháng 300 ngàn. Là đứa biết tiết kiệm, mỗi tháng chú bé gửi chủ xe 100 ngàn đặng cuối năm có tiền về quê. Tết đến, xin lại tiền nhưng gã chủ có máu bất lương không trả cốt giữ thằng bé lại bán vào dịp Tết, thế là với nỗi nhớ nhà, tiếc của, cũng là sự uất ức của người thân cô thế cô, tiếng lách cách vừa đi dài vào hẻm vừa khóc.

Một đám choai choai thấy lạ hỏi. Máu giang hồ nổi lên, các đại ca vốn bị mang tiếng quậy phá xách búa ra gặp chủ xe mì. Bảo một là trả tiền sòng phẳng cho thằng bé, hai là “nghe tiếng búa này”.

Lấy lại được tiền, xử theo luật giang hồ thằng bé gửi tiền cà phê cho đại ca nhưng đại ca quắc mắt nói: “Giang hồ thấy sự bất bằng thì ra tay, nghĩa hiệp không lấy tiền công.”

Tiếng lách cách nhất là vào đêm khuya lọt vào trái tim bụi đời của anh Hai người Sài Gòn như thế.

Và hơn vậy, chẳng ai không để cho phương ngữ Nam Bộ thấm dần thấm dần vào máu! Mọi ý định làm mai một dòng phương ngữ Nam Bộ, thậm chí sát nhập nó, xét cho cùng đều bất khả.