Phương ngữ Nam bộ

I. LỜI NGƯỜI VIẾT

Vốn sinh ra không có quê cha đất tổ là Nam bộ, nhưng sống ở đây từ khi còn là đứa bé 15 tuổi - thời chưa mấy ai kêu Nam bộ hoặc ĐBSCL, mà kêu “Lục tỉnh, miền Tây - được nên người nhờ các ngôi trường tại Sài Gòn mà có chút tri thức vào đời. Cũng được đất Nam bộ nuôi bằng cơm, bằng nước nhất là bằng cả một quần thể quà vặt của nó mà người viết có mái đầu bạc ngày nay. Chỉ tiếc, Nam bộ không cho một mối duyên tình nào, nhưng đó lại là chuyện khác không dính líu gì đến việc lan man trong cuốn sách mỏng này. Nghĩ cho lung, cái mà Nam bộ cho kẻ xứ xa đến mà cho một cách hào phóng là một thứ quý giá vô cùng, dùng suốt đã hơn 60 năm. Đó là Phương ngữ Nam bộ!

Dùng cái thứ quý giá đó hàng ngày từ trong gia đình ra ngoài xã hội từng ấy thời gian kể cũng có thể gọi là thuần thục. Nhưng sức lực chẳng là bao nên không nghĩ đến việc bỏ công nghiên cứu như một mảng tối ư quan trọng, hấp dẫn và độc đáo của ngôn ngữ tiếng Việt là phương ngữ Nam bộ. Chỉ dám đi vào khu rừng này như một người lang thang thấy gì thì ghi lấy, kể ra đặng mua vui một chút cho mọi người. Vả, “ăn khế trả vàng” không có vàng để trả đành lấy cái tâm ra đặng mà thay thế!

Đây nói về cuốn sách này, về mặt phương pháp luận, người viết, trước hết không làm công việc sưu tập phương ngữ Nam bộ, đấy là công việc đòi hỏi nhiều yếu tố từ kiến thức khổng lồ đến thời gian có thể là vô hạn và phương pháp từ điển học. Trong cuốn sách này, người viết hướng trọng tâm việc mình làm vào hướng Phân loại, Giải thích ý nghĩa và bối cảnh hình thành, trong chừng mực có thể, Đối chiếu với phương ngữ cùng công dụng của khu vực ngoài Nam bộ.

Khi bắt tay thực hiện, người viết nhận ra thật là di nan di chí, nhiều khó khăn so với khả năng của bản thân. Trước hết, là vì cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào về phương ngữ Nam bộ, điều này khiến người viết như kẻ mình ên hay là người đơn thương độc mã đi vào một chiến địa mà may ít rủi nhiều, không dễ gì hoàn tất được nhiệm vụ. Chính bởi ý thức được rằng sưu tập phương ngữ là việc đội đá vá trời – mà thiết nghĩ cũng khó giải quyết được vấn đề

nhận thức nếu đội được đá – nên người viết sau những suy nghĩ rất lung, đã chọn hướng phân loại chúng theo công dụng như để gọi tên người tên đất, ăn uống, giao tiếp… mong muốn hình thành ra một bộ khung giản đơn trong phác thảo mà người viết tin rằng rồi đây sẽ có người hoàn tất một cách có chất lượng hơn. Và để tự giải phóng trước một áp lực quá sức đối với mình, người viết đã tham khảo ý kiến của một số anh em đọc sách nhiều, đặc biệt là các nhà giáo vì đây là nguồn kiến thức có hệ thống và “kinh điển” nhất, theo thiển kiến của người viết.

Cái khổ và cũng là sự mạo hiểm của người viết ở đây là phải moi trí nhớ ra mà dựng lên một cái khung, rồi từ đó tìm đọc thêm tác phẩm của nhà văn lão thành Hồ Biểu Chánh, cụ thuộc thế hệ đầu dùng chữ quốc ngữ hình thành ra nền văn học Việt Nam hồi đầu thế kỷ trước. Sau cụ, người viết tìm thấy nhà văn Bình Nguyên Lộc sử dụng nhiều phương ngữ trong tác phẩm của ông, ông thuộc thế hệ những người cầm bút “nung chín” phương ngữ trong vai trò phương tiện của văn chương. Cuối cùng, phương ngữ cũng chuyển sang thời hiện đại như con người Nam bộ, và theo chủ quan của người viết thì tác phẩm của Lê Xuyên, của Nguyễn Ngọc Tư là nơi sử dụng phương ngữ có cách tân một cách nhuần nhuyễn nhất, đã nhất. Tuy nhiên, đây cũng lại là một suy nghĩ chủ quan, mong là không cực đoan sai lệch nhiều.

Không sinh ra trên đất Nam bộ nhưng đúng 60 năm lớn lên ở đây, từng ăn khá đủ cây trái, từng “Về rẫy ăn còng/ Về sông ăn cá/ Về đồng ăn cua” và bao nhiêu thực phẩm phong phú ngon hết biết khác chẳng hạn thứ bánh ăn ở vỉa hè nghe “xèo” một cái giản dị bình dân của vùng sông nước này. Và cũng từng đi, sống, nghe và nói phương ngữ Nam bộ, cảm được ý vị của nó, trong một chừng mực nào đó là khá chín muồi. Người viết làm công việc này, như một lời đáp lễ với vùng đất mà biết rằng, với nó mình là người “sinh Bắc tử Nam”.

Thành thật mang ơn những bạn bè gần xa đã ủng hộ, đồng tình và góp ý với người viết - để cuốn sách mỏng này mang hơi hướng chung của chúng ta - nhận nơi đây chút tình thâm tạ của một kẻ ăn trái khế mong trả một điều gì lớn hơn trái đó.

II. TỰ NHIÊN VÀ CON NGƯỜI NAM BỘ (viết thêm ra và sâu hơn, cụ thể hơn)

Đất: Mới, mang tính khai hoang- khai thác, là vùng sông nước nằm ở xa vùng đất có bốn ngàn năm khai thác nên có nhiều sắc thái riêng được phản ảnh trong ngôn ngữ, mưa thuận gió hòa một cách tương đối…tạo ra cho người tính mạo hiểm và lạc quan

Người: Kết hợp nhiều luồng di dân từ bắc, trung, nước ngòai vào…tạo tính cách đa dạng trong văn hóa. Bỏ xứ vào nên con người có tóc mạo hiểm dám nghĩ dám làm, khóai họat, không khách sáo, ưa ngắn gọn, chân thật, thích vui chơi…đất đai tương đối tốt khí hậu nóng quanh năm cho nên công việc mưu sinh khá thuận lợi, co câu “làm chơi ăn thiệt” nên tính cách con người là hào phóng không chi ly tính toán.

Mọi quốc gia hay vùng lãnh thổ nào cũng có những phương ngữ. Lãnh thổ càng rộng và càng phát triển theo một quá trình lịch sử lâu chừng nào thì số lượng phương ngữ tính theo vùng miền càng nhiều chừng ấy. Tuy nhiên, phương ngữ không phải chỉ là tiếng nói bị chi phối một cách vật lý bởi tự nhiên của một lãnh thổ đa dạng và đa sắc thái, mà là hiện tượng xã hội được hình thành từ những cộng đồng dân cư, trong ý nghĩa có tính đến những giao thoa, sàng lọc, tiếp nhận. Xét về cả hai mặt này, ngôn ngữ Việt Nam quả là một cái cây xum xuê hoa lá, nhưng đặc thù của ngôn ngữ Việt Nam lại là có tính thống nhất cao - rất cao là khác – cùng lúc với tính dị biệt thể hiện qua hệ thống phương ngữ vừa đa dạng vừa phong phú.

Phương ngữ gắn liền với đời sống như một dòng cuồng lưu theo thời gian, vì vậy hiểu nó và bảo tồn nó là việc làm rất cần thiết. Hiểu, để kênh ngôn ngữ quý giá này phá tung được ranh giới địa lý trở thành tiếng chung hay ít ra cũng là phương tiện vượt mọi ranh giới của đất nước. Một ví dụ : hai chữ “ Khốn nạn” vốn là từ Hán Việt được sử dụng tại miền ngòai trước, khi vào Nam bộ nó được cho một công dụng khác và do đó, về mặt ngữ nghĩa, hai chữ này với người Nam bộ không còn mang cái nghĩa thuở nó theo lưu dân vào khẩn hoang đất này.Không hiểu rõ thì e rằng có sự ngộ nhận, mà mọi ngộ nhận đều không dẫn đến hiệu quả tốt. Ngôn ngữ là trao đổi, a giao lưu, ngộ nhận thì làm sao thực hiện tốt chức năng của nó?

II. MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM PHƯƠNG NGỮ NAM BỘ

1. Đặc điểm ngữ âm

- Trước hết, phương ngữ Nam Bộ thực ra chỉ có 5 dấu: ngang, huyền, hỏi, sắc, nặng, trong khi phương ngữ Bắc Bộ thêm dấu ngã, mà đặc biệt 3 dấu hỏi, ngã, nặng được phát âm gằn nặng, nghẹn và rung mạnh thanh đới, tạo nền màu sắc âm thanh khác với cách phát âm nhẹ lướt của phương ngữ Nam Bộ.(tìm chữ)

Phương ngữ Nam Bộ tận dụng 5 dấu giọng làm phương tiện tạo ra từ mới hoặc láy từ, ví dụ: cạn xều- cạn xểu, cạn xếu, cạn xệu là những từ đồng nghĩa có tác dụng láy để nhấn mạnh cái ý người nói trong một chỉ định cá biệt. Sao mà nhiều thứ “cạn” vậy? Thực ra thì chỉ là sự giàu có của từ ngữ, tùy người nói muốn dung thế nào cho thỏa dạ thì thôi! Quả cái tính phóng khoáng của người Nam bộ đã làm cho “cạn” có nhiều cung bậc! Hình như xều là nói bình thường còn xểu, xếu, xệu hàm ý hơi có chút tranh cãi? (Tiếp). Phương ngữ Nam bộ còn phát âm phân biệt rất rõ các âm đầu TR – CH chân trâu phân biệt với “chân châucủa miền ngoài. Tương tự có GI, R - D, NH - L, S - X, đó là điều hợp lý, phản ánh đúng chữ viết của tiếng Việt.

Nhưng âm đầu V, ở phương ngữ Nam Bộ, chỉ tồn tại trong chữ viết, không tồn tại trong phát âm : V- D -GI đều phát âm thành D “Dzì cái dì dzậy hả dì?” ( Viết : Vì cái gì vậy hả dì?). Hiện nay đang phát triển cách phát âm đúng V tại Nam Bộ, đó là điều chỉnh hợp lý.

- Phần vần có ba điều đáng nói. Một là âm đệm O và U, như loan, luyến…vốn là một âm lướt nhẹ, lơi, do đó khi phát âm ở phương ngữ này, hoặc bị lược bỏ, ví dụ: loan - lan, luyến - liến, hoặc được nhấn mạnh thành một âm chính (mất vai trò đệm) ví dụ: loan - lon. Hai là âm đôi IÊ, ƯƠ, UÔ và các âm đơn O, Ô, Ơ khi đứng trước M và P thì, ở các âm đôi mất yếu tố sau, ví dụ: tiêm - tim, tiếp - típ, lượm - lựm, cướp - cứp, luộm thuộm - lụm thụm; còn ở các âm đơn đều phát âm thành ôm, ốp, ví dụ: nom - nơm = nôm, họp - hợp = hộp. Ba là phát âm không phân biệt ba cặp âm cuối: n - ng, t- c, y -I, ví dụ: tan - tang, tát - tác, tay - tai, chỉ có ang, ác và ai.

2. Đặc điểm từ ngữ và phong cách

Sức mạnh của một phương ngữ hay của một ngôn ngữ không phải ở cách phát âm như thế này hay như thế khác, mà là ở vốn từ ngữ của nó. Vốn từ ngữ càng dồi dào thì sức biểu hiện của ngôn ngữ hay phương ngữ đó càng mạnh. Ngôn ngữ phát triển chủ yếu ở mặt từ ngữ: tăng thêm từ mới và bổ sung, biến đổi nghĩa của từ cũ. Phương ngữ Nam Bộ nằm trong quy luật đó.

Cảm giác về một phương ngữ trước hết là nghe “lạ tai” một số âm và giọng nói; hai là hoàn toàn không hiểu hoặc “mang máng hiểu” nghĩa của một số từ; ba là tuy không lạ tai và hoàn toàn hiểu nghĩa, vì đó là những từ phổ thông chung, nhưng lại cảm thấy đó không phải là cách nói quen thuộc của phương ngữ mình, tức là khác phong cách. Ví dụ khi nghe câu: “Nghe mãi chối cả tai”“Nghe riếc điếc con ráy” cho thấy một sự bực bội, thì nhận ra ngay đó là hai kiểu nói quen thuộc của hai phương ngữ. Do đó, có thể nói tiêu chuẩn cơ bản để phân biệt phương ngữ này với phương ngữ khác là tính thông hiểu và tính quen dùng. Ví dụ: “Tôi đụng bả hồi nẳm(tôi lấy bà ấy hồi năm ấy) thì “đụng” vốn là va chạm cơ học mạnh nhưng trong trường hợp này lại là sự êm ái của yêu thương, là từ có tính thông hiểu ở phương ngữ Nam Bộ, giá trị địa phương của nó cao.

3. Giàu hình tượng, giàu tính so sánh và cụ thể

Sống giữa thiên nhiên hài hòa và đa dạng, có đồng ruộng bao la, có rừng sâu biển dài, có sông ngòi chằng chịt, có vườn cây trái xanh thẳm bốn mùa, hoa thơm trái lạ, muông thú sinh sôi, con người mang nặng dấu ấn của thiên nhiên. Do vậy phương ngữ Nam bộ có nhiều tiếng đầy ắp hình tượng, “lôi cổ” thiên nhiên vào cuộc: Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày không vắng mặt hình tượng cụ thể lấy từ những con những cây hay vật dụng: “uống mật gấu – mật gấu đắng khinh khủng, uống là rất liều, dai như trâu đái- đúng là con trâu đi tiểu khá lâu vì nhiều; Tức hơn bò đá; Nhát như thỏ đế- ai có thời chơi dế hẳn rõ điều này và hiểu đối tượng nhát thấy ớn; Ăn như xáng múc- cái gầu múc cả thước khối đất thì ăn chi mà dữ thần vậy cha? Làm như lục bình trôi – lờ đờ, chậm rãi, ò ơ dzí dzầu tức…làm biếng! Quá trời quá đất- trời cao đất rộng còn thua nữa đó v.v”.. Đến việc lấy vợ chồng là hệ trọng, bên cạnh bao nhiêu từ ngữ hoa mỹ, nên thơ như: kết duyên, kết tóc xe duyên, kết bạn trăm năm…, thế mà người ta vẫn thêm một từ rất chi bất ngờ, đến mức ngạc nhiên: “đụng”.

Chồng chéo thì vợ cũng chèo/ Hai đứa cùng nghèo lại đụng với nhau” (ca dao). “Tôi đụng má nó trong một chuyến đi buôn”, không dung tục mà giàu hình tượng. Lời nói thiếu hình tượng và so sánh là lời nói thiếu sức mạnh, thiếu sắc thái, nghèo nàn. Phương ngữ làm nhiệm vụ sáng tạo hình ảnh một cách tích cực và có hiệu quả hơn ngôn ngữ phổ thông toàn dân hay ngôn ngữ văn học chuẩn mực.

Sông ngòi chi chít gắn bó bao đời với sinh hoạt của con người, không những có tên gọi chung như sông, ngòi, mương, máng, lạch, kênh, ao, hồ… mà còn thêm rạch, xẻo, xép, ngọn, rọc, dớn, láng, lung, bung, búng, bưng, biền, đưng, đầm, đìa, trấp, vũng, trũng, rỏng, tắc, gành, xáng, v.v.. Về sự chuyển động của dòng nước, người ta không những phân biệt nước lớn (thủy triều đâng) và nước ròng (thủy triều hạ) mà còn thêm nhiều từ ngữ khác như: nước ròng, nước kém, nước trồi, nước dềnh, nước sụt, nước giựt, nước bò, nước nhảy, nước đứng, nước nằm, nước chừng, nước nhửng, nước ương, nước chết, nước sát, nước rặc, nước quay v.v.. Những phương tiện đi lại trên sông nước cũng thật phong phú muôn màu muôn vẻ, phương ngữ tỏ ra có khả năng diễn đạt nhưng khái niệm đa dạng, nào là ghe bầu, ghe bầu nóc, ghe be, ghe cà vom, ghe chài, ghe cui, ghe cửa, ghe giàn, ghe hầu, ghe lồng, ghe lườn, ghe ngo, vỏ lải, tắc rán, tam bản, ba lá v.v… Rồi đến các loại động vật sống ở sông nước cũng thật nhiều loại, thậm chí trong cùng một loại cũng được thông qua ngôn ngữ mà phân biệt nhau rất tỉ mỉ, chẳng hạn con tôm có: tôm bạc, tôm càng, tôm châm, tôm chấu, tôm chì, tôm gọng, tôm hùm, tôm kẹt, tôm lóng, tôm lứa, tôm mắt tre, tôm quỵt, tôm rồng, tôm sắc, tôm sú, tôm thẻ, tôm tích, tôm tu, tôm vang, v.v.. Thật hết sức phong phú!

Giàu tính cụ thể trong phương ngữ Nam Bộ là nguồn phát triển của kho từ vựng ngày thêm phong phú, giúp cho tư duy của con người thêm chính xác. Tính cụ thể trong phương ngữ không làm nghèo đi tính khái quát trừu tượng vốn có của ngôn ngữ, ngược lại, chúng được phát triển song song, Ví dụ, để miêu tả lớp trẻ em hư hỏng, lạc loài và bị ruồng bỏ trong xã hội hếu,, không cần phải dài dòng liệt kê và mường tượng ra các chi tiết tính cách của nó, mà chỉ dùng hai tiếng “bụi” và “đời” rất ư nôm na quen thuộc, kết hợp lại thành một từ “bụi đời” là có đủ sức vừa cụ thể hóa vừa khái quát hóa cái khái niệm phức tạp nói trên. Phải chăng tình hình tượng, tính so sánh và tính cụ thể đều được phản ánh qua từ “bụi đời” ấy. Từ đó có thể chắc đến những từ khác như: chịu chơi…

4. Giàu tính cường điệu

Cường điệu và khuếch đại trong ngôn ngữ không đồng nghĩa với nó trong cuộc sống, không phải bốc đồng, làm to chuyện một cách vô lý. Tính cường điệu và khuếch đại trong ngôn ngữ phục vụ mục đích tâm lý của con người luôn sống cởi mở, lạc quan và hướng về cái lớn, muốn nhấn mạnh những gì mình yêu thích hoặc chán ghét một cách rõ ràng, dứt khoát. Cường điệu trong phương ngữ Nam Bộ mang tính hình tượng, so sánh và cụ thể như đã nói ở trên, do đó có những từ ngữ được cấu tạo thật gần gũi quen thuộc nhưng cũng thật bất ngờ, thú vị: cao trật ót – cao ngất nghểu đến mức phải ngẩng cổ nhìn thẳng lên làm cho gáy cổ như bị gập lại; no lòi bản họng – đã no tràn ra ngoài miệng rồi, có đâu ăn thêm vào được nữa; đói queo râu – đói mờ mắt là chuyện bình thường có tính lô gíc, khi quá đói thì nơi thể hiện nhanh nhạy và rõ ràng sự thay đổi – con mắt – sẽ không còn tươi sáng hoạt bát, còn đói mà liên hệ đến bộ râu thì thật bất ngờ thú vị, người không có râu cũng vẫn bị đói queo râu như thường, một lần nữa cái cụ thể nằm trong sự khái quát. “Tức cành hông, rầu thúi ruột, sợ thót dái, cay té đái, muồi rụng rún…” đều như thế. Khi nói đến mức độ của cái nghèo, nghèo lắm lắm, tiếng Việt phổ thông có các từ: nghèo xơ xác, nghèo rớt mồng tơi, nghèo không có đồng xu dính túi…phương ngữ Nam Bộ còn thêm “nghèo mạt rệp”, và bất ngờ thay “nghèo không có đồng xu cạo gió, nghèo không có hột thóc nhổ râu, nghèo cháy nóp…” thì thật là nghèo hết biết, mà vẫn đượm vẻ lạc quan hóm hỉnh.

Cường điệu, khuếch đại là một biện pháp tu từ thường có trong ngôn ngữ: ăn như điên, ngủ như chết, nói nhanh như gió, gắt như mắm tôm…nhằm tăng thêm hiệu quả diễn cảm của ngôn ngữ. Nhìn chung, ở phương ngữ Nam Bộ, tính cường điệu, khuếch đại được sử dụng nhiều, độc đáo, mang tính mộc mạc, chất phác, không ngoa cách, tạo nên một trong những sắc thái đặc thù của phương ngữ Nam Bộ. Trong ca dao dân ca Nam Bộ, tính cường điệu, khuếch đại được vận dụng phổ biến, có phần táo bạo, gây nhiều cảm xúc:

Anh than như một tiếng nát miễu xiêu đình.
Cây huệ kia đang xanh lại héo, cá ở ao huỳnh vội xếp vi.
Ra về ruột nọ quặn đau
Sắc sâm mà uống mấy tàu chưa nguôi.

5. Giàu tính dí dỏm, hài hước

Ngôn ngữ là công cụ để tư duy, cũng là phương tiện để diễn đạt cảm xúc, cá tính của con người. Lời nói mang tính trí tuệ và cũng mang màu sắc tình cảm. Ngoài ngôn ngữ, một số tín hiệu khác cũng có khả năng biểu đạt một ý nghĩa hay tình cảm nhất định nào đó, ví dụ tiếng tu huýt của anh công an trên đường phố, của người trọng tài trên sân banh; đèn xanh đèn đỏ trên các trục đường…, hoặc ngoại hình cơ thể như nét mặt, động tác chân tay có thể diễn đạt được phần nào sự vui sướng hay buồn nản, âu yếm hay tức giận. Nhưng chỉ có ngôn ngữ mới có đủ khả năng diễn đạt và truyền đạt trọn vẹn ý nghĩa và mọi sắc thái tình cảm. Vì vậy, tính cách, cá tính của con người như thế nào thì lời ăn tiếng nói của họ cũng có phần như thế ấy. Người vui tính, thích dí dỏm thì ít khi họ khệch khạng, nói những lời trịnh trọng thiếu chất gây cười.

Người dân đồng bằng Nam Bộ cũng sống với một tâm hồn sâu lắng, man mác, một nội tâm kín đáo, sâu thẳm, một suy tư trăn trở, khắc khoải, những nỗi buồn da diết:

Ru con con ngủ cho rồi
Mẹ ra chỗ vắng mẹ ngồi than thân
(ca dao)

Bên cạnh cái sâu lắng đó, người dân Nam Bộ sống nổi bật với một tinh thần lạc quan, sôi nổi, cởi mở, thích trẻ trung, dí dởm. Phải chăng trên bước đường “tha phương cầu thực”, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt buổi đầu và sự áp bức của kẻ thống trị trước đây, con người không khỏi buồn nhớ đến quê hương, và có gì đâu để mà vui thú. Nhưng ngay trong nghịch cảnh, con người chiến thắng đâu phải chỉ có sức mạnh của đôi tay, mà còn có cả sức mạnh của lòng tin và nụ cười. Rồi cuộc sống đã bù đắp lại cho họ những thành quả mà họ đã làm ra. Đủ ăn đủ mặc, của dư của để, giao lưu gần xa, giải trí du hí với những sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc dân gian, lòng người cùng thiên nhiên và cảnh vật phơi phới, mỗi ngày một vui hơn. Với con người đó, tình cảm đó, lời ăn tiếng nói cũng mang lấy chất trẻ trung, tươi vui. Người ta gọi nhau, nói với nhau một cách tao nhã là “bạn rượu”, thân mật bình dân hơn là “bạn nhậu”, “bợm nhậu”, vẫn chưa có chất vui trong ấy, phải thêm cái tên “bạn ve chai” hay “hội ve chai” mới chịu. Tỏ tình với người yêu là chuyện tế nhị, bay bướm, thế mà lời lẽ của họ thật hồn nhiên, ngộ nghĩnh:

Con ếch ngồi dựa góc bừng
Nó kêu cái quệt biểu ưng cho rồi
(ca dao)

Cô gái nào nghe mà chẳng cười, chẳng thấy…thương. Tính hài hước, dí dỏm trong phương ngữ Nam Bộ đi đôi với tính giản dị, mộc mạc, gây nên cái cười, cái vui tự nhiên, thoải mái. Trau chuốt, bóng bẩy có cái đẹp riêng của sự gia công gạn lọc, nhưng trong cuộc sống sinh động nó thường dễ bị khuôn sáo, gượng gạo và xa cách với người bình dân chất phác. Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, trong ngôn ngữ thành văn của phương ngữ Nam Bộ, đâu đâu ta cũng thấy toát lên tính tươi vui, dí dỏm, có cái bộc trực, có cái vui ngầm:

Hột châu nhỏ xuống kẹt rào
Thò tay em lượm, phụ mẫu chào, em buông
(ca dao)

6. Giàu biểu cảm, chú trọng mức độ tình cảm hơn tính lô gích

- Ạch đụi, xịch đụi, lụi đụi, lụi hụi…cái vần “ui” với dấu nặng ấy có vẻ gì như vất vả nặng nề. Người ta dùng nó trong nhiều nghĩa cảnh khác nhau, nhưng nghĩa chính là “ì ạch”. Lại còn nhấn mạnh bằng cách láy có thêm tiếng “cà” nghe càng trắc trở, chậm chạp: cà ạch cà đụi, hoặc lúi húi lụi hụi, lúi đúi lụi đụi…

- Để chỉ mức độ cao, đã có những từ như: rất, lắm, quá, vô cùng, hết chỗ nói… nhưng phương ngữ này vẫn tạo thêm nhiều từ riêng của mình để lột tả hết ý mình muốn nói: “quá tay, quá sá, quá trời quá đất, quá cỡ thợ mộc, hết sảy, tản thần, tràn đồng, tùm lum tà la, tứ tung binh tàng…” vừa để một phần nhấn mạnh ý nghĩa, vừa chủ yếu biểu đạt tâm lý của con người. Từ đó tạo ra khá nhiều từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa. Tương đương với hai từ “mềm xèo” và “mềm nhũn”, phương ngữ Nam Bộ có thêm các từ” “mềm èo, mềm ẻo, mềm lũn, mềm lụn, mềm mủm, mềm múm, mềm mụm, mềm múp, mềm mụp, mềm xủm, mềm xúm, mềm xụm….” Những tính từ khác như trắng, giòn, ngay, thẳng…cũng đều có thể gắn thêm nhiều phụ tố chỉ mức độ như trường hợp trên. Trắng hếu, giòn rụm. ngay đơ, thẳng một lèo, thẳng thớm…

Để chỉ khái niệm “thấm thoát, mới đó mà…”, phương ngữ này có rất nhiều từ đồng nghĩa như: lúi húi, lụi hụi, lụi đụi, lớ quớ, lầy quầy, lần quần, lẩm rẩm, léo téo, léo xéo, lẹt xẹt…., thậm chí lẽo đẽo, lớn tớn, lẹo tẹo, lạch ạch, lạch chạch, lạch xạch, lẫm đẫm, láng cháng, lẹt đẹt, ạch đụi, xịch đụi, xớ rớ… cũng đều mang ý nghĩa này: “ Xớ rớ đã đến tuổi lấy chồng rồi”. Hai từ “ăn” và “chết” trong tiếng Việt có rất nhiều từ đồng nghĩa và gần nghĩa, cộng thêm các biến dạng địa phương nữa thì con số từ đồng nghĩa và gần nghĩa cũng sẽ rất lớn. Trả tiền vé xe đò thường hỏi “Chú ăn nhiêu” dù chả có ai bỏ tiền vào miệng nhai!

Từ “khỏi” được dùng dưới dạng phong cách địa phương có thể tạo ra một sức biểu cảm mạnh hơn so với “không cần”, “chả cần”:

- Cháu định về giúp bác Tư...

- Khỏi.

Từ cảm: thán từ, ngữ khí từ mang rõ màu sắc địa phương. Ở đầu câu có các từ: Chèn ơi - chèn đét ơi, mèn ơi - mèn đét ơi, ác hôn, úy, ậy... Ở cuối câu thì có các từ: nghen - nghén, hen - hén, héo, é, á, mừ, đa, cà, nà, hà, há, lận. Mỗi từ mang một sắc thái tình cảm riêng. Vận dụng từ cảm cho đúng chỗ có khi khó hơn các loại từ khác.

- Trời đất quỷ thần! nhiều quá .

- Mèn ơi! Nhiều quá .

- Con hổng có ăn mừ, nó ăn á.

7. Giàu tính bình dân, giản dị, mộc mạc

Phương ngữ Nam Bộ không phân chia đẳng cấp, sang hèn, nó hòa đồng chung trong mọi tầng lớp nhân dân, lấy lời ăn tiếng nói của người lao động chân chất, luôn chuộng thực tế, không hay phù phiếm chải chuốt làm gốc. Kẻ có học, người thất học, kẻ giàu người nghèo, kháu nhau ở tri thức, tiền của, không khác nhau ở cách nói. Lời nói hằng ngày, văn chương trên giấy không cách xa, không phải không biết mà không quen chải chuốt bóng bẩy văn hoa. Cốt cách vẫn là tính bình dân, giản dị, mộc mạc từ trong cuộc sống, tình cảm đến ngôn ngữ. Gọt giũa là nhằm làm cho câu văn mạch lạc, trong sáng, không gọt giũa bằng cách loại bỏ cuộc sống muôn màu muôn vẻ của các từ. Lời nói của người lao động có sức diễn đạt mạnh mẽ, nó đơn giản về cấu trúc, song đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung, không gò bó, khuôn sáo, mà được tự do bộc lộ, phát triển đến tận cùng.

Anh về em nắm vạt áo em la làng
Phải bỏ chữ thương chữ nhớ giữa đàng cho em

IV. PHÂN LOẠI PHƯƠNG NGỮ NAM BỘ

Tiếng Việt khi vào tới Nam bộ đã trở nên phong phú hơn so với khi còn ở cái gốc của nó. Người miền Nam ít nói những câu nhiều mệnh đề, mà câu cũng không mấy khi dài. Câu thường ngắn, gọn và khi phát âm thì thỏai mái phải là...cái vốn. Ở đây hiếm có những câu khúc khủyu lắt léo giống tiền đạo đi bóng, như “Nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch” ấy là tại cái tính người Nam bộ không ưa câu thúc, tự do phải có ngay cả trong cách nói thường ngày trong mọi bối cảnh

Ổng, bả, ảnh…Qua/em; Má sấp nhỏ ( thay vì nhà tôi), Tía/ Bố, Má/ Mẹ- U, Dượng ( chồng của cô hay của dì) / chú, bác…

  1. Phương ngữ dùng để gọi địa danh: Không cầu kỳ, thôi thì cứ lấy ngay một đặc điểm cụ thể ( người hay địa hình) tại chỗ làm địa danh: Xóm Củi, Cây Mai, Ba Giồng, Thủ Dầu Một, Thủ Thừa, Bến Tre, Bà Điểm, Thị Nghè, cầu Tham Lương, cầu Voi (đúng ra là Doi đọc sai và viết sai?)….Miệt ( vùng, khu ?) vườn, Cục đất ( người Cà Mau gọi mảnh đất)

  2. Phương ngữ để gọi tên người: đặt tên con theo thứ, từ “hai” cho đến “út” và út một, út...mười mấy trở về sau. Cách gọi này cốt ở tiện dụng và tránh được kiểu đặt tên vì thâm thù giữa các dòng họ trong làng với nhau. về họ, có đọc chệch vì kỵ húy nhà Nguyễn : Hùynh/Hoàng, Bông / Hoa, Kiểng/ Cảnh, Kiếng/ Kính…

  3. Phương ngữ liên quan đến ăn uống: Cái chén/ bát, tô, ly, dĩa, Lai rai ba sợi, Làm một bụng, Nhậu, Muỗng / thìa…Có điều, trong cuộc sống, người Nam bộ không nói cái Đọi ( cái chén) nhưng khi “nói chữ’ thì vẫn “Ăn một đọi, nói một lời” để chỉ sự không nói hai lời tức nói xạo.

  4. Phương ngữ chỉ về tính cách: Ba trợn, ba xạo, ba lơn, cà chớn, cà giựt, cà nhõng, cà rịch cà tang..., nhưng không hiểu vì sao, khi chỉ tính cách, hành vi, tình cảnh…của một ai đó, người ta thường có những tiếng đôi, trong đó có một hư từ dùng trong nhiều trường hợp. “Cà” là một ví dụ. Cà rịch cà tàng như chiếc xe, cái máy cũ kỹ trông ọp ẹp thiểu não làm sao! Cà chớn, thì chính là một người lông bông, tính tình không nghiêm túc, khó lòng tin tưởng giao phó một việc gì, giao con gái cho thì càng không. Cà giựt cũng một dạng ấy nhưng nhẹ nhàng hơn, chỉ một tính tình hay thay đổi sáng nắng chiều mưa, nhẹ hơn nhưng cũng khó tin tưởng trong công việc cũng như mọi giao dịch khác. Cà rỡn là người hay bông đùa khó biết lúc nào là thật khi nào là dỡn. Người Cà nhõng không chí thú làm việc gì, đi rông là chủ yếu, lang thang chuyện nào cũng ghé, không cái gì ổn định. Và “Ba” là một thí dụ thứ hai. Ba xạo là một tính cách nặng, thích bốc phét sai sự thật, hay thất hẹn nhưng hình như không có ý lừa gạt ai? Người Ba lơn là người hay bông đùa, có phần vui vẻ quá mà không được đặt nhiều tin tưởng. Ba hồi hình như hơi tưng tửng, lúc vầy lúc khác, như anh chàng chồng khi hay đánh vợ có lúc lại rất ư tử tế. Lai rai ba sợi, Ăn ba hột cơm, Ba cái chuyện lẻ tẻ đó…cũng lại phải ghép với “Ba” mới thành, nhưng “Ba”, “Cà” có nghĩa là gì? Phương ngữ Nam bộ có những cái thật dễ thương nhưng không dễ giải thích. Ngày nọ ra tiệm chạp phô đầu đường mua một ít đồ. Gặp khách hàng quen, người này hỏi “Ủa, chớ bộ nhà anh ở khu này hả?” Chưa kịp trả lời thì chị chủ quán hồn nhiên nói “ Thẩy d z ớ i tôi đâu đít d z ớ i... n h a o “!.Thì ra là gần gũi thân thiết đến vậy, không thân làm sao “đâu đít” được với nhau?. Về ăn chơi có mùi anh chị thì... Dân chơi cầu ba cẳng, Cô hồn các đảng, Dóc, Đía, Trật búa, Trật bàn đạp, Lóc chóc, Xí xoọng...

  5. Những từ do pha trộn tiếng nước ngoài: Số dzách, Chà Và, Chế, Xập xí xập ngầu, La dze, Rề -sô… Một số từ chỉ dùng giới hạn trong một cộng đồng nhỏ của người Minh hương (Tiều). Cụ Lê Ngọc Trụ có nói tiếng Việt (có lẽ là phương ngữ miền Nam ) có tới 60% là gốc Tàu. Nhưng nó đã biến thanh tiếng Ta rồi.Và ông Tiều đã Việt hoá tới mức ngâm ca dao Việt :

Chim kêu Ngồ Ố, Láng Dài
A hia tùa bố, A mùi ùm chai

Từ đi đứng, ăn ngủ, làm ruộng, buôn bán, chơi bời... đều tràn ngập tiếng Tiều: Bò Bía ( hoặc Bao bính =bánh bao ), Xí quách ( chư cốt = xương heo ), Tả pín lù (đá biên lô ), Khui ( khai = mở ), Hên xui ( hưng xuy ), Bưng ( bưng biền, có khi phiên Beng ), Bế ( đóng bao, đóng vào thùng...), Bán xa cạ ( bán tất cả cùng một giá ) Bắt kế = thắng yên ngựa ( trước đây tôi tưởng là bắt kế mỹ nhân, ai ngờ gần đây đọc cụ Vương Hồng Sển mới hiểu. nó cho rồi! Chữ “xù” này có người “tám” là có từ khi lính Mỹ vào VN thôi. Chính là biến dạng của “Cancel” (?).

Cái này nhỏ tí nị … chính là phiên âm của tiếng Anh “tiny”

Cái này bự bành ky … chính là phiên âm của “bulky”. Có người nói “Cần Thơ / Cần Giờ / Cần Giuộc...đều là “anh em” với Kan Dal của tiếng Khmer!

6. Những tiếng chưa lý giải được: Không hiểu vì sao và bằng cách nào mà con lợn (từ miền ngoài) khi vào tới Nam bộ nó lại được cải tên thành heo. Và tuy nói heo nhưng người nội trợ khăn rằn lại làm bánh da lợn, cũng chưa biết vì sao miền ngoài nuôi lợn nhưng lại nói toạc móng heo khi cần lột trần một điều gì đó! hột gà/ trứng, o mèo, nói con heo nhưng lại có bánh da lợn. Đèn cầy/ nến, Mùng / màn, Mền/ chăn. Và thật khó hiểu, khi lên đường vào phương Nam những người miền ngòai hẳn đã biết Ghe là một tiếng tục chỉ bộ phận kín của phái nữ thế mà tại đất mới, Ghe lại trở thành vật thân thiết với con người là phương tiện giao thông thủy làm bằng gỗ! Tương tự, tiếng Địt chỉ hành vi đực-cái nhưng chẳng hiểu vì sao vào tới đây nó lại thành Trung tiện tại Nam bộ! (mèo chuột)

V. TỪ KHẦU NGỮ ĐẾN VĂN HỌC

Phương ngữ Nam bộ vốn là khẩu ngữ dùng rộng rãi trong dân gian nhưng khác với phương ngữ miền ngoài, nó không dừng lại ở vị trí khẩu ngữ mà đi tới thàng ngôn ngữ văn học không chút e dè. Và không phải chỉ có mặt trong văn học thời các cụ, nó đi suốt cho đến những trang viết của cả những nhà văn trẻ có tên tuổi của ngày hôm nay.

1. Bài thơ Cây bần của Bùi Hữu Nghĩa (vài dòng TS)

Lá xanh tơ liễu nhành thưa thớt,
Bông bạc dường mai, nhụy sượng sần.
Quyến luyến bầy cò theo sập sận.
Chiều quy đàn khỉ tới dần lân.

Và Văn tế vợ

“Hỡi ơi! Xưa nay đặng mấy người trọn vẹn, phận sắc tài hằng phải luỵ cái thân; Vợ chồng mà ghe nỗi mặn nồng, cơn sanh tử ỷ khôn ngăn giọt lệ. Từ thuở bậu vầy duyên can hệ, may mắn nhờ đủ mẹ đủ cha, thời em nâng niu dâng quỳ xẻ áo, thảo mẹ cha không nửa khắc lãng xoa; Từ ngày anh mắc chốn gian truân, tơi bời có một vợ một chồng, thời em đặng đột buôn tảo bán tần, niềm chồng vợ ấy cũng đã phu phỉ.

2. Nguyễn Đình Chiểu có những câu:

Tướng quân còn đó, các nơi đạo tặc thảy kiêng dè,
Tướng quân mất rồi, chỗ nghĩa binh thêm bái xái
Mấy dặm non sông đều xửng vửng
Nạn dân ách nước dễ ai toan.

Trong Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã dùng khá nhiều từ địa phương làm nổi lên phong cách ngôn ngữ của ông.

- Trực rằng: đã đến nỗi này,
Tiểu đồng bậu hãy làm khuây giải phiền...

- Nói rồi quày quả ra đi,
Vân Tiên xem thấy càng ghi trong lòng...

- Đương khi mưa gió luông tuồng,
Người buồn lại gặp kiểng buồn khá thương...

- Lần hồi đến chốn giang trung,
Tìm thuyền ta sẽ tháp tùng với nhau...

3. Trích văn Hồ Biểu Chánh: “Lê Văn Đó thấy nhà giàu cơm ăn không hết lại còn mời khách mà đãi thêm tới ban đêm, rồi nhớ tới nhà mình nghèo khổ, đèn không dầu nên tối mò, mẹ đau không thuốc nằm chờ ngày chết, sắp cháu đói bụng rên khóc vang vầy, thì tức tủi trong lòng, quyết bước vô mà cậy nhà giàu này một vài giạ lúa đem về cho gia quyến ăn, đợi năm tới thuận mùa rồi làm mà trả lại.
Nhà này là nhà ông bá hộ Cao ở Giồng Nâu. Bữa ấy là bữa ông nhóm họ đặng cưới vợ cho con, nên mới dọn cỗ bàn mà đãi thân bằng quyến thích.
Lê Văn Đó ở ngoài xăm xăm đi vô đứng ngay cửa cáingó. Khách trong nhà mắc ăn thịt uống rượu, mắc nói nói cười cười, không ai để ý tới ngoài sân, nên không ai thấy nó....”.

4. Bình Nguyên Lộc

5. Lê Xuyên

6. Trích văn Nguyễn Ngọc Tư

VI. VÀI DÒNG VỀ TIẾNG LÓNG VÀ NÓI LÁI NAM BỘ (sơ lược)

VII. KẾT LUẬN – HOẶC BÀI BẠT