Xa quạt

Đây là dụng cụ dùng để giê lúa được dùng ở nông thôn trước đây, nay khó mà tìm thấy nữa. Tôi nghĩ trước năm 2000 vẫn còn xài dụng cụ này.

Xa quạt dùng để giê lúa, bỏ lúa lép lấy lúa chắc khi lúa được phơi khô, chuẩn bị cho vào bồ.

Xa quạt gồm có một cái mâm đựng lúa hình quặng, phía dưới đáy quặng có hình vuông gắn vào cái xa quạt, được điều chỉnh bằng hai miếng gỗ để cho lúa xuống nhiều hay ít. Lúa từ cái quặng đó sẽ chảy xuống hai cái hộc phía dưới khi quạt, tất nhiên lúa chắc nặng hạt hơn sẽ chảy vào hộc phía trong gần quạt, và lúa lép sẽ chảy ra hộc phía ngoài. phía trên hai hộc này là chỗ bụi bặm hoặc rác bay ra ngoài.

Thùng chứa quạt hinh tròn, được đặt trên một khung gỗ có chân cao vừa tầm người đứng. Giữa thùng quạt là một trục quay được gắn ngay tâm của thùng quạt, có tay quay bằng thép. Phía trong trục là bốn cánh quạt hình vuông, khi tay quay khởi động thì bốn cánh quạt này quay theo chiều kim đồng hồ. Còn có hai cây gỗ vuông dài hơn 2m nằm cặp theo chiều ngang của xa quạt, dùng như hai cây đòn để khiêng xa quạt.

Tất cả các bộ phận của xa quạt được đóng bằng gỗ tốt, rất chắc, trừ tay quay bằng thép và cánh quạt bằng tôn.

Do chiều cao khoảng 1,5m nên những người đàn ông có thể dùng thúng xúc lúa đổ lên cái quặng dễ dàng. Khi nào quạt, miệng quặng được mở ra từ từ cho lúa xuống cùng lúc với tay quạt đã bắt đầu quay.

Đến khi tôi biết làm việc này, trong nhà chỉ có má tôi, đứa em và tôi. Nhà tôi không có xa quạt nên mỗi lần muốn giê lúa, tôi phải nhờ người phụ khiêng về nhà và chỉ mượn được một hay hai ngày vì vào mùa thu hoạch ai cũng cần đến xa quạt.

Nếu mượn trúng xa quạt bằng gỗ tốt thì hai người khiêng không nổi, phải bỏ cái quặng cho nhẹ bớt.

Mang xa quạt về nhà, đợi xế chiều bớt nắng là công việc giê lúa bắt đầu. Phải có đủ ba người công việc này mới tiến hành trôi chảy đươc, một người giữ tay quay; một người xúc lúa đổ lên quặng, và một người hứng lúa chắc đổ một nơi và mang lúa lép đổ gọn một nơi khác.

Má tôi có nhiệm vụ quay, phải quay đều tay, không nhanh cũng không chậm quá, để hạt lúa chắc xuống đúng cái hộc thứ nhất. Tôi có nhiệm vụ xúc lúa bằng cái thùng đựng nửa giạ lúa. Lúc ấy tôi còn thấp nên phải dùng cái ghế đẩu đứng lên mới đổ lúa vào quặng, lắm lúc mất thế lúa đổ ra ngoài là bị rầy ngay. Em tôi bưng lúa chắc đổ vào chiếc đệm, khi nào quạt xong sẽ đưa vô bồ.

Cứ thử nghĩ, bạn phải xúc 200 thúng lúa leo lên leo xuống để đổ lên cái quặng suốt buổi, bạn thấy sao? Nội nghĩ đến chuyện đó không thôi cũng đủ tối tăm mặt mũi rồi, đừng nói gì bắt tay vô làm.

Thường quạt lúa bắt đầu từ xế chiều kéo dài cho đến lúc trăng lên. Nếu không có trăng phải đốt đèn măng xông mới thấy đường làm.

Tôi ớn nhứt là bụi lúa làm xót cả người, càng làm đổ mồ hôi càng xót, ngứa ngáy chịu không nổi. Đã vậy, quạt xong còn phải chuyển lúa vào bồ, có khi đến nửa đêm mới xong.

Bây giờ lúa bán ngay ngoài ruộng chỉ đem chút đỉnh về ăn, nên việc phơi lúa, quạt lúa, giê lúa chỉ còn là chuyện quá khứ.

Dù sao, trong một thời gian rất dài, xa quạt đã giúp cho việc bảo quản hạt lúa tốt hơn.

Những người hàng xáo mua lúa xay gạo bán hoặc cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu giờ được trang bị máy móc như máy sấy lúa, quạt thổi lúa lép, mà lúa ba vụ không bị lép nhiều như hồi xưa...

Giờ đây chiếc xa quạt lùi vào dĩ vãng, trở thành món đồ cổ, may ra chỉ xuất hiện trong phim ảnh mà thôi.