Nụ cười phương Nam

Vào những thập kỷ cuối thế kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17, người dân Việt từ miền ngoài, vì cuộc sống tại địa phương quá cực khổ, vì bị quan lại chèn ép, vì trốn tránh vùng đất chiến tranh triền miên giữa các dòng họ hay giữa đám quần chúng bị chèn ép với bọn quan lại của triều đình hay vì phạm tội với triều đình muốn tìm nơi ẩn thân... đã lần lượt tìm vào sinh cơ lập nghiệp tại vùng đất phương Nam, xưa gọi là xứ Đồng Nai, thời Gia Long gọi là Gia Định Thành, đến năm 1832, Minh Mạng gọi là Nam Kỳ hay Nam Kỳ Lục Tỉnh...ngày nay chúng ta gọi là vùng Đồng Nai - Cửu Long.

Những thế hệ lưu dân đầu tiên khi đến đây đã phải đương đầu với một vùng sình lầy hoang vu đầy bất trắc. Ra đi từ một vùng đất đã qua bàn tay khai thác của con người hàng ngàn năm, nay phải định cư trên một vùng đất mà bóng dáng của những con người bản địa - người Khmer, người Chăm - chỉ xuất hiện thưa thớt trên những giồng đất cao, họ cảm thấy mình cô đơn và lo sợ giữa một thiên nhiên bao la, mọi âm thanh dù nhỏ nhặt đến đâu cũng đều khiến cho con người cảm thấy bất an:

Tới đây xứ sở lạ lùng,
Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh.

Ngoài việc phải đương đầu với lam sơn chướng khí, những lớp lưu dân đầu tiên này còn phải đương đầu với mọi loại thú dữ từ hùm beo đến cá sấu dưới sông rạch chảy chằng chịt dưới những cánh rừng tràm, rừng đước, rừng lá bạt ngàn:

-Cà Mau khỉ khọt trên bưng,
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um

-Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,
Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma

-U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua.

Đó là chưa kể đến cảnh muỗi mòng, vắt đỉa mà cho đến tận những năm sau này, những vùng sình lầy vẫn còn đầy rẫy vắt đỉa, muỗi mòng:

Xứ nào bằng xứ Cạnh Đền
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lền như bánh canh!

Tuy nhiên, một điều may mắn đã cầm chân được nhiều thế hệ lưu dân Việt vì vùng đất phương Nam này quả là một nơi được thiên nhiên ưu đãi:

Gió đưa, gió đẩy, về rẫy ăn còng,
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua.

Hay:

Ai ơi! Về miệt Tháp Mười
Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn.

“Lúa trời” ở đây là những vạt lúa mọc hoang mà dân chúng còn gọi là “lúa ma”.

Chính vì được thiên nhiên ưu đãi như vậy, lại nhờ bàn tay cải tạo của con người qua hàng trăm năm, vùng đất phương Nam này đã trở nên quyến rũ không ít:

Rau đồng nấu với cá trê
Ai đến Lục Tỉnh thì mê không về.

Đây là vùng đất kỳ lạ đào tạo nên một lớp lưu dân Việt mới, khác với tổ tiên của họ ở vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thanh Nghệ Tĩnh hay vùng Ngũ Quảng khi mới vào phương Nam lập nghiệp. Sau hàng trăm năm vật lộn với thiên nhiên và thú dữ, lưu dân Việt mỗi ngày mỗi cứng cỏi hơn, kiên cường hơn. Sau hàng trăm năm sống chung đụng với các sắc dân Khmer, Chăm và Tàu, lưu dân Việt mỗi ngày mỗi cởi mở hơn và phóng khoáng hơn. Và từ đó, một bản sắc mới được hình thành mỗi ngày mỗi rõ nét hơn.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm đã đưa ra một nhận định tổng quát về người dân đất phương Nam này:

“Đây là vùng đất mới, có nhiều sắc dân định cư ở đây, đất rộng mênh mông, sông dài chằng chịt, rất dễ sinh sống, có cơ hội và điều kiện để khai khẩn và làm giàu, xa cách hẳn cái nôi văn hóa gốc (Thăng Long) lại va chạm với nhiều văn hóa khác (Chàm, Miên, Triều Châu/Trung Hoa), và không bị chặt chẽ kiểm soát bởi chính quyền trung ương (triều đình Huế). Hoàn cảnh đó là điều kiện đưa tới sự thành hình của một tâm hồn cùng với nền văn hóa “Nam Kỳ” mà xưa nay người ta thường gọi. Tự do, phóng khoáng, rộng rãi, chất phác, quê mùa, thẳng ruột ngựa, nghĩ sao nói vậy, giản dị, không bóng bảy, không cầu kỳ kiểu cách, không che đậy giấu giếm, không quan liêu bảo thủ, có tinh thần dung hòa, tổng hợp, dễ chấp nhận những cái mới lạ,...đó là một số những đặc tính của con người và nền văn hóa Nam Kỳ Lục Tỉnh.”[1]

Đời sống, nói chung, tuy có vất vả, nhưng so với tổ tiên họ ở miền ngoài, hay những thế hệ đến trước còn phải chịu nhiều vất vả hiểm nguy, họ vẫn thấy đời sống của họ sung sướng hơn nhiều. Hơn thế nữa, so với miền ngoài đất chật người đông, đất phương Nam quả là vùng đất hứa - đất rộng mênh mông, người sống thưa thớt. Họ không phải tốn hao nhiều công sức như người miền ngoài để có miếng ăn.

Đời sống vật chất mỗi ngày mỗi thăng tiến, nếp sống tinh thần thoải mái đã tạo cho lưu dân Việt trên vùng đất mới phương Nam này nhiều tinh thần lạc quan yêu đời. Từ đó, ta thấy tiếng cười của lưu dân Việt như lúc nào cũng râm ran trên những chuyến đò dọc, những con đò ngang, lúc nào cũng rộn rã trên những cánh đồng hay khắp chốn bưng biền. Tiếng cười trên sông nước, trên đồng ruộng hay ngoài bưng biền đã dần dần đi vào ca dao.

Trước khi tìm hiểu về nụ cười của người phương Nam qua ca dao, chúng tôi xin mượn vài định nghĩa về loại văn chương gây cười trong văn học Việt Nam của Giáo sư Thanh Lãng: “...trào phúng là tả thế thái nhân tình để châm chích, chế giễu cái giở, cái rởm, thói hư tật xấu của người đời. Hài hước có hơi khác, thường khi không có ý châm chọc ai, mà chỉ có ý cười đùa suông” [2].

Đọc ca dao của người dân đất phương Nam ta bắt gặp nhiều câu không thể nhịn cười được. Cười thoải mái. Cười sảng khoái. Thích thú mà cười. Hồn nhiên mà cười. Cười không đắn đo. Cười không suy tính. Bởi lẽ, đây là những câu ca dao mang đậm nét hài hước. Rất đậm nét hài hước. Trong những câu ca dao mang tính hài hước nầy, tính châm biếm, nếu có, cũng thật nhẹ nhàng.

Chúng ta thử tìm đọc một số câu ca dao thuộc loại này.

Ông bà ta xưa có tục đa thê. Có nhiều nguyên do để thói tục này tồn tại lâu dài trong lịch sử. Trước hết, ngày xưa, các nhà điền chủ, giàu có “ruộng sâu trâu nái” muốn có nhiều vợ để quán xuyến công việc đồng áng khỏi thuê nhân công phải trả tiền công mà không tin tưởng bằng vợ, dù là vợ bé nàng hầu! Một nguyên do nữa là quan niệm về “nối dõi tông đường”. Người xưa thường bảo “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (có ba điều gọi là bất hiếu thì cái tội không có con nối dõi [vô hậu] là lớn nhất). Thế nên, khi người đàn ông, sau vài ba năm cưới vợ mà không có con trai, cha mẹ luôn hối thúc con trai kiếm vợ bé ; đôi khi ngay người vợ chính thức, phải tìm cách cưới vợ bé, nàng hầu cho chồng. Có nhiều gã đàn ông không giàu có như ai nhưng cũng vợ hai, vợ ba, đó là do cái duyên mà người đời thường bảo là người có số đào hoa.

Thế nhưng, anh chàng dưới đây muốn cưới thêm cô vợ nữa lại vì một lý do thiệt ngộ, không ai ngờ tới được bởi nó nằm ngoài mọi suy đoán thuận lý:

Anh đây một vợ hai con
Lấy thêm em nữa cho tròn một mâm

Thì ra anh chàng muốn cưới thêm vợ không phải vì bất cứ một lý do chính đáng nào mà chỉ vì anh muốn thêm người “cho tròn một mâm” cơm! Lý do lấy thêm vợ chỉ vì để cho tròn một mâm cơm và như thế nào thì được gọi là “tròn một mâm” chúng ta không biết! Có lẽ đến một lúc nào đó anh ta sẽ bảo: “Anh đây hai vợ, bốn con - Lấy thêm em nữa cho tròn một mâm” không chừng!

Quả là một nụ cười thật nhẹ nhàng đánh nhẹ vào chế độ đa thê!

Trong xã hội xưa, nhất là trong những thời kỳ trọng văn khinh võ, người học trò vẫn thường được các cô gái để ý và kén chọn:

Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà các anh chàng học trò không bị các cô chế diễu.

Ở miền Bắc:

Học trò thò lò mũi xanh
Cầm miếng bánh đúc chạy quanh nhà thầy

Ở miền Trung:

Học trò, học trỏ, học tro
Mới học ba chữ đà lo vét nồi

-Học trò đi học đà về
Cơm canh chưa chín ngồi trề môi ra.

Nhưng ở đây mới chỉ dám chòng ghẹo các cậu học trò còn thò lò mũi xanh!

Còn ở vùng đất mới phương Nam này, không một chút e dè, các cô đá thẳng giò lái vào mấy anh học trò lớn:

Gió nam non thổi lòn hang dế
Tiếng anh học trò mưu kế để đâu?

Câu hỏi nghe sao mà hóc búa. Có lẽ anh chàng đang bị một ai đó chơi trò thách thức và anh chàng đang lay hoay tìm cách gỡ thế bí. Cô nàng đi ngang thấy tình cảnh trớ trêu này bèn buông lời chòng ghẹo, đặt câu hỏi. Nhưng chàng ta nào phải tay vừa. Bị cô nàng bắt bí, trong khoảnh khắc chàng nhớ ngay câu chuyện ngụ ngôn “Trí khôn để ở đâu” giữa con cọp và anh thợ cày, chàng trả lời tỉnh bơ:

Mưu kế anh để ở nhà
Ai dè em hỏi để mà đem theo!

Nàng bỏ bụng nghi nan! Thôi em biết anh rồi. Anh mà học trò cái nỗi gì. Nàng cà khịa liền:

Thấy anh hay chữ
Em hỏi thử đôi câu
Chị dâu té giếng, anh nắm chỗ nào kéo lên!

A!, Cái cô này mới cắc cớ làm sao! Chắc là cô đã nghe đâu đó câu nói của người xưa “nam nữ thọ thọ bất thân” đây mà. Theo quan niệm của Tống Nho, người nam và người nữ không phải là vợ chồng với nhau thì không được đụng chạm vào thân thể của nhau. Ngay cả khi hai người đã có tình ý với nhau, họ cũng không dám chạm vào cơ thể của nhau, kể cả việc nắm bàn tay của nhau. Người nam làm điều này sẽ mang tiếng là người phóng đãng, người nữ làm điều này sẽ mang tiếng là gái lăng loàn! Thế nên, câu hỏi của cô gái đặt ra một trường hợp thiệt là nan giải. Biết làm sao bây giờ? À, mình đã có cách. Đây này:

Anh đây đi quanh về tắt
Thấy em hỏi gắt
Anh nói phắt cho rồi:
Nam theo nam, nữ theo nữ
Anh đứng làm người quân tử
Đâu dám lại gần chị dâu
Anh lấy cái thang thòng xuống bắc cầu cho chị lên!

Anh chạy tìm được cái thang chắc bà chị dâu đã uống nước đầy bụng và không chừng đã về chầu Diêm chúa rồi cũng nên!

Quả là một nụ cười nhẹ nhàng đột thẳng vào quan niệm “nam nữ thọ thọ bất thân” của Tống Nho!

Như vậy đó, người phương Nam có lối đả kích thật nhẹ nhàng, nghĩ cho kỹ mới thấy thấm!

Với nếp sống phóng khoáng, chân chất, người dân lục tỉnh không muốn bị ràng buộc bởi bất kỳ một thứ kỷ luật nào. Trải qua nhiều thế hệ, họ đã có nhiều thay đổi như lời nhận xét chí lý sau đây của giáo sư Nguyễn Thanh Liêm: “Sự lỏng lẻo của khuôn phép từ thế hệ này sang thế hệ khác đã tạo nên một nếp sống mới, một tính tình và nhân cách mới, rộng rãi và phóng khoáng với tâm hồn chân thật, chất phác, mở rộng để đón nhận những cái mới lạ hơn là khép kín để duy trì những cái đã có.”[3]

Sự thay đổi trong nếp sống, nếp nghĩ đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống tình cảm của người dân phương Nam.

Thử bàn về niềm thương nỗi nhớ.

Khi gần gũi nhau thì thương, khi xa cách nhau thì nhớ. Nhớ và thương là hai đặc tính tình cảm của con người đối xử với nhau. Đã là tình cảm thì nó vô hình. Nhưng, đối với người dân phương Nam thương và nhớ lại là một thực thể hữu hình:

Cởi cái thương trả phắt
Cắt cái nhớ cho rồi
Bao nhiêu lời nói những hồi
Bỏ vô nồi nấu, sôi rồi đổ đi!

Niềm thương có thể cởi ra được như cởi chiếc nhẫn để trả lại cho ai đó. Nỗi nhớ có thể cắt đi được như cắt một cục thịt dư làm cho con người mang nó cảm thấy khó chịu. Và ngay cả lời nói - những lời tình tứ hứa hẹn giữa hai người yêu nhau - cũng được bỏ vào nồi như bỏ một nhúm chè xanh, nấu lên cho sôi rồi để làm gì? Để đổ đi cho bõ ghét!

Ý tưởng thì thật là chân thành, tha thiết nhưng hình ảnh thì lại gây cho người nghe một nụ cười nhẹ nhàng “thông cảm”.

Thực ra, người miền Bắc cũng đã từng nhân cách hóa niềm thương và nỗi nhớ thành những thực thể hữu hình:

Thương em anh biết để đâu,
Để vào tay áo, lâu lâu lại dòm!

Hay:

Thương anh chẳng biết để đâu
Để vào khúc gỗ hai đầu sơn son.

Thế nhưng, cách nhân cách hóa của ca dao miền Bắc làm cho niềm thương và nỗi nhớ thêm đậm đà hơn, thêm da diết hơn. Trong khi đó, câu ca dao nói trên của người phương Nam lại biểu lộ một thái độ dứt khoát, rạch ròi, cho nên, dù nói thật hay nói hờn nói dỗi, câu ca dao cũng nói lên bản chất chân thực, bộc trực của người dân phương Nam.

Óc hài hước của người dân phương Nam cũng ngộ lắm. Họ có thể gây cười trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tình huống.

Thử nghĩ, một anh chàng bị người tình bỏ bụng nghi nan, đáng lẽ chàng phải buồn lắm chớ ; thế nhưng, để chứng tỏ tấm “chân tình” của mình, chàng đã gây nên một tình huống thật đáng buồn cười. Chàng không dùng lời nói để thanh minh, chàng sẽ dùng hành động để chứng minh cho lòng chung thủy của mình:

Thấy con bạn nó nghi tình
Tôi đây tức mình muốn chết
Chờ người ta ngủ hết
Tôi quyết lấy cái gối bông gòn
Đập đầu cho rảnh, kẻo còn nghi nan!

A! Cô em nghi ngờ lòng chung thủy của anh chàng chớ gì? Anh chàng sẽ chứng minh cho cô em không còn “nghi nan” anh chàng nữa. Anh chàng sẽ dùng “cái gối bông gòn” để “đập đầu” cho dứt nợ trần ai thử cô em còn nghi cái lòng chung thủy của chàng ta nữa không.

Nhưng mà... anh chàng muốn dứt nợ trần vào lúc nào vậy? Có ai chứng kiến không vậy cà? Anh chàng “chờ người ta ngủ hết” mới dám lấy cái gối bông gòn ra mà đập đầu! Chắc anh chàng sợ đập đầu mạnh quá cái gối bông gòn bể và bông gòn bay tứ tung ngũ hoành thì thiên hạ cười cho mà thúi ruột! Quả là nói vậy mà không phải vậy!

Ai trong đời lại không ít nhất một lần nhớ người mình yêu khi xa vắng. Nhớ quay, nhớ quắt. Đứng không yên, ngồi cũng không yên ; chỉ mong sao cho chóng đến lúc được gặp lại nhau. Nhớ khi thức, nhớ cả trong lúc ngủ. Nhớ trong chiêm bao.

Ca dao miền Bắc cũng hay nói đến nỗi nhớ nhung khi xa vắng người yêu và nỗi nhớ nhung được mô tả thật lãng mạn:

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai
Nhớ ai cơm chẳng buồn ăn
Hồ bưng lấy bát lại dằn xuống mâm!

Hình như ca dao miền Bắc không lấy nỗi nhớ nhung ra mà đùa cợt. Trong lúc đó anh chàng xứ Đồng Nai - Cửu Long diễn tả nỗi nhớ của mình rất ư là “Nam Kỳ” “nghĩ sao nói vậy người ơi!”:

Vắng cơm ba bữa còn no
Vắng em một bữa giở giò không lên!
Thế nhưng vẫn chưa bằng anh chàng này.
Anh đau ba năm, anh không ốm
Anh đói sáu tháng, anh không mòn
Vắng em một bữa, da còn bọc xương!

Đau ba năm liền mà không ốm! Nhịn đói sáu tháng liền mà cũng không si suyển gì! Quả là một tay lực sĩ cừ khôi. Ấy vậy mà, chỉ vắng em có một bữa - chỉ một bữa thôi nhé! - mà đã “da còn bọc xương”. Bác sĩ đành bó tay không tài nào giải thích được. Thì ra, chỉ có cái bệnh tương tư mới tàn phá sức khỏe con người đến như vậy (?).

Có cô gái than van cho cuộc sống lẻ loi, đơn độc của mình và theo nàng quả đây là cuộc sống không đáng sống và nàng định “giải quyết” cuộc sống bằng cách tự tìm đến cái chết bằng cách “trầm mình”:

Sống như vầy em sống làm chi
Chiều nay em ra bến sông Quy trầm mình!

Nàng nói thiệt hay nói giỡn vậy? Thôi em ơi. Anh đây biết rõ trong “tâm can” cô em rồi. Buồn thì nói vậy chơi chớ có gan đâu mà trầm mình. Thôi thì để anh giúp cách “giải lời thề” cho cô em:

Hai tay anh xách hai cái chình
Nước sông Quy anh múc cạn, còn gì mình trầm thân!

Người ta “thất tình” nên định ra sông để trầm mình, anh chàng cắc cớ đem hai cái chỉnh ra múc nước sông thì múc làm sao cho sông cạn để nàng không thể trầm mình được đây?

Đó là nàng mới dọa thôi. Nàng mới chỉ dọa “chiều nay” chứ không phải ngay bây giờ! Anh chàng biết tỏng là nàng dọa nên anh cũng “dọa” múc cạn nước sông Quy!

Cô gái buồn tình đòi trầm mình đã đành. Đằng này anh con trai “thương” người ta mà không biết cách tỏ tình cũng đòi “trầm mình”, mà cách trầm mình của anh chàng này cũng ngộ lắm! Quả như lời người thời nay vẫn nói “nói vậy mà không phải vậy”:

Thương em chẳng biết làm sao
Đổ nước vô dĩa làm ao trầm mình!

Con người chứ phải con sâu cái kiến gì mà trầm mình trong dĩa nước!

Cái óc khôi hài của người miền Nam quả là tuyệt diệu. Cũng là câu chuyện “tưởng như” là trầm mình...mà không phải vậy:

Tưởng giếng sâu qua nối sợi dây cụt
Ai dè giếng cạn nó hụt cái sợi dây.
Qua tới đây mà không cưới được cô hai mày
Qua chèo ghe ra biển...đợi nước đầy qua chèo vô!

Tính khôi hài bắt nguồn từ yếu tố phi lý.

Tưởng giếng sâu qua nối sợi dây cụt!

Giếng sâu mà sao lại nối sợi dây cụt? Giếng sâu thì phải nối sợi dây dài, như một câu ca dao đã xuất hiện về trước mới hợp lý chớ:

Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài
Ai ngờ giếng cạn tiếc hoài sợi dây

Lại thêm một yếu tố phi lý nữa:

Ai dè giếng cạn nó hụt cái sợi dây.

Nói sao mà lạ vậy! Sợi dây đã nối mà đến cái giếng cạn cũng hụt nữa thì anh có nối thiệt không vậy?

Mà thôi, bỏ qua cái chuyện giếng sâu, giếng cạn, dây cụt, dây dài đi. Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó. Điều quan trọng là cái người xưng “qua” trong bài ca dao. “Qua” là một đại danh từ ngôi thứ nhất dành cho người lớn xưng hô với kẻ nhỏ hơn mình về tuổi tác, tương đương với những đại danh từ khác như tôi, ta, tao, anh (tự xưng). Vậy thì “qua” tới đây để làm gì vậy? “Qua” tới đây để cưới “cô hai mày”. À, thì ra anh chàng xưng “qua” tới đây là để cưới vợ. Chuyện quan trọng đây. Cưới vợ chớ bộ chơi sao! Bắt đầu ở đây, anh chàng xưng “qua” bèn đặt giả thiết: Nếu như...

Qua tới đây mà không cưới được cô hai mày
Qua chèo ghe ra biển...

Chết cha! Nguy to rồi. Nếu anh chàng “không cưới được cô hai mày” hẳn phen này anh ra biển khơi mà tự trầm không chừng. Người ta đang đợi một thảm cảnh xảy ra cho một kẻ si tình.

Từ đây lại bắt đầu xuất hiện một yếu tố đầy kịch tính khác: yếu tố bất ngờ.

...đợi nước đầy qua chèo vô!

Hú vía! Cứ tưởng anh chàng muốn đi tìm cái chết để tỏ tấm chân tình, nào ngờ, anh chàng lại chèo thuyền trở vô bờ!

Cái hồi hộp là ở chỗ, chàng “đợi nước đầy” ghe chàng mới chèo vô.

Tại sao lại phải “đợi nước đầy”? Có 2 cách lý giải:

-Hoặc là anh chàng “đợi nước đầy” để cho ai đó nhìn thấy cảnh này mà hồi hộp đứng tim chơi, rồi anh chàng mới thủng thỉnh cheo thuyền vô bờ.

-Hoặc khi thấy nước đầy, anh chàng lại không dám nghĩ đến cái chết, lại sợ chết một cách vô duyên lãng nhách nên vội vàng quày thuyền vào bờ! (chắc không phải như vậy đâu!)

Dù là “hù dọa” hay dù là “sợ chết” thì cả hai cũng đều tạo cho người đọc một thái độ chưng hửng khi thấy thuyền chàng từ ngoài khơi tiến vô bờ. Mọi người lại thở phào khoan khoái. Ca dao phương Nam cũng còn một câu mang ý nghĩa tương tự:

Gá duyên chẳng đặng hội này,
Tôi chèo ghe ra sông cái, nước lớn đầy...tôi chèo vô!

Người dân lục tỉnh Nam Kỳ tiếp xúc với văn hóa Pháp sớm và lâu hơn miền Bắc và miền Trung, ngay từ ngày Nam Kỳ bị thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông (1862, Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) rồi 3 tỉnh miền Tây (1867, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Và lục tỉnh Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp. Sau đó, đã có nhiều người, nhất là giới giàu có và trí thức đã trở thành công dân Pháp, học đòi theo nếp sống Pháp. Từ đây, trong ca dao ta thấy xuất hiện một số biểu hiện trong nếp sống Tây phương, đặc biệt là nụ hôn. Trước khi tiếp xúc với văn hóa Pháp, người Việt chỉ dùng nụ hôn với các trẻ em từ bốn năm tuổi trở xuống. Người lớn không mấy khi hôn nhau, dù là chỉ hôn nhau trên má. Người dân Nam Kỳ học đòi theo người Pháp, nên những đám thanh niên nam nữ khi yêu nhau đã biết dùng nụ hôn để tỏ tình. Do đó ta thấy, trong ca dao miền Nam xuất hiện nhiều câu nhắc đến nụ hôn, trong lúc đó ca dao miền ngoài, đặc biệt là ca dao đất Bắc, năm khi mười họa mới có một câu nhắc đến nụ hôn của những kẻ yêu nhau.

Nước trong ai chẳng rửa chân,
Cái má trắng ngần ai chẳng muốn hôn.

Hãy tưởng tượng: Có một chàng trai đi ngang qua đám con gái đang cấy lúa. Thấy cô gái đang cấy sát cạnh bờ dáng xinh xinh, chàng buông lời chòng ghẹo. Chàng xin nàng một nụ hôn. Cô gái vui tính trả lời không ngượng ngùng:

Hai tay em cắm xuống bùn
Cả mình lấm hết, anh hun chỗ nào?

Chàng trai trả lời tỉnh bơ:

Cầu trời đổ trận mưa rào
Bùn sình trôi hết, chỗ nào anh cũng hun!

Đọc xong lời đối thoại, ta không thể nhịn được cười. Tự nhiên quá, mà cũng hồn nhiên nữa! Đặc biệt là ở hình ảnh “chỗ nào anh cũng hun!”. Làm sao tìm được trong ca dao đất Bắc những lời đối thoại gây cười hồn nhiên như vậy?

Thấy gì nói nấy, nghĩ sao nói vậy, đó là bản chất chân thật, không thích màu mè của người dân phương Nam. Nhà chuyên khảo về văn hóa và lịch sử đất lục tỉnh Nam Kỳ là Nguyễn Văn Hầu đã từng nhận xét: “...người miền Nam giản dị, ít oi. Họ chỉ muốn nói phứt, làm phứt, không thích quanh co và ghét mệt những vòng vo tam quốc” hay “...người lục tỉnh Nam Kỳ gan dạ, cứng cỏi, thẳng thừng, nghĩ sao nói vậy, nói sao làm vậy, một một hai hai, không thích quanh co xảo trá, không ưa lý luận dài dòng.”[4]

Chính vì bản chất chân thật, không thích màu mè ngay trong cách sử dụng ngôn ngữ đặc biệt của ca dao phương Nam đó mà đôi khi trong những câu ca dao không cố ý khôi hài cũng mang tính khôi hài. Chẳng hạn, trong câu ca dao trên, chàng trai nói thật, rất thật, không màu mè và chính vì quá thật và không màu mè đó mà chàng đã gây cho người nghe một nụ cười thích thú!

Hãy nghe lời than của anh chàng độc thân trong bài ca dao dưới đây:

Sớm mai chạy ra mất cai cuốc,
Trưa lại mất cái nồi.
Chiều lại mất ông bình vôi.
Giậm chân ba tiếng kêu trời,
Vợ con không có coi ngoài mất trong.

Anh chàng nói thật, rất thật về tỉnh cảnh của mình, thế nhưng, khi đọc lên người đọc không khỏi mỉm cười vì tính thật thà trong cách diễn đạt và nội dung diễn đạt!

Đó là một tình cảnh có thể xảy ra. Chàng nói thật, rất thật dù có chút ngoa ngôn. Và chính một chút ngoa ngôn đó đã khiến cho tình cảnh độc thân của chàng trở nên tức cười.

Vì vậy, ta thấy tính khôi hài đôi khi xuất hiện ngay trong những câu ca dao quá đỗi thật thà của văn chương bình dân phương Nam!

Đầu giồng có trồng cây chuối,
Cuối giồng có trồng cây da.
Ngã ba có cây đại hồng.
Gái chưa chồng trong lòng hớn hở,
Trai chưa vợ ruột thắt tợ trái chanh.
Ngó lên trời thấy mây trắng trời xanh,
Thương ai cũng vậy, thương anh cho rồi!

Lại có câu:

Gái chưa chồng trong lòng hớn hở,
Trai chưa vợ ruột tợ trái chanh.
Ngó ra biển rộng, trời xanh,
Ở đâu cũng vậy, ưng anh cho rồi.

Quả là nghĩ sao nói vậy, ưng sao nói vậy “Thương ai cũng vậy, thương anh cho rồi!” hay “Ở đâu cũng vậy, ưng anh cho rồi.” Cách tỏ tình chân thật này chỉ có trong ca dao phương Nam, Ca dao đất Bắc khó mà tìm được những câu tỏ tình tương tự. Người miền Bắc thích văn hoa hơn nên trong cách tỏ tình của họ cũng văn hoa hơn, đôi khi lãng mạn nữa.

Chẳng hạn:

Cô kia cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với chung tình làm đôi.
Cô còn cắt nữa hay thôi,
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng.

Có thể táo bạo hơn một chút, nhưng vẫn có chút gì kín đáo hơn:

Cô kia cắt cỏ bên sông
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây.
Sang đây anh nắm cổ tay,
Anh hỏi câu này: Có lấy anh chăng?

Người phương Nam thích đùa bằng cái giọng khôi hài, nói lên cái điều chẳng bao giờ xảy ra nhưng với một giọng điệu nghe chừng như trang nghiêm lắm. Hãy nghe một anh chàng nói với người bạn gái mà anh ta yêu nhưng hình như cô gái không chịu đáp lại “tấm chân tình” của chàng ta bằng một lời “thề độc”:

Trèo lên ngọn ớt, rớt xuống ngọn hành
Hành đâm lủng ruột cho đành dạ em!

Trên đất Bắc ngày xưa có một anh chàng đã thổ lộ “tấm chân tình” của mình bằng cách “trèo lên cây bưởi hái hoa” dù biết rằng cây bưởi đầy gai, làm sao mà trèo lên đó cho được ; thế nhưng, ít ra thì anh chàng còn có thể chống chế rằng chàng đã “róc” hết gai trước khi chàng trèo lên cây bưởi để hái hoa bưởi tặng cho người mình yêu. Đằng này anh chàng đất phương Nam lại “trèo lên ngọn ớt” để từ ngọn ớt “rớt xuống ngọn hành” và đưa đến một kết cuộc thật “bi thương” chàng bị “hành đâm lủng ruột”. Tội nghiệp thì thôi!

Một câu nữa gần giống như vậy:

Trèo lên ngọn ớt, rớt xuống ngọn hành
Hành đâm anh lủng ruột, sao em đành làm ngơ!

Vế thứ hai của câu trên là cách nói giận lẫy của chàng trai “cho đành dạ em”, thế nhưng vế thứ hai của câu sau lại là một câu trách móc: “Hành đâm anh lủng ruột, sao em đành làm ngơ”. Em làm ngơ như vậy là tàn ác lắm, em có biết không?

Mới nghĩ qua thì là như vậy, nhưng nghĩ kỹ một chút thì quả là đáng buồn cười: Con người chứ phải con sâu cái kiến đâu mà lại “trèo lên ngọn ớt” để rồi “rớt xuống ngọn hành”. Hơn thế nữa, ngọn lá hành lại còn “đâm anh lủng ruột”! Thôi anh ơi, ba xạo hoài! Ai mà tin anh được!

Nụ cười phương Nam nói lên bản chất của người phương Nam: xuề xòa, không gút mắc. thật lạc quan yêu đời.

Chúng ta có thể nói, nụ cười của ca dao miền Nam là nụ cười của những chàng trai trẻ tràn trề sức sống, đã gây cười là cười hồn nhiên, không có một hậu ý thâm (thúy) nào và cũng không biết ai là người bị gây cười. Trong lúc đó, nụ cười của ca dao miền Bắc là nụ cười của những con người lão luyện, đã gây cười là khiến cho người bị cười cảm thấy “chột dạ”, cảm thấy mình bị “châm chích”, bị “bêu riếu” mà không tài nào thoát ra được.

Chúng ta có thể bắt gặp trong ca dao miền Bắc những câu hoặc những bài ca dao gây cười. Chẳng han:

Đi đâu mà chẳng lấy chồng,
Người ta lấy hết chổng mông mà gào.
Gào rằng: -“Đất hỡi, trời ơi,
Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng.”
Ông trời ngoảnh cổ lại trông:
-“Mày hay kén chọn ông không cho mày!”

Khi cười chúng ta biết là chúng ta đang cười ai. -Cười cô gái lỡ thì vì hay kén chọn!

Ta không thương nổi cô gái, lúc trẻ thì bắc bậc kiêu kỳ, đến khi muốn có chồng thì không ai thèm nhìn. Thế nên, dù cô nàng có “chổng mông mà gào”, gào đến khan cả cổ cũng không có mấy ai xót thương cho tình cảnh của nàng! Nụ cười của người phương Bắc nó “ác” như thế đấy!

Trong khi đó, ở phương Nam cũng có cô gái “khóc la đòi chồng”, ta không ghét cô gái dù cô mới “mười ba” mà đã đòi chồng và ta chỉ có thể cười vì câu trách mắng của người me: “Đồ con chết chủ đòi chồng thâu đêm!”:

Con gái mười bảy mười ba
Đêm nằm với mẹ, khóc la đòi chồng
Mẹ giận mẹ phát ngang hông:
Đồ con chết chủ đòi chồng thâu đêm!

Cười của ca dao miền Bắc là nụ cười khẩy, cười mũi, là cái cười châm biếm. Cười có đối tượng và đối tượng thì đáng chê trách! Trong lúc đó một số câu hay bài ca dao gây cười của phương Nam lại không cho ta thấy đối tượng gây cười hay nói đúng hơn, đối tượng gây cười không phải là đối tượng để chỉ trích!

Ca dao hài hước mang tính hiền hòa, không làm cho đối tượng bị châm biếm cảm thấy bị xúc phạm!

“...người Lục Tỉnh Nam Kỳ gan dạ, cứng cỏi, thẳng thừng, nghĩ sao nói vậy, nói sao làm vậy, một một hai hai, không thích quanh co xảo trá, không ưa lý luận dài dòng...”[5]. Đó là nói trong cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng, trong ca dao ta thấy có khác. Phải nói gần, nói xa rồi mới nói thiệt. Một chàng trai trách người yêu sao nỡ phụ tình trong lúc tình yêu của chàng dành cho nàng thật là thắm thiết, thật là chân tình, chàng đã kể lể:

Anh thương em:
Thương quấn, thương quýt,
Bồng ra gốc mít,
Bồng xít gốc chanh,
Bồng quanh đám sậy,
Bồng bậy vô mui,
Bồng lủi sau lái,
Bồng ngoái trước mũi,
Để em nằm xuống đây:
Kể từ hồi em đau ban cua lưỡi trắng,
Miệng đắng cơm hôi,
Tiếc công anh đỡ đứng, bồng ngồi,
Bây giờ em vinh hiển,
Mà em nỡ đoạn rời phu thê!

Anh chàng kể công với cô nàng thiệt ngộ. Ca dao miền Bắc cũng có chuyện kể công như vậy, dù là của một cô gái kể công với chàng trai:

Ngày xưa anh bủng anh beo
Tay tôi bưng chén thuốc, tay tôi đèo múi chanh
Bây giờ anh khỏi anh lành
Anh theo duyên mới anh đành phụ tôi

Chàng trai phương Nam tuy có trách kẻ phụ tình, nhưng lời trách thật nhẹ nhàng, trong lúc đó, lời trách của cô gái đất Bắc đầy vẻ hậm hực, bất bình!

Thực thà, chân chất đó là đức tính chung của người phương Nam. Họ nói ra những điều rất thật những điều họ nghĩ. Thế nhưng, đối với người miền ngoài, khi đọc đến với những hình ảnh được mô tả khiến cho sự việc trở nên buồn cười.

Một chàng thanh niên quyết giữ lấy người mình yêu dù cho cha mẹ của nàng, hay cha mẹ của chàng có hăm dọa, có khó khăn cách nào chàng cũng quyết không để rời xa người yêu của mình hay nói đúng hơn là chàng quyết không để mất nàng:

-Dao phay kề cổ, máu đổ không màng,
Chết tôi chịu chết, buông nàng không buông!

Đây là hình ảnh của một cô gái quyết giữ cho được người mình yêu dù biết rằng chàng đang có ý định quất ngựa truy phong:

-Anh về, em nắm áo la làng,
Duyên đây không kết, bỏ giữa đàng cho ai?

Chúng ta làm sao có thể tìm thấy được hình ảnh tương tự trong ca dao miền Bắc!

Người ta nói rằng “... người miền Nam giản dị ít oi. Họ chỉ muốn nói phứt, làm phứt ; không thích quanh co và ghét mệt những vòng vo tam quốc”[6]. Thế nhưng không phải trong bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng một mực ứng xử như thế. Cái cách nói bóng nói gió, nói xa nói gần của người phương Nam cũng hay lắm, cũng lạ lắm. Chẳng hạn như lời trách cứ người bạn gái phụ tình trên đây (Anh thương em, Thương quấn thương quýt...), hay lời trần tình của một chàng trai đã vì giận người mình yêu mà lỡ buông lời trách cứ. Nghĩ lại biết mình sai, chàng đã phải “vòng vo tam quốc” trước khi đủ can đảm để nói thật lòng mình:

Cục đá lăn nghiêng, rồi cục đá lăn ngửa,
Tôi giơ tay tôi sửa cho nó lăn đứng,
Tôi coi không xứng, tôi sửa lại nó lăn dẹp,
Tôi coi không đẹp, tôi sửa lại nó lăn tròn.
Ới bạn mình ơi,
Giận thời anh nói vậy, chớ dạ anh còn thương em!

Ngay cả khi nói đến tinh thần chiến đấu kiên cường của lớp người trai trẻ đất Nam Kỳ trước nạn cướp bóc của bọn Xiêm Thổ cũng mang vẻ cười cợt, coi thường bọn cướp ngày Miên Man như một bầy gà bươi phá vườn tược không hơn không kém:

Giặc Miên kéo tới Lò Gò
An Nam còn ngáy kho kho trong mùng
Giặc Xiêm xuống tới Chưng Đùng
An Nam mới chịu giở mùng chun ra
Bớ nầy trai tráng đàng ta
Đuổi Miên Man như đuổi con gà bươi rau!

Sau non 2 thế kỷ sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất phương Nam, tuy có tiếp xúc với các sắc dân bản địa như người Miên, người Chàm, hay sắc dân kiều cư như người Tàu, đời sống của người dân Nam Kỳ có thay đổi nhưng thay đổi tiệm tiến, không thấy sự khác biệt trước sau là bao nhiêu. Nhưng từ khi người Pháp chiếm trọn đất Nam Kỳ làm thuộc địa (1867), từ đây đời sống của người dân Nam Kỳ mới có những thay đổi lớn lao. Sự va chạm văn hóa Đông-Tây tạo nên một tâm trạng bất an. Từ đây, nụ cười mang tính khôi hài đã bắt đầu chuyển hướng thành những nụ cười châm biếm chua cay.

Thời đàng cựu, dân chúng mặc đồ bà ba với cái quần vận không có dây lưng, áo không có túi. Pháp đem tới bộ pyjama với quần có dây lưng rút, áo có túi, thế là dân chúng phản ứng liền:

Đời Tây tặc
Nó khéo bày đặt dị kỳ
Áo bà ba nó may hai cái túi
Mà đựng giống gì hỡi anh?

Họ dè bỉu cái văn minh tân thời với xe do người kéo với lại xe chạy bằng hơi nước tức xe ô tô:

Bước lên xe kéo,
Còn réo xe hơi
May thêm cái áo da trời
Đặng em bận kịp cái đời văn minh!

Họ đùa giỡn với cả quan cai trị của thực dân Pháp, quan Tham biện. Sau khi chiếm trọn đất Nam Kỳ (1867) thì năm sau, thực dân Pháp xóa bỏ địa vực 6 tỉnh mà chia thành 27 Inspection (gọi là hạt Thanh tra), đến năm 1871, Inspection đổi thành Arrondissement (hạt Tham biện) và rút lại còn 18 hạt, đứng đầu mỗi hạt là một quan Chánh tham biện, thường gọi là Tham biện hay Tham tá. Quan Tham biện thường hống hách, hiếp đáp dân thuộc địa để làm giàu và đã bị dân chúng phản ứng lại khá kịch liệt bằng cách xem thường vai trò của quan Tham biện. Vào dinh quan Tham biện mà dám “vỗ ván cái rầm”, rồi lại đòi bắt tay quan lớn “bủa xua ông tham biện” để chỉ hỏi tiền bạc cướp của dân Việt hắn để chỗ nào:

Bước lên trường án
Vỗ ván cái rầm
Bủa xua ông tham biện
Hỏi vậy bạc ngàn ông cất ở đâu?[*]

(Bủa xua là phát âm của tiếng Pháp “bonjour” theo cách của người Nam Kỳ xưa, có nghĩa như hello, good day, good morning...)

Sau khi kiếm được mớ bạc, gá duyên với mấy cô gái Việt ham chức, ham tiền, quan Chánh tham biện lên tàu tếch về Tây để lại đất An Nam mấy cô “già nhân nghĩa, non vợ chồng”, các cô đành hạ mình từ bà Chánh (Tham biện) mà gá duyên với mấy anh thông ngôn, ký lục. Chính các người đàn bà nầy đã bị dân chúng mỉa mai bằng giọng châm biếm đắng cay:

Mười giờ ông Chánh về Tây
Cô Ba ở lại lấy thầy thông ngôn
Thông ngôn, ký lục bạc chục không màng
Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay.

Họ dè bỉu cả hạng người nghèo phải làm bồi bàn cho Tây nhưng lại hay lên mặt ta đây khinh người dân dã:

Đèn hết dầu đèn tắt
Lửa hết hồng lửa bọn thành than
Kén chồng lựa chỗ cho sang
Lấy chi thằng điếm dọn bàn Tây ăn!

Người Tàu khi bỏ nước ra đi tha phương cầu thực, phần lớn sống bằng nghề buôn bán. Đi đến đâu, họ lập bang hội đến đó, rồi tìm cách giúp vốn cho nhau làm ăn. Đến khi người Pháp xâm lăng Việt Nam, họ lại được người Pháp nâng đỡ. “Trong suốt thời Pháp thuộc, Hoa kiều có thêm điều kiện thuận lợi để củng cố ưu thế của họ trong sinh hoạt tài chánh và thương mãi của Việt Nam ; họ hiện diện ở mọi nơi họp chợ, cả trong những làng mạc xa xôi hẻo lánh nhất”[7]. Nhờ buôn bán họ trở nên giàu có. Hơn thế nữa, họ lại chủ trương lấy vợ Việt để nhờ tên tuổi vợ dễ bề mua đất cất nhà, nên có lắm chị em muốn được lấy chồng Tàu. Họ đã vẽ ra hình ảnh một anh Tàu Mãn Thanh “róc tóc, kết bím” trông thật khó coi:

Tóc mai chấm đất bậu chê,
Nưng niu thằng Chệt tư bề sọ không.
Trên đầu nó cột đuôi nhông,
Cái răng trắng xát, miệng không ăn trầu.
Gẫm coi thằng Chệt mà rầu,
Có một cái đầu chẳng để cho nguyên
Tóc ra thời nó cạo liền
Mua chỉ nó róc cho liền ống chưn
Bận quần chẳng có cái lưng
Bận áo nửa chừng lửng đửng đuôi trâu
Còn thương thằng Chệt vào đâu
Càng nhìn càng chán, ở lâu càng buồn

Vậy nên họ luôn khuyên nhủ nhau nên lấy chồng An Nam vì bọn Chệt thì ưa nói ngang, bọn Tây là bọn cướp nước, phá hoại phong tục tập quán dân mình:

Lấy Tây lấy Chệt làm chi
Lo bề nhơn nghĩa sao bì An Nam?
Chệt thời ngang quá là ngang
Tây thời giựt nước xiêu càn dân phong!

Hẳn nhiên không phải những lưu dân phương Nam luôn được sống trong một hoàn cảnh thanh bình như tổ tiên họ khi mới vào lập cư ở vùng đất mới này. Sau một thời gian phải vất vả chống chọi với thiên nhiên và thú dữ để gầy dựng nên một vùng đất mỗi ngày một nhiều hứa hẹn, quả thật, những thế hệ đầu tiên đã không phải sống phập phồng trong không khí chiến tranh. Thế nhưng, sang hậu bán thế kỷ thứ 18, không khí chiến tranh đã mỗi ngày một bao trùm lên vùng đất đã một thời vô cùng yên tĩnh này. Vùng đất mới màu mỡ này đã thành bãi chiến trường cho những cuộc chiến đẫm máu giữa nhà Nguyễn Tây Sơn với nhà Nguyễn Gia Miêu. Rồi thì cuộc chiến tranh vệ quốc của Tây Sơn chống lại hơn hai vạn quân Xiêm, ngoài mặt là đánh thuê cho Nguyễn Ánh nhưng trong thâm tâm là muốn chiếm vùng đất phương Nam đầy hứa hẹn về tiềm năng kinh tế này. Đó là cuộc chiến Rạch Gầm - Xoài Mút vào năm 1785. Kịp đến năm 1860, khi thực dân Pháp bắt đầu đem quân tấn công đất lục tỉnh Nam Kỳ, tuy quân đội của triều đình nhà Nguyễn đã có những cuộc kháng cự mãnh liệt, nhưng không đương cự nổi với vũ khí tối tân của thực dân Pháp, triều đình buộc phải ký hòa ước chịu nhường đất 3 tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gi Định, Định Tường) vào năm 1862 và sau đó chịu mất luôn 3 tỉnh miền Tây (An Giang, Châu Đốc, Hà Tiên) năm 1867. Thế là toàn bộ lãnh thổ Nam Kỳ Lục Tỉnh phải nhận sự đô hộ của thực dân Pháp.

Chính trị thay đổi, đời sống xã hội và tình cảm cũng thay đổi theo.

***

Những nụ cười từ ca dao của người phương Nam đã nói lên một sắc thái đặc biệt của người dân đất Lục Tỉnh Nam Kỳ.

Miền Bắc là vùng đất cổ, đất đai đã được sử dụng qua hàng ngàn năm, dân miền Bắc lại sống trong các ngôi làng khép kín, có lũy tre xanh bao bọc, do đó tâm lý của người dân miền Bắc cũng khép kín. Cách kiếm sống của người miền Bắc cũng chật vật hơn, đòi hỏi phải siêng năng cần cù mới có miếng ăn, trong lúc đó dân phương Nam sống trong vùng đất mới khai hoang vỡ hóa, làng của miền Nam là làng mở, không có lũy tre bao bọc, lại được thiên nhiên ưu đãi nên đời sống tình cảm, tâm lý của người phương Nam cũng mở hơn. Trong lúc đời sống còn được thiên nhiên ưu đãi, họ không phải bon chen mới có thể sống còn, do đó, họ cũng cởi mở hơn.

Thế nhưng, chịu ảnh hưởng nhiều của nền văn hóa Pháp từ mấy thập niên sau cùng của thế kỷ thứ 19, thêm vào đó, đất Đồng Nai - Cửu Long lại phải tiếp nhận nhiều đợt di dân vĩ đại của hậu bán thế kỷ thứ 20. Đó là cuộc di cư của một triệu người từ đất Bắc vào Nam sau hiệp định Genève năm 1954, trong đó phần lớn đã vào thẳng đất Đồng Nai - Cửu Long, nhiều nhất là vùng Sài Gòn, Gia Định, rồi những đợt di dân dưới thời Đệ nhất Cộng hòa. Rồi, sau tháng 4 1975, người miền Bắc ồ ạt đổ xô vào Miền Nam, nhất là vào đất Đồng Nai - Cửu Long đã làm thay đổi khá lớn nếp sống tình cảm của người dân Phương Nam. Trong trường cạnh tranh sinh tồn, phần lớn đã phải tìm cách hoặc đối phó, hoặc dung hòa với các tầng lớp lưu dân mới, và từ đó đã tạo nên một nếp sống tinh thần có phần nào xa lạ với lớp lưu dân trước năm 1954.

Và nụ cười phương Nam từ đây cũng đã có nhiều thay đổi!

______________

Ghi chú:

[*] Về câu ca dao nầy, nhà văn Nguyễn Đức Lập (1945-2016) đã giải thích về nguyên ủy của nó như sau:

“Nhờ công lao làm tay sai của Huỳnh Tấn mà con của y là Huỳnh Công Miêng, tục gọi là cậu Hai Miêng, được người Pháp cho qua Tây du học. Trở về, không đậu được bằng cấp gì, nhưng Hai Miêng nổi tiếng là tay công tử ăn chơi ngang tàng. Gia sản của Huỳnh Tấn để lại, không mấy lúc mà tiêu tan. Hai Miêng đâm ra bất mãn, thường tìm cá Tham biện (tỉnh trưởng) người Pháp để xin tiền và mỗi khi kéo đám đàn em đi ăn nhậu ở quán nào thì biểu chủ quán tìm các quan Pháp mà đòi tiền, chớ y không chịu móc tiền túi mà trả. Bởi vậy, Hai Miêng được gọi là “lưu linh miễn tử” và có câu ca dao nói về y:

Bước vô trường án
Vỗ ván cái rầm
Bủa xua quan Tham biện
Bạc tiền ông để đâu?”
(Hương Giáo đề thơ - tập I, trang 9)

[1] Nguyễn Thanh Liêm - Xã hội/Văn hóa Việt Nam trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh- TT4, trang 34.

[2] (Thanh Lãng - Văn Chương Bình Dân, tr.141)

[3] Nguyễn Thanh Liêm - Lối vào văn hóa Đồng Nai - Cửu Long - Kỷ niệm về Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm...2010 - trang 79.

[4] Nguyễn Văn Hầu - Diện mạo Văn học Dân gian Nam Bộ, trang 376.

[5] Nguyễn Văn Hầu -sđd - tr.376.

[6] Nguyễn Văn Hầu -sđd - tr.153.

[7] Nguyễn Thế Anh - VN dưới thời Pháp đô hộ, tr. 232