Thầy Từ Mẫn và, nhà xuất bản Lá Bối… (kỳ 1)


Từ trái: Lê Thị Thấm Vân, thầy Thanh Tuệ, thầy Từ Mẫn. (Hình Phovanblog).


Cuộc đảo chính thành công ngày 1 Tháng Mười Một, năm 1963, đã đem lại cho miền Nam Việt Nam nhiều thay đổi lớn, từ chính trị, tôn giáo, kinh tế, xã hội, quân sự, văn hóa,… Ở lãnh vực văn hóa, ngoài sự xuất hiện nhiều cơ quan ngôn luận tư nhân thì, người ta cũng ghi nhận được sự có mặt của những nhà xuất bản sách, với nhiều khuynh hướng khác nhau…

Số lượng dồi dào nhà xuất bản sách vừa kể, làm cho sinh hoạt văn hóa của miền Nam, ở lãnh vực này trở nên phong phú hơn; như những bức tranh VHNT lung linh màu sắc…

Trong cuộc lên đường ồ ạt mang tính “trăm hoa đua nở” này, có hai nhà xuất bản, điều hành bởi hai tu sĩ Phật Giáo, được dư luận chú ý, ủng hộ. Đó là nhà An Tiêm của thầy Thanh Tuệ và, nhà Lá Bối của thầy Từ Mẫn.

Xuất xứ của hai nhà xuất bản có tiếng này, theo thầy Từ Mẫn, hiện cư ngụ tại miền Nam California, khởi đầu vốn chung một gốc. Ông tóm tắt sự việc đó, như sau:

Đầu năm 1964, thầy Nhất Hạnh cùng một vài thầy khác ở Saigon, nhận được một khoản tiền cúng dường của một nữ Phật tử. Bà vốn là người bạn đời của Bác Sĩ Hiệu. Khi Bác Sĩ Hiệu từ trần, người con trai của họ tốt nghiệp bác sĩ tại Hoa Kỳ, muốn tránh cho bà mẹ cảnh cô độc; đã xin bà bán căn nhà ở khu cư xá Lữ Gia và, khi xuất ngoại để đoàn tụ, người con cũng xin đừng mang theo số tiền bán nhà mà, hãy hiến tặng cho một hay nhiều cơ quan từ thiện nào đấy.

Căn bản ngôi nhà đó một village khang trang, nên số tiền bán được khá lớn. Một trong những thầy nhận được tiền cúng dường của bà Hiệu, có thầy Nhất Hạnh. Số tiền thầy Nhất Hạnh nhận được là 35 ngàn đồng, theo thầy Từ Mẫn, được coi là rất lớn ở thời điểm đó. Người được thầy Nhất Hạnh trao số tiền kể trên để làm xuất bản là thầy Thanh Tuệ.

Thầy Từ Mẫn nhớ lại rằng trước khi giao số tiền có được, cho thầy Thanh Tuệ, trong một cuộc họp giới hạn, thầy Nhất Hạnh nói rằng, với số tiền này, chỉ một buổi ở nhà sách Albert Portail (tiền thân của nhà sách Xuân Thu ở đường Tự Do) thầy chở về một xe taxi sách là hết tiền!

“Thôi, để ta làm gì cho vui. Nhà xuất bản thì được chớ?” Thầy Nhất Hạnh hỏi số người có mặt trong buổi họp. Và nhà xuất bản Lá Bối ra đời từ đó.

Tới bây giờ, dù thời gian đã qua trên nửa thế kỷ rồi, thầy Từ Mẫn vẫn nhớ thầy Nhất Hạnh giải thích rằng, ngày xưa kinh Phật được chép bằng bút sắt trên những chiếc lá to bản, gọi là “lá bối” hay “bối diệp” theo Hán tự.[1]

Trí nhớ của ông cũng cho biết, trong số những tác phẩm đầu tiên, được xuất bản với tên Lá Bối, có cuốn “Đạo Phật Hiện Đại Hóa” Và “Bông Hồng Cài Áo” mà, thầy Nhất Hạnh là tác giả.

“Cả hai tác phẩm ấy đều bán rất chạy, phải tái bản nhiều lần, nhất là cuốn ‘Bông Hồng Cài Áo’. Ông nói.

Là tu sĩ, chịu trách nhiệm số tiền thầy Nhất Hạnh giao cho, thầy Thanh Tuệ vốn là người sống rất đơn giản. Thầy không có một thú vui nào khác hơn mê sách và quảng giao với văn nghệ sĩ.

Thầy Từ Mẫn kết luận:

“Tuy là một tu sĩ, nhưng theo tôi, thầy Thanh Tuệ cũng còn là một nghệ sĩ nữa.”

Ông kể thời trước Tháng Tư, 1975, thầy Thanh Tuệ là khách hàng thường xuyên của nhà sách Xuân Thu, trên đường Catinat, Saigon. Đó là nhà sách gần như duy nhất, nhập cảng rất nhiều sách, báo ngoại quốc. Mỗi khi gặp được một cuốn sách trình bày đẹp, hay, lạ mắt, in trên giấy tốt thì đắt mấy, dù không đọc, thầy Thanh Tuệ cũng mua cho bằng được, đem về nghiên cứu, săm soi… Thầy Thanh Tuệ cũng được mô tả là rất thân thiết, và có thói quen chiều chuộng một số văn nghệ sĩ như nhà thơ, dịch giả Bùi Giáng, nhà văn Phạm Công Thiện,…

Không biết có phải đó là những lý do khiến một năm sau, khi họp lại, báo cáo cho thầy Nhất Hạnh biết tình trạng tài chánh lỗ lã của Lá Bối, khiến thầy Nhất Hạnh phải nhấn mạnh rằng, làm thương mại nếu không có lời thì cũng không nên để thua lỗ, nợ nần như thế…! Nhất là Lá Bối có nhiều đầu sách bán chạy…

Sau buổi kiểm điểm, thầy Nhất Hạnh quyết định giao nhà xuất bản Lá Bối cho thầy Từ Mẫn trách nhiệm.

Thầy Từ Mẫn nhớ lại rằng, ngoài việc tiếp tục xuất bản sách của thầy Nhất Hạnh như cuốn “Nẻo Về Của Ý,” “Tình Người” (trong đó có truyện nổi tiếng “Cửa Tùng Đôi Cánh Gài” mà, năm 1972, thay mặt thầy Nhất Hạnh (lúc đó đang ở Pháp), ông đã đưa truyện này cho nhà văn Nguyễn Đông Ngạc,[2] người thực hiện tuyển tập “Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta” – – Với ảnh chân dung 45 tác giả của nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh.[3] Bên cạnh đấy, thầy Từ Mẫn vẫn tiếp tục xuất bản tác phẩm một số tác giả quen thuộc như Bùi Giáng, Phạm Công Thiện (với cuốn “Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học”), Nguyễn Văn Xuân, Võ Hồng, Phùng Khánh, Hồ Hữu Tường, Xuân Tùng, v.v…

Thời gian này, năm 1966, cũng là thời gian nhà Lá Bối khởi sự in bộ tiểu thuyết “Chiến Tranh và Hòa Bình” của nhà văn Nga, Lev Tolstoy, bản dịch của dịch giả Nguyễn Hiến Lê. Trước họ Nguyễn, ở miền Bắc, đã có nhiều dịch giả chuyển ngữ bộ sách này sang tiếng Việt; như các ông Hoàng Thiếu Sơn, Trường Xuyên, Cao Xuân Hạo…[4]

(Kỳ sau tiếp)

________________________

Chú thích:

[1] Theo thầy Từ Mẫn thì tại khu Rừng Lá, trên đường từ Saigon, Xuân Lộc đi Phan Thiết trước đây, có rất nhiều cây loại cây có lá to, từng được dùng để chép kinh, tên là cây cọ…

[2] Cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, nhà XB Nam Á ở Paris, in lại tuyển tập này; chẳng những không xin phép mà còn tự động thêm 2 tác giả, không có tên trong nguyên bản nữa!

[3] Theo trang mạng Bách Khoa Toàn Thư, Wikipedia thì: Trần Cao Lĩnh sinh năm 1925 tại Nam Định, ông là nhiếp ảnh gia tiền phong của miền Nam, chuyên về ảnh nghệ thuật đen trắng và kỹ thuật phòng tối. Trần Cao Lĩnh đã xuất bản 4 tuyển tập ảnh; nhiều lần thuyết trình và viết bài về kỹ thuật nhiếp ảnh. Ông di cư sang Mỹ năm 1980. Trần cao Lĩnh đã triển lãm và được nhiều giải thưởng quốc tế từ London, Torronto, Paris, đến Montreal, NewYork, Washington… Ông từ trần ngày 29 Tháng Tám năm 1989 tại miền Bắc, tiểu bang California.

[4] Tiểu thuyết “Chiến Tranh và Hòa Bình” được Lev Tolstoy khởi thảo vào năm 1863 và gửi in tại nhà Russki Vestnik từ năm 1865 đến năm 1869 thì hoàn thành, không kể nhiều năm tiếp theo liên tục được chính tác giả sửa chữa trong các lần tái bản. Người ta thống kê được chừng 10 ngàn bản nháp mà Lev Tolstoy, dùng để sửa chữa tác phẩm của mình. Nhan đề của nguyên tác là “Війна и мір,” trong đó, “Мір” của văn phạm Nga thế kỷ XIX có nghĩa là “dân sự.” Sang đến thập niên 1930 khi chính quyền Soviet quyết định ấn hành tất cả trứ tác của Lev Tolstoy, nhan đề và nội dung đã được sửa lại theo văn phạm cách tân. Những bản in hiện đại bị nhiều học giả chỉ trích là không thể truyền tải nguyên vẹn ý tưởng của tác giả. “Chiến tranh và hòa bình” được liệt vào hàng danh tác các ấn phẩm thuộc trào lưu lãng mạn Nga thế kỷ XIX. (Nguồn Wikipedia-Mở)