Mộ các danh thần ở Sài Gòn: Lăng Ông Thượng và Ông Tổng


Mộ ông Phạm Duy Trinh - Ảnh: Dòng họ Phạm cung cấp

Ở Gò Quéo (ấp Đông, P.Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM), có một quần thể mộ cổ gồm 15 ngôi mộ. Trong số đó chỉ 2 ngôi mộ lớn có bia, được xác định là của hai cha con Triệt Thanh hầu Phạm Quang Triệt và con là Tuần phủ Bắc Ninh Phạm Duy Trinh.

Hai ngôi mộ linh thiêng

Lăng mộ tọa lạc trên một vùng gò rộng lớn cao hơn 2 m, được bao quanh bởi rạch Giồng Ông Tố. 13 mộ đã mất bia, 2 ngôi mộ còn bia tuy bị hư hại nhiều nhưng trông vẫn còn rất hoành tráng, cư dân ở đây gọi là lăng Ông Thượng (lăng Ngài Triệt) và lăng Ông Tổng (lăng Ngài Trinh), hay nghĩa trang họ Phạm. Dân quanh vùng nói hai ngôi mộ này rất linh thiêng, họ thường đến lễ bái, quét dọn.

Hai ngôi mộ có bia ấy kề cận nhau, hình thể uy nghi. Ngôi mộ thứ nhất được xây dựng vào năm Kỷ Mão 1819, làm bằng hợp chất cổ (ô dước). Khu mộ bình đồ hình chữ nhật, dài 8,5 m, rộng 5,5 m. Kiến trúc từ ngoài vào trong như sau: bình phong tiền, ngôi mộ hình chữ nhật và bình phong hậu gắn liền với vòng tường bao xung quanh. Mặt trước bình phong tiền có ô hộc trang trí hình chữ nhật, bên trong có hình kỳ lân (long mã) nhưng đã phai mờ theo thời gian. Cửa mộ có hai trụ gắn vào tường bao. Trên đầu cột trụ có chạm búp sen nhưng đã sứt mẻ nhiều. Các đoạn tường bao dày trung bình hơn 0,5 m. Nấm mộ dạng hình chữ nhật giật 2 cấp cao khoảng 0,3 m so với nền đất và bị nứt, hỏng nhiều trên bề mặt mộ. Gắn chặt vào chân mộ là tấm bia làm bằng đá Non Nước (Đà Nẵng), khắc 45 chữ Hán: “Hoàng Việt. Hiển khảo Đồng Đức công thần Phụng trực đại phu chính trị khanh, Lại bộ Tả tham tri, Triệt thanh hầu, thụy Đôn Mẫn quý công chi mộ. Gia Long Kỷ Mão niên, nhuận nguyệt cốc đán. Tự tử Quang Chiêm lập bi” (Nước Hoàng Việt. Mộ Đồng Đức công thần Phụng trực đại phu chính trị khanh, Lại bộ Tả tham tri, Triệt Thanh hầu Phạm Quang Triệt, thụy Đôn Mẫn. Con nuôi là Quang Chiêm lập bia mộ ngày tốt tháng nhuận năm 1818 niên hiệu Gia Long - Kỷ Mão). Kết thúc là bình phong hậu gắn liền với bờ thành. Bình phong rộng 2,1 m chia thành 5 ô dọc hình chữ nhật, lại có những ô ngang nhỏ như cánh cửa gỗ thường thấy hiện nay. Viền bao quanh bình phong hậu trang trí hình cúc dây, hai bên bình phong có vành quai hình cuốn thư cao 1,2 m uốn lượn, được làm rất công phu và có tính nghệ thuật cao.

Ngôi mộ thứ hai được xây dựng vào năm Tân Hợi 1851, gồm các kiến trúc: cổng và bình phong tiền, mộ hình chữ nhật, bình phong hậu gắn liền với vòng tường bao quanh. Bia mộ cũng làm bằng đá Non Nước khắc 51 chữ Hán: “Đại Nam. Hiển khảo, nguyên thụ Trung phụng đại phu, Binh bộ Tả tham tri, Bắc Ninh tuần phủ, hộ lý Ninh - Thái tổng đốc quan phòng Phạm lượng phủ, thụy Trang Khải, phủ quân chi mộ. Tuế thứ Tân Hợi, mạnh hạ cát đản. Tự tử Quang Bạc lập bi”. (Nước Đại Nam. Mộ người trước đây được phong Trung phụng đại phu, Binh bộ Tả tham tri, Bắc Ninh tuần phủ, Hộ lý Ninh - Thái Tổng đốc quan phòng Phạm Duy Trinh, thụy Trang Khải. Con nuôi là Quang Bạc lập bia mộ ngày tốt tháng tư năm 1851 - Tân Hợi).

Năm 1998, nhân kỷ niệm Sài Gòn - TP.HCM 300 năm, Bảo tàng Lịch sử VN đã đưa 2 bia mộ này về trưng bày tại bảo tàng.

Khoanh vùng bảo vệ khu mộ cổ

Sách Đại Nam chánh biên liệt truyện (do các sử quan biên soạn, hoàn thành cuối năm 1889) ghi: “Phạm Quang Triệt, tổ tiên người H.Diên Phước (Quảng Nam), sau đến ở Gia Định, là em họ Hình Bộ Thượng thư Phạm Như Đăng. Triệt là người cương trực có học thuật. Năm Gia Long thứ 14 (1815) thăng Lại Bộ Tả Tham tri. Năm thứ 15, sách lập Hoàng Thái Tử (Minh Mạng sau này) Triệt được phong làm quan Phụng chiếu năm thứ 17 (1818) chết”. Còn trong Đại Nam thực lục chánh biên cũng có ghi: “Cuối năm 1794, Phạm Quang Triệt được thăng từ Cống Sĩ Viện lên Hàn Lâm Viện Thị Học theo sự bảo cử của Cương Đồng (Đình thần). Đầu năm 1803 (năm Gia Long thứ 2) được cử làm Phiên Trấn Dinh Ký Lục. Năm 1813 làm Lại Bộ Tả Tham tri, lúc đó Lại Bộ Thượng thư là Trịnh Hoài Đức, Hữu Tham tri là Võ Thanh Trung”.

Còn thông tin về Tuần phủ Bắc Ninh, Hộ lý Ninh - Thái (Ninh Bình và Thái Bình) Tổng đốc Phạm Duy Trinh thì hầu như không có. Tuy nhiên, nhận được nhiều thông tin liên quan đến 2 ngôi mộ này, dòng tộc họ Phạm ở Huế (đại diện là các ông Phạm Tất Đạt, Phạm Như Lợi, Phạm Lương Quang...) đã nhiều lần vào TP.HCM liên lạc và ghi nhận hai nhân vật này có liên quan mật thiết với dòng tộc của họ, cụ thể là 2 mộ tổ thuộc Phái Nhất, Chi Hai đã thất lạc lần 200 năm nay. Đối chiếu gia phả với các tư liệu, bia ký của hai ngôi mộ cổ các ông Đạt, Lợi, Quang chắc chắn hai ngôi mộ đó là mộ ngài Phạm Quang Triệt và ngài Phạm Duy Trinh. Các ông đề xuất đem lư hương hai ngôi mộ đó nhập vào nhà thờ họ Phạm ở Truồi, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế, để thờ cúng.

Ngày 15.11.2006, UBND Q.2 cùng Sở VH-TT-DL và Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM đã khảo sát và đề xuất khoanh vùng bảo vệ khu mộ cổ Gò Quéo.