Nguồn suối cạn

Ngày nào cũng vậy, trời vừa chớm hừng đông, tôi mới dụi mắt, chưa tỉnh ngủ, là má Bảy đã nhét vô tay một bọc gói bằng lá thuốc hút lớn hơn bàn tay, võng vẹn hai nắm cơm vắt, một trứng hột vịt luộc với vài hột muối cục còn quến đất đen ngòm. Là tất cả bữa ăn của tôi trong ngày để có sức mà lang thang lùa đàn bò từ vùng nầy qua vùng khác cho nó gặm cỏ. Hễ chỗ nào còn cỏ mọc thì cứ trụ lại, lững thững đi vạch kiếm rau rừng hay cày xới dưới đầm lầy, men theo lạch suối bắt cá miết tới chiều tối mới được lùa bò về.

Riết rồi cơ thể tôi như được gắn bên trong một cái đồng hồ tự động. Nó tự động reo trong tôi giờ nào buồn ngủ, giờ nào thức dậy, giờ nào ăn cơm, giờ nào mỏi mệt rã rời cần lăn ra nghỉ. Những sinh hoạt trong ngày đúng phóc. Không cần ai nhắc nhở.

Đã đời nhứt là hẹn với bọn thằng Phiên thằng Mẫn lùa bò cho ăn cỏ dưới chưn suối Ông Tiên. Mà ngộ thiệt! Dòng suối không ai biết nguồn. Một lỗ mội lớn hơn ống tre đâm trỗ ra ngang hông một tảng đá dựng cao nghệu trên núi, cứ ồ ạt bắn nước ra liên hồi từ đời kiếp nào chẳng ai biết. Nước vẹt sỏi đá, mài mòn, khoét rãnh, chảy tràn xuống, mở rộng vùng rừng cây cổ thụ, lấn ra gần tận mấy đụn cát nằm dọc theo bãi biển. Vệt nước trắng mỏng nhìn từ xa mang hình dáng con mắt thần, sâu hoắm đầy bí ẩn. Nước vọt ra như nước mưa, tuông đều đều từ cái máng xối đá thiên nhiên bắt sâu vô lòng núi. Theo đà rớt dốc, nước cứ bào láng từ từ, mở bung sỏi đá rộng ra lúc nào không biết, lai láng chảy vô khu rừng già cao ngọn ở đằng xa mú mút mắt. Bỏ khu rừng một đổi, thảm cỏ ống xanh cao, màu mạ non mấp mé duỗi từ bìa rừng, chạy bọc theo chưn núi, rút mình tránh những cơn thủy triều có lúc hung hăng đánh tràn qua bãi cát thoải dốc gò lưng nằm duỗi dài bất động như con cá ông khổng lồ bị mắc cạn từ đời đời kiếp kiếp nào.

Cứ lùa bò đi ngả tắt lâu ngày rồi cũng mở được ra lối mòn uốn éo dưới bóng râm, băng ngang qua khu rừng, trỗ miệng tới thảm cỏ. Cho bò ăn vét thêm vài bữa, bọn tôi mới lùa đàn đi ăn xa hơn để chờ cỏ nhô cao ngọn trở lại. Có khi cho bò ăn xa suốt buổi sáng. Trưa lại lùa về ăn cỏ nhín nhín bên bìa rừng để có bóng mát ngả lưng nuốt bữa cơm trễ tràng. Xế chiều, ông Ba Hòa thường dẫn Mỹ Tề, cô cháu nội, mon men theo lối mòn nầy trở về xóm Lưới. Ông Ba hay thở khè một hơi rồi nói ứ hự rồi mới chập hai bàn chưn trần lét phét phủi bụi trước khi ngồi xuống lõm cỏ bên lề đường. Mà bờ cỏ cũng quến đầy đất cát có sạch sẽ gì đâu nà. Nhưng ông Ba vẫn có thói quen bất hủ phủi chưn như trước khi ngồi vô manh đệm lát dọn bày cỗ tiệc. Thói quen của ông khiến tôi đọc trước ra từng động tác mỗi khi ông tạm nghỉ chưn qua đây, kể lể những mẩu chuyện không đầu không đuôi, bất cần bọn tôi thờ ơ ngó mong ra khung trời xa lắt ngoài kia hay cố lắng tai nghe để thỉnh thoảng nói vuốt đuôi vài ba tiếng cho phải phép. Có lúc ông lẩm bẩm một mình rồi gục gặt ngó bọn tôi tỏ vẽ hài lòng. Bọn tôi cũng gật đầu theo chớ tình thiệt không định vị được móc thời gian của những sự tích nửa hư nửa thiệt vừa mới ngày hôm qua, vừa giựt lùi thời gian xa tít từ đời kiếp Bành Tổ nào.

Nhiều lúc tôi ngó kỹ ông, rõ thiệt là chứng nhân của huyền thoại khó hiểu, của tàn tro chiến tranh khốc liệt gần đây và của thế thái nhân tình ngay tại lúc bây giờ.

Chỗ chúng tôi quây quần nằm cách xa lạch nước chừng một cây số ngàn. Nước ở đấy trong vắt, tuông xuống quanh năm suốt tháng và gần như vô tận, tạo ra ngoài cái không khí mát dịu dễ mê còn cung cấp thêm tiếng róc rách nhàn nhã an lạc của âm thanh nước vỗ nhẹ lên ghềnh đá trơn bong láng o.

Tại chỗ nầy, ông Ba kể lại, có một thời máy bay dập xới banh tành té bẹ hết trơn hết trọi. Vậy mà lớp cây nầy ngả rồi lớp cây khác lại mọc. Mọc nhiều hơn. Nhóm người nầy chết rồi hậu thế lại lai sinh. Lai sanh còn nhóc hơn trước. Tử sinh, sinh tử cứ vắt véo cày răng lược vô nhau giống như nước suối Ông Tiên có khi tràn trề, có khi thầm lặng vẽ một vệt mây từ Trời bò xuống, nhỏ nhắn như thân cây mới lớn. Cứ triền miên rửa sạch bụi trần lên sỏi đá, rửa sạch vết hận thù tàn bạo trong lòng người, chưa bao giờ ngừng nghỉ ngày nào. Ông Ba nói chắc mẩm như đinh đóng cột.

‘Hồi nẳm họ quần thảo nhau quá mạng, đánh giết nhau dữ lắm. Người ngã như rạ. Bây giờ tới dân ở xóm Lưới nầy. Ứ hự. Ngày nào cũng nghe ong óng tiếng chửi rủa nhau vì mấy con nghêu bò từ bãi nầy qua bãi nọ. Thả giống nhiều lại thu hoạch ít, để bãi trống vậy mà có khi hốt của... Nhưng như mấy cháu biết đó, ai mà dụ nghêu chạy qua bãi của mình được đâu. Vậy mà cũng đánh nhau u đầu tét trán, mới chán chớ. Tưởng sao rồi hai bên cũng ra xách nước suối Ông Tiên, vừa uống vừa vái van cho vết thương mau lành để kịp mùa đi biển. Giống như hồi xưa họ đánh nhau chí tử. Rồi thì, ai còn sống hay bị thương cũng đều lết lại múc nước suối Ông Tiên mà uống cho vết thương mau kéo da non. Kẻ núp trên núi. Người nằm dưới rừng. Hai bên có ý ngầm tạm ngưng chiến ra suối uống nước. Ông Tiên vét nước mắt mình cung cấp cho cả hai bên giữa mùa khô tháng hạn sông hồ cạn queo bò còn phải rống lên vì khát.

Tuốt trên cao, nhiều thân cây còn ôm thẹo đạn bom, nhựa rút lên ra sức vá víu lâu lắm rồi mà sao chưa thấy lành lặn trơn tru. Có chỗ đâm nhánh cho loài cây chùm gởi che kín quá khứ đau thương, gượng gạo dấu đi di tích buồn nản của một thời tang tóc. Có thân cây vẫn phơi trần nỗi nhọc nhằn, không cần băng bó, thâm quần theo năm tháng, ngạo nghễ nhìn xuống bọn tôi, đồng cảm với cuộc sống hẩm hiu đầy khổ nhọc nhưng vẫn vươn lên sống, vẫn trẻ trung với lá xanh trong tuổi đời già nua hơn bọn tôi mấy kiếp. Ông Ba giở đồ nghề ra tiếp tục gọt đẽo.

‘Nó bị miểng bom chặt đầu hồi còn nhỏ. Nhưng có lẽ tụi con không bao giờ để ý nó đương lớn mỗi ngày, mỗi khắc đồng hồ. Nó vẫn còn sống ở bên trong. Có đời nào con người thấy được những chuyện trước mắt đâu. Thử hỏi cửa chuồng bò nhà tụi con đóng mấy thanh ngang, mấy thanh dọc. Lùa bò ra vô hằng ngày nhưng tụi con có biết đâu nè. Gốc cây nầy cũng vậy. Nó cố ngoi lên sống trong tật nguyền. Nó câm lặng lớn theo ngày tháng đầy hất hủi và vô tình của mọi người. Nhưng nó đương sống và vẫn sống.’

Ông Ba ú ớ muốn nói thêm điều gì đó nhưng lại bỏ ngang. Ông lôi đục, búa ra gò lại đôi vai cong mảnh của người con gái, dưới sự điều khiển tài hoa của mấy ngón tay chai cứng cục mịt kia, bức tượng lần hồi nên dạng, toát ra nét trẻ trung và gánh đầy gian khổ. Rõ thiệt ông đương thổi hồn vô gốc cây què quặc một sức sống lẻ loi giữa rừng lọt tót ra khỏi tầm nhìn của mọi người. Rồi ông nghiêng người trầm trồ đầy mãn nguyện với chính mình. Hình như ông cũng ôm những xúc cảm lẻ loi như tượng gỗ nầy, hất hẳn bọn tôi ra ngoài tri giác. Một lũ chỉ có mắt lùa bò đi tìm cỏ non và đếm coi bò còn mất. Những đôi mắt bị kéo màn, mù lòa thẩm mỹ, đương sống mà không thấy sự sống, càng không thấy được cái đã chết vẫn còn sống chung quanh mình.

‘Ông Tiên là một vị thần Độc Nhãn, bắn nước xuống chưn núi bằng mắt. Hay tụi con kêu đó là nước mắt Ông Tiên cũng được. Dân vùng khác uống nước giếng, nước sông ô nhiễm nên trỗ ra đủ thứ bịnh thập tử nhất sinh, dân làng mình cứ gánh nước suối Ông Tiên về uống là sống dai như đỉa, khoẻ như trâu, bách bịnh tiêu trừ.’

Rồi ông Ba bỏ nhỏ thêm vài lời gì đó, hình như tiếng Tàu thì phải, cười banh miệng, nhếch môi kéo hai bờ nướu trống răng đỏ màu ghẹ luộc. Tôi rón rén đến bươi cái gùi đặt cạnh Mỹ Tề. Vài bó măng rừng phủ lên mình con kỳ nhông trói quặp lè khè đe dọa. Mỹ Tề nhoài người nằm nghiêng nghiêng trên cỏ, nón lá úp mặt. Ngực căng phồng sức sống. Lai quần bèo nhèo rút lên cao phơi bày bắp chưn trắng màu măng non lấm tấm đất bụi. Mỹ Tề nằm yên rất lâu. Bất động. Không thấy trở mình. Một giấc ngủ hờ nhưng sâu như hang độ ngăn luồn vô lòng đá núi. Thanh thản và quên đời. Cơn gió lạc riu ríu lùa tảng lá trên cao hốt theo rung cảm nơi tôi trải ra bạt ngàn tận bãi cỏ non xanh mởn ngoài xa.

‘….Trực thăng cứ xà quần, xà quần cho tới nửa đêm. Hỏa châu nổ phụp phẹt xé rách nền trời tối thui rồi cứ lủng lẳng như ai treo đèn sáng trưng trên đỉnh núi, kéo sau đuôi vệt khói ngoằn ngoèo như có người đương nhả khói thuốc lơ lửng giữa trời. Bò rống. Tiếng bò rống tụi con nghe quen tai rồi hén. Trời đất quỉ thần ơi! Trực thăng nhả đạn liên thanh y hệt như bò rống vậy đó. Họ đâu dám đổ quân xuống núi. Còn mấy anh du kích cứ núp trong hốc đá chĩa súng bá đỏ bắn lên. Đố dám ló mặt ra ngoài. Số còn lại lo thủ súng ngựa trời chờ máy bay rớt là dập liền. Nhưng nó cứ bay xân xẩn, hạ thấp quanh sườn núi. Rồi lại bò rống. Nghe phát nổi da gà. Lượm được dù trái sáng bị mắc trên ngọn cây đem về làm mùng ngủ cả nhà cũng còn dư chỗ. Thiệt đã đời Vân Tiên.

Thằng Phiên nằm mẹp dưới cỏ, tay chỏi đầu dán mắt ngó ông Ba trân trân. Ông đương thôi miên nó. Mỗi lần ông xòe bàn tay làm chiếc trực thăng đảo đi liệng lại, nó vo miệng trố mắt rà theo như đương lâm trận. Mỗi lần nghe ông Ba kể chuyện xưa tích cũ, cái nhìn của tôi vô cảnh vật bao quanh lại được cộng thêm những hình tượng mới lạ. Thần linh vẫn còn đằng hắng trên cao qua tiếng sấm sét của những cơn mưa đen kịt dội tràn, cơ hồ như muốn đập nát núi rừng. Vong của những người chết trẻ hắt thở trên ngọn cây, đuổi nhau, cười đùa khi mặt trời đứng bóng, chạy u ra biển nhồi sóng cao hơn. Hơi thở của Ông Tiên, của người chết, của tôi và Mỹ Tề bấu bám nhau, rào rạt thổi thốc trên cao, nhập nhằng giữa huyền thoại và hiện thực, giữa cái chết và sự sống không sao phân cách được.

‘Ngày mai mẹ đổ bánh xèo. Để trưa trưa em đem ra cho anh. Nhớ chờ em dưới gốc cây Tim.’

Mỹ Tề vẫn nằm yên không trở mình. Nón lá vẫn che kín mặt. Thế mà tôi cứ tưởng em đã thiếp đi trong mỏi mệt. Tóc xếp trên lá khô đánh thức nét đẹp của úa tàn. Tóc và lá đương thở. Sống và chết không nối tiếp nhau nhưng đương ôm chầm nhau để tồn tại ở một dạng tràn trề du dương của hơi thở và cơn gió lạc loài.

‘Anh rọng mấy con cá trắng trong bịt ny-lông. Em nhớ mang về làm liền. Nó cũng ngộp rồi.’

Mỹ Tề vói nắm tay tôi luồn dưới nón lá, cắn nhẹ, tôi nghe Thiên Đường hạ xuống trần gian:

‘Anh đừng mon men theo lạch nước bắt cá nữa nha! Đêm qua em nằm chiêm bao thấy anh bị trợt chưn đập đầu vô đá. Máu me đầy mặt. Cặp mắt thất thần ngó quanh ngó quất. Rồi nước cuốn phăng anh ra biển. Em lội theo hụt hơi mà không nắm được tay anh. Tĩnh dậy em nhận ra mình đã khóc từ lúc nào không hay. Có lẽ em đã khóc trong chiêm bao thiệt nhiều. Rồi em lại tiếp tục khóc khi vừa thức dậy, vừa sợ điềm ác mộng đã qua, vừa mừng cuộc đời thiệt đã có mặt. Không vỗ giấc lại được. Nằm chờ trời sáng rồi chờ mặt trời mau ngả bóng để sớm gặp lại anh. Em sợ anh bị trợt chưn thiệt. Em nôn nao muốn gặp lại anh. Em sợ mất anh. Con người ta sống lâu mới khó chứ chết sớm thì dễ quá, chỉ cần một nháy mắt là xong. Mất tiêu!’

Tôi nghe nước mắt Mỹ Tề chảy ấm trên tay tôi. Và tôi gục mặt trấn an em. Bên kia trũng cỏ, thằng Phiên bỏ đi ra coi chừng đàn bò. Chỉ còn thằng Mẫn vắt tay gối đầu, nằm phơi rún tư lự theo giọng nói kéo dài lệ nhệ của ông Ba, một máy hát dĩa cũ rích chạy được mấy vòng phải ngừng lại thay kim và lên dây thiều cót két. Đó là lúc ông đằng hắng lấy giọng hòa nhập hồn phách vô những ngày cũ, đẩy lùi ra khỏi cuộc đời của bọn tôi. Mịt mù sương khói. Xa tận đâu đâu. Nhưng nó tô vẽ thêm ý nghĩa cho mỗi lần nhìn vô cảnh vật bao quanh. Ngoài nét khắng khít như da thịt với bọn tôi trong lịch sống hằng ngày, vùng đất nầy còn là một dĩa hát bị trầy ướt theo năm tháng nhưng lời ca luôn luôn mới lạ. Nếu ai trong bọn tôi nghe chỏi tai thì cứ gác chưn chữ ngũ nằm lim dim mơ nghĩ đến chuyện khác. Một nghệ sĩ già bị đời đào thải nhưng vẫn tha thiết muốn còn được người nghe. Cung điệu cũ mèm nhưng ca từ vẽ ra đầy hình tượng mới lạ tựa như mạch suối Ông Tiên tuy ngàn đời không vét cạn nhưng có lúc vơi, lúc đầy.

‘Một hôm tụi nó ỷ y bay xà xuống sườn núi, vắt vẻo đậu lại trên không, chỗ có một cụm mây đen, làm bò rống. Ai dè mấy ổng chụm súng bá đỏ bắn lên. Một tiếng nổ tưởng chừng như tét núi. Chiếc trực thăng đâm đầu vô đá núi, phang mảnh vụng tứ phương, xẹt đi rào rạo như rải trấu. Họ túa ra reo hò thu lượm chiến lợi phẩm. Ai dè gần sáng máy bay phản lực bất thần vẹt trời kéo đến lẹ như tên bắn. Lớp nã đạn. Lớp rót hoả tiễn. Đúng là một trận đánh hai bên ngầm giao ước là không có thương binh. Thiệt chí tử. Chết sạch. Chết ráo. Vậy mà suối Ông Tiên vẫn chảy, vẫn mở lòng mời gọi hai bên cùng uống. Nhưng tất cả im rơ. Và lần đầu tiên trong đời ông thấy Ông Tiên khóc ra máu. Mắt Ông Tiên sưng phù lên. Máu và mũ cứ kéo thành một vệt ngoằn ngoèo chảy tủa xuống chưn núi. . .Bụm vốc tay lên nếm thử nghe trào mùi tanh tửi. Vậy mà mấy ngày sau thấy êm êm, thiên hạ vẫn mò đến đây gánh nước suối đem về uống. Họ còn đồn uống nước mắt máu Ông Tiên thì được trường sinh bất tử. Trị được bá bịnh. Ông Tiên là thần cứu nhân độ thế từ đời kiếp nào chớ có phải mới đây đâu. Họ lại nói bên kia núi có người đạp trúng miểng bôm chôn dưới đất lâu ngày, bị phong đòn gánh giựt cong lưng té xuống giường nằm chờ chết. Nghe tiếng thùng thiếc đánh liên hồi, tiếng chó tru lẫn với tiếng chưn người đốt đuốc chạy la inh ỏi, dân xóm Lưới xách nước máu Ông Tiên đến cạy miệng đổ vô. Vậy mà mấy hôm sau thấy ông kia lành lặn, xông xổng vác bừa cào ra ruộng muối.

Rồi ông Ba vuốt râu bật cười hả hê một mình. Dường như ông mất khả năng xô đẩy mọi chuyện đã qua chạy live quá khứ để làm một khoảng cách nhận diện hay nhớ lại. Một bản ngã đương sống trong nhị trùng. Hư hư, thiệt thiệt. Cũng như làm gì có chuyện cây Tim. Chính tôi và Mỹ Tề cạo vỏ khắc hai trái tim mình dưới gốc. Và hai đứa tôi đặt tên cho nó là cây Tim. Mỗi lần ngồi bên nhau dưới gốc cây Tim là mộng mị đổ ập về, quên mất thời gian. Cái đồng hồ tự động nơi tôi đột ngột ngừng phắc lại. Hồi nãy và lát nữa chỉ còn là bây giờ, bứng mất cột mốc định hướng nơi hai đứa tôi. Chắc ông Ba đương bềnh bồng như chúng tôi, lúc đó. Chuếnh choáng như vừa nốc cạn ly rượu mạnh của thời gian, bí tỉ say mèm quên trời quên đất.

‘Mấy con hay tin gì chưa? Bọn lâm tặc vừa rầm rộ kéo về đây ém quân sau hốc đá. Ở đằng kia kìa. Đầy đủ cưa máy, xe ben và mã tấu. Chắc có cả súng ống nữa. Nghe chúng lên cò lắc cắc. Hôm nay tụi con lo lùa bò về sớm đi nha. Đừng lén phén đến gần đó lại xảy ra chuyện không hay. Chắc tối nay tụi nó làm thịt khu rừng nầy. Tối nhớ đóng kín cửa. Tắt đèn. Lùa bò vô chuồng nhốt kỹ. Nghe động tĩnh đừng có dại dột chạy ra ngoài la làng. Tụi nầy dám đổi mạng với tất cả mọi người. Mấy tuần trước bên xóm Ruộng Muối đã xảy ra chuyện đổ máu rồi. Thôi, lo tóm tém gọn lại rồi lùa bò về ngay đi tụi con! Ngày mai nhớ lùa bò đổ lên hướng trên cho ăn vài bữa để nghe ngóng xem sao rồi hả trở lại. Tụi nó thường cử người canh gác không cho ai vô rừng hết. Cà rà lại đây là đổ máu với chúng nó liền. Thôi, tránh voi chẳng xấu mặt nào. Tụi con còn quá nhỏ, không thể mất mạng cho chuyện chẳng đáng!’

Ông Ba bất thần hóa kiếp làm người của hiện tại, thấy rõ nhân tình thế thái, rờ đụng những chuyện sắp xảy ra, kéo đôi mắt bọn tôi chưng hửng dán lên bộ tịch quýnh quáng tội nghiệp của ông.

‘À, phải rồi. Tụi con xách can đi múc nước suối tưới lên gốc tượng gỗ nầy dùm ông. Lẹ lên. Tưới thiệt nhiều. Rủi mà tụi nó có phóng hoả đốt cháy hết khu rừng nầy để phi tang thì lửa cũng giạt ra xa để tránh nước mắt Ông Tiên. Ông nói vậy để rồi tụi con chống mắt lên coi. Thủy khắc Hỏa. Với lại, đây là Thần Thủy.’

Ông Ba lại lẩm bẩm một mình. Tựa như hồi tôi mới lưu lạc về đây ở đợ cho má Bảy. Một hôm trời tối mịt mới lùa đàn bò về tới nhà vì chưa quen đường. Ông Ba và chú Bảy Phú, ba của thằng Mẫn, đương ngồi lù lù dưới gốc dương bàn chuyến đi biển. Thông báo rùm beng trời sắp có bão, cấm tất cả thuyền đánh cá ra khơi. Bỗng dưng ông Ba vụt đứng phắt lên vung hai tay ra sau, phủi đít bành bạch, hít thở khí trời lặng thinh không thấy rớt một miếng gió làm điềm. Vậy mà ông nói chắc nịch:

‘Bão lớn lắm. Nhưng gần tới bờ nó đổi hướng thổi tạt lên phía Đông Bắc. Cháu cứ lén đâm tàu ra khơi lúc giờ Ngọ rồi xả hết tốc độ chạy về hướng Tây Nam. Lúc đó chỉ có một mình tàu cháu, vét khẳm cá ngừ đại dương quay về là hốt bạc.’

Lần đó hốt bạc thiệt. Cha của Mỹ Tề làm công trên tàu đánh cá của chú Bảy Phú nên em xin tiền lén đi xe đò ra chợ mua cho tôi hai bộ đồ để dành ăn Tết. Quần áo còn thơm phức chưa kịp mặc Tết thì chú Bảy Phú ra khơi chuyến kế tiếp. Mùa nầy sao bão cứ thổi ập tới liên miên. Hết cơn nầy quây qua cơn khác phá. Cũng là ông Ba. Ông nheo mắt đọc ráng trời rồi vỗ tay nghe cái đét.

‘Phen nầy chắc chắn giàu to. Gió mà thổi tới đó là hết đà rồi. Nghe đài gọi vô bờ thì cháu cứ chạy rề rề lanh quanh đâu đó vét xong mẽ cá rồi hả về. Trúng đậm lắm nghe!’

Lần nầy không ai sống sót trở về. Mấy tuần liền, Mỹ Tề úp mặt vô vai tôi dưới gốc cây Tim khóc khàn giọng. Đêm nào nằm mơ em cũng thấy nước minh mong và xác chết trôi lềnh.

Giờ đây tụi tôi lại hối hả chạy băng rừng khá xa để chữa cháy cho một tượng gỗ chưa hề phát hoả.

‘Hãy cứ tưởng tượng như tụi mình đi xách nước tắm cho cô gái sống giữa rừng lâu ngày vậy đó. Tưởng tượng như vậy thì thấy khỏe ru.’

Thằng Phiên cứ pha trò, tụi tôi hè nhau cười lên cho đỡ mệt. Rồi cuối cùng cũng xong chuyện. Bọn tôi chạy đi lo lùa bò về, bỏ lại ông Ba ngồi sụp người mân mê bức tượng bán thân quạnh hiu giữa rừng. Tuồng như ông sắp chết bên cạnh người con gái bất tử.

Đêm hôm đó lâm tặc không kịp đốt rừng. Lâm tặc chỉ kịp cưa toàn bộ những cây cổ thụ rồi tẩu tán gọn gàng, mau chóng trước khi bửng mắt. Sáng ngày, bọn tôi vẫn chầm chậm lùa bò theo đường cũ. Khu rừng mà tôi cứ tưởng mênh mông bạt ngàn giờ đây chỉ còn là một mảnh đất nằm co rúm lại với mớ cây non lưa thưa giang tay ra đỡ những cành nhánh bị chặt khúc máng vắt vẻo trên cao.

Bọn tôi hết sức kinh ngạc đứng ngó dòng suối cạn. Nước bỗng dưng ngừng chảy như có ai đứng trên cao chậm nước mắt cho Ông Tiên nhưng không buông tay ra, bưng bít luôn dòng nước mắt. Không phải nước thu hẹp dòng chảy vào mùa khô như mọi khi mà rõ ràng ngừng chảy thiệt sự. Không còn tới một giọt nhỏ tráng đáy lòng suối đương phơi sỏi đá kho trắng. Bây giờ đây hình như Ông Tiên mới khóc hết nước mắt. Lần đầu tiên Mỹ Tề và tôi mới thấy ông Ba đứng thút thít, nghẹn ngào rồi đột ngột gào thét lên từng lúc từng lúc như đứa nhỏ mới lớn thất tình đậm. Chúng tôi không sao ngăn lại được nỗi đau đương cuộn trào vọt bắn ra từ toàn thân run rẩy lật bật rồi ngả sụm xuống đất như thân cây cổ thụ vô tri không còn phản xạ nấm níu kia. Mỹ Tề và tôi cố sức lắm mới đỡ ông ngồi dậy được. Ông khoác tay ra dấu biểu chúng tôi đi đi, hãy để ông ngồi một mình với yên lặng.

Tôi kéo Mỹ Tề đi về hướng cây Tim. Họ cũng đã cưa mất thân cây kỷ niệm của hai đứa rồi, chỉ còn trơ lại gốc vẫn gân guốc chạy rễ bám chặt cả một vuông đất rộng. Chúng tôi ngồi lọt tỏm giữa hai sóng rễ che chắn như hai tay vịn của một cái ngai cao sang. Mỹ Tề vẹt vài cành lá gảy, chà mạnh lòng bàn tay lên hai trái tim vẫn còn in sắc nét rạo rực trên thân cây. Rồi em níu rịt vai tôi ngồi sát lại nhau hơn, mơ hồ như sợ vết cưa nào đó bất chợt đoạn lìa không thương xót. Mỹ Tề nũng nịu nhìn tôi mỉm cười. Tôi vụng về và ngu muội không đoán ra ý nghĩa nụ cười đó trong tim em. Tôi gỡ tay đẩy nhẹ em ra lúc nghe tiếng chưn ông Ba quét lạo xạo trên lớp đất lót đầy lá chết xanh gảy dập. Mỹ Tề bẽn lẽn vội úp mặt vô gốc cây. Ông Ba ngó tôi đăm đăm. Tôi đương chờ đợi một lời quở trách nghiêm khắc. Nhưng không phải. Tầm mắt ông đương xoáy vô Mỹ Tề. Tôi muốn nói lời trần tình nhưng môi miệng tê cứng lại không mở ra được, chỉ còn cái chưn gượng gạo sủi đất che bớt tẽn tò. Rồi ông buông tiếng ứ hự quen thuộc trước khi đánh chưn lẹt phẹt phủi bụi sửa soạn ngồi phệt xuống lớp lá tươi nát.

‘Các cháu đâu bao giờ nhìn ra những gì đương có trước mặt mình há. Đâu bao giờ nhìn ra cái chết vẫn còn đương sống. Như gốc cây nầy nó vẫn sống và khao khát được sống. Từ xa, ông đã nhận ra nó là con mắt. Ngày mai ông sẽ bắt đầu gọt đẽo nó thành mắt Ông Tiên để Ông Tiên tha hồ ngắm nhìn những cây non từng ngày một nhích lên nhích lên cao, lớn thành những cây cổ thụ như từng từng lớp lớp trước. Ông Tiên đã nuôi những cây do bọn lâm tặc cưa đi bằng nước mắt của chính mình. Và bây giờ cũng chính Ông Tiên tha thiết muốn nhìn thấy những cây chết hồi sinh. Mấy cháu biết đó, tha thiết còn hơn con người vốn hờ hững vô tâm và bội bạc với thiên nhiên cung dưỡng.