Sau khi bão đi qua

Chị vẫn còn đứng đó, trên bãi cát khô ăn ra tới các mỏm đá nằm chồm ra biển, có tảng mòn lẳn, có tảng ngọn bén dựng đứng chống chỏi với sóng vỗ. Thủy triều đang xuống bỏ lại những miếng gỗ vụn, bao túi, chai lọ bằng nhựa và mớ rác rưởi, lớp vung vải nằm im, lớp phập phều liếm láp mé nước, cố trườn lên cát theo từng đợt sóng nhè nhẹ tràn lên rồi chạy giạt ra xa.

Ba đứa con dán tầm nhìn ra khơi theo mẹ, quỳ xuống cát, mỗi đứa vòng tay trước trán với cây nhang đang đỏ ngọn bốc khói, lâm râm khấn vái. Chị và cô con gái lớn sụp lạy nhiều lần. Vừa mới lâm râm dứt câu cầu nguyện bắt chước theo mẹ, hai đứa nhỏ liền cầm nhang chạy ngược lên đụn cát khô gần hàng rào khu nhà trọ.

Dãy nhà trọ là khu biệt thự ngăn nhiều phòng, xây trên gò cao, nằm cách khoảng nhau, ôm dọc theo khúc quanh con đường trải nhựa bong tróc từng lỏm sần sùi sỏi đá. Phía sau nhìn ra biển, lỏm chỏm đá dựng và đá ngầm. Gần sang, trời còn đặt sương. Khi mở cửa, tôi đã lờ mờ thấy mẹ con chị chùm nhum nơi đó từ bao giờ.

Cô gái mặc áo pull đỏ, tiệp màu với mặt trời vừa nhô lên một nửa tựa như cái mâm đồng đỏ au bị nước biển bẻ đôi, có đường biên rạng rỡ sắc nét, chưa kịp nhả nắng. Bãi biển ngày giữa tuần vắng ngắt vì cơn bão vừa mới đi qua.

Thay xong quần áo tập thể dục, tôi mới nhận ra mình quên mang theo đôi vớ trắng. Lẽ ra tôi phải mang theo cái quần cụt mua từ nước ngoài về hơn là cứ mặc cái quần cũ này. Mà thôi, không sao. Như vầy cũng tạm được.

Trổ lên con đường trán nhựa, tôi chạy cặp theo lề hướng về khu rừng thưa phía trước. Lùm bụi ven đường còn ngậm sương, lá ướt, nằm im, chưa đong đưa thức giấc. Tôi chạy lúp xúp, rẽ qua lối mòn ăn sâu vào khu rừng vung vãi đầy lon hộp, rác rưởi bừa bãi hai bên lề. Sương sớm còn nặng nên chưa hắt mùi. Mà cũng cố lọc ra khỏi tri giác cái bẩn thỉu để cảm thấy mình đang hít thở không khí trong lành của rừng và biển vào một buổi sáng giữa thiên nhiên tưởng chừng như còn nét hoang sơ, bỏ xa khói bụi khét lẹt, ngột ngạt giữa dòng xe cộ kẹt cứng vào giờ cao điểm trong thành phố. Cứ tự dối mình là đã được rửa phổi thay máu phút nào hay phút đó.

Tôi lướt tới, qua mặt một du khách người nước ngoài, một ông già đầu hói, cao ráo nhưng béo phệ. Ông vẫy tay chào cười nhe hàm răng trắng thân thiện, cố rướn tới khuyên tôi:

‘Này chàng trai trẻ. Anh không cần chạy lẹ như vậy đâu. Nên hít thở sâu và đều hơn. Thúc cùi chỏ mạnh thêm một chút nữa.’

‘Chào buổi sang. Cám ơn ông. Gặp lại sau nhé.’

Tôi cười xã giao, coi lời khuyên của ông ta như nói để làm quen. Thiệt ra tôi quá rành về môn chạy chậm và đã dính nghiệp với nó cũng mấy năm rồi vì lý do sức khỏe. Tôi cố ý qua mặt ông ta. Chạy một mình thích hơn chạy cặp với người xa lạ, phải vừa chạy vừa trò chuyện, mệt hơi.

Lúc rẽ lối đánh vòng ra bãi biển tôi mới thấy chị và mấy đứa con rõ hơn. Tất cả bốn mẹ con đều quấn khăn tang bằng lớp vải mùng trắng, hẹp khổ, mép răng cưa, lổ xổ vài cọng chỉ nhỏ rứt lưa thưa quanh đầu.

Cái áo pull đỏ của cô con gái ngắn ngủn, phơi trần vòng eo và lỗ rún sâu hoắm, lúc cô ưỡn ngực đứng lên cầm nhang xá xá, thều thào van vái bằng một câu thật dài khó nghe, ngắt nhịp như đọc thần chú. Cái áo đỏ nổi bật sự cách biệt vô lý giữa các bộ đồ rách rưới cũ mèm của mẹ và hai đứa em trai, cũng hoàn toàn không thích hợp với khúc bãi biển nghèo nàn đầy ghềnh đá và nhứt là trong buổi sáng vắng hoe du khách nầy.

Người mẹ lấy cái nón lá đội lên đầu, ngồi bệt xuống cát chờ nhang tàn. Ngoài khơi, biển lặng. Sóng vỗ nhẹ đều đều theo lưỡi nước dài, trắng ngần vỡ vụn, vướng lại tiếng óc ách trong khe. Bỗng dưng chị gào khóc thảm thiết. Tiếng khóc đặc sệt, khô quánh, như một dòng suối cạn nguồn, hết trọi sinh lực, chỉ còn đá cuội lăn lăn khô khốc vỡ tan. Tiếng khóc yếu lần, không còn nước mắt, không còn hơi thở. Chỉ còn giọng khàn khàn không ra tiếng người, tựa như một bàn chải sắt chà nhám lên một thùng phuy rỉ sét. Chị vật vã nằm xuống, hớ hênh. Hai chưn dẫy nẩy đạp chòi tạo thành hai rảnh cát lún sâu, như để bươi tìm hy vọng hoặc chôn vùi tuyệt vọng, nhưng tất cả đều bất thành. Chị nằm ngửa, gác đầu lên đùi cô gái đương ngồi theo tư thế quỳ. Áo chị sậm màu, đứt nút dưới, phanh ra cái bụng trương sình, no nước như một xác chết vừa được vác lên từ biển. Một người đàn bà mang bầu vô thừa nhận. Rồi hai bàn chưn ngừng chòi, dựng đứng lên trời, đạp thẳng ra biển. Chị đang nằm vạ với trời và biển. Chị đương chống đối tới cùng hai thứ mà du khách bỏ tiền tới đây để thưởng thức. Điểm sống trong người chị chỉ gom lại nơi bộ ngực thoi thóp, cái áo hở phô làn da trắng hơn cái bụng binh rỉnh. Cô gái cởi cái nón của mẹ ra, quạt quạt cho có chừng, đong đưa cánh tay trần sạm nắng đầy vẻ mệt mỏi. Biển chỉ là một nền nước xanh trải sâu mút mắt tưởng chừng như lót đường đi tới trời nếu không có vài cái tàu neo đậu ngoài khơi làm cột móc chận lại tầm nhìn.

Cả nhà họ đều thờ ơ trước sự hiện diện của tôi. Một cái nhìn tò mò. Một du khách xa lạ dừng lại dửng dưng như bao người khác rồi hững hờ bỏ đi với câu hỏi tại sao, tiếng tắc lưỡi, lắc đầu bỏ lại dấu chưn vô cảm trên cát. Chị như quen mắt, quen sống với vô tình. Như người ta lặng lẽ đi qua mấy kẻ ăn xin giả đò dở sống dở chết nơi thành phố.

Hai đứa nhỏ hì hục đắp một hình nhân bằng cát cao nghệu, suôn đuột, không tay, cắm hai cây nhang lên đầu như hai que ăng-ten của người ngoài hành tinh vừa mới đáp xuống trong phim hoạt hình. Mặt tượng cát quay nhìn về hướng nhà trọ, chừng như tha thiết tìm về một nơi ấm cúng từ vùng biển lạnh mù khơi.

Hai đứa nằm rạp người lên cát, tay chỏi cằm, chưn đánh nhịp dỡ lên bỏ xuống say sưa ngắm nghía tác phẩm của mình, ngoặt ngoẻo cười, đứa kéo khăn tang chùi nước mũi, đứa cỡi ra quấn choàng quanh cổ. Đứa lớn chạy xuống hốc đá, giở tấm vải bạt lôi ra một bao nhựa có in chữ ‘hàng cứu trợ’. Nó lắm le lắm lét nhìn về phía người chị rồi vụt ôm bao nhựa chạy lẹ lên gò cát. Chúng từ từ moi ra nào là nước tương, dầu ăn, xà bông, bột giặt, giấy vệ sinh xếp lớp qua một bên. Cả hai lột nón lưỡi trai lật ngửa. Đứa lớn bẻ đôi gói mì, nhai qua loa rồi thồn ngốn hay nuốt trọng. Đứa nhỏ giành giựt thêm phần, bị xô té lăn trên cát. Khóc ngất.

Cô con gái bỏ đôi dép lào chạy chưn trần lên gò cát. Cô bạt tai đứa lớn, dồn hàng cứu trợ vô lại cái bao nhựa. Nó dẫy nẩy khóc thét lên. Đứa nhỏ cũng khóc theo.

Gió thổi nắng lên cao, gắt dần. Biển trở chiều lên sóng. Cô gái mang bao về khe đá, dời tấm bạt sít lên, giũ cát phủ lại mớ đồ vụn vặt. Cô rút bó nhang cúi người bật lửa. Áo pull đỏ vén lên eo ong da trơn bóng mồ hôi, săn chắc vẽ nét kịch cợm, quê mùa của một cô gái vùng biển.

Hai đứa nhỏ quay lại vuốt láng pho tượng cát. Đứa nhỏ bươi tìm những cọng mì vụn còn sót lại trong lòng nón. Nó dán tầm nhìn thèm thuồng, tiếc nuối theo người chị. Đứa lớn đắp thêm cát lên pho tượng, bẻ gập chưn nhang đâm thẳng về hướng nhà trọ, vỗ tay cười ngất.

Tôi mở cửa hông ngó sang phòng đối diện. Té ra lão đầu hói ở phía bên kia. Ông chống tay lên cửa sổ, vẫy chào. Tiếng nhạc Rock loáng thoáng, lựt giựt. Cửa sổ ở đây không có chắn song. Vải màn phủ kín, có thể vén ngang để thò tay khép cửa kiếng lại, bật máy lạnh. Mắt ông hơi híp, đánh vòng gờ thịt vung lên làm thành bờ bao dưới mi. Ông mang kính lão, lướng nhướng nhìn tôi nửa tròng như gã tài phán đếm tiền trong sòng bạc. Ông mình trần, quấn cái khăn tắm dày quanh cổ. Mặt ửng đỏ như vừa nốc ly rượu mạnh.

Ăn sáng xong, tôi ra bãi tắm. Phải rời chỗ trọ đi một quãng đường khá xa mới tới bãi cát phẳng, không vướng đá ngầm. Vừa ra ngõ bên hông nhà, tôi nghe tiếng xe gắn máy đậu lại trên đường. Một tay xe ôm chỏi chân, khóa cổ lững thững đi xuống bãi biển. Thân hình vạm vỡ. Râu mép đen rậm. Cái thẹo vắt xéo trên má. Áo ngắn bỏ hở nút trên, kéo lệch vai loáng thoáng hai chữ ‘HẬNĐỜI’ xâm màu xanh trước ngực. Tướng đi hai hàng, có vẻ sẵn sàng đấm thẳng vô mặt ai đứng cản đường chận lối.

Đi ngang tôi, hắn nhếch miệng cười, gật đầu chào như quen nhau từ trước. Hắn tới thẳng cô gái, kéo tay đứng ra xa, thì thầm có vẻ bí mật. Cô gái đi mau tới hốc đá moi ra cái gương soi mặt tròn nhỏ chạy viền màu xanh, tháo vòng khăn tang, chải tóc lại. Cô quét đôi dép lào lệt bệt trên cát đi theo gã xe ôm. Đôi dép không có quai hậu nên khó nhấc chưn lên khi bước qua mấy đụn cát khô lún. Thoáng nhìn tôi, cô bẽn lẽn cúi đầu. Gương mặt không son phấn. Chưn mày nguyên nét tự nhiên. Đôi mắt tròn sáng đến ngây thơ. Gã xe ôm đi chậm lại, ngó tôi hơi lâu như muốn mở lời, nhưng thôi, đi tiếp lên mặt đường. Hắn nổ máy xe, chở cô gái phóng mau như ma đuổi.

Tôi đi vòng xuống bãi biển. Nếu lên lộ đi thẳng sẽ gần hơn. Người đàn bà gác đầu lên cái bọc vải màu đất sét, che nón lá trước ngực, để lộ những ngấn cổ đầy hờm. Không biết chị còn thức hay đã ngủ. Tay vẫn nắm hờ cây nhang găm chưn xuống cát. Tàn tro rụng kéo theo đóm lửa nhỏ rớt lên da thịt nhưng không thấy chị nhúc nhích. Thủy triều bắt đầu lên. Gió biển lùa những cơn sóng nhỏ ngoài khơi lên cao lần, đập tung vô vách đá, bọt vỡ tan tành. Cứ như thế và thật đều.

Hai đứa nhóc trở xuống khe đá mở gói mì còn lại, lật ngửa nón bẻ đôi, tỏ vẻ thoải mái, không cần cảnh giác cũng không gây gổ.

Bãi biển vắng khách, còn đọng lại những thanh củi cháy dở dang, dấu tích của những cuộc vui thâu đêm vừa mới dứt. Trên mỏm đá, ven bìa rừng dễ thấy những cặp tình nhân quấn vai hôn nhau mặn nồng. Ngày hôm qua, nơi đây là vùng trời của hạnh phúc và cũng là của tang thương, cận kề, chồng lấn nhưng tách biệt nhau hết sức. Sóng biển nghe như là câu kinh cầu siêu được lập lại nhiều lần mà cũng là bản nhạc tình thiên nhiên ban tặng cho những người đang yêu nhau, những đôi tay hăm hở vói bắt bao ước mơ trước mặt, thoát tục và tuyệt đẹp.

Đến bãi tắm, tôi gặp lại ông tây đầu hói. Ông kéo ghế bố lại nằm cạnh tôi, mắt ghim theo vài cô gái mặc quần áo tắm đang nô đùa trên cát rồi mỉm cười mãn nhãn. Tôi kêu thêm bia ướp lạnh. Câu chuyện dần dà trở nên gần gũi và thân thiện hơn. Ông khen các cô gái Việt Nam đẹp, vóc dáng thon thả, ít bị béo phì, không mấy ai dư mỡ đẫy đà coi nặng nề quá khổ.

‘Này anh bạn trẻ. Anh biết không? Nhìn mấy cái tàu neo đậu ngoài khơi tôi nhớ lại hồi tôi còn làm thủy thủ. Thường thì sáu tháng, đôi khi cả năm mới về nhà được một lần. Tàu tôi chở hàng đi nhiều nước. Cuộc đời tôi gắn liền với biển cả và giông bão. Nhiều lần sém bán mạng vì going bão. Trong sóng gió, anh mới thấy con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên. Con tàu mới ghé Ba Lan sửa chữa toàn bộ hơn một tháng. Vậy mà cơn bão đánh tróc hết lớp vỏ sơn, chỉ còn lớp sơn chống sét nhìn đỏ lòm như con tôm luộc. Những cuộc hải hành xa, anh biết không, trên tàu quý nhứt là rau tươi và thèm nhứt là gái. Có lênh đênh lâu ngày giữa biển, anh mới cảm nhận biển là một kích thích tố kỳ lạ. Nó làm cho con người động cỡn phát điên lên. Buồng nào cũng như buồng nào đều dán hình mấy cô gái khỏa thân. Tức cười, một hôm tôi trở vào buồng đôi chung với một thằng bạn. Nó ôm xiết cô người mẫu bằng cao su hôn hít tơi bời. Tóc cô gái màu hạt dẻ lõa xõa trên gương mặt lim dim đờ đẫn. Nó thì thầm, rên rỉ cho tới ca trực mới thảy hình nhân qua cho tôi mượn.’

Ông ực chai bia rồi tiếp tục kể những chuyện tục tĩu của cuộc đời thủy thủ. Tôi tư lự ngó ra phía mấy cái tàu đang neo đậu ngoài khơi, ừ hữ cho có chừng nghĩ lang mang tới những con tàu nhổ neo tấp lại bến bờ, những con tàu bắt đầu tiếp tục cuộc hành trình, những con tàu bị nhận chìm giữa đại dương bao la. Tất cả có đó rồi mất đó.

Lúc trở về phòng trọ, tôi ngạc nhiên thấy chị đàn bà nằm trên ghế bố che tản dù rộng màu sắc sặc sỡ. Cô gái trải tấm bạt dày hoa văn loè loẹt, bày biện bánh mì, thịt nguội và vài lon nước ngọt ngâm trong sô đá. Chị ăn cầm chừng, ngậm miệng thật lâu, không nuốt nổi. Trên tay cây nhang mới thắp. Gió riu ríu hốt tàn tro bay đi, có thể cùng với lời mấp máy van nài, cuốn vào không gian vô tận, không đáp lại một niềm tin cho dù rất mong manh.

Hai đứa nhỏ ngồi xếp bằng, nhịp đùi khoái trá, ngốn từng búng thức ăn đã khẩu. Cô gái xõa tóc, nằm co người trên mí tấm vải bạt, phờ phạc nhìn ra biển khơi.

Trời chạng vạng. Mây giăng sợi màu máu tươi, tuồng như cây nhang đương cháy được mồi lửa từ đó đem về. Đèn tàu mỗi lúc một rõ lần, phơi bày sự sống thu hẹp nơi đó, giữa biển trời vô tận. Có thể họ đang giành nhau mớ rau tươi như hai đứa nhỏ xô đẩy nhau để lượm lên những cọng mì khô còn sót lại. Có thể họ đang chuyền tay nhau hình nộm một mỹ nhân tóc rối màu hạt dẻ. Sự sống đang cuồng nhiệt gom tụ nơi đó. Những cuộc đời phiêu bạt vẫn còn sống trên mặt biển xanh thoáng chốc rũ màu u tối.

Tôi mở cánh cửa sổ bên hông đón gió biển tràn vào. Bỗng gã xe ôm lù lù xuất hiện trên mặt lộ. Hắn dựng xe khoá cổ xăm xăm đi vào ngõ. Tay đánh đằng xa dũng mãnh. Áo banh nút ngực đầy vẻ du côn. Hắn sáp lại kéo tay cô gái bước giạt ra khỏi tấm bạt, to nhỏ. Không thấy cô gái trở lại soi gương, chỉ thấy hai tay cô ta phủi phủi lên mông cho sạch cát, nối bước theo hắn. Chưn mang dép có quai hậu khiến dáng đi gọn gàng hơn tuy rằng có hơi tất tả. Cây nhang lụi tàn lần trên tay người mẹ thờ ơ bất động. Hai đứa nhỏ khui nước, uống sặc ướt áo không nhìn theo người chị.

Lên tới bờ lộ, hắn không nổ máy xe, kéo cô gái đi vòng qua ngõ bên. Ông tây đầu hói thò mặt ra ngoài, không ngó sang tôi. Ông khép cửa kiếng. Kéo màn lại, tắt bóng nê-ông, bật đèn màu đỏ, màu của ráng chiều tươi máu.

Tôi khép cửa, mở máy lạnh, bật T.V xem kênh động vật hoang dã. Một cô gái đang đi mót củi ven bìa rừng đạp trúng đuôi con rắn chuông. Nó ngóc đầu cuộn mình thật nhanh cắn trúng chưn cô gái. Người cha ngồi chờ quá lâu không thấy con mình trở về. Ông hơ hãi chạy vào rừng tìm con. Tới nơi thì đã quá muộn. Ông ôm xác con gục đầu khóc nức nở.

Tôi mở tủ lạnh khui chai rượu ngoại uống say hồi nào không hay, chúi đầu lên giường ngủ một giấc thật sâu.

Gần sáng tôi mơ thấy bầy gấu trắng Bắc Cực đang ra sức đục bằng tay trên mặt băng, khoét được một lỗ rộng. Một con gấu lặn sâu xuống nước vớ được con cá lớn. Khi nó trồi lên, bầy gấu bu lại giành giựt xé xác con cá máu bắn lên phồng phộc nhuộm đỏ bộ lông trắng. Tỉnh dậy, tôi mới biết mình để máy lạnh ở độ quá thấp và chương trình động vật hoang dã vẫn còn tiếp nối chuyển qua cảnh khác.

Tôi thay quần áo chạy bộ vào khu rừng thưa. Ông tây đầu hói vẫn theo lối cũ, chạy trước tôi một khoảng cách ngắn. Khi trờ tới qua mặt, tôi quay lại hỏi ông:

‘Tối hôm qua ông ngủ ngon không?’

Ông búng hai ngón tay kêu thành tiếng, cười toe miệng:

‘Tuyệt vời!’.

Tôi chơi chữ một cách vô tình:

‘Hơn cả tuyệt vời chớ!’

Tôi bỏ ông ta, chạy bọc xuống bãi biển. Chị đàn bà thay quần áo mới, nằm mẹp trên ghế bố, tay lại cầm bó nhang rực lửa. Cô gái vẫn trong cái áo pull đỏ, nằm co rút tên mí tấm bạt, kẹp tay vô đùi, miệng hé mở, mép chảy nước bọt, mê man quên trời quên đất. Hai đứa nhỏ bày ra buổi ăn sáng, nhai nuốt chậm chậm, thanh bình.

Tôi vừa nhận được điện thoại, vội quay trở lại chuẩn bị trả phòng đi lấy xe lái về Sài Gòn. Vừa ra ngoài ngõ, tôi chạm mặt ngay gã xe ôm. Hắn ở trần, chạy sồng sộc ra bãi biển. Tôi đứng lại ngạc nhiên ngó theo. Hắn cuống quít nhảy dựng lên, đập hai tay vào đùi, gồng gân cổ thét lớn:

‘Chuyến tàu vớt xác cuối cùng sắp về nớ rồi. Họ phát loa trong ba người còn sống sót có tên cha mi. Tất cả lẹ lên. Ra Bến Chài đi hỉ.’

Xác chị nằm trên ghế bố bật đứng lên, vụt biến thành một người kêu gào, tất bật đâm đầu chạy thẳng ra lộ quên vứt bỏ cái khăn tang. Gã xe ôm dẫn cô gái và hai đứa nhóc đuổi theo sau. Hắn trờ tới vung tay đẩy tôi xiểng niểng ngã giạt vào lề, mặc dù lối đi còn rộng thênh thang. Tôi nhìn vào ngực hắn. Bên dưới chữ ‘HẬN ĐỜI’ còn xăm thêm hình trái tim màu hồng.

Tôi lớ ngớ gượng đứng lên ngó vói theo. Thì ra dưới đáy căm hờn cuộc đời đen thẳm, hắn vẫn còn đọng lại một tấm lòng son đỏ, một tình người, không sao tẩy xóa được.