Cuộc tấn công quân sự đầu tiên của Pháp vào Việt Nam

Pháp tấn công thành Hưng Hoá năm 1884.
Sự xuất hiện của Đệ Nhị Đế Chính (Second Empire) năm 1852 đã đánh dấu một giai đoạn quyết định trong sự phát triển chính sách của Pháp đối với Việt Nam. Với các kẻ biện hộ hùng hồn nhất cho sự can thiệp vũ trang, các giáo sĩ truyền đạo và các thân hữu của họ tại quốc nội, trong các chính phủ có bản chất chống lại giới tu sĩ của Louis-Philippe và của Đệ Nhị Đế Chính, họ đều dễ dàng tìm thấy một thái độ bịt tai làm ngơ. Nhưng Vua Napoléon III đã mắc nợ nặng nề ở sự ủng hộ của Giáo Hội để lên nắm quyền bính, và bước ngoặt các biến cố ở phương Đông khiến ông khó có thể được phép quên đi các món nợ của mình.

Điều thường xảy ra, cả ở Trung Hoa lẫn Việt Nam, là một vi chúa tể sẽ chỉ định người thừa kế một trong bất kỳ đứa con trai nào xem ra xứng đáng để kế ngôi, và vua Thiệu Trị đã không khó khăn gì để lựa chọn, bởi đứa con trai trẻ hơn có đủ mọi phẩm chất đòi hỏi ở một vị quân vương trong truyền thống Khổng học, rất thông minh, thông làu văn chương Trung Hoa, và, trái với người cha khá bốc đồng, lại có một tính tình điềm đạm. Song, bất kể là ở Việt Nam hay ở Trung Hoa, việc bỏ qua cấp bậc trưởng thứ để nghiêng về thực chất thường khơi dậy sự bất mãn, và chúng ta không ngạc nhiên khi nghe thấy rằng hành động đầu tiên của vua Tự Đức, khi lên ngôi vào năm 1847, là đã ra tay đối phó trước với sự lôi thôi bằng cách tống giam một người anh lớn tuổi hơn, là kẻ bị cưỡng bách thắt cổ tự tử trong khi bị bắt giữ (a).

Hiền hòa như một tân vương của Việt Nam thường biểu lộ, sự trị vì của nhà vua chỉ bắt đầu ít tháng sau việc ông có thể đã làm ngơ không xem thế lực của Thiên Chúa Giáo như là một tội ác tàn nhẫn nhất, cùng với lòng hiếu thảo, còn đức tính nào cần hơn nữa, đủ để đẩy nhà vua đi theo con đường vạch ra bởi cha ông ngài.

“Đạo Chúa [như ghi ở một trong những bản tuyên cáo đầu tiên của nhà vua] hiển nhiên là trái với tự nhiên, bởi nó không tôn trọng các tổ tiên đã khuất. Các thầy giảng đạo gốc Âu Châu, là các kẻ đáng tội nhất, sẽ bị ném ra biển, với đá cột quanh cổ, và một phần thưởng ba mươi nén bạc sẽ được trao cho bất cứ ai bắt được một người trong họ. Các thầy giảng gốc Việt Nam ít tội hơn, và trước tiên sẽ bị tra tấn để xem họ có sẽ từ bỏ những sai lầm của mình hay không. Nếu từ chối, họ sẽ in dấu trên mặt và đày đi đến những vùng rừng thiêng nước độc nhất trong nước.”

Ba năm sau đó, năm 1851, sự khoan dung này dành cho các linh muc bản xứ đột nhiên bị bãi bõ. Từ đó về sau: “hoặc là họ phải chà đạp lên thánh giá, nếu không sẽ chém làm hai ở ngang lưng.” [trảm yêu, chú của người dịch]. Trong năm đó và năm kế tiếp, bốn vị giáo sĩ truyền đạo người Pháp đã bị chém đầu và thi thể bị ném trôi sông hay ra biển. Báo chí Công Giáo tại Pháp kêu la trong sự kinh hoàng, và sự khích động đã thu nhận được một cảm tình viên nơi Hoàng Hậu Eugenie, nhất là khi trong số các nạn nhân sau này có tên một vị giám mục Tây Ban Nha mà khi còn là một thiếu nữ, bà ta có quen biết tại Andalusia. Nhưng có lẽ kẻ địch có sức thuyết phục nhất chống lại vua Tự Đức chính là nhà du hành phương đông danh tiếng, Linh Mục Huc, một kẻ khá lạ lùng là chưa bao giờ đặt chân lên Việt Nam trong cuộc đời ông, nhưng lại bù đắp sự thiếu sót đó bằng những kinh nghiệm của ông tại Trung Hoa.

Sự bất lực của chế độ kiểm soát ngoại kiều của Trung Hoa thời xưa được biểu lộ hùng hồn bởi sự kiện là vị linh mục này chỉ bằng việc mặc quần áo Trung Hoa và mang đưôi tóc giả đã có thể xâm nhập vào nước này mà không gặp trở ngại nào cả tại thành phố Quảng Châu (Canton) vào năm 1840, ngay lúc có cao điểm của cuộc Chiến Tranh Nha Phiến, và trong nhiều năm đã tự do lang thang đến mãi tận vùng Mông Cổ và Tây Tạng, tại vùng sau này, lý lịch của ông như một người nhập cảnh bất hợp pháp sau hết đã bị phát giác, và ông bị bắt giữ và gửi đi dưới sự canh gác về vùng duyên hải để chờ trục xuất. Ông và bạn đồng hành, một người đồng hương tên là Gabet, xem ra đã được đối xử một cách khá tử tế bởi nhà cầm quyền Trung Hoa. Có lẽ tính khí áp đảo tự nhiên của linh mục Huc càng trở nên tệ hại hơn bởi việc quen với thái độ cực kỳ nể vốn thường được bày tỏ bởi các tín đồ cải đạo dành cho các linh mục ngoại quốc, còn nhiều hơn cả sự kính nể dành cho các quan lại cao cấp nhất bởi các viên chức thuộc cấp. Trong mọi trường hợp, sự giận dữ của ông đối với người mà ông xem là không có tư cách thực là không có giới hạn nào cả, và ngay cả khi một vài viên chức chức hảo ý cố gắng đối xử một cách thân thiện, nỗ lực này lại bị đẩy lui như một thái độ sỗ sàng trơ trẽn. Bị trục xuất khỏi vùng nội địa, ông đã trải qua vài năm tại Thượng Hải và Hồng Kông, đã gây bối rối cho các lãnh sự ngoại giao Pháp bởi các yêu cầu của ông về những biện pháp mạnh đối với người Trung Hoa, mãi cho đến năm 1851 khi ông quay về Paris, nơi mà tập tường thuật về các cuộc du hành của ông đã tức thời làm cho ông nổi tiếng. Như một văn gia ông đã góp phần một cách cụ thể vào sự tạo lập huyền thọai màu đen, tượng trưng Trung Hoa như là một hỏa ngục tại thế cho sự độc ác và tật xấu của phe tà giáo, và uy tín lớn lao được khoác lên cho ông như là một thẩm quyền về mọi vấn đề liên quan đến vùng Viễn Đông.

Trong bản văn hồi ký, và sau này trong các buổi đàm thọai cá nhân với vua Napoléon III, Huc đã nhấn mạnh rằng nước Pháp đã có một “quyền bất khả kháng nghị” đối với lãnh thổ đã nhượng cho Pháp bởi hiệp ước 1787 (b), và rằng đoàn quân viễn chinh và lực lượng hải quân được phái để tham dự cuộc Chiến Tranh Nha Phiến Thứ Nhì đánh Trung Hoa đã thừa cho bất kỳ cuộc mưu tính nào tại Việt Nam, đặc biệt là vì dân chúng tại quốc gia đó, đang rên siết dưới chế độ tàn bạo của vua Tự Đức, sẽ đồng tâm nổi dậy để đón tiếp ngườI Pháp như những kẻ đến giải phóng họ. Trong tháng Tư 1857, sự khuyến cáo của Linh Mục Huc đã đưa đến sự bổ nhiệm một ủy ban để khảo sát tính khả thi của việc chiếm đóng một địa điểm nằm trên bờ biển Việt Nam. Trong khi không hoàn toàn tán thành với các ý kiến của Linh Mục Huc về bản hiệp ước năm 1787, các ủy viên đã đồng ý rằng sự trợ giúp dành cho vua Gia Long bởi các cá nhân ngườI Pháp có thể được viện dẫn như một bước tiến đến việc thực thi bản hiệp ước này, và điều này, cộng với sự ngược đãi các giáo sĩ truyền đạo, đã đủ để chứng minh cho một sự can thiệp quân sự của Pháp. Điều quan trọng hơn bất kỳ sự bắt bẻ tỉ mỉ về pháp lý nào chính là sự kiện là vào thời điểm đó, Luân Đôn và Ba Lê đang là các thân hữu thắm thiết – như được biểu lộ ở vùng Crimea lẫn ở Trung Hoa – và có vẻ không thể có bất kỳ phản ứng đối nghịch nào từ Anh Quốc đối với một cuộc phiêu lưu nào của Pháp tại Việt Nam, một vùng mà không có sự quan hệ gì đến quyền lợi của Anh Quốc. Bên Hải Quân thì trước sau vẫn ủng hộ cho các kẻ chủ trương can thiệp, và khi đó đang nóng lòng để đặt chân lên Đà Nẵng. Trong thực tế, trong tháng Chín 1856, sáu tháng trước khi có sự thành lập ủy ban, một tàu chiến của Pháp, đã cố gắng nhưng không thành công trong việc chuyển giao một bức thư chính thức đến Huc {?, có lẽ là Huế, vì linh muc tên Huc nói ở phần trên không hề đặt chân lên Việt Nam, chú của người dịch], đã đi xa hơn hành động hồi năm 1847 bằng việc không chỉ nã súng vào Đà Nẵng, mà còn phái cả một đội quân lên bờ để bịt miệng các khẩu pháo của Việt Nam. Chiếu theo đó, trong tháng Mười Một năm 1857, các chỉ thị đã được gửi cho Đô Đốc Rigault de Genouilly, tư lệnh hải đội Pháp tại vùng Viễn Đông, rằng ông ta phải thực hiện tức thời một “cuộc biểu dương” tại Việt Nam. Chỉ thị ghi rõ là cuộc hành quân này phải bao gồm sự chiếm đóng Đà Nẵng, nhưng mọi vấn đề khác được dành cho sự chuyên đoán của viên Đô Đốc. Sự mơ hồ phản ảnh sự thiếu vắng các mục tiêu chính xác về phía chính phủ, một số ủy viên đã thú nhận rằng họ chỉ có một khái niệm vô cùng mờ nhạt về vị trí của Việt Nam trên bản đồ. Mục đích rõ rệt là để ngăn chặn các sự ngược đãi tôn giáo, và ý tưởng là Đà Nằng, nằm rất gần kinh đô, là một địa điểm lý tưởng để từ đó tạo áp lực đến Triều Đình.

Thời cuộc bắt phải chờ cho mãi đến tháng Chín, 1858, chiến dịch Trung Hoa mới cho phép Rigault de Genouilly hướng sự chú ý về phương nam, và đoàn viễn chinh của ông, khi xảy ra, đuợc liên kết với một đồng minh, bởi Tây Ban Nha cũng cảm thấy nhiệm vụ của mình là phải trả thù cho những sự khổ đau của các nhà truyền giáo của mình, đã phái một đoàn quân gốc người Phi Luật Tân cùng chia sẻ chiến công này. Vị Đô Đốc quen thuộc các hải phận này bởi ông ta đã từng có mặt trong trận nã pháo hồi năm 1847, và bây giờ ông thấy không mấy khó khăn trong việc thiết lập một đầu cầu, bao gồm chính yếu một giải đất tác động như một đập ngăn sóng cho một hải cảng thực sự tráng lệ. Ngoài thành công sơ khởi này, các kỳ vọng của ông ta đã bị dối gạt một cách đáng buồn. Bất kể mọi điều bảo đảm của các giáo sĩ truyền đạo, không một giáo dân bản xứ nào đã tụ hợp cùng với các kẻ xâm lăng. Về cuộc tấn công vào ngay Huế, ở vị trí trêu ngươi vì quá gần trong tầm tay, các giáo sĩ lần nữa lại tỏ ra quá hăng máu. Ngay dù chỉ đồn trú ở Đà Nẵng, các binh sĩ ngoạI quốc đã bị khuất phục với các con số đáng sợ vì mắc bệnh dịch tả, kiết lỵ, và các chứng bịnh nhiệt đới khác, và một cuộc tiến quân trên nội địa bằng đường bộ hoàn toàn là điều không thực hiện được. Dòng sông Hương chảy từ Huế ra biển, nhưng chỉ có những tàu chạy ở tầm nước nông mới lưu thông được, và kém may mắn thay một số tàu chiến loại nhỏ được sản xuất đặc biệt tại Pháp cho chiến dịch Việt Nam lại bị phái sang Hồ Lake Garda để dùng chống lại người Áo trong một cuộc chiến nổ ra tại miền Bắc nước Ý Đại Lợi.

Hiển nhiên việc chỉ lảng vảng ở Đà Nẵng sớm bị chứng tỏ là không đạt được một mục đích gì cả. Nhưng bọn họ còn có thể đi đâu được nửa. Ý kiến của các nhà truyền giáo, được hậu thuẫn bởi người Tây Ban Nha, là phóng ra một trận đánh vào Đông Kinh [tức Bắc Việt ngày nay, chú của người dịch], nơi mà được biết có số lượng các người cải đạo Thiên Chúa đặc biệt lớn, và nơi mà một kẻ tự xưng là dòng dõi cựu triều nhà Lê sẵn sàng tự đặt mình dưới sự bảo vệ của người Pháp. Tuy nhiên vào lúc này, vị Đô Đốc đã có đủ, và còn quá thừa, lời cố vấn của các nhà tu. Chắc chắc có một nơi mà họ có thể đi đến: miền nam của xứ sở này vốn là một khu vực sản xuất rất nhiều lúa gạo, mà sự tổn thất sẽ tạo thành một cú đánh nghiêm trọng vào Huế, và đô thị của miền Nam chính là Sàigòn, một thành phố có thể tiếp cận một cách trực tiếp bởi đường sông, không đòi hỏi một cuộc tiến quân bằng đường bộ xuyên qua một vùng thôn quê đáng lo sợ. Đã có một vài hoàn cảnh khó khăn, nhưng vị Đô Dốc không lùi bước. Vào ngày 2 tháng Hai năm 1859, chỉ để lại vài trăm quân tại Đà Nẵng, ông ta đã cho xuôi nam với chín tàu chiến hải quân của Pháp và một tàu của Tây Ban Nha, được hộ tống bằng bốn chiếc tàu chuyển chở đồ tiếp liệu được thuê mướn. Vào ngày 12 tháng Hai, sau khi dập tắt họng súng của Việt Nam tại Vũng Tàu (Cap de St. Jacques), đoàn viễn chinh đã tiến vào dòng sông dẫn đến Sàigòn và trong ba ngày đã chậm rãi tiến bước xuyên qua các vị trí xây dựng kiên cố được che chắn bởi rừng rậm dọc hai bên bờ sông. Rồi thì Sàigòn đã hiện ra trước mắt, phơi bày trước thế giới các thôn ấp rải rác trong một khung cảnh thôn quê thanh bình, bởi tòa thành được che dấu bằng các lùm cây.

Các công sự phòng thủ dọc bờ sông phải bị loại ra vòng chiến bằng hỏa pháo của các khẩu đại bác trước khi các bộ đội đầu tiên có thể đổ bộ lên đất liền, và rồi trong buổi sáng thứ nhì, ngày 17 tháng Hai, cuộc tấn công vào tòa thành đã khởi sự. Cuộc tấn công kết thúc trong khoảng năm tiếng đồng hồ, trong đó điều được ghi nhận là khả năng tác xạ của Việt Nam bị thua kém so với khả năng của bên tấn công. Vào khoảng trưa đội quân đồn trú bỏ chạy và Sàigòn lọt vào tay người ngoại quốc. Các kẻ chiến thắng vui mừng với doanh trại của họ trong thành, đặc biệt khi họ khám phá ra các số lượng to lớn về đạn dược và thực phẩm – được ước lượng có đủ gạo để nuôi ăn cho tám nghìn quân trong một năm – và các xâu chuỗi tiền đúc bằng đồng là tiền tệ bản xứ. Các tiền đồng này được phân chia cho các bộ đội, là các kẻ đã chi tiêu chúng theo bản tính riêng của dân tộc họ. Gà vịt được bán ở mọi nơi, nhưng trong khi người Pháp quan tâm đến việc ăn thịt chúng – và chỉ ăn phần ức của con gà – các người Phi Luật Tân, với một sự tưởng tượng sinh động hơn, đã tổ chức một đạị hội đá gà. Trong nhất thời, đó chính là thời gian lễ hội, nhưng trong đầu óc vị Đô Đốc luôn luôn vướng víu một nỗi nghi ngờ giằn vặt rằng Paris có thể sẽ không chấp thuận những gì mà ông ta đang làm. Chính vì thế, trong tháng Ba, ông triệt thoái về hướng bắc trở lại Đà Nẵng, sau khi quyết định để lại tám trăm binh sĩ cầm giữ Sàigòn. Nhận định rằng tòa thành không thể được quản trị với một toán quân đồn trú khiêm tốn như thế, ông đã triệt hủy tòa thành và đã đặt các binh sĩ phòng thủ trong đồn trại có sự tiếp cận với dòng sông. Nhưng như sự việc đã diễn ra, Đà Nẵng đã không trả thù vì sự khó khăn gây ra cho nó, và khi mà sau mười chín tháng chiếm đóng cuối cùng quân liên minh đã triệt thoái vào tháng Ba năm 1860, sự kiện duy nhất phơi bày sự đau khổ của đoàn quân là một nghĩa trang với cả ngàn nấm mộ — và con số này không kể đến những người đã chết ở các nơi khác do đã nhuốm bệnh từ hải cảng truyền nhiễm này.

Nói chung người Việt Nam đã có thể tự tán thưởng mình về sự may mắn của họ tại Đà Nẵng. Vị quan chức chỉ huy họ vẫn chưa kịp phơi bày một thí dụ khác của điều đã được ghi nhận nơi chương trước, có nghĩa thái độ quả quyết rõ ràng của một học giả Khổng học bụng đầy kinh sách đảm nhiệm nhiệm vụ quân sự. Trong khi tại Trung Hoa các nhân vật như Tăng Quốc Phiên (Tseng Kuo-fan) và Lý Hồng Chương (Li Hung-chang) đã mang lại một vẻ dối gạt đối với sự tin tưỏng chung của Âu Châu về các phẩm chất, tự căn bản, không hiếu chiến của giới quan lại, chính bài học này đã được biểu lộ một cách đầy thuyết phục hơn tại Việt Nam, bởi Nguyễn Tri Phương, người lãnh đạo cuộc kháng cự tại Đà Nẵng với quân hàm Thống Chế, đã là thày dạy học của nhà vua, chưa kể là đã ngoài sáu mươi tuổi. Bằng vào tiếng tăm này, ông đã cố nâng cao chiến công của mình bởi việc đánh đuổi ngoại nhân ra khỏi Sàigòn Tuy nhiên, ở đó, ông đã không được may mắn như thế. Sự thực là ở đó, cũng y như ở Đà Nẵng, các kẻ xâm lăng Âu Châu khám phá ra rằng mọi câu chuyện mà họ nghe được về sự nghênh đón chờ đợi họ không chỉ từ những kẻ cải đạo theo Thiên Chúa Giáo mà còn cả từ dân chúng nói chung hoàn toàn là những chuyện vô lý, và rằng điều mà họ làm được nhiều nhất là bám trụ vào những đầu cầu bị giới hạn dọc bờ sông; thế nhưng, Thống Chế Nguyễn Tri Phương, dù đôi khi đã tiến đến gần sát vị trí, nhưng chưa bao giờ thực sự thành công trong việc đẩy lùi họ ra sông; và vào cuối năm 1860 khi một hòa ước đã được ký kết với Trung Hoa, có nghĩa là toàn thể lực lượng quân sự và hải quân của Pháp tại vùng Viễn Đông có thể được tập trung để đánh vào khu vực Sàigòn, vùng đất có tầm quan trọng về thương mại và chính trị vốn đã đuợc thẩm định một cách tường tận tại Paris vào thời điểm này.

Sự thay đổi trong tình hình hiển nhiên tức thời xảy ra. Trước tiên, trong tháng Hai năm 1861, một cuộc phản công được phóng ra đánh vào các chiến hào cho đến khi đó các quân [Việt Nam] vây hãm đã đùng để đánh phá đội quân đồn trú. Trong hai ngày, một cuộc giao chiến dữ dội đã xảy ra trên vùng mà từng thước đất tua tủa các cọc tre vót nhọn đáng sợ, hoặc được cắm thành các hàng rào hầu như bất khả xâm nhập hay được cài dấu tài tình trong các chiếc bẫy. Vị Thống Chế họ Nguyễn khả kính, bất kẻ đến mái tóc bạc, đích thân tham gia vào cuộc chiến và bị thương nơi cánh tay. Sau cùng, sự ưu thắng của các vũ khí Âu Châu khởi sự làm lệch cán cân, và bên Việt Nam đã triệt thoái. Phấn khởi bởi sự chiến thắng, quân Pháp tiến sâu vào vùng châu thổ sông Cửu Long và chiếm giữ một số địa điểm như Biên Hòa và Mỹ Tho, là những vùng dễ dàng có thể tiếp cận bởi sự lưu thông trên sông rạch. Tuy nhiên, vùng thôn quê nằm kẹt chính giữa phần lớn vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của họ và vẫn nằm trong tay của những người chỉ nhìn nhận thẩm quyền của triều đình Huế. Nhưng ngay tại Huế sự quyết tâm lại không mấy kiên định. Kẻ tự xưng thừa kế ngôi báu của triều Lê theo Thiên Chúa Giáo (c) — mặc dù những người hiểu việc nhấn mạnh rằng ông ta không có liên hệ gì cả với hoàng gia cũ, không gì khác hơn là một người được đỡ đầu bình thường bởi các giáo sĩ truyền đạo — tỏ ra là một mối nguy tại Bắc Phần đến nỗi một đoàn quân viễn chinh quy mô sẽ phải được phái đi để trấn áp ông ta, và một cuộc chiến tranh với hai mặt trận [một lúc] không phải là điều đáng được khuyến cáo. Trong tuần lễ cuối cùng của tháng Năm 1862, một tuần dương hạm của Pháp chạy bằng hơi nước tiến vào sông Sàigòn, kéo theo sau một tàu chiến cũ kỹ tả tơi có treo lá cờ Việt Nam và chuyên chở trên đó hai sứ giả của nhà Vua (d), được ủy quyền để thảo luận về các điều khoản hòa bình. Vào ngày 15 tháng Sáu, bản văn gọi là Hiệp Ước Sàigòn (e) đã được ký kết trên chiếc soái hạm của Đô Đốc Pháp, theo đó vua Tự Đức, ngoài việc cho phép tự do hành đạo Công Giáo trên khắp lãnh địa của mình, và đồng ý trả một khoản bồi thường là bốn triệu đô la (f), nhường cho Pháp đảo Côn Sơn (Poulo Condore), và ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường, vốn tạo thành phân nửa của Nam Phần, nằm ở phía đông sông Cửu Long.

Đây là những điều kiện khó khăn theo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Đối với một nhà nho học chân chính như vua Tự Đức các điều khoản này đặc biệt nghiêm trọng bởi mẹ của nhà vua, và bà ngoại nhà vua đều đã được sinh ra từ vùng đất nay bị đánh mất bởi nhà Vua, và các mồ mả của tổ tiên bên mẹ vì thế sắp bị lấy ra khỏi quyền sở hữu của nhà Vua. Sự cân nhắc tình cảm này đè nặng trong tâm trí nhà Vua hơn cả sự bất lợi về kinh tế của việc cắt rời vùng mà kinh đô của ông phải trông cậy về lúa gạo. Nhưng cuộc nổi loạn trong nước gần gủi hơn đòi hỏi sự chú trọng ưu tiên, và Thống Chế họ Nguyễn, đã bình phục từ vết thương, điều khiển một đoàn quân đánh lại kẻ tự xưng thừa kế triều Lê là kẻ mà một hai năm sau đó, bị thuộc hạ bỏ rơi, đã bị bắt và bị giải về Huế, nơi mà cơn thịnh nộ của nhà Vua về sự tổn hại từ cuộc nổi dậy đã dẫn đến sự gia hình một hình phạt không còn được áp dụng tại Anh Quốc, theo đó tù nhân khốn khổ đó đã bị phân thây.

Trong khi ngay tại Pháp công luận đã trở nên hoảng sợ về tổn phí của các cuộc hành quân tại Việt nam, đặc biệt kể từ khi chiến dịch song hành tại Mễ Tây Cơ trở nên tệ hại hơn, và một số thành phần nào đó trong chính phủ không lấy làm hài lòng về mức độ mà theo đó nước Pháp đã bị đặt đối diện với một ‘sự đã rồi’ gây ra tại chỗ bởi các đại diện hải quân của Pháp trong vùng Đông Nam Á. Trong các tình huống này, vua Tự Đức đã có ý tưởng kêu nài đến thẳng Napoléon III để xin khôi phục, hay đúng hơn, xin chuộc lại, các tỉnh đã mất, đổi lại, vua Tự Đức đề nghị sẽ trả một khoản tiền chuộc hoặc là bốn mươi triệu đô la nếu trả ngay một lần hay dưới hình thức triều cống vĩnh viễn khoảng hai đến ba triệu đô la mỗi năm. Để thuyết phục Hoàng Đế nước Pháp, một sứ đoàn sáu mươi sáu người đã được phái sang Paris vào mùa hè năm 1863, cầm đầu bởi Phan Thanh Giản, một trong những thượng thư được tôn kính của triều đình, người đã đại diện vua Tự Đức trong việc thương thảo Hiệp Uớc Sàigòn, và với tuổi tác cao xem ra sẽ dành đựoc một sự lắng nghe kính cẩn, bởi ông ta sinh ra vào năm 1796. Không còn một phát ngôn viên nào đầy đủ tư cách hơn đáng được lựa chọn cho việc khẩn cầu cho điều mà bản chất chính là vì lòng hiếu thảo. Trong thời niên thiếu của ông Phan, cha của ông, một viên chức cấp thấp tại chính quyền địa phương đã mắc phải một vài tội phạm khiến ông ta bị kết án về hình sự. Cậu thiếu niên họ Phan nằng nặc đòi đi theo cha trong hoàn cảnh bất hạnh đó, và vì thế đã làm động lòng các quan chức, họ đã khuyến khích cậu học hỏi kinh điển Khổng học và sắp xếp cho cậu đi dự các kỳ khảo thí hầu tiến lên con đường thành đạt. Với kinh nghiệm này, ông thấy rất khó mà không thừa nhận rằng tấm lòng âu lo của vua Tự Đức mong ước thu hồi mồ mả tổ tiên bên mẹ của nhà vua hẳn sẽ làm mủi lòng vị Hoàng Đế Pháp Quốc. Và trong thực tế trong thời gian lưu ngụ của ông tại Paris có vẻ ông đã thu đạt đuợc mục đích mà ông muốn tìm đến. Đặc biệt là vị Bộ Trưởng Tài Chánh Pháp Quốc lấy làm nhiệt tình với viễn ảnh một sự gia tăng chắc chắn số thu tài chính hàng năm của mình, và mọi sự được sắp xếp để một bản dự thảo hiệp ước mới sẽ được gửi sang Huế quy định các điều khoản thích hợp cho việc chuộc lại ba tỉnh bị chiếm đóng. Nhưng không lâu sau khi cuộc thương thảo này được tiến hành, phe ủng hộ sự bành trướng thuộc địa bắt đầu dành lại ưu thế của họ, và vào tháng Bẩy năm 1864 sau khi một viên chức của Pháp đã ký kết một thỏa ước tại Huế, Paris đã bị dẫn dụ để từ chối phê chuẩn với lý do rằng một số sự thay đổi nào đó được ghi thêm vào văn bản.

Đến thời điểm đó, khởi từ sự nhượng địa, phe thực dân ngay từ đầu đã giả định rằng đúng ra họ sẽ phải tiến hành việc chiếm giữ ba tỉnh miền nam hãy còn nằm trong tay Việt Nam bên bờ phía tây của sông Cửu Long, hiện bị cắt rời ra khỏi phần xứ sở còn lại bởi khu vực bị chiếm đóng. Một duyên cớ sớm được tìm ra, bởi điều không thể phủ nhận được là các khu vực tự đo đã là căn cứ nuôi dưỡng quân du kích tiếp tục quấy rối chính quyền người Pháp. Các sự chuẩn bị được tiến hành trong sự bí mật hoàn toàn và rồi trong tháng Sáu năm 1867, không hề có một sự cảnh báo nào trước, một trận đánh đã được phóng ra. Trong số nạn nhân đầu tiên có cụ già ở tuổi thất thập Phan Thanh Giản, người mà sau khi trở về từ Âu Châu đã đóng giữ một vai trò nguy hiểm với chức Kinh Lược Sứ các tỉnh bị đe dọa. Ông đã gửi một văn thư đến các kẻ xâm lăng:

“Tôi đã sống hòa hoãn với các người, và tin tưởng ở thiện ý của các người, nhưng nay các người lại tấn công tôi với các lực lượng quá to lớn đến nỗi sẽ bị xem là điên rồ nếu kháng cự. Nếu chúng tôi chiến đấu, điều này sẽ mang lại sự thống khổ cho người dân vô tội, và sau cùng sẽ chỉ gặp sự thất bại. Vì thế tôi nhượng bộ trước những sự đòi hỏi của các người, và tôi phản đối lại sự bạo động của các người.”

Là một nhà nho chân chính, chỉ có một con đường cho ông để bảo toàn danh dự gia đình mình. Ông đã tuyệt thực trong ít ngày để tự làm suy yếu, và rồi đã uống một liều thuốc độc chết người gồm nha phiến pha vào nước dấm, với lời chăn trối cho các con của ông là đừng bao giờ phục vụ ngoại bang. Chúng ta đã đọc thấy rằng nước Pháp đã rất lấy làm buồn lòng về những gì đã xảy ra, mặc dù về mặt thành quả họ đã ghi được một sự chiến thắng sau cùng của nền Đệ Nhị Đế Chính. Tuy nhiên, cần đến bẩy năm để triều đình Huế mới bị khuyến dẫn đến việc thừa nhân một “sự đã rồi.”

Ngay từ những ngày đầu tiên của thuộc địa, các thống đốc – trên thực tế là một lọat các đô đốc, kế nhiệm Rigault de Genouilly – đã từng hy vọng rằng sự cai trị có thể được thực hiện xuyên qua một giới quan lại bản xứ. Sự ưu tư mong muốn điều này xảy ra rõ rệt đến nỗi họ lấy làm tức giận về các sự tiếp thụ của các giáo sĩ khi giới này xác nhận sự ngưỡng mộ của họ đối với Khổng học và bởi việc bảo trợ cho sự học hỏi văn chương Trung Hoa. Song, các nỗ lực của họ cũng vô ích: tầng lớp học thức Việt Nam vẫn đứng lơ lửng, và tỏ rõ rằng họ không nhìn nhận một chính quyền nào ngoài chính quyền ở Huế. Cộng đồng giáo dân Thiên Chúa có cung cấp một số lượng người tình nguyện nào đó, thế nhưng trong quá nhiều trường hợp, điều này không có giá trị gì cả ngoài việc dựa vào dịch vụ của một thành phần ít đáng tin cậy nhất trong quần chúng. Trong những tình huống như thế, điều cần thiết là phải hình thành một đội ngũ các chuyên viên người Pháp chuyên về Việt Nam được huấn luyện kỹ lưỡng.

Trong năm 1864, cái gọi là “Phố Tàu” (Chinatown) trong Chợ Lớn, nay được hợp nhất trong một thành phố cùng với Sàigòn, nhưng trong những ngày đó được tách biệt ra bởi một khu vực mở ngỏ đặt dưới thẩm quyền của một trung úy hải quân hai mươi lăm tuổi, họat động với chức vụ một thanh tra các sự vụ bản xứ. Đây chính là Francis Garnier, kẻ đóng một vai trò quan trọng, và bi thảm, trong câu chuyện của chúng ta. Anh ta sinh ra từ một gia tộc nổi danh vì sự nhiệt thành cho chính nghĩa của tư cách chính thống của dòng họ Bourbon. Đang là một sĩ quan hiện dịch, cha của anh ta thực sự dùng đầu gối để bẻ gẫy lưỡi kiếm chứ không chịu tuyên thệ trung thành với Louis-Philippe, và không lâu sau đó, trong năm 1832, đã là một trong số những người cuồng tín cầm súng chiến đấu dưới bóng cờ của nữ công tước Duchesse de Berry. Điều được hay biết là của cải của gia đình đã bị thiệt hại trầm trọng vì sự điên rồ này, và để giảm bớt miệng ăn, Francis đã được gửi vào trường cao đẳng hải quân. Sự thiếu thước tấc của anh ta khiến cho anh ta có biệt hiệu là “Tom Thumb” (“thằng lùn như ngón tay cái”) từ thời niên thiếu, nhưng các khóa sinh đồng ngũ tặng cho anh ta danh hiệu “Mademoiselle Bonaparte” [cô gái nhà Bonaparte, vì Napoléon Bonapart cũng là kẻ thấp lùn so với người Pháp bình thường, chú của người dịch], và trong thực tế, ngoài bộ râu quai nón không thể thiếu trong thời đại đó, khuôn mặt xương xẩu và đôi mắt nung nấu căm hờn của anh ta, như đuợc thấy qua hình chụp, đã tạo thành những đường nét ghi khắc vào đầu óc người ta về viên Lãnh Sự Thứ Nhất. Trong năm 1860, anh ta có một kinh nghiệm sẽ xác định dòng đời anh ta sau này. Anh ta tham dự vào một cuộc viễn chinh Anh-Pháp tiến đánh miền Bắc Trung Hoa và tư đó trở đi ký ức về xứ sở tuyệt diệu đó đã ám ảnh sự tưởng tượng của anh ta: mặc dù các nhiệm vụ sớm đòi hỏi anh ta đến với Sàigòn, nhưng đôi mắt anh ta luôn chú mục vào Trung Hoa, và đối với anh ta, điều quan trọng chính yếu của Việt Nam chính là một cửa ngõ để tiến sang các tỉnh miền nam và tây nước láng giềng bao la của nó. Đó là một ý tưởng đã được lưu truyền trong một thời khoảng nào đó, và như đã được ước định rằng người Anh sẽ không có ý định ngăn trở [chuyện đó]: họ đã có mặt tại vùng Hạ Miến (Lower Burma) trong bốn mươi năm, và đã bày tỏ biết bao sự tò mò về các con đường mậu dịch xuyên qua biên giới giữa Trung Hoa và vùng vẫn còn là miền Thượng Miến độc lập (Upper Burma), đến nỗi không có một nhà quan sát bình thường nào lại tin rằng chế độ quân chủ tại vùng sau này [tức Thượng Miến] lại có nhiều cơ may tồn tại. Nhưng các sự giao thông giữa Miến Điện và Trung Hoa phần lớn xảy ra trên đường bộ. Thật là một chiến thắng to lớn biết bao của Pháp Quốc, nay đã thiết định tại vùng châu thổ sông Cửu Long, một khi thủy lộ hùng dũng được chứng tỏ có thể để cho tàu hải hành chạy từ Vân Nam ra tới biển! Sàigòn trong chớp mắt trở thành cửa khẩu thương mại vĩ đại theo đó sự thịnh vượng của các tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên tuôn trào ra, và Đế Quốc Viễn Đông của Pháp, nay đang thành hình, sẽ giàu có vượt bực, qua mặt ngay chính Ấn Độ.

Có vẻ là Garnier, ngay từ hồi 1863, đã nghĩ ngợi về ý niệm một cuộc thám hiểm thăm dò miền thượng lưu sông Cửu Long. Trong năm 1864 anh ta cùng một số bè bạn đã đệ trình một kế hoạch chính thức lên Thống Đốc, và khi vấn đề được chuyển về Paris điều may mắn đã xảy ra là vị Bộ Trưởng Hải Quân, Hầu Tước Chasseloup-Laubat, vốn là chủ tịch Hội Nghiên Cứu Địa Dư, và vì thế đặc biệt tán thành một sự phiêu lưu như thế. Mặc dù không ai nghi ngờ ra Garnier đã là đầu não của cuộc mạo hiểm, nhưng vì tuổi tác còn trẻ và cấp bậc còn thấp nên chắc chắn chức vụ chỉ huy phải được dành cho một kẻ lớn tuổi hơn, Đại Úy Doudart de Lagrée.

Đoàn thám hiểm khởi hành từ Sàigòn trong hai tàu vũ trang vào ngày 5 tháng Sáu năm 1866, nhưng phải ngừng lại vài tuần tại Căm Bốt để có được giấy tờ cần thiết và phải đợi mãi đến ngày 7 tháng Bẩy chuyến du hành chính thức mới bắt đầu. Một chiếc tàu vũ trang bị để lại tại Nam Vang và chiếc tàu còn có thể tiếp tục cuộc du hành cũng chỉ đi được sáu ngày trước khi bị bắt buộc phải quay trở lại vì lòng sông quá cạn. Đoàn viễn chinh, gồm tám người Pháp, và mười chín người phục dịch Á Châu thuộc nhiều quốc tịch, đã phải chuyển sang đi bằng xuồng, được đẽo từ các thân cây với mái bằng rơm để che ánh nắng mặt trời.

Điều rõ ràng là không bao lâu giấc mơ của Garnier về một dòng sông Cửu Long có thể hải hành sang Trung Hoa bắt buộc bị xem như một sự tuyệt vọng, bởi gần như tức thời, họ đã chạm trán với triều nước chảy xiết buộc họ phải di chuyển lên bờ, mang theo trang bị cho đến khi gặp lại dòng chảy xuôi chèo. Diễn tiến này tái diễn thường trực đến nỗi giày của họ bị mòn đi và họ đã phải bước đi với bàn chân trần, thường trên đá mà mặt trời đã nung nóng đến phỏng da. Muỗi và đỉa làm cuộc sống của họ khốn khổ. Garnier suýt chết vì bịnh phát ban (typhus) và một trong các bạn đồng hành của anh ta vì bệnh kiết lỵ. Cuối cùng họ đã bỏ tất cả đường sông và hoàn toàn đi bộ trên đất liền. Mãi đến tháng Mười năm 1867, các kẻ thám hiểm, với số tử vong nhiều hơn người sống sót, đã bước qua biên giới vào tỉnh Vân Nam.

————————————————————————

Chú của người dịch:

(a) Để chỉ Hồng Bảo, người anh của vua Tự Đức, là kẻ ham chơi phóng đãng, ít học nên không được vua Thiệu Trị lựa chọn cho kế ngôi. Sử sách ghi lại Hồng Bảo đã tìm cách liên kết với nước ngoài để cướp ngôi, nhưng việc bị bại lộ. Hồng Bảo bị bắt giam và đã tự tử sau đó. Người con của Hồng Bảo bị bắt đổi lên là Đinh Đạo, là người được dự định đưa lên ngôi trong vụ tạo phản xảy ra mười chín năm sau (1866) cầm đầu bới Đoàn Trưng, Đoàn Trực, Đoàn Ái, Trương Trọng Hòa, Phạm Lương v.v…Các người cầm đầu này đã lợi dụng sự bất mãn của quân sĩ và lao công bị cưỡng bách xây dựng lăng của vua Tự Đức. Quân tạo phản này đã đột nhập đến Đại Nội nhưng nhờ may mắn mà vua Tự Đức đã thoát hiểm và cuộc đảo chính bất thành.

(b) Tức hiệp ước do giám mục Bá Đa Lộc nhân danh chúa Nguyễn (vua Gia Long sau này) ký kết với Pháp, hứa nhượng đảo Côn Sơn và hải cảng Đà Nẵng để đổi lấy quân viện của chính quyền Pháp. Hiệp ước này không được thực thi bởi chính quyền Pháp và sau cùng giám mục Bá Đa Lộc chỉ vận động được một nhóm nhỏ 19 người Pháp thuộc nhiều thành phần cùng 1000 khẩu súng trường và hai khẩu đại bác để giúp chúa Nguyễn Ánh. Như thế đây là sự trợ giúp có tính cách cá nhân chứ không thể nói là viện trợ chính thức nhân danh nước Pháp được. Vả chăng, chính Giám Muc Ba Đa Lộc và các người Pháp tình nguyện này đã được vua Gia Long trả công, ban thưởng, phong tước và bổ nhiệm vào các chức vụ cao cấp trong triều sau khi chúa Nguyễn Ánh thống nhất đất nước và lên ngôi vua. Lý luận “đòi nợ hộ cho người khác này” của chính quyền Pháp hiển nhiên là một duyên cớ xem ra không kém phần khôi hài và không có một căn bản vững chắc nào cả.

(c) Để chỉ Tạ Văn Phụng, là người có đi theo các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo xuất ngoại, sau có tháp tùng Charner về đánh lại Quảng Nam. Đến năm 1861, chạy ra bắc, đổi tên là Lê Duy Minh, tự xưng là hậu duệ của nhà Lê, tự tôn làm minh chủ nổi dậy ở Quảng Yên. Tạ Văn Phụng còn liên kết với các hải tặc Trung Hoa, các nhóm giặc Khách đánh phá nhiều tỉnh ở Bắc Phần. Mãi đến năm 1865, nhóm Tạ Văn Phụng mới bị dẹp yên bởI ông Nguyễn Tri Phương.

(d) Tức hai ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp.

(e) Sử sách Việt Nam gọi là Hòa Ước Nhâm Tuất (?).

(f) Đô la Tây Ban Nha (?) là đồng tiền ngoại quốc thông dụng khi đó.

Nguồn, Henry McAleavy, Black Flags In Vietnam, The Story of A Chinese Intervention, The Tonkin War of 1884-85, New York: The Macmillan Company, 1968, Chapter Four: The First French Offensive, các trang 70-81.