Về một bài ca dao Nam bộ

Tưởng giếng sâu qua nối sợ dây cụt
Ai dè giếng cạn nó hụt cái sợi dây
Qua tới đây mà không cưới được cô Hai mầy
Qua chèo ghe ra biển… đợi nước đầy qua chèo vô.

Bài ca dao này tôi được biết do nhà văn Lê Đình Bích đọc cho nghe.

Về phần Lê Đình Bích, anh nói rằng anh sưu tầm được từ một lão nông ở Bạc Liêu. Mới nghe xong tôi đã thích liền. Rõ là một bài ca dao ngồ ngộ, được thể hiện như là một truyện ngắn cực ngắn. Nhân vật là một chàng trai (có thể lắm), có tính cách cũng rất ngồ ngộ.

Xưa nay ta vẫn quen với câu: “Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài”, nay bỗng nhiên lại được nghe một câu hết sức “trái khoáy” (“Tưởng giếng sâu qua nối sợi dây cụt”). Lối nhập đề ngay từ đầu đã gây được sự chú ý, bởi vì nó quá lạ tai. Ngộ thật! Dây cụt thì làm sao mà đo được giếng sâu? Rõ là có sự cố ý tinh nghịch gì đây. Mà cũng có thể là anh chàng đã biết, bởi vậy chàng mới bày đặt ra cách nói ngộ kỳ đời (dây cụt mà còn hụt thì giếng ấy là giếng gì?).

Tiếp tục lung khởi nội dung, câu hai viết tiếp: “Ai dè giếng cạn nó hụt cái sợi dây”. Đương nhiên quá đi rồi còn gì. Đã là dây cụt thì còn nhằm nhò gì mà đo với chẳng đo. Nó khác hẳn với câu ta đã biết: “Ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây”. So sánh hai câu này với nhau, ta lại thấy lấp lánh cái ngồ ngộ rất cố tình của lối kể, lối dẫn chuyện.

Sang tới câu ba thì cốt truyện bộc lộ đã quá rõ. “Qua tới đây mà không cưới được cô Hai mầy”, câu này đã dẫn ra thêm một nhân vật nữa. Cái cô Hai nào đó chắc cũng phải có nét gì đó ngồ ngộ mới khiến nhân vật chính của chúng ta bộc lộ quyết tâm làm vậy. Câu chuyển này thực ra không chuyển hẳn về ý nhưng rõ ràng nó vẫn tạo ra sức chuyển rất mạnh cho bài ca dao, giúp ta thấy ràng ràng tính cách “ăn sóng nói gió” của một anh chàng hạ bạc lặn lội đường xa đến tìm gặp người đẹp và quyết “yêu” cho bằng được người đẹp.

Câu thứ tư dùng kết thúc câu chuyện cũng hết sức bất ngờ. Câu này phải đọc ngắt ra làm hai mới thấm hết cái độc đáo, cái thần khí đầy sắc sảo của bài ca dao. “Qua chèo ghe ra biển/ đợi nước đầy qua chèo vô”. Ở trên là câu thề độc, cho nên đọc vế đầu của câu dưới, hẳn sẽ khiến ta liên tưởng tới cái chết, cái kết cục bi thương của một cuộc tình đơn phương bốc lửa. Không yêu được “cô Hai mầy” thì qua chèo ghe ra biển qua ùm xuống chết cho “cô Hai mầy” coi. Ấy vậy mà không!.. Ngu gì qua chết lãng òm cơ chứ! “Đợi nước đầy qua chèo vô”. Lối kết thúc này xui tôi nhớ một bài Tanka Nhật Bản:

Sông Hô Nô Xê nước rất nông
Lội ra giữa dòng vẫn không ướt váy
Hỏi một người cũng nông như vậy
Làm sao tôi có thể yêu sâu?

Cái cô Hai nào đó trong bài ca dao của chúng ta có “nông” không nhỉ? Anh chàng kể chuyện cho chúng ta nghe, hẳn đã nếm mùi kiểu như “con cáo với chùm nho” của La Phông Ten rồi là cái chắc. Dùng dây cụt thì không làm sao đo được giếng mà biết sâu hay cạn. Cứ theo cốt truyện mà suy, thì nhân vật của chúng ta hẳn đã bị hạ đo ván tới thấm mùi, nên mới biến được chuyện riêng của mình thành một truyện cực ngắn, hay tới mức độc đáo làm vậy.

Ở Nam Bộ có một câu rất hay: “Nói vậy mà không phải vậy”. Bài ca dao là một câu chuyện thuộc loại “nói vậy mà không phải vậy”. Hệ thống ngôn ngữ dùng kể chuyện rất thống nhất, bố cục chặt chẽ, kết cấu bất ngờ, cho ta thấy rõ một bản lĩnh sáng tạo văn bản rất tài hoa. Mới nghe, ta tưởng như nhân vật trong bài ca dao chỉ kể chuyện để giỡn chơi tưng tửng cho vui lúc trà dư tửu hậu, nhưng càng đọc ta càng thấy lấp lánh một khía cạnh rất thật trong đời: với tình yêu thì không thể đùa giỡn được. Đùa giỡn thì không thể thành tình yêu, nhưng lỡ không thành được tình yêu thì cũng phải vui lên mà sống chứ. Vậy là thoắt một cái, anh chàng phải lòng cái cô Hai đa tình nào đó, bỗng trở nên sâu sắc lạ đời.

Tưởng giếng sâu qua nối sợi dây cụt
Ai dè giếng cạn nó hụt cái sợi dây
Qua tớ đây mà không cưới được cô Hai mầy
Qua chèo ghe ra biển… đợi nước đầy qua chèo vô.