Bát nháo hậu trường liên hoan 100 năm cải lương

NKLT: Sau sự kiện các nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn và Giang Châu “trượt” đợt phong tặng nghệ danh “Nghệ sĩ nhân dân” vào tháng 7 vừa qua vì không hội đủ huy chương thay vì tài năng, bài viết sau đây cho chúng ta thấy thêm một khía cạnh khác của của bệnh thành tích đã đóng góp không ít vào sự suy thoái của nghệ thuật Cải Lương tại Việt Nam hiện nay.


Nghệ sĩ lên Facebook kiện cáo; nghệ sĩ giận dỗi không thèm nhận huy chương; nghệ sĩ danh tiếng bị tố hát nhép; công tác tổ chức bê bối… là những chuyện lùm xùm trong hậu trường liên hoan 100 năm cải lương.

Liên hoan Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2018 vừa khép lại tối 19-9 tại Long An. Hậu trường bát nháo, om sòm để lại rất nhiều điều đáng suy nghĩ cho đời sống cải lương hôm nay về nhiều mặt.

Có một trận chiến ở Facebook, khán giả tham chiến

Khi liên hoan còn đang diễn ra, có một bài viết về vở Thái hậu Dương Vân Nga do đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng với tiêu đề “Xin đừng chém thái hậu” được đăng trên một tờ báo. Bài báo phê bình diễn viên Kim Ngân trong vai thái hậu (cũng là người đầu tư 800 triệu đồng làm vở cùng đạo diễn Hoa Hạ) diễn yếu kém, không đạt tầm một diễn viên chuyên nghiệp, bạn diễn để lộ nhiều thiếu sót, còn đạo diễn vở nương theo bản dựng cũ nổi tiếng có nghệ sĩ Ngọc Giàu, Bạch Tuyết đóng của cố đạo diễn Chi Lăng. Đạo diễn Hoa Hạ ngay lập tức đã có những phản ứng nặng nề trên trang cá nhân nhắm vào tác giả bài báo. Chị công bố một tờ đơn kiện tác giả này, nói rằng đã gửi Hội Nhà báo và các cơ quan khác.

Đạo diễn Hoa Hạ còn cùng êkíp của mình tổ chức một cuộc họp báo để viết tốt cho vở Thái hậu Dương Vân Nga chị dựng như một sự đối trọng lại bài báo “Xin đừng chém thái hậu”. Đây là một động thái gần như chưa bao giờ xảy ra ở giới làm sân khấu. Tuy nhiên, ngay khi bài phỏng vấn Kim Ngân đăng tải, trong nhiều ngày liền, rất nhiều khán giả vào bên dưới bài comment ủng hộ tác giả bài báo, nói rằng vở diễn giống bản dựng cũ, cái làm mới không hay, Kim Ngân diễn dở, diễn vai quá sức mình. Những người ủng hộ êkíp của đạo diễn Hoa Hạ và Kim Ngân cũng kéo vào bênh vực làm nên một không khí sôi động, ồn ào, làm náo động giới cải lương.


Nghệ sĩ Minh Vương, Tấn Giao trong vở diễn Tổ quốc nơi cuối con đường gây lùm xùm nghệ sĩ hát nhép. Ảnh: H.BÌNH.


Tài danh hát nhép và nỗi lòng người làm nghề

Có thể nói Tổ quốc nơi cuối con đường của đạo diễn Lê Nguyên Đạt là vở diễn gây chú ý nhất liên hoan này. Nó có ưu điểm là vở chính trị, ca ngợi lãnh đạo nhưng không bị sa vào nhàm chán, hô khẩu hiệu mà nó tạo ra cảm xúc ở cách dàn dựng và ca diễn khi lạnh lùng, lúc giàu chất thơ, thu hút người xem bởi những lời thoại đối đáp sắc sảo, kịch tính. Nó còn quy tụ một dàn nghệ sĩ đông đảo, hoành tráng với những nghệ sĩ gạo cội như Minh Vương, Thanh Điền, Kim Phương, Bảo Trí, Hồng Lựu, Tấn Giao, Mỹ Hằng… Khi nghệ sĩ Minh Vương và Hồng Lựu xuất hiện, vở diễn bừng sáng hẳn lên. Đặc biệt, khi nghệ sĩ Minh Vương cất giọng ca sang sảng, vở diễn đạt đỉnh đẹp nhất, thăng hoa nhất của mình và thấm đẫm chất cải lương làm thích thú, mềm lòng khán giả.

Nếu không có màn diễn này, không có sự xuất hiện đầy mong đợi của khán giả vì yêu mến nghệ sĩ Minh Vương, không có sự tỏa sáng của Minh Vương trong lớp diễn với giọng ca có hào quang của mình thì vở diễn hẳn sẽ không còn hay, còn đẹp, còn sự sáng tạo đặc biệt mà gần gũi cải lương nữa. Bởi ở nhiều lớp diễn khác, vở diễn mang nhiều chất kịch nói hơn và không tạo ấn tượng sâu sắc nếu không có sự khuấy động của nghệ sĩ Thanh Điền dạn dày bản lĩnh sân khấu. Tuy nhiên, ngay sau khi vở kết thúc, nhiều người trong nghề lên Facebook tán thán nghệ sĩ Minh Vương và Hồng Lựu hát nhép làm mất hình tượng khiến họ quá thất vọng với “cây đa, cây đề” của cải lương. Sự việc xôn xao hậu trường đến mức đạo diễn Lê Nguyên Đạt lên tiếng nhận lỗi về mình. Nói rằng chính anh yêu cầu nghệ sĩ Minh Vương và Hồng Lựu hát nhép để tránh sự cố kỹ thuật làm hỏng lớp diễn. Nguyên Đạt nói rằng hát nhép là một kỹ thuật sân khấu mà anh muốn làm mới vở diễn của mình.

Sự việc căng thẳng đến mức Tổ quốc nơi cuối con đường nhận được huy chương vàng liên hoan, còn nghệ sĩ Minh Vương không được nhắc tới. Còn bên ngoài có những khán giả không biết sự việc ngơ ngác hỏi sao Minh Vương không được huy chương, những khán giả có biết thì chỉ còn biết thở dài. Có thể nghệ sĩ Minh Vương không quan tâm huy chương khi tham gia vở diễn này, chỉ muốn góp mặt vì ngọn lửa nghề. Tuy nhiên, cho dù hát nhép có thật sự là một thủ pháp sân khấu như đạo diễn Lê Nguyên Đạt nói hay không thì tâm tư của khán giả vẫn là mong muốn cải lương không hát nhép.

Giám khảo chịu áp lực… chia đều huy chương

Khi họp báo khai mạc liên hoan, ban tổ chức đã cam kết là sẽ không có tiêu cực nào ở liên hoan này, không có cơn mưa huy chương nào nữa. Dù vậy vẫn có một cơn mưa 128 huy chương rơi xuống 32 vở diễn của 25 đơn vị tham gia liên hoan. Dù mưa huy chương như thế nhưng sau liên hoan sự kèn cựa, vui buồn về huy chương vẫn tràn ngập. Có nghệ sĩ đã bỏ về ngang, không thèm lên nhận huy chương vì không phải vàng như kỳ vọng. Có nhiều nghệ sĩ không thèm đến nhận huy chương vì thấy không chắc. Có êkíp không xuất hiện vì biết không được huy chương. Người nhận huy chương vàng xứng đáng thì chê những huy chương vàng cùng mình quá yếu kém. Người được huy chương bạc lại so với huy chương vàng diễn yếu kém, non nớt hơn mình nhiều. Có những nghệ sĩ báo chí thấy vô cùng xứng đáng huy chương vàng như Khánh Tuấn lại không có chiếc huy chương nào khi đàn con, đàn cháu diễn non nớt thì có huy chương vàng…

Tại sao có mưa huy chương? Bởi mục đích chính của các đơn vị tham gia liên hoan là để lấy huy chương. Bởi huy chương là tiêu chuẩn để phong danh hiệu NSND, NSƯT. Bởi thế ban tổ chức liên hoan phải đáp ứng mục tiêu này cho các đơn vị dự thi bằng cách chấm huy chương theo mặt trận. Chẳng vì thế mà ngày càng có nhiều đơn vị xã hội hóa nô nức đi thi với những diễn viên tự do yếu nghề nhưng biết chắc có thi là có huy chương. Còn sự kèn cựa huy chương thì luôn diễn ra mỗi mùa hội diễn để lại những dư âm, những mối quan hệ buồn.


Cào bằng huy chương làm nản lòng nghệ sĩ

Qua những cuộc liên hoan, hội diễn như thế này, các huy chương, giải thưởng dường như để phân chia cho đều, cơ cấu giải thưởng mang tính cào bằng. Vấn đề này làm giảm giá trị của các huy chương giải thưởng, đồng thời khiến không ít anh em nghệ sĩ không tin tưởng và tham gia liên hoan.
(Nghệ sĩ Lê Tứ)