Học giả, dịch giả Olgar Dror viết về Nhã Ca & ‘Giải Khăn Sô Cho Huế’ (kỳ 07)
III. Tết Mậu Thân tại Huế và Giải Khăn Sô cho Huế trong bối cảnh Mỹ (Bài tiếp theo kỳ trước)

Vennema* rời Việt Nam vào tháng 4 năm 1968 khi thảm kịch vẫn chưa nổi lên. Ông được (những lập luận phản chiến) thuyết phục để bác bỏ việc chính quyền Nam Việt Nam tuyên bố về những tổn thất tại Huế, và nó làm cho ông phản lại những gì thực sự xảy ra ở Huế, đặc biệt bởi vì ngày càng có nhiều mồ chôn tập thể được khám phá.
Bị ám ảnh với sự thôi thúc tìm ra sự thực xảy ra ở đó, ông “trở lại Huế nhiều lần, tìm đi kiếm lại, nghiên cứu, truy tìm đầu mối liên lạc, thăm viếng các ngôi làng và những gia đình bị mất mát.”(64) Năm 1976 cuốn sách của Vennema được xuất bản, kể chi tiết về các vụ giết người tại Huế. Một nguồn thông tin vô giá, nó đã không gây chú ý lắm sau đó, có lẽ vì sau năm 1975 nhiều người Mỹ muốn quên đi nó cùng cuộc chiến đó và bởi vì cả các chính trị gia và quần chúng đều cố gắng hướng về phía trước, bỏ lại bi kịch Việt Nam sau lưng. Cuốn sách của ông hầu như đã đi vào lãng quên, trở nên khó tìm đối với những người không chuyên môn.
Sự thiếu vắng chú ý đến các sự kiện tại Huế tiếp tục sau chiến tranh. Không giống như vụ thảm sát Mỹ Lai, được đề cập đến trong đại đa số sách tổng quan về chiến tranh và được phân tích trong hàng chục cuốn sách chuyên môn được xuất bản từ thập niên 1970s cho tới nay,(65) các sự kiện tại Huế không nhận được bất cứ một nghiên cứu nghiêm túc nào và phần lớn, nếu không muốn nói là toàn bộ, đã mờ nhạt từ làn sóng ký ức của người Mỹ và giới học giả. Một số đã tiếp tục con đường của Porter theo tính chất giả tạo của thảm kịch Huế.(66) Những tác phẩm sau chiến tranh khác về chiến tranh Việt Nam thì hoặc hoàn toàn không bàn luận tới hoặc chỉ đề cập một cách ngắn gọn.(67) James Robbins, biên tập viên kỳ cựu phụ trách hải ngoại vụ tại báo the Washington Times, là người, ngoài Pike, Vennema, và Oberdorfer, đề cập nhiều đáng kể về cuộc tàn sát tại Huế và báo chí nói về nó.(68)

Tết Mậu Thân và Giải Khăn Sô cho Huế Trong Bối Cảnh Liên Bang Sô Viết và Nga

Trong khi các nạn nhân của thảm kịch Huế đã nhận được ít nhiều để ý tại Hoa Kỳ, họ nhận được sự chú ý ít hơn tại quốc gia mà Cộng Sản Việt Nam là đồng minh, Liên Bang Sô Viết. Không một đề cập nào đến vụ thảm sát xảy ra trong báo chí Sô Viết hay trong bất cứ diễn đàn nào khác trong năm 1968 hay những năm sau đó; như thể nó chưa bao giờ xảy ra. Đối với những ai đã biết và có can đảm để nói ra thì đều không có cách nào để nêu lên đề tài này trong diễn đàn Sô Viết. Năm 1973, khi vẫn còn là Liên Bang Sô Viết, Aleksandr Solzhenitsyn, một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất tại Sô Viết, tổ chức đăng một lá thư ngỏ trên tờ báo Na Uy Aftenpost tố cáo điều mà ông gọi là thảm sát tại Huế và sự thiếu mất chú tâm về nó tại Tây Phương. Ông đổ lỗi những người cấp tiến về sự bằng lòng nhìn theo cách khác của họ khi “những vụ giết người tập thể dã man tại Huế, dù được chứng thực đáng tin cậy, chỉ được để ý lơ là và tức thì tha thứ bởi vì sự đồng tình của xã hội là ở phía bên kia, và quán tính có thể không bị đá động… Đó là điều rất xấu mà thông tin rò rỉ vào trong báo chí tự do và qua một lúc (rất ngắn) đã gây ra sự lúng túng (chỉ một tí) cho những người bảo vệ nồng nhiệt về hệ thống xã hội khác.”(69) Thời gian ngắn ngay sau đó Solzhenitsyn bị trục xuất ra khỏi quê hương của ông. Theo chỗ tôi biết, lá thư của ông là sự thừa nhận công khai duy nhất về các sự kiện tại Huế nổi lên từ Liên Bang Sô Viết, nhưng có thể đoán là không phải từ trong Liên Bang Sô Viết.
Trong một ghi chú riêng tư, trong thập niên 1980s khi tôi học tại Đại Học Leningrad State University để lấy bằng cử nhân và thạc sĩ về Á Châu Học với tập trung chuyên môn về Việt Nam, những người bạn học của tôi và tôi đã không được dạy về cuộc thảm sát tại Huế, cũng giống như chỉ rất ít sinh viên tại Hoa Kỳ đã phô bày cho thấy sự hiểu biết về vấn đề này, ngay cả đến nay. Người Huế đã thất bại trong việc lôi cuốn sự chú ý của cả hai siêu cường đang tiến hành một cuộc Chiến Tranh Lạnh để theo đuổi các mục đích riêng của họ trong cuộc chiến tranh nóng rồi chia cắt Việt Nam ra từng mảnh. Không có gì thay đổi nhiều kể từ đó.
Năm 2012, tôi đã trình bày về Giải Khăn Sô Cho Huế tại một hội thảo ở Mạc Tư Khoa có đề tài “Những Vấn Đề Hiện Nay Trong Nghiên Cứu Nga Việt.” Nhóm người tham gia hội thảo đã liên tục ngắt lời tôi, nói rằng điều chúng tôi phải nói tới là những tàn ác của người Mỹ tại Việt Nam. Tôi cố gắng làm cho họ lưu ý đến sự kiện là những tàn ác của người Mỹ và những gì mà chính quyền Nam Việt Nam đã phạm phải thì đã được thời gian phơi bày và rằng chúng ta phải nghiên cứu tất cả các bên của cuộc chiến để hiểu biết tốt hơn quá khứ đã rơi vào thinh lặng hay chỉ mở ra với những lỗ tai thù hận. Ngay cả một số người Mỹ đã không -hay không muốn- quan tâm đến thảm kịch tại Huế, họ chỉ muốn tập trung vào tội lỗi của Mỹ, sự tiếp cận của Sô Viết và của các học giả đương thời về Việt Nam tại Nga, ít nhất đối với những ai có mặt tại cuộc hội thảo này, vẫn còn bị đóng khung trong cái tự cho là đúng của Cộng Sản. Tên tuổi hay tác phẩm của Nhã Ca đã không đánh thức độc giả của các học giả người Nga về Việt Nam; một số người mô tả đặc điểm của bà như là một phụ nữ vô danh, những câu chuyện của bà không thể được xem như là căn bản cho sự nghiên cứu uyên thâm và vì vậy sẽ làm rối trí chúng tôi trong việc nghiên cứu những tội ác của Mỹ và Nam Việt Nam.
Không chỉ tôi có cảm giác như thể tôi trở lại đất nước tôi đã rời xa hai mươi lăm năm trước, mà hơn bao giờ hết tôi cảm thấy cần làm cho tiếng nói của người dân Huế được nghe, để nêu lên vấn đề của Huế, không phải để thay thế vấn đề tàn sát mà quân đội Mỹ và Nam Việt Nam phạm phải, mà là để tham dự cùng nó.
Biên bản lưu của cuộc hội thảo ghi lại lập trường của những học giả chống đối. Bản văn viết rằng những người tham dự “đã nhắc nhở người thuyết trình” rằng đó là quân đội Sài Gòn (không phải Cộng Sản) tự làm nổi bật với cách đối xử tàn ác đối với dân chúng, đặc biệt đối với những người được biết như là những người thân Cộng.(70)

(Kỳ tới: Trong bối cảnh Việt Nam)


Ghi Chú

* Ghi chú riêng của Việt Báo: Xin bổ túc phần về Alje Vennema bằng môät nguyên văn một trích đoạn đã đăng trong một kỳ trước để dễ theo dõi:

“Alje Vennema là một người đàn ông Hòa Lan đã ở Việt Nam từ năm 1962, thiện nguyện viên y khoa điều hành một bệnh viện tỉnh và sau đó làm giám đốc tổ chức Tài Trợ Y Tế Cho Việt Nam của Canada. Tác phẩm của ông chứng thực những gì Pike đã viết. Theo Vennema, các tòa án được thực hiện tại “một trường đạo nhỏ trong khu phố Công Giáo,” trong Thành, và trong một xóm nằm ở phía đông của bức tường Thành gọi là Gia Hội, một địa điểm được nhắc đến nhiều lần trong Giải Khăn Sô Cho Huế. Vennema cũng viết về những người xuất hiện trong sách của Nhã Ca:
“Tại trường đạo, một phiên tòa dã chiến được chủ trì bởi Hoàng Phủ Ngọc Tường, một sinh viên tốt nghiệp Đại Học Huế, và vào năm 1966 là lãnh đạo sinh viên nổi tiếng của Ủy Ban Đấu Tranh Chính Quyền Phật Giáo. Tại Gia Hội, một người đàn ông, Nguyễn Đắc Xuân, điềm chỉ viên Việt Cộng đột nhiên xuất hiện lại, chủ trì, và trong Thành hai sinh viên, Nguyen Doc [không có dấu] và Nguyễn Thị Đoan Trinh, một cô gái, đã phụ trách. Tại những phiên tòa này những lời lẽ đe dọa thường pha trộn với các khẩu hiệu tuyên truyền, cáo trạng, đe dọa, và cảnh báo là chuyện bình thường. Hầu hết những người bị bắt đến đó đều bị trói trước khi phiên tòa kết tội mà không cần biết lý do. Tất cả đều bị tuyên án; một số người bị tuyên án tử hình ngay tại chỗ.” [Alje Vennema, The Viet Cong Massacre at Hue (Cuộc Tàn Sát Tại Huế Của Việt Cộng) (Nxb Vantage Press, New York, 1976), trang 90-94.]
(64) Vennema, lời nói đầu cho sách The Viet Cong Massacre at Hue, [Vụ Thảm Sát Của Việt Cộng tại Huế], trang không đánh số.
(65) Đây là một số thí dụ về các cuốn sách được xuất bản trong 7 năm qua: Nick Turse, Kill Anything That Moves: The Real American War in Vietnam [Giết Bất Cứ Cái Gì Động Đậy: Cuộc Chiến Tranh Của Người Mỹ Thực Sự Tại Việt Nam] (Nxb Metropolitan Books, New York, 2013); Michal R. Belknap, Vietnam War on Trial [Chiến Tranh Việt Nam Trong Cuộc Thử Nghiệm] (Nxb University Press of Kansas, Lawrence, 2013); William Thomas Allison, My Lai: An American Atrocity in the Vietnam War [Mỹ Lai: Sự Tàn Ác Của Người Mỹ Trong Chiến Tranh Việt Nam] (Nxb Johns Hopkins University Press, Baltimore, MD, 2012); Gary W. Bray, After My Lai: My Year Commanding First Plattoon, Charlie Company [Sau Mỹ Lai: Một Năm Chỉ Huy Trung Đội Số 1, Đại Đội Charlie] (Nxb University of Oklahoma Press, Norman, 2010); Kendrick Oliver, The My Lai Massacre in American History and Memory [Thảm Sát Mỹ Lai Trong Lịch Sử và Ký Ức Của Người Mỹ] (Manchester, UK: Manchester University Press, 2007); Heonik Kwon và Drew Faust, After the Massacre: Commemoration and Consolation in Ha My and My Lai [Sau Vụ Thảm Sát: Tưởng Niệm và An Ủi tại Hà My Và Mỹ Lai] (Nxb University of California Pressm, Berkeley, 2006).
(66) Thí dụ, xin xem, Noam Chomsky và Edward Herman, The Washington Connection and Third World Fascism: The Political Economy of Human Rights [Mối Quan Hệ Của Washington và Chủ Nghĩa Phát Xít Thế Giới Thứ Ba: Kinh Tế Chính Trị Của Nhân Quyền] (Nxb South End Press, Boston, 1979), trang 348, 353; và Marilyn B. Young, The Vietnam Wars, 1945-1990 [Những Trận Chiến Tại Việt Nam, Từ Năm 1945 Tới 1990] (HarperCollins, New York, 1991), trang 217-19.
(67) Stanley Karnow, trong nhiều trích đoạn và được nhiều người hoan nghênh Vietnam: A History [Việt Nam: Thiên Lịch Sử], mô tả tóm tắc về thảm kịch phơi bày tại Huế và đề cập đến nó như là “sự tàn sát khủng khiếp” (trang 531). James Willbanks cũng tóm tắc các sự kiện trong cuốn sử của ông về Trận Tấn Công Tết (Tet Offensive: A Concise History [Trận Tấn Công Tết: Một Thiên Lịch Sử] [Nxb Columbia University Press, New York, 2006], chương có tựa đề “The Battle of Hue” [Trận Chiến tại Huế]). Hai cuốn sách mà tôi đã tìm thấy hữu ích đặc biệt và tốt cho các lớp dạy của tôi về chiến tranh tại Việt Nam tại Đại Học Texas A&M University là cuốn America’s Longest War [Cuộc Chiến Dài Nhất Của Nước Mỹ] của George Herring (Wiley, New York, 1979; ấn bản lần thứ 4, McGraw-Hill, Boston, 2003) và cuốn Vietnam: An American Ordeal [Việt Nam: Một Thử Thách Của Người Mỹ] của George Donelson Moss (Prentice Hall, Englewood Cliffs, NJ, 1990; ấn bản lần thứ 6, 2010), nhưng họ cũng chỉ tóm lược về thảm kịch tại Huế. Tham khảo của George Herring đối với các vụ giết người tại Huế thì có trọng lượng hơn, nếu ngắn gọn thì là: “Thi thể của 2,800 người dân Nam Việt Nam được tìm thấy trong những mồ chôn tập thể trong và chung quanh Huế, là sản phẩm của các vụ hành hình của Mặt Trận Giải Phóng và Bắc Việt, và 2,000 thường dân khác chưa được tính vào và được cho là bị tàn sát” (ấn bản lần thứ 4, trang 231-32). Nghiên cứu của Moss về thảm kịch Huế tương tự với nghiên cứu của Herring, chiếm nhiều dòng ngắn ngọn trong chương nói về Trận Tấn Công Huế. Trích tác phẩm của Oberdorfer, Moss viện dẫn số lượng tương tự và cho rằng Cộng Sản “đã hành hình tổng cộng khoảng 3,000 người, thường là trong kiểu cách tàn bạo, hay họ chôn sống người” (ấn bản lần thứ 6, trang 228). Ngược lại, Moss chọn ra các sự kiện tại Mỹ Lai vào trong một phụ chương riêng có tên “Massacre at My Lai” [Cuộc Tàn Sát tại Mỹ Lai] (trang 259-61) và cũng đặt tựa đề này vào danh mục của ông (trang 430). Các vụ giết người tại Huế không được đề cập đến trong danh mục này của ông.
(68) James S. Robbins, This Time We Win: Revisiting the Tet Offensive [Lần Này Chúng Ta Thắng: Xem Lại Trận Tấn Công Tết] (New York, London: Encounter Books, 2010).
(69) In lại với tựa đề “Peace and Violence” [Hòa Bình và Bạo Động], New York Times, ngày 15 tháng 9 năm 1973, trang 31. Cũng được trích lại trong tác phẩm của Robbins, Lần Này Chúng Ta Thắng, trang 206.
(70) [Tác giả viết tiếng Nga, dịch lại tiếng Anh là Introduction: Current Problems in Russian Vietnamese Studies [Giới Thiệu: Những Vấn Đề Hiện Nay Trong Các Nghiên Cứu Nga Việt], Research on Vietnam, số 3 (Nxb Far East Institute of the Russian Academy of Science, Moscow, 2013) trang 14-15.