Học giả, dịch giả Olgar Dror viết về Nhã Ca & ‘Giải Khăn Sô Cho Huế’ (kỳ 12)
Trong số quan điểm [từ phía cộng sản và phía chống cộng] mà tôi nói đến ở đây, Giải Khăn Sô Cho Huế ở vị thế trung lập đại diện người không ảo tưởng, những người đứng ở lập trường trung lập trong cuộc chiến, chỉ trích chiến tranh. Dù những tranh luận về ý thức hệ có thể xảy ra, tác phẩm của Nhã Ca nổi bật lên bởi vì tiếng nói mạnh mẽ làm sáng tỏ những kinh nghiệm của người dân bị mắc kẹt nhiều tuần lễ trong trận chiến khủng khiếp.

TẠI SAO CHÚNG TA NÊN ĐỂ TANG CHO HUẾ

Cho tới nay, Huế không còn được phép chính thức có một ngày giỗ chung, cùng hướng về những người chết tức tưởi trong Tết Mậu Thân.” (Nhã Ca, Giải Khăn Sô Cho Huế)

Có thể không có cảnh tắm máu sau khi Sài Gòn thất thủ và Việt Nam thống nhất, nhưng có nhiều hệ lụy. Nhiều ngàn người bị đẩy vào các trại tù học tập cải tạo, gồm Nhã Ca và chồng của bà, Trần Dạ Từ; hàng trăm ngàn người bỏ trốn hay cố gắng bỏ trốn bằng thuyền, với nhiều ngàn người chết trên biển hay bị bắt ngay trước khi rời bờ biển Việt Nam. Một sĩ quan cao cấp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Nguyễn Công Luận, phản ảnh về biến cố Huế trong hồi ký xuất sắc của ông:

“Nhiều năm sau, vào năm 1972, những hình ảnh kinh khủng của các mồ chôn tập thể năm 1968 đưa đẩy nhiều chục ngàn người từ mọi tầng lớp xã hội sống tại Huế và Quảng Trị đi theo con đường tị nạn chiến tranh. Các phóng viên gọi nó là “bỏ phiếu bằng chân.” Những cuộc di tản kinh hoàng từ các thành phố thuộc phía bắc Nam Việt Nam lại xảy ra lần nữa càng bi thảm hơn vào tháng 3 năm 1975 trước khi Nam Việt Nam bị thất thủ. Rõ ràng là sau đó người dân từ Huế và các tỉnh lân cận đã chiếm một tỉ lệ đáng kể của số thuyền nhân Việt Nam vượt biên khỏi Việt Nam sau khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Sau tháng 4 năm 1975, nhà cầm quyền Cộng Sản đã xua đuổi rất nhiều thân nhân của các nạn nhân vụ tàn sát năm 1968 tại khu vực Huế và tái định cư họ tại “Những Vùng Kinh Tế Mới” xa xôi.” Điều kiện sinh sống tại “Những Vùng Kinh Tế Mới” thì rất khắc nghiệt.”(103)

Gần một nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ năm 1968. Chính quyền Việt Nam vẫn mô tả Tết 1968 nói chung và trận chiến Huế nói riêng như là một đại chiến thắng. Chẳng hạn, vào ngày 1 tháng 1 năm 2008, Bộ Quốc Phòng và Tỉnh Ủy tổ chức một “hội nghị khoa học”, chủ đề “Trận Tấn Công và Nổi Dậy của Mùa Xuân Mậu Thân 1968,” để kỷ niệm năm thứ bốn mươi biến cố này. Lê Khả Phiêu, cựu tổng bí thư Đảng Cộng Sản (1997-2001); Thượng Tướng Phan Trung Kiên, Ủy viên Trung Ương Đảng và thứ trưởng Bộ Quốc Phòng; và các viên chức và học giả khác đã có mặt. Vấn đề của vụ tàn sát và ai chịu trách nhiệm cho sự kiện đó đã không được chính thức bàn đến.

Những phản ánh của Lê Minh và Hoàng Phủ Ngọc Tường về thảm kịch Huế, được thảo luận đến ở trên, cho thấy một đường nứt có khả năng dẫn tới một sự cởi mở hơn, và có lẽ ngay cả trong chiều hướng có thể có “một ngày giỗ chung, cùng hướng về những người chết tức tưởi trong Tết Mậu Thân.”(104) Dù nhiều năm đã trôi qua sau những phản ánh xuất hiện đó, chưa có điều gì xảy ra cả.

Những ai đã từng sống qua cơn ác mộng của Huế và những người muốn nhìn thấy các sự kiện đó nhận ra rằng có hàng chục trang mạng toàn cầu với những hình ảnh và chứng cứ từ thời điểm đó đã được tạo ra. Nhưng không có sự thừa nhận chính thức của Hà Nội, thì một cuộc đối thoại là không thể có. Tác phẩm của Nhã Ca đã không được xuất bản tại Việt Nam sau chiến tranh; dù nhiều cuốn trong đó, gồm Giải Khăn Sô Cho Huế, có thể tìm đọc được trên mạng lưới toàn cầu, điều này không dẫn tới một cuộc đối thoại với các cơ chế học thuật và chính trị hay với sự quan tâm công khai tại Việt Nam hiện nay.

Nó không phải chỉ quan trọng đối với người Việt mà còn với người Mỹ nữa. Dù tiếng nói của Nhã Ca và tiếng nói của người Việt Miền Nam và Miền Bắc khác mà có thể đem đến sự chú ý của công chúng thì có thể thay đổi quan điểm của chúng ta về chiến tranh và về những gì đã xảy ra tại Huế, hay ít nhất cũng mở ra được đối thoại, tôi không biết. Trong bất cứ trường hợp nào, đây không phải là mục đích quan trọng nhất của tôi, dù tôi sẽ vui vẻ nếu điều đó diễn ra và nếu một ngày nào đó người dân Việt Nam có thể cùng nhau tưởng niệm những người đã chết ở thời điểm Tết Mậu Thân tại Huế, như Nhã Ca cũng đã ao ước.

Mục đích của tôi với tác phẩm này là làm cho sự quan tâm của chúng ta về chiến tranh càng nhập cuộc hơn và khuyến khích bất cứ ai muốn suy ngẫm về vấn đề này có được một căn bản rộng hơn để đạt được kết luận của chính họ.

Giải Khăn Sô Cho Huế được viết trong những tháng sau biến cố tại Huế. Nó cung cấp cơ hội để cho mọi người biết, dù trễ, với quan điểm của người Việt Miền Nam về những gì đã xảy ra tại thành phố đó. Nó là cái nhìn về chiến tranh không qua cặp mắt của một người lính hay một nhà chính trị nhưng qua cặp mắt của những người dân. Những người dân đó đã không có chọn lựa trong cuộc chiến nhưng bị đẩy vào giữa chiến trường kinh hoàng bởi quân đội cùng là đồng bào và các chính trị gia là những người nói thao thao về các chính sách chiến tranh, điều khiển cuộc chiến, và sau đó viết sách về nó. Cuốn sách này mô tả kinh nghiệm của những người dân bình thường mà cuộc đời họ bị thay đổi một cách nghiêm trọng hay bị cắt ngắn bởi bạo lực của chiến tranh; nó là về “những người khác,” những người bị bắt trong vùng khói lửa bom đạn, những người còn sống sót, và những người không còn sống. Nó không phải là cuốn tiểu thuyết, không là tác phẩm hư cấu, mà là cuốn sách mô tả không bóng bẩy về các sự kiện như được chứng kiến qua cặp mắt của tác giả và những người chung quanh bà vào lúc đó. Nó cho chúng ta “những bức ảnh chụp tức thì” của cuộc sống bị hủy hoại và vỡ nát ở thời điểm Trận Tấn Công Tết. Nhưng nó cũng bày tỏ những quan điểm khác nhau về các bên Cộng Sản, Quốc Gia, và Mỹ của cuộc chiến từ các thắng lợi của những người khác nhau.

Một vài đoạn trong cuốn sách liên hệ tới cùng các sự kiện hay mô tả cùng những khuôn mặt như họ được nghe thấy bởi nhiều người, và điều này bổ túc thêm cho sự hiểu biết của chúng ta về tình cảnh phức tạp tại Nam Việt Nam vào lúc đó và tạo ra phong cách gợi nhớ của cuốn phim Rashomon, bộ phim nổi tiếng của đạo diễn người Nhật Akira Kurosawa dựa trên truyện ngắn “Trong Khu Rừng Nhỏ” của nhà văn Nhật Akutagawa Ryunosuke.

Bất luận quan điểm chính trị nào, Giải Khăn Sô Cho Huế nhắc nhở chúng ta để tang cho người Huế, cho dân tộc Việt Nam, cho sự tự hấp thụ các chính sách của đại cường tại Việt Nam, và cho sự từ chối của chúng ta để tìm hiểu thêm về “những người khác,” mà ngay đến ngày nay vẫn tiếp tục ám ảnh các chính sách của chúng ta đến các quốc gia khác.

Olga Dror
Tháng 1 năm 2014


Ghi chú

(103) Nguyễn Công Luận, Nationalist in the Viet Nam Wars: Menoirs of a Victim Turned Soldier [Người Theo Chủ Nghĩa Dân Tộc Trong Các Cuộc Chiến Tại Việt Nam: Hồi Ký của Một Nạn Nhân Trở Thành Người Lính] (Nxb Indiana University Pressm, Bloomington và Indianapolis, 2012), trang 581-82n3.

(104) Nhã Ca, Giải Khăn Sô Cho Huế (Việt Báo, USA, 2008), trang 9.