Mêkông trong trí tưởng

Gần 40 nhà báo sáu nước hạ lưu sông Mêkông (Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc) đã dự hội thảo chủ đề “Mêkông trong trí tưởng” tại Bangkok (Thái Lan) do Inter Press Service (IPS) và Probe Media Foundation Inc. (PMFI) tổ chức với sự tài trợ của Quỹ Rockefeller (Mỹ). Bốn ngày làm việc cật lực, một Mêkông “xuyên biên giới” đã đọng lại trong tâm trí mọi người…

Riêng và chung

Mêkông là con sông duy nhất chảy qua sáu nước châu Á trong hệ thống sông bao phủ trên một diện tích rộng 811.000 km2, bắt nguồn từ núi Tangguala trên cao nguyên Qinghai của Tây Tạng (Trung Quốc). Dòng sông đã chảy hơn 4.800 kilômét, xuyên qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra biển Đông.

Nhà tổ chức hội thảo IPS và PMFI - những cơ quan truyền thông quốc tế - đã không “ôm” cả nước Trung Quốc bao la mà chỉ lấy tỉnh Vân Nam với dân số 43,76 triệu người để đưa vào hệ thống “sáu nước hạ lưu sông Mêkông”. Và mọi người hiểu rằng dòng sông mẹ Mêkông đã không còn là của riêng ai, nó đang chảy xuyên qua số phận của hơn 275 triệu con người.

Nói như bà Rosalia Sciortino - Giám đốc Quỹ Rockefeller vùng Đông Nam Á: “Mỗi nước đều khác nhau và đều đang cố gắng làm cho cộng đồng cùng sống tốt hơn và cùng phát triển, như dòng sông liên tục chảy đi”. Hay như lời bà Johanna Son – Giám đốc IPS vùng châu Á – Thái Bình Dương: “Tại sao Mê-kông? Vì sao phải xuyên biên giới? Chỉ cái chuyện cúm gia cầm đã là chuyện xuyên giới giới rồi, không ai có thể giải quyết một mình mà cho là ổn được”.

Hợp tác và phát triển

“Sau một thời gian dài “chiến tranh lạnh”, nay sáu nước sông Mêkông đã biết hợp tác, khai thác những con đường và dòng sông xuyên biên giới để cùng nhau phát triển”, ông Rodolfo Severio - chuyên viên Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore - nói như vậy và cho rằng, cần có sự hợp tác hữu hiệu hơn giữa Ủy hội sông Mêkông với Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và cả khối ASEAN trong thực thi những dự án xuyên biên giới của vùng này.

Tỉ như chuyện Trung Quốc, Lào, Thái Lan… đang làm nhiều công trình thuỷ điện và thủy lợi ở thượng lưu có thể làm thay đổi môi trường vùng hạ lưu sông Mêkông, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, ông Rodolfo Severio khẳng định: “Một nước riêng lẻ không thể nào tự giải quyết được những vấn đề này”. Ông nói thêm: “Cần có sự hợp tác để đưa ra những luật lệ chung giữa các nước sông Mêkông với ASEAN và Trung Quốc liên quan đến một số dự án, thí dụ những dự án của Ngân hàng Thế giới giúp tăng khả năng hợp tác về huấn luyện, môi trường, năng lượng, giao thông… của sáu nước trong vùng”.

Thời gian và du lịch

Quá khứ, hiện tại và tương lai của sáu dân tộc vùng hạ lưu sông Mêkông là một chủ đề mà giáo sư Charnit Kasetsiri ở trường Đại học Thammasat (Thái Lan) cho rằng, “Quá khứ không thể thay đổi nhưng hiện tại phải cứu tương lai không để lặp lại những sai lầm của quá khứ”. Ông tỏ ra day dứt khi nhắc lại vụ bạo động hồi năm 2003 của thanh niên Campuchia tại trụ sở Đại sứ quán Thái Lan ở Campuchia vì một tờ báo Thái Lan đã “nói xấu” phụ nữ Campuchia. “Tôi là người Thái Lan - ông nhấn mạnh - và tôi muốn nói rằng người Thái Lan cần phải hiểu đúng mình và hàng xóm gần của mình, nhất là Campuchia, Lào và Myanmar”.

Giáo sư Charnit Kasetsiri cho rằng trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, các quốc gia sông Mêkông cần nhìn lại những bài học lịch sử cho đúng và ông đề xuất: “Bộ giáo dục các nước trong vùng cần ngồi lại để xây dựng những cuốn sách giáo khoa đúng với quá khứ và hướng tới một tương lai hợp tác và thân thiện”.

Còn với lĩnh vực du lịch xuyên biên giới vùng Mêkông, theo lời Giáo sư Mingsarn Kaosa-ard, Giám đốc Viện Nghiên cứu xã hội (Đại học Chiang Mai – Thái Lan): “Chính phủ không nên hạn chế thị trường” và “cần quan tâm hơn đến người nghèo làm ra sản phẩm du lịch” bởi vì theo bà, lâu nay lợi nhuận lớn từ ngành du lịch vào tay người giàu là chính.

Xuyên biên giới

Một loạt chủ đề khác về sử dụng vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế cho các công trình xuyên biên giới, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống, mậu dịch biên cương… cũng được thảo luận như những câu chuyện không chỉ của riêng mỗi quốc gia trong vùng.

Có mấy lời khuyên đáng nhớ. Thí dụ như của ông Toshiyuki Doi ở tổ chức Giám sát Mêkông (Mekong Watch) của Nhật Bản: “Với công trình đường hành lang kinh tế Đông Tây xuyên bốn nước Myanmar – Thái Lan – Campuchia – Việt Nam do ADB và JICA tài trợ vốn, chính quyền mỗi nước và cả nhà tài trợ cần quan tâm hơn tới chuyện bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo cho người tái định cư chứ không đơn thuần chỉ lo chuyện phát triển kinh tế”.

Hoặc như lời Tiến sĩ Chavalit Vidthayanon - chuyên gia nước ngọt của tổ chức Động vật hoang dã Thế giới (WWF): “Lũ lụt vùng sông Mêkông là hiện tượng tự nhiên, không phải là thảm họa. Nó đem lại lợi nhiều hơn hại; tôm cá nhiều hơn, phù sa và sinh thái tốt hơn”.

…Hết thảy những điều này, trong bốn tháng tới, mọi người hi vọng nó sẽ “thấm” vào những câu chuyện xuyên giới của chính họ - các nhà báo dự hội thảo - trong kế hoạch đi viết bài, chụp ảnh và quay phim dọc theo dòng sông mẹ Mêkông.