Trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ


Trường Trung học Phan Thanh Giản - Cần Thơ năm 1933

Trong lịch sử cận đại Việt Nam, Cụ Phan Thanh Giản là môt nhân vật, chưa bao giờ được đánh giá nhất trí thực sự giữa các nhà Sử học Việt Nam. Những băn khoăn và chưa nhất trí này được bộc lộ ngày càng sâu hơn sau ngày 30/04/1975, khi đường Phan Thanh Giản ở Thành phố Hồ Chí Minh bị đổi thành đường Điện Biên Phủ và nhà cầm quyền ở một số địa phương ra quyết định xóa bỏ hay hạn chế việc duy trì và tu tạo những di tích lịch sử về Phan Thanh Giản (1&2).

Những năm gần đây, sau nhiều khóa Hội thảo và Tọa đàm, Cụ Phan Thanh Giản được các nhà Sử học Việt Nam đánh giá cao và vào đầu năm 2008 được Viện Sử học kết luận Ông là một nhân vật xứng đáng được lịch sử tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau (3). Ngày 24/01/2008, Cục Di sản Văn hoá ra chỉ thi kiểm kê các di tích lịch sử liên quan đến nhân vật để trùng tu và tôn tạo (3).

Người dân Tây Đô rất hãnh diện và tự hào vì thành phố Cần Thơ có được 3 di tích lịch sử gắn liền với vị Tiến sĩ đầu tiên và duy nhứt của miền Nam thời Nho học:
  • Ngôi trường Trung học lớn nhứt miền Tây, trên 30 năm mang tên nhà Đại học sĩ.

  • Tượng Phan Thanh Giản giửa sân trường Trung học và con đường Phan Thanh Giản trước cổng chánh của ngôi trường.

Nhân dịp Ban Tuyên giáo Thành Ủy Cần Thơ sắp tổ chức (?) Hội thảo về trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ (4), là một cưụ học sinh của ngôi trường này, chúng tôi xin mạn phép trình bày:
  • Môt số nét chính trong quá trình xây cất và những đóng góp của ngôi trường trong gần 100 năm qua trên lãnh vực giáo dục và đào tạo.

  • Những trăn trở của chúng tôi đối với danh xưng Phan Thanh Thanh Giản cho Ngôi trường Mẹ, cùng những ước mong được trông thấy việc phục hồi danh dư cho cụ Phan Thanh Giản được thực hiện một cách trọn vẹn, rông rãi trên toàn vùng đất Nam Phần Việt Nam với tất cả những di tích lịch sử liên quan đến nhân vật được hoàn trả và trùng tu để xem đây như sự cáo lỗi chân thành (5) với cụ Phan và gia tộc Ông vì những sai lầm của bản án“bán nước” 45 năm về trước (6).

Trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ là một trường học lâu đời ở Nam kỳ Lục tỉnh, đóng góp rất lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài phục vụ xứ sở. Năm 1917, Albert Sarraut nhận chức Toàn quyền ở Đông Dương và để trấn an dân chúng đã biểu lộ bằng võ lực, xuyên qua những cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên, Huế và Sàigòn v.v., ông nhận chỉ thị rõ rệt xoa dịu lòng dân bằng một chánh sách văn hoá. Việc quyết định mở rộng một ngôi trường Cao đẳng Tiểu học khá qui mô cho những tỉnh miền Tây, và đặt tại giữa vùng này tức là Cần Thơ, là một việc làm theo chiều hướng ấy (7).

Sau đây là một vài nét về những giai đoạn xây cất và thăng trầm của trường Phan Thanh Giản.

Giai đoạn I (1917-1921): Xây Cất

Dọc theo đường Captaine d’ Herbes (sau đổi thành đường Phan Thanh Giản) đã sẵn có những lớp của trường Sơ học tỉnh Cần Thơ. Năm 1917, một dãy lầu một từng, với từng trệt cất xong năm ấy và trên các băng bằng đá trắng có chữ thiếp vàng Collège de Cần Thơ. Dãy lầu này dùng làm ký túc xá cho những học trò trường Sơ học cho mãi đến tháng 9 năm 1921. Từng trên dùng làm buồng ngủ; từng dưới, một bên dùng làm phòng học tối cho nội trú, còn một bên là hai lớp Nhứt A và lớp Nhứt B, văn phòng Hiệu trưởng và phòng tiếp khách của nội trú.

Cũng trong giai đoạn này (1917-1921) dãy lầu thứ hai với những kiến trúc phụ thuộc nối liền hai dãy lầu, được xây cất và hoàn tất vào giữa năm 1921.

Giai đoạn II (1921-1924): Mở Lớp Bổ Túc

Ngày chúa nhựt 20/02/1921, dưới quyền giám đốc của Hiệu trưởng Espelette, 36 học sinh của hai trường từ Sài Gòn và Mỹ Tho được chuyển đến Cần Thơ và lớp học có tên Cours Complémentaire (lớp bổ túc tiểu học) được khai giảng. Lớp này choáng phòng đối diện với phòng tiếp khách. Học xong lớp bổ túc, học sinh được chuyển qua Mỹ Tho để học tại Collège de Mỹ Tho cho đến năm thứ tư (4e Année de l’Enseignement Primaire Superieur Franco-Indigène).

Trong giai đoạn này, việc xây cất vẫn tiếp tục theo hoạ đồ đã chấp thuận. Dãy lầu ba được xây, mặt hướng về đường Ngô Quyền, lúc ấy còn là ruộng ngập và đường chỉ mới được phóng mà thôi. Công việc xây cất toàn trường được hoàn tất vào đầu năm 1924.

Giai đoạn III (1924-1926): Khởi đầu chương trình Cao đẳng Tiểu học

Sau khi hoản tất việc xây cất, chương trình văn hoá của A. Sarraut mới bắt đầu thực hiện với việc mở trường Cao đẳng Tiểu học cho Miền Tây và từ đó trường Cần Thơ hoàn toàn tự lập, không còn tùy thuộc nơi trường Mỹ Tho như trước.

Trường được đăt dưới quyền giám đốc của giáo sư Bouillard, ông này quản trị cả hai trường Sơ học và Cao đẳng Tiểu học, với sự cộng tác của giáo sư A. Bizot dạy Pháp văn, giáo sư Nguyễn văn Trọng dạy Toán, giáo sư Đỗ văn Quân dạy Khoa học, giáo sư Phan Công Hải dạy Pháp văn và Sử Địa, giáo sư Lê văn Nhơn phụ trách môn Hội họa và giáo sư Nguyễn Quang Chữ làm Tổng giám thị. Ngày 28/09/1924 105 học sinh từ các tỉnh, vừa trúng tuyển tại Sài Gòn chở rương nấp đến trường. Những học sinh này, đa số gốc ở các tỉnh miền Tây và lưu vực đồng bằng sông Cửu Long; tuy nhiên có vài học sinh đến từ Chợ Lớn và Tân An. Số học sinh này được chia thành 3 lớp A, B, C và mỗi lớp 35 người. Cuối năm thi lên lớp xong, một số xin di chuyển về Collège de Mỹ Tho.

Vào niên học 1925-1926 Năm thứ II chỉ còn 70 học sinh và Năm thứ I được 90 học sinh; niên học này xứ sở sôi nổi bởi nhiều biến cố chánh trị. Cụ Phan Bội Châu ra trước toà đề hình, bị kết án tử hình nhưng rồi sau đó được ân xá. Cụ Phan Châu Trinh về nước diễn thuyết vể luận lý Đông Tây. Cụ Phan Văn Trường về nước thay mặt cho Nguyễn An Ninh làm giám đốc tờ báo La Cloche Fêlée. Những biến cố ấy ảnh hưởng nặng nề đến tâm tư học sinh trường Collège de Cần Thơ.Ngày 26/03/1926 Cụ Phan Châu Trinh từ trần và để hưởng ứng phong trào quốc tang, học sinh trường Collège de Cần Thơ tổ chức lễ truy niệm và để tang cụ Phan với băng tang trắng mang nơi cánh tay. Cùng ngày Cụ Phan Châu Trinh tạ thế, chí sĩ Nguyễn An Ninh bị bắt và sau đó bị kết án tù. Việc kết án tù Ông Nguyễn An Ninh khiến tất cả học sinh nội trú trường Collège de Cần Thơ bãi khoá cùng lúc với trường Nữ học đường (tức là trường Nữ Gia Long), trường Nam ở Sài Gòn (tức École Pratique des Mecaniciens Asiatiques de la Marine, sau này là trường Kỹ thuật Cao Thắng) và trường Collège de Mỹ Tho. Riêng hai trường Sư Phạm và Chasseloup Laubat bị ban giám đốc đề phòng và các học sinh lãnh đạo bị bắt đuổi trước, nên việc bãi khoá bị lũng đoạn.

Việc bãi khoá này khiến một số nhỏ xuất ngoại du học, một số bị đuổi và một số khác bị mất học bổng. Niên học bị hủy bỏ và giám đốc Ông Reybouber, vì không ngăn được phong trào tranh đấu nên cũng bị thay.

Giai đoạn IV (1926-1929)

Tháng 9/1926, trường khai giảng lại và tất cả học sinh đều ngồi lại lớp cũ của niên khóa trước. Ông Manière giử chức giám đốc đến năm 1929. Từ đó mỗi năm trường nhận thêm 70 học sinh mới, tuy nhiên vào niên khoá 1928-1929 trường trung học Petrus Ký ở Sài Gòn khai giảng, nên một số học sinh chuyển về Sài Gòn và một số khác chuyển về Mỹ Tho để gần gia đình; vì thế trường Collège de Cần Thơ chỉ có 1 lớp 4è Année mà thôi.

Tháng 07/1929 lần đầu tiên Collège de Cần Thơ chánh thức gởi thí sinh thi “Brevet Élémentaire d’Enseignement Primaire Supérieur Franco-Indigène”. Bài viết thi ở Collège de Mỹ Tho, vấn đáp tại École Normale d’Instituteurs ở Sài Gòn và tất cà 20 thí sinh dự thị đều đậu. Thành tích tốt đẹp này làm cho trường Collège de Cần Tho nhận được lời khen của Giám đốc Nha Học chánh Sài Gòn, và tin được đăng trong Bulletin Géneral de l’Instruction Publique xuất bản ở Hà Nội.

Giai đoạn V (1929-1941)

Từ năm 1927 đến 1931 trong mỗi lớp học của trường Collège de Cần Thơ có 10 học sinh của ngành Sư phạm; các giáo sinh thuộc trường Sư phạm Sài Gòn, nhưng quê quán ở Hậu giang nên được xếp học chung với học sinh của trường Collège de Cần Thơ để trở thành những giáo viên phục vụ cho miền Tây. Chương trình này chấm dứt vào cuối niên học 1930-1931.

Năm 1933, học sinh trường Collège de Cần Thơ thi bằng Diplôme, bài viết thi tại trường và vấn đáp tại Sài Gòn. Bắt đầu niên khoá 1936-1937, lần đầu tiên trường có 2 nữ sinh và số nữ sinh tăng dần đến 20 vào năm 1944.

Giai đoạn VI (1941-1956)

Chiến tranh đã đem lại nhiều thiệt thòi cho trường Collège de Cần Thơ. Ngày 03/08/1941 trường bị sung công làm căn cứ cho quân đội Pháp và Collège de Cần Thơ được dời sang ngôi trường mới nằm ở gốc đường Ngô Quyền và đường Pasteur, đối diện Ty Công An Cần Thơ.

Bắt đầu từ tháng 8 năm 1945 trường chánh thức lấy tên là trường Trung học Phan Thanh Giản.

Năm 1946, thi Diplôme tại trường, cả bài viết và vần đáp. Năm 1948 mở thêm chương trình Pháp, năm 1949 mở thêm chương trình Miên và năm 1950 chương trình Việt được hoàn toàn áp dụng theo qui chế chung của Bộ Giáo dục.

Ba dãy lầu của trường cũ được trả lại vào ngày 05/04/1956 và trường trung học Phan Thanh Giản kể từ đó bao gồm hai khu: khu trường mới dành cho học sinh đệ nhứt cấp hay cấp II và ba dãy lầu cũ là khu đệ nhị cấp tức cấp III ngày nay. Từ niên khoá 1960-1961 trường Trung học Phan Thanh Giản có 2 lớp Đệ Nhứt A và B. Đây là những lớp Đệ Nhứt đầu tiên của vùng châu thổ Hậu giang.

Đầu niên khoá 1964 khu trường mới trên đường Ngô Quyền trở thành trường Nữ Trung học Cần Thơ và Giáo sư Trần Thị Nhơn là Nữ Hiệu trưởng đầu tiên. Trường cũ trên đường Phan Thanh Giản trở thành trường Trung học Phan Thanh Giản dành cho Nam sinh và Giáo sư Phạm Văn Đàm được cử làm Hiệu trưởng thay thế Giáo sư Lưu Khôn.

Giai đoạn VII (1975 -)

Sau ngày 30/04/1975 trường Trung học Phan Thanh Giản mất tên và trước tiên trở thành trường Trung học cấp II An Cư 1 và sau đó từ năm 1986 đổi ra trường Trung học cấp III Châu Văn Liêm đến ngày nay.

Người dân Cần Thơ yêu quý Cụ Phan Thanh Giản, con người đức độ, thanh liêm, cương trực, có nhiều công lao đóng góp lớn đối với lịch sử dân tộc trên các lãnh vực Văn học, Sử học, Chánh trị, Ngoại giao và đã tuẩn tiết để cứu lấy sinh mạng của người dân miền Nam trước giặc Pháp xâm lăng, nên đã chọn tên Phan Thanh Giản cho ngôi trường lớn nhứt miền Tây, chiếc nôi văn hoá của người dân vùng Hậu Giang.

Trong suốt thời gian gần một thế kỷ vừa qua, trường Trung học Phan Thanh Giản đã có những đóng góp to lớn trong việc đào tạo nhân tài phục vụ xứ sở. Đây cũng là nơi dạy dỗ những học sinh, sau này trở thành những nhà thông thái, mang những đức tính Liêm, Bình, Cần, Cán của Cụ Phan như:
  • Giáo sư Tiến sĩ Phạm Hoàng Hộ, một nhà giáo gương mẫu chuyên cần, suốt đời tận tụy trong sự nghiệp giảng dạy, một nhà khoa học cương trực, đã nói lên trước thế giới những ảnh hưởng nguy hại của thuốc khai quang, xử dụng trong chiến tranh Việt Nam, đối với sức khỏe con người và môi sinh (8).

  • Giáo sư Tiến Sĩ Nguyễn Viết Trương, một chuyên gia quốc tế xuất sắc về xử lý chất phế thải kỹ nghệ và ô nhiễm môi sinh trên toàn cầu, một nhà khoa học đã cống hiến những kiến thức vô giá vào sự phát triển nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long, các công trình chống xạt bờ của sông rạch vùng Tứ giác An Giang, nạn lở đường dọc theo Xa lộ "Trường Sơn" và chương trình xử lý ô nhiễm môi trường gây nên bởi chất độc dioxin ở khu A Sô, A Lưới (9).

  • Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Duy Xuân, nhà giáo dục và chuyên viên kinh tế lỗi lạc đã đặt một nền tảng vững chắc trong chương trình đào tạo chuyên viên và nghiên cứu khoa học để ngày nay Trường Đại học Cần Thơ là một trung tâm giáo dục và nghiên cứu nông nghiệp cao cấp hàng đầu của Viêt Nam (10).

  • Ấy là chưa kể đến nhiều cán bộ tài giỏi khác hiện đang góp phần xây dựng xứ sở, cùng nhiều chuyên gia xuất sắc về y học, khoa học, kỹ thuật, văn nghệ v.v.. hiện sống rải rác khắp nơi trên toàn thế giới.

Sau ngày 30/04/1975 ở nhiều nơi như Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Tháp v.v... những con đường mang tên Phan Thanh Giẳn đều bị xóa tên, tượng Cụ Phan bị đập phá và mồ mã đền thờ Cụ bị bỏ phế. Đây là hậu quả của một bản án vào năm 1963, đầy tính bất công, kết tội Cụ Phan “bán nước” (6). Cùng chung với số phận đó, trường Trung học Phan thanh Giản Cần Thơ bị mất tên. Collège de Cần Thơ được đổi tên thành trường Trung học Phan Thanh Giản khi Collège de Mỹ Tho trở thành trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu. Nếu không có bản án “bán nước” đó, thì cũng như ngôi trường anh em ở Tiền giang, danh xưng Phan Thanh Giản vẫn còn gắn liền với ngôi trường to lớn nhứt miền Hậu giang.

Những năm gần đây, qua những đánh giá khách quan về Cụ Phan Thanh Giản của các nhà Sử học nên mồ mã, đền thờ của Ông ở Bến Tre, Vĩnh Long đã được trùng tu; thành phố Mỹ Tho có con đường rộng 27m mang tên Phan Thanh Giản (10). Sắp tới đây Ban Tuyên giáo Thành Ủy Cần Thơ sẽ tổ chức cuộc Hội thảo về “Lịch sử hình thành và phát triển của trường Phan Thanh Giản” (4), chúng tôi, tập thể những cựu học sinh trường Trung học Phan Thanh Giản trong và ngoài nước, ước mong buổi thảo luận này sẽ dẫn đến quyết định hoàn lại danh xưng Phan Thanh Giản cho ngôi trường cũ của chúng tôi, nay có tên Châu Văn Liêm.

Với danh xưng Phan Thanh Giản, ngôi trường sẽ là một di tích lịch sử mang ý nghĩa quân sự, chánh trị và văn hoá, nêu lên “Dấu ấn Phan Thanh Giản và giặc Pháp xâm lăng” cũng như truyền thống bất khuất hào hùng của người dân Cần Thơ, trong suốt thời gian 87 năm (1867-1954) sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp.

Ngoài những đặc tính về văn hóa và lịch sử, những di tích cổ nếu được kết hợp với dịch vụ du lịch sẽ có giá trị kinh tế; thực thế ngày nay trên thế gìới, ở các quốc gia Âu, Mỹ, Úc và một số nước Á châu như Thái Lan, Hàn quốc, Đài Loan, Nhựt Bản, Singapore ngành du lịch được xem như một bộ phận của kỹ nghệ xuất khẩu.

Cần Thơ có những vườn cây trái, có một nền văn minh sông rạch để giới thiệu với du khách. Bên cạnh đó là những di tích lịch sử phong phú có sức thu hút đông đảo khách ngoại quốc vì phần lớn du khách có tâm lý muốn tìm hiểu văn hoá của xứ họ đến thăm viếng. Những đồ gốm Óc Eo tại di chỉ Nhơn Ái, Nhơn Thành (11), chùa Miên phái Theravada, chùa Ông Bổn, chùa Ông, chùa Bà, sự hiện diện của các tộc thiểu số người Châm, người Khmer, người Hoa sinh sống ở Cần Thơ (12 & 13) là những di tích lịch sử chứng minh sự tồn tại từ hằng ngàn năm trước của các nền văn minh Phù Nam, Thủy Chân Lạp, Chiêm Thành cũng như cuộc lưu vong và định cư của một số quan quân triều Minh vào đầu thế kỷ 18 ở miền Tây Nam phần Việt Nam. Những công ốc như Toà Bố, Toà Án, Ngân hàng Đông Dương, Nhà Lồng Chợ Cần Thơ và Khám lớn, trường Trung học Phan Thanh Giản là những kiến trúc do người Pháp xây cất, đánh dấu một khúc quanh trong lịch sử 300 năm hình thành của xứ sở Cần Thơ. Nếu các đình thần, chùa chiền, Khám Lớn, Nhà Lồng Chợ Cần Thơ lần lượt được trùng tu, các di chỉ người Phù Nam đươc khai quật, các tộc thiểu số được thống kê, thì theo thiển ý của người viết bài, những tòa nhà, những dãy lầu của người Pháp để lại cần được bảo quản, vì đây là biểu tượng của một cơ cấu hành chánh văn minh lần đầu tiên được thiết lập ở Cần Thơ và trường Trung học Phan Thanh Giản là nơi mà một chương trình giáo dục cao cấp, tiến bộ của Tây Phương lần đầu tiên được mang đến cho người dân miền Tây. Một lý do quan trọng khác để xếp trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ thành một di tích lịch sử quý giá cần được trùng tu và bảo quản cho những thế hệ mai sau.

Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) với khu phố cổ Pu Xi ở phía Tây và khu tân lập Pu Đông ở phía Đông của thành phố; hai khu phố nằm trên hai bờ sông Pu. Nhà cầm quyền Thành Phố Thượng Hải giữ nguyên nét kiến trúc xưa nơi khu vực Pu Xi của đế quốc Anh để lại và biến khu vực này thành một trung tâm du lịch (14) với “Vườn Yu Yuan”, Cao Ốc buôn bán Chứng khoáng “Shanghai’s Wall Street”, Bến dạo mát “Bund”, cạnh bờ sông Pu, thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế giới. TP Cần Thơ có địa thế tương tự như Thượng Hải với hai quân Ninh Kiều và Hưng Phú (Xóm Chài) nằm đối diện qua con sông Cần Thơ. Chúng ta có thể dùng kinh nghiệm phát triển nơi xứ bạn, để tập trung xây dựng khu đô thị mới ở quận Hưng Phú và bảo tồn các di tích lịch sử hiện có ở các quân Ninh Kiều, Bình Thủy đồng thời biến những di tích lịch sử này kể cả trường Trung học Phan Thanh Giản, thành các điểm du lịch, thu hút du khách ngoại quốc. Ngoại tệ thu được sẽ góp phần vào việc trùng tu các di tích, cơ sở và phát triển Thành Phố Cần Thơ. Đây là một yếu tố kinh tế quan trọng để trường Trung học Phan Thanh Giản được xếp hạng là một di tích lịch sử văn hoá.

Tháng 04/2008, tỉnh Bến Tre đã đặt tên trường cấp III quận Ba Tri là Trường Phan Thanh Giản và đang chuẩn bị dựng tượng Phan Thanh Giản ở Trung tâm Thị xã Bến Tre (15). Tạp chí Xưa & Nay, cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ngày 05/08/2008 nhân ngày giỗ của cụ Phan Thanh Giản đã làm lễ an vị tượng Cụ Phan Thanh Giản ở Văn Thánh Miếu Vĩnh Long (4). Mong rằng trong tương lai không xa, những di tích văn hóa liên quan đến cụ Phan thanh Giản ở Cần Thơ (Trường Trung Học Phan Thanh Giản, Tượng Cụ Phan và con đường Phan Thanh Giản) được phục hồi và tôn tạo. Đây là ngày đem lại tràn đầy hân hoan cho những cựu giáo sư và học sinh trường trung học Phan Thanh Giản, vì trong hơn 30 năm qua họ mang tâm tư của những người mất trường, mất gốc. Và có thể đây cũng chính là ngày mà nguyện vọng lúc còn sinh thời của
Ông Võ Văn Kiệt được thực hiện! Hơn thế nữa, giải quyết thỏa đáng những khát vọng này, sẽ góp phần gội rữa nổi oan ức và mặc cảm tội lỗi (16) đè nặng trên tâm nảo của những thế hệ hậu duệ Phan Thanh Giản từ nhiều thập niên qua, cũng như tạo thêm niềm tin nơi người dân Việt Nam với thêm một bất công lịch sử được xóa bỏ.

Tài liệu tham khảo
  1. Văn Tạo: Sự nghiệp và vai trò lịch sử của Phan Thanh Giản. Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản. tr 23-36.

  2. Văn Tạo: Vấn đề đổi tên đường phố do TP. HCM thực hiện có sự đóng góp của GS Nguyễn Công Bình và GS Nguyễn Đổng Chi do Ủy ban KHXH cử vào. Sự không nhất trí về sự tôn tạo hạn chế hay hủy bỏ di tích lịch sử về Phan Thanh Giản diển ra ở nhiều nơi (Vĩnh Long, Đồng Tháp....) mà tôi đã tiếp xúc.

  3. Cụ Phan Thanh Giản được lịch sử tôn vinh. Bến Tre Online ngày 29/02/2008.

  4. Nguyễn Hạnh: Câu chuyện Võ Văn Kiệt và Đại học sĩ Phan Thanh Giản (Theo Tạp chí Xưa & Nay, số 312 tháng 7-2008).

  5. Phan Thanh Tâm: Nhận định bài tổng kết về Phan Thanh Giản của “Người Anh Cả” Giới Sử Học Hà Nội (Theo Tạp chí Thề kỷ 21, số 185 tháng 11-2004; tr 43-46).

  6. Trần Huy Liệu: Chúng ta đã nhất trí về việc nhận định Phan Thanh Giản. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 55, tháng 10-1963, tr. 18-19.

  7. Huỳnh Long Vân và Mai Kim Ngọc: GS TS Phạm Hoàng Hộ. Đặc san Cần Thơ số 2 (2007) tr.25-33.

  8. Huỳnh Long Vân: GSTS Nguyễn Viết Trương. Đặc san Cần Thơ số 2 (2007) tr.128-132.

  9. Huỳnh Long Vân: GSTS Nguyễn Duy Xuân. Đặc san Cần Thơ số 2 (2007) tr.61-62.

  10. Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản (Phần hình ảnh tài liệu).

  11. Tống Trung Tín: Đóng góp vào việc nghiên cứu văn hoá Nam Bộ. Văn hoá Óc Eo và Vương Quốc Phù Nam. tr 200-228.

  12. Huỳnh Minh: Cần Thơ Xưa và Nay. Nhà xuất bản Cáng Bằng Sài Gòn 1966.

  13. Huỳnh Long Vân: Xứ sở và Con người Cần Thơ. Đặc san Cần Thơ số 1 (2006) tr 129-175.

  14. Splendours of China & Chengdu Pandas. Scenictours.com.au.

  15. Cụ Phan Thanh Giản xứng đáng được lịch sử tôn. Tuổi trẻ Online 14/04/2008.

  16. Phan Huy Lê: Con người, sự nghiệp và bi kịch cuối đời. Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản. tr 285-301.