Sách ở miền Nam trước 1975 được tái bản

NKLT: Nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh đã từng đặt câu hỏi: “Như vậy, biên-giới văn-học trong-ngoài hiện có còn không?”, xin trả lời là VẪN CÒN. Hiện nay (2020) ở trong nước vẫn chưa có (hoặc không dám) công khai nhìn nhận nền văn học Miền-Nam (VNCH) và văn học Hải-ngoại (sau 1975) là một phần không thể tách rời trong nền văn học của Việt-Nam (xin đọc bài Văn-Học Việt-Nam Trong-Ngoài của Nguyễn Vy Khanh).



Theo một ghi nhận chưa đầy đủ, từ 1975 đến nay đã có khoảng 150 nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình, dịch giả hoạt động ở các đô thị miền Nam thời chiến tranh, chủ yếu là Sài Gòn, có sách được tái bản trong nước. Trong số đó có những người còn sống, những người đã mất và một số ít hiện định cư ở nước ngoài. Như vậy là, mặc dù hoàn cảnh ra đời rất phức tạp của nó, lại phải chịu nhiều nghi kỵ và ngộ nhận, một phần di sản văn hóa giai đoạn đó vẫn tiếp tục tham dự và đóng góp vào đời sống tinh thần hiện nay của đất nước.

Dịch thuật là lĩnh vực mà những cây bút ở miền Nam trước đây có thành tựu rõ nhất. Nhiều kiệt tác văn học thế giới ở phương Tây và phương Đông của các tác gia lớn như L. Tolstoi, F. Dostoievski, B. Pasternak, A. Solzhenitsyn, N. Kazantzakis, A. Gide, J.-P. Sartre, A. Camus, E. Hemingway, E. M. Remarque, H. Hesse, Lỗ Tấn, R. Tagore, Y. Kawabata… đã được xuất bản khá sớm ở miền Nam và nay được tái bản. Điều thú vị là độc giả miền Nam đã từng biết đến cả tác phẩm của những nhà văn có tinh thần cách mạng như M. Gorki, M. Sholokhov, P. Abrahams… So với các lĩnh vực khác, việc tái bản sách dịch thuật thời gian qua tương đối dễ dàng hơn cả.

Kế tiếp là mảng sách nghiên cứu về văn hóa, văn học, triết học, lịch sử: nhiều công trình khảo cứu công phu và đồ sộ đã được tái bản không chỉ một lần. Đến các hiệu sách hiện nay, ta vẫn có thể thấy sách khảo cứu của Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Thục, Nhất Hạnh – Nguyễn Lang, Toan Ánh, Vương Hồng Sển, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Trần Văn Toàn, Thanh Lãng, Nguyễn Văn Xuân, Quách Tấn, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Văn Hầu, Phạm Thế Ngũ, Bằng Giang, Bùi Đức Tịnh, Nguyễn Khuê, Huỳnh Phan Anh, Đặng Tiến, Huỳnh Văn Tòng…

Có lẽ phức tạp và tế nhị nhất là việc xin phép tái bản mảng sáng tác văn học, từ thơ đến văn xuôi. Nếu thời gian đầu chỉ có những tác giả được xếp vào “khuynh hướng văn học yêu nước và tiến bộ” (Á Nam Trần Tuấn Khải, Vũ Hạnh, Sơn Nam, Võ Hồng, Bình Nguyên Lộc, Vũ Bằng, Ngô Kha…) được ưu tiên tái bản, thì cho đến nay ngày càng có nhiều nhà văn, nhà thơ được tái ngộ với bạn đọc: Đinh Hùng, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Trụ Vũ, Phạm Công Thiện, Nguyễn Vỹ, Thế Phong, Phạm Thiên Thư, Hoài Khanh, Tuệ Sỹ, Viên Linh, Hoàng Trúc Ly, Mường Mán, Hoàng Ngọc Tuấn…

Có thể nói, hơn 35 năm qua, nhiều nhà nghiên cứu và người làm xuất bản có tâm huyết đã cố gắng ghi nhận, sưu tầm, giới thiệu những đóng góp đáng quý đó cho kho tàng văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc làm đó chưa thật hệ thống và đầy đủ.

Trong thời điểm hiện nay, xúc tiến việc tập hợp, tuyển chọn những tác phẩm, công trình có giá trị là việc làm đúng lúc và cần thiết, không chỉ để cung cấp tài liệu cho các nhà nghiên cứu mà còn góp phần làm phong phú và đa dạng đời sống tinh thần của đất nước.

Với một khoảng cách hơn một phần ba thế kỷ, người đọc đã có đủ độ bình tâm và khách quan để nhìn nhận và đánh giá những mặt tích cực và những mặt hạn chế của các hiện tượng văn hóa, văn học giai đoạn ấy. Những tác phẩm được công bố như đã nói trên đây và những cuộc thảo luận sâu rộng về những hiện tượng ấy cho phép chúng ta khẳng định rằng không ít tác phẩm mang phẩm cách dân tộc, tinh thần nhân đạo và giá trị nghệ thuật theo hướng cách tân và hiện đại đã xuất hiện trong một thời buổi nhiễu nhương của miền Nam.

Văn hóa dân tộc thời kỳ nào cũng có những giá trị, nhiều khi ẩn khuất dưới bề mặt của những hiện tượng xô bồ, phức tạp. Với tinh thần khách quan, công bằng, người làm xuất bản cần phải “gạn đục khơi trong”, tìm cách làm sống lại những thành tựu đặc sắc và đưa vào bối cảnh mới của đời sống văn hóa. Việc tái bản này đòi hỏi một cách làm chuyên nghiệp, thận trọng, coi trọng “văn hóa xuất bản” thì mới giữ uy tín và có sức thuyết phục. Trong quá khứ đã từng có hiện tượng đề cao quá đáng những cuốn sách tầm thường; cũng có trường hợp in sót hay in sai tên tác giả, dịch giả và không thực hiện chế độ tác quyền.

Hiện nay, dân tộc ta đang đứng trước nhiều thử thách trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Nhìn nhận văn học quá khứ một cách công bằng và khách quan sẽ góp phần hòa giải và hòa hợp dân tộc, phát huy các nguồn lực vật chất và tinh thần để đương đầu với mọi hiểm họa từ bên ngoài.

Giới trí thức sáng tạo ở thời kỳ nào cũng có những đại biểu cho tinh thần dân tộc, cho tinh hoa văn hóa và ngôn ngữ dân tộc. Trước những hoàn cảnh nghiệt ngã của lịch sử, có thể có những hiện tượng chao đảo, ngả nghiêng, cũng là dễ hiểu. Nhưng cội rễ của văn hóa dân tộc luôn ăn sâu vào mọi tâm hồn ViệtNam. Chính nhờ thế mà dân tộc ta mới trường tồn và thống nhất như ngày hôm nay. Tình yêu đất nước, tình yêu con người, tình yêu đối với văn hóa dân tộc, đối với tiếng Việt là một thước đo để thẩm định những giá trị tinh thần trong quá khứ.