Vua Bảo Đại và “tam bất lập” của nhà Nguyễn

Lâm Vĩnh Thế

Trong các câu chuyện trà dư tửu hậu về Nhà Nguyễn, chúng ta thường nghe nói tới các cụm từ “Tam Bất Lập, Tứ Bất Lập, Ngũ Bất Lập” để chỉ các điều mà vương triều này gần như tuyệt đối coi là những chuyện cấm kỵ, không được phép làm. Vua Bảo Đại (1913-1997; trị vì 1926-1945) là vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn. Bài viết này cố gắng tìm hiểu mối liên hệ giữa vị vua cuối cùng này và các điều cấm kỵ đó.

Tam Hay Tứ Hay Ngũ Bất Lập?

Nói cho đúng ra thì các cụm từ nói trên đều đúng hết tùy theo sự hiểu biết hoặc tin tưởng của từng cá nhân. Những điều cấm kỵ đó là những điều sau đây:[1]

  • Không lập Hoàng Hậu
  • Không lập Đông Cung Hoàng Thái Tử
  • Không lập Tể Tướng
  • Không ban danh hiệu Trạng Nguyên cho người đậu đầu kỳ thi Đình
  • Không phong tước Vương cho ngươi ngoài Hoàng tộc

Tại sao lại cho rằng tất cả đều đúng? Vì sự thật là tất cả 5 điều vừa kể đều là những chuyện mà phần lớn các vua Nhà Nguyễn thường đã tránh, không làm mặc dù những điều đó không hề được viết thành văn như những điều quy định khác đã có ghi chép rõ ràng trong Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ là một bộ sách rất lớn, gồm tất cả 262 quyển, “ghi lại tất cả các chiếu chỉ sắc dụ chương sớ có tình cách lập qui, kể từ năm Gia Long nguyên niên (1802) cho đến năm Tự Đức thứ 3 (1850) mà tất cả các cơ quan của triều đình từ trung ương tới địa phương đều phải tuân thủ thi hành.”[2]

Như vậy, có thể nói rằng những điều “bất lập” đó không phải là những điều luật, mà chỉ là những lệ, hình thành do thói quen, hoặc truyền miệng từ đời trước đến đời sau mà thôi.

Sự Tuân Thủ Những Bất Lập Này Qua Các Triều Vua Nhà Nguyễn

Trong năm điều bất lập liệt kê bên trên, ta có thể thấy rất rõ là ba điều đầu tiên là quan trọng hơn hai điều còn lại rất nhiều. Các danh vị đó, Hoàng Hậu, Đông Cung Hoàng Thái Tử, và Tể Tướng, đều có khả năng rất lớn trở thành những trung tâm quyền lực quan trọng, có thể tạo ra phe đảng, đưa đến việc khuynh đảo triều chính, nghĩa là có tiềm năng trở thành những nguy cơ cho vương triều, và vậy cần phải tránh, không tạo cơ hội cho chúng hình thành.

Đọc lại lịch sử của các triều Nhà Nguyễn, chúng ta có thể tin gần như chắc chắn rằng Vua Gia Long (trị vì 1802-1820), mặc dù là người sáng lập vương triều, không phải là người đã tạo ra những điều cấm kỵ, bất lập đó. Bằng chứng là Vua Gia Long đã có lập Hoàng Hậu và có lập cả Đông Cung Hoàng Thái tử.

Việc Vua Gia Long lập Hoàng Hậu có ghi rõ như sau trong bộ chính sử của Nhà Nguyễn là bộ Đại Nam Thực Lục 大南寔錄:

“Ngày Kỷ mùi, sách lập Vương hậu Tống thị làm Hoàng hậu.”[3]

Vương hậu Tống thị chính là Bà Tống Thị Lan, sinh ngày 25 tháng Chạp năm Tân Tị (dương lịch là ngày 19-1-1762), con gái thứ ba của Quốc Công Tống Phúc Khuông, đã được phong làm Vương Hậu từ năm Bính Thìn (1796)[4]. Bà chính là mẹ của hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh, đã được Nguyễn Vương phong làm Đông Cung từ năm Quý Sửu (1793) và đã mất vị bệnh đậu mùa tại Gia Định ngày 7 tháng 2 năm Tân Dậu (dương lịch là ngày 20-3-1801)[5]. Ngày Kỷ Mùi ghi trong sách Đại Nam Thực Lục bên trên là ngày 14 tháng 7 năm Bính Dần (dương lịch là ngày 27-8-1806).

Việc Vua Gia Long lập Đông Cung Hoàng Thái Tử cũng đã có ghi rõ trong sách Đại Nam Thực Lục như sau:

“Lập hoàng tử Hiệu làm Hoàng thái tử”[6]

Chữ Hiệu này, thuộc bộ Bạch, cũng đọc là Hạo hay Kiểu, chính là tên được đặt thêm cho hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm sau khi ngài đã được Vua Gia Long chọn làm Đông Cung Hoàng Thái Tử[7]. Việc lập Đông Cung Hoàng Thái Tử này diễn ra vào tháng 3 năm Bính Tý (niên hiệu Gia Long thứ 15, dương lịch là năm 1816).

Việc lập hoàng tử Đảm làm Đông Cung Hoàng Thái Tử này của Vua Gia Long không phải là hoàn toàn suông sẻ, mà đã gặp sự chống đối của một số đại thần trong triều. Sở dỉ có chuyện chống đối là vì sự hiện diện của hoàng tôn Nguyễn Phúc Đán[8], con trai trưởng của Đông Cung Cảnh đã mất. Hoàng tôn Đán chính là cháu nội địch tôn của Vua Gia Long, thuộc dòng trưởng, nếu được truyền ngôi thì cũng là một chuyện đúng theo chủ trương “đích tôn thừa trọng.”. Nhưng vào thời điểm này, tức triều đại của Vua Gia Long, thì Vua Gia Long phải có suy nghĩ khác vì hai lý do quan trọng sau đây: 1) Vương triều mới thành lập, chưa hoàn toàn ổn định vững chắc; 2) Hoàng tôn Đán còn nhỏ tuổi nếu nối ngôi có thể dễ bị sự khống chế của các đại thần. Mà quả thật trong triều đình lúc đó đã có chuyện mưu đồ làm áp lực để Vua Gia Long quyết định sẽ truyền ngôi cho hoàng tôn Đán. Tiền Quân Nguyễn Văn Thành là người cầm đầu âm mưu này:

“Để tạo hậu thuẫn cho hoàng tôn Đán, và gây áp lực với vua, Tiền quân Quận công Nguyễn Văn Thành (N.V.T.) tổ chức tiệc rượu tại tư dinh, mời các đại thần đến dự, công khai tuyên bố: hoàng tôn Đán xứng đáng được nối ngôi. Tôi sẽ tâu xin vua lập làm người kế nghiệp. Các quan đều sợ oai của N.V.T. nên im lặng. Chỉ có Lại bộ Thượng thư Trịnh Hoài Đức phát biểu: “Đây là việc hệ trọng của Nhà nước, quyết định do ý của vua. Nếu kẻ bề tôi định kế riêng, tham lấy công to thì tội càng nặng.” Có người đem chuyện mật tâu với vua Gia Long, vua rất giận bảo: Hắn muốn lập người nhỏ tuôi để dễ khống chế. Ngày sau có thể chẹt họng, vỗ lưng chăng? Ta há tối tăm, nhầm lẫn, không biết đắn đo, để vội nghe lời hắn mà không vì xã tắc chọn người sao? Nhằm thăm dò ý kiến, một hôm bãi chầu, vua kêu riêng N.V.T. vào hỏi: “Nay đích tôn của ta là Đán còn nhỏ. Trong các con ta, ai xứng đáng nên lập làm thái tử.” N.V.T. không hài lòng thẳng thắn tâu: “Theo lẽ nên lập Đán, là đích tôn thừa trọng mới đúng. Nay bệ hạ muốn chọn người khác, thì biết con không ai bằng cha, chúng tôi không dám dự biết đến.”[9]

Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa cả, vua Gia Long đã biết quá rõ chủ trương muốn ép vua lập hoàng tôn Đán làm Thái tử của Tiền Quân Nguyễn Văn Thành. Vì vậy, mãi đến năm Bính Tý (niên hiệu Gia Long thứ 15, 1816), khi Nguyễn Văn Thành đang bị điều tra về vụ con trai là Nguyễn Văn Thuyên bị kết tội mưu phản[10], không được tham dự triều chính nữa, vua Gia Long mới quyết định lập hoàng tử Đảm làm Hoàng Thái Tử:

“Tháng 3 ngày Canh dần, đặt triều nghi ở điện Cần Chánh, triệu bầy tôi đến, đều cho ngồi. Dụ rằng: “Trẫm nay làm việc đã mỏi, rất lo đến kế lớn của Xã Tắc. Thái tử là ngôi chừ nhị của nước, cần phải sách lập để trọng chính thống mà giữ bền gốc nước.” Bèn triệu Thượng thư Lại bộ là Trịnh Hoài Đức đến trước giường ngự, sai viết “Lập hoàng tử Hiệu làm Hoàng thái tử” để đưa cho bầy tôi xem. Vua nói: “Ai đồng ý thì ký tên vào.” Quần thần đều nói: “ý thánh định trước, thực là Phước không cùng của Xã Tắc, bọn thần xin noi theo mệnh lệnh”.

Vua thung dung dụ rằng: “Cha con truyền ngôi cho nhau là đạo thường xưa nay. Từ đời Hán đời Đường trở xuống, ít người không theo. Hoặc có kẻ nói “đích tôn thừa trọng”, ta thực không hiểu thuyết ấy. Duy có vua Thái tổ nhà Minh mê hoặc theo lời nói của Lưu Tam Ngô mà bỏ con là Yên Vương để lập đích tôn là Doãn Văn, rốt cùng sinh tai vạ. Phàm biết con không ai bằng cha. Nếu vua Thái tổ nhà Minh cho Yên Vương là hiền mà bấy giờ họp ngay đình thần, nói rõ là lập làm thái tử, thì một lời nói ra, ai dám không theo! Như thế thì làm sao sinh loạn được”. Quần thần đều vui phục.”[11]

Như vậy, rõ ràng là các điều bất lập chỉ có từ triều Vua Minh Mạng trở về sau. Câu hỏi được đặt ra là: Có phải Vua Minh Mạnh chính là người đặt ra các điều bất lập đó hay không? Có khá nhiều lý do khiến chúng ta có thể tin rằng đúng là Vua Minh Mạng chính là vị vua của Nhà Nguyễn đã đặt ra các điều bất lập này:

  • Vua Minh Mạng không có lập Hoàng Hậu, ngay cả người chánh thất của Ngài, Bà Hồ Thị Hoa, mẹ của hoàng trưởng tử của Ngài là hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, sau này lên nối ngôi là Vua Thiệu Trị, cũng chỉ được phong là Phi mà thôi; Bà mất năm Đinh Mão (1807) sau khi sinh hoàng tử Miên Tông mới được 13 ngày; mãi đến năm Bính Thân (1836) Bà cũng chỉ được truy phong làm Thân Phi[12].

  • Vua Minh Mạng không có lập Đông Cung Hoàng Thái Tử; chỉ đến khi sắp băng hà, ngày 28 tháng Chạp năm Canh Tý (1840), ngài mới triệu các hoàng tử và dại thần vào chầu, và dụ rằng: “Hoàng trưởng tử Trường Khánh Công [tức là hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông] về thế thứ là hàng trưởng, kể về đức lẩn tuổi đáng được hưởng ngôi lớn, các khanh nên hết lòng phò tá, nếu thấy làm việc gì không hợp lẽ thì nên dẫn lời của trẩm mà can gián.”[13]

  • Vua Minh Mạng cũng không có lấy Trạng Nguyên cho kỳ Thi Đình lần đầu tiên của Nhà Nguyễn vào năm Nhâm Ngọ (1822)[14]

Việc tuân thủ các điều bất lập này đã được các vị vua kế nghiệp Vua Minh Mạng tiếp tục duy trì trong hơn 100 năm, trong suốt 8 đời vua, từ Vua Thiệu Trị (trị vì 1840-1847) đến Vua Duy Tân (trị vì 1907-1916), cho đến khi Vua Khải Định (trị vì 1916-1925) lập hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy làm Đông Cung Hoàng Thái Tử vào năm Nhâm Tuất (1922).

Vua Bảo Đại Không Tuân Thủ Tam Bất Lập

Vua Bảo Đại (trị vì 1926-1945) là vị vua đầu tiên, và cũng là vị vua cuối cùng, đã phạm vào tất cả ba điều cấm ky quan trọng nhứt đó của Nhà Nguyễn: Ngài đã lập Hoàng Hậu, Ngài đã lập Đông Cung Hoàng Thái Tử, và Ngài cũng đã lập Tể Tướng.

Vua Bảo Đại Lập Hoàng Hậu

Vua Bảo Đại, dựa trên quá trình được đào tạo của Ngài, rõ ràng là một vị vua hoàn toàn đủ điều kiện để canh tân xứ sở, dẹp bỏ tất cả các luật lệ, lề thói của triều đình Nhà Nguyễn mà Ngài thấy là không còn phù hợp nữa trong thế kỷ 20. Và quả thật Vua Bảo Đại có ý định đó và đã thực hiện một số sự việc theo chiều hướng đó. Ngay sau khi về nước vào tháng 9-1032, trong buổi làm việc riêng lần đầu với cụ Nguyễn Hữu Bài, Thượng Thư Bộ Lại, Ngài đã ra lệnh:

“Đại nhân hãy bảo cho viên Thương thư bộ Lễ soạn thảo ngay một sắc chỉ: Kể từ hôm nay, hãy bỏ ngay sự quỳ lạy đối với Trẫm. Trong bất cứ buổi lễ nào chỉ cần vái ba vái đối với Hoàng đế mà hôi. Trẫm muốn quyết định này được áp dụng ngay kể từ buổi chầu ngày mai, khi các quan vào triều kiến Trẫm. Xin Đại nhân làm gấp. … Sau nữa, cũng xin Đại nhân thảo ngay một sắc lệnh trả tự do cho tất cả các phi tần của tiên đế. Ai muốn ở lại để phụng thờ tiên đế Khải Định thì vẫn có quyền ở lại nơi cũ, và hàng tháng vẫn đưoợc tiền trợ cấp cho đến khi chết.”[15]

Phải công nhận là hai quyết định trên rất là hợp lý và tiến bộ. Nhưng cũng có những chuyện Vua Bảo Đại dám làm nhưng không đáng được tán thưởng, thí dụ như vụ việc sau đây:

“Hai ngày sau khi có mặt ở Huế, vua Bảo Đại chủ trì phiên đại triều đầu tiên ngày 10-9-1932. Ông nói bằng tiếng Pháp và có người thông dich.”[16]

Điều này cho thấy được phần nào bản tánh con ngươi của nhà vua. Khi Ngài thích làm một chuyện gì thì Ngài nhứt định làm cho được, bất chấp hậu quả. Chuyện cưới vợ của Ngài cũng không đi ra ngoài cái lệ này. Sau khi gặp gỡ (mà phần đông các nhà nghiên cứu đều tin rằng có sự sắp xếp của người Pháp) và yêu cô Nguyễn Hữu Thị Lan, cũng là một người đã du học bên Pháp về, thuộc một gia đình giàu có lớn của đất Nam Kỳ, và có quốc tịch Pháp, vua Bảo Đại quyết định đi đến hôn nhân. Gia đình nhà gái đã đặt nhiều điều kiện rất khó chấp nhận như sau:

Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng hậu Chánh cung ngay ngày cưới.

Được giữ nguyên đạo Công giáo và các con khi sinh ra phải được rửa tội theo luật giáo hội và giữ đạo.[17]

Cả Đức Từ Cung, là Hoàng Thái Hậu, mẹ của nhà vua, và cụ Tôn Thất Hân đứng đầu Tôn Nhơn Phủ, đều chống đối cuộc hôn nhân này, vì 3 lý do chánh như sau: 1) Nhà Nguyễn tuân thủ các Bất Lập, mà Bất Lập đầu tiên là không lập Hoàng Hậu; 2) Cô Nguyễn Hữu Thị Lan là người có đạo Công Giáo làm sao có thể lo việc tế lễ trong Nội cung được; 3) Các hoàng tử sẽ là người Công giáo làm sao có thể nối ngôi được. Vua Bảo Đại đã gạt bác tất cả những điều can gián này, thậm chí còn nói một câu như sau:

“Trẫm cưới vợ cho Trẫm đâu phải cưới vợ cho cụ Tôn Thất Hân và triều đình.”[18]

Lể cưới đã diễn ra vào ngày 20-3-1934, và bốn ngày sau:

“Ngày Mùng 10 tháng 2 (tức 24-3-1934), lể tấn phong Hoàng Hậu được diễn ra rất trọng thể ở điện Dưỡng Tâm.”[19]

Với việc cưới cô Nguyễn Hữu Thị Lan, và tấn phong làm Hoàng Hậu Nam Phương, vua Bảo Đai đã thực hiện xong bước đầu tiên trong việc xóa bỏ toàn bộ Tam Bất Lập là ba điều đại cấm kỵ của vương triều Nhà Nguyễn mà các vị tiên đế của Ngài đã tuân thủ trong hơn 100 năm qua.

Vua Bảo Đại Lập Đông Cung Hoàng Thái Tử

Sau khi đã vi phạm điều Bất Lập thứ nhứt xong mà không thấy triều đình có sự chống đối kịch liệt hay biện pháp chế tài nào cả, vua Bảo Đại tiến hành xóa xổ điều Bất Lập thứ nhì một cách dễ dàng hơn rất nhiều: lập hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Bảo Long làm Đông Cung Hoàng Thái Tử. Chuyện vi phạm Bật Lập này còn đễ dàng hơn chuyện lập Hoàng Hậu Nam Phương vì đã có tiền lệ do chính phụ hoàng của Ngài là Vua Khải Định đã lập Ngài làm Đông Cung Hoàng Thái Tử vào năm Nhâm Tuất (1922) khi Ngài mới được 9 tuổi.

“Khi Hoàng tử Bảo Long được ba tuổi, ngày 17 Tháng Giêng Năm Kỷ Mảo (dương lịch là ngày 7-3-1939), Vua Bảo Đại, theo gương của tiên đế là Vua Khải Định, đã cho tổ chức tại Điện Thái Hòa lễ phong danh hiệu Đông Cung Hoàng Thái Tử cho Hoàng tử Bảo Long.”[20]

Vua Bảo Đại Lập Tể Tướng

Sau khi làm vua trong 20 năm (1926-1945) nhưng không có thực quyền vì sự kềm chế của người Pháp, vua Bảo Đại bổng thấy có cơ hội thoát ra khỏi sự kềm chế đó của Pháp vào ngày 9-3-1945 khi quân đội Nhựt làm cuộc đảo chánh lật đổ chính quyền của người Pháo tại Việt Nam. Sau khi được sự xác nhận của Đai sứ Nhựt Masayuki Yokoyama là chính phủ Nhựt vẫn tiếp tục thừa nhận và ủng hộ Ngài ở ngôi báu (thay vì là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để như trước đó mọi người, ngay cả chính vua Bảo Đại, đều nghĩ và tin), ngày 27 tháng Giêng năm Ất Dậu (niên hiệu Bảo Đại thứ 20), nhằm ngày, ngày 11-3-1945 dương lịch, vua Bảo Đại đã triệu tập Cơ Mật Viện, các vị thương thư và một số hoàng thân trong Tôn Nhơn Phủ, vào hoàng cung thảo luận với kết quả là sự ra đời của bản Tuyên Ngôn Độc Lập (đầu tiên của nước Việt Nam) do Thương Thư Phạm Quỳnh (bộ Lại) soan thảo như sau:

“Cứ tình hinh chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này điều ước bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập.

Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung.

Vậy Chính Phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên.”[21]

Sau khi thăm dò ý kiến của một số khá đông các nhân vật chính trị có uy tín của cả 3 miền Nam-Trung-Bắc, vua Bảo Đại quyết định cử cụ Trần Trọng Kim, một nhà giáo và học giả danh tiếng và được kính trọng làm Thủ Tướng Nội Các đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Ngày 17-4-1945, cụ Trần Trọng Kim trình diện lên nhà vua một Nội Các gồm các vị sau đây:[22]

  • Tổng Lý Nội Các (tức Thủ Tướng): Trần Trọng Kim
  • Bộ Trưởng Ngoại Giao: Trần Văn Chương
  • Bộ Trưởng Tiếp Tế:Nguyễn Hữu Thí
  • Bộ Trưởng Thanh Niên:Phan Anh
  • Bộ Trưởng Tài Chánh:Vũ Văn Hiền
  • Bộ Trưởng Nội Vụ:Trần Đình Nam
  • Bộ Trưởng Y Tế Cứu Tế:Vũ Ngọc Anh
  • Bộ Trưởng Tư Pháp:Trịnh Đình Thảo
  • Bộ Trưởng Kinh Tế:Hồ Tá Khanh
  • Bộ Trưởng Giáo Dục và Mỹ Thuật:Hoàng Xuân Hãn
  • Bộ Trưởng Công Chánh:Lưu Văn Lang

Với việc ra đời của Nội Các này với cụ Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng (tương đương với chức vụ Tể Tướng của thời xưa), vua Bảo Đại đã hoàn tất việc xóa bỏ ba điều cấm kỵ quan trọng nhứt (Tam Bất Lập) mà các vua Nhà Nguyễn kế nghiệp vua Gia Long đã liên tục duy trì sự tuân thủ trong hơn 100 năm.

Thay Lời Kết

Triều Nhà Nguyễn, kéo dài được 143 năm (1802-1945), trong đó có trên 100 năm đã liên tục tránh làm một số điều cấm ky, trong đó có ba điều quan trọng nhứt, gọi là Tam Bất Lập, là không lập Hoàng Hậu, không lập Đông Cung Hoàng Thái Tử, và không lập Tể Tướng. Vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn, vua Bảo Đại (trị vì 1926-1945), đã phạm vào tất cả Tam Bất Lập này, lập Bà Nguyễn Hữu Thị Lan làm Hoàng Hậu Nam Phương, lập hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Bảo Long làm Đông Cung Hoàng Thái Tử, và lập học giả Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng (cũng như Tể Tướng) đầu tiên của Nội Các nước Việt Nam độc lập. Chỉ hơn 4 tháng sau khi Ngài vi phạm điều Bất Lập thứ ba này thì vương triều Nhà Nguyễn cũng cáo chung trong lịch sử của nước Việt Nam.

_________________

GHI CHÚ


[1] Võ Hương An. Từ điển Nhà Nguyễn. Irvine, Calif.: Nam Việt, 2012, tr. 406-410.

[2] Võ Hương An, sđd, tr. 314-315.

[3] Đại Nam Thực Lục Chinh Biên, Đệ Nhứt Kỷ, Quyển XXX, tr. 621. Tài liệu trực tuyến này có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://sites.google.com/site/sachsuvietnam/dai-nam-thuc-luc

[4] Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc. Nguyễn Phúc tộc thế phả, thủy tổ phả, vương phả, đế phả. Huế: Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, 1995, tr. 219.

[5] Nguyễn Phúc Cảnh, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Ph%C3%BAc_C%E1%BA%A3nh

[6] Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Nhứt Kỷ, sđd, Quyển LII, tr. 839.

[7] Nguyễn Phúc tộc thế phả…, sđd, tr.239. Trong sách này, tên được ghi là Kiểu, thay vì Hiệu.

[8] Trần Đình Sơn, “Vua Gia Long với quyết định chọn người kế nghiệp,” trong sách Triều Nguyễn và lịch sử của chúng ta / do nhiều tác giả. Tái bản lần 5 có bổ sung. Hà Nội: Nhà xuất bản Hồng Đức, Tạp Chí Xưa và Nay, 2017. Tr. 309-313. Tại tr. 310 có ghi như sau: “Đán sinh năm 1796 là con trưởng của Anh Duệ Hoàng thái tử Nguyễn Phước Cảnh và Vương cơ Tống Thị Quyên. Cháu đích tôn của vua và Hoàng Hậu Thuận Nguyên.” Sau này, khi đã lên ngôi, vua Minh Mạng đã ban Phiên Hệ Thi dùng để đặt tên cho con cháu của các vị hoàng tử anh em của mình Bài Phiên Hệ Thi dành cho con cháu của Anh Duệ Hoàng thái tử là như sau:

Mỹ Lệ Anh Cường Tráng
Liên Huy Phát Bội Hương
Lệnh Nghi Hàm Tốn Thuận
Vị Vọng Biểu Khôn Quang

Hoàng tôn Đán, là thế hệ thứ nhứt của Phòng Anh Duệ, phải dùng chữ Mỹ, nên phải mang tên mới là Mỹ Đường, và theo quy định của Vua Minh Mạng, không còn được dùng họ Nguyễn Phúc nữa, mà phải đổi sang con trai là Tông Thất, con gái là Tông Nữ. Cũng nên nói thêm hai điều này: 1) Sau khi Vua Minh Mạng băng hà, hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông lên nói ngôi là Vua Thiệu Trị, chữ Tông trở thành trọng Húy, phải đổi thành chữ Tôn, vì thế các con cháu của các phiên hệ đều trở thành con trai là Tôn Thất, con gái là Tôn Nữ; 2) Sau khi Vua Tự Đức băng hà, miếu hiệu của Ngài là Dực Tôn Anh Hoàng Đế, chữ Anh trở thành trọng Húy, nên phải đổi thành chữ Tăng; do đó thân phụ của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để có tên là Anh Nhu (con của ông Lệ Chung, cháu nội của ông Mỹ Đường) phải đổi thành Tăng Nhu; Trần Đình Sơn, sđd, tr. 310.

[9] Trần Đình Sơn, bài viết đã dẫn, tr. 310.

[10] Trần Đình Sơn, bài viết đã dẫn, tr. 313. Ghi chú số 4: “Nguyễn Văn Thuyên, con trai của Quận công Nguyễn Văn Thành, đậu cử nhân năm 1813, rất giỏi thơ văn, tính thích giao du với các danh sĩ khắp Nam Bắc. Làm thơ gởi cho bạn ở Thanh Hóa có câu: “Thử hồi nhược đắc sơn trung tể, tế ngã kinh luân chuyển hóa cơ.” Nghĩa: Chúa núi phen này mong gặp được, Giúp ta thay đổi cơ hội này. Lê Văn Duyệt thu được bài thơ đem dâng cho vua và mật cáo cha con Nguyễn Văn Thành âm mưu phản nghịch.”

[11] Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Nhứt Kỷ, sđd, Quyển LII, tr. 839

[12] Nguyễn Phúc tộc thế phả …, tr. 242.

[13] Nguyễn Phúc tộc thế phả …, tr. 277.

[14] Cao Xuân Dục. Quốc triều khoa bảng lục, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tai địa chỉ Internet sau đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BB%91c_tri%E1%BB%81u_khoa_b%E1%BA%A3ng_l%E1%BB%A5c#Th%E1%BB%9Di_Minh_M%E1%BA%A1ng

[15] Bảo Đại. Con Rồng An Nam. Huế: Nguyễn Phước Tộc Xuất Bản, 1990. Sách điện tử, có thể đọc toàn văn tai địa chỉ Internet sau đây: https://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn3n4n1n0n31n343tq83a3q3m3237nvn Phần Thứ Hai, Mục: Hoàng đế Việt Nam tập sự cầm quyền.

[16] Trần Gia Phụng. Bảo Đại (1913-1997). Toronto: Nhà Xuất Bản Non Nước, 2014. Tr. 65.

[17] Lý Nhân Phan Thứ Lang. Giai thoại và sự thật về Bảo Đại: vua cuối cùng tiều Nguyễn. Tái bản có sửa chửa và bổ sung. TP Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Văn Nghệ, 2010. Tr. 84.

[18] Lý Nhân Phan Thứ Lang, sđd, tr. 86.

[19] Lý Nhân Phan Thứ Lang, sđd, tr. 91.

[20] Lâm Vĩnh Thế, Hoàng Tử Bảo Long: vị Đông Cung Hoàng Thái Tử cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://viethocjournal.com/2020/04/hoang-tu-bao-long/

[21] Phạm Cao Dương. Trước khi bảo lụt tràn tới: Bảo Đại – Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam: 9/3/1945 – 30/8/1945. California: Truyền Thống Việt, 2017. Tr. 531-532.

[22] Đoàn Thêm. Hai mươi năm qua: việc từng ngày (1945-1964). Tựa của Lãng Nhân. Los Alamitos, Calif: Nhà Xuất Bản Xuân Thu, 1979. Tr. 5-6.