Ai lập mộ Thủ Khoa Huân?

 Lê Công Lý

1. Đặt vấn đề

Vấn đề ai lập mộ Thủ Khoa Huân tưởng đã quá rõ ràng, vì thông thường con cái lập mộ cho cha mẹ, nên cũng là người viết bia mộ cho cha mẹ. Bởi vậy nên mở đầu mộ bia, ngoài quốc hiệu ra thì hai chữ đầu thường là ‘Hiển khảo’ (Cha quá cố của tôi) hoặc ‘Hiển tỉ” (Mẹ quá cố của tôi). Đồng thời trên bia mộ thường có ghi rõ tên người lập mộ cùng thời điểm lập.

Đương nhiên, nếu con cái không rành chữ nghĩa thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải thể theo lời của [các] người con của người quá cố. Vậy mà mộ bia Thủ khoa Huân tuy có ghi ‘Hiển khảo’ và lạc khoản có đề tên hai người con gái của ông lập mộ nhưng đồng thời lại có nhiều chi tiết chứng tỏ người lập mộ lại là người khác giấu tên.

Trước hết là cột lạc khoản bên trái ghi:

令女氏萬氏姓立石 (Lệnh nữ Thị Vạn Thị Tánh lập thạch).

Cấu trúc ‘Lệnh + danh từ chỉ người’ là để tôn xưng người thân của người đương nói chuyện với mình. Chẳng hạn: ‘lệnh lang’ là ‘con trai của ngài’; ‘lệnh nữ’ là ‘con gái của ngài’, v.v., tức đó là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba hàm ý tôn trọng. Do đó, trên mộ bia của Thủ khoa Huân đề ‘Lệnh nữ’ cho phép suy luận rằng, mộ bia này do người khác viết và không hoàn toàn thể theo lời của hai người con gái của ngài.

Cũng phải nói thêm rằng, hai chữ ‘Lệnh nữ’ này đã được khắc lên mộ bia Thủ Khoa Huân rất có cân nhắc chứ không phải tuỳ hứng. Chúng tôi đã tìm được bản thảo mộ bia này trong nhà ông Hội đồng Thông (cháu ngoại thừa tự của Thủ Khoa Huân), nhận thấy nội dung rất chi tiết và rõ ràng hơn hẳn mộ bia thực tế, trong đó lạc khoản bên phải ghi:

丁酉年 孝女阮氏立誌 (Đinh Dậu niên, hiếu nữ Nguyễn Thị lập chí).

Như vậy, có khả năng kế hoạch lập mộ Thủ Khoa Huân đã được gia đình ông tính toán từ trước nhưng chưa thực hiện được vì lí do chính trị. Đến khi lập mộ (1897) thì bà Nguyễn Thị Vạn đã qua đời (1895).

Thứ đến, cũng phải quan tâm đến thời điểm lập mộ Thủ Khoa Huân. Cả trên bản thảo lẫn trên thực tế đều ghi 丁酉年Định Dậu niên (1897), tức 2 năm sau khi bà Nguyễn Thị Vạn (con gái Thủ Khoa Huân) mất. Do đó, bà Vạn không thể đứng ra lập mộ Thủ Khoa Huân được mà bắt buộc phải là người khác. Điều này tỏ ra trùng khớp với cách xưng hô ‘Lệnh nữ’ nói trên.


Hình 9: Mộ Thủ Khoa Huân hiện nay. Ảnh: Lê Công Lý.

2. Tính phức tạp của vấn đề

Thủ Khoa Huân bị thực dân Pháp xử chém ngày rằm tháng 4 năm Ất Hợi (19/5/1875) tại giáp nước Cai Lộc, nay thuộc xã Mĩ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Sau đó, thi hài ông được đưa về đất ruộng nhà ở thôn Tịnh Giang an táng, nay thuộc ấp Hoà Quới, xã Hoà Tịnh, huyện Chợ Gạo. Hiện chưa thấy tài liệu nào cho biết mộ ông giai đoạn đầu như thế nào, nhưng chắc chắn rất sơ sài, thậm chí có thể không có mộ bia, vì đây là giai đoạn thực dân ráo riết bình định Nam Kì nên làm mọi cách bóp nghẹt tinh thần yêu nước của người Việt[1].

Đến năm Đinh Dậu (1897), mộ Thủ Khoa Huân được xây bằng đá xanh theo kiểu dáng giống với ngôi mộ hiện nay, tức theo kiểu Ngoạ ngưu (trâu nằm) có nhà bia phía trước. Căn cứ vào hình chụp mộ bia này thì nội dung như sau:

  • Cột giữa: 顯考原定祥解元姓阮字勲之墓  (Hiển khảo nguyên Định Tường giải nguyên tánh Nguyễn tự Huân chi mộ);

  • Lạc khoản bên phải: 丁酉年吉造 (Đinh Dậu niên cát tạo);

  • Lạc khoản bên trái: 令女氏萬氏姓立石 (Lệnh nữ Thị Vạn Thị Tánh lập thạch).

  • Hai bên mặt trước mộ bia là cặp đối: 馬鬛藏不朽; 牛眠奠厥居 (Mã liệp tàng bất hủ; Ngưu miên điện quyết cư).

  • Hai bên hông mộ bia khắc liễn tuyệt mạng (“Hữu chí nan thân…”) và bài thơ “Hãn mã gian quan…”.

Cũng cần nói rõ rằng, do chúng tôi căn cứ vào hình chụp mộ bia cũ nên không thấy rõ lạc khoản bên trái. Tuy nhiên, theo Gia hệ Thủ Khoa Huân do Đoàn Khoách lập, in trong Kỉ yếu Nguyễn Hữu Huân – tấm gương kiên trung bất khuất của người trí thức yêu nước (1976) thì: ‘Trên mộ bia cụ Thủ khoa thấy đề ‘Hiền thê Phạm Thị Lê tạo’’. Không biết thực tế mộ bia gốc này có nội dung lạc khoản bên trái như thế nào[2].

Năm 1994, Bảo tàng Tiền Giang làm lại mộ và bia mới cho Thủ Khoa Huân, còn mộ và bia cũ thì đem về lưu giữ tại Bảo tàng Tiền Giang. Mộ và bia mới này được làm gần giống với mộ và bia cũ, chỉ khác một vài chữ ở bài thơ “Hãn mã…”. Riêng mộ bia có khắc rõ hai chữ Hoàng triều phía trên[3], bỏ bớt chữ nguyên trước Định Tường và lạc khoản bên trái ghi rõ: 令女氏萬氏姓立石 (Lịnh nữ Thị Vạn Thị Tánh lập thạch).

Tuy nhiên, thực tế thì bà Nguyễn Thị Vạn mất trước đó 2 năm, còn bà Nguyễn Thị Tánh thì đã có chồng và ở quê chồng, lại không phải con thừa tự như bà Vạn, cũng không có địa vị xã hội như bà Vạn (bà Cai tổng) thì khó có thể đứng ra lập mộ cha trong tình cảnh thực dân Pháp luôn dòm ngó đề phòng nhân thân các lãnh tụ kháng chiến.

Vậy người đứng sau và mượn danh hai người con gái của Thủ Khoa Huân để lập mộ cho ông và phu nhân thực ra là ai?

3. Ông Cai tổng Trần Văn Thạnh lập mộ Thủ Khoa Huân và phu nhân

Ông Trần Văn Thạnh có nhân thân khá đặc biệt: Là con trai của ông Bá hộ [Trần Văn] Học, người tài trợ chủ lực cho cuộc khởi nghĩa Thiên Hộ Dương giai đoạn đầu (thậm chí đã lấy chính nhà mình làm tổng hành dinh cho nghĩa quân), anh ruột bà Trần Thị Vàng (phu nhân của Thiên Hộ Dương), đồng thời là con rể của Thủ Khoa Huân. Do Thủ Khoa Huân không có con trai nên ông Thạnh thừa kế và thờ tự di sản của nhạc phụ là Thủ Khoa Huân ngay trên phần đất của ông Thủ khoa. Tuy mang lí lịch rất nhạy cảm như vậy nhưng ông lại là Cai tổng Thạnh Quơn, nằm trong bộ máy của chính quyền thực dân.

Như vậy, đương thời, cả hai vợ chồng ông Trần Văn Thạnh và bà Nguyễn Thị Vạn tuy có thế lực, gia đình giàu có nhưng vì lí do chính trị đó nên vẫn chưa thể xây mộ cho Thủ Khoa Huân và phu nhân được.

Năm 1895, bà Vạn mất và được chồng là ông Cai tổng Thạnh xây mộ bằng đá xanh khá bề thế (nấm mộ hình chữ nhật gồm ba bậc, có 1 cổng, 4 trụ biểu, bình phong tiền và bình phong hậu). Lúc này, mộ Thủ Khoa Huân và phu nhân (bà Lê Thị Lộc) vẫn còn đơn sơ, nên gia đình đã đứng ra đặt thợ làm hai ngôi mộ đá xanh giống nhau theo kiểu ngoạ ngưu cho ông Thủ khoa và phu nhân. Mộ bia bà Lộc ghi:

皇朝
顯妣原解元正室姓黎諱祿之墓
令女氏萬氏姓立石

Hoàng triều
Hiển tỉ nguyên Giải nguyên chánh thất tánh Lê húy Lộc chi mộ
Lệnh nữ Thị Vạn, Thị Tánh lập thạch [không đề năm].

Nội dung mộ bia này tương tự như mộ bia Thủ Khoa Huân, chứng tỏ được làm cùng thời điểm và cùng một người chủ trương. Vậy người đó là ai?

Xét hoàn cảnh gia đình Thủ Khoa Huân lúc bấy giờ (phu nhân và con gái thừa tự đã mất), thì người có khả năng đứng ra xây mộ Thủ Khoa Huân và phu nhân không thể ai khác chính là con rể ngài, tức ông Cai tổng Trần Văn Thạnh, người thay vợ thờ tự và kế thừa di sản của Thủ Khoa Huân.

Tuy nhiên, hoàn cảnh chính trị của bản thân không cho phép ông Thạnh ghi tên mình là người lập mộ, nên ông buộc phải ghi tên hai người con gái của Thủ Khoa Huân là bà Vạn và bà Tánh lập mộ, mặc dù bà Vạn đã mất. Điều này vừa tỏ ra đúng như thông lệ (con lập mộ cha[4]), lại vừa giúp ông Thạnh bảo vệ được chức vụ của mình trong bộ máy nhà nước thực dân.

Đặc biệt, hai bên hông mộ bia nhạc phụ, ông Thạnh còn cho khắc đôi liễn tuyệt mạng của ngài (“Hữu chí nan thân…”) và bài thơ mà ông cho là thơ tuyệt mạng (“Hãn mã gian quan…”) với nội dung quyết tử chống ngoại xâm, cho thấy lòng dũng cảm hiếm có của một viên chức tân trào như ông Thạnh.

Điều đó cho thấy, giống như cha mình là Bá hộ Trần Văn Học, ông Cai tổng Trần Văn Thạnh bề ngoài hợp tác với thực dân Pháp, nhưng bên trong vẫn âm ỉ lòng yêu nước và có tình cảm đặc biệt với những người kháng chiến[5]. Và truyền thống ‘xanh vỏ đỏ lòng’ đó vẫn duy trì đến cháu nội ông Bá hộ Học, tức con trai ông Cai tổng Thạnh, đồng thời là cháu ngoại Thủ Khoa Huân là ông Hội đồng Trần Văn Thông, mà tập Tiểu truyện quý giá về Thủ Khoa Huân bằng chữ ABC do ông Thông chấp bút ngay trong thời kì thực dân và khi bản thân ông đương chức Cai tổng kiêm uỷ viên Hội đồng địa hạt chính là bằng chứng rõ ràng nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhiều tác giả (1976), Kỉ yếu hội thảo Nguyễn Hữu Huân – tấm gương kiên trung bất khuất của người trí thức yêu nước, Viện Khoa học xã hội miền Nam.

2. Phạm Thiều, Cao Tự Thanh, Lê Minh Đức (2001), Nguyễn Hữu Huân – nhà yêu nước kiên cường, nhà thơ bất khuất, Nxb Trẻ, TP.HCM.

___________________________

[1] Ngày 05/7/1875, tức chỉ hơn 1 tháng sau khi Thủ khoa Huân hi sinh, Thống đốc Nam Kì ra công văn CP.6358, nội dung trừng phạt 48 thôn trong tỉnh Mĩ Tho đã trực tiếp hoặc gián tiếp ủng hộ, che giấu cuộc khởi nghĩa của Thủ khoa Huân. Những thôn này bao gồm khu vực rộng lớn từ Tân An đến Chợ Gạo và Vĩnh Kim. Theo Sơn Nam (1976), “Một vài tư liệu”, trong kỉ yếu hội thảo Nguyễn Hữu Huân – tấm gương kiên trung bất khuất của người trí thức yêu nước, Viện Khoa học xã hội miền Nam, Ban Văn học, Kỉ yếu khoa học số 4/ 1976, tr.51.

[2] Cuối năm 2018, chúng tôi đã đến Bảo tàng Tiền Giang xin tham quan mộ bia Thủ Khoa Huân, nhưng nhân viên và Trưởng phòng nghiệp vụ quả quyết là xưa nay chưa từng thấy mộ bia Thủ Khoa Huân tại bảo tàng này.

[3] Theo NNC.Trương Ngọc Tường (người đọc mộ bia gốc cho Bảo tàng Tiền Giang năm 1994) thì phía trên mộ bia gốc có hai chữ Hoàng triều nhưng rất mờ và không được sơn màu, trong khi những chữ còn lại thì được sơn màu. Đây có lẽ là cách để tránh sự dòm ngó của thực dân Pháp đương thời.

[4] Năm 1895, ông Trần Văn Thạnh lập mộ cho vợ là bà Nguyễn Thị Vạn, cũng theo lối này: Ghi ‘Hiếu nam Trần Văn Thông phụng lập’, trong khi năm đó ông Trần Văn Thông mới 5 tuổi.

[5] Chính vì vậy, tương truyền Thủ Khoa Huân sau khi qua đời và ‘nhập tiên bang’ có giáng đàn cơ gởi cho ‘Bán tử, Cai tổng Thạnh Quơn’ tức ông Trần Văn Thạnh liên tiếp 5 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán, trong đó có nhiều tâm sự rất riêng tư, và đặc biệt ông xem chàng rể ví như vua Thuấn hết mực hiếu đễ với nhạc phụ là vua Nghiêu.