Nghiên cứu bình dân, nghiên cứu quý tộc hay nạn đạo văn và bom thúi trong công trình khoa học

Số phận dun dủi tôi sớm gặp gỡ và gắn bó với những nhà nghiên cứu bình dân, mặc dù có hơn 10 năm làm cơ quan nghiên cứu của nhà nước. Do có môi trường ‘lưỡng cư’ đó nên tôi được chứng kiến biết bao vụ đạo văn, đạo ý tưởng trong giới nghiên cứu, hay nói cho dễ hiểu là trộm cắp kết quả nghiên cứu để ghi tên mình, thậm chí bản thân tôi đã bao phen là nạn nhân của việc bị ‘cầm nhầm’ kết quả nghiên cứu.

Trong số đó, phần lớn là tầng lớp nghiên cứu bình dân bị tầng lớp nghiên cứu quý tộc đạo văn. Một số ít là nạn đạo văn lẫn nhau trong cùng tầng lớp nghiên cứu quý tộc. Tuyệt nhiên tôi chưa từng thấy có trường hợp dân nghiên cứu bình dân đạo văn của dân nghiên cứu quý tộc.

Mà cũng dễ hiểu: Quý tộc tức có tiền có quyền nên không dễ đụng vô; còn tầng lớp ngiên cứu bình dân thời ‘trên răng dưới dép’, lam lũ chốn đồng nội, dặm trường bụi bặm đầy mồ hôi mồ kê, thậm chí cả máu và nước mắt…, thì có ai e sợ họ?

Kết quả là bao chục năm rồi vẫn ‘quít làm cam hưởng’: Kẻ bình dân cực khổ nhưng không có điều kiện công bố rộng rãi kết quả nghiên cứu; còn kẻ quý tộc thời ngồi phòng máy lạnh, gế salon, xe hơi, khách sạn… nhưng lại dễ dàng ‘thuổng’ mất của kẻ bình dân rồi dán tên mình để công bố rộng rãi như trở bàn tay. Đó chính là tình trạng mà nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng phải hô: ‘Ló ra cái nào, nó ăn cắp cái đó!’.

Đó là chưa nói tới tình trạng, kẻ bình dân không bao giờ được đứng tên công trình nếu nguồn vốn của nhà nước, thậm chí của một số nhà tài trợ. Kết quả là, kẻ bình dân muốn có việc làm buộc phải làm ‘nô lệ nghiên cứu’ [tôi tạm đặt ra danh ngữ mới này] và buộc phải chấp nhận tình trạng ‘kẻ làm không tên, kẻ tên không làm’ và tiền bạc thì… dĩ nhiên là càng cực tiền càng ít, càng sướng tiền càng nhiều, ai không làm gì hết mà đứng tên thì đương nhiên là tiền nhiều nhứt. Bởi vậy nên mấy chục năm nay, trong các cơ quan nghiên nhà nước có danh ngữ mới tưởng rất lạ lùng: ‘người thực hiện chính’. Quái đản: đã có ‘chủ nhiệm’ rồi lại còn thêm ‘người thực hiện chính’ thì chủ nhiệm để làm gì, hay chỉ để kí tên rồi hưởng danh và lợi?

Cũng phải nói thêm, việc đứng tên chủ nhiệm kiểu này cũng là một cách tham nhũng: Cấp dưới bưng bô cho cấp trên đứng tên chủ nhiệm, rồi sai lính lác bên dưới làm việc như trâu bò. Kết quả, quan to không viết một chữ cũng thành chủ nhiệm công trình để được tính điểm khoa học và hiển nhiên… hốt bạc.

Về việc này, từ hồi thập niên trước, nhà ngiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã có danh ngôn: ‘Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, ai không biết gì hết thì… làm chủ nhiệm’!

Rồi tức nước cũng vỡ bờ. Một vài nhà nghiên cứu bình dân mới nghĩ ra cách gài ‘bom thúi’ trong công trình của mình bằng cách như: cố tình viết sai, viết thiếu, viết hớ, viết bậy, thậm chí bịa đặt ra tư liệu… để làm bằng chứng tố giác khi bị dân quý tộc ‘cầm nhầm’ kết quả nghiên cứu của mình. Chẳng hạn như mấy năm trước có nhà nghiên cứu quý tộc lớn trộm cắp nội dung bài nghiên cứu của một thầy bình dân. Báo khui, thầy quý tộc chối phắc cho tới khi thầy bình dân chỉ ra mấy lỗi sai chánh tả đúng y như bản đã công bố trước đó.

Các công trình có ‘bom thúi’ đương nhiên là bất hảo và tai hại nếu người đọc không có con mắt xanh (hây mắt trắng?) để nhận ra, nhứt là nếu làm biếng đối chứng tư liệu và thực địa, điều mà các thầy quý tộc không bao giờ chịu cực làm. Nhưng biết phải làm sao để các thầy bình dân đối phó với các thầy quý tộc, để tránh tình trạng ‘công cóc’ truyền kiếp như trên, nếu xã hội còn chưa minh bạch? Và bao giờ Việt Nam có chiến dịch cắm biển cảnh báo ‘bom thúi’ trong từng công trình, để rồi tiến tới gỡ hết ‘bom thúi’ đó?