Người bí ẩn đã lập nên ‘Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế’ là ai?

Mặc dù có thông tin từng công bố, vào năm 1948, “Nghệ sĩ Phùng Há cùng một số anh chị em nghệ sĩ như Năm Châu, Ba Vân, Trần Hữu Trang... thành lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế”. Tuy nhiên mới đây, nhạc sư Vĩnh Bảo, cây đại thụ của âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nhân chứng sống đã song hành cùng 100 năm lịch sử Cải Lương, đã cung cấp thông tin đầy bất ngờ khi khẳng định đó là người khác...

Sân khấu Cải lương là loại hình nghệ thuật đặc thù của Nam bộ từ việc hình thành, phát triển. Phái sinh theo nó lại có thêm những tổ chức, hoạt động văn hóa đặc thù khác, như: Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế, Chùa Nghệ sĩ, Nghĩa trang Nghệ sĩ… Đó là cái tình của những người làm nghề với nhau, cũng là vốn quý văn hóa cần “gìn vàng giữ ngọc”, cần được nghiên cứu tìm hiểu thấu đáo và xác định đúng, trân trọng đúng bản chất của nó.

Sở dĩ nói vậy là vì do nhiều hoàn cảnh khách quan và chủ quan mà đôi khi những giá trị văn hoá, những câu chuyện lịch sử sống động và thấm đẫm tình người tình đời ấy đã không được thế hệ trước ghi chép lại một cách cẩn thận, dẫn đến tam sao thất bổn gây khó khăn cho việc tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu của thế hệ sau... Câu chuyện ai thành lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế dưới đây, là một ví dụ.

Tôn vinh nhưng không biết là ai!

Trụ sở Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế, số 133 đường Cô Bắc, TP.HCM, xưa nay vốn được xem như nhà thờ tổ của sân khấu cải lương, được nhiều người xưng tụng thế nhưng ai là người lập Hội, ai xây dựng trụ sở này?

Đến nay, trên báo chí thông tin này vẫn đươc nêu chung chung mà chưa xác tín, có cơ sở, có chứng cứ về việc ai lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế và xây trụ sở Hội?


Ảnh tư liệu ông Nguyễn Văn Phát (phải) và ông Nguyễn Thành Châu.

Báo Tuổi Trẻ ngày 6.4.2018 có bài “Trong căn nhà hoài niệm 133 Cô Bắc”, cho rằng: “Nền móng vật chất của tòa nhà là những viên gạch, đá sắm bằng tiền chung tay và nền móng tinh thần là từ hơi ấm tình thương, lòng trân trọng đối với người nghệ sĩ của ông cha chúng ta. Cái tên ban đầu từ năm 1948 - ngôi nhà của “Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế” - đã gợi về một nơi chốn được xây từ tình thương yêu. Đó là cái tình của những người nghệ sĩ tiền phong như Trần Hữu Trang, Nguyễn Thanh Châu, nghệ sĩ Bảy Nam, nghệ sĩ Phùng Há, nghệ sĩ Năm Phỉ, nghệ sĩ Huỳnh Văn Nhiêu, chú Tư Chơi...

Đó là cái tình từ những người giàu, những trí thức, kiến trúc sư, bác sĩ, thầu khoán... có tấm lòng thương sân khấu, yêu nghệ thuật, thương nghệ sĩ và khát khao bảo vệ văn hóa dân tộc. Họ chung tay góp từng viên gạch đá tạo lập một nơi chốn để tương tế, giúp đỡ, xây dựng ngành sân khấu và bảo vệ người nghệ sĩ giữa cảnh đất nước chiến tranh và cuộc sống cơ hàn”.

Trước đó, ngày 29.12.2017, báo Người Lao Động có bài “An vị bàn thờ Tổ sân khấu tại ngôi nhà sau tu sửa hơn 800 triệu đồng” trong đó có dẫn lời đạo diễn Hồng Dung, cho rằng: “Ngôi nhà 133 Cô Bắc này có được là nhờ vào tích lũy từ các đợt hát gây quỹ vận động mạnh thường quân đóng góp, thu tiền nguyệt phí của hội viên và để làm trụ sở hoạt động công khai hợp pháp cho các cơ sở cách mạng hoạt động tại nội thành”.

Những ý kiến trên chỉ nêu một cách chung chung mà chưa chỉ ra cơ sở, chứng cứ cụ thể nào về các cuộc đóng góp lạc quyên, về vai trò cụ thể của các nghệ sĩ trong việc thành lập Hội.

Đối chiếu với lịch sử phát triển của cải lương vào giai đoạn đó còn rất tự phát, chưa chuyên nghiệp và mong manh về tổ chức. Gánh hát, đoàn hát sáng nở tối tàn, ra mắt đó rồi rã gánh đó. Giữa bầu gánh và nghệ sĩ, ký giả chưa có hợp đồng. Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ đứng ra làm bầu gánh và vấp váp, đỗ vỡ tức thì. Thu nhập, đời sống nghệ sĩ thời ấy rất bấp bênh, việc hát gây quỹ hoặc thu hội phí hàng tháng e rằng khó thưc hiện.

Mãi sau thập kỷ 1950, sự xuất hiện của những ông bà bầu chuyên nghiệp như bầu Thơ, Kim Chưởng, bầu Xuân,… cải lương hình thành những đại bang, nghệ sĩ và đoàn hát có hợp đồng thì việc này có thể có cơ sở hơn.

Nghệ sĩ tài hoa như Năm Châu thành công trên nhiều lĩnh vực: kép hát, soạn giả, thầy tuồng, tiên phong đề ra triết lý cải lương “thật và đẹp” nhưng cũng không phải đã thành công trong vai trò bầu gánh.


Ngôi nhà số 133 Cô Bắc nằm ở góc ngã tư. Ảnh tư liệu báo Tuổi Trẻ.

Thượng tuần tháng 7.2012, báo Tuổi Trẻ có tuyến bài viết (và được nhiều tờ báo khác đăng lại) có tựa đề ”Phùng Há - 100 năm bây giờ mới kể” của NSƯT. Nam Hùng, trong đó ở “Kỳ 4: Vai diễn đi cùng năm tháng”, có nêu thông tin: ”Vào năm 1948, cô Phùng Há cùng một số anh chị em nghệ sĩ như Năm Châu, Ba Vân, Trần Hữu Trang... thành lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế. Rồi mua một căn nhà nhỏ ở 133 đường Cô Bắc làm nhà truyền thống thờ Thánh tổ”.

Đối chiếu với tư liệu cải lương cho thấy, năm 1946 nghệ sĩ Tư Út mất ở Campuchia và nhiều năm sau, Nghệ sĩ Phùng Há vẫn lưu diễn tận Nam Vang liệu có thể với tay lập Hội?

Trao đổi với nhà văn Võ Đắc Danh, người từng có thời gian tiếp xúc và viết bút ký nhiều kỳ về cuộc đời nghệ sĩ Phùng Há từ chuyện rã gánh Huỳnh Kỳ đến mua đất làm Nghĩa trang Nghệ sĩ, thì được cho biết không nghe bà nói gì về Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế.

Chúng tôi liên hệ với nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan, tác giả của nhiều quyển sách giá trị về Cải lương nhưng rất tiếc được biết ông không được khỏe và trước đó ông đã trả lời là không nắm rõ việc này.

Những tên tuổi khác được nêu trong vai trò lập Hội đều là những nghệ sĩ tài năng, tâm huyết nhưng không phải là nhà tổ chức và là nhân vật xã hội có uy tín để kết tụ mọi người. Nhiều cây thì sẽ thành rừng nhưng nhiều nghệ sĩ không thể tự nhiên thành Hội nếu không có vai trò của thủ lãnh và người có tài tổ chức.

Hơn thế nữa, thời điểm đó là giai đoạn cuối của thời Pháp thuộc, cuộc chiến tranh Việt - Pháp đang trong giai đoạn quyết liệt, người có đủ uy tín chính trị để nhà cầm quyền Pháp cho phép thành lập Hội càng không phải dễ dàng, nhất là những nghệ sĩ mà khuynh hướng sáng tác đã thể hiện hơi hướng cánh tả, giai cấp như: Trần Hữu Trang, Năm Châu...

Như vậy chắc hẳn, tâm huyết, tấm lòng, công sức đóng góp thành lập Hội của những nghệ sĩ tiền phong đã được nêu là cần thiết không thể thiếu nhưng cần phải có thêm vai trò, nhân tố quyết định của một ai đó.

Hội trưởng là công chức của Pháp nên không cần nhắc tới?

Mới đây, nhạc sư Vĩnh Bảo, cây đại thụ của âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nhân chứng sống đã song hành cùng 100 năm lịch sử Cải lương đã cung cấp một thông tin quan trọng về sự kiện này.


Bức thư có chữ ký của nhạc sư Vĩnh Bảo.

Nhạc sư Vĩnh Bảo cho biết: “Anh trai tôi Nguyễn-văn-Phát là bạn chí thân của ông Arondelle Đô Trưởng thành phố Sài gòn-Chợ lớn (Préfet de la Région Saigon-Cholon) nên khoảng năm 1948 đứng ra xin mảnh đất số 133 đường Cô Bắc (Mon Seigneur Dumortier) để lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế.

Ông Võ-đình-Ban (sui gia của ông Nguyễn-văn-Lượng Nhà thuốc Hành Mai) là mạnh thường quân bỏ tiền ra xây cất nhà Hội. Như vậy anh hai tôi Nguyễn-văn-Phát là người sáng lập Hội Nghệ sĩ ái hữu và kiêm luôn chức Hội trưởng, Tổng Thơ ký là nghệ sĩ Nguyễn-thành-Châu thời bấy giờ.

Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế 133 đường Cô Bắc là nơi gặp mặt của nghệ sĩ. Khi nghệ sĩ nào gặp khó khăn thì Hội đứng ra kêu gọi hảo tâm của mạnh thường quân giúp đỡ...

Ngoài đời, người ta gọi ông là Hội đồng Phát bởi ông là Hội đồng lãnh thổ (Conseiller Territoiriale)[*], các nghệ sĩ Hội Nghệ sĩ ái hữu gọi ông là Hội trưởng.

Nhà báo Kiên Giang Hà-huy-Hà có lần đến nhà cùa cố ca sĩ Tám Bằng (hẻm chùa Kỳ Viên) thấy trên bàn thờ của anh ấy cò cái thẻ Hội viên hành sự do Hội trưởng Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế cấp và kí tên Nguyễn-văn-Phát. Chuyện nầy Kiên Giang Hà-huy-Hà có viết ra trên báo”.

Trao đổi qua điện thoại, nhạc sư Vĩnh Bảo cho biết thêm về ông Nguyễn Văn Phát là nghệ nhân tài hoa về âm nhạc và đam mê đàn ca tài tử. Ông Phát là thư ký trong Dinh Soái Phủ (Dinh Thống đốc Nam Kỳ) sau đó được điều ra Côn Đảo 4 năm.

Theo quy chế công chức thời đó, ông Phát được trưng dụng hai người giúp việc nhà nói theo thời đó là bồi. Ông Phát đã tuyển trong số tù nhân chính trị hai nhạc sĩ là Hai Lòng quê ở Tam Bình (Vĩnh Long) và Năm Sáng quê ở Trà Vinh nhưng khi rước về nhà không phải làm bồi mà làm thầy dạy nhạc. Khi ông Phát chuyển về Cần Thơ, ông Lòng mãn hạn tù nhưng phải biệt xứ hai năm để tiếp tục đến nhà ông Phát để dạy nhạc. Chính nhạc sư Vĩnh Bảo đã gặp và học nhạc với ông Hai Lòng.


Nhạc sĩ Thu Anh và NSƯT. Ngọc Khanh. Ảnh: TL.

Nhạc sư Vĩnh Bảo cũng giải thích thêm về danh xưng ông Hội đồng mà người đời gọi ông Phát. Đó không phải là chức vụ tư vấn cho chính quyền do dân bầu theo nhiệm kỳ như Hội đồng quản hạt (Conseil Colonial). Chức Hội đồng lãnh thổ (Conseiller Territoiriale) của ông Phát là Hội đồng đặc biệt được thành lập năm 1950 để người Pháp trưng cầu ý kiến về việc thống nhất ba miền Nam - Trung - Bắc hay tiếp tục duy trì sự phân chia.

Ông Phát đã đứng về phía ủng hộ thống nhất đất nước.

Vì tình yêu âm nhạc, yêu thương nghệ sĩ cải lương và với những quan hệ xã hội thuận lợi trong guồng máy công chức chính quyền thuộc địa lẫn với giới văn nghệ sĩ, việc ông Phát đứng ra xin đất, vận động cất nhà trụ sở và thành lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế và trở thành Hội trưởng là điều phù hợp logic.

Sự xuất hiện của nhân chứng, vật chứng

Trong bài báo của Người Lao Động đã nêu trên, tác giả Thanh Hiệp có ghi nhận một phần sự kiện này: “Theo hợp đồng mua bán còn lưu lại, người đứng tên trong sổ sách nhà đất là ông Nguyễn Văn Phát - một mạnh thường quân, nhân sĩ trí thức và cũng chính là anh ruột của Giáo sư Nguyễn Vĩnh Bảo”.

Những thông tin của nhạc sư Vĩnh Bảo không chỉ là lý lẽ mà có kèm chứng cứ. Mới đây, NSƯT. Ngọc Khanh - Ái nữ của Kịch sĩ Hát bội Nguyễn Thị Út đã cung cấp cho nhạc sư Vĩnh Bảo bản chính Thẻ Hội viên hành sự của Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế cấp cho Kịch sĩ Nguyễn Thị Út đoàn Bầu Thắng năm 1950.


Thẻ Hội Viên do Hội trưởng Nguyễn-văn-Phát ký. Ảnh: TL.

Trên phôi thẻ in rõ tên Hội trưởng là ông Nguyễn Văn Phát và Tổng Thơ ký là ông Nguyễn Thành Châu (Nghệ sĩ Năm Châu, thân phụ của đạo diễn Nguyễn Hồng Dung - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM)

Ngoài thẻ này, còn có hai nguyên bản Cấp Bằng Hào Tâm do Chánh hội trưởng Nguyễn Văn Phát ký ngày 19.11.1949 và Cấp Bằng Hào Tâm do Chánh hội trưởng Nguyễn Văn Phát ký ngày 23.9.1950 tặng cho cô Nguyễn Thị Út Kịch sĩ đoàn Bầu Thắng.

Thiết nghĩ những thông tin và vật chứng trùng khớp đó, cho thấy ý kiến của nhạc sư Vĩnh Bảo là có cơ sở và phù hợp thực tế. Hiện nay, số nghệ sĩ, nhân chứng cao niên khả dĩ nắm được sự kiện này không còn nhiều nhưng số hiện vật, văn bản thể hiện vai trò Hội trưởng của ông Phát có thể còn rải rác trong các bộ sưu tập lưu niệm của một số gia đình.


Bằng Hào Tâm do Hội trưởng Nguyễn-văn-Phát ký. Ảnh: TL.

Nếu ai đó còn khó tính, chưa chấp nhận ngay những bằng chứng do nhạc sư Vĩnh Bảo cung cấp hãy thử kêu gọi công chúng, chắc chắn sẽ có những hiện vật liên quan có tên đề dấu đóng thể hiện ai là Hội trưởng, ai lập hội và xây trụ sở. Việc vinh danh đúng người có công là lẽ công bằng không chỉ cho người ấy và thân nhân của người ấy mà đây còn là vấn đề, sự kiện văn hóa, sự kiện lịch sử của cải lương.

Từ đó các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu có cơ sở thực tế vững chắc hơn hiểu về tinh thần của Hội, của Cải lương chính xác hơn.

Chúng ta tôn trọng, giữ gìn phát huy giá trị văn hóa nói chung và cải lương nói riêng phải đặt trên nền tảng sự thật, cụ thể rõ ràng. Từ đó tìm hiểu đúng bản chất giá trị của nó chứ không thể tôn thờ giá trị chung chung, vô hình, vô danh. Biết đâu chính từ thái độ này chúng ta tìm ra đáp số cho câu hỏi tại sao càng “cứu” cải lương càng chết, càng giữ gìn thì vàng ngọc càng nát tan.

Ai thành lập, ai là Hội trưởng Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế đầu tiên, cần có câu trả lời chính xác!

________________

[*] Thời Pháp thuộc ở Nam Kỳ có nhiều cấp Hội đồng tư vấn cho từng cấp hành chính khác nhau, có chức năng tư vấn cho chính quyền và quyết định ngân sách cho cấp hành chính của mình: Hội đồng Quản Hạt (Conseiller Colonial), Hội đồng Thành phố (Conseiller Municipal), Hội đồng Tỉnh (Conseiller Provincial). Với ngành tư pháp còn có Hội đồng Dự Thẩm (Conseiller Assesseur) tham gia hoạt động xét xử.