“Collège de My Tho” &  Hệ quả chính sách giáo dục của Pháp tại Việt Nam


“Collège de My Tho”

Ngày 1 tháng 9 năm 1858, những phát súng đại bác từ tàu chiến Pháp nã vào cửa biển Đà Nẵng đã chính thức mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp. Trước sự kháng cự yếu ớt của triều đình Huế, thực dân Pháp đã tiến chiếm hoàn toàn ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào năm 1862, và đến năm 1867 chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Sau đó Pháp đã tìm cách gây sức ép buộc nhà Nguyễn ký Hoà ước 1874, trong đó có điều khoản thứ 5: “Triều đình Huế thừa nhận chủ quyền của Pháp trên tất cả 6 tỉnh Nam Kỳ” [5:44].

Ngay từ khi bắt đầu công cuộc xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã tính đến việc mở trường, nhằm đào tạo những nhân viên phục vụ cho việc chiếm đóng của Pháp như: thông dịch viên, thư ký… Nhưng phải đến khi Pháp làm chủ được toàn bộ Nam Kỳ, việc thiết lập một mạng lưới trường học mới được tiến hành một cách chính thức và bài bản. Trong bối cảnh lịch sử đó, ngày 17.03.1879 trường Collège My Tho, trường Trung học đầu tiên ở Việt Nam được chính thức thành lập.

Không phải ngẫu nhiên mà Pháp quyết định thành lập trường trung học đầu tiên ở Việt Nam tại Mỹ Tho. Ngay từ thế kỷ XVII, “Mỹ Tho đại phố” đã trở thành một trong những trung tâm thương mại phồn thịnh ở Nam Kỳ với đường giao thông thủy bộ rất thuận tiện. Khi tiến chiếm Nam Kỳ, Pháp cũng đã từng chọn Mỹ Tho-Định Tường làm địa bàn trung tâm để làm bàn đạp tiến chiếm các vùng lân cận. Vì vậy, đối với công cuộc thống trị của Pháp tại miền lục tỉnh Nam Kỳ Việt Nam, Mỹ Tho đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Lúc mới thành lập, trường Collège My Tho được xây dựng khá sơ sài, ngoài văn phòng và một phòng thí nghiệm, trường chỉ có dãy lầu một tầng, dùng làm phòng học ở tầng trệt và phòng ngủ cho học sinh ở tầng lầu [6:180]. Về sau, trường được xây dựng thêm những dãy phòng học mới khang trang hơn, cơ sở vật chất dần ổn định.

Để được vào học ở Collège My Tho, người học phải tham dự một kỳ thi tuyển rất gắt gao. Học sinh Collège My Tho được cấp học bổng trong suốt quá trình học tập và bắt buộc phải ở nội trú. Ban đầu, Collège My Tho dạy các lớp thuộc bậc tiểu học và một lớp năm thứ nhất thuộc bậc trung học, đến năm 1924, trường đã tổ chức được đủ các lớp bậc trung học và được tổ chức thi để cấp bằng “Thành chung” cho học sinh.

Vì là trường trung học duy nhất ở Nam Kỳ thời bấy giờ nên Collège My Tho đã thu hút đông đảo học sinh miền lục tỉnh Nam Kỳ theo học. Đến năm 1917, trường mở một chi nhánh ở Cần Thơ với tên gọi Collège Can Tho. Học sinh học xong lớp bổ túc tiểu học (Cours Complémentaire) ở Collège Can Tho sẽ được chuyển sang học ở Collège My Tho cho đến hết năm thứ tư (4e-Année) [4:8]. Mãi đến những năm 1924-1926, khi đã mở đủ các lớp thuộc bậc Cao đẳng tiểu học, Collège Can Tho tách riêng ra, không còn là chi nhánh tuỳ thuộc Collège My Tho nữa.

Việc thành lập Collège My Tho cũng nhằm thực hiện mục đích giáo dục của thực dân Pháp trên toàn cõi Việt Nam, đó là :

- Pháp chủ trương xoá bỏ nền Nho học cũ ở Việt Nam (theo Pháp, nền Nho học cũ ấy chỉ nhằm tạo ra lớp người trung thành với chế độ quân chủ Việt Nam, không hề có lợi cho sự cai trị của Pháp), mà thay thế vào đó bằng nền “Pháp học” để đào tạo nên một tầng lớp trí thức “Tây học”, phục vụ cho sự vận hành của guồng máy thống trị của Pháp ở Đông Dương.

- Thông qua nội dung giáo dục trong trường học là những tác động về mặt tư tưởng: gây cho người học tâm lý nể phục văn hoá Pháp, ngưỡng mộ “nền văn minh” mà Pháp đem lại cho Việt Nam, dẫn đến sự biết ơn công lao “khai hoá” của Pháp, từ đó sẽ hợp tác với Pháp, ủng hộ cho chủ nghĩa “Pháp-Việt đề huề”…

Ý đồ của thực dân Pháp là vậy nhưng “từ tính chất của một nền giáo dục- theo ý đồ của những người xây dựng ra nền giáo dục đó, đến ảnh hưởng thật sự của nó đến người học thường có một khoảng cách. Khoảng cách đó lớn hay nhỏ tuỳ từng điều kiện lịch sử xã hội cụ thể” [2:81].

Thực tế lịch sử khách quan cho thấy rằng, về cơ bản, thực dân Pháp đã đạt được mục đích về đào tạo nhân lực khi các trường học do họ lập nên, trong đó có Collège My Tho, dã liên tục “cho ra lò” những trí thức “Tây học”, phục vụ hữu hiệu cho guồng máy cai trị thực dân. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng bên cạnh đó, từ nền giáo dục thực dân mà Pháp áp đặt trên đất nước ta đã nảy sinh những tác động hoàn toàn trái lại với sự mong đợi của họ.

Cũng như ở những trường học khác trên đất nước Việt Nam, học sinh Collège My Tho tuy được học hành theo chương trình “Pháp học” song đa phần họ vẫn không quên cội nguồn. Vốn cần cù, hiếu học, lại được tiếp cận với kiến thức khoa học tự nhiên, xã hội, các thế hệ học sinh Collège My Tho đã một mặt say sưa học tập, nâng cao trình độ kiến thức của bản thân mình. Mặt khác, họ vẫn hun đúc trong trái tim lòng yêu nước, căm thù giặc, vốn đã trở thành truyền thống bao đời nay của dân tộc. Lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, tận mắt chứng kiến tội ác của bọn thực dân thống trị gieo rắc trên quê hương, lòng căm thù quân cướp nước trong học sinh Collège My Tho (nói riêng) và trí thức trẻ Việt Nam (nói chung) lại càng sôi sục.

Đầu thế kỷ XX, cũng như giới trí thức trẻ trong cả nước, học sinh Collège My Tho ngỡ ngàng khi được tiếp cận với luồng tư tưởng dân chủ tư sản mới mẻ từ phương Tây thâm nhập vào, từ Trung Quốc, Nhật Bản dội sang. Họ bắt đầu làm quen với khái niệm dân chủ, nhân quyền…vốn rất xa lạ với hệ tư tưởng Nho giáo cũ đã chi phối đời sống xã hội Việt Nam hàng ngàn năm nay. Bên cạnh đó các phong trào yêu nước do các sĩ phu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh khởi xướng, đã gây được ảnh hưởng lớn lao, rộng khắp trong phong trào yêu nước, chống Pháp lúc bấy giờ.

Vốn yêu nước, căm thù giặc, lại được trang bị kiến thức khoa học và tiếp cận tư tưởng mới tiến bộ, các thế hệ học sinh Collège My Tho những năm đầu thế kỷ XX rất hăng hái tham gia phong trào yêu nước những khi có cơ hội. Ví dụ:

- Để hưởng ứng cuộc vận động mở mang dân trí trong khuôn khổ phong trào Duy Tân những năm 1922-1923, học sinh Collège My Tho đã tổ chức bãi khoá toàn trường.

- Năm 1925-1926: Học sinh Collège My Tho tham gia phong trào đấu tranh đòi chính quyền thuộc địa Pháp trả tự do cho cụ Phan Bội Châu, bãi khoá toàn trường tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, tham gia phong trào hội kín Nguyễn An Ninh…

Để đối phó với tình trạng trên, lãnh đạo nhà trường, thừa lệnh nhà cầm quyền đã thẳng tay đuổi học những học sinh tham gia phong trào, sau đó mới xét cho một số ít học sinh vào học trở lại, nhưng phong trào yêu nước trong giới học sinh Collège My Tho không vì thế mà suy giảm. Trái lại, phong trào lại có những chuyển biến mạnh mẽ khi giữa năm 1928, chi bộ cơ sở của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (Tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản sau này) được bí mật thành lập, do học sinh Phạm Văn Thiện ( Phạm Hùng) làm bí thư. (Học sinh Phạm Văn Thiện cũng trở thành bí thư chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương tỉnh Mỹ Tho thành lập năm1931).

Được sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, phong trào yêu nước chống Pháp của học sinh Collège My Tho càng phát triển sôi nổi, mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Trong giai đoạn này, nhiều học sinh của trường bí mật tham gia tuyên truyền, vận động cách mạng, số khác thôi học, thoát ly kháng chiến. Những kiến thức đã được trang bị trong nhà trường trở thành hành trang quý báu của những cựu học sinh Collège My Tho trên con đường hoạt động cách mạng và họ đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước sau này. Trong số những cựu học sinh Collège My Tho, có những người đã trở thành những nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, những nhà khoa học thực tài, những nhà giáo dục lớn như: Đồng chí Phạm Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Giáo sư-Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Anh hùng lực lượng vũ trang; bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế…

Tóm lại, việc chính quyền thuộc địa cho xây dựng “Collège My Tho”, trường trung học đầu tiên của Việt Nam, cũng nằm trong mục đích giáo dục chung mà Pháp đã dày công áp đặt ở Việt Nam. Nhưng nằm ngoài mong muốn của giới cầm quyền Pháp, các thế hệ học sinh Collège My Tho đã biết hấp thu có chọn lọc những tinh hoa của nền văn minh phương Tây, tự trang bị sức mạnh tri thức cho mình từ nền giáo dục thâm độc của kẻ thù. Những cựu học sinh Collège My Tho, vốn yêu nước, căm thù giặc, lại được trang bị kiến thức khoa học tiến bộ, đã trở thành những hạt nhân của phong trào yêu nước kháng Pháp, có những đóng góp đáng kể trong phong trào Cách Mạng Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Phan Trọng Báu (1994), Giáo dục Việt Nam thời Cận đại, NXB KHXH, HN.
  2. Lê Văn Giang (2004), Lịch sử giản lược hơn 1 000 năm nền giáo dục Việt Nam, NXB CTQG, HN.
  3. Vũ Ngọc Khánh (1985), Tìm hiểu giáo dục Việt Nam trước 1945, NXB GD, HN.
  4. Kỷ yếu 80 năm từ Trung học Cần Thơ đến PTTH Châu Văn Liêm (1997), Sở VHTT Cần Thơ.
  5. Đinh Xuân Lâm c.b. (1998), Đại cương Lịch sử Việt Nam, T2, NXB Giáo Dục, HN.
  6. Nguyễn Phúc Nghiệp (1998), Những trang ghi chép về lịch sử văn hoá Tiền Giang, NXB Trẻ, TP.HCM.
  7. Trường PTTH Nguyễn Đình Chiểu, kỷ niệm 125 năm ngày thành lập (2004), Sở VHTT Tiền Giang.