Trăm năm giữ lại hồn xưa

  Lê Văn Nghĩa

Hiện nay cũng đã có một số tác phẩm viết về nguồn gốc, sự ra đời của nghệ thuật cải lương Nam bộ, như Hồi ký 50 năm mê hát của cụ Vương Hồng Sển, Cải lương, nghệ thuật sân khấu truyền thống Nam bộ Việt Nam của GS Trần Văn Khê, cùng những quyển hồi ký hoặc viết về các nghệ sĩ sân khấu như Trần Hữu Trang, soạn giả ca kịch cải lương của GS Hoàng Như Mai… Đó là chưa kể đến rất nhiều bài viết khảo cứu, về các nhân vật liên quan đến cải lương trên các báo và tạp chí.

Cần ghi lại lịch sử cải lương

Đọc qua các quyển sách như trên, người ta cũng chưa thống nhất về năm hình thành nên cải lương và gánh hát nào là gánh cải lương đầu tiên?

Năm 1917 là thời điểm ra đời tuồng Vì nghĩa quên nhà của nhóm Cải lương kịch xã ở Sa Đéc. Đến năm 1918, là tuồng Pháp Việt nhứt gia hay Kim Vân Kiều của gánh Thầy Năm Tú… Sau đó, Tân Thinh Ban có vở Bạch Tuyết kiên trinh vào năm 1921 với bài diễn thuyết về cải lương của hai ông Nguyễn Quốc Biểu và Lâm Hoài Nghĩa trước khi công diễn.

Riêng nhà biên khảo Nguyễn Tuấn Khanh cho rằng: “Bộ môn cải lương với hình thức ca kịch như chúng ta được thưởng thức bây giờ đã được thành hình vào năm 1919 với những vở tuồng ngắn do gánh hát xiếc của Andre Thận trình diễn và được gọi là cải lương vào năm 1920…”.

Theo nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy: “Nếu chọn năm kỷ niệm là lúc có đoàn hát hoặc vở diễn đầu tiên của cải lương thì là năm 1917, thời điểm ra đời tuồng Vì nghĩa quên nhà. Nếu chọn gánh hát ra đời đầu tiên thì phải là gánh của thầy Năm Thận ra đời năm 1919. Hoặc chọn tuồng có bài ca vọng cổ, phải chọn Kim Vân Kiều của gánh Thầy Năm Tú thì là năm 1922. Như vậy, việc chọn một tiêu chí để kỷ niệm 100 cải lương có thể cần thêm nhiều cuộc bàn thảo”.

Có lẽ do quá nhiều tranh cãi và không thống nhất được nên cụ Vương Hồng Sển đã chua chát: “Cải Lương là đứa con không cha, quý vị mặc tình muốn đặt năm sinh của cải lương vào năm nào thì tùy ý mỗi người” (Vương Hồng Sển, 50 năm cải lương, Tủ sách Nam Chi Sài Gòn 1968, trang 18).

Thế mà cho đến nay, vẫn chưa có một bộ lịch sử ngành sân khấu được viết một cách chính thống, một quyển lịch sử mà các nhà nghiên cứu có thể trích dẫn và căn cứ như một tài liệu chính xác, không gây tranh cãi. Hiện nay, như đã nói ở trên, có rất nhiều sách, bài báo, tài liệu nghiên cứu sân khấu từ thời kỳ đầu rất đáng tin cậy.

Tuy nhiên, chưa có quyển sách nào đề cập đến cải lương hai miền từ năm 1954 đến nay. Những người am hiểu sân khấu cải lương từ thời trước năm 1975 của hai miền, nay đã lớn tuổi và chẳng còn được mấy người. Nếu ta không viết được một cuốn lịch sử cải lương từ những học giả sẽ là một mất mát lớn. Chúng ta nên cần thống nhất về năm sinh, vở diễn, đoàn hát cải lương đúng nghĩa và những rạp hát - không gian của sân khấu cải lương.

Một quyển lịch sử đầy đủ sẽ cho người đọc cái nhìn về cải lương từ ngày đầu thành lập, cải lương trên sân khấu hai miền trong từng thời kỳ, những đóng góp và nâng cao nghệ thuật cải lương của sân khấu miền Nam thời tạm chiếm cũng như sau khi thống nhất đất nước. Ngoài những cột mốc xác định thời gian ra đời của lịch sử cải lương, cũng cần ghi nhận, đánh giá và giới thiệu tiểu sử của những soạn giả, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của cả hai miền như: Nguyễn Trọng Quyền, Phạm Công Bình, Năm Châu, Huỳnh Thủ Trung, Lương Hoài Nở, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Danh, Ba Du, Tám Củi, Hai Thạch, Bảy Nam, Phùng Há, Kim Lan, Kim Cúc, Kim Chung, Sỹ Tiến…

Các tác giả và đạo diễn, họa sĩ trang trí và ông bà bầu đã cống hiến cuộc đời mình cho sân khấu của cả hai miền. Tất nhiên, quyển sách lịch sử cải lương này phải được một cơ quan hữu trách của Nhà nước chủ trì thực hiện với sự hợp soạn của nhiều nhà nghiên cứu và học giả.

Bảo tồn bằng trực quan sinh động

Trước khi tìm cách hồi sinh nghệ thuật sân khấu cải lương, chúng ta cần phải bảo tồn nghệ thuật này bằng cách giới thiệu cho người trẻ - những công chúng trong thời đại mới mà nghệ thuật sân khấu cải lương muốn nhắm đến - những hiểu biết sơ khởi về cải lương bằng phương pháp trực quan sinh động.

Vừa rồi, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã có sáng kiến triển lãm bằng hình ảnh, hiện vật và phục dựng lại cải lương của những năm tháng cũ. Người trẻ đi xem thấy thích thú, lạ lẫm vì họ không ngờ hậu trường cải lương là như vậy. Còn người lớn tuổi thì nhớ lại thời kỳ huy hoàng của cải lương thập niên 1960 thế kỷ trước.


Vở Đời cô Lựu được làm mới vẫn với dàn nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương Nam bộ như NSND Bạch Tuyết, NSƯT Minh Vương… Ảnh: THÚY BÌNH.

Những cuộc triển lãm như vậy cần duy trì cố định và phải trở thành một “bảo tàng cải lương”, cũng như phải bổ sung thêm nhiều hiện vật có liên quan đến sân khấu. Thế hệ nghệ sĩ cải lương và khán giả 8X, 9X có biết tờ “program” quảng cáo tuồng hát cải lương là gì không? Họ có từng biết đến những đĩa cải lương đá thời thầy Năm Tú được hãng Pathe mời thu vào năm 1922 và chính đĩa hát cũng đã góp phần đưa cải lương đến với công chúng một cách rộng rãi?

Ngày xưa, những đứa bé đến với những bài vọng cổ Võ Đông Sơ, Tôn Tẩn giả điên, Đội gạo đường xa… bằng những cuốn sách nhỏ in bài ca cải lương, khổ chỉ bằng lòng bàn tay bán ở chợ. Mỗi lần muốn nghêu ngao thì lật cuốn sách nhỏ đó ra. Nhờ vậy mà có nhiều bài vọng cổ được công chúng thuộc nằm lòng để lâu lâu khoe tài cùng bạn bè lối xóm.

Cần có phòng lưu niệm và trưng bày tất cả những gì cải lương của hai miền có từ những năm đầu cho đến nay bằng hiện vật cũng như hình ảnh. Hiện vật trong nhà lưu niệm này nên là hình ảnh những vở cải lương và nghệ sĩ cả hai miền từ những năm đầu tiên đến sau này; chân dung những nghệ sĩ lão thành tiền phong, những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của cả hai miền; hình ảnh những vở diễn gây dấu ấn trong lòng khán giả. Nếu không sưu tập lại, những hình ảnh quý giá này sẽ mất đi.

Bên cạnh đó, trong phòng lưu niệm và trưng bày nên có hình ảnh về các rạp hát ngày xưa; phòng trình chiếu những vở cải lương ngày xưa còn giữ được; những quyển sách, tạp chí, những bài viết trước và sau năm 1975 viết về sân khấu cải lương. Triển lãm các loại phục trang, đạo cụ cho một vở diễn cải lương… Và có thể dùng mô hình triển lãm của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang vừa qua, như một bước khởi đầu.

Với phòng lưu niệm và trưng bày có khá nhiều hiện vật và tư liệu này, mới mong có thể giới thiệu được sơ nét nghệ thuật sân khấu cải lương với bạn bè quốc tế và khách mộ điệu trong nước. Hãy một lần cho du khách nghe thử giọng ca của cô Tư Sạn, Tư Út, Huỳnh Thủ Trung… từ cái đĩa đá 78 vòng được hát qua loa kèn của cái máy hát đĩa quay tay của ngày xưa, để thấy được sức sống của cải lương suốt 100 năm qua…