Thư viện Mỹ thay sách trước 1975 bằng sách mới của CSVN?

Nguyễn Việt Linh


Vợ chồng ông Sơn Đỗ chọn sách để mượn về đọc. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt).

WESTMINSTER, California (NV) – Vấn đề sách báo Cộng Sản xâm nhập cộng đồng tị nạn luôn là điều người dân Little Saigon quan tâm và đề cao cảnh giác.

Ông Vũ Nguyễn, 53 tuổi, cư dân Anaheim, cho biết sở ông làm gần thư viện Westminster, cạnh Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Mỹ, nên ông thường xuyên đến thư viện này.

Ông liên lạc tòa soạn Người Việt cho biết: “Tôi có cảm tưởng rằng các thư viện Mỹ đang thay sách trước 1975 bằng sách mới của CSVN, vì tôi đi nhiều thư viện trong vùng Orange County và thấy những cuốn sách Tự Lực Văn Đoàn (không còn trên kệ như trước).”

Ông Vũ nghĩ cần báo động về sự kiện này, nếu sự thật là như ông thấy.

“Tháng trước, tôi đến những kệ sách sát tường, phía tay phải sau khi bước vào, nơi các kệ sách thường trưng các cuốn sách tiếng Việt. Tôi thấy toàn là các sách mới, in ở Việt Nam gởi qua, được trưng trên kệ. Nhìn vào tên tác giả thì toàn là tên những người hiện sống ở Việt Nam,” ông giải thích thêm.

“Kế đến, tôi tự hỏi thư viện lấy sách mới ở đâu ra mà sao tháng nào cũng thấy các sách mới, dán nhãn vàng, bày trên kệ sách mới trong một thời gian. Sau sáu tháng, sách được dán nhãn trắng và chuyển vào các kệ bên trong. Tôi thấy sách Việt ở đây rất hiếm, chỉ một số ít thấy bán ở Tú Quỳnh và nhà sách Tự Lực. Nhưng hiện tại, các thư viện ở Westminster, Garden Grove, và Fountain Valley có sách không phải từ Tự Lực ra,” ông Vũ khẳng định.


Sách nhãn “Mới” bày trên kệ tại Thư Viện Westminster. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt).

Ông Timothy Scott, quản lý chi nhánh thư viện Westminster, cho biết: “Thư viện chúng tôi nằm trong hệ thống Thư Viện Công Cộng Orange County và có hai cách để mua sách. Một là mua các sách đa văn hóa và video. Hai là sách mua từ nhà sách Tự Lực tại địa phương. Sách luân lưu để đổi mới là chuyện bình thường, nhưng chúng tôi rất chọn lọc trong việc mua sách tiếng Việt.”

Nhà báo Phạm Phú Minh, sau khi tham khảo với bà Phạm Lệ Hương, một quản thủ thư viện các đại học Mỹ, nay đã về hưu, nói: “Bà Hương cho biết những sự di chuyển, luân lưu hay thải sách cũ là chuyện bình thường.”

Bà Hương cho hay, bà phục vụ lâu dài nhất tại Thư Viện Đại Học Cộng Đồng Modesto, California. Giải thích về chính sách luân lưu, thải sách theo chu kỳ của các thư viện, bà nói: “Các thư viện Mỹ thông thường thải ra một số sách nếu xét thấy sách nào đã lâu không ai mượn, và thay thế bằng sách mới hơn. Hoặc cũng có thể vì thư viện không đủ chỗ để chứa, vì mỗi năm họ có ngân khoản để mua thêm.”


Bà Ngọc Phạm chọn sách về lịch sử chiến tranh Việt Nam. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt).

Bà đơn cử một thí dụ: “Thư Viện Công Cộng San Francisco sau khi được xây mới, họ phải bỏ bớt rất nhiều sách và vì thế bị dân đóng thuế chống đối. Những người phản đối không biết rằng cơ sở mới nhỏ hơn, không đủ chỗ chứa hết các sách cũ, nên họ phải thải ra bớt. Một số sách cũ thời xưa nay đã 10-20 năm, cũ không ai mượn thì giữ làm gì. Thư viện họ nghĩ và làm việc như thế.”

Bà Hương cho biết bà tốt nghiệp bằng cao học môn Khoa Học Thư Viện tại Đại Học Kansas năm 1972. Bà về lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp, trở lại Mỹ năm 1975 và làm việc trong môi trường thư viện đại học từ 1976 đến năm 2007.

Chính ông Vũ, sau khi nghe bà Hương giải thích, cho biết: “Việc vứt sách cũ, thay bằng sách mới là hoạt động bình thường của các thư viện ở đây, mình không nên nhạy cảm quá.”


Một số sách tham khảo quen thuộc. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt).

Ông Bích Nguyễn, 70 tuổi, cư dân Garden Grove, nói: “Tôi thường đến thư viện này, thư viện đường Newhope và Thư Viện Việt Nam (góc Euclid và Westminster ở Garden Grove). Tôi biết thư viện có ban tuyển lựa sách, trong đó có cả nhân viên người Việt. Các sách do tác giả xưa, như Hồ Biểu Chánh, in ở Việt Nam cũng không sao.”

“Mình chỉ tránh sách có giọng điệu Việt Cộng thôi!,” ông nói.

Một người khác, bà Ngọc Phạm, 80 tuổi, cư dân Santa Ana, tâm sự: “Tôi thường đọc sách về lịch sử chiến tranh Việt Nam do tác giả Việt hay bản dịch của tác giả ngoại quốc, như cuốn ‘Không Hòa Bình, Chẳng Danh Dự,’ tác giả Larry Berman, do Nguyễn Mạnh Hùng dịch. Khi chọn sách, tôi chọn tên tác giả trước rồi đến nhà xuất bản. Nếu thấy xuất xứ từ Việt Nam là tôi để lại.”

“Có lần mượn nhầm một cuốn, đọc vài trang sặc mùi Việt Cộng là tôi xếp lại. Tôi cũng thích đọc các chuyện thế giới,” bà nói.


Hai cuốn sách bà Ngọc Phạm chọn. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt).

Vợ chồng ông Sơn Đỗ cư ngụ trong khu Green Lantern Mobile Home Park, Westminster, sang Mỹ diện H.O. năm 1994, chọn sách về đọc. Vợ ông cho biết: “Ngoài sách dịch, tôi thích đọc truyện của nhà văn Mai Thảo, hay Thanh Tâm Tuyền.”

Ông Sơn đứng bên cạnh, góp ý: “Tôi cũng chỉ mượn sách dịch về đọc. Ba tuần chúng tôi mới đến một lần. Thấy sách Việt Cộng là tôi sẽ báo liền, nhưng hiện nay tôi không thấy ở đây!”

Để tìm hiểu cách sử dụng thư viện và các chính sách của thư viện, bà Phạm Lệ Hương khuyên vào trang web: www.newportbeachlibrary.org/about/using-the-library/library-policies/collection-development-policy

Theo nhân viên thư viện, hệ thống Thư Viện Công Cộng Orange County hiện có 32 chi nhánh. Các thành phố có hệ thống thư viện riêng.