Giải thưởng Văn Học kỳ 4 năm 2014 của hội Y Sĩ Quốc Tế Việt Nam Tự Do được trao tặng cho một cư dân Montréal

Hội Y Sĩ Quốc tế Việt Nam Tự Do ( HYSQTVNTD ) là Hội qui tụ các Bác sĩ Việt Nam hiện sinh sống trong các xứ tự do trên thế giới. Trong lần Đại Hội Y Sĩ Thế Giới kỳ 4 năm 2014, Hội có tổ chức một giải thưởng Văn Học. Chủ đề của của năm 2014 là: Cộng Đồng Người Việt tỵ nạn sau 39 năm: Chân Dung, Thành Quả và Tương Lai. Trong lần Đại Hội kỳ này, Hội đã quyết định trao tặng giải thương cao quí này cho ông Lâm Vĩnh Bình, tức ông Lâm Văn Bé. Tác phẩm được chấm giải là cuốn GIÁ TỰ DO. Ông Lâm Văn Bé là một nhân sĩ nổi tiếng trong Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia, vùng Mon­tréal. Ông la tác giả thường xuyên những bài viết về Cộng đồng, Giáo Dục, Văn hóa, Xã hội.

Đôi giòng về ông Lâm Vĩnh Bình:

Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông Lâm Vĩnh Bình được biết đến như là một nhà giáo, một công chức kỳ cựu trong ngành Giáo Dục của Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1964, ông tốt nghiệp thủ khoa Ban Sử Địa trường Đại Học Sư Phạm Sàigòn và có Cử Nhân Văn Khoa tại Đại Học Văn Khoa Sàigòn. Từ năm 1964 đến 1968, ông là giáo sư tại trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho.

Từ năm 1968 đến 1971, ông làm Hiệu Trưởng trường nầy. Tưởng cũng nên nói thêm, Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu là trường Trung Học lớn nhất của vùng Đồng Bằng sông Cửu Long với hơn 100 lớp học.

Năm 1972, ông được bổ nhiệm Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh tỉnh Định Tường, quản trị tất cả các trường trung tiểu học, công lập, bán công và tư thục trong một tỉnh có hơn 500 000 dân. Năm 1973, ông kiêm nhiệm chức vụ Tổng Thư Ký Viện Đại học Tiền Giang và ông đảm nhiệm hai chức vụ nầy đến tháng 4/1975.

Ông và gia đình định cư tại Montréal, Québec CANADA từ tháng 5 năm 1975. Ông theo học ngành Thư Viện Học ở Đại học Montréal và tốt nghiệp Cao Học Thư Viện (Maitrise en Bibliotheconomie) năm 1978.

Ông bắt đầu nghề Thư viện ở Trois-Rivières với việc thành lập một Trung tâm Tài liệu (Centre de documentation) cho Centre des services sociaux et de la santé (CSSS) vùng Mauricie từ 1978 đến 1980. Trở về Montréal, ông làm biên mục viên (catalogueur) cho Thư Viện Đại học Polytechnique.

Năm 1982, ông được Thành Phố Montréal tuyển dụng sau một kỳ thi tuyển với hơn 50 ứng viên. Công việc được giao phó là nghiên cứu thành lập một thư viện đa văn hóa (Bibliothèque multiculturelle) cho các sắc tộc. Năm 1983, Thư Viện Mile-End được khánh thành ở Avenue du Parc và ông điều khiển Thư viện nầy đồng thời đặc trách phát triển bộ sách sắc tộc cho các thư viện Plateau Mont-Royal, Côte-des-Neiges thuộc hệ thống thư viện của Thành phố Montréal. Trong 8 ngôn ngữ sắc tộc, bộ sách và bộ cassette, CD âm nhạc tiếng Việt tại các thư viện trên lên đến 10 000 đơn vị. Ông là chuyên viên của Thành phố về văn hóa sắc tộc nên thường được mời tham gia các buổi diễn thuyết, hội thảo về đề tài nầy. Ông cũng viết nhiều bài nghiên cứu về chủ đề nầy đăng trong các tạp chí chuyên khảo.

Năm 2003, ông được đề cử Giám đốc Sở Văn hóa và Thư Viện của Quận hạt Côte-des-Neiges/Notre-Dame-de Grâce (Chef du Service de la culture et des bibliothéques de l’Arrondissement CDN/NDG) quản trị 2 nhà Văn hóa và 3 Thư viện của Quận hạt. Ngoài ra ông còn đặc trách phối hợp với Sở Địa Ốc của Thành phố (Service des Immeubles) để thành lâp Thư Viện Bibliothèque Interculturelle trong tòa nhà 6767 CDN.

Như vậy, trong 28 năm làm việc trong ngành thư viện, ông đã tham gia việc thành lập 3 thư viện không kể Thư Viện Hồng Đức sau khi hưu trí năm 2007.

Ông cũng là một trong vài thành viên sáng lập tờ Nguyệt San Người Việt Montréal, đồng thời ông là Chủ Bút đầu tiên của Tờ Nguyệt San

Đề cập đến lý do tại sao ông viết quyển Giá tự do, Ông Lâm Vĩnh Bình cho biết: «Đã gần 40 năm rồi, nhiều người ra đi năm 1975 nay đã lần lượt vĩnh viễn ra đi, thế hệ con cháu người tị nạn cần có một văn bản ghi lại dấu vết của quá khứ, để cho chúng biết lý do của cuộc ra đi, hành trình gian khổ của ông cha trên đường vượt biển vượt biên cũng như những ngày tháng họ phải khiêng vác trong các hãng xưởng hay phải đi học lại buổi tối sau một ngày làm việc cật lực cốt để đưa chúng bằng mọi giá trở lại trường học hầu có một ngày mai tươi sáng trên trường đời. Là người được đào tạo trong ngành Sử học và Thư viện học, chúng tôi không tránh được nỗi bi phẩn khi đọc những sử liệu gian dối viết bởi những người Cộng sản và được lập lại, đôi khi được huyễn hoặc thêm bởi những luận điệu thiên vị của các tác giả Tây phương mà các thế hệ thứ hai thứ ba đang bị nhồi nhét vì không đọc được chữ Việt» . Giá Tự Do là tác phẩm nghiên cứu đầu tiên bằng tiếng Việt viết về cuộc di cư và lập cư của người Việt trên thế giới.

Thật là vinh dự cho tác giả Lâm Văn Bé, Nguyệt san Người Việt và Cộng đồng người Việt quốc gia vùng Montréal.