“Ly rượu mừng” & thói quen bắt ca khúc trở thành “con tin”

Tết nhứt sắp tới rồi, đâu đâu cũng sẽ mở ca khúc “Ly rượu mừng” của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương bởi đây là bản nhạc xuân thuộc loại thịnh hành. Kể cũng buồn cười, cách đây hơn hai năm, vào năm 2016 ca khúc này được quan chức ở Bộ Văn hóa cho phép hồi sinh sau bốn mươi năm “bức tử”.

Lời giải thích từ “hậu trường” cho biết: trong ca khúc có câu: “Chúc người binh sĩ lên đàng” mà binh sĩ thì có nghĩa là người lính Việt Nam Cộng hòa, vậy phải bức tử ca khúc “Ly rượu mừng” cho bằng được! Đùng một cái, năm 2016, sau hơn bốn mươi năm... bỗng dưng phát hiện bằng chứng cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác trong thập niên 50 trước khi đất nước chia đôi - vậy “binh sĩ lên đàng” không phải là người lính VNCH sau 1954, mà trở thành “người lính chống Pháp” trước 1954.


Khi đất nước chia đôi, nhạc sĩ Phạm Đình Chương không ở lại Hà Nội với những “người lính chống Pháp” (theo Việt Minh) từ rừng trở về tiếp quản, mà người nhạc sĩ tài hoa này lên đàng vô miền Nam luôn! Sử học có ghi phong trào chống Pháp hồi đó chia ra xu hướng “theo Việt Minh”, và xu hướng được gọi bằng danh từ “theo Quốc gia”.

Trên trang web phamdinhchuong.com cho biết ca khúc LY RƯỢU MỪNG xuất hiện trước bàn dân thiên hạ là vào năm 1955, trên báo Đời Mới số Tết, để mừng không khí hòa bình, tự do ló dạng tại miền Nam VN (lúc này nền Đệ nhứt cộng hòa được thiết lập).“Hãy chúc ngày mai sáng trời TỰ DO...” (lời trong ca khúc Ly rượu mừng).

(đến năm 1975, nhạc sĩ tài hoa Phạm Đình Chương tiếp tục lên đàng, qua chân trời xa, định cư và sau này qua đời tại Mỹ)


Trong thực tế, suốt mấy chục năm kể từ sau tháng 4/1975, người dân vẫn mở đĩa, mở băng phát ca khúc “Ly rượu mừng” nghe rần trời!

Nhưng muốn “kinh doanh có môn bài” đối với ca khúc này thì không được, bị cấm, thành thử sự phát hiện được gọi là “người lính chống Pháp” (trong ca khúc Ly rượu mừng), ai cũng hiểu, có vậy thì mới vừa mắt của quan chức để cho phép “Ly rượu mừng” được quyền sống hoặc chết!

Cái lối cấp phép cho sống hoặc chết đối với sinh mệnh một tác phẩm nghệ thuật, nói cho cùng, là kiểu “ban ơn” khệnh khạng.

Hơn bốn mươi năm qua, các ca khúc của miền Nam (ấn hành trước năm 1975) đều phải hồi hộp trước cặp mắt của giới quan chức văn nghệ: ưng thì duyệt, không ưng thì... tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác để có quyết định sau cùng. Nói cách khác, các ca khúc của miền Nam trước 75 trở thành “những con tin” trong tay giới quan chức văn nghệ, tùy nghi “xử lý”.

_____________

* Đăng lại clip ca khúc “Ly rượu mừng” của Ban Hợp ca Thăng Long năm 1955. Một không khí tươi vui, chan hòa giữa các tầng lớp xã hội với nhau, tiếng chuông chùa bên Phật giáo hòa với tiếng chuông giáo đường bên Công giáo cùng đón Xuân!

(hiện nay trên sóng truyền hình nhà nước, liệu có tìm thấy nhạc ngữ thể hiện sự chan hòa tôn giáo trong một ca khúc, không phân biệt bên trọng bên khinh?)