Đạo tôn sư và trăm năm câm lặng


Bản rập mộ bia Võ Trường Toản. Trích trong “Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises”, 1941, T.XVI, No. 1


... Từ thị trấn Ba Tri chúng tôi lên xe đi về Bảo Thạnh, gặp một ông già với vóc dáng ốm gầy nhưng còn giữ vẻ tinh anh trong ánh mắt, giản dị trong bộ bà ba đen. Ông tên là Phan Thanh Châu, 73 tuổi. Theo đường quê nhỏ hẹp quanh co, bác Châu dẫn chúng tôi đến thăm mộ ông sơ của bác, đã nằm ở đây gần 30 năm dâu bể. Mộ cụ Phan Thanh Giản. Một người ở Bến Tre năm 1995 này gọi đó là nấm mộ u buồn góc biển Đông, kiếp bạc hồn phân quyện núi sông. Mới hồi sáng ở Ba Tri dự lễ hội kỷ niệm cụ Đồ Chiểu rộn rã, mà buổi chiều thì ở đây, vắng vẻ đến buồn. Thuở sinh tiền cụ Đồ Chiểu chỉ làm bài điếu cho ba người. Phan Thanh Giản là một, trong bài điếu Phan Công có đoạn: “Non nước tan tành hệ bởi đâu (...) Minh sinh chín chữ lòng son tạc. Trời đất từ đây bặt gió Thu”. Một người mang khẩu khí “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, lời lẽ đường đường chánh chánh như cụ Đồ thì không khi nào bày trò xỏ xiên, châm biếm như từng có ý kiến “phân tích” bài thơ điếu. Chỉ là sự trân trọng nghĩa khí. Tôi bắt gặp ý tưởng này của Nguyễn Văn Châu, cũng là thành viên hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Bến Tre, giờ đây lên tiếng ...

Bác Châu ăn nói ôn tồn, dẫn giải dòng chữ Hán khắc trên bia mộ. Cụ Phan ngày xưa tự nhận mình chỉ là “người học trò già nơi góc biển của nước Nam”, “người nông dân già họ Phan (...)”, trong khi sử sách còn ghi đây là Tiến Sĩ đầu tiên của Lục Tỉnh, lúc mới 30 tuổi (1826).

Cũng men theo đường quê quạnh hiu, đi vào sâu hơn, chúng tôi bắt gặp một gò đất. Gì đây? Lũ trẻ nhỏ trố mắt thấy bọn chúng tôi, ngừng cuộc đùa giỡn. Bác Châu vẹt đám vỏ dừa khô phơi lăn lóc, đọc hàng chữ trên bia đá đã mờ nét “Gia Định Xử Sĩ Sùng Đức Võ Tiên Sinh”. Trời ơi! mộ cụ Võ Trường Toản đây sao? Nứt nẻ hết cả! Không một nén hương. Bác Châu cho biết, “còn ai nữa đâu...”. Tôi cảm thấy rợn gáy. Các vị sĩ phu đất Nam Bộ đều coi Võ Trường Toản là bậc Nho Sư đầu tiên của Lục Tỉnh. Một bậc trí giả nổi tiếng, mở đường đào tạo biết bao danh tài, như “Gia Định Tam Gia” (Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định), Ngô Tùng Châu... thế hệ sau như cụ Đồ Chiều, Phan Văn Trị đều ảnh hưởng học phong của cụ Võ. Hai trăm năm có lẻ, từ ngày cụ Võ từ trần, và trên trăm năm di cốt cụ Võ được Phan Thanh Giản cải táng về đây – trong phong trào “tị địa”, không để hài cốt trên vùng nhượng địa đã bị thực dân Pháp làm ô uế.

Bên cạnh hai ngôi mộ của cụ Võ, nằm mé qua bên, khiêm tốn và nhỏ nhắn là ngôi mộ của cô con gái họ Võ. Nghe nói không có con nối dõi. Ngọn gió hư vô cảm thấy thế, thổi nghiệt ngã đến thế sao? Hai thế kỷ câm lặng rồi!

Chữ nghĩa còn ghi, như cuốn Địa Chí tỉnh Bến Tre có ghi một công đoạn dài về công trạng Võ Trường Toản. Vậy mới oái oăm!

Con cháu không, lơ thơ cỏ, làm bạn với trăng gió. Chỉ mỗi bài phú Hiếu Trung Hoài Cổ lưu lại “Cho hay dời đổi ấy lẽ thường”...

Tục chuộng khí tiết, khinh tài trọng nghĩa, kẻ sĩ đọc sách phần đông đều lấy việc hiểu rõ nghĩa lý làm điều chủ yếu, song vụng về văn từ. Cái học phong của cụ Võ, của thời xưa Nam Bộ này được ghi lại như thế. “Vụng văn từ”, biết đâu kéo dài năm này qua năm khác, cuối cùng đành ngậm lấy số phận thiệt thòi?

... Bác Châu nói với dáng vẻ an phận, bàn tay khẳng khiu của hoàn cảnh lam lũ như bác, lo cho phần mộ của dòng họ đã quá sức lắm rồi, sức đâu quàng lấy việc tu bổ cho cụ Võ! Phần việc này, tôn sư trọng đạo được xem là truyền thống của dân tộc – lẽ nào là nằm ngoài trách nhiệm của các vị đầu ngành Văn Hóa và Giáo Dục Việt Nam?