Mả ô dước trơ gan cùng tuế nguyệt

 Nguyễn Gia Việt

Khi chưa có xi măng từ Tây đem qua, các công trình xây dựng ở xứ Việt của hoàng gia và nhà giàu, quý tộc đều xài bằng hợp chất ô dước. Từ lăng tẩm vua Nguyễn, Ngọ Môn Huế, chùa chiền và mồ mả các ông Bá Hộ, Hầu Tước ở Nam Kỳ đều làm bằng ô dước.

Mả ô dước ở Nam Kỳ nhiều nhứt.

Trong đông y có một loại cây tên là ô dước.

“Cảm thương ô dước, bời lời
Cha sao mẹ sến, dựa nơi gốc bần”.

Ô dước là loại có nhiều chất nhờn, nhưng cái chất nhờn đó có đem trộn thành hợp chất ô dước không thì chưa ai rõ.

Người ta đoán rằng “Ô Dước” có thể là một tổng hợp các chất sau:

- Vôi: Phải là vôi sống, tức là chưa nung ra, là vôi của vỏ nghêu sò, san hô nghiền vụn ra bằng chày. Năm xưa vua Tự Đức làm lăng cũng bằng chày đâm vôi, Đoàn Trưng làm cuộc chánh biến kêu là “Giặc chày vôi”.

- Cát mịn.

- Than củi.

- Giấy dó hoặc bột cây xay ra.

- Chất kết dính là nhựa cây ô dước hoặc nhựa tơ hồng, hoặc mật mía đường, mật ong.

- Dầu rái.

Những loại nguyên liệu này đều được xay nhuyễn, đăm nhuyễn rồi trộn lại với nhau theo công thức bí truyền kiểu âm dương ngũ hành, không trộn non, không trộn già, trộn vừa đủ mới thành ô dước tốt.

Hợp chất ô dước sau khi trộn xong sẽ ướt và nhớt giống như nhựa đường, sau khi xây thì nó mất nước và khô ran rất mau.

Xin khẳng định đây là bí truyền, đặc trưng của người Nam Kỳ xưa, từ Nam Kỳ đã ra Huế.

Chất ô dước dính kinh hoàng, nó kết dính gạch và đá, làm hồ tô tường.

Hợp chất ô dước khi khô có màu trắng xám và khô queo, cứng như đá, nó đặc biệt là dẻo và không thấm nước, càng ngâm nước, càng phơi mưa nắng càng bền vững.

Đá khi lấy búa đập vào còn bể vì dòn, nhìn nháng lửa nhưng ô dước thì không. Nó cũng là c dạng không nhận lực tác động trực tiếp nên khi bị đập búa sẽ dội ngược ra như thể ô dước có đàn hồi, ô dước có thể mòn theo năm tháng, có thể sụp lún nhưng không nứt và không bể nhỏ ra.

Bí quyết này ngày nay không còn ai biết.

Con cháu bất lực với tiền nhân mình, nó đã thất truyền, thành ra mả cổ trùng tu phải trét xi măng vô nhìn không giống ai.

Thống Chế - Xuân Quang Hầu Nguyễn Khắc Tuấn (1767 – 1823) xuất thân con nhà nghèo ở làng Tân Chánh là một võ quan của chúa Nguyễn Ánh, ông còn có tên là Nguyễn Phúc Xuân.

Lăng mộ Thống Chế Nguyễn Khắc Tuấn ở đình Tân Chánh cũng bằng ô dước và còn nguyên vẹn.







Hình: Mả ô dước hơn 100 năm của mẹ ông Nguyễn Khắc Tuấn tại Tân Ân, Cần Đước, Long An.