Tổng quan tình hình nghiên cứu và tư liệu về kịch bản tuồng Nam bộ trước năm 1945

Nguyễn Thị Huyền Trang

Trước khi cải lương và các loại hình ca múa nhạc khác xuất hiện, tuồng là nghệ thuật độc tôn, duy nhất và có lịch sử tồn tại lâu đời, tạo được nhiều dấu ấn, thu hút sự quan tâm của công chúng, trở nên thân thuộc trong nếp ăn nếp nghĩ của người dân Nam Bộ, đặc biệt tuồng Nam Bộ để lại cho hậu sinh một kho tàng kịch bản tuồng không nhỏ. Tuy nhiên, cánh cửa hướng về phía kịch bản tuồng dường như vẫn đóng kín, hoạt động giới thiệu, nghiên cứu vẫn còn nhiều hạn chế, quảng đại công chúng hầu như vẫn không biết đến những gì xảy ra đối với tuồng. Xem xét về tình hình nghiên cứu và sưu tầm tư liệu kịch bản tuồng ở Nam Bộ thiết nghĩ là một việc làm cấp bách trong quá trình khám phá và bảo tồn những giá trị văn hoá ông cha để lại.

1. Lịch sử nghiên cứu

1.1. Sưu tầm, giới thiệu

Ngay từ năm 1888, hoạt động sáng tác, in ấn, xuất bản và phiên âm các bản tuồng Hán Nôm đã diễn ra khá sôi động ở Sài Gòn. Mở đầu bằng việc nhà hàng Rey et Curiol cho ra mắt bạn đọc kịch bản tuồng Joseph của Trương Minh Ký, đây là bản tuồng được viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam mà chúng tôi tìm thấy được cho đến hiện nay. Sau đó nhiều bản phiên âm lần lượt đến với công chúng như tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên (1895), Kim Vân Kiều (1896), Phong Thần Bá Ấp Khảo (1896), Sơn hậu (1901), Gia Trường (1906), Trần Bồ (1907), Lục Vân Tiên (1915), Phấn Trang Lầu (1915), Trương Ngộ (1918), Tuồng ông Giacob và các con (1927), Lục Văn Long (1928), Đinh Lưu Tú (1929). Một số vở tuồng được phiên âm, xuất bản nhiều lần như Kim Thạch Kỳ Duyên (8 bản), Sơn hậu (9 bản), Lục Văn Long (2 bản)…. Tuy nhiên từ sau năm 1945 cho đến cuối thế kỷ XX công cuộc khôi phục, tìm kiếm, phiên âm, in ấn và giới thiệu các bản tuồng chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ lắng dần và rồi chỉ còn là kí ức đối với thế hệ cha ông và xa lạ đối với thế hệ trẻ. Đến những năm đầu thế kỷ XXI nhiều vở tuồng tưởng chừng bị lãng quên đã được giới thiệu, phiên âm trở lại như tuồng Nhạc Hoa Linh (2000), Phụng Kiều Lý Đán (2000), Trương Ngáo (2006), Lâm Sanh Xuân Nương (2007), Tống Từ Minh (2007), Nhạc Phi diễn bổn (2008), Lý Thiên Long (tháng 11 năm 2012), Kim Thạch Kỳ Duyên (2013), Tây Du (2015), Trần Bồ (2015), Kim Long Xích Phượng (2016)… Đặc biệt một số tri thức Thành phố Hồ Chí Minh như Nguyễn Hiền Tâm, Nguyễn Thị Thanh Xuân… đang tìm cách dịch 46 vở tuồng hiếm tại Việt Nam ra chữ Quốc ngữ. Những vở tuồng này do Thư viện Hoàng gia Anh tặng Chính quyền Sài Gòn cũ vào năm 1971, nhưng bị “bỏ quên” mấy chục năm nay. Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Thị Thanh Xuân, người đã dịch rất nhiều vở tuồng trong bộ tuồng này, đã cho biết nét độc đáo của bộ tuồng là mang cốt truyện, âm hưởng của vùng Nam bộ, một điều hiếm thấy trong các tác phẩm tuồng. Chẳng hạn Lê Nguỵ Khôi truyện đã tả thực được về cuộc đời của Lê Văn Khôi. Hay Tống Từ Minh truyện nói về một nhân vật họ Tô ở vùng chợ Lớn. Trần Bồ truyện là một tuồng hài thể hiện rõ cốt cách của người miền Nam. Còn Nhạc Hoa Linh truyện đã thể hiện rất rõ vùng sông nước Nam bộ…Những địa danh, Cầu Kênh, Thanh Đa, 18 khu vườn trầu…. cũng được nhắc tên trong nhiều vở tuồng.

Nếu việc in ấn, xuất bản diễn ra khá sôi động thì trái lại công cuộc sưu tầm, giới thiệu diễn ra khá trầm lắng. Dưới đây là những công trình đã có công trong việc giới thiệu tuồng ở Nam Bộ:

Từ 1945 đến 2000:

Từ năm 1945 cho đến những năm cuối thế kỷ 19, mặc dù có nhiều tác phẩm tuồng được in ấn, xuất bản mạnh ở Sài Gòn tuy vậy tuồng không được giới thiệu nhiều trong các tuyển tập phê bình, nghiên cứu văn học ngoài một số sách như Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập IV, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1963), và một số bài viết như Thân thế và sự nghiệp của cụ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (Đỗ Văn Y, Đại Việt tập chí tháng 6 và 7 năm 1943) có đề cập đến một số vở tuồng Nam Bộ nhưng còn rất mờ nhạt.

Năm 1988 nhóm tác giả Hoài Anh, Thành Nguyên, Hồ Sĩ Hiệp đã viết công trình Văn học Nam Bộ từ đầu đến giữa thế kỷ XX (1900 – 1954). Cho rằng “trước năm 1917, ở Nam Bộ chỉ có một hình thức hát bội”[1], nhưng cuốn sách cũng chỉ dành khoảng hai trang trong chương IV Văn học sân khấu ở Nam Bộ từ 1900 – 1954 để giới thiệu tên một số kịch bản tuồng nhưng không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, thời điểm sáng tác nên rất khó xác nhận được tính chất vùng miền của các bản tuồng. Họ cho rằng, tuồng ở Nam Bộ “ phần lớn được rút từ các truyện chí dã sử Trung Quốc”, và “các vở tuồng đồ tức tuồng hài dân gian”[2]. “Sau đó một số soạn giả soạn thêm những vở mới như Trương Minh Ký đã soạn vở tuồng Kim Vân Kiều ba hồi (có xuất bản thành sách in tại nhà in Rey et Curiol, 1896) và tuồng Joseph diễn ở Chợ Lớn lần đầu tiên ngày 13-7-1887 và xuất bản thành sách in tại nhà in Rey et Curiol năm 1888. Thân văn Nguyễn Văn Quý soạn Ngũ biến báo phu cừu,vở tuồng hát bội Trưng Nữ Vương Lê Lợi khởi nghĩa. Hồ Văn Lang và Thành Tôn soạn Anh hùng Nguyễn Huệ đại chiến gò Đống Đa (Nhà in Đức Hùng ấn quán Sài Gòn xuất bản)”[3].

Năm 1994 là năm có nhiều công trình nói về tuồng như Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 15A của Hoàng Châu Ký; Tổng tập Văn học Việt Nam tập 12 (Đinh Gia Khánh, Nxb Khoa học xã hội); Nghệ thuật hát bội Việt Nam (Nguyễn Lộc, Võ Văn Tường, Nxb Văn Hóa, Tp. HCM); Những vấn đề thẩm mỹ, đạo lý, xã hội trong tuồng cổ (Xuân Yến, Nxb. Sân khấu, Hà Nội). Trong khi GS. Hoàng Châu Ký bàn luận về sự hình thành và phát triển của nghệ thuật hát bội trước và sau thế kỷ XIX và đánh giá cao bốn vở tuồng Nam Bộ có giá trị nghệ thuật sâu sắc như: Võ Thành Lân, Phong Ba Đình (Nguyễn Đình Chiêm), Kim Thạch Kỳ Duyên (Bùi Hữu Nghĩa), Joseph (Trương Minh Ký) thì nhà nghiên cứu Xuân Yến lại quan tâm đến những vấn đề thẩm mỹ, vấn đề đạo lý và vấn đề xã hội trong tuồng cổ thông qua việc khảo sát các vở tuồng Sơn hậu, Tam Nữ Đồ Vương, Triệu Đình Long, Đào Phi Phụng, An Trào Kiếm… Tuy vậy, cả bốn công trình vẫn chưa dành sự ưu ái đặc biệt cho tuồng Nam Bộ.

Năm 1998, đánh dấu bước phát triển trong công cuộc nghiên cứu, giới thiệu về kịch bản tuồng với sự ra đời của cuốn Từ điển nghệ thuật hát bội Việt Nam (Nguyễn Lộc chủ biên, Nxb Khoa học Xã hội, TP. HCM) và bài viết Nghệ thuật hát bội ở Thành phố từ xưa đến nay của Đỗ Văn Rỡ (in trong cuốn Địa chí Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, tập 3 do Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng chủ biên). Cuốn từ điển là một cuốn bách khoa toàn thư về: tác giả, nhà nghiên cứu; nghệ sĩ biểu diễn; cách biểu diễn; tổ chức hát bội và các vở diễn, công trình không chỉ nghiên cứu tuồng ở Nam Bộ mà còn ở các vùng khác. Trong khi đó Đỗ Văn Rỡ tập trung giới thiệu về lịch sử của hát bội và bối cảnh xã hội của hát bội ở miền Nam. Ông cho rằng tuồng Nam Bộ có đôi chút dị biệt so với miền Bắc, miền Trung và phát triển cực thịnh ở Gia Định với nhiều tác phẩm như Kim Thạch Kỳ Duyên của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, tuồng Sơn hậu, tuồng Tử linh, tuồng Đinh Lưu Tú,tuồng Phong Ba Đình và tuồng Phấn Trang lầu.

Từ 2000 đến nay:

Năm 2004, Đỗ Đức Hiểu viết Từ điển văn học bộ mới, Nxb. Thế giới có giới thiệu một số kịch bản tuồng như Kim Thạch Kỳ Duyên (trang 760), Lý Thiên Luông (trang 920), và ở trang 1882 có đoạn nói về tuồng, ông cho rằng tuồng ở Đàng Trong phát triển mạnh hơn ở Đàng Ngoài với các tác phẩm được xem là mẫu mực như Sãi Vãi (Nguyễn Cư Trinh), Sơn hậu, Tam Nữ Đồ Vương, Lý Thiên Luông, Phong Ba Đình của Nguyễn Đình Chiêm.

Trong số các công trình giới thiệu về tuồng Nam Bộ, chúng tôi đặc biệt chú ý đến cuốn Nhìn về sân khấu hát bội Nam Bộ, của Đinh Bằng Phi (2005, Nxb Văn nghệ). Cuốn sách giải đáp cho độc giả biết về quá trình hình thành hát bội ở vùng đất phía Nam, cũng như cách sinh hoạt, biểu diễn, tổ chức nhân sự trong các đoàn hát như thế nào. Đây là một tư liệu quý, là cẩm nang giúp cho độc giả những người yêu mến và quan tâm về tuồng hiểu được rõ hơn về lịch sử, tác giả kịch bản, nội dung tác phẩm tuồng Nam Bộ. Ông cho rằng ở miền Nam có hai tác phẩm nổi tiếng hơn cả là “Sơn hậu” và “Trần trá hôn” nhưng chưa xác minh được tên tác giả. Ngoài ra, còn có một số vở kịch biết tên tác giả như “Kim Thạch Kỳ Duyên” của Bùi Hữu Nghĩa; - “Lý Thiên Luông” của Lê Quang Chiểu; - “Lục Vân Tiên”, “Kim Long Xích Phụng” - của Đặng Lễ Nghi; - “Nguyễn Trung Trực quy thần” của Lê Dư Hoài; “Phong Ba Đình” của Nguyễn Đình Chiêm”[4]. Nhiều tác giả kịch bản tuồng nổi tiếng cũng được ông đề cập như: Bùi Hữu Nghĩa, Cao Hữu Dực, Nguyễn Đình Chiêm, Hồ Biểu Chánh, Đoàn Quang Tấn, Thân văn Nguyễn Văn Quý, Đỗ Nhật Tân, Thiếu Trai Hà Ngại, Lê Dư Hoài…

Năm 2011, nhà nghiên cứu Nguyễn Tô Lan đã khảo sát toàn bộ những bộ thư mục của các trung tâm lưu trữ triều Nguyễn, các thư viện công trong nước, thư viện công nước ngoài và các nhà lưu trữ tư nhân để giới thiệu đến bạn đọc một hệ thống danh mục kịch bản tuồng truyền thống Việt Nam hiện còn trong bài viết Diện mạo kịch bản tuồng truyền thống Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (88). Thông qua công trình của nhà nghiên cứu tuồng Nguyễn Tô Lan chúng tôi rất vui mừng vì có nhiều kịch bản tuồng Nam Bộ truyền thống vẫn còn được lưu giữ, vì vậy vấn đề giới thiệu chúng đến với bạn đọc chỉ là vấn đề thời gian.

Năm 2013, sau khi tiếp cận được nguồn tư liệu đáng tin cậy tại Thư viện Paris tác giả Nguyễn Đức Hiệp và Nguyễn Lê tuyên đã cho ra đời cuốn sách Hát Bội, đờn ca tài tử và sự hình thành Cải Lương từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 – phần 1 (Nxb. Văn hoá – Văn nghệ TP. HCM) để kể về hát bội trong bối cảnh Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Trong cuốn sách người đọc biết về nhiều cuộc giao lưu biểu diễn hát bội tại Pháp như ở Hội chợ Thế giới Paris 1889, Hội chợ Thuộc địa Marseille năm 1906, 1922. Những cuộc biểu diễn này đón nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu âm nhạc, của khán giả Pháp. Tác giả cuốn sách cũng cho rằng người có công đưa hát bội đến với thế giới đó chính là Lương Khắc Ninh, một nhà soạn tuồng nổi tiếng người Bến Tre, tác giả của tuồng Gia Trường.

1.2. Nghiên cứu, phê bình

Công cuộc tìm hiểu kịch bản tuồng ở Nam Bộ, chủ yếu xảy ra theo hai xu hướng: một là nghiên cứu từng bản tuồng riêng lẻ; hai là trong quá trình nghiên cứu về tuồng Việt Nam nói chung, nhiều tác giả có đề cập đến tuồng Nam Bộ nhưng không nhiều. Tuy nhiên, phần lớn các công trình này chủ yếu đề cập đến lịch sử hình thành và phát triển, nghệ thuật biểu diễn, giá trị nội dung của tuồng, còn về vấn đề kịch bản tuồng ở Nam Bộ chưa đón nhận được sự quan tâm đúng mức.

Trước năm 1945:

Trước năm 1945, trong khi các nhà nghiên cứu không mấy chú ý đến văn học Nam Bộ nói chung và kịch bản tuồng Nam Bộ nói riêng thì Kim Thạch Kỳ Duyên lại ít nhiều đón nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu, phê bình trong các công trình Văn chương và lịch sử cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa và con là Bùi Hữu Tú (1936, Nguyễn Văn Nghĩa); Kim Thạch Kỳ Duyên (Nguyễn Đại Liêng, tạp chí Tri Tân, tháng 6 năm 1943); Cụ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa và tuồng “Kim Thạch kỳ duyên” (Nguyễn Phước Dương, 9/6/1943).

Từ năm 1945 đến năm 2000:

Sau năm 1945, đề tài Kim Thạch Kỳ Duyên vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu với một loạt bài viết như Bùi Hữu Nghĩa: Thi văn và vở tuồng Kim Thạch kỳ duyên (Nam Cư, NXB. An Giang thi xã, 1952); Bùi Hữu Nghĩa: danh nhân miền Nam (Bùi Hữu Giáp được đăng vào ba số liên tục của Tạp chí Phổ thông, 1/10/1963, 15/10/1963 và 15/11/1963); Cụ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa: nhà cách mạng miền Nam (Nguyễn Thành Long, Nguyễn Tấn Lộc, Tạp chí Phổ thông, 1/4/1963); Kim Thạch kỳ duyên (Thái Bạch cũng được đăng liên tục trong hai số 169 và số 170); Bùi Hữu Nghĩa, một cây bút miền Nam có khí tiết (Tạp chí Văn học số 7, 1965); Nghi chi Bùi Hữu Nghĩa – tuồng hát bội Kim Thạch kỳ duyên (Trần Văn Hương chú thích, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1966); Truy điệu một nhà văn kháng chiến, một danh nho Đồng Nai, thi sĩ kiêm soạn giả hát bội: Cụ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) (Thuần Phong và Ngô Văn Phát, Tạp chí Đồng Nai vân tập tháng 2 và 3, 1966); Cuộc đời và thơ văn Bùi Hữu Nghĩa (Trần Lê Sáng, Phạm Đức Duật, Tạp chí Văn học số 2, 1972; Bùi Hữu Nghĩa – con người và tác phẩm (Nxb TP.Hồ Chí Minh, 1988); Duyên lạ: cải biên tuồng Kim Thạch kỳ duyên ( Bảo Định Giang, Nxb Văn nghệ, Tp. HCM, 1998); Bùi Hữu Nghĩa một danh nhân văn hóa (Tạp chí Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, 1988); Vài nhận xét về vở tuồng Kim Thạch kỳ duyên (Đàm Quang Hậu, 1989); Bùi Hữu Nghĩa mối duyên vàng đá (Hoài Anh, NXB. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1998).

Bên cạnh Kim Thạch kỳ duyên, Sơn hậu cũng đón nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà nghiên cứu như Giá trị văn chương và nghệ thuật trong tuồng “Sơn hậu” (Tôn Thất Bình, Tiểu luận cao học, Sài Gòn, Trường Đại học Văn khoa, 1969); Ngọn đèn Khương Linh Tá trong “Sơn hậu” và những ngọn đèn Khương Linh Tá khác (Hồ Lãng, Tạp chí Văn học, số 2, tr. 99 – 108, 1978)…

Bên cạnh đề tài về Kim Thạch Kỳ DuyênSơn hậu thì đề tài về tuồng cũng đón nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu, tuy vậy các công trình nghiên cứu trực tiếp về tuồng Nam Bộ quả thật không có là bao. Dưới đây là một số công trình mà trong quá trình nghiên cứu ít nhiều có đề cập đến tuồng Nam Bộ như Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật tuồng (Mịch Quang, Nhà xuất bản Văn hoá Nghệ, 1963) mặc dù trong lời đầu của cuốn sách tác giả có viết cuốn sách như là một lời tri ân “kính tặng đồng bào miền Nam- Người mạnh thường quân vĩ đại và bất diệt của nghệ thuật tuồng” nhưng tác giả lại chủ yếu dành phần lớn các trang viết để Sơ lược về nguồn gốc và lịch sử phát triển của tuồng, Nội dung tư tưởng, Tính nhân dân trong tuồng. Điều đặc biệt là cuốn sách có in lời Tựa do Bảo Định Giang viết, qua lời tựa đó chúng ta biết rõ tuồng đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến tâm tư, tình cảm và đời sống sinh hoạt của bà con Nam Bộ thế nào.

Năm 1970, Trần Văn Khải, tác giả quyển Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Nxb. Khai Trí, viết về sân khấu hát bội từ trang 7 đến 80. Trong khi phân tích nghệ thuật sân khấu, tác giả trích dẫn nhiều đoạn trích của một số vở kịch Nam Bộ, đặc biệt ông hết sức ca ngợi San hậu, Kim Thạch Kỳ Duyên là hai vở tuồng tiêu biểu của Nam Bộ. Cũng trong năm nay Tuần Lý Huỳnh Khắc Dụng có công trình Hát bội, théâtre Traditionnel Vietnam, do Nam Chi Tùng Thư ở Sài Gòn xuất bản. Cuốn sách được viết song ngữ Việt – Pháp. Tác giả khẳng định cuốn sách này chỉ nói về hát bội ở miền Nam. Sách có ba phần: Trước hết tác giả đề cập đến những quan niệm sai lầm của người phương Tây về hát bội, đính chính lại cách gọi tên. Thứ đến tác giả khảo sát nguồn gốc hát bội, sự phát triển, cách tổ chức, biểu diễn của hát bội, nói về những tượng thờ của con hát, về đàn nhạc, y quan, lối vẽ mặt, các giọng hát, văn chương trong tuồng hát, kỹ thuật đồng thời cũng giới thiệu về một số tuồng hát và tương lai của hát bội. Đặc biệt đáng chú ý là trong công trình này tác giả đã dịch ra Pháp văn hai bản tuồng Sơn hậuBá Ấp Khảo.

Đến năm 1972, Thuần Phong, Ngô Văn Phát viết Để góp vào bộ văn học Đồng Nai: một đoạn dĩ vãng kịch nghệ miền Nam từ hát bội đến thoại kịch in trên Tạp chí Đồng Nai văn tập với các số tháng 4; tháng 5, tháng 6 và tháng 8.

Năm 1977, Nguyễn Thị Nhung là nhà nghiên cứu đầu tiên nghiên cứu tuồng Nam Bộ với tư cách là một đề tài trực tiếp. Trong công trình của mình, bà đã trình bày nhiều nét đặc điểm phong cách đặc trưng về văn học tuồng ở Nam Bộ trong bài Nghệ thuật tuồng truyền thống Nam Bộ và những đặc điểm về phong cách (Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật số 2) và năm 1987 chị lại tiếp tục đóng góp cho tuồng Nam Bộ bài Góp phần nghiên cứu lý luận thể loại sân khấu tuồng truyền thống: Luận án PTS Khoa học ngữ văn.

Tiếp tục đề tài này còn có Tìm hiểu thêm về hát bộ Nam Bộ (Bích Lãm, Thanh Mai, 1985, Tạp chí Văn nghệ); nh hưởng của tư tưởng nhân nghĩa Trung uốc trong tuồng cổ Việt Nam (Hà Văn Cầu, 1992, Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật số 1, Tp. HCM); Địa nàng- chặp bóng tuồng hài Nam Bộ (Huỳnh Ngọc Trảng, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1992).

Năm 1993, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh đã viết cuốn sách Về sách báo của tác giả công giáo (Thế kỷ XVII – XIX). Cuốn sách tập hợp nhiều bài nghiên cứu của nhiều tác giả, trong đó độc giả có thể biết được nhiều vở tuồng đạo qua bài Bước đầu giới thiệu và tìm hiểu vãn – tuồng đạo của Nguyễn Văn Trung và Đỗ Như Thắng, biết được rõ hơn về tuồng Joseph với bài viết Đôi điều ghi nhận nhân đọc vở tuồng hát bội “Joseph” của Trương Minh Ký của Nguyễn Lộc.

Từ năm 2000 đến nay:

Liên quan đến đề tài tuồng Nam Bộ còn phải kể đến Luận văn Thạc sĩ của tác giả Phạm Thị Thanh, “Tuồng Kim Thạch kỳ duyên” trong tuồng Nam Bộ (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2013). Trong khi nghiên cứu về vấn đề tác giả và văn bản tác phẩm, giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của vở tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên, tác giả luận văn còn khái quát về tuồng và quá trình phát triển của tuồng Nam Bộ. Dù chỉ mới đi sâu vào khai thác các khía cạnh nội dung và nghệ thuật của một bản tuồng ở Nam Bộ, nhưng luận văn là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, công phu, dày dặn và mang tính khoa học cao giúp chúng ta thấy được một phần nào về quá trình phát triển cũng như những nét đặc trưng của tuồng ở Nam Bộ.

2. Giới thiệu một số văn bản tuồng Nam Bộ trước năm 1945

Có nhiều cách để gọi tên thể loại của kịch bản tuồng, tuy vậy để dễ dàng phân biệt nhất chúng tôi phân chia tuồng Nam Bộ trước năm 1945 thành hai loại chính đó là: tuồng đồ và tuồng pho. Tuồng đồ là tuồng được sáng tác không theo tích truyện và lịch sử của Trung Quốc. Tuồng pho là loại tuồng dựa theo tích truyện của Trung Quốc (còn được gọi là tuồng truyện). Ngoài ra còn có còn có một số loại dị biệt khác như tuồng phóng tác (phóng tác theo kịch nghệ nước ngoài), tuồng lịch sử, tuồng tiểu thuyết, tuồng tích dân gian và tuồng hiện đại (sau năm 1945).

2.1. Tuồng đồ

- Tuồng Sơn Hậu. Vở tuồng gồm có ba hồi. Có giả thuyết cho rằng, vở tuồng được Đào Duy Từ sáng tác khi ông bỏ đất Bắc vào Nam, một số giả thuyết khác lại cho rằng vở tuồng là sản phẩm của Lê Văn Khôi viết tặng cha nuôi là Lê Văn Duyệt. Hiện vở tuồng có nhiều văn bản vẫn còn được lưu giữ. Theo Địa chí văn hoá TP. HCM, có tất cả bảy bản phiên âm:

  1. Sơn hậu của Lê Nhựt Ảnh, 1901, Imp, Claude et Cie;

  2. Sơn hậu của Phụng Hoàng San và Võ Thành Ký, 1903, Imp. Legros;

  3. Sơn hậu của Hoàng Minh Tự, Imp. Đức Lưu Phương, không ghi năm nào;

  4. Sơn hậu của Nguyễn Kim Đính, Imp. Viết, không ghi năm nào;

  5. Sơn hậu của Lê Ngọc Báu, dit Duy Thiện, 1930, Imp. Xưa và nay, 3 tập, 64 trang;

  6. Sơn hậu của Tú Hoàng Khê, Imp. Xưa và Nay, không ghi năm nào;

  7. Sơn hậu của Nguyễn Bá Thời, Chợ Lớn, nhà buôn Thuận Hoà, không ghi năm nào.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm thấy một số bản phiên âm của vở tuồng này cũng được in ở cuốn Tổng tập Văn học Việt Nam (15a); Tuồng cổ của Giáo sư Hoàng Châu Ký và một bản viết tay được lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.

Bên cạnh những bản phiên âm, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tô Lan tuồng Sơn hậu còn có nhiều bản chữ Nôm được lưu giữ tại Thư viện Viện Sân Khấu, Nhà hát Tuồng Trung ương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Cổ học, Thư viện Bảo Đại, Thư viện Hoàng gia Vương Quốc Anh, Thư viện Quốc gia, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế.

- Đinh Lưu Tú. Vở tuồng có ba quyển, bản Hán Nôm khắc in năm Giáp Ngọ, niên hiệu Quang Tự (1894) do Phụng Du Lý, Minh Chương Thị đính chính. Theo Nguyễn Tô Lan trong bài viết Diện mạo kịch bản tuồng truyền thống Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (88), 2011 có thống kê các bản chữ Nôm tuồng Đinh Lưu Tú hiện đang ở các thư viện sau: Thư viện Viện Cổ học, Thư viện Bảo Đại, Học viện Viễn Đông Bác Cổ Paris, Thư viện Bảo tàng Guimet, Paris (Musée Guimet), Thư viện Quốc gia, Paris (Pháp), Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Hiện tuồng đã có hai bản phiên âm:

  1. Văn bản Đinh Lưu Tú, Đặng Lễ Nghi, Đinh Thái Sơn (soạn lại), Duc Luu Phuong, 1929, 58 tr. ; 25 cm chi tiết… Số ĐKCB: KM5771(10).

  2. Văn bản Đinh Lưu Tú diễn ca, Đỗ Nhật Tân (phiên âm, chủ giải), Tủ sách Cổ văn – Uỷ ban dịch thuật Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá xuất bản, Sài Gòn, 1971, 276 trang và 120 trang phụ lục nguyên bản chữ Nôm khắc in năm 1894 tại Bảo Hoa Các, Phật Trấn, Trung Hoa.

- Kim Long Xích Phụng (Đặng Lễ Nghi).

Kim Long Xích Phụng (hay còn gọi Kim Long Xích Phượng) là một tuồng như kiểu Tuồng Sơn hậu, nghĩa là không dựa trên truyện Tàu mà do người đặt mô phỏng chỗ nầy một chút, chỗ kia một chút để viết nên. Tuồng gồm ba hồi, trong mỗi hồi có nhiều lớp. Theo nhà nghiên cứu Phạm Đức Duật trong bài viết Văn học tuồng nước ta từ khi hình thành đến hết thế kỷ XIX cho rằng Kim Long Xích Phụng là kịch bản tuồng tiêu biểu của Đặng Lễ Nghi. Hiện nay ở Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm và Nhà hát tuồng Trung ương (phòng tư liệu) còn lưu trữ bản chữ Nôm. Bản tuồng này cũng đã được Gs. Nguyễn Văn Sâm phiên âm và sơ chú, gồm 224 trang đánh máy nhưng chưa được xuất bản.

- Tuồng Lý Thiên Long

Tuồng hát bội Lý Thiên Long, là một vở tuồng có nguồn gốc lâu đời, vốn là một bản chữ Nôm chép tay, không được phổ biến rộng rãi. Năm 1912, cựu Chánh tổng Lê Quang Chiểu đem văn bản in ra chữ Quốc ngữ. Theo ông Lê Quang Chiểu vở kịch do ông Tổng đốc An Giang Cao Hữu Dực viết ra, về sau do ông Nguyễn Văn Hàng nhuận sắc. Khi phiên âm ra chữ quốc ngữ ông nhuận sắc một lần nữa cho tráng câu xứng đối rồi cho in. Theo GS Nguyễn Văn Sâm, vở tuồng này gồm có ba hồi, hiện nay chỉ còn lại một hồi, hai hồi còn lại chưa tìm thấy. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát văn bản ở Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà hát tuồng Trung ương (phòng tư liệu) chúng tôi thấy vở tuồng này còn có bản chữ Nôm và một bản do ông Nguyễn Hiền Tâm phiên âm, sơ chú vào tháng 11 năm 2011, nhưng chưa được xuất bản.

- Tuồng Gia Trường (hay còn gọi là Gia Tường). Ông Nguyễn Dư Hoài trong phần giới thiệu cuốn sách có viết đây là truyện của “một ông Cữ -tử có danh tại Sa – đéc đặt ra nhiều lời trang nhã cũng đáng biên để lưu truyền cho hậu thế”. Ngoài ra trong cuốn Từ điển Nghệ thuật hát bội do GS. Nguyễn Lộc chủ biên có viết “Vở tuồng được luật sư Phan Văn Thiết sưu tầm và giới thiệu trên báo Tân Văn ở Sài Gòn, do ông chủ trì, từ số tháng 4 đến số tháng 8 năm 1935. Theo Phan Văn Thiết, tác giả vở tuồng này là ông Nhiêu Bá, người Sa Đéc, có viết tập thơ Con Tấm, Con Cám. Đây là vở tuồng viết về một câu chuyện có thật, nên khi nó được in ra trước đó, con cháu của Gia Tường (nhân vật chính trong vở) đã tìm cách mua hết để thiêu huỷ. Phan Văn Thiết vì muốn xuất bản cuốn Thơ Văn Nam Kỳ nên cố công lắm mới tìm được một bản”. Hiện nay, chúng tôi đã có bản phiên âm của ông Lương Khắc Ninh, Nguyễn Khắc Huề, Nguyễn Dư Hoài, S.Imp.Condurier et Montégout, 1906, 29 tr, Thư viện Viện Thông tin KHXH, Ký hiệu: Q80 13/ 8; OCTO 22599.

- Tống Từ Minh. Vở tuồng gồm 3 hồi. Không rõ tác giả và thời điểm sáng tác. Bản Hán Nôm của vở tuồng nằm trong bộ tuồng Hát Bội do Thư viện Hoàng gia Anh tặng Thư viện Sài Gòn trước 1975, đến năm 2007 bản tuồng được Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyên Kỳ phiên âm, Nguyễn Hiền Tâm đánh máy, đính chánh phần chữ Nôm. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Xuân vở tuồng nói về một nhân vật họ Tô ở vùng chợ Lớn. Hiện nay, bản tuồng chữ Nôm và bản phiên âm đang được lưu trữ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

- Lê Nguỵ Khôi truyện là vở tuồng gồm 3 hồi, không có tên tác giả. Ở Thư viện Sân khấu và trong bộ tuồng hát bội bằng chữ Hán Nôm của Thư viện Hoàng Gia Anh tặng Thư viện Sài Gòn năm 1971 (hiện là Thư viện Khoa học Tổng hợp) còn lưu trữ các bản bằng chữ Nôm.

- Nhạc Hoa Linh. Vở tuồng gồm 5 hồi, được thực hiện cuối thế kỷ 19. Không rõ tác giả và thời điểm sáng tác. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nhạc Hoa Linh truyện đã thể hiện rất rõ vùng sông nước Nam Bộ. Những địa danh, Cầu Kênh, Thanh Đa, 18 khu vườn trầu…. cũng được nhắc tên trong nhiều vở tuồng. Năm 2000, vở tuồng được Nguyễn Văn Sâm phiên âm, Nguyễn Khắc Kham hiệu đính và Lê Văn Đặng bạt và thực hiện chữ Nôm. Bản Hán Nôm trong bộ tuồng Hát Bội của Thư viện Hoàng gia Anh tặng Thư viện Sài Gòn trước 1975 và bản phiên âm vẫn còn được lưu trữ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

- Võ Thành Lân. Trong Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 15A, trang 13 có đoạn viết “ tuồng Võ Thành Lân được diễn nhiều ở các tỉnh Nam Bộ và tác giả của nó chắc cũng là người Nam Bộ- Nội dung của vở này miêu tả cuộc đời chiến đấu kiên trì và vô cùng gian khổ của nhân vật Võ Thành Lân vì sự nghiệp phục quốc, có lúc anh này bị giặc đánh đuổi, chạy lên núi, đói phải ăn trái cây để sống; lúc khác bị giặc đánh đuổi chạy đến bờ sông, tưởng phải chết, nhưng……bởi anh chiến đấu cho đại nghĩa nên được cá thần nổi lên đưa anh sang sông, thoát nạn. Về sau anh ta thắng được giặc và phục quốc. Dư luận trong ngành tuồng và khán giả tri thức trước đấy cho rằng nội dung tư tưởng của vở này là nhằm ca tụng Nguyễn Ánh (Gia Long) – Từ đầu thế kỷ XX đến nay không thấy đoàn nào diễn vở này”. Hiện nay vở kịch còn bản chữ Nôm, nằm trong bộ tuồng Hát Bội của Thư viện Hoàng gia Anh tặng Thư viện Sài Gòn trước 1975 (tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh) và ở Nhà hát tuồng Trung ương (phòng tư liệu) cũng có lưu trữ bản này.

2.2. Tuồng pho

- Nhạc Phi Diễn Bổn là vở tuồng được khắc lại năm 1879 tại Gia Định. Năm 2008, Nguyễn Văn Sâm phiên âm và giới thiệu ở trang web: namkyluctinh.com, gồm 124 trang. Theo Giáo sư Nguyễn Văn Sâm bản tuồng tuy có tên là Nhạc Phi nhưng thực ra nó lại viết về người con của ông tên là Nhạc Vân, một người nóng tánh, trung cang, nghĩa khí và những hành động của Nhạc Vân đã làm để cứu cha thoát khỏi vòng vây của giặc Phiên. Vở tuồng có tính chất bình dân, dễ đọc, dễ hiểu và yếu tố Hán học gần như bị loại bỏ.

- Tuồng Lục Văn Long.Tuồng này còn có tên là Tống Lục Văn Long, vở tuồng có hai hồi, do Đặng Lễ Nghi dịch. Năm 1928, tuồng Lục Văn Long được in lại lần thứ hai tại Nhà in Xưa nay, 25cm chi tiết… Số ĐKCB: KM5478 (25). Hiện nay, bản Hán Nôm đang được lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

- Phụng Kiều Lý Đán (tức Đường Lý Đán diễn ca) là một bản tuồng Nôm đặc sắc của kho tàng văn học Nam Kỳ Lục Tỉnh, thế kỷ 19. Bản Nôm được khắc in năm Quý Mùi (1883), gần 30 trang. Bản tuồng được Giáo sư Nguyễn Văn Sâm giới thiệu năm 1998 và phiên âm năm 2000 đăng tải trên bản điện tử namkyluctinh.com năm 2010.

- Phong Thần Bá Ấp Khảo. Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu thì bản tuồng này của Trương Minh Ký. Nhưng ông Nguyễn Văn Sâm khi giới thiệu bản này lại đề rằng nguyên tác chữ Nôm, do ông Trương Minh Ký phiên âm vào năm 1896. Hiện nay, theo Trương Văn Bình, “Sách Hán Nôm lưu giữ ở Thư viện Leiden (Hà Lan), tạp chí Hán Nôm, số 2, năm 1992, tr. 57 – 69 có lưu giữ một bản Phong Thần Bá Ấp Khảo. Ngoài ra, chúng tôi cũng may mắn có một bản đánh máy do ông Nguyễn Văn Sâm lưu giữ.

- Tuồng Hát bội Nôm đa hồi Tây Du ký. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sâm khi giới thiệu bản phiên âm vở tuồng đã viết “Tuồng Tây du là một vở tuồng Nôm đồ sộ 100 hồi, khoảng 4000 trang, tất cả được viết bằng tay nên việc sao chép và phiên âm ra chữ quốc ngữ rất khó, đòi hỏi phải có một người tận tâm và có thời gian. Vở tuồng được lưu trữ tại Thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ ở Paris, là bản nguyên tác độc nhất. Hiện nay, Thư viện này đã tặng một bản sao chép cho Viện Hán Nôm (Hà Nội). Cho đến trước thập niên năm mươi, hầu như không có một tư liệu nào xác định rõ ràng về nguồn gốc, niên đại, cũng như chưa từng thấy có tài liệu nào bàn sâu về nó, cho nên tuồng Tây du vẫn là vở tuồng xa lạ đối với quảng đại công chúng. Năm 1952, Nguyễn Đình Triêm (cháu nội Nguyễn Đình Chiểu), khi giới thiệu tiểu sử Bùi Hữu Nghĩa trong quyển Bùi Hữu Nghĩa – Thơ văn và vở tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên có nhắc đến hai vở tuồng hát bội Tây duMậu Tòng là của Bùi Hữu Nghĩa. Ngoài ra, không thấy ông bàn thêm gì về vở tuồng này nữa, chưa thấy có tài liệu nào phản đối suy nghĩ này của Nguyễn Đình Triêm. Bùi Hữu Nghĩa là tác giả của một vở tuồng nổi tiếng đã được công nhận đó là Tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên, việc ông viết thêm một kịch bản nữa cũng là điều dễ hiểu nên chúng tôi tạm xem đây là một vở kịch của người con Nam Bộ cho đến khi có ai đó đưa ra bằng chứng khác”.

Năm 2015 vở tuồng được hai nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Hiền Tâm dành thời gian, công sức phiên âm, chú thích, đề tên tác giả là Bùi Hữu Nghĩa. Tuy nhiên, theo Gs. Nguyễn Văn Sâm ông không phiên âm theo thứ tự, mà phiên âm tuỳ thích, hiện chúng tôi có hồi 1, 2, 3, 4, 68. Ngoài ra chúng tôi còn có bản phiên âm hồi một Tây du Đường Tăng cầu kinh ca truyện của nhà nghiên cứu Hán Nôm Hoàng Ngọc Cương, mã số: AV 493, 28 trang.

- Kim Thạch Kỳ Duyên. Là vở tuồng nổi tiếng của Bùi Hữu Nghĩa, được viết vào năm 1863. Vở tuồng này đón nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu trên nhiều phương diện phiên âm, phê bình, nghiên cứu. Kim Thạch Kỳ Duyên có số phận khá may mắn vì văn bản không bị thất lạc như nhiều kịch bản khác. Hiện tại, có 9 văn bản được tìm thấy như sau:

  1. Bản của Bùi Quang Nhơn (viết tắt là BQN): Tuồng Kim Thạch kỳ duyên, Imprimerie librairie Nouvelles Claude & Cie Sài Gòn, 1895.

  2. Bản Trung Bắc Tân Văn (viết tắt là TBTV): Tuồng Kim Thạch kỳ duyên, par Bui Quang Nghia dit Thủ Khoa Nghĩa annoté et publié par Thạnh Phát (Cần Thơ, Hà Nội), Imprimerie Du Trung Bắc Tân Văn, 1919.

  3. Bản An Hà ( viết tắt là AH): Tuồng Kim Thạch kỳ duyên par Bùi Quang Nghĩa dit Thủ khoa Nghĩa, Cần Thơ Imprimerie de I Ouest, nhà in An Hà, 1932

  4. Bản Thạnh Phát “(viết tắt là TP): Đây là bản gốc của nhà Trung Bắc Tân Văn

  5. Bản P.Midan (viết tắt là PM): Kim Thạch kỳ duyên (L Union Merveilleuse de Kim et de Thạch) in trong Bulletin de la Société des Etudes Indochinoise 1934, Sài Gòn.

  6. Bản chữ Quốc ngữ Kim Thạch kỳ duyên do giáo sư Trần Văn Hương và giáo sư Lê Ngọc Trụ khảo dị chú giải năm 1966.

  7. Bản chữ Quốc ngữ Kim Thạch kỳ duyên Huỳnh M n Đạt do tác giả Đặng Văn Ký phiên âm, giới thiệu năm 1975.

  8. Bản Bùi Hữu Nghĩa và Kim Thạch kỳ duyên do Nguyễn Q. Thắng phiên âm và khảo đính năm 1993.

  9. Bản Kim Thạch Kỳ Duyên do Nguyễn Hiền Tâm phiên âm, sơ chú tháng 1 năm 2013.

Ngoài ra còn có bản chép tay Kim Thạch kỳ duyên của Thư viện Sân khấu, Bộ Văn hoá Thông tin. Tại Thư viện Hoàng gia Vương quốc Anh, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng lưu trữ các bản Nôm của vở tuồng.

2.3. Loại khác

- Tuồng Trương Ngáo (tức Người đi đòi nợ Phật) là vở tuồng Nôm được khắc in Phật Trấn, Trung Quốc, năm 1878, được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Paris (Pháp). Đây là một bản tuồng hài Nam Bộ với những nhân vật bình thường trong xã hội, thể hiện những nhận thức của họ đối với đạo lý nhà Phật. Ngôn ngữ trong tuồng pha lẫn giữa ngôn ngữ của người Hoa ở vùng chợ Lớn với ngôn ngữ của Việt, thể hiện mối quan hệ giao lưu văn hoá, gần gũi giữa người Hoa với người bản địa. Năm 2006, tuồng được ông Nguyễn Văn Sâm phiên âm, chú giải và công bố bản điện tử trên namkyluctinh.org, 35 trang đánh máy. (cháu không hiểu cái này ạ).

- Tuồng Trần Bồ là một vở tuồng hài, một thể loại đặc trưng của vùng Nam Bộ. Bản chữ Nôm của vở tuồng đang được lưu trữ tại Thư viện Hoàng gia Vương quốc Anh, Viện Cổ học (1925), Thư viện Bảo Đại (1944). Tuồng được ông Đinh Thái Sơn, Nguyễn Khắc Huề, Bùi Quang Nho phiên âm in tại nhà in Phát Toán Imprimeur- Esditeur, Sài Gòn, năm 1907, 23 trang. Ngoài văn bản trên chúng tôi còn tìm thấy văn bản Trần Bồ của Lê Ngọc Cầu, Sài Gòn, 1980, 37 trang và bản của ông Hoàng Ngọc Cương phiên âm vào năm 2015.

- Tuồng Joseph. Đây là vở tuồng của Trương Minh Ký, diễn đầu tiên ở Chợ Lớn ngày 13 tháng 7 năm 1887, bản in của nhà hàng Rey et Curiol, Sài Gòn năm 1888. Đây là vở tuồng đầu tiên viết và in bằng chữ Quốc ngữ, đề tài Thiên Chúa giáo cũng rất xa lạ với đề tài truyền thống của hát bội. Nội dung chủ đề của vở tuồng là ở người ở hiền sẽ gặp lành. Mặc dù nhân vật được đặt tên theo Tây phương như Joseph, Jacob, Rachel … nhưng lại phản ánh các đặc trưng của xã hội, con người Việt Nam, đậm chất dân gian của văn hoá Việt. Văn bản tuồng này hiện được tìm thấy ở Thư viện Thông tin Khoa học Xã hội, 16 trang, kí hiệu: Q80 8/2; OCTO 22594.

- Tuồng Lục Vân Tiên

Tuồng Lục Vân Tiên do ông Huỳnh Văn Ngà, tự Long Ẩn, quê ở Trà Vinh vì có lòng mến mộ đối với thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đã dịch ra bổn tuồng này “tôi học hành không bao nhiêu mà thông chữ nghĩa. Song thấy thơ Vân Tiên hay lắm, nên dịch ra một bổn tuồng cho chư tôn nhàn lãm” (Theo lời tựa của bổn tuồng). Năm 1915, vở Tuồng Lục Vân Tiên đã được in lần thứ nhất với 2000 cuốn tại nhà xuất bản F – H Schneider Imprimeur – Editeur, 31 trang, hai hồi: Phụng sự mạng Vân Tiên hồi cố lý; Vâng lịnh cha Nguyệt Nga tới Hà Khê;Hớn Minh cứu người mà mang hoạ, Tiểu đồng nghe chúng phải bị tai. Trên trang bìa của vở tuồng có đề uyển thứ nhất, và ở trang cuối có viết: “Hãy xem cuốn thứ nhì”, tuy nhiên hiện nay chúng tôi chưa tìm thấy những cuốn tiếp theo. Vở tuồng được viết bằng chữ Quốc ngữ, dễ đọc, dễ hiểu, ngôn ngữ đời thường đậm chất Nam Bộ.

- Tuồng Lâm Sanh - Xuân Nương

Cũng như nhiều kịch bản tuồng khác, vấn đề tác giả của nó cũng còn nhiều tồn nghi. Cho rằng vở tuồng này do ông Tống Phước Phổ soạn là ý kiến của nhiều trang mạng và cũng là ý kiến của Giáo sư Hoàng Châu Ký viết trong Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 15A. Bên cạnh đó, trong cuốn Tuồng dân gian Thừa Thiên Huế, tác giả Tôn Thất Bình cho rằng Lâm Sanh – Xuân Nương là bản tuồng xuất xứ từ Huế. Nhưng trên An Hà Nhật Báo năm 1914 khi đăng kịch bản tuồng này lại đề tên tác giả là Huỳnh Văn Ngà (Trà Vinh). Đến năm 2007, ông Trần Xuân Hanh (Cà Mau) và ông Nguyễn Văn Sâm trong quá trình phiên âm, giới thiệu bản gốc chữ Nôm của vở tuồng này lại cho rằng vở tuồng đã xuất hiện vào thế kỷ XIX, và trong bản gốc đề nguyên tác là vô danh, gồm ba hồi, 81 trang. Cả hai ông đều khẳng định đây là một vở tuồng tiêu biểu của Nam Kỳ Lục tỉnh vì trong tác phẩm có sử dụng nhiều ngôn ngữ đặc trưng của vùng. Khi chúng tôi so sánh bản của ông Trần Xuân Hanh, N guyễn Văn Sâm với bản của ông Tôn Thất Bình thì thấy hai bản có vài chi tiết khác nhau. Chúng tôi sẽ bàn đến vấn đề tác giả của vở tuồng này ở những công trình tiếp theo. Vì vậy bản mà chúng tôi đề cập đến ở đây là bản của ông Trần Xuân Hanh.

Kết luận:

Phải thừa nhận mặc dù có nhiều vở tuồng được phiên âm, chú giải nhưng việc in ấn, giới thiệu chúng đến bạn đọc vẫn là nỗi trăn trở của nhiều học giả, những người có ước mong bảo tồn và giới thiệu kho báu nghệ thuật này. Dường như mọi người quan tâm nhiều đến các yếu tố trên sâu khấu hơn là các yếu tố đằng sau nó như là vấn đề kịch bản, rất khó để tìm các thông tin về những vở tuồng được chúng tôi liệt kê ở trên. Nam Bộ mặc dù được đánh giá là vùng đất phát triển mạnh về tuồng nhưng không có lấy một tuyển tập nào về kịch bản tuồng Nam Bộ trong khi đó ở miền Trung nhiều tuyển tập về tuồng đã được xuất bản như Tuyển tập Đào Tấn, Tuồng Huế, Tuồng dân gian Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh những vở tuồng đã được liệt kê ở trên thì tuồng Nam Bộ còn có nhiều vở tuồng để lại kí ức khó phai trong lòng người xem, được đề cập, giới thiệu trong một số tài liệu như tuồng Phong Ba Đình, Phấn Trang Lầu (1915) của Nguyễn Đình Chiêm; Ngọc Kỳ Lân xuất thế của Nguyễn Ngọc Cương; tuồng Mậu Tòng của Bùi Hữu Nghĩa; tuồng Ông Giacob và các con (1927), tuồng Tử linh, Tuồng Trần Trá Hôn, tuồng Nguyễn Trung Trực quy thần và nhiều vở tuồng hài khác mà chúng tôi chưa có cơ hội tiếp cận được văn bản hoặc chưa có điều kiện thống kê ở đây.

Hệ thống kịch bản tuồng mà chúng tôi muốn giới thiệu đến quý vị ở trên, mặc dù chưa đầy đủ nhưng qua đó phản ảnh được phần nào những đóng góp có giá trị nghệ thuật của mảnh đất Nam Kỳ đối với nền văn học Việt Nam. Tư liệu kịch bản tuồng là một tài sản quý giá, phản ánh đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, tâm tư, nguyện vọng của con người trong một thời kỳ lịch sử. Nghiên cứu những tư liệu này sẽ giúp chúng ta bảo tồn những giá trị của thời gian.

Tuy biết rằng, việc sưu tầm, tổng hợp và giới thiệu về kho báu tuồng Nam Bộ là một công việc lâu dài, cần sự góp sức của nhiều người và không tránh khỏi những sai lầm, thiếu sót trong bước đầu nghiên cứu, tìm hiểu nhưng chúng tôi vẫn muốn bước vào những thách thức này như là một bổn phận phải làm đối với việc giữ gìn, tiếp bước, phát huy những giá trị văn hoá của các bậc tiền nhân.

___________________________

CHÚ THÍCH:

[1] Sách đã dẫn, tr. 169.

[2] Sđd, tr. 169.

[3] Sđd, tr. 170.

[4] Sđd, tr. 36.

___________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Văn Chiêm (2007), Nghệ thuật sân khấu hát bội, Nxb Trẻ, TP. HCM.

  2. Bảo Định Giang, Ca Văn Thỉnh (1962), Thơ văn yêu nước Nam Bộ, Nxb Văn hóa, H.

  3. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (1998), Địa chí Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, tập 3 – Nghệ thuật, Nxb. Tp. HCM.

  4. Nguyễn Hữu Hiệp (1998), Tản mạn về hát bội ở miền Nam, Tạp chí Xưa nay (số đặc biệt); tr.46-47.

  5. Trần Văn Khải (1970), Nghệ thuật sân khấu Việt Nam: Hát bội, cải lương, thoại kịch, thú xem diễn kịch, S. Khai Trí.

  6. Hoàng Châu Ký (1973), Sơ khảo lịch sử nghệ thuật tuồng, Nxb Văn hoá, H.

  7. Hoàng Châu Ký (1994), Tồng tập Văn học Việt Nam (tập 15a), Nxb. Khoa học Xã hội.

  8. Nguyễn Tô Lan (2009), Sơ khảo văn bản Tuồng cổ hiện còn, Tạp chí Hán Nôm, số (92); Tr. 18-28.

  9. Nguyễn Lộc (chủ biên) (1998), Từ điển nghệ thuật hát bội Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, H.

  10. Đoàn Nồng (1943), Sự tích và nghệ thuật hát bộ, Nhà in Mai Lĩnh, Huế.

  11. Nguyễn Thị Nhung (1977), Nghệ thuật tuồng truyền thống Nam Bộ và những đặc điểm về phong cách, Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, số 2, H.

  12. Đinh Bằng Phi (2005), Nhìn về sân khấu hát bội Nam Bộ, Nxb Văn nghệ.

  13. Mịch Quang (1963), Tìm hiểu về nghệ thuật tuồng, Nxb Văn hoá Nghệ thuật.

  14. Nguyễn Thế (2005), Tuồng cổ chữ Nôm – di sản văn hoá Việt Nam, Tạp chí Thời đại mới, số 5, tr. 3.

  15. Xuân Yến (1994), Những vấn đề thẩm mỹ, đạo lý, xã hội trong tuồng cổ, Nxb Sân khấu.

___________________________

Thông tin tác giả:

  • ThS. Nguyễn Thị Huyền Trang

  • Đ/c: Khoa Việt Nam học, Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia TP. HCM.

  • ĐT: 0904 73 29 38/ 016 93 95 29 29

  • Email: trangnguyen.hsht@gmail.com