Võ Trường Toản, nhà giáo đề cao đạo đức

Đính chính một sự sai lầm:

Khi thu thập tài liệu để viết cuốn sách này, tôi theo văn bản của bài “Hoài Cổ Phú” có câu 22 như sau đây và đã chú thích “họ Hàn” theo nghĩa của chữ “ải Bắc” nơi trang 67:

Kể mấy thu đột xông ải Bắc, khen họ Hàn chói lói lòng đơn.
Mười chín năm dầm nhuốm trời sương, cám ông Võ phơ phơ đầu bạc.

Họ Hàn: Hàn Tín người Hoài Âm, là một danh tướng khai quốc nhà Tây Hán. Thủa hàn vi phải đi câu cá đổi gạo ăn, có khi không đủ, phải đi xin cơm bà Phiếu mẫu. Lúc nào Hàn Tín cũng đeo một thanh gươm bên mình, gặp thằng bán thịt ở chợ muốn làm nhục Hàn Tín, nói là nếu Hàn Tín muốn đi qua chợ hoặc là giết nó, hoặc phải luồn trôn mà qua. Hàn Tín nhịn nhục, luồn trôn kẻ bán thịt. Sau này nhờ có Trương Lương giới thiệu, Tiêu Hà và Hạ Hầu Anh tiến dẫn Hàn Tín với Hán Cao Tổ, lập được nhiều chiến công hiển hách, phá quân Sở bức tử Hạng Võ, giúp Cao Tổ thu phục sáu nước, lập nên nhà Hán. Sau khi thống nhất đất nước, vì Hàn Tín là tướng giỏi lập nhiều công lớn, Hán Cao Tổ sợ tài của Tín nên quyết trừ khử cho được.

Nhưng sau này khi sưu tầm được bài phú viết bằng chữ Nôm do ông Nguyễn Văn Y sưu tầm, câu đó là:

Kể mấy thu đột xông ải tuyết, khen họ Hàn chói lói lòng đơn.
Mười chín năm dầm nhuốm trời sương, cám ông Võ phơ phơ đầu bạc

Tuy nhiên, vì vô ý không đọc kỹ lại bản thảo để thấy sự khác biệt giữa chữ “ải Bắc”“ải tuyết” và điều quan trọng nhất là chữ
ải tuyết” đối với “trời sương” mới chỉnh, nên tôi đã vẫn giữ phần chú thích sai như trên. Nay xin được chú thích lại:

Họ Hàn: Hàn Dũ (768 - 824), thuộc đời Đường, sinh tại đất Hà Dương, Hà Nam, Trung Quốc (nay thuộc Mạnh Châu, tỉnh Hà Nam). Hàn Dũ là người tôn sùng Nho giáo, đả kích Phật giáo, vì cho rằng Phật giáo xoá bỏ nghĩa vua tôi, cha con, chồng vợ. Năm Nguyên Hòa thứ 14 (819), nhân việc Đường Hiến Tông cho rước xá lợi Phật vào cung để thờ, Hàn Dũ dâng biểu can gián, vua Hiến Tông cả giận hạ lệnh đem Hàn Dũ ra xử tử. May nhờ có các quan như Bùi Độ và Thôi Quần hết sức kêu xin, Hàn mới thoát khỏi tội chết, bị giáng chức xuống làm thứ sử ở Triều Châu, một nơi xa xôi hẻo lánh, khổ sở. Khi qua ải Lam (Lam quan) gặp trời tuyết ngựa không đi được, ông làm bài thơ “Tả thiên chí Lam Quan thị điệt tôn Tương”, trong đó có câu:

Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền

Mây ngang Tần Lĩnh, nhà đâu tá?
Tuyết phủ Lam Quan ngựa khó qua. (Bùi Khánh Đản dịch)

“Ải tuyết” trong Hoài Cổ Phú là nói về điển tích này.

Ngoài ra, xin quý độc giả xóa phần tham luận Chú thích “họ Hàn” trong bài “Hoài Cổ Phú” nơi trang 79-81. Xin thành thật cáo lỗi cùng quý độc giả về sự sơ xuất này.

Nguyễn Tuấn Khanh

