Đám tang Hồ Hữu Tường

Buổi chiều, nắng quái dị lay lắt. Tiếng máy xe Honda ầm ĩ. Chúng bước vô.

“Chị rảnh không?”

“Chi vậy?”

“Rảnh em chở chị đi thăm ông Hồ Hữu Tường.” Khùng điên gì đâu. Ông ta đang ở một trại tù nào, Xuyên Mộc, Hàm Tân, Long Khánh, hay xa lắc, Gia Trung. Mấy cậu còn trai trẻ, hoàn cảnh nào cũng đùa được.

“Em có đùa đâu. Ông ta đang ở nhà mà.”

“Ủa, được tha rồi sao?”

“Chưa. Nhưng chết.”

Chết. Đâu có gì đáng cho tôi ngạc nhiên. Như khi nghe tin anh Hoàng Vĩnh Lộc, anh Minh Đăng Khánh, anh Trần Việt Sơn, anh Nguyễn Mạnh Côn...

Không có anh Sỹ và các anh khác. Cũng không kịp thông báo. Ngồi lên yên sau, tôi nhờ cậu em đèo tới đó. Rồi công an, mật vụ, theo dõi, mượn cớ khó dễ thì sao? Mặc kệ. Thời buổi mà đi thăm người chết cũng là một trọng tội thì còn nói gì nữa.

Tới đầu con ngõ, sực nhớ thiếu một cái phong bì. Nhớ, quanh đây, có một nhà quen thân anh Nguyễn Chánh Lý. Tôi ghé. Quang đi vắng. Chỉ có người mẹ đang tụng kinh trên căn gác nhỏ. Cứ cắt ngang chầu kinh, hỏi xin cái phong bì. Bị gấp quá. Bà mẹ dừng tay chuông mõ, kiếm chiếc phong bì. Đưa, hỏi:

“Ai chết vậy?”

“Ông Hồ Hữu Tường, ngõ đối diện với bác đó.”

“Trời Phật ơi. Ông ta à? Làm sao mà chết? Đang ở tù mà chết. Ông ta... Gượm, cho tôi góp một thẻ hương thắp cho ông ta với. Giời đất ơi. Nam Mô A di Đà Phật...”

Tôi đi xuống căn gác, tiếng chuông mõ trên lầu vọng theo. Con ngõ đang đường thẳng thì nở phình ra. Căn nhà nhỏ dựa vào một trạm biến điện, có rạp che trước sân, dễ nhận. Bàn gỗ kê dài, ghế băng. Bình trà, chén nhựa. Khá đông. Những ai vậy? Không thấy mặt một người quen nào. Có tới mấy người đàn bà. Chưa mặc tang phục. Quan tài đặt giữa nhà. Chắc phải tới đó trước để đốt một nén nhang.

“Mời chị dùng nước.”

Ai đó nói. Giọng Chủng tiếp:

“Chị Nhã, bác gái ở đây này.”

Một bàn tay đặt lên vai, đưa lên nữa, vuốt tóc tôi.

“Nhã Ca đây hả? Chào cháu. Bác có biết cháu. Biết thôi, phải nhờ bác trai chết, mới nhìn thấy mặt cháu.”

Nhìn lên. Chưa bao giờ tôi thấy một người đàn bà đẹp như thế. Chưa bao giờ. Thật mà. Nhìn bà ta coi, dong dỏng cao, thanh tú. Còn nét mặt kìa, mắt sáng một cách kỳ lạ. Gò má cao, mắt mũi miệng cân bằng giữa sự hiểu biết, thông minh cùng nét lạnh lùng đến tàn nhẫn của sức chịu đựng. Chiếc phong bì trên tay sao bỗng ngượng nghịu quá.

“Đưa phong bì đây. Tốt. Tốt lắm.”

Dõng dạc bình tĩnh, mà còn đầy thân mật nữa.

Một cái ôm vai, xiết nhẹ. Lại quay sang trả lời câu thăm hỏi của người khách khác tới viếng. Lúc đó, tôi mới chợt nhận ra nhiều bộ mặt chìm nổi của công an, giả dạng đủ hạng người.

“Dạ, thưa... nhà tôi còn sống được từ trại tù, tới đầu con ngõ. Dạ thưa, tắt thở ngay đầu ngõ. Có kịp nhìn thấy nhà cửa không à? Dạ thưa, chẳng cần đâu, nhìn làm gì mọi thứ đã không còn như cũ... Vâng, thưa, lúc nhà tôi về tới nhà, chỉ có khoảng nơi trái tim còn hơi ấm...

Bà đưa tay lên.

“Dạ, tôi lấy kịp chút hơi ấm ấy. Dạ, nó vào hết đây.”

Miệng có méo xệch đi. Nước mắt có rơi?

Không. Vẫn khuôn mặt bình tĩnh, tuyệt đẹp.

Buổi sáng hôm sau, con ngõ mở ra đường Trần Quang Khải chật ních người. Tôi đứng chờ trước ngõ. Khi quan tài đi qua, dẫn đầu là anh Tuấn, hai tay bưng di ảnh ông bố. Bức di ảnh xung quanh như bị xóa sạch hết. Chỉ có khuôn mặt ông Hồ Hữu Tường ngước lên, với cái micro trước mặt. Ông ta nói gì với hư vô và hư vô đang nói gì với ông ta? Ô hay, đã tưởng là không khóc được nữa.

Chẳng nhớ bao lâu sau, có dịp ghé lại. Vẫn ngôi nhà xưa, cũ kỹ, điêu tàn, bề bộn hơn. Bưóc vào nhà, vắng ngắt. Nhà cửa ngổn ngang những bao gạo, thúng, gánh bỏ không. Gặp lại người con tên Tuấn.

“Xin lỗi. Tôi muốn thăm cụ bà.”

“Mời chị vào. Mẹ tôi có ở nhà.”

Bước vào, ngơ ngác.

“Bác đâu?”

“Mẹ tôi kia kìa, chị.”

Theo tay, nhìn lên. Bàn thờ giản dị. Trên cái tủ nhỏ, bên trong đồ đạc đã trống hốc, là hai bức ảnh, chung một bát hương. Bức ảnh bà cụ đã đứng tuổi, mắt sáng, đẹp, bên cạnh ảnh ông chồng nhà văn nghiêm trang. Mắt cả hai như đang nhìn tôi, mỉm cười.