Sài Gòn chuyện đời của phố: Khách sạn cổ nhất còn đến bây giờ

Trong cuốn Đông Dương ngày ấy (1898 - 1908), tác giả Claude Bourrin cho biết khi ông ngụ tại Continental vào năm 1898 thì Nhà hát Thành phố đang được xây dựng. Khách sạn Continental đã được khánh thành trước đó 9 năm.


Khách sạn Continental thời kỳ hưng thịnh thập niên 1930 - 1940. Ảnh tư liệu.


Từ năm 1907 - 1910 tầng dưới của khách sạn là nhà sách của F.H.Schneider. Ông Schneider là người sáng lập ra tờ Lục tỉnh tân văn (1907) do ông Trần Chánh Chiếu làm chủ bút.

Tác giả Horace Bleackley trong quyển A tour in southern Asia (1925 - 1926) viết về không khí khách sạn thời đó như sau: “Bữa ăn được phục vụ tại các bàn nhỏ, thắp sáng bởi các ngọn đèn thần tiên trên hàng hiên rộng được che phủ bởi cây cối của đường Catinat (nay là Đồng Khởi - NV), và từ chín giờ tối cho đến nửa đêm, cảnh tượng phảng phất như một nhà hàng tại Champs Élysées. Bên kia đường một nhóm ăn mặc bảnh bao bước ra từ hành lang của rạp chiếu bóng hàng đầu... và gia nhập bữa tiệc đêm tụ tập tại các chiếc bàn nhỏ trên vỉa hè đằng trước khách sạn. Một dòng xe và xích lô, chở đầy đàn ông và đàn bà ăn mặc nhẹ nhàng để đi hóng gió, lướt đi không ngừng dọc theo con đường. Có lẽ một cuộc khiêu vũ đang diễn ra trong phòng khách của khách sạn, quay mặt ra khoảnh sân vuông vức” (Ngô Bắc dịch).

Khách sạn trở thành nơi lui tới của những du khách danh tiếng, các nhà văn, nhà thám hiểm: André Malraux, Bodard, Jacques Laurent, James Jones... và sau này là các nhà báo nổi tiếng khác. Những năm trước 1945, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy lên Sài Gòn thường đến ngụ tại khách sạn Continental. Continental lúc đó đã là một biểu tượng của Sài Gòn.

Kể từ ngày khánh thành, khách sạn đã trải qua vài đời chủ cho đến năm 1930, con rể của Đốc phủ Mầu ở Mỹ Tho, Mathieu Franchini, người Pháp gốc đảo Corse, mua lại khách sạn Continental. Mathieu điều hành khách sạn trong suốt thập niên 1930 cho đến năm 1955. Vợ ông là bà Lê Thị Trọng, một phụ nữ có vẻ đẹp truyền thống, đã sinh cho chồng cậu con trai Philippe Franchini, sau này nối nghiệp cha mình làm chủ khách sạn trong những năm 1965 - 1975.

Theo người con Philippe Franchini viết trong cuốn sách của mình Continental Saigon, khi mới mua khách sạn, một người bạn của cha (Mathieu) đã nói với ông: “Mathieu, anh vừa mới tậu được lịch sử của Sài Gòn đấy!”. Có một số tài liệu cho rằng khách sạn là “của hồi môn” từ gia đình Đốc phủ Mầu khi con gái đi lấy chồng. Muốn xác định lại điều này, tháng 5.2017, qua sự giới thiệu của bà Loan de Fontbrune tại Paris (Pháp), tôi liên lạc được với ông Philippe Franchini và được ông trả lời về khoản tiền mua khách sạn như sau: “Khi cha tôi mua Continental với số tiền 155.000 piastre (tiền Đông Dương) thông qua một cuộc đấu giá, ông đang là đại lý của Hãng General Motors (chuyên sản xuất xe Chevrolet, Pontiac, Cadillac...). Đây là một khoản tiền trả góp khá lớn trong đó bao gồm chi phí cho những hạng mục cần sửa chữa. Ông ngoại tôi, Đốc phủ Lê Văn Mầu, đã giúp cha tôi một khoản vay mà sau đó cha tôi đã trả hết khi khách sạn hoạt động trở lại”.

Mua được khách sạn, Mathieu bắt tay vào việc sửa chữa và trang trí lại nó. Philippe kể trong sách về công việc của cha: “Chính Albertini, một tay trang hoàng người Corse, đảm trách công việc này. Gian phòng thông hàng hiên được chuyển đổi thành một nhà hàng cà phê lớn tiện nghi và thanh lịch, những chiếc cột hình trụ và những bức tường phủ lưới gỗ đan chéo nhau được sơn xanh lá cây, trần nhà được thắp sáng bằng những chiếc đèn áp tường miệng loe”.

Chắc hẳn bức tượng đồng Napoleon, một người cùng gốc đảo Corse như ông Mathieu Franchini được mua về trong thời gian này. Bức tượng hiện nay vẫn còn đặt ngay tại quầy nhận khách ở sảnh lớn của khách sạn.

Giữa thập niên 1950, nhà văn Anh Graham Greene đến ngụ ở khách sạn và viết cuốn sách Người Mỹ trầm lặng. Hiện nay, trước căn phòng 214 ông từng ở có gắn tấm bảng đồng ghi hàng chữ: The famous British writer, Graham Greene, stayed in this room when writing his novel “The quiet American”.