Nhà biên khảo Vy Thanh ấn hành: Ho Chi Minh, A Documentary Study


Nhà biên khảo Vy Thanh và tác phẩm “Ho Chi Minh: A Documentary Study.” (Photo PTH)


Bạn muốn tìm một tác phẩm nói đầy đủ về cuộc đời ông Hồ Chí Minh, người mang Chủ nghĩa Cộng sản vào Việt Nam, bằng tiếng Anh để hế hệ trẻ hải ngoại hiểu được vì sao bạn kinh sợ Chủ nghĩa CS và trở thành người tỵ nạn? Bạn muốn giải thích cho thế hệ trẻ về những thảm cảnh dân tộc đã trải qua dưới chế độ CS? Bạn muốn thế hệ trẻ đọc các hồ sơ mật bằng Anh văn về ông Hồ Chí Minh từ các văn khố an ninh của Nga, Trung Quốc, Pháp quốc… để biết về khuôn mặt thật của người khai sáng chế độ CSVN? Bạn muốn thế hệ trẻ đọc về ông Hồ với một số giấy tờ nêu nghi vấn ông thủ tiêu một số lãnh đạo CSVN thời kháng Pháp (như Hoàng Đình Giong) để giành quyền lãnh đạo, hay về chuyện Nguyễn Thị Minh Khai (vợ chính thức của Lê Hồng Phong) có đứa con gái với ông Hồ, hay về hồ sơ và hình ảnh nhân vật Thiếu Tá Hồ Quang có phải đã đóng thay ông Hồ sau khi Nguyễn Ái Quốc có tin đã chết… Có một tác phẩm nghiên cứu viết bằng tiếng Anh đi tìm câu trả lời cho bạn.

Tác phẩm “Ho Chi Minh: A Documentary Study” (sẽ viết tắt: HCMDS) viết bằng tiếng Anh của tác giả Vy Thanh – tức Giáo sư Nguyễn Văn Thùy, tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục tại Michigan State University năm 1970 – vừa ấn hành tuần qua, và dự kiến sẽ lưu hành qua mạng Amazon. Tác giả đã để ra nhiều tháng bay sang Paris, Moscow, Bắc Kinh để tìm các hồ sơ từ Văn Khố Pháp, Nga, Trung Quốc về các lãnh tụ CSVN thời sơ kỳ.

Tác phẩm dày 330 trang, chứa đựng nhiều hình ảnh chưa từng được phổ biến về ông Hồ, về những người liên hệ ông Hồ (kể cả các tình nhân, bạn gái), thẻ căn cước từ thời Pháp, các thủ bản lưu giữ trong các văn khố quốc tế…

Tất cả những người Việt trong nước đều đã quen với kỳ nghỉ lễ ngày 19 tháng 5 hàng năm là sinh nhật ông Hồ. Nhưng nơi trang bìa sách HCMDS là tấm hình an ninh Pháp quốc chụp từ “CARTE D’IDENTITÉ” trong đó có hình ông Hồ thời thanh niên, ghi tên là “Nguyên Ai – Quấc” và ngày sanh là “15 Janvier 1894” với sinh quán là Vinh, Annam. Địa chỉ lúc đó của ông Hồ ghi trong căn cước này là “6, villa des Gobelins, Paris 13e”…

Nghĩa là, ngày sanh 19 tháng 5 nhiều phần là dỏm… Và hàng năm dân VN vẫn theo lệnh Đảng CSVN tưng bừng nghỉ lễ 19/5 sinh nhật ông Hồ.

Nơi bìa sau của sách HCMDS có lời nhận định của Đại Tá Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ Andrew R. Finlayson (đã về hưu, và là tác giả tác phẩm “Rice Paddy Recon: A Marine Officer’s Second Tour in Vietnam, 1968-1970”) sau khi đọc bản thảo sách HCMDS của Vy Thanh:

“Tác giả đã đưa ra nhiều hồ sơ và hình ảnh mà tôi chưa từng nhìn thấy trước đây trong bất cứ sách nào về ông Hồ, và những hồ sơ này cho chúng ta thấy một câu chuyện thường không được giải thích minh bạch trong các sách trước giờ.”Trong các hình ảnh và hồ sơ tác giả Vy Thanh sưu tập về ông Hồ và ghi lại trong sách HCMDS từ nhiều văn khố và nhiều sưu tập cá nhân từ các nhà nghiên cứu khác. Trong đó có bộ sưu tập “Komintern I Vietnam (Comintern and Vietnam)” của Tiến sĩ Anatoll A. Sokolov từ Moscow (Nga), bộ sưu tập của Dimitri Baltermants (Ba Lan), hình ảnh sưu tập của John Florea, của Bùi Doãn Khanh, và bộ sưu tập riêng của chính tác giả.

Đặc biệt là nhiều hồ sơ và hình ảnh khó tìm về ông Hồ ở các văn khố Bibliothéque Nationale de France ở Paris, Archives Nationales D’outre-Mer ở Aix-en-Provence (Pháp), China Communist Party Archives ở Beijing (Trung Quốc), văn khố Cold War International History Project Wilson Center (Washington DC, Hoa Kỳ), và một số nơi khác.

Sách biên khảo HCMDS gồm 7 chương, trong đó:

Chương 1 là “Hồ Chi Minh’s Biodata” – các dữ kiện về ông Hồ, các ngày sinh, các tên sử dụng.

Chương 2 là “Hồ Chí Minh’s Revolutionary Itinerary” – Chặng đường cách mạng của ông Hồ, kể chuyện từ làng Kim Liên tới Phan Thiết, lên tàu hàng của Pháp làm phụ bếp, xin vào học trường thuộc địa ở Paris, đi sang New York (Hoa Kỳ, sang Moscow (Nga), đi tới Quảng Châu (Trung Quốc), bị bắt ở Hong Kong, các diễn tiến cho tới khi Việt Nam chia đôi, và rồi thảm sát Tết Mậu Thân 1968 ở Huế.

Chương 3 là “Who wrote the items in ‘The Complete Works’ of Hồ Chí Minh?” (Ai viết Hồ Chí Minh Toàn Tập?).

Chương 4 là “The Immediate and Long Term Results of Ho Chi Minh’s Policies in Vietnam” (Hậu Quả Tức Thì và Dài Hạn từ chính sách Hồ Chí Minh tại VN) – nêu ra các thời kỳ, từ kháng chiến chống Pháp, tới chống Mỹ can thiệp, cải cách ruộng đất 1953-1956, đàn áp Nhân Văn Giai Phẩm và các tiếng nói văn hóa, chính trị năm 1956.

Chương 5 là “Red Colonialism” (Chủ nghĩa Thực dân Đỏ) – ghi nhận về các trại lao động khổ sai, xóa sổ giới thương buôn, phong trào thuyền nhân, buôn bán phụ nữ Việt, hoàn cảnh trẻ em trong Cuộc Chiến VN.

Chương 6 là “Human Rights in Vietnam” (Nhân Quyền tại VN) – kể về các trận đàn áp nhân quyền tại VN.

Chương 7 là “The Indonechinese Communist Party” (Đảng Cộng Sản Đông Dương) – ghi nhận vị trí ông Hồ trong cương vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam; ghi nhận về nghi vấn ông Hồ gài cho ám sát Hoàng Đình Giong (Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng trong đại hội họp lần thứ nhất ở Macao, Trung Quôc tháng 3/1935; Chỉ huy trưởng bộ đội Nam Tiến trực tiếp đánh Pháp ở Mặt trận Sài Gòn – Gia Định; Khu Bộ Trưởng Khu 6 1947, bị phục kích chết); ghi nhận về nghi vấn ông Hồ có đứa con gái tên là Lê-Nguyễn Hồng Minh với Nguyễn Thị Minh Khai trong khi Minh Khai chính thức là vợ của Lê Hồng Phong.

Tác phẩm biên khảo HCMDS có nhiều hình ảnh làm chứng cứ cho các khảo sát của tác giả.

Như khi khảo sát về ngày sanh của ông Hồ Chí Minh, tác giả Vy Thanh trong sách chụp lại phóng ảnh các giấy tờ liên hệ về ngày sanh ông Hồ. Trong khi ngày 19 tháng 5 là ngày Đảng CSVN mừng sinh nhật ông Hồ, giấy tờ của văn khố Pháp và Nga ghi về các ngày sanh khác kèm hình chụp:

  • 15 tháng 2/1895.
  • 15 tháng 1/1894.
  • 1892 (giấy tờ không ghi ngày và tháng).
  • 1894.
  • 1900.
  • 1922.

Nghĩa là, theo tác giả Vy Thanh, có lẽ ông Hồ là lãnh đạo chính trị trên thế giới duy nhất có nhiều ngày sinh nhật nhất (HCMDS, trang 29).

Vy Thanh ghi nhận rằng ông Hồ dùng tên chính thức ghi trong sổ bộ Triều đình Huế tới 6 tên viết theo chữ Hán (Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Sinh Côn, Nguyễn Văn Thành, Lý Thụy) và 1 tên viết theo chữ Nôm (Nguyễn Bé Con).

Về bí danh và tên giả, tác giả ghi nhận ông Hồ dùng tới 100 tên gọi và bí danh.

Tuy nhiên, ly kỳ là tấm hình ở trang 51 được lưu giữ trong Văn Khố Đảng CS Trung Quốc ở Bắc Kinh, ghi rằng trong hai người trong ảnh, người bên phải là Hú Guàng (Hồ Quang), còn gọi là Hú Zhìmíng (Hồ Chí Minh), và người bên trái là Giáo sư Wén Zhuan chụp ở Huánán năm 1939. Trong hình này, ông Hồ Chí Minh (hay Hồ Quang?) chưa để râu như kiểu “Bác Hồ”… Hồ Quang nơi đây là Thiếu Tá Đệ Bát Lộ Quân… Cần nhắc rằng, nghi vấn trong cộng đồng người Việt từ lâu nay rằng nhân vật Hồ Chí Minh nguyênt thủy chết đã lâu, và người đóng vai ông Hồ chính là Thiếu tá Hồ Quang người Tàu… Trong tấm hình đen trắng ở trang 51 này, độc giả không thấy rõ vành tai Hồ Quang. Trong khi đó, tất cả các tấm hình ông Hồ đều cho thấy hai vàng tai dị tướng, một cái vểnh tròn, một cái vểnh gãy.

Khi độc giả đọc tới trang 51, nên dùng kính hiển vi để xem thử vành tai nhân vật Hồ Quang có giống hay khác với vành tai dị tướng trong hình ảnh ông Hồ (tức Nguyễn Ái Quốc) chụp nơi trang 57 của các năm 1920 và 1931, thời kỳ chưa thấy nhân vật Hồ Quang xuất hiện.

Và thêm rất nhiều sự kiện và chi tiết rất lạ khác được tác giả Vy Thanh ghi lại trong tác phẩm biên khảo “Ho Chi Minh: A Documentary Study” – một cuốn sách tiếng Anh cần có trong tủ sách cho giới trẻ gốc Việt để tìm hiểu về nhân vật đã làm cho ba mẹ các em phải lưu vong, rời bỏ quê hương.

Tác phẩm rất công phu, đặc biệt tác giả Vy Thanh dẫn tới kết luận rằng ông Hồ rời nước năm 1911 để tìm đường cứu nước, nhưng phá được ách thực dân trắng (người Pháp) lại đẩy Việt Nam vào ách nô lệ cho thực dân vàng (người Trung Hoa)… Nhận định này ghi nơi trang 283, kèm với các con số rất buồn.

Cần ghi nhận rằng tác giả Vy Thanh không xa lạ gì với người cộng sản, vì gia tộc ông chia làm hai đường quốc-cộng, và bản thân ông thời thiếu niên đã đi theo cậu vác gậy tầm vông vào bưng biền kháng chiến chống Pháp. Nhưng thức tỉnh sớm trước sự xâm nhập thống trị của CSVN, ông đã về thành và đi học lại ở Sài Gòn... Và rồi được du học Mỹ, tốt nghiệp Tiến sĩ ở Michigan State University năm 1970, trở về Việt Nam giảng dạy, thi hành lịnh động viên và được đưa về làm giáo sư ở Trường Võ bị Đà lạt. Sau đó được cử về xây dựng Viện Đại Học Cần Thơ, trong nhiệm vụ Tổng Thơ Ký Đại Học Cần Thơ. Miền Nam sụp đổ 1975, Giáo sư Vy Thanh Nguyễn Văn Thùy đi tù cải tạo, khi rời trại tù cộng sản là vượt biển, sang định cư ở Michagan, làm về nghiên cứu trong Lansing Community College, ở Lansing, Mich. cho tới ngày về hưu.

Cũng nên ghi nhận thêm rằng nhà nghiên cứu Vy Thanh khi còn là một cậu bé, đã được Chú Bình (còn gọi là Chú Út, được bà Nội tác giả thương nhứt) dẫn đi theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Và rồi trải qua nhiều chứng kiến đau lòng, khi cậu bé thấy một vài làng PG Hòa Hảo bị Việt Minh tàn sát. Rồi chuyện Việt Minh giết người, mổ bụng, dồn trấu để gây kinh hoàng cho dư luận. Rồi thủ tiêu bằng cho mò tôm. Rồi chứng kiến và được nghe kể về một số lãnh tụ kháng chiến bị ám sát, bắn chỉ một viên đạn vào gáy (nói kiểu Nam Bộ: một phát bắn vô ót). Gần như bất kỳ ai có thể có uy tín ngang ngửa ông Hồ đều bị ám sát như thế. Và chính lời các cận vệ trong đơn vị kể lại. Tác giả Vy Thanh học ở Trường Trung Học Kháng Chiến Nguyễn Văn Tố, chứng kiến một số lãnh tụ già lụ khụ tới trường dòm các nữ học sinh, bạn học của cậu, để tìm vợ trẻ, bất kể là họ đã có các bà vợ già còn để ở Bắc, Trung phần…

Tác giả Vy Thanh may mắn nhờ học giỏi nhứt trường Nguyễn Văn Tố, và nhờ được các lãnh tụ kháng chiến tin cậy, trong đó có Chú Bình gửi gấm, nhiều năm sau đã được VC làm giấy tờ giả để gài về Sài Gòn vừa đi học, vừa công tác thành. Tác giả Vy Thanh may mắn, được học bổng du học Mỹ, và lấy bằng Tiến Sĩ Giáo Dục. Từ đó, Vy Thanh trở thành người góp sức xây dựng nền giáo dục đại học Miền Nam. Nhưng lòng ông đau xót vì gia đình, bạn hữu, quyến thuộc đều chia đôi lập trường, nhìn đâu cũng thấy xôi đậu, và quyết định nghiên cứu về cội nguồn của Đảng CSVN.

Nhà nghiên cứu Vy Thanh như thế đã xuất bản 4 tác phẩm tiếng Việt và 1 tiếng Anh:

  • Lớn Lên Với Đất Nước (hồi ký về quân sự và chính trị của tác giả), ấn hành 2006.
  • KYTB, Lò Đào Tạo Cán Bộ Sách Động của Quốc Tế Cộng Sản, 2013.
  • Hồ Chí Minh Cứu Nước? (ấn bản tiếng Việt, được dịch và bổ túc để thành bản tiếng Anh HCMDS) 2015.
  • Trong Đồng Không Còn Nữa (về đời sống Miền Nam sau 1975), 2016.
  • Ho Chi Minh: A Documentary Study – mới ấn hành cuối tháng 7/2019, sẽ lưu hành trên Amazon.

Tìm mua các sách trên, cũng có thể liên lạc với tác giả qua email:

suthatthat.2013@gmail.com

hay:

vanthuy.gwynn@gmail.com