Nghệ sĩ bức xúc khi Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu “trượt” danh hiệu NSND

(NLĐO) - Nhiều nghệ sĩ gạo cội của sân khấu đã nêu ý kiến về trường hợp 3 NSƯT: Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu “trượt” danh hiệu NSND. Tất cả đều cho rằng chưa công tâm trong xét duyệt đối với 3 nghệ sĩ này.


Ba danh ca bị “trượt” danh hiệu NSND đợt này: Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu.


NSND Đoàn Dũng: “Tôi rất bất bình”

Khi thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức cho biết trong danh sách xét duyệt danh hiệu NSND đợt này không có tên NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu…, tôi rất bất bình vì cơ chế bầu chọn quá cũ đã làm tổn thương nghệ sĩ chân chính.

Theo thủ tục, cùng với việc đăng tải danh sách 77 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 303 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT đạt tỉ lệ phiếu đồng ý từ 90% tổng số thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước trên website của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, bộ cũng thông báo lấy ý kiến của nhân dân trước khi Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước hoàn thiện hồ sơ.


NSND Đoàn Dũng.


Tôi cho rằng thời gian đến hết ngày 11-7 quá ngắn, khán giả, công chúng xem sân khấu cải lương, kịch nói không phải ai cũng có thể tiếp cận với công nghệ để viết ra ý kiến của mình. Trên thực tế, sự bỏ phiếu để xét duyệt là không minh bạch. Vì sao không công khai ghi tên người bỏ phiếu vào đấy và thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình để bảo vệ lá phiếu là danh dự của bản thân. Tôi cho rằng 15 thành viên trong hội đồng không phải ai cũng am hiểu hết sự cống hiến của các nghệ sĩ thuộc nhiều lãnh vực. Tôi không đồng ý với cách trả lời hết sức vô cảm của ông Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Bộ VH-TT-DL khi cho rằng chẳng có điều gì nuối tiếc. Tôi chính thức đề nghị Bộ VH-TT-DL và Ban Thi đua khen thưởng Trung ương hãy xét duyệt lại trường hợp 3 nghệ sĩ gạo cội của sân khấu cải lương miền Nam. Họ quá xứng đáng và là bậc thầy trong ca diễn của bộ môn nghệ thuật đã tròn 100 tuổi.


NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương trao nhà tình thương của Sân khấu Vàng cho chị Nguyễn Thị Đẹp - hộ nông dân nghèo tại tỉnh Sóc Trăng.


NSND Lệ Thủy: “Đau lòng nghệ sĩ lắm!”

Tôi biết tin mà lòng rất buồn vì tôi và anh Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu đã đồng hành cùng nhau qua nhiều chặng đường thăng trầm của sân khấu cải lương. Năm nay, bộ môn nghệ thuật mà chúng tôi dành cả cuộc đời, tuổi thanh xuân để cống hiến đã tròn một thế kỷ, sự khen thưởng với danh hiệu cao quý của Đảng, nhà nước là niềm tự hào của người nghệ sĩ, nhưng hãy xét về quá trình lao động nghệ thuật, đừng xét về HCV, HCB đau lòng nghệ sĩ lắm. Như tâm sự của anh Minh Vương, tôi hiểu rõ hơn ai hết. Các hội diễn, liên hoan sau này phần nhiều trao giải cho cặp đào kép chánh trong một vở diễn từ cải lương đến kịch nói, chính vì thế các đoàn đưa vở đi thi, đã chọn mặt gửi vàng, chọn những diễn viên đủ sức để tỏa sáng và chắc chắn sẽ đem về HCV. Thì làm sao thế hệ nghệ sĩ có tuổi đời, tuổi nghề như chúng tôi lại đi dành vai với đàn em? Xét như thế thì không công bằng cho các anh Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu.


NSND Kim Cương.


NSND Kim Cương: “Đặc cách mà vẫn rớt thì quá vô lý”

Năm nay tôi nghe tin TP HCM đã có hội đồng xét duyệt, trong đó thoáng hơn về mặt đặc cách những trường hợp nghệ sĩ không có đủ HCV, HCB. Nghe vậy, tôi cũng vui trong lòng vì đã nhiều lần lên tiếng chung quanh vấn đề đong đếm huy chương để đủ chuẩn xét danh hiệu. Thú thật, khi các nghệ sĩ tiền bối của sân khấu phía Nam như: Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân, Bảy Nam, Năm Đồ, Thành Tôn… được trao danh hiệu NSND, chúng tôi tự hào lắm. Thời đó đâu có xét theo huy chương, mà có xét thì các vị nghệ sĩ tiền bối của chúng ta làm gì có huy chương để đủ chuẩn. Và hôm nay, 3 nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu đã được hội đồng cấp địa phương là TP HCM đặc cách giới thiệu thì việc xét tặng phải dựa theo tiêu chí đặc cách chứ?


NSƯT Kim Tử Long.


NSƯT Kim Tử Long “Ba danh ca đã là NSND trong lòng công chúng”Tôi nói về 3 danh ca bằng tấm lòng ngưỡng mộ của thế hệ nghệ sĩ trẻ trưởng thành sau năm 1975. Ba chú là tấm gương trong lao động nghệ thuật để thế hệ diễn viên trẻ chúng tôi học tập từ cách ca đến diễn xuất. Sự đóng góp của 3 nghệ sĩ này rất lớn trong việc giữ sự chuẩn mực của bài vọng cổ. Ba nghệ sĩ đúng là danh ca vì có cách thể hiện bài vọng cổ theo sáng tạo độc đáo của riêng mình. Trong diễn xuất, 3 chú đã có quá nhiều vai diễn để đời, toàn là nhân vật đỉnh cao như Minh Vương có các vai: Nguyễn Trãi (vở “Rạng ngọc Côn Sơn”), Minh (“Tô Ánh Nguyệt”), Luân (“Đời cô Lựu”)…; Thanh Tuấn có các nhân vật: Huy Bình (“Tìm lại cuộc đời”), A Khắc Chu Sa (“Người tình trên chiến trận”), Chu Văn An (“Nỗi lòng Chu Văn An”)…; Giang Châu có các vai: Trần Hùng (“Tìm lại cuộc đời”), Trùm Sò (“Ngao sò ốc hến”), Thừa (“Tiếng hò sông Hậu”)… Chưa kể đến công lao làm công tác từ thiện, công tác xã hội, cả 3 nghệ sĩ này đều đi tiên phong trong việc góp phần xây dựng nhà tình thương cho đồng bào nghèo thông qua chương trình “Sân khấu Vàng” từ năm 2007-2010 với hơn 35 căn nhà đã được trao tặng.


NSƯT MInh Vương, NSND Lệ Thủy trao quà cho nghệ sĩ lão thành tại Khu Dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM.