Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long

Chương 21: Philippe Vannier Nguyễn Văn Chấn (1762-1842)

Philippe Vannier Nguyễn Văn Chấn và Jean-Baptiste Chaigneau Nguyễn Văn Thắng là hai nhân vật đã ở lại Việt Nam lâu nhất, tới đầu đời Minh Mạng. Về hộ tịch của Vannier, André Salles, tìm thấy những chi tiết sau đây:

Philippe Vannier sinh ngày 6/2/1762, tại Locmariaquer (Morbihan), con Francois Vannier và Vincente Joannis. Tại Huế, ngày 12/11/1811, Vannier cưới cô Nguyễn Thị Sen (1791-1878), con một gia đình công giáo ở Phường Đúc [hay Thợ Đúc] gần Huế, do giám mục Véren [Labartette] làm lễ.

Có 7 con. 5 người sinh tại Huế, gồm: Philippe sinh ngày 23/6/1811 (con ngoại hôn, sinh trước đám cưới cha mẹ 5 tháng, sẽ ở lại Việt Nam, sau làm thông ngôn cho vua Minh Mạng. Ngày 17/3/1835, vua Minh Mạng gửi hai tàu đi mua bán ở Singapore, Pinang, Batavia, v.v. còn thấy Philippe làm việc trên tàu). Michel (1812-1889) sinh 12/10/1812. Magdeleine (1814-1902), 11/11/1814. Elisabeth, 9/11/1816. Marie (1822-1882), 17/12/1822. Gia đình trở về Pháp, cư ngụ ở Auray từ ngày 28/12/1825. Các con sinh tại Lorient: Adèle-Louise, 19/7/1827. Eugène-Auguste, 24/3/1831.

Vannier mất ngày 6/6/1842. Bà Nguyễn Thị Sen mất ngày 6/4/1878 tại Lorient.

Khi phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp, bà Nguyễn Thị Sen lên Paris yết kiến và dự lễ mừng sinh nhật vua Tự Đức (Documents Salles, Philippe Vannier, BAVH, 1935, cả cuốn II, t. 127, 129, 130, 131, 145, 153, 158).

clip_image002

Vannier đến Nam Hà

Người ta không biết rõ năm tháng và duyên cớ gì Vannier đến Nam Hà, những điều chính ông viết ra cũng mơ hồ, dường như ông có ý muốn giấu quá khứ của mình: có chỗ ông nói đã đến Nam Hà cùng với Félix Dayot (em J. M. Dayot) năm 1789. Có chỗ lại nói đi cùng với Bá Đa Lộc. Lá thư ông viết cho Bộ trưởng Nội vụ Pháp để xin học cho hai con, năm 1826, cho ta biết một số thông tin sai cũng như đúng về ông. Trong thư, ông tự xưng mình ở ngôi thứ ba (3e personne), có lẽ theo phép nhún nhường Đông phương. Thư không đề ngày, nhưng có thể đoán là viết năm 1826:

Auray…

Thưa ngài Bộ trưởng Nội vụ,

Philippe Vannier ở Auray, nhân viên Hải quân (employé de la Marine Militaire), sau khi dự những chiến dịch dưới lệnh ông Dorvilliers, và các chiến dịch năm 1779, 1780, 1781, dưới lệnh ông de Grasse; đã rời Pháp ngày 28/3/1788. Tới Pondichéry, kẻ tên Vannier (le Sieur Vannier), được Đức giám mục Bá Đa Lộc, Thượng Thư của vua Nam Hà, tuyển mộ, đi tới điểm đầu tiên trong chiến dịch Nam Hà. Họ [Cha Bá và Vannier] đi từ Pondichéry đến Sài Gòn, vùng nhà vua vừa chiếm lại. Nhà vua quen biết 14 sĩ quan và 80 người lính đến giúp ông dựng lại ngai vàng. Sau khi nước này bình an, những người Pháp ở lại lập thân. Tất cả đã qua đời, trừ hai kẻ tên Vannier và Chaigneau.

M. Vannier, từ lúc ấy, giữ một vai trò, càng thêm quan trọng vì ở cạnh vua và được thưởng chức quan cấp bậc đệ bát đẳng [tức Cai Đội], và được vua đặc biệt tin dùng. 34 năm ông ta vừa trải qua ở Nam Hà, đã dùng để làm tăng uy tín của nước Pháp đối với vị quân vương và thần dân của ông. Kẻ tên Vannier đã không uổng công hy sinh cả cuộc đời ở xa xứ như thế nếu y không có hy vọng kết nối mối quan hệ thương mại; rất có lợi cho hai vương quốc; và lại càng chắc chắn rằng các vua Nam Hà [sợ hay ghét; chữ này viết rồi gạch đi] không thể dung thứ người Anh.

Nhà vua già là bạn của người Pháp, đã mất, con ông nối ngôi, M. Vannier, sau khi cưới một người vợ Nam Hà có đạo, sinh được 6 đứa con, muốn cho gia đình đông con có một nền giáo dục Pháp và có đạo, nên đã xin phép vua mới [Minh Mạng] về Âu Châu, và đã được chấp thuận. Trước khi đi, nhà vua bảo phải hứa sẽ gửi con về lại Nam Hà, để chúng đem những kiến thức Âu Châu về, sẽ có ích cho nước ông và làm cho quan hệ thương mại giữa hai nước được dễ dàng.

Vua trước, chỉ biết có gia đình Bourbon, đã có lần nói với kẻ tên Vannier về người chinh phục Bonaparte mà ông so sánh với Timour và với… rằng ông chỉ thiết lập lại quan hệ với nước Pháp nếu dòng họ Bourbon trở lại ngai vàng.

Ông de Kergariou dưới thời Vương Chính Trùng Hưng [Restauration (1815-1830)] đến nước Nam [1817], được M. Vannier, nhân danh vua, tiếp; nhưng M. de Kergariou không được bệ kiến vua vì không đem theo đủ hình thức nghi lễ, không có uỷ nhiệm thư [của vua Pháp].

Trước khi mất, nhà vua đã bảo đảm sẽ gửi M. Vannier về Pháp, với một phái bộ ngoại giao, để cám ơn vua Louis XVIII [Louis XVI], ngày trước đã giúp ông khôi phục lại ngai vàng, với vài người Pháp, đếm trên đầu ngón tay, đã sang đây năm 1788.

Kẻ tên Vannier hy vọng rằng với những năm dài phụng sự ở Nam Hà, cộng thêm những nhiệm vụ đã làm trong hải quân [Pháp], xứng đáng được ngài Bộ Trưởng cấp cho con trai y, 14 tuổi, một chỗ học ở trường Ngôn ngữ Đông Phương [...] và con gái đầu lòng của y, 10 tuổi [thực ra 12 tuổi], một chỗ trong nội trú hoàng gia ở Ste-Denis…

Ký tên Vannier (Documents Salles, BAVH, 1935, II, t. 143-144)

Thư này Vannier viết với mục đích chính là xin học cho hai con, nên ông phải cố gắng trình bầy những thành tích của mình. Như chúng ta đã biết, đoạn ông “được Đức giám mục Bá Đa Lộc, Thượng Thư của vua Nam Hà, tuyển mộ, đi tới điểm đầu tiên trong chiến dịch Nam Hà. Họ đi từ Pondichéry đến Sài Gòn, là hoàn toàn sai. Nhưng phần còn lại có những chi tiết đáng chú ý:

- Ông xin về nước và được vua Minh Mạng cho phép. Việc này hoàn toàn khác với những điều được truyền tụng là vua Minh Mạng “bạc đãi, vô ơn, đuổi về”.

- Vannier cho biết: ông đã rời Pháp ngày 28/3/1788. Điều này chắc đúng.

- Vannier cho biết: “Nhà vua quen biết 14 sĩ quan và 80 người lính đến giúp ông dựng lại ngai vàng. Và “vài người Pháp, đếm trên đầu ngón tay, đã sang đây năm 1788. Điều này cũng phù hợp với lời Đức Chaigneau viết trong hồi ký, chắc theo lời thuật lại của cha: “Có 14 hay 15 sĩ quan đến giúp Gia Long” (Souvenirs de Huế, t. 18).

- Vannier nói đến sự kiện ông làm “nhân viên Hải quân (employé de la Marine Militaire) và thạm dự những chiến dịch dưới lệnh ông Dorvilliers, và các chiến dịch năm 1779, 1780, 1781, dưới lệnh ông de Grasse. Như vậy chứng tỏ Vannier đã vào hải quân từ năm 17 tuổi; và đến năm 26 tuổi, ngày 28/3/1788 mới rời Pháp. Các tài liệu khác không nói rõ vì lý do gì.

Vannier không thuộc diện đào ngũ, người ta cũng không biết rõ lý do tại sao ông sang Nam Hà.

Nhưng Grimault de Lanoé, một hậu duệ, sau khi xin phép cải chính năm sang Nam Hà của “ông cố” [mon aïeul] đã kể: “Philippe Vannier, sĩ quan thuỷ quân hoàng gia, năm 1786 làm chứng trong một cuộc đấu (súng, gươm) giữa hai sĩ quan thuỷ quân; nhưng người mà ông cố tôi làm chứng không đến, ông cố bèn thay thế, giết địch thủ, bị kết án tử hình, vượt ngục và chạy sang nước Nam, năm 1786” (thư Grimault de Lanoé viết ở Lannion ngày 18/1/1921, trả lời thư André Salles hỏi lý do tại sao Vannier sang Việt Nam, Documents Salles, Philippe Vannier, BAVH, 1935, II, t. 169). Tóm lại, Grimault de Lanoé xác nhận rằng “ông cố” sang “Nam Hà” (có lẽ muốn nói là Ấn Độ) từ năm 1786, vì trốn tội tử hình. Sau đó mới lưu lạc sang Nam Hà. Ngoài ra, trong lá thư gửi Bộ trưởng Nội vụ trên đây, Vannier cũng kể rất mơ hồ về việc sang Nam Hà, và ông chỉ nhận mình là “nhân viên” (employé) trên tàu, chứ không nói là “sĩ quan”, điều này phù hợp với trình độ Pháp ngữ của ông và giải thích tại sao Vannier không có tên trong danh sách binh lính đào ngũ.

Chức vụ của Vannier ở Nam Hà

Vannier là người lớn tuổi nhất trong số những người đến giúp vua Gia Long, đi biển ở tuổi 17; Chaigneau đi biển từ tuổi 12. Do đó, họ là hai thuỷ thủ rành nghề biển hơn cả. Không thể xác định rõ ngày Vannier đến Nam Hà, nên chúng tôi dựa vào chứng từ đầu tiên, đó là văn bằng Cai đội, vua cấp cho Vannier ngày 27/6/1790, sau đây:

Hoàng Thượng biết rằng thân [le sieur] Philippe Vannier, quốc tịch Pháp, đã tỏ lòng nhiệt thành làm nhân viên trong thuỷ quân [Pháp], và đã không quản ngại cả sự xa cách, lẫn sự khác biệt tiếng nói, đến phụng sự nơi đây. Hoàng thượng tin vào khả năng của y, xét thấy xứng đáng được cấp, và với văn bằng này, cấp cho chức Cai đội Chấn Thanh Hầu, giao cho quản một trong những tàu của hoàng thượng là tàu Đồng Nai, dưới quyền điều khiển của Jean-Marie Dagot [Dayot], chỉ huy phân khu có tàu này. Phải cẩn thận tuân mọi lệnh của Dagot, và trong mọi trường hợp phải làm gương tận tụy phục vụ công vụ của Hoàng thượng.

Nếu vì phạm lỗi, không làm tròn nhiệm vụ được giao phó, hoặc coi thường những bổn phận của chức vụ, thì sẽ bị trừng phạt theo luật pháp.

Ngày 15, tuần trăng thứ năm, năm 51, đời Cảnh Hưng (27/6/1790) (Louvet, I, t. 535).

Vannier được nhận chức Cai đội tháng 6/1790 cùng với một số người khác. Ta nên chú ý rằng: Vannier có lẽ là một trong những người hiếm hoi đã không khai man: ông chỉ khai là “nhân viên” (employé) trên tàu Pháp.

Vannier phải tuân lệnh Dayot, quản chiếc tàu Đồng Nai, không biết trong bao lâu, vì, theo Liệt Truyện viết về Trần Văn Học, thì: “Năm Canh Tuất [1790], đắp thành Gia Định, Học nêu đo phân đất và các ngả đường, rồi cùng người Tây là bọn Nguyễn Chấn [Vannier] trông coi chiếc thuyền lớn bọc đồng, theo quan quân đánh giặc. Năm Nhâm Tý [1792], làm đồn Mỹ Tho… (LT, II, t. 282). Như vậy, có thể hiểu, trong hai năm, từ 1790 đến 1792, Vannier đã được bổ cùng với Trần Văn Học điều khiển thuyền đồng đi đánh trận, rồi sau đó Trần Văn Học tiếp tục vẽ bản đồ các thành phố khác, như Mỹ Tho, và Vannier có thể vẫn tiếp tục trông coi thuyền, tàu đồng.

Trận Thị Nại tháng 7-8/ 1792

Vannier có tham dự trận Thị Nại 1792 không?

Theo Thục Lục, thì trong trận này: “Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Văn Thành đi thuyền Long và thuyền Phụng đánh thẳng vào”. Vậy rất có thể Trần Văn Học và Vannier cũng có mặt, tuy nhiên đó chỉ là giả thuyết, hiện chúng tôi chưa có đủ tài liệu để xác định. Còn những người cho rằng Vannier dự trận này trong ê-kíp Dayot là sai. Bởi vì Dayot, từ tháng 6/1792, sau vụ thậm lạm ngân quỹ, vua không cho đi ngoại quốc mua bán nữa, chuyển sang làm vận tải; và trận Thị Nại 1792 -như chúng tôi đã chứng minh trong chương 16, viết về Dayot- đánh chớp nhoáng có 10 ngày, chỉ gửi các đội cảm tử, họ được lệnh đem lương theo, vua không chỉ định quan tải lương. Như vậy, Dayot không thể dự trận Thị Nại 1792.

Đến khi Gia Long đánh Quy Nhơn lần thứ nhất, tháng 5-6/1793; đây là một chiến dịch lớn và lâu, chắc chắn Dayot phải tham dự vì Dayot ở trong đội tải lương, nhưng không biết Vannier có còn ở dưới quyền Dayot nữa hay không. Lá thư của giáo sĩ Le Labousse viết cho M. Boiret, từ Sài Gòn ngày 26/6/1793, đoạn cuối có câu:

Nhà vua vừa thống lĩnh đại binh thủy bộ đi đánh Quy Nhơn, thủ đô của Nhạc mà người ta gọi là Hoàng Đế. Các ông Dayot quê Rhedon và Vannier quê ở Auray cũng đi với tàu của họ. Ông Olivier quê ở Carpendras cũng đi với quân của ông ấy và vài người Âu trong bộ binh. Đức Giám Mục chưa nhận được tin gì của vua…” (Cadière, Doc. Rel. t. 28-29).

Có lẽ đó là thông tin duy nhất về Vannier trong chiến dịch Quy Nhơn 1793; không biết Vannier đi trong đội ngũ nào: đội tải lương của Dayot, hay đội thuyền đồng?

Chính thức quản tàu Long Phi từ năm 1800

Về phần Vannier, từ đó cho đến năm 1800, chúng tôi không tìm được tin tức gì thêm. Không biết ông làm những việc gì. Bẩy năm sau, mới thấy ông xuất hiện lại, cùng hai người Pháp, cai quản ba chiếc tàu đồng. Thực Lục việc tháng 2-3/1800, ghi:

Sai Khâm sai thuộc nội Cai đội Nguyễn Văn Chấn quản tàu đại hiệu Phượng Phi, Nguyễn Văn Thắng quản tàu đại hiệu Long Phi, Lê Văn Lăng quản tàu đại hiệu Bằng Phi, theo Trung quân sai phái đánh giặc (bọn Chấn đều là người Phú Lang Sa)” (TL, I, t. 407).

Và một năm sau nữa, Thực Lục ghi việc tháng 3/1801: “Sai Nguyễn Văn Trương điều bát thuỷ quân tiến ra Quảng Ngãi, Quảng Nam đánh giặc [...] các chúa tàu hiệu Long Phi, Phượng Phi, Bằng Phi, là bọn Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Thắng, Lê Văn Lăng đều thuộc quyền” (TL, I, t. 432).

Như vậy, trong suốt thời gian Gia Long xuất quân từ Gia Định tháng 4-5/1800, để giải vây Bình Định, đến khi toàn thắng, cuối năm 1802, ba người Pháp này đều dự các cuộc hành quân, khi hộ vệ vua, khi đánh trận, khi tải lương; là ba người cuối cùng đã đi theo đến khi Gia Long thống nhất đất nước, vì lẽ đó mà họ đã được lên chức và trọng đãi suốt đời.

Vannier được lên chức Cai Cơ

Tuy nhiên phải công nhận Vannier lên chức rất chậm, có lẽ vì không phải xông pha, không lập được chiến công. Nhận chức cai đội từ tháng 6/1790, mãi 11 năm sau, khi chiếm được Phú Xuân tháng 6/1801, trong dịp thăng chức các tướng sĩ, Vannier cũng được thăng chức Cai Cơ, cùng với các bạn. Thực Lục việc tháng 7/1801 ghi:

Cho Khâm sai Thuộc nội Cai đội Nguyễn Văn Thắng [Chaigneau], Nguyễn Văn Chấn [Vannier] và Lê Văn Lăng [de Forçanz] làm Khâm sai Thuộc nội Cai cơ, vẫn quản các thuyền hiệu Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi” (TL, II, t. 451).

Vannier lên chức Chưởng Cơ

Sau khi thống nhất đất nước, Gia Long khen thưởng toàn bộ quân đội, và lần này cả ba người Pháp được lên chức Chưởng Cơ. Đây là văn bằng của Vannier:

Trung quân, Chánh quản, Phụng phi đồng tàu, quản chiếc tàu đồng trang trí chim phượng giương cánh.

Khâm sai Thuộc-nội Cai- cơ, thân Nguyễn Văn Chấn, đã từng vượt biển, chế ngự ba đào, cho rồng mây gặp hội; quản chế chiếc tàu như người cầm cương ngựa, tuyệt hảo thống trị bằng công trạng lớn lao.

Vậy nay truyền tưởng thưởng và tăng chức lên hàng Chánh quản Phụng phi đồng tàu.

Khâm Sai Thuộc nội Chưởng Cơ Chấn Võ Hầu

Cai quản tàu và thi hành mệnh lệnh của thuỷ quân

Với đức độ, nghiêm chính và kỷ luật, sáng trí mau lẹ thi hành mệnh lệnh

Phải tăng tiến trong chiến công và giữ vững chức vụ

Như vậy danh tiếng mới không khỏi bị chôn vùi

Văn bằng này phải được tôn trọng

Gia Long, năm thứ nhất, tháng thứ 11, ngày thứ 12 [6/12/1802]”

(Dịch lại bản dịch của Salles, Documents Salles, Philippe Vannier, BAVH, 1935, II, t. 181)

Vannier giải thích tại sao không trở về Pháp

Sau khi hoà bình trở lại, tại sao Vannier không hồi hương?

Trong một lá thư viết từ Huế ngày 21/8/1805 không rõ tên người nhận, Vannier cho biết:

Chúng tôi đã chiếm được Bắc Hà, bắt được người cầm đầu quân giặc, và đã xử tử, nên tất cả đều bình yên…

… Tôi định quay về Âu Châu sau khi vua chiến thắng, nhưng cuộc chiến giữa Anh và Pháp gây trở ngại, khiến tôi bắt buộc phải ở lại chờ dịp thuận tiện hơn, vì không muốn của cải của mình rơi vào sự rủi ro của chiến tranh. Ngoài ra tôi thích hợp với nước này; được hưởng ân huệ của vua và rất được trọng nể. Mặc dầu có những lợi điểm như thế, nhưng tôi vẫn không ngừng nhớ đến quê hương, tới gia đình và bè bạn cũ. Đã 18 năm qua tôi không nhận được tin tức gia đình. Nếu anh cho tôi biết tin thì thực quý lắm; bởi vì tài sản của tôi rất lớn lao, có thể giúp đỡ nếu gia đình tôi bị thiếu thốn, nếu như tôi nhận được tin tức của họ thì tôi đã gửi qua Hội truyền giáo rồi. Anh có thể chuyển thư cho tôi qua những tàu Trung Hoa, bằng cách gửi cho cha Marquini, Quản thủ hội truyền giáo ở Macao; hay tới địa chỉ anh Dayot, nhà buôn ở Manille. Đó là một cách anh giúp người bạn cũ, và tôi sẽ không quên được. Vannier

(Tài liệu văn khố Ngoại giao, do H. Cordier sưu tầm, Taboulet chép lại, I, t. 262-263)

Vannier được thăng chức dưới triều Minh Mạng

Trái với tất cả những lời đồn về sự “vô ơn, bạc đãi, đuổi về” của vua Minh Mạng, sau đây là văn bằng thăng chức cho Vannier của Minh Mạng năm 1924:

Chánh quản Phụng phi đồng tàu, Chưởng-Cơ, thân Nguyễn Văn Chấn, là kẻ hiền, biết lựa nơi thụ mộc, đến nước ta và tuân thủ luật lệ ở đây như cây hướng dương thân mềm dẻo, tự do như cá trong hồ, đã đi ngàn vạn dặm. Sau khi bình định miền Tây [Nam Hà], đã đi khắp các biển bằng tàu y cai quản. Chiến đấu ở đâu, y cũng là kẻ mạnh nhất. Vì những công trạng này, truyền cho y một đặc ân mới nữa:

Trẫm cho y lên chức Chưởng Cơ

Gia-Nhứt-Cấp

Chấn Thành Hầu

Cần phải chu đáo hơn nữa, luôn luôn thi hành mệnh lệnh của trẫm; luôn lôn cố gắng để được hưởng ân huệ và vinh quang.

Triều Minh Mạng, năm thứ 5, tháng thứ 8, ngày thứ 19 [11/10/1824] (Documents Salles, t. 182).

Khác với Chaigneau, có vẻ bất mãn ngay từ năm 1807, Vannier dường như đã thực sự bằng lòng với cuộc sống mũ áo cân đai được trọng đãi của triều đình, có thể cho đến cuối đời, nếu không xảy ra biến cố tàu Cybère của Pháp do thuyền trưởng Kergariou điều khiển, cập bến Đà Nẵng ngày 30/12/1817.

Trong chuyến đi Á Châu này, Kergariou có phận sự ghé lại Đà Nẵng nhờ Chaigneau và Vannier vận động xin yết kiến vua Gia Long, dâng phẩm vật, để tiến tới một thỏa hiệp thương mại, sau 30 năm không có sự giao thương chính thức giữa hai nước. Sứ bộ ngoại giao sau cùng của chính phủ Pháp gửi tới Nam Hà, xảy ra dưới triều Võ Vương Nguyễn Phước Khoát.

Năm 1748, bộ trưởng hải quân Pháp Maurepas và công ty Pháp Ấn, giao cho Pierre Poivre một nhiệm vụ chính trị và kinh tế với nước Nam. Poivre đến cửa biển Đà Nẵng, ngạc nhiên trước vẻ đẹp của vịnh này và hiện tượng người Hoa buôn bán sầm uất ở Hội An. Poivre được chúa Võ Vương tiếp và đạt được một thoả ước cho phép người Pháp đến buôn bán và mở một thương điếm ở Hội An. Nhưng công ty Pháp Ấn gặp khó khăn và bị đóng cửa khiến thoả ước này không thực hiện được. (Joinville, La Mission de la Cybèle en Extrême-Orient (1817-1818), Introduction, t. X). Kergariou là sứ giả đầu tiên được vua Pháp gửi đến, sau Poivre, tuy nhiên các tàu Pháp vẫn không ngừng vào cửa biển Việt Nam để buôn bán mà không gặp trở ngại gì.

Vua Gia Long không tiếp Kergariou. Lấy cớ là ông ta không mang theo Ủy nhiệm thư của vua Pháp. Đó là lý do chính thức, chiếu luật triều Nguyễn, áp dụng cho tất cả các tàu ngoại quốc, Anh, Pháp hay các nước khác. Từ khi còn chiến tranh với Tây Sơn, Gia Long cũng đã nhiều lần từ chối không tiếp đại diện Anh mang lễ vật đến. Và đối với Pháp, ông cũng không dành riêng cho một biệt lệ nào. Minh Mạng cũng sẽ áp dụng đúng đường lối của cha.

Vấn đề này nằm trong chính sách ngoại giao của Gia Long, sở dĩ ông không nhận đại diện Anh, Pháp, bởi vì, trong những điều ước xin thông thương của họ, thể nào cũng có điều xin một mảnh đất làm nơi xây dựng bản doanh, cơ sở. Ví dụ người Anh xin Cù Lao Chàm, vùng đất chiến lược mà Barrow đã tìm ra. Pháp cũng đòi các cửa bể như Hội An, Đà Nẵng. Làm sao qua mắt được Gia Long hậu ý đó. Cho nên, Gia Long từ chối không tiếp sứ giả. Ông giao việc này cho Vannier quản lý. Đối với chính phủ Pháp, đó là một thất bại của Vannier. Chính phủ Pháp sẽ còn thấy những thất bại sau này của cả Chaigneau lẫn Vannier, khi Chaigneau về Pháp rồi trở lại với tư cách lãnh sự Pháp nhưng không được vua Minh Mạng chấp nhận. Tất cả nhũng thất bại liên tiếp này tứ năm 1817 trở đi, đã khiến Vannier và Chaigneau có những lời lẽ cay đắng oán hờn các vua, trong những thư viết sau này. Chúng tôi sẽ nói rõ hơn trong phần viết về Chaigneau.

*

Câu chuyện Vannier liên quan tới nước Việt, không chỉ ở điểm người lính Pháp này, đến đây, đã phụng sự Gia Long mộc cách trung thành và những điều ông viết khá là trung thực; mà còn ở gia đình ông, một gia đình Pháp-Việt, khiến chúng ta có mối quan tâm sâu sắc hơn. André Salles đã có công sưu tầm nhiều hình ảnh gia đình Vannier, khiến chúng ta có thể nhìn thấy diện mạo của họ trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH), 1935, II.

Một mặt khác, trong BAVH, 1916, III, Nguyễn Đình Hoè, giám đốc trường Hậu Bổ, tìm dịch được một đoạn hồi ký của Phạm Phú Thứ viết về chuyến đi Pháp với phái đoàn Phan Thanh Giản, trong đó, ông thuật lại chuyện bà Vannier Nguyễn Thị Sen đến thăm phái đoàn, mà chúng tôi dịch lại sang tiếng Việt sau đây.

Phạm Phú Thứ kể lại việc bà Nguyễn Thị Sen đến thăm phái đoàn Phan Thanh Giản ở Paris

Nguyễn Đình Hoè cho biết:

Tình cờ đọc sách; tôi rơi vào cuốn 2, tập Nhật ký của Phạm Phú Thứ, vị đại thần có mặt trong phái đoàn do Ngài Phan Thanh Giản cầm đầu, được vua Tự Đức gửi đi năm thứ 16 của triều đại [1863]. Những đoạn sau đây tường thuật lại việc gặp gỡ ở Paris giữa các vị sứ giả với Michel Đức Chaigneau, với bà Vannier cùng con trai và con gái của bà:

Ngày 12 tháng 8 năm thứ 16 đời Tự Đức (24/9/1863), vào giờ Tỵ (giữa 9 và 11 giờ), một người Pháp đến trình diện tại khách sạn của phái đoàn chúng tôi, M. Nguyễn Văn Đức, con trai cựu thuyền trưởng tàu Long Phi, M. Nguyễn Văn Thắng, tiếng Pháp là Sa-nhô (Chaigneau).

Ông này nói với chúng tôi là ông đã trở về Pháp với cha được 37 năm, và cách đây khoảng 20 năm, đã có dịp gặp ba đồng bào ta (Đó là Tôn Thất Thưởng, Trần Viết Xưởng và người thông ngôn Võ Dõng, từ Singapore đến Pháp, trong năm Minh Mạng thứ 21, 1840). Ông ta 58 tuổi và những kỷ niệm của ông về nước Nam còn rõ lắm, nhưng ông nói thêm rằng ông rất yếu, và vì sức khoẻ kém không cho phép ông đi xa. Nếu chỉ nghe theo ý mình, ông đã muốn, đến chào ngay khi nghe tin chúng tôi đến, ông còn chậm trễ chần chờ vì sợ bị buộc tội là tò mò, ông mong rằng thái độ của ông không bị xuyên tạc.

clip_image004

Chúng tôi hỏi ông ở đâu và làm gì. Ông trả lời: Tôi về Pháp với cha tôi cùng với cựu thuyền trưởng Nguyễn Văn Chấn, tất cả chúng tôi đều về sống ở Lorient, thành phố bến cảng. Cha tôi mất 11 năm sau. Sau đó tôi dọn đến E-Sơ-Mông [Ermont?] và hiện nay tôi làm tham tá [commis] hay biên tập viên [rédacteur] ở văn phòng Giám đốc Ngân Khố Paris. Uống trà xong, ông ra về.

Chiều tối ngày 23 (5/10/1863), bà Nguyễn Thị Sen, vợ cựu thuyền trưởng tàu Phượng Phi Nguyễn Văn Chấn, đến ra mắt chúng tôi ở khách sạn. Bà đi cùng với cô con gái Marie. Cả hai cùng ở Lorient lên. Khoảng 10 ngày trước, bà Sen đã viết thư cho ông Hà Bá Lý, biết phái đoàn đã đến, bà rất hân hạnh được trình diện với phái đoàn. Ngay khi nhận được thư trả lời, bà cùng con gái lấy tàu lên Paris và ở khách sạn. Vừa vào tới nơi, mắt dưng dưng lệ, bà nói với chúng tôi: bà đến Pháp với chồng từ 37 năm nay. Đếm theo kiểu Tây, bà bảo bà 75 tuổi rưỡi. Bà nói: Nhà tôi vẫn hứa là sẽ trở lại nước Nam, nhưng ôi thôi, ông ấy đã mất rồi chúng tôi không còn cái hạnh phúc ấy nữa. Bà thấy mình đã yếu quá rồi, và hơn nữa, các con muốn giữ bà ở lại Pháp, bà không còn dám hy vọng đến chuyến về hết lòng mong đợi nữa. Bà có ba con trai và bảy con gái. Chỉ một người con trai cho bà một đứa cháu nội, hiện nó đang ở nước Nam với những sị quan hay công chức Pháp, năm nay nó 20 tuổi. Hai người con gái của bà đã lấy chồng, nhưng chỉ có Marie, về Pháp lúc 2 tuổi, năm nay 39 tuổi, là có 1 đứa con trai, 17 tuổi, đang đi học.

Hôm nay được các sứ thần, là đồng bào, tiếp, bà nói mình là người sung sướng nhất trên đời. Bà chắp tay cao lên trán để chúc mừng Hoàng đế vạn tuế. Bà bảo: Dưới thời các vua Gia Long, Minh Mạng, nhà tôi và tôi, đã được các Chúa Thượng ban áo đại trào, cho văn bằng và chúng tôi kính cẩn tôn thờ cất giữ, để kỷ niệm nước Nam tôi. Trong lúc uống trà, bà còn cho biết bà người Phường Đúc (khu thợ rèn) [chú thích của Nguyễn Đình Hoè: Khu công giáo Thợ Đúc, ở cạnh Les Arènes, trên đất của làng Dương Xuân, gợi lại tên Phường Đúc] ở đó còn cha bà là Nguyễn Văn Dõng và các anh/em bà: Nguyễn Văn Hương, Nguyễn Văn Hữu, Nguyễn Văn Tảng, người sau cùng là Cai đội, trong đội tả quân thuỷ binh; nhưng từ lâu lắm rồi, bà không có tin tức của tất cả gia đình. Bà hỏi trong đám nhân viên của phái đoàn có ai quen biết gia đình bà; Tạ Huệ Kế và Ngô Văn Nhuận trả lời lấp lửng câu hỏi này.

Rồi bà kể cho chúng tôi nghe cách đây 20 năm, có hai đồng bào ta, tên là Liễu (Tôn Thất Thưởng) và Dõng, có nhiệm vụ đi Pháp, đã được chồng bà và bà tiếp, và ông bà đã vô cùng sung sướng được dịp nói về những điều êm dịu trong lòng, những kỷ niệm nơi bà sinh ra đời. Bà hỏi hai người này còn sống không. Chúng tôi trình bầy với bà rằng, những người này, năm Minh Mạng thứ 21 (1840), không có nhiệm vụ chính thức nào, họ chỉ là những đại diện thương mại đi dịch vụ bình thường thôi.

Bà thực tình cảm động khi nhớ lại, đã đi Pháp lâu như thế, bà không còn nói thạo tiếng Việt. Câu chuyện có chút khó khăn, trước mặt cô con gái Marie, thỉnh thoảng cũng biết một vài câu, chữ, nhưng nhất là nhờ các ông Hà Bá Lý và Lý Nại A, cả hai, cũng rất thích cuộc truyện trò lý thú này. Sau đó bà Nguyễn Thị Sen cáo từ chúng tôi…

clip_image006

Ngày 25 cùng tháng (7/10/1863), trong dịp lễ sinh nhật Hoàng thượng, ông Nguyễn Văn Đức (Đức Chaigneau), bà Nguyễn Thị Sen cùng con trai Nguyễn Văn Lễ, 51 tuổi, và con gái Marie, đến dự buổi dạ tiệc chính thức do phái đoàn khoản đãi. Các bà cô này, nhân dịp, cả hai, đều đội khăn nhiễu, mặc áo gấm. Bà Sen bảo: Y phục này chính Đức Kim Thượng đã ban cho chúng tôi tận tay. (Nguyễn Đình Hoè dịch Phạm Phú Thứ, Quelques renseignements sur les familles de Chaigneau et de Vannier, BAVH, 1916, III, t. 273-275).

Đoạn nhật ký trên đây cho thấy con người Phạm Phú Thứ cùng tài năng và đức độ của ông: Là nhà biên khảo, ông không bỏ sót một chi tiết nào. Chỉ cần có cuộc gặp gỡ trong một (vài) tiếng đồng hồ, ông đã ghi hết chi tiết về gia đình bà Nguyễn Thị Sen. Là một nhà văn, ông ghi cả tinh thần con người bộc lộ qua cử chỉ và lời nói, không cần thêm bớt một lời bình luận nào.

Nguyễn Văn Đức hay Michel Đức Chaigneau, sau này sẽ viết cuốn Souvenirs de Huế, đã hiện ra với lòng ngờ vực, khinh thị các quan, tự coi mình là quan trọng, muốn giữ khoảng cách với phái đoàn; trong lúc các đại thần được vua Tự Đức cử sang Paris để điều đình chuộc lại ba tỉnh miền Đông.

Những lời NguyễnVăn Đức viết ở trang 8, cuốn Souveniers de Huế, phản ảnh đúng con người này: Trách Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí (qua bản dịch Aubaret) đã không nhắc gì đến “công lao trời biển” của Bá Đa Lộc và những người Pháp trong đó có cha ông, đã đến giúp Gia Long “dựng lại cơ đồ”, và ông tiếc rằng ông đã đọc cuốn sách này sau khi gặp phái đoàn, chứ nếu ông đọc trước, thì thế nào ông cũng “hạch hỏi cho ra lẽ”.

Với sự tinh tường, Phạm Phú Thứ đã nhìn ra con người này, nên vị học giả chỉ ghi vài nét vắn tắt; ông dành tất cả cho bà Vannier Nguyễn Thị Sen, và ông đã ghi lại chân dung người phụ nữ này trong chiều sâu của tâm hồn, chỉ qua vài hàng ngắn ngủi, nhưng sẽ lâu dài tồn tại.