Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: “Cuộc sống sẽ thối mục nếu chỉ lo thu trữ”

Dù đã có nhiều bài báo, phỏng vấn, tham luận và những nghiên cứu về ông, nhưng số đó vẫn chưa đủ để nói hết về một con người đã cống hiến cả đời mình cho nền âm nhạc dân tộc. Ông là nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.

Ở tuổi 93, ông vẫn rất mẫn tiệp, giọng nói hào sảng, mang đậm khí chất của một trí thức Nam Bộ xưa. Một nghệ sĩ lớn hiếm hoi còn sống, hiện đang lưu giữ trong mình vốn kiến thức uyên bác về âm nhạc dân tộc nhất là nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ.

Ở ông toát lên một phong thái giản, gần gũi, cùng những triết lí sống thâm trầm sâu sắc qua những câu chuyện ông kể. Mối bận tâm lớn nhất cuộc đời ông cho đến tận giờ, đó là những trăn trở về sự phát triển của nền âm nhạc dân tộc hiện nay.

Người nghệ sĩ luôn ẩn mình sau người khác

- Theo ông, chúng ta phải làm sao để phát triển mà vẫn giữ được bản sắc và cái hồn cốt của âm nhạc dân tộc?

Tiến bộ là cuộc chạy đua không ngừng. Không nên đòi hỏi cái tuyệt đối để bằng lòng với cái tối thiểu, nghĩa là cái hôm nay hay hơn cái hôm qua. Mọi cải tiến, cải biên phát triển nên xuất phát từ cái gốc tức là giữ cái bản sắc, nét đặc thù dân tộc, không vay mượn vá víu nhặt nhạnh theo kiểu đầu Ngô mình Sở lai căng lạc điệu.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Ảnh: Tiến Đề

- Trải qua biết bao biến cố cuộc đời, điều gì giúp ông duy trì được tình yêu âm nhạc dân tộc mãnh liệt cho đến tận bây giờ? Nghe nói từng có thời gian ông lui về ở ẩn, không tham gia vào bất kì hoạt động xã hội nào suốt một thời gian khá dài?

Trong cuộc sống, tất cả mọi người đều cần có một mục tiêu nhất định để làm điểm tựa hầu tiến đến đích thành công. Tôi bắt đầu học đàn từ tuổi lên năm. Âm nhạc gắn liền với cuộc đời tôi, với cuộc sống thầm kín nhất của tôi, cho tôi thấy cuộc đời thật đẹp, thật đơn giản, nhưng thật là phong phú. Tôi ôm choàng lấy nó để không thấy những ngày tăm tối, buồn chán trống rỗng. Mỗi khi tôi đàn thì tôi đắm mình trong trạng thái tĩnh lặng, rất dễ gần gũi với Thiền, giúp tôi thắng được chính mình và để bằng lòng với cái tối thiểu mà cuộc sống mang lại.

Cuộc sống thối mục là cuộc sống lo thu giữ. Lúc sống, người nghệ sĩ tự bảo vệ mình do công việc, cô đơn và yên lặng. Sau khi chết được bảo vệ do sự nghiệp của mình. Tôi luôn luôn đứng sau mọi người để phục vụ mọi người. Bổn phận trên hết. Tôi vẫn hăng say âm thầm làm việc cho âm nhạc. Hạnh phúc không có mức đo lường nào khác hơn là cảm giác. Vào cái tuổi quá chín mươi, tôi có cảm tưởng rằng thiên nhiên muốn đòi lại cái quyền của mình. Do sức khỏe, có những chuyện không làm được hoặc làm được nhưng với nhiều khó khăn nên ít xuất hiện trước công chúng.

Văn hoá là linh hồn dân tộc

- Trong một phát biểu mới đây ông có nói: “Một dân tộc mất đi nền văn hóa của chính mình ví như người có xác mà không hồn...” ông có thể nói rõ hơn về ý này?

Danh tiếng của một quốc gia là do ở niềm tin tưởng và linh hồn của nước ấy, chớ không phải do diện tích rộng hay hẹp. Tôi bỏ văn hóa, tiếng mẹ đẻ, âm nhạc của tôi để ôm chầm văn hóa, tiếng nói, âm nhạc của một nước khác, dĩ nhiên là tôi xem chúng là cha mẹ của mình thì tôi hóa ra con người mất gốc, còn thiết tha gì nữa trước sự tồn vong của quê cha đất tổ, tình nghĩa đồng bào...

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và GS. TS Trần Văn Khê - đôi bạn già thân thiết. Ảnh: Tiến Đề

- Là người cải tiến cây đàn tranh truyền thống từ 16 dây thành 17 -19 - 21 dây với những ưu điểm vượt trội đang được áp dụng rộng rãi hiện nay, ông chia sẻ với thế với các lớp nghệ nhân đương đại?

Việc cải tiến đàn dân tộc, tôi không phải là người đầu tiên hay là người duy nhất. Mỗi người mỗi nhận thức không ai giống ai. Tại sao biết chắc điều mình nghĩ, mình làm là đúng, là phải, còn của người khác là sai để kêu gọi người khác phải nghe theo. Ở đời, những gì hay, tốt, đẹp thì người ta đua nhau học và bắt chước

Cuộc sống sẽ thối mục nếu ta chỉ lo thu trữ. Nhiệt tâm là một tình cảm về tâm linh. Mục đích tối thượng trong đời người không phải là sự hiểu biết, mà là hành động. Ý định của tôi không gì khác hơn là trình bày quan điểm của mình nhằm giúp cho nghệ thuật dân tộc ngày càng thêm cao thêm đẹp và mở rộng chân trời khi chinh phục được tình thân thiện trong mọi giới.

Bà Trâm Anh - người bạn đời của nhạc sư. Ảnh: Tiến Đề

Con người muốn học hỏi phải cởi mở

- Theo Nhạc sư vì sao âm nhạc nghệ thuật giai đoạn trước đã sản sinh ra được nhiều tác phẩm, nhiều nghệ sĩ lừng danh, mà hiện nay thì lại thiếu những tác phẩm, những gương mặt nổi bật?

Người già là người có nhiều năm sống. Nhưng người nhiều năm sống chưa hẳn là người trải đời, biết muôn điều muôn việc. Riêng tôi bất kỳ người nào mà tôi gặp, đều có chỗ hơn tôi, đáng cho tôi học hỏi. Những điều mà chúng ta biết là một giọt nước. Những điều mà chúng ta không biết là cả một đại dương. Con người muốn học hỏi phải cởi mở, cởi bỏ cái thành kiến sẵn có thì mới mong học được những điều mới lạ.

Tôi mong mọi người đoàn kết lại với nhau thành hàng ngũ, không vì danh vì lợi, với trái tim hơn là với trí óc, thẳng thắn trao đổi, lắng nghe người khác hơn là phô bày và nhận những lời chỉ giáo khôn ngoan của nhau hầu tìm ra chân lý để gia tăng những gì mình đã biết. Không bao giờ có văn hóa ở những nơi nào mà không có tự do đề cao nhân phẩm, thẳng thắng trao đổi, luận điệu một chiều.

Phê bình không phải là chống đối, mà là sự tôn trọng mình, sự đẹp của cuộc đời, thi vị của cuộc sống. Người ta thường nghĩ sai rằng phải những người cùng thị hiếu, cùng lý tưởng mới thân thiện với nhau được. Nhưng mà trái lại, những quan điểm khác nhau nhất là những sợi dây thắt chặt những tình bằng hữu thân mật nhất. Sự nịnh hót là thứ giấy bạc giả, chỉ có giá trị cho những ai thích phô trương.

- Làm sao để có thể được học một thứ âm nhạc đậm chất dân tộc không hề bị lai căng như một số đang tồn tại?

Tôi là một trong những người được cái may mắn thụ hưởng chút gì đó của tiền nhân đã dày công sáng tạo và thể nghiệm. Tôi tự ví mình như người cộng tác của đương thời, nơi nương tựa của hậu thế và sẵn sàng san sẻ những gì đã học, đã biết lại cho tất cả mọi người, bất phân già trẻ, màu da. Tôi chỉ là người ham mê âm nhạc, nghiên cứu cũng như các khoa học gia say mê kiến thức khoa học, chưa đủ sức làm thầy ai để mà cho lời khuyên.

Ở đời không chỉ nên đứng một chỗ. Nghệ thuật sẽ tê liệt nếu không thay đổi. Âm nhạc là một vườn hoa, ai ai cũng có quyền mang hoa của mình đến, kể cả cỏ dại. Ta không nên dẫn dắt người khác theo thị hiếu hay cảm giác của mình. Những việc làm có cái vỏ bên ngoài, mặc dù có nhiều người ưa chuộng chạy theo, nhưng sớm hay muộn cũng không tránh được luật đào thải...

- Và ông sẽ nhắn gửi gì cho lớp con cháu đi sau?

Nếu giới trẻ ngày nay quay lưng với nhạc truyền thống thì âu đó cũng là một phần lỗi của người lớn (trong ấy có tôi) bởi không cho chúng thấy cái tầm quan trọng của kho tàng âm nhạc dân tộc bằng những chứng minh đúng mức cái sâu sắc tinh vi của nhạc truyền thống, tạo ra cho chúng cái hào hứng, thấy có bổn phận gìn giữ.

Hỡi các bạn trẻ, lớp thế hệ của mai sau! Hãy coi chừng tiền nhân ngày nay sẽ không nhìn ra con cháu của mình trên đất mẹ khi chúng không còn thiết tha với di sản của tiền nhân, không biết “cây nêu”, “ông Táo”, “nấu cơm với nồi đất, “giã gạo”, “chèo ghe”... ra sao, không còn cảm xúc khi nghe một câu hát ru!

- Xin cảm ơn ông!