Nghe bài hát Giáng Sinh Việt Nam bồi hồi kỷ niệm

Bốn mươi năm trôi qua kể từ ngày dòng người Việt Nam sống tha hương xứ người, cũng vẫn những bài hát Giáng Sinh cũ quen thuộc, tạo một không khí Noel rất đặc biệt trong lòng người Việt Nam mang tâm trạng lưu vong thương nhớ quê nhà.

Ghé tiệm băng nhạc, mua một cuốn, hình như năm nào cũng mua một cuốn, nghe vài lần rồi bỏ mất, và một năm trôi qua, mùa Giáng Sinh lại đến và tiếp tục mua cuốn CD Giáng Sinh bỏ vào máy hát trong xe hơi vừa lái xe vừa thưởng thức và nhớ lại một thời năm cũ.

Nếu như nghe nhạc Giáng Sinh Tây Phương cho cảm giác bình an, dòng nhạc và lời ca êm đềm thì những bài hát Giáng Sinh Việt Nam nghe thật buồn từ câu nhạc đến lời ca.

Nội dung các bài hát thường là kỷ niệm về một mùa Giáng Sinh cũ với tình yêu đôi lứa mà bây giờ đã chia xa, và chàng trai là một lính chiến đang ở tiền đồn nhớ người yêu thành phố . Xin ghi ra một số ca khúc dưới đây.

Ca khúc Bài Thánh Ca Buồn của Nguyễn Vũ : “Bài thánh ca đó còn nhớ không em. Noel năm nào chúng mình có đôi. Long lanh sao trời đẹp thêm đôi mắt, áo trắng em bay tựa cánh thiên thần, giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân…” rồi “áo trắng thay màu, em qua cầu xác pháo bay xa” để cuối bản là “đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi”. Tác giả kể rằng đó là mối tình với một cô gái thời trẻ, đêm Noel hai người quen nhau, rồi cô gái đi lấy chồng để lại mối sầu cho chàng nhạc sĩ mà viết thành ca khúc này.

Bản Tà Áo Đêm Noel của Tuấn Lê : “Từ miền khu chiến nhìn ánh sao mà nhớ. Tà áo màu xanh năm ấy anh vẫn chờ. Một mùa Noel hai đứa nghe niềm vui. Hát chung một ca khúc Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”.

Câu “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời” là câu hát mở đầu của bản Hang Bê Lem của nhạc sĩ Hải Linh, lời ca và nét nhạc đậm chất Thánh Ca mừng Chúa ra đời: “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, nằm trong hang đá bên máng lừa. Trong hang Bê Lem, ánh sáng tỏa lan tưng bừng, nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng”.

Bài hát sáng tác năm 1945 và trở nên quen thuộc trong lòng người Thiên Chúa Giáo, các ca đoàn đều trình diễn bài này trong mùa lễ Giáng Sinh. Các trung tâm băng nhạc chủ đề Giáng Sinh đều thực hiện bài này trong dạng hợp ca. Có thể nói Hang Bê Lem của Hải Linh nổi trội tầm cỡ quốc tế và đượm chất Việt Nam.

Bản Hai Mùa Noel: “Trọn đêm nhớ anh, chuyện xưa anh hay thường hứa, anh hẹn chờ nhau, cùng đi dâng lễ nữa đêm, thầm mong ngày ấy, đến với em thật nhanh, sánh bước đi cùng anh, có đâu ngờ giờ phút cuối em chờ, nhưng anh quên hẹn rồi”.

Bản Lời Con Xin Chúa của Lê Kim Khánh: “Nay mùa Giáng Sinh đã về Chúa ơi. Lòng con như thấy thiếu đi niềm vui. Đi lễ năm xưa bên người, giờ nay chỉ có riêng tôi, quì bên hang đá lẻ loi”.

Bản Lá Thư Trần Thế của Hoài Linh: “Lạy Chúa con là lính trận ngoài biên. Vì xa thành phố xa quá nên quên. Đêm nay ngôi hai trời xuống, ánh sao lung linh muôn màu, con tưởng hỏa châu soi tuyến đầu”.

Bản Dư Âm Mùa Giáng Sinh của Ngân Giang: “Và cũng đêm nay một người ôm kỷ niệm. Ngồi đếm sao đêm chép cho xuôi vần thơ. Gởi về cho người biên giới, chiến đấu xông pha địa đầu, một dư âm mùa Giáng Sinh”.

Bản Xin Chúa Thấu Lòng Con của Nguyễn Văn Đông: “Lạy Chúa mùa Giáng Sinh xưa, ngày đầu vương yêu đương, người ấy hứa với con rằng, tan mùa chiến chinh, anh về kết đôi”.

Những năm sau 1975 cũng có một số bài hát chủ đề Giáng Sinh được sáng tác ở hải ngoại nói về nỗi sầu tha hương rời xa đất nước và những bài hát viết ở trong nước. Nhưng giới yêu nhạc vẫn hoài niệm về một thời cũ ở quê nhà. Nghe bài hát Giáng Sinh cũ là cả bầu trời kỷ niệm trở về. Do đó các bài hát mới về Giáng Sinh không được đón nhận nhiều.

Mùa Giáng Sinh không chỉ dành riêng cho người theo đạo Thiên Chúa mà còn phổ biến trong dân gian để mọi người cùng hưởng không khí an bình và những ngày nghỉ lễ cuối năm dương lịch của Tây Phương. Những ngày này cũng là thời gian hẹn hò yêu đương của đôi lứa tuổi trẻ và khi chia tay – có mấy khi cuộc tình được trọn vẹn – và bài hát Giáng Sinh buồn cũng đồng cảm với nỗi sầu của họ.

Mùa Giáng Sinh năm 2004, trong một đêm hội ngộ ca nhạc sĩ, hát toàn nhạc phẩm tiền chiến của Văn Cao, Đoàn Chuẩn Từ Linh, Đặng Thế Phong. Bỗng có một anh chàng ngà ngà say lên sân khấu hát: “Bài thánh ca đó còn nhớ không em”. Tuy giọng ca không hay nhưng câu hát thổi lên không khí Giáng Sinh rộn ràng. Điều này nói lên Miền Bắc trong thời chiến tranh không có nhạc Giáng Sinh vì chế độ Cộng Sản hạn chế tôn giáo và nhạc sĩ không được sáng tác chủ đề này; chỉ Miền Nam mới có.

Ngoài ra một số bản Giáng Sinh quốc tế như Silent Night, Jingle Bell được dịch sang lời Việt là Đêm Thánh Vô Cùng, Chuông Ngân Vang được trình diễn và giới nghe nhạc đón nhận.

Người bạn Mỹ bảo là nghe nhạc Giáng Sinh Việt Nam sao mà não nề. Chỉ đành cười mà trả lời rằng đó là nét riêng của đất nước mình; có lẽ nó cũng phản ảnh nỗi buồn của hải ngoại, của một dân tộc điêu linh trong chiến tranh thời trước và sau chiến tranh vẫn còn chia ly, bởi lòng người vẫn còn ngăn cách.