Hồ Hữu Tường và cái nghiệp làm báo

Trong giới những nhà viết văn, rất nhiều vị đã đi vào làng báo vì tự biết mình có thiên phú văn tài, cần phải có đất dụng võ để nuôi dưỡng tài nghệ. Lần lần về sau, việc viết lách, ngoài sự đem lại danh tiếng, thúc đẩy sự dấn thân vào nghiệp văn chương lại còn giúp họ thực sự lấy việc viết văn làm một nghề sinh sống.

Hồ Hữu Tường cũng ở vào tình trạng nói trên, nhưng ngoài ra ông lại còn là người mang nặng cái nghiệp phải viết, phải say mê nghề báo chí vì ông thấy cần phải giãi bày và tranh đấu cho việc thành tựu những ước vọng của đời mình.

Hồ Hữu Tường đã đi vào việc viết văn rất sớm, và cũng như những việc sẽ xảy ra về sau này, chuyện viết lách thường đưa ông vào nhiều tai họa.

Ngay khi mới bước chân vào trường Trung học Cần Thơ, học sinh H.H. Tường cũng như các anh em bạn trẻ khác, đã thấy lòng sôi sục khi đọc những bài tường thuật hằng ngày trên Đông Pháp Thời Báo đăng tải vụ cụ Phan Bội Châu bị đưa xử ở tòa Đề Hình Hà Nội. Việc này đã đưa đến việc thực hiện một tuần báo viết tay, với những bài nặng mùi ái quốc. Các tác giả non trẻ này về sau là những tên tuổi thành danh như Ung Văn Khiêm, Tổng trưởng Ngoại giao của chánh phủ đầu tiên của Hồ Chí Minh, Trần Thiêm Thới gốc Hà Tiên dáng cao như cây tre nên lấy bút hiệu Trúc Hà, sau này cộng tác viết tạp chí với Đông Hồ. Hồ Hữu Tường, lúc này có lẽ vì bụng hơi to nên được các bạn đặt biệt hiệu là Tường Bụng, dịch ra tiếng Pháp là Ventru và nói lái lại thành Vutren. Vì thế nên trên tờ báo viết tay này, H.H. Tường vì viết bài tiếng Pháp, nên đã chọn bút hiệu là Pierre Vutren. Báo lọt vào tay ban Giám Đốc của trường và vì báo có nội dung chánh trị, các ký giả tí hon đều bị đuổi! Không hi vọng được trở lại học, Pierre Vutren (!) vận động để được sang Pháp học.

Hồ Hữu Tường phen nầy đã quyết để tâm trí vào việc học, nhưng đến dịp lễ Giáng Sinh 1927, anh sinh viên trẻ này lại có được dịp đến Marseille dự buổi diễn thuyết của hai nhà hùng biện Dương Văn Giáo và Trịnh Hưng Ngẫu. Ngẫu hẹn cho Tường đến gặp sau buổi diễn thuyết và nơi đây Tường lại có dịp gặp thêm Nguyễn Thế Truyền và Tạ Thu Thâu.

Tường khi đó chỉ vào khoảng mười tám tuổi nhưng đã có tiếng là học giỏi, nhứt là môn toán. Nguyễn Thế Truyền - một trong năm người có tiếng của nhóm “Ngũ Long” ở Paris ( Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Thế Truyền) -, đã khuyến khích và rủ Tường : “...làm cách mạng phải là những tay học giỏi. Chớ học trong lớp mà “cầm cờ”, rồi ra làm cách mạng, bọn thực dân nó chê tụi mình là tụi ratés, nên giả vờ làm cách mạng để cứu thể diện”. Trịnh Hưng Ngẫu thì dạy Tường: “...nên noi gương Nguyễn An Ninh, muốn làm cách mạng đắc lực, phải viết báo cho hay. Không làm cách mạng mà viết báo hay, cũng có lợi. Đây là qua dạy em cái bí quyết để thành công trong đời đó”

Sau Đại học Marseille, H.H. Tường ghi danh vào Đại học Lyon để nạp luận án thi Cao học Toán trong khi ở Việt Nam có tin về cuộc khởi nghĩa Yên Bái của nhóm Nguyễn Thái Học. Việc thực dân Pháp ở Việt Nam ra tay khủng bố, đàn áp dân chúng sau cuộc bạo động đã làm sôi sục tinh thần yêu nước của các sinh viên ở Pháp. Tường nôn nóng mong lên được Paris để tham gia vào các hoạt động kêu gọi chánh giới Pháp làm áp lực với chánh phủ ngưng các bản án xử tử hình các nhà ái quốc Việt Nam. Không cần chờ biết kết quả, sau khi trình luận án, Tường đã từ giã Lyon để lên kinh đô Paris. Tường đã được Tạ Thu Thâu tiếp đón ở nhà ga Lyon và đưa về trú ngụ ở nhà của Huỳnh Văn Phương (Chú của Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chánh phủ Lâm thời Miền Nam, Việt Cộng sau này). Ở Paris, Tường đã có cơ hội gặp gỡ những nhà ái quốc lưu vong như Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh v.v...Vào thời buổi này, Tạ Thu Thâu đang phụ trách đảng P.A.I (Parti Annamite de l’Indépendance, tức đảngViệt Nam Độc Lập) cho Nguyễn Thế Truyền vì Truyền trở về Việt Nam. Đảng P.A.I. lại bị nhà cầm quyền Pháp giải tán sau một cuộc xung đột ở quán Café Turqueti, ngày 9-1-1929, với một nhóm người Việt thân Pháp. Theo lời khuyên của Phan Văn Trường, việc tái lập đảng P.A.I. đã không được tiếp tục và đã được thay thế bằng một tập hợp có tên là “Nhóm Việt kiều tại Pháp”(Les Émigrés vietnamiens en France). Nhóm cũng quyết định không ra báo công khai như trước của đảng P.A.I. mà chỉ làm báo bí mật lấy tên là Tiền Quân để làm cơ quan của nhóm.

Hồ Hữu Tường được giao phó làm chủ nhiệm báo Tiền Quân vì Tường là gương mặt mới ở Paris, còn trẻ và nhiều rảnh rỗi, chưa bị Pháp theo dõi các hoạt động. Phan Văn Hùm vì đã có chân trong làng báo từ năm 1923 nên lãnh chức chủ bút. Thành viên của bộ biên tập toàn là những nhân vật sau này được dân chúng miền Nam ngưỡng mộ như Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Ngà, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương, Lê Bá Cang...Mặc dầu là báo được viết tay ( do chủ bút Phan Văn Hùm thực hiện!), nhưng cũng được trình bày thành cột như báo in và được làm bản kẽm để in đẹp. Hồ Hữu Tường đã hãnh diện về sáng kiến chụp làm bản kẽm nầy, một kỹ thuật “tiền quân”.

Số phận báo Tiền Quân là một số phận ngắn ngủi vì chỉ ra được một số đầu mà cũng là số chót vì Tạ Thu Thâu đã tổ chức một cuộc biểu tình trước điện Élysée là dinh Tổng Thống Pháp để xin giảm án cho các liệt sĩ Yên Bái bị kết tội tử hình. Sau cuộc biểu tình lịch sử ngày 22 tháng 5 năm 1930 nầy, chánh quyền Pháp đã ra lịnh bắt và trục xuất về Việt Nam 19 sinh viên ái quốc. Báo Tiền Quân lúc ấy đang in, chưa kịp phát hành. Toàn bộ biên tập đã bị bắt chỉ trừ có chủ nhiệm và chủ bút may mắn thoát được. Bạn bè người Pháp đã tổ chức cho Hồ Hữu Tường và Phan Văn Hùm vượt biên sang nước Bỉ.

Cả hai đã phải trốn tránh ở Bỉ gần hai tháng, đến ngày 14 tháng 7 , ngày lễ Quốc Khánh Pháp mới lén trở lại Pháp. Trong thời gian ở Bỉ nầy, H.H. Tường đã được Phan Văn Hùm giúp huấn luyện lại Việt văn vì Tường có thói quen dùng quá nhiều từ Hán Việt. Khi còn nhỏ, Tường chỉ có được dịp đọc Nam Phong nên đã nhiễm lối viết văn của Phạm Quỳnh. Hùm cũng dạy Tường về việc làm thơ Đường. Tường đã từng công nhận là đã nhờ Hùm rất nhiều trong cái lối “học bạn khác với học thầy” này. Tường thuật lại việc một hôm đã quá trưa, bụng đói, đi với Hùm nhưng Hùm vẫn còn dạy Tường học làm thơ. Hùm xướng một câu, bắt Tường làm câu kế tiếp. Câu thứ nhất, Hùm xướng:

Túng nước sang qua Bỉ Lợi Thì,

Tường nhớ lại cảnh ngày hôm trước nên tiếp:

Hai đứa chia nhau một bánh mì.

khiến Hùm phải la:

- Âm điệu là âm điệu của câu thứ tám.

Hùm phải thú thật:

- Tôi cũng biết vậy. Nhưng đói quá rồi. Làm cho đủ mấy câu giữa, thì rã ruột!

Những ngày vượt biên lánh nạn ở Bỉ đã giúp H.H. Tường và P.V.Hùm có dịp gặp gở nhiều nhân vật chánh trị lưu vong có tiếng tăm, nhất là những người thuộc tả phái. Vì vậy khi trở lại Pháp, Tường và Hùm được André Rosmer, chủ nhiệm báo La Vérité, cơ quan của nhóm Tả Đối Lập Pháp thuộc cánh Trotsky, giành cho cơ hội được viết trình bày quan điểm người Việt với điều kiện chỉ dùng chung một bút hiệu mà thôi. Hai người vì vậy thường viết hằng tuần trên báo nầy dưới danh xưng “Giải Phóng”.

Vì Tạ Thu Thâu, Phan văn Chánh, Huỳnh Văn Phương... đều bị trục xuất về Việt Nam, Tường đã phải giúp thực hiện tập san quay ronéo nhưng chỉ để phân phát cho độ vài chục người, khiến Tường lấy quyết định trở về xứ.

Tình cờ, H.H. Tường gặp Đào Hưng Long, một nhân vật trước thuộc đảng Lao Động, từng được cử làm Đặc ủy miền Tây, nhưng vì có việc bất đồng chánh kiến nên về Cà Mau tổ chức một đoàn thể khác. Đào Hưng Long hợp tác với nhóm của Tạ Thu Thâu thành lập tổ chức Đối lập Tả phái ở Đông Dương. H.H. Tường phụ trách tạp chí lý luận Tháng Mười cho tổ chức.

Cơ quan biên tập và in ấn do Đào Hưng Long phụ trách và được đặt trong một chòi lá, cất bên mé rạch Cầu Chong ở Thị Nghè. Một nữ đồng chí tên Huệ Minh đã được đoàn thể gởi đến đây và về sau là người bạn đời của H.H. Tường. Tạp chí Tháng Mười cũng như các sách huấn luyện đều được in theo lối in xu xoa nhưng đã được cải tiến. Xu xoa thay vì đổ vào khuông chỉ in được một lần, thì nay được đổ vào một hộp thiếc dày, trong có đặt nhiều tấm kiếng có gỗ kê cách nhau khoảng một phân. Mỗi miếng kiếng sẽ giúp có được hai mặt xu xoa láng, tốt hơn mặt xu xoa tự nhiên.

Cơ quan ấn loát bí mật nầy được duy trì khá lâu, nhưng đến tháng Chín năm 1932 thì bị phát giác. Đào Hưng Long và Huệ Minh bị bắt. Tạp chí Tháng Mười đành phải ngưng hẳn vì Hồ hữu Tường cũng bị bắt hai tháng sau đó, vào ngày lễ Đình chiến 11 tháng Mười một, 1932. Đó là lần thứ hai H.H. Tường làm báo bí mật; lần này được duy trì lâu hơn lần đầu tiên khi tờ Tiền Quân chỉ ra được có một số độc nhứt.

Trong bót mật thám Catinat, bị nhốt riêng một mình trong một buồng nhỏ, không biết được ngày ra, H.H. Tường sợ có thể bị quẫn trí phát điên nên đã theo gương một nhà cách mạng Nga là Bakounine tự sáng lập một tờ “báo nhẩm”. Bakounine chủ trương cách mạng vô chánh phủ (Anarchisme) và bị chế độ Nga hoàng nhốt tù. Bakounine chủ xướng mỗi ngày ra “báo nhẩm”, xuất bản hằng ngày như ngoài đời, với đủ chi tiết : xã thuyết, bình luận thời cuộc, tin tức (bịa đặt), văn chương tiểu thuyết v.v...Tường đặt tên tờ báo của mình là Thiên Thu lấy trong câu thơ “nhứt nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Tường đã “xuất bản” được 70 số báo Thiên Thu trong bót Catinat và chỉ đình bản khi được chuyển qua Khám Lớn vì nơi đây không còn nạn bị nhốt riêng. Sau nầy H.H. Tường vẫn còn nhớ được chuyện tiểu thuyết đã viết trong Thiên Thu và năm 1967, đã kể lại trong lời tựa của tác phẩm “Người Mỹ Ưu Tư”.

Trước khi bị bắt, trong thời gian phụ trách tạp chí bí mật Tháng Mười, H.H. Tường cũng đồng thời đã thực sự bước vào làng báo công khai. Tường được mời hợp tác viết trong tờ Nam Nữ Giới Chung của hai ký giả có tiếng thời bấy giờ là Cao Hải Đễ và Trần Hữu Độ. Trần Hữu Độ là một nhà nho có óc tiến bộ, đã tìm cách thức tỉnh đồng bào bằng cách phổ biến tư tưởng của Lương Khải Siêu, Khương Hữu Vi...Vì vậy nên tờ Nam Nữ Giới Chung chỉ ra được một số là bị cấm! Khởi đầu làm báo bí mật Tiền Quân, chỉ ra được một số, nay bắt qua làm báo công khai, lại cũng ra được có một số: Hồ Hữu Tường quả đã mang một cái nghiệp lạ đời!

Sau hơn ba tháng thất nghiệp, H.H. Tường có dịp may được mời gia nhập bộ biên tập của nhật báo Công Luận, với hai ông Diệp Văn Kỳ và Nguyễn Văn Bá. Bút hiệu của Tường trong Công Luận là Bửu Liên, một tên tự đã được một ông đồ nho đặt khi Tường mới ra đời. Thân phụ của Tường nằm mộng thấy một đóa sen lạ đêm sanh ra Tường. Ông thuật việc ấy cho bạn nghe và ông nầy cho đó là một điềm lành nên đặt tên Hữu Tường, với tự là Bửu Liên. Vào thời buổi nầy, giữa Nguyễn Văn Bá và Nguyễn An Ninh có cuộc bút chiến, mặc dầu cả hai đều là bạn. Bá cãi không lại Nguyễn An Ninh nên có mặc cảm bị yếu thế. H.H. Tường, là người đã từng tôn sùng Nguyễn An Ninh, lúc ấy có viết một bài phê bình quyển Tôn Giáo của ông Ninh, ký dưới bút hiệu Bửu Liên. Quyển Tôn Giáo là một sách dùng Duy vật sử quan để xét vấn đề Phật giáo. Nguyễn Văn Bá thấy hay nên đã nắm cơ hội đăng trong Công Luận .

Nguyễn An Ninh đọc luận điệu trong bài phê bình và nghi là do Tạ Thu Thâu viết nên đã trách Thâu : “Tụi mác xít bây xài không được. Trong chỗ quen biết thâm tình nhau, bây có chỉ trích tao, thì cứ ký tên ngay thẳng đi. Có gì cần cãi, thì tao cãi với. Bộ bây trốn dưới bút hiệu vô danh, đâm sau lưng anh em, mà tao không biết sao?”

Tạ Thu Thâu đã thề thốt bán mạng là Thâu không phải Bửu Liên nhưng Ninh không tin : “Tụi duy vật bây có tin có thần có thánh đâu mà thề? Quỉ thần sợ bây, chớ bây đâu có sợ quỉ thần mà bày trò thề thốt?”

Nhưng rồi cuối cùng khi Nguyễn An Ninh biết được Bửu Liên là Hồ Hữu Tường nên chẳng những đã không giận mà kể từ đó, đã coi Tường là một em út cần được xây dựng.

H.H. Tường ngoài việc giúp báo Công Luận còn được Đoàn Quang Tấn, chủ nhiệm và chủ bút tuần báo Đồng Nai , một tuần báo do một số trí thức Tây học như bác sĩ Nguyễn Văn Nhã, giáo sư Đặng Minh Trứ chủ xướng. Tường ngoài việc viết bài còn đảm trách việc gọt, giũa văn cho báo. Nhờ sự cộng tác này nên về sau, Đoàn Quang Tấn đã thỏa thuận giao tuần báo Đồng Nai lúc đó đang bị đình bản gần hai tháng, cho Phan Văn Hùm và Hồ Hữu Tường quản lý. Phan Văn Hùm khi ấy vừa ở Pháp về và đang tìm cơ hội hoạt động. Tuần báo Đồng Nai đã được khởi sắc với những bài viết có lập trường xã hội công khai. Tác giả các bài báo là những người đã có tiếng như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Huỳnh Văn Phương...Những cuộc bút chiến về vấn đề “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” giữa Phan Khôi và Phan Văn Hùm đã gây nhiều sôi nổi trong văn giới và chỉ được chấm dứt nửa chừng khi Đồng Nai bị chánh quyền thực dân rút giấy phép. Nhóm Đồng Nai đã trở thành nơi tập trung của các tác giả “cách mạng” vì ngoài việc viết lách, lại còn tổ chức các cuộc diễn thuyết ở trụ sở hội Đức Trí Thể Dục. Ở hội trường này, Phan Văn Hùm và Tạ Thu Thâu đã trình bày về biện chứng pháp và người đến tham dự rất đông. Nhà cầm quyền thực dân vì thế thấy cần phải sớm ra tay bịt miệng tuần báo Đồng Nai.

Hồ Hữu Tường sau khi bị bắt vì vụ báo bí mật Tháng Mười, đã bị xử ba năm tù treo và được thả ngày 1 tháng 5 năm 1933. Đó là lúc có cuộc bầu cử nghị viên Hội đồng thành phố SàiGòn-Chợ Lớn. Lợi dụng thời cơ nầy, những nhà cách mạng miền Nam lấy quyết định ra ứng cử để có dịp cổ động công khai đường lối xã hội. Một sổ Lao Động được thành lập với Nguyễn Văn Tạo và Trần Văn Thạch đứng đầu sổ. Vì Nam Kỳ là một thuộc địa của Pháp nên về chế độ báo chí, nếu là báo tiếng Pháp, thủ tục xuất bản rất dễ dàng như ở Pháp. Muốn ra báo, chỉ cần khai trước biện lý cuộc 24 giờ trước khi đem báo rời khỏi nhà in, nhưng chủ nhiệm và quản lý phải là người Pháp. Ban vận động bầu cử đã dựa vào đạo luật dân chủ nầy để xuất bản tuần báo Pháp ngữ La Lutte làm cơ quan tuyên truyền. Báo đã gây được ảnh hưởng lớn trong dư luận quần chúng nhưng chỉ ra được bốn số và đình bản sau khi cuộc bầu cử chấm dứt. Hồ Hữu Tường không có tham dự viết trong La Lutte ở giai đoạn đầu nầy.

Một năm sau, tờ La Lutte được tái bản do sự vận động của Nguyễn An Ninh. Kỳ nầy, với mục đích cùng chung một lập trường tranh đấu chống thực dân Pháp ở Đông Dương, Nguyễn An Ninh đã thuyết phục được cả hai phái Đệ Tam và Đệ Tứ ở miền Nam đồng ngồi chung lại trong ban biên tập. Các bài viết đều không có ký tên và hai hệ phái phải tránh không chỉ trích lập trường của nhau. Kỳ tái bản nầy có H.H. Tường tham gia viết nhưng không tích cực vì bên phía Đệ Tam của Nguyễn Văn Tạo có ít người viết giỏi Pháp văn, nên Tường tự chế không muốn để phía Đệ Tứ có vẻ lấn lướt. Việc hai phái Đệ Tam và Đệ Tứ cùng nhau cộng tác trong một tổ chức là chuyện hi hữu. Trên thế giới, việc này chỉ xảy ra ở Việt Nam mà thôi. Hồ Hữu Tường đã gọi chuyện này là một “quái thai lịch sử” và sử gia Pháp, Daniel Hémery, giáo sư Đại học Sorbonne đã viết một luận án danh tiếng về thời kỳ này.

Đầu năm 1935 có việc bầu cử Hội đồng Quản hạt ở Nam kỳ. Nhân dịp này, nhóm La Lutte quyết lợi dụng cơ hội để có thể công khai tuyên truyền chống chế độ thực dân ở Nam kỳ. Bên Đệ Tam có Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Dương Bạch Mai thành lập liên danh. Phía Đệ Tứ có Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch và Hồ Hữu Tường. Hồ Hữu Tường vì chưa đến 25 tuổi nên liên danh kể như không hợp lệ nhưng vẫn cứ sinh hoạt dán bích chương, in truyền đơn phân phối cho dân chúng có dịp đọc.

Báo La Lutte viết bằng Pháp văn. Phần nhiều các bài thường do Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch,Nguyễn Văn Tạo, Phan Văn Chánh viết. Nguyễn An Ninh trong công việc di chuyển đó đây bán dầu cù là, lại đảm trách thêm việc giải thích cho dân chúng các bài báo vì ông có biệt tài dẫn giải rất bình dân những tiêu đề khó khăn cho sự hiểu biết thông thường.

Đứng trong hàng ngũ nhóm La Lutte, Tạ Thu Thâu phải theo đường lối chung, không thể hoạt động theo xu hướng Đệ Tứ, nên đã giao cho H.H. Tường trách nhiệm tùy cơ, huấn luyện các thanh niên có cảm tình với Thâu. Năm 1936, H.H. Tường được Trịnh Văn Lầu tiếp tay trong việc truyền bá chủ nghĩa, nhân thời cơ thuận tiện của sự thành lập Mặt Trận Bình Dân ở Pháp. Trịnh Văn Lầu đã có sáng kiến tổ chức đánh cắp chữ in của các nhà in và thành lập cơ quan in ấn bí mật để H.H. Tường xuất bản tạp chí Thường Trực Cách Mạng, một tạp chí bí mật duy nhứt trong xứ được in bằng chữ in. Cơ quan ấn loát được giao cho một anh thợ nhà in bị bịnh ho lao nặng, phụ trách ở một chòi lá vùng Thị Nghè. Mật thám Pháp vì thấy tạp chí được in đẹp nên tưởng nhầm là được nhóm Đệ Tứ in ở ngoài nước. Khi có tin Mặt Trận Bình Dân thắng thăm vẻ vang ở Pháp, truyền đơn được in và rải khắp Sài Gòn. Phản ứng mau lẹ đó chứng tỏ rằng truyền đơn ắt phải do nhà in trong xứ thực hiện . Mật thám tung ngay một mẻ lưới điều tra và cơ quan in ấn vì vậy bị phát giác, chấm dứt luôn giai đoạn làm báo bí mật của Hồ Hữu Tường !

Hưởng ứng sự thành công của Mặt Trận Bình Dân ở Pháp và cũng để chuẩn bị tiếp đón các phái đoàn điều tra từ Pháp sắp qua Việt Nam, nhóm La Lutte với sự dẫn đầu của Nguyễn An Ninh, rần rộ khởi xướng Phong trào Đông Dương Đại Hội và sự thành lập các Ủy Ban Hành Động. H.H. Tường được đề cử làm Tổng Thơ ký của Phong trào và đã có công trong việc cổ động cho Đông Dương Đại Hội qua việc vận động ký giả các báo Việt ngữ.

Trong giai đoạn nầy, H.H. Tường có cho xuất bản một tuần báo tiếng Pháp với sư cộng tác của một đồng chí là Đoàn Văn Trương. H.H. Tường lợi dụng việc Nam kỳ là một thuộc địa của Pháp nên trên danh nghĩa, người Việt sanh sống ở Nam kỳ được coi là thần dân Pháp (Sujet francais de Cochinchine). Vì vậy nên Đoàn Văn Trương có đủ tư cách làm quản lý một tờ báo tiếng Pháp. Tuần báo Le Militant (Chiến Sỉ) do đó được ra đời trót lọt và đã gây được một tiền lệ: ở Nam kỳ, ra báo Pháp ngữ không cần phải có quản lý người Pháp. Ra được bốn số, tuần báo Le Militant hết vốn nên phải đình bản cho đến một năm sau mới tái bản được và lần nầy ra được 21 số. Le Militant đến giai đoạn này phải dẹp vì hai nhóm Đệ Tam và Đệ Tứ đã ly khai, không còn hợp tác nhau được nữa trong nhóm Tranh Đấu: Nhóm Đệ Tam cho ra báo L’Avant Garde, về sau đổi tên thành Le Peuple. Tờ La Lutte được nhóm Đệ Tứ tiếp tục nắm giữ nên không thấy có lý do phải duy trì hai tờ báo cùng một chủ trương và đường lối.

Đến năm 1938, một hội ký giả lấy tên là A.J.A.C. ( Association des journalistes annamites de Cochinchine) được thành lập để tranh đấu cho báo chí tiếng Việt được hưởng quy chế tự do giống như quy chế các báo Pháp ngữ. Hội trưởng là Nguyễn Văn Sâm, chủ nhiệm báo Đuốc Nhà Nam và Tổng Thơ ký là Trần văn Thạch. Nhóm Đệ Tam tình nguyện đi tiên phong, ra báo với thủ tục y như báo Pháp ngữ. Nhưng đến khi báo in được số nào thì nhà cầm quyền đều cho sở mật thám đến, hốt hết. Ra tòa, anh quản lý bị lên án. Sau các thủ tục chống án lên tòa trên, qua tòa Phá án, cuối cùng bản án được chuyển đến Hội đồng Quốc gia bên Pháp vào mùa thu năm 1938. Hội đồng này cũng giống như một Tối Cao Pháp Viện, đã hủy bản án vì luật pháp không minh định rõ ràng về tự do báo chí cho báo Việt ngữ ở Nam kỳ. Đây là một thắng lợi lớn về tự do báo chí.

Nhóm Đệ Tam lập tức đổi tờ Le Peuple thành tờ báo Việt ngữ Dân Chúng. Nhóm Đệ Tứ cánh Tạ Thu Thâu đổi tờ La Lutte thành tờ Tranh Đấu; cánh Hồ Hữu Tường cho xuất bản: tuần báo Tia Sáng, sau 6 tháng đổi thành nhật báo, tạp chí lý luận hằng tháng tên Tháng Mười và một tuần báo nghiệp đoàn tên Thầy Thợ. Tạp chí Tháng Mười và Thầy Thợ được H.H. Tường giao cho Đào Hưng Long làm quản lý.

Cuối năm 1938, chế độ báo chí và xuất bản ở Nam kỳ được đặc biệt nới lỏng khi sắc luật Daladier ngày 30 tháng 8, 1938 cho báo chí chữ quốc ngữ được xuất bản không cần xin phép trước. Việc kiểm duyệt và tịch thâu báo không còn thấy xảy ra như trước.

Ở Bắc và Trung, phong trào tự do báo chí được hưởng ứng nồng nhiệt. Các ký giả trong Nam cũng như ngoài Bắc đua nhau viết vì đều tiên đoán chiến tranh sắp sửa xảy ra, và nhà cầm quyền Pháp sẽ siết chặt lại hoạt động của giới truyền thông. H.H. Tường đã thú nhận là chưa có bao giờ lại có cơ hội làm việc hăng hái như thời trước Đệ nhị Thế chiến này: mỗi ngày, ngoài việc đi dạy học tư, Tường phải viết thông thường là bốn bài báo.

Đến cuối tháng 8, năm 1939, không khí chiến tranh đã thấy bao trùm ở Âu châu. Đêm 23 rạng ngày 24, hiệp ước Hitler-Stalin được ký kết. Ngày 1 tháng 9 quân đội Đức tiến vào Pologne. Lịnh tổng động viên được ban hành ở Pháp và ở Đông Dương. Ngày 3 tháng 9, Pháp và Anh tuyên chiến với Đức. Ngày 25 tháng 9, đảng Cộng sản Pháp bị cấm hoạt động. Toàn quyền Đông Dương hưởng ứng sắc lịnh cấm đó và ngày 29 tháng 9, mật thám tiến hành việc bố ráp trong toàn xứ.

Chỉ trong vài ngày, 121 người theo phái Stalin và 55 người theo xu hướng Trotsky đã bị bắt. Nhà cầm quyền đã thi hành 323 cuộc lục xét, tịch thâu 2332 cuốn sách và 26316 ấn phẩm báo chí (Báo cáo của Thống đốc Nam kỳ gởi Toàn quyền ngày 3-11-1939, AOM NF 1820). Các báo chí của cả hai phái Đệ Tam, Đệ Tứ đều bị cấm. Hồ Hữu Tường cũng như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch và các nhà cách mạng khác đều hoặc bị bắt vào tù hay bị đưa vào các trại tập trung ở núi Bà Rá và Tà Lài (Biên Hoà)!

Hồ Hữu Tường đã vào tù hơn năm năm, không còn cơ hội hoạt động báo chí cho đến mãi đầu năm 1948 mới có dịp trở lại làng báo, do thi sĩ Đông Hồ mời cộng tác. Sau khi mãn tù ở Côn Đảo về và còn bị án biệt xứ, cư trú ở Cần Thơ, năm 1944, Hồ Hữu Tường đã tuyên bố với các bạn đồng chí cũ: “Tôi trở về con đường dân tộc, tôi cho rằng việc giai cấp vô sản giải phóng nhân loại là một huyền thoại lớn của thế kỷ 19 và tiềm năng cách mạng của giai cấp vô sản ở châu Âu và Bắc Mỹ là một huyền thoại lớn của thế kỷ 20”.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân đội Nhật đảo chánh chánh quyền Pháp ở Đông Dương. Các đoàn thể chánh trị Việt Nam có cơ hội hoạt động công khai. Những lãnh tụ các đảng bị Pháp lưu đày biệt xứ đã trở về các đô thị, tái tổ chức hàng ngũ. Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch...đều trở về lại Sài Gòn, củng cố lại nhóm Tranh Đấu. Hồ Hữu Tường chọn việc du hành ra Bắc, cho đến ngày Việt minh cướp chánh quyền ở Hà Nội. Trong bức điện tín ngày 27 tháng 8 năm 1945 của Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ, gởi khẩn cầu Bảo Đại thoái vị, ngoài chữ ký của Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kontum cũng có tên Hồ Hữu Tường. Bảo Đại sau nầy đã cho biết ông đã đồng ý vì thấy trong những người ký bức điện tín có Hồ Hữu Tường là nhân vật mà ông biết đã từng hoạt động chánh trị và am hiểu tình hình thế giới.

Tuy nhiên, năm 1945, Hồ Hữu Tường cũng biết Việt Minh chủ trương diệt các thành phần Đệ Tứ. Để tránh tai mắt trinh sát Việt Minh ở Hà Nội, Tường nhờ được bác sĩ Phạm Ngọc Khuê đưa về Nam Định. Ở đây, H.H. Tường đã viết quyển Muốn hiểu chánh trị , tác giả lấy bút hiệu Huân Phong. Họa sĩ Tô Ngọc Vân e sợ ký như vậy, Tường sẽ dễ bị lộ tung tích vì câu thơ “Huân phong tự Nam lai”. nên đã sửa lại là Thuần Phong. Về sau, Tường đã chọn lại bút hiệu Huân Phong để kỷ niệm những ngày sống với Phạm Ngọc Khuê.

Trên các quyển viết cho nhà xuất bản Tân Việt ở Hà Nội, như Kinh Tế học và Kinh Tế chánh trị nhập môn, Xã Hội học nhập môn Hồ Hữu Tường chọn bút hiệu Khổng Cưu. Sách do Hàn Thuyên xuất bản đều đề tên Nguyễn Huệ Minh là tên của vợ H.H. Tường. Trên các quyển viết cho nhà xuất bản Minh Đức , bút hiệu được chọn là Duy Minh vì H.H. Tường muốn tỏ lập trường biệt lập giữa Duy tâm và Duy vật. Trong thời gian ở Bắc, năm 1946, H.H. Tường có viết một tác phẩm mà ông đắc ý nhất. Đó là quyển Tương Lai văn Hóa Việt Nam, viết trong hình thức “thơ bằng văn xuôi”, bìa do họa sĩ Tô Ngọc Vân trình bày, Minh Đức in 500 bản hình thức sách quý, giấy đặc biệt chế tạo riêng tại làng Bưởi.

Đầu năm 1948, Hồ Hữu Tường từ Hà Nội trở lại về Sài Gòn. Nhà văn Thiên Giang đưa H.H. Tường đến thăm thi sĩ Đông Hồ. Nơi đây Tường gặp chẳng những Đông Hồ, lại có thêm Dương Tử Giang. Hai nhà văn này đang lãnh phụ trách làm một báo Xuân, do Lư Khê bỏ vốn. Đông Hồ mời H.H. Tường viết giúp và đưa trước ngân khoản cho Tường lúc đó đang túng thiếu. Tường nhận lời với điều kiện không ký tên thật. Đông Hồ đề nghị cho Tường các bút hiệu Lân Trinh và Ly Duệ. Lân Trinh có nghĩa là gần với chữ Trinh. Trong thành ngữ, hai chữ Trinh, Tường thường hay dùng chung nhau. Đông Hồ đặt Lân Trinh , cố ý chỉ rằng tác giả là Tường đó! Còn Ly Duệ để nhắc rằng tác giả bài đó là con cháu của Hồ Quý Ly. Đông Hồ thường nhờ H.H. Tường viết nhiều bài trong mỗi số do ông chủ trương biên tập nên Tường phải có nhiều bút hiệu khác nhau. Như khi viết những tiểu thuyết Thu Hương, Chị Tập , H.H. Tường ký Duy Cúc, là tên thiệt của một nữ sinh viên mà ông đã gặp khi ở Hà Nội. H.H. Tường đã mượn hình ảnh của sinh viên Duy Cúc để phác họa nhân vật Thu Hương trong tiểu thuyết. Duy Cúc sau đã sang Paris du học và đã là một nhà điêu khắc nổi danh.

Trong thời gian hợp tác với Đông Hồ, H.H. Tường có giới thiệu với Đông Hồ và đưa vào làng văn trong Nam, văn sĩ Triều Sơn, từng làm chủ bút tờ Kháng Chiến ở Bắc. Vào Sài Gòn, Triều Sơn làm công nhân cho hãng đóng tàu CARIC ở Thủ Thiêm, lo việc vô dầu, làm máy cho tàu của hãng. Triều Sơn đã rút kinh nghiệm về các cán bộ cách mạng gốc bần cố nông để tạo ra nhân vật “Nuôi Sẹo”. Triều Sơn đã gọt giũa tác phẩm nhưng đến năm 1954 vẫn chưa vừa ý nên chưa chịu xuất bản, cho đến khi anh qua đời !

H.H. Tường cũng được Đặng Văn Ký mời làm cai thầu biên tập cho tuần báo Sanh Hoạt trong thời Trần Văn Ân làm Tổng trưởng Thông tin. Đặng Văn Ký là một nhân vật tên tuổi trong Nam, đã từng hưởng ứng phong trào Nguyễn An Ninh và phong trào của nhóm Tranh Đấu. Ông đã bị thực dân Pháp đày ở Bà Rá và đã được Nhật giúp đưa lánh nạn ở Tân Gia Ba với Trần Văn Ân, Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc. Trong tuần báo Sanh Hoạt H.H. Tường thường chỉ viết bài xã thuyết. Các bài khác ông được một sinh viên lỗi lạc ở Hà Nội cùng theo ông vào Nam là Phạm Mậu Quân, tình nguyện “bao sân”. Phạm Mậu Quân là một sinh viên về toán đã được giáo sư Hoàng Xuân Hãn phục tài vì chép bài rất giỏi. Vào Nam, Phạm Mậu Quân tiếp tục học toán ở Đại học Sài Gòn và cư ngụ ở nhà H.H. Tường. Quân có tài về Toán học nhưng cũng có thêm tài viết báo và viết giống lối văn của Hồ Hữu Tường. Trong các bài viết, Phạm Mậu Quân tìm cách cổ võ cho việc dùng tiếng Việt trong các chương trình giáo dục. Cuối năm 1948. báo Sanh Hoạt ngưng hoạt dộng, Phạm Mậu Quân sang Pháp học và nay là một giáo sư Toán danh tiếng. H.H. Tường tuy ít viết trong Sanh Hoạt nhưng đã nhờ tuần báo này mà phổ biến được chủ trương lập trường Dân tộc trong bài Thân Việt, không thân Mỹ hoặc thân Nga.

Trong khoảng các năm 1948, 1949, H.H. Tường được dịp cộng tác trong báo Sài-gòn Mới của bà Bút Trà. Tường đã cho đăng hằng ngày, từng đoạn của tiểu thuyết Phi Lạc Sang Tàu, một tiểu thuyết mà ông đã ngẫm trong những ngày tránh trinh sát Việt Minh ở Hà Nội. Bút hiệu lúc bấy giờ là Ý Dư, tên mà H.H. Tường đã thấy ký dưới một bức thư tỏ tình thống thiết của Đặng Ngọc Tốt gởi cho em gái của Phạm Ngọc Khuê. Thời bấy giờ, ở giới Đại học Hà Nội có ba sinh viên quái kiệt về diễn thuyết là Nguyễn Đình Thi, Huỳnh Văn Tiểng và Đặng Ngọc Tốt. Trong thời Kháng chiến Nam Bộ, Đặng Ngọc Tốt cũng nổi tiếng, khi phụ trách Ban Tuyên Truyền Lưu Động Nam Bộ nhưng khi ra Bắc phụ trách đảng Dân Chủ thì không biết vì lý do gì, lại ít được nhắc nhở. Khi được biết trong khu Nam Bộ , Tốt hay ăn nói lớn lối, giống như anh chàng Phi Lạc trong tiểu thuyết, một thằng mõ ở Bắc được đặt trên ngôi tiên chỉ, nên H.H. Tường mới chọn bút hiệu đó cho câu chuyện.

Bộ tiểu thuyết “Ngàn Năm Một Thuở” với: Phi Lạc Sang Tàu, Phi Lạc Náo Huê Kỳ, Phi Lạc Bỡn Nga đã được H.H. Tường cho trích đăng từng đoạn trên Sài-gòn Mới, Phương Đông, Ánh Sáng...

Mùa xuân năm 1949, Hồ Hữu Tường đáp tàu sang lại Pháp, tình nguyện làm đặc phái viên của Sài-gòn Mới và tiếp tục gởi về các đoạn của tiểu thuyết Phi Lạc Sang Tàu. Ông cũng tiếp tục viết bài về cho Đông Hồ khi có được dịp. Được sự giúp đỡ của một người bạn cũ đang mở một chương trình dạy khoa Cảnh Sát bằng lối hàm thụ, H.H. Tường noi theo ý kiến hay của bạn, mở một lớp dạy làm báo. Các bài nầy đã được cho in lại trong báo Hòa Đồng và năm 1965 được nhà xuất bản Khai Trí in thành sách: Những kỹ thuật căn bản của nghề viết báo.

Ở Pháp, H.H. Tường cũng đã thực hiện được tờ Cảo Thơm, một tập báo Xuân in theo kỹ thuật tối tân Hélio, nhờ sự cộng tác kỹ thuật của Việt Hồ, một Việt kiều đã sống bằng nghề in rất lâu năm ở Pháp.

Trong dịp cộng tác giúp ý kiến cho kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích về nhà xuất bản Minh Tân, H.H. Tường được tặng một số vốn. Nhờ vậy H.H. Tường có được khả năng để thực hiện tạp chí song ngữ Pháp-Anh Pacific năm 1952. Tạp chí được xuất bản ba tháng một kỳ. H.H. Tường đã có phương tiện để cổ võ cho thuyết Trung Lập và kêu gọi các nước nhược tiểu thành lập “thế giới thứ ba”. Đây sẽ là một lực lượng mới, có khả năng cân bằng giữa hai khối Nga, Mỹ đang đối đầu. Tờ Pacific được duy trì đến tám số cho đến năm 1954, khi H.H. Tường bị vào tù khi trở về xứ. Tuy tập san được nhiều giới ở ngoại quốc chú ý nhưng đã bị thủ tướng Nguyễn Văn Tâm ra lịnh cấm lưu hành ở Việt Nam nên số vốn đã tan dần.

Hồ Hữu Tường đã được dịp trở về xứ đôi ba lần sau năm 1952 và đã được dịp cùng bạn bè tổ chức tuần báo Phương Đông . Về sau, Phương Đông đổi thành nhật báo và là cơ quan truyền bá tư tưởng của H.H. Tường. Chủ bút do Lê Văn Siêu phụ trách; Thái Linh là Thơ ký tòa soạn; Nguyễn Hữu Nghi tự Ngu Í là nhà chuyên môn phỏng vấn. Độc giả miền Bắc ủng hộ báo rất mạnh, miền Nam chỉ tiêu thụ khoảng một phần tư. Do được độc giả đất Bắc chiếu cố nên báo được duy trì, trong khi dân miền Nam đinh ninh là Phương Đông sẽ đóng của sớm. Vì báo chủ trương đường lối Trung Lập, nhiều nguồn tin trái ngược được đồn đãi, khi thì cho là báo đượcViệt Minh tài trợ, khi thì nghi do cơ quan phòng Nhì của Pháp đưa tiền, hoặc do Mỹ chuẩn bị nhảy vào Việt Nam khi Pháp bỏ cuộc, hoặc do tình báo Anh giúp vốn, xuyên qua các nước Ấn Độ, Miến Điện...

Khi có hội nghị Hòa Đàm Genève năm 1954, H.H. Tường qua Thụy Sĩ phổ biến bài thuyết trình về “trung lập chế” đã được in trong số đặc biệt Phương Đông. Bản dịch tiếng Pháp là “La seule bonne voie”, tiếng Anh là “The only good way”. Nhưng việc làm không đem đến ảnh hưởng mong muốn và kết cuộc, ngày 20 tháng 7 năm 1945, đất nước Việt Nam đã phải chịu chia đôi! Trở về nước, Hồ Hữu Tường vướng trong vụ Bình Xuyên, bị vào tù tháng 3 năm 1955 và bị chế độ Ngô Đình Diệm kết án tử hình. Nhờ được sự lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ của các danh nhân trên thế giới như Thủ tướng Ấn ông Pandit Nehru, văn hào Albert Camus v.v...nên Hồ Hữu Tường mới được thoát chết.

Khi chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, H.H. Tường mới ra khỏi nhà tù vào tháng Giêng năm 1964. Sau bao năm tù đày ở Côn Đảo, sức khỏe của H.H. Tường đã suy giảm rất nhiều. Mãi đến gần năm tháng sau ông mới bắt đầu bình phục để có thể tập trung tư tưởng, ngồi viết một vài bài báo cho tờ Ánh Sáng của Hoàng Hồ. Hoàng Hồ lúc đó làm giám đốc tờ báo nên có mỹ ý dành cho H.H. Tường cơ hội tập viết lại. Trong tờ Ánh Sáng của Hoàng Hồ, H.H. Tường đã đề nghị chủ trương “liên hiệp quốc hóa Việt Nam”, thay thế cho lập trường “trung lập chế” của ông trước kia.

Qua năm sau, ông Nguyễn Lương Hưng mời H.H. Tường vào ban biên tập của một tuần báo tên Hòa Đồng Tôn Giáo mà ông đã đứng xin cho Hội này. Sau khi có được phép của Bộ Thông tin thì Hội lại không tìm đủ ngân khoản cho ông Hưng thực hiện ra báo. H.H. Tường đi vay được một số vốn nên tuần báo mới được dịp ra đời, với cái tên cắt ngắn là Hòa Đồng. Tuần báo được nhiều độc giả trí thức ưa chuộng nhưng không sống lâu dài khi làng báo, vào lúc đó đang gặp phải khủng hoảng vì việc đầu cơ giấy.

Sau khi Hòa Đồng đình bản, H.H. Tường đã được Chu Tử mời viết trên Sống, quyển tiểu thuyết thời đại “Người Mỹ Ưu Tư”. Vì sách không được giấy phép in ở Việt Nam nên ông Tường đã đem qua Pháp xuất bản dưới hình thức loại sách quý, viết tay, chỉ dành cho một số thân hữu. Tác giả và các bạn đã có lúc dùng văn bản Người Mỹ Ưu Tư là một tác phẩm có tánh cách thời sự quốc tế, để vận động cho Hồ Hữu Tường tham dự giải văn chương Nobel nhưng không có được kết quả.

Sự hợp tác với Sống của Chu Tử lại có tác dụng giúp ông Tường, năm 1967, làm dân biểu Hạ Viện. Đây cũng là giai đoạn ông được nhiều nhà báo mở rộng cửa mời ông viết bài như Tiếng Nói Dân Tộc, Quyết Tiến, Đuốc Nhà Nam, Tin Sáng, Saigòn Mới, Điện Tín v.v...

*
Vợ chồng tác giả bài nầy đã từng khâm phục ông Hồ Hữu Tường, từ khi biết được ông năm 1951, khi còn là sinh viên ở Pháp. Khi trở về nước, cũng thường được gặp ông, nhất là giai đoạn ông cho ra tuần báo Hòa Đồng. Khi ông Tường ra làm dân biểu Quốc hội, ông thường ghé nhà chúng tôi trong cư xá Hải Quân, đường Chu Mạnh Trinh. Lúc đó ông lại bắt đầu mặc áo cà sa màu nâu, cổ mang chuỗi nhà Phật. Gia đình chúng tôi vốn rất phục ông vì tài viết văn : ngồi viết sau một buổi ăn, chỉ độ một giờ là xong một bài cho Hòa Đồng chẳng hạn, sửa chữa lại rất ít là có thể đưa đi in. Tiếc tài của ông vì nhiều khi bị dư luận công kích vô lối, chúng tôi thường năn nỉ ông, xin mỗi ngày ông đến với gia đình chúng tôi để ngồi viết hồi ký chánh trị của ông, truyền lại cho hậu thế. Lúc tôi có được dịp tham gia chánh phủ, tôi có cho ông biết, tôi muốn mời ông giữ một chức như công cán ủy viên ở bộ Xã Hội, để ông có lương hằng tháng. Ông sẽ khỏi cần làm một việc gì trong bộ tham mưu, ông chỉ ngồi nhà viết hồi ký.

Ông Tường cười, phô cái hàm răng đặc biệt của ông và nói: “Tôi có cái tật ngồi yên một chỗ không được, phải luôn luôn tìm cơ hội hoạt động. Anh mới là người phải ngồi viết truyện về thập niên 1940 như tôi đã bảo với anh”.

Ông muốn nhắc đến việc lần đầu gặp ông ở Paris. Nhân dịp nghỉ lễ Giáng Sinh, tôi từ Bordeaux lên Paris. Tiền túi ít nên trưa thường đi theo các bạn thổ công ở Paris, mua giùm phiếu để được vào “ăn lậu” ở các quán ăn sinh viên. Một hôm ở quán Parc Montsouris, trong khi xếp hàng, thấy một “sinh viên” Á Đông lớn tuổi, miệng có hàm răng cửa rất lớn, đang cười, nói tiếng Việt, nhờ một sinh viên đứng sau, dùng hai tay đấm thùm thụp vào lưng cho đỡ lạnh. Anh bạn đưa tôi đi ăn cho biết: “Ông đó là Hồ Hữu Tường. Hôm nay chắc ổng cũng tìm được thẻ để đi ăn lậu như anh”.

Lúc đó, tôi đã biết danh Hồ Hữu Tường, nhưng không được biết là trong thời gian ở Côn Đảo, sau ba năm suy gẫm, ông đã tuyên bố ly khai với chủ nghĩa Các Mác. Tôi đã bắt chuyện với ông trong buổi ăn, thuật những chuyện Cộng sản Đệ tam đã thủ tiêu các nhà ái quốc và nhóm Tranh Đấu thuộc Đệ tứ, khi mở đầu giai đoạn kháng chiến ở Nam Bộ. Ông Tường rất chú ý và rủ tôi ra một quán cà phê Dupont để tiếp nối câu chuyện. Khi tôi kể đến việc đấu khẩu giữa Dương Bạch Mai và Phan Văn Hùm, buổi chiều trước đêm Mai ra lịnh thủ tiêu ông Hùm và các chiến sĩ Đệ Tứ, ông Tường đã tỏ ra bị xúc động mạnh. Ông nói với tôi: “Anh có bổn phận phải viết lại giai đoạn này”.

Cho đến nay tôi chưa hoàn tất việc viết sách vì không có được cái tài viết nhanh như Hồ Hữu Tường. Ông Tường là người gắn bó với nghề viết báo. Ông là người có nhiều ý kiến đi trước thời cuộc và muốn phổ biến các tư tưởng của ông. Có lẽ vì ông có thêm thiên phú về Toán học, nên ông thường dự tính được nước cờ trước nhiều người khác. Từ khi khởi đầu viết báo bí mật thời thực dân Pháp đến các giai đoạn viết báo công khai, ông lúc nào cũng say mê với các cải biến kỷ thuật làm báo và tìm cách hướng dẫn việc viết báo trong thời kỳ ở trong xứ chưa có trường dạy về môn này.

Rất tiếc là sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, Hồ Hữu Tường đã phải gánh chịu cái oan nghiệp mà đảng Cộng sản Việt Nam đã áp đặt lên đầu dân chúng miền Nam. Ngoài cái cộng nghiệp mà các giới miền Nam phải đương đầu, H.H. Tường có lẽ còn có cái thêm cái biệt nghiệp: nghiệp làm báo. Tưởng cũng nên kể thêm đến một giai thoại tiếu lâm được Đỗ Thái Nhiên ghi lại, khi bị nhốt ở phòng giam tập thể thuộc trại giam số 4 Phan Đăng Lưu: Một hôm, cả phòng đang giờ nghỉ, Lý Hùng, một người tù Việt gốc Hoa, cất cao tiếng, hỏi Hồ Hữu Tường đang nằm ở cuối phòng:

- Bác Tường ơi ! Thời Tây, thời Ngô Đình Diệm và cả thời nầy nữa, thời nào Bác cũng ở tù. Bác có hiểu tại sao Bác cứ ở tù hoài hoài vậy không ?

Hồ Hữu Tường nhìn Lý Hùng vừa cười vừa hỏi dò chừng:

- Mày trả lời giùm tao đi, tại sao ?

Lý Hùng nhanh nhẩu trả lời:

- Dễ quá mà ! Tên Bác là “Hữu Tường” nên Bác phải “hưởng tù” dài dài !

Hồ Hữu Tường, mắt nhìn xa xăm trông thật buồn, nói nhỏ giọng:

- Có thể thằng nầy nói đúng !

Năm 1999, nhà văn đã quá cố, Như Phong Lê Văn Tiến có nhờ tác giả viết bài về Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ cho Đài Á Châu Tự Do phát thanh về Việt Nam. Khoảng hai tháng sau, tác giả tình cờ nhận được một thơ gởi từ Việt Nam, nhờ Đài VOA tìm chuyển đến tác giả. Trong các cuộc trao đổi thơ tín về sau, người gởi ( tác giả xin miễn đề cập đến tên, nơi sinh sống hiện nay...) cho biết anh là đồ đệ và bạn tù của Hồ Hữu Tường ở trại giam Hàm Tân. H.H. Tường lúc ấy sức khỏe rất suy giảm, đã nhờ anh nếu ra khỏi tù, hãy tìm tác giả để nhắn những chuyện phải làm nếu H.H. Tường qua đời. Vì vậy nên tác giả còn mang nhiều nợ với ông Tường !

Chánh quyền Cộng sản đã bắt H.H. Tường vào năm 1977. Sau bao nhiêu năm bị giam cầm ở Sài Gòn, các bạn tù đều cho biết là sức khỏe H.H. Tường khá tốt. Lúc nào ông cũng ngậm một lát gừng tươi trong miệng. Có thể việc ngậm gừng này là việc áp dụng những bàn cãi giữa ông Tường và tác giả. Tác giả có cho ông Tường biết về việc các đồng nghiệp quân y sĩ Pháp của tác giả đã báo cáo trong một hồ sơ ở Trường Quân Y Hải Quân Bordeaux: những tù binh Pháp bị bắt sau trận Điện Biên Phủ được sống sót trở về, phần đông là những người thích tìm ớt rừng để ăn hoặc hay ăn gừng để chống lạnh và sốt rét. Tác giả và các bạn đồng nghiệp cho rằng các tù nhân đã sống nhờ sinh tố A (màu đỏ của ớt). Ông Tường góp ý là nên thử nghiên cứu kỹ thêm, vì các thức ăn có chất cay, nhất là thảo mộc, ngoài nhiệt năng (énergie calorifique) hiện được đo lường bằng đơn vị calories, có thể còn chứa chấp loại năng lượng về sức sống (énergie vitale) mà khoa học hiện tại chưa tìm được cách thức dò xét ? Các bạn tù của ông Tường còn cho biết thêm, là mỗi đêm khuya, ông Tường thường ngồi đánh cờ một mình, tay trái đi cờ đối thủ với tay mặt! Ngoài ra, chắc chắn thế nào ông cũng có viết trong đầu, một “tiểu thuyết ngẫm” mà tiếc thay, ông đã đem theo ông, ngày 26 tháng 6 năm 1980, khi ông từ giã để qua một thế giới khác! Bốn năm sau, cuối mùa Đông 1984, tác phẩm cuối cùng của ông, “41 năm làm báo, Hồi Ký” được Đông Nam Á xuất bản ở Paris.

Một người đã có nhiều kinh nghiệm, biết thể thức giữ gìn sức khỏe và tinh thần qua bao nhiêu năm tháng trong các lao tù, thế mà chỉ trong vòng hai tháng bị đưa đi giam ở Hàm Tân, lại bị lần lần kiệt sức và chỉ được đưa về để gục chết trước thềm nhà mình ( VIỆT NAM 1920-1945, Ngô Văn, Chuông Rè-L’Insomniaque, California 2000, trang 436) , là một việc lạ cần được các sử gia điều nghiên trong tương lai.

Tưởng cũng nên ghi lại là đã có một lần, xe chở Hồ Hữu Tường chuyển trại đã bị tai nạn (?) dọc đường và Hồ Hữu Tường đã được đưa trở về Sài gòn chữa trị. Dưới một chế độ nắm toàn quyền lực sinh sát trong tay, với một nghành Công An có nhiều kinh nghiệm học hỏi ở Nga Sô về các kỹ thuật tinh xảo, âm thầm giết người, thì việc thủ tiêu một đối phương đang bị tù, không có gì là khó khăn. Nhưng cũng nên hi vọng là với những cải tiến không ngừng của nền khoa học hiện đại, nhiều âm mưu ám hại, tưởng là bí mật, rồi cũng có ngày bị phát giác.

________________________

Sách Tham Khảo:

1- Daniel Hémery, Révolutionnaires vietnamiens et pouvoir colonial en Indochine , Francois Maspero, Paris Vè, 1975

2- Đỗ Thái Nhiên, Hồ Hữu Tường: Người Chết U Uẩn, Tài liệu chép trên Internet, VMAFORUM, 2-18-02

3- Hồ Hữu Tường, 41 Năm Làm Báo, Hồi Ký, ISBN-2-85881-011-7, Đông Nam Á, Imprimerie Sudestasie, 17 rue Cardinal Lemoine-75005, Paris, 1984.

4- Ngô Văn, Việt Nam 1920-1945, ISBN: 2-908744-14-7, L’Insomniaque, Paris, juillet 1995.

5- Ngô Văn, VIỆT NAM 1920-1945, ISBN: 2-908744-40-06, Chuông Rè-L’Insomniaque, California, USA, 2000.