Nhân 150 năm Gia Định Báo ra đời: Nhà báo Huỳnh Tịnh Của
Ngày nay, ông Huỳnh Tịnh Của thường được coi là một nhà văn, nhà soạn tự điển với hai cuốn tự điển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị xuất bản trong hai năm 1895 và 1896 ở Sài Gòn. Ông còn có tên đường ở phường 8 quận Ba thành phố Hồ Chí Minh.

Với các nhà nghiên cứu ông còn là một trong những nhà báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta. Thế nhưng vai trò “nhà báo” của ông chưa được nghiên cứu đầy đủ. Ngay tiểu sử của ông cũng còn những khoảng “chênh” giữa các nhà nghiên cứu.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Q Thắng viết “Paulus Của 1834-1907, quê làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy (nay thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), ông tinh thông Hán học và Pháp văn, năm 1864, được thăng Đốc phủ sứ, rồi làm Giám đốc Ti phiên dịch văn án cho chính phủ bảo hộ thời ấy” (Nguyễn Q Thắng-Văn học miền Nam, 2003, Nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, trang 401). Đây cũng là tiểu sử được trang web wikipedia lưu truyền rộng trên mạng internet. Ông Bùi Đức Tịnh cũng viết “Ông Huình Tịnh Của, gốc người Bà Rịa, sinh năm 1834 mất năm 1908” (Bùi Đức Tịnh, lời giới thiệu Đại Nam quấc âm tự vị, bản in của Nxb Trẻ 1998). Trong khi đó, ông Bằng Giang lại ghi “Huình Tịnh Của 1830-1908” (Bằng Giang-Văn Học quốc ngữ Nam Kỳ 1865-1930, Nxb Trẻ TPHCM 1998 tái bản lần thứ nhứt, trang 73). Chỉ với năm sanh và mất của ông đã có sai biệt. Ai đúng?

Không chỉ có tiểu sử, ngay cả việc làm báo của ông cũng có nhiều bàn cãi. Ông làm báo khi nào? Nhiệm vụ gì? Làm đến khi nào? Đến nay vẫn chưa thật rõ ràng.

Căn cứ vào nhiều tài liệu khả tín, đặc biệt là Tiểu luận cao học ngữ học “Huỳnh Tịnh Của và công trình biên soạn bộ Đại Nam quấc âm tự vị” của ông Nguyễn Văn Y, đệ trình khoảng năm 1970 ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn, tôi thấy cần điều chĩnh tiểu sử ông Paulus Của như sau:

Huỳnh Tịnh Của còn gọi là Huỳnh Tịnh Trai hoặc Paulus Của. Paulus là tên thánh của ông và cũng là bút danh khi viết báo.

Ông sanh năm Canh Dần 1830 tại làng Phước Tụy, tổng Phước Hưng Hạ, tỉnh Bà Rịa (nay là Bà Rịa-Vũng Tàu), mất ngày 26-1-1908 dương lịch nhằm ngày 23 tháng chạp năm Đinh Mùi 1907. Về năm sanh và mất cùng nơi sanh của ông, tôi căn cứ vào điếu văn của Thống đốc Nam Kỳ đọc sau khi ông Huỳnh Tịnh Của vừa mất đăng trên báo Lục Tỉnh Tân Văn số 13 ngày 13 fevrier 1908 viết “ông sanh năm Canh Dần ở làng Phước Tụy” và Điếu cổ hạ kim thi tập của Nguyễn Liên Phong (bản in 1915A trang 49) ghi ông “ người tỉnh Bà Rịa làng Phước Tụy” (trong bản in của Nxb Văn Hóa Văn Nghệ 2013, trang 79, thì ghi “làng Phước Tuy) và “lúc ngài thác tuổi gần tám chục”. Điếu văn của chánh quyền đương thời và phần viết tiểu sử của người cùng thời, gần gũi như ông Nguyễn Liên Phong có lẽ ít sai sót hơn. Riêng về ngày năm mất của ông, có thể có sự lầm lẫn giữa dương lịch và âm lịch. Về tên làng Phước Tụy, ông Nguyễn Văn Y được ông Chánh lục sự tỉnh Phước Tuy xác nhận là đúng (trang 9, sách đã dẫn). Trong Đại Nam quấc âm tự vị, ông Huỳnh Tịnh Của cũng ghi rõ “Phước Tuy phủ thuộc về tỉnh Biên Hòa, nay là hạt tham biện Bà Rịa” và “Phước Tụy làng” (Đại Nam quấc âm tự vị, trang 1130, Nxb Trẻ 1998, in lại theo ấn bản 1895-1896)

Là người theo đạo Công giáo, năm 12 tuổi, ông được đưa đi học ở trường đạo tại Pénang (paulo Pinang) phía Tây Bắc Malaysia. Ông giỏi Pháp văn và chữ La Tinh. Riêng Hán tự thì “chính ông Paulus Huỳnh Tịnh Của đã nhờ Tôn (Thọ Tường) giúp sức trong việc tập rèn khoa chữ Hán” (Khuông Việt- Tôn Thọ Tường một danh sĩ đất Đồng Nai, trang 65, Hà Nội, Ngày Nay 1941).

Khi học đạo lên chức “Thầy Tư” thì hườn tục về quê cưới vợ. Trong đạo Công giáo, sau khi học hết chức Thầy Sáu thì được làm linh mục. Khi quân Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông thì ông đã ngoài 30 tuổi, không rõ hành trạng. Ông là một trong những người hợp tác với Pháp ngay thời kỳ đầu và ông “vào ngạch quan viên (viên chức của Pháp) từ ngày 1-8-1862. Ngày 1-1-1873 thăng huyện hạng nhứt, ngày 15-7-1875 thăng phủ hạng nhì, ngày 1-3-1881 thăng phủ hạng nhứt và ngày 1-8-1884 thăng Đốc phủ sứ” (Lịch Annam thông dụng trong Nam Kỳ 1899-Tòa thông ngôn quan Thống đốc, trang 88, Saigon Nhà in quản hạt 1899). Theo Nguyễn Văn Y, năm 1892 ông được chọn làm Hội viên của Ủy ban Cải tổ trường Thông ngôn, có chân trong Ban biên tập bán nguyệt san Revue Indochinoise, một tạp chí rất có giá trị chuyên nghiên cứu về Đông Dương, xuất bản từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 (1893-1925). Nhiều lần ông được mời làm giám khảo trong các cuộc thi về Hán và Việt văn và cũng được Thống đốc Nam Kỳ cử làm hội viên trong Hội đồng bàn nghị về Sở Nghĩa địa làng trong các hạt Nam Kỳ.

Về con người, Nguyễn Văn Y ghi nhận, “ông là người chịu ảnh hưởng Tây phương, cùng với Trương Vĩnh Ký cổ động người Việt dùng chữ quốc ngữ viết theo mẫu tự La tinh. Nhưng ông tỏ ra là người yêu chuộng văn hóa dân tộc, biết giữ gìn, khai thác di sản tinh thần của ông cha để lại bằng cách phiên âm, phổ biến những áng văn xưa của người Việt”. Về đời sống “mặc dầu được thực dân Pháp hậu đãi, có quyền chức lớn, nhưng ông tỏ ra là một người khiêm tốn, giản dị, làm công chức cao mà nhà vẫn thanh bần. Lúc về già, ông phải chịu những cái tang quá đau đớn vì tất cả các người con của ông đều mất sớm” (Nguyễn Văn Y, trg 13 và 14). Còn Nguyễn Liên Phong thì ghi nhận ông là người “hình dung nho nhã, tánh nết cẩn thận hiền lành...đã quá tuổi hưu trí mà Nhà nước còn đoái tưởng tuổi lớn mà nghèo, cho làm luôn” (sách đã dẫn).

Về tác phẩm, ngoài hai cuốn tự điển in năm 1895 và 1896 mà mọi người đã biết, ông còn là tác giả các cuốn Phép toán (1867), Phép đo (1867), Maximes et proverbers (1882), Gia Lễ (1886), Chuyện giải buồn (1886), Chuyện giải buồn (cuốn sau, 1886), Bác học sơ giải (1887), Sách quan chế (1888), Tân soạn từ trát nhất xấp (1888), Tực ngữ cổ ngữ gia ngôn (1897), Quan Âm diễn ca (1903), Vãn cha Minh và Lái Gẫm (1902), Tống Từ Vân (1904), Câu hát góp (1904), Phép đo (1904), Trần Sanh diễn ca (1905), Lang Châu toàn truyện (1905), Văn Doan diễn ca (1906), Bạch Viên Tôn Các truyện (1906), Chiêu Quân cống Hồ (1906), Thoại Khanh Châu Tuấn truyện (1906), Thơ Mẹ dạy con (1907), Ca trù thể cách (1907), Tống Tử Vưu truyện (1907), Trần Sanh Ngọc Anh (1928) (Bằng Giang sách đã dẫn, trang 74-84).

Huỳnh Tịnh Của xuất hiện trên Gia Định Báo từ những số đầu tiên năm 1865. Tôi chép được khá nhiều bài viết ký tên Paulus Của trên Gia Định Báo năm 1865. Chúng ta đã biết, Gia Định Báo năm đầu tiên nầy, nay không còn mấy tờ và ở nước ta cũng không thấy mặt văn bản thật mà chỉ thấy trên vi phim. Và tuy chỉ còn lưu được vài số nhưng số bài viết của ông Huỳnh Tịnh Của cũng rất đáng kể. Những bài, tin trích từ tờ báo xưa nhứt của nước ta dưới đây, xin nhìn bằng con mắt “lịch sử” để đánh giá về một con người.

“Có quan lớn nguyên soái cùng các quan xuống tại Cầu Quan (*) chực hầu mình thánh chúa qua đó kiệu ảnh đi vòng gần lầu chuông lên cho tới nhà phước rồi trở về ngã thuỷ qua Cầu Quan, xuống kinh Chợ Vải (*) về nhà thờ. Từ cấm đạo cho đến bây giờ ở đây mới thấy vần nghi trong phép đạo. Ấy tối lấp thì sáng giờ đạo Thánh chúa càng ngày càng sáng.

PAULUS CỦA
  • Cầu Quan: tên một con rạch, nay là một đoạn của đường Yersin-Phạm Ngũ Lão. Ở đây có ngôi đình Thái Hưng tên tục là Cầu Quan.
  • Chợ Vải: chợ Sài Gòn xưa nằm ở khu vực cao ốc Bitex, mắt hướng ra đường Nguyễn Huệ.
“Tháng trước có bắt đặng 5 chiếc tàu ô, phú cho quan án Saigon xử. Một chiếc thì tha, hai chiếc thì tịch hết súng ống thuốc đạn mà cũng tha. Còn 4-5 thì quan án đoán cho là tàu ăn cướp, bạn bè phải giam tù mà quan nguyên soái còn thẩm nghĩ làm sao thì chưa biết”.

“Năm nay mưa thuận, đều trời đâu đó cũng có mưa, mùa màng làm chỗ nào cũng được, chỉ còn sợ hạng (*) tháng 7 mà thôi. Nghe ra jan (*) sự đã yên hơn ngày trước, lo làm ăn không còn lòng một ju (*) hai nữa, đám giao loạn đã nát, bọn tháp 10 (*) cũng đã vắng tin, kẻ làm nghịch hồi đầu xuất thú cũng nhiều, những quân lấy trung ngải, quyên tiền chung mà ăn cùng xui jan làm loạn cũng đã bớt.

“Jan đây còn nhọc một việc làm đàng (*), mà việc ấy cũng là việc tạm, làm trong một đôi tháng mà thôi không phải làm hoài. Mới có tờ quan thượng cho dân trong mùa mưa được về mà làm mùa thì jan cũng đặng thong thả không hề chi”.

PALUS CỦA
  • Jan: dân
  • Hạng: hạn hán
  • Ju: dụ
  • Bọn tháp 10: ý chỉ nghĩa quân Võ Duy Dương.
  • Đàng: đường
“Hôm mồng 9 tháng 5 nhuần, người ta gặp một tên matas (mã tà) bị đâm đổ ruột bỏ tại làng Đức Lập ở gần mé sông Chợ Lớn. Người ta nói tên matas ấy ở với ông Thủ ngữ có biết một hai tiếng Langsa hay ăn hiếp mấy tên matas khác, cùng trác (*) cho quan đánh chúng nó nhiều phen. Nên sắp matas ấy giận oán nó lắm, đã nhiều lần gặp nó đi đàng vắng mà hại nó, song không đặng. Chuyến nầy, gặp nó vào Chợ Lớn mà trai gái, nó nghe lời đi tới làng Đức Lập. Vừa tới, mấy thằng matas ấy xúm lại mà đánh nó, mà tính không đánh chết, thì nó còn báo (*) nữa mới ra tay đâm đổ ruột quăng vô bụi cho mất tích. Mà trời không cho, có người gặp xác thằng matas tri hô lên, quan tầm vấn mới bắt đặng một đứa có bị thằng matas bị giết nó cắn cánh tay đứt thịt. Hỏi nó thì nó xưng ngay không giấu đút chi sốt”.

PALUS CỦA
  • Trác: lừa, gạt
  • Báo: đeo đuổi, theo, bám
“Quan án Saigon đang tra vụ dò giết tên các chú (*) tại Ong Bé (*). Người ta nói hôm mồng 8 tháng nầy, có tên khách triều châu (*) ở Chợ Lớn, đi ra ngoài tàu Cấp (*) mà lấy bạc bán muối. Lấy được một túi chừng 395 đồng tên khách ấy ở dưới tàu uống rượu say, trời đã gần tối kêu đò (*) về Chợ Lớn có một mình. Dưới đò có hai người đờn ông, một người đàn bà, bảo khách say lấy túi bạc gối đầu mà ngủ. Quan đưa đò thấy bạc, nổi máu tham tính làm jữ (*), rập với nhau chèo vào đến rạch Ong Bé, chèo thẳng vào trong rạch. Vác dao chém lão khách, chém một jao (*) ngang cổ, một jao sả mặt chết ngay cắt mất chóp, đem xác vùi bên mé rạch cho mất tích. Rồi đó nó bỏ đò xách túi bạc đạp bộ đem nhau đi mất. Cách 2 bữa, xác lão khách mới nổi lên người ta tìm được báo với quan đang truy bắt quân đò hết nhiều mà không biết là đặng quân phạm ấy chưa. Nghe nói nó có nhà tại Chợ Lớn gần nơi Xóm Chỉ (*).

PALUS CỦA
  • Các chú: người Hoa.
  • Ong Bé: rạch Ong, nay thuộc quận 8
  • triều châu: Triều Châu, dịa danh ở Trung Quốc. Ở đây chỉ người Hoa gốc Triều Châu ở Chợ Lớn.
  • Cấp: nói tắt chữ cap Saint Jacques, ngày nay là Vũng Tàu.
  • Đò: ghe, thuyền, tàu chở khách
  • Jữ: dữ
  • Jao: dao
  • Xóm Chỉ: địa danh ở Chợ Lớn, nay ở khoảng đường Ngô Quyền và Tản Đà
(GĐB số 4 ngày 15-7-1865)

“Có ông quan Annam ở ngoài kinh vô Saigon có ý thăm quan lớn Nguyên Soái cùng mua đồ cho vua Annam. Đi có đem theo một người thơ lại, mới vào tới nơi thì hai thầy trò phát bịnh đau nặng, không đi đâu đặng. Hỏi lại thì nghe hai ông ấy đã mắc bịnh dọc đàng rồi, mà khi ấy hãy còn nhẹ nhẹ, còn gắng gượng đi được. Các quan Phalangsa (*) thấy vậy cũng có lòng lo, dạy người lo cơm thuốc nuôi dưỡng tử tế, tốn hao bao nhiêu thì nhà nước sẽ chịu. Chạy cũng đã hết nhiều thầy, mà bịnh cũng không thấy giảm, đến ngày mồng 3 tháng 6 nầy, người thơ lại bịnh trở, qua canh tư rạng mặt ngày mồng 4 thì chết. Các quan Phalangsa có ban tiền tuất cùng dạy chôn cất tử tế. Còn ông quan Lang trung thì uống đã nhiều thầy nhiều thuốc, mà chưa thấy dấu nhẹ. Người ta nói các ông ấy khi đi ngang Bình Thuận qua chỗ Ba Động không giữ phép tắc cho nên mới đau nặng cùng chết làm vậy. Bởi vì thần quĩ ở đó linh thính lắm, ai khinh dễ thì hay làm cho đau ốm cùng phải chết.

Còn ông Lang trung bịnh thế càng ngày càng nặng chạy đủ các danh y mà cũng không nhẹ. Qua ngày mồng 8 chừng giờ thứ 7 ban mai thì tắt hơi.

Quan Lại bộ thượng thơ đây dạy phải lo chôn cất cho trọng thể. Vậy qua ngày mồng 10 đưa ông quan ấy cách trọng thể lắm. Đi đồ nhứt có cờ trống đờn quyển, võng lọng ngựa xe rở ràng, có 4 ông quan Phalang sa đi đưa có lính Phalang sa cùng matas Annam cầm súng mác theo hầu quan tài, có tờ sức các thông ngôn kí lục đàng Bố, An, Giám thành cùng các viên chức đi đưa đã nên là hậu táng.

Tưởng ông quan ấy có chết ngoài Huế, dầu có đặng gần bà con anh em cũngđặng gần các quan đồng liêu lo cho, thì chôn cũng không đặng trọng thể hơn nữa”.

PAULUS CỦA
  • Phalangsa: người Pháp
(GĐB số 5 ngày 15-8-1865)

“Tại xứ Gò Công

“Mới tháng nầy có tên đội Nhiên là đội nguỵ. Tên nầy hay húng hiếp quyên tiền quyên gạo đã nhiều lượt. Lượt nầy tới nhà chủ quyên lại đòi ngủ đó nghinh ngang chẳng nói chi, lại sanh tâm muốn nằm với vợ chủ nhà chơi. Lão chủ nhà giận lắm, để cơn nó ngủ, lén cắt quách đầu nó đi đem nạp cho quan Tham biện (*) Gò Công.

Cũng mới đây, có tên quan đi quyên tiền trong làng Vĩnh Thành cũng bị chúng giết. Tên nầy cũng hại hết nhiều mạng. Bữa nó mang một cây gươm xốc vô trong làng, hò hét bắt làng chạy bạc chạy đồ ăn. Làng thấy lão ngang dọc phát giận lên, vác tre tầm vông xúm lại đánh với lão, lão cự cũng hung mà làng đông đánh nà giết lão được.

Đã ba năm nay, dân xứ ruộng mắc quan giặc quân hoang phá phách, chịu cực khổ khốn nạn cũng đã lắm lắm. Bây giờ đâu đó đã đạng (*) mạnh mẻ chịu với quân ăn cướp không còn sợ hải cùng biết thế giữ gìn cho đặng bình yên, chẳng còn phải quyên tiền cho nó ăn như buổi trước nữa. Ấy dân có lòng tốt, ngay thẳng làm tôi nhà nước, nhà nước cũng lo thế cho dân Nam đặng bình yên cùng phước lộc”.
  • Tham biện: chức vụ thời Pháp tương đương chủ tịch tỉnh.
  • Đạng: đặng
“Tháng trước tại địa phận Chợ Lớn có bắt đặng một tên nguỵ có danh, tên là Quản Mai. Tên nầy tài trí, cảm dõng lắm. Trong đạo binh nó có một ít tên Ma Ní (*) ở bên nầy mà trốn sang, nó hiệp nhau ở phía Vàm Cỏ.

Bắt đặng tên nguỵ nầy thì có ích lắm. Được làm vậy thì dân đâu đó sẽ đạng bình an”.

PAULUS CỦA
  • Ma ní: lính người Phillipin
“Có một người Phalangsa đi quá giang qua Đồng Nai có đem theo một tên Chà Và (*). Qua vừa tới nơi, liền phát bịnh nóng rét, tính ở đó không thuốc uống, hối tên Chà Và đi kiếm ghe khác quá giang trở về Saigon cho kíp. Tên Chà Và chạy kiếm đạng một chiếc ghe trầu cho quá giang, hai thầy tớ đem nhau xuống đó mà về. Người Phalangsa nóng rét vùi vả trùm mền nằm trong ghe bất tỉnh nhơn sự. Ghe trầu chèo xuống đạng một ít khúc sông bèn gặp hai chiếc ghe ăn cướp chèo xốc lại níu bánh lái hòng nhãy qua làm dữ. Cả ghe ai nấy đều kinh, tên Chà Và chết điếng không dám cục cựa. Lão lái ghe trầu hoảng kinh chạy dở mền kêu người Langsa. Một hồi lâu, người Langsa mới tốc mền chờ dậy chạy ra thấy hai chiếc ghe đầy những người ta, không biết đen trắng làm sao, giơ tay chỉ hai chiếc ghe ấy la một tiếng lớn (bắp vế). Ăn cướp nghe la một tiếng lớn không biết chuyện chi lật đật xô ghe ra chèo chạy mất.

PAULUS CỦA
  • Chà Và: cách Việt hóa chữ Java, một đảo lớn của Indonesia
“Quản Sô là người có danh tiếng qui tập quân hoang ăn cướp đã đạng hai triều. Bây giờ hồi đầu xuất thú chịu ra làm tôi tân triều. Đều (*) ấy mới nghe qua, ai nấy không muốn đem bụng tin, bởi vì thuở cựu triều đang còn cự địch với Pha lang sa, hãy còn quân thứ ở Chí Hoà, quan Annam có cho đòi quản Sô ứng ngải (*), đái (*) tội lập công, người ấy cũng không chịu ra để ở một mình ngoài trời đất ăn cướp thiên hạ, chẳng chịu tùng ai. Quản Sô vóc vạc cao lớn, đen chắc hay nghề võ, mạnh bạo, bụng dạ ở cũng có nhơn không hay giết người, quán ở làng Phước Khánh thuộc huyện Phước Lộc. Bình sanh chỉ lo ăn cướp người ta mà ăn, có làm xã trưởng làng Phước Khánh, mà lúc làm xã thì cũng ăn cướp. Sau lại tình nguyện đi lính đạng 10 năm mãn hạng trở về cũng cứ làm nghề cũ kết bạn với dân hoang đàng ăn cướp. Lão ấy lớn lắm thinh thế, một mình nghinh ngang các ngả đàng ăn cướp nào cũng nhượng, phường ghe buôn nghe tiếng Quản Sô cũng kinh hồn, nậu (*) rừng sác thấy oai Quản Sô thảy đều khiếp vía. Lúc Quản Định chiếm cứ Gò Công, có ra đầu Quản Định, do là thấy thiên hạ tín tùng Quản Định lắm. Lúc ấy mới lãnh bằng của Quản Định làm thống quản chiêu binh sắm súng đánh với Phalangsa. Mà cũng chưa nghe người ấy đánh với Phalangsa trận nào, cũng là lấy tiếng ứng nghĩa gọi là với người ta, bụng lão ấy cũng quyết sự ăn cướp mà thôi. Đến lúc Quản Định thất thủ Gò Công rồi kế bị người ta giết, nghe lão ấy còn hùng cứ một mình. Khi nghe Thiên Hộ Dương qui binh làm giặc ở Tháp Mười thiên hạ phục tùng cũng đông, lão ấy cũng có theo Thiên Hộ Dương đạng một ít lâu. Sau thấy Thiên Hộ Dương không đạng tử tế ở thất nhơn tâm nhiều đều, ý muốn xưng vương nghịch cùng vua Annam, lão bỏ phức Thiên Hộ Dương trở về chốn cũ làm nghề cũ ngang dọc dưới sông xóm làng tan nát, lấy của thiên hạ cũng đã hết nhiều mà khá nghe lão ít giết người ta. Lúc nầy không biết ý làm sao mà lão ấy hồi đầu xuất thú tội quyết trở nên người lương thiện làm tôi tân triều. Quan Phalangsa cũng cho lão ấy đầu, không làm tội gì, lại cho hồi quán lương thiện làm ăn. Ấy tôi tưởng tại phước đức Phalangsa cùng tam tỉnh (*) nầy, khiến cho lão ấy ra đầu làm vậy. Vì như Quản Sô xuất thú, thì thế các quản khác cũng lục thục ra sau, chẳng lo gì thiên hạ không yên, chẳng sợ gì tam tỉnh không thạnh trị. Những quân làm giặc xem gương Quản Sô cùng các quản khác ra đầu mà nhà nước cũng đãi tử tế không làm tội lệ gì, như ông Ngô Tế Thế trước cũng làm quản lãnh đàng nguỵ, lúc ra thú quan Pahlangsa cho làm ký lục bây giờ cho lên làm huyện Tân Ninh thì ân nhà nước đã nên hậu lắm. Quân Nguỵ thấy những gương ấy thì phải hồi đầu chẳng phải nghi ngại, để bơ vơ làm bậy bạ phá dân, nhứt đán bắt đạng thì chết treo, nào đạng ích gì”.

PAULUS CỦA
  • Đều: điều
  • Ngải: nghĩa
  • Nậu: bọn, lũ
  • Đái: đoái
  • Tam tỉnh: ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường
(GĐB số 6 ra ngày 15-9-1865)

Theo nguyên tắc bình thường, một tờ báo “phải có” Ban biên tập, phóng viên. Ban biên tập là những người lo các mặt cho tờ báo, trong đó có chủ trương, định hướng, biên tập bài vở, đặt và thúc hối các phóng viên, cộng tác viên viết bài…Còn phóng viên thì đương nhiên là đi lấy thông tin ở các nơi và viết bài.

Song báo ngày xưa, đặc biệt là tờ Gia Định Báo, thì thông tin không nhiều lắm. Qua tờ báo chúng ta cũng biết, các thông tin đăng trên báo rất có thể rút từ các báo cáo hàng tháng của các Tham biện gởi về. Phần còn lại là văn bản thì có ngay trong văn phòng Nha Nội vụ, cơ quan phụ trách và cũng là nơi tờ báo làm tòa soạn. Xin nói thêm, tòa soạn của tờ Gia Định Báo chính là phòng Thông ngôn của Soái phủ Nam Kỳ nằm trong Nha Nội vụ. Cơ quan nầy được xây dựng vào năm 1865 ở số 59-61 đường Lagrandiere (Lý Tự Trọng).

Với tính chất đặc biệt ấy, Gia Định Báo có thể không có phóng viên, mà chỉ có ban biên tập. Và ban biên tập báo ngoài việc chủ trương, biên tập bài vở còn kiêm luôn cả công việc của phóng viên là viết bài. Làm báo quốc ngữ thời xưa hơi cực là phải “dịch” tất cả các bài ra tiếng Pháp để duyệt. Và đó là công việc không nhẹ nhàng!

Trên báo Lục Tỉnh Tân Văn số 522 ngày 7 Mars 1918 viết “Vẫn từ khi có báo văn chương quấc âm đến nay, chánh phủ hằng buộc các báo quán phải phiên dịch những bài đam trình cho phòng kiểm duyệt xem xét, thật rất tốn kém vô cùng. Nay quan Nguyên soái mới định rằng các báo quốc âm không cần gì phải phiên dịch các bài, miển là đem các bài đến trình trước cho ông Boseq xem thì đủ. Chánh phủ mà trí cử ông Boseq để kiểm duyệt các báo thiệt rất xứng đáng lắm, vì ngài thông thạo tiếng Annam và hiểu biết phong tục xứ nầy”.

Như vậy, Ban biên tập của Gia Định Báo phải là những người “thông thạo” Pháp và Việt văn. Ngoài ông Ernest Potteaux, chánh tổng tài, thiển nghĩ Ban biên tập còn có các ông Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và Tôn Thọ Tường. Có tài liệu còn ghi nhận cả ông Trương Minh Ký. Nhưng ông Trương Minh Ký sanh năm 1855, đến năm 1865 mới có 10 tuổi còn đang đi học thì không thể có mặt trong Ban biên tập một tờ báo được! Thời kỳ nầy, ông Huỳnh Tịnh Của có thể là “chủ bút” của tờ báo. Bởi ông Trương Vĩnh Ký, ngoài nhiệm vụ một thông ngôn quan trọng, còn là một thầy giáo, vừa phải dạy học còn phải viết sách học, ít có thì giờ để đầu tư cho việc làm báo. Ông Tôn Thọ Tường thì tiếng Pháp và quốc ngữ không rành rẽ lắm. “Xét nội một việc Tôn đã là một bực thâm nho mà, lúc gần 50 tuổi đầu, còn cặm cụi học chữ latin và vần quốc ngữ”. Và Gia Định Báo số ra ngày 15-4-1867 viết “ở đây có Phủ Tường đã học đặng chữ quốc ngữ viết đặng, đọc đặng. Chữ ấy chẳng khó đâu, ra công học trong một đôi tháng thì thuộc hết” (Khuông Việt-Tôn Thọ Tường, 1941, Ngày Nay Hà Nội, trang 38-39). Như vậy, Ban biên tập chỉ còn mỗi ông Huỳnh Tịnh Của “đủ tiêu chuẩn” để lo nội dung tờ báo là viết và dịch cả hai thứ tiếng Pháp và Việt.

Có thể do làm chủ bút, ông Paulus Của cũng kiêm công việc của phóng viên là viết bài khi cần. Những bài báo trích trên cho thấy, thời kỳ đầu, ông viết đều và nhiều. Từ năm 1880 trở đi thì không còn thấy ông viết nữa, có thể ông phải làm việc khác.

Như vậy, theo chúng tôi, ông Huỳnh Tịnh Của là nhà báo quốc ngữ tiền phong của nước ta, chỉ đứng sau ông Trương Vĩnh Ký và từng là chủ bút của tờ Gia Định Báo trong một thời kỳ, theo tôi có lẽ ông làm chủ bút cho đến khi Trương Vĩnh Ký thôi làm chánh tổng tài (1871).

Với thời gian làm báo như vậy, ông xứng đáng được đứng trong hàng ngũ của nhà báo quá. Song từ lâu, hình như ông chưa được giới nghiên cứu xếp vào làng báo. Phải chăng đó là một sự thiếu sót?