Tính đàng hoàng của ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương

Ông Khai Trí và nhà soạn tự điển Nguyễn Văn Khôn.
Tin ông chủ nhà sách Khai Trí Nguyễn hùng Trương vừa mất làm cho giới yêu sách bùi ngùi thương mến. Cả giới cầm bút lẫn độc giả đều yêu mến ông. Riêng tôi vốn là một độc giả của tờ báo Thiếu Nhi xuất bản trước 1975 do ông làm chủ nhiệm, tôi cũng cảm thấy buồn buồn thương tiếc. Tôi muốn kể ra một chuyện mà tôi biết để nói lên cái tính đàng hoàng của ông. Ông xứng đáng được mọi người thương tiếc và kính mến vì sự nghiệp văn hóa và cái tính tính đàng hoàng hiếm có của ông.

Từ trong nước, nhà văn Nguyễn thụy Long (tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Loan mắt nhung”, một cuốn tiểu thuyết mà sau này giới nghiên cứu miền Bắc sau 1975 cũng hết lời ca ngợi) có viết một bài nhan đề “Vĩnh biệt ông Khai Trí”, trong đó có nhắc đến hoàn cảnh đau thương của ông Khai Trí sau 1975:

“Ông Khai Trí, Nguyễn hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Đức, Gia Định, mất hồi 5 giờ 15 ngày 11 tháng 3 năm 2005, tức ngày mồng 2 tháng 2 năm Ất Dậu, thọ 80 tuổi sau hai tuần nằm bệnh viện. Ông mất đi do sức già lực kiệt, nhiều năm ông cố gắng tranh đấu để xin lại hiệu sách vĩ đại của ông sau khi bị nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tịch thu, sau đợt cải tạo văn hóa 1976 tại Sài Gòn. Tiệm sách của ông tại đường Lê Lợi mang tên Khai Trí bị nhà nước quản lý, nay mang tên Fahasa của nhà nước. Thuở đó, sau khi các sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị đi cải tạo trước, đến lượt những văn nghệ sĩ bị bắt, tác phẩm thiêu đốt và họ đều bị coi là kẻ có tội, đương nhiên bị bôi nhọ, kết tội là Biệt Kích Văn Nghệ.

Ông Khai Trí cũng bị coi là tội phạm, liệt vào hàng văn nghệ sĩ và bị bỏ tù, vì người chiến thắng cho ông là người kinh doanh và phát triển cái văn hóa đồi trụy. Những người đã từng sống ở miền Nam trước giải phóng, ai cũng biết đến ông. Gọi là ông Khai Trí mà quên cái tên cúng cơm của ông là Nguyễn hùng Trương, ông làm được nhiều công việc lợi ích cho văn hóa Việt Nam, cả đời ông đam mê công việc ấy. Và ông quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam, kể cả những văn nghệ sĩ Bắc di cư 1954. Nhiều vị học giả, nhiều nhà văn nhà thơ, tất cả đều quí mến ông. Có vị nói với tôi, “Ông Khai Trí không khen được thì thôi, chớ có gì đâu để mà nói xấu, để chê bai”. Đúng vậy, ông Khai Trí là người làm sách, làm văn hóa, kinh doanh mặt hàng ấy, nhưng không thể coi ông là hàng “đầu nậu” xuất bản sách, trái lại rất trân trọng, vì tư cách của ông, con người vừa khiêm nhượng vừa tốt lành của ông.

...Ngoài việc xuất bản sách, ông Khai Trí còn chủ trương in một tuần báo Thiếu Nhi, giao cho nhà văn Nhật Tiến trông coi, tờ tuần báo Thiếu Nhi nội dung rất lành mạnh, rồi tập san Sử Địa do Nguyễn Nhã trông coi, toàn là những sách báo bổ ích thời ấy. Ông Khai Trí lại ra tay giúp đỡ nhiều anh em văn nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn, mua tác phẩm của họ, tuy chưa in còn để đấy nhưng ông vẫn trả tiền đầy đủ không thiếu một xu. Ngoài ra ông tài trợ cho nhiều tờ báo hồi đó ở Sài Gòn. Tôi không biết nhiều, nhưng tôi biết về tờ báo Sống của Chu Tử, cũng có sự góp sức về mặt tiền bạc.

...Bao nhiêu lần tôi đi qua đường Lê Lợi, tôi nhìn thấy ông Khai Trí buồn bã đứng ở góc đường đó, nhìn sang hiệu sách cũ của mình mang tên mới là Fahasa. Một lần khác, cũng trong bữa giỗ ông Chu Tử, tôi hỏi ông Khai Trí về việc xin lại nhà sách Khai Trí đến đâu rồi?

Ông cười chua chát:

- Phải đến năm 3000 thì may ra...

Ngày ông bị bắt, bị bỏ tù, bao nhiêu bài báo nói xấu ông, kết tội ông còn dấu bao nhiêu kho sách Ngụy, không thành thật khai báo. Chuyện thế thái nhân tình lúc ông gặp hoạn nạn, những kẻ trước đây từng chịu ơn ông, tố cáo ông bao nhiêu là tội để cả những điều không có để lập công.

Buổi lễ tang ông Khai Trí, tại nhà ông đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Phan thanh Giản cũ) tôi gặp nhiều bạn bè của ông, những người thuộc chế độ Sài gòn cũ đến thắp cho ông những nén nhang và chia xẻ sự thương tiếc với gia đình ông.

...Tôi nhớ mãi dáng ông Khai Trí đứng nhìn lên hiệu sách cũ của mình và câu nói chán nản của ông, năm 3000 thì người ta trả lại cho ông nhà sách Khai Trí. Sao mà chua chát thế cho ông Khai Trí Nguyễn hùng Trương, cả một đời chỉ có một đam mê là làm văn hóa, giữ gìn cái hay, cái đẹp cho thế hệ mai sau.Xin chia buồn cùng gia đình ông”.


Đúng như nhà văn Nguyễn thụy Long nói, nhà nước Cộng sản đã tịch thu nhà sách Khai Trí yêu quý của ông Nguyễn hùng Trương một cách bất hợp pháp. Thế mà khi nghe tin ông mất, báo Thanh Niên của Cộng sản Việt Nam cũng đăng bài ca ngợi ông một cách khá đãi bôi như sau:

“Nhờ cố gắng làm việc không quản mệt mỏi, tiết kiệm từng đồng nên đến năm 1952 ông Khai Trí đủ vốn để mở một hiệu sách nhỏ tại 62 Đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi), đặt tên là nhà sách Khai Trí (nay là nhà sách Sài gòn). Đây là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra mà không phải mua. Nữ nhân viên bán hàng mặc đồng phục, lúc nào cũng vui vẻ ân cần, trông nom một cách kín đáo..

Con người có niềm đam mê mãnh liệt với sách báo ấy đã không còn nữa. Ông ra đi lúc 5 giờ 15 ngày 11/3/2005, linh cửu hiện quàn tại nhà riêng (237 Điện biên Phủ, Sài gòn). Nguyện vọng của gia đình là gửi tiền phúng điếu vào quỹ từ thiện thành phố.

Xin vĩnh biệt, ông Khai Trí!”


Sau chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, đến năm 1976 thì Cộng sản Việt Nam tiến hành đánh tư sản. Chúng ngu xuẩn cho tất cả những người có tài sản đều là thứ “tư sản mại bản”, bóc lột xương máu của dân chúng, nên ra lệnh tịch thu tài sản những người giàu có và đôi khi còn bắt khổ chủ đi tù. Ông Khai Trí vừa bị tịch thu tài sản vừa bị tù tội. Thật ra ở miền Nam thì thứ tư sản mại bản phải nói đến bọn vua gạo, vua đường, vua kẽm gai, bọn này phối hợp làm ăn nhịp nhàng với vua tham nhũng là Tổng thống mặt trơ trán bóng Nguyễn văn Thiệu để xây dựng nên cơ đồ trên xương máu của người dân. Còn những người như ông Khai Trí, đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để gây dựng sản nghiệp cho gia đình, không thể hàm hồ gọi là thứ tư sản bóc lột như Cộng sản đã quy chụp cho ông. Người phụ trách đánh tư sản kỳ đó chẳng ai khác hơn là anh thiến heo (tiếng miền Bắc gọi là hoạn lợn) Đỗ Mười, sau này làm tới tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời kỳ chiến dịch đánh tư sản ở Sài gòn có vài chục người đã tự tử khi gia tài mồ hôi nước mắt họ tạo dựng nên bị bọn công an vào đóng ở trong nhà tịch thu sạch. Sau này người ta ghi nhận chuyện Tổng bí thư Đỗ Mười được các doanh nhân Đại Hàn tặng 1 triệu dollars (phải nói đây là một thứ tiền hối lộ). Có một triệu dollars thì ông Đỗ Mười đã trở thành tư bản mại sản rồi đấy! Có điều là bây giờ không thấy ai đánh tư sản mại bản Đỗ Mười cả trong khi ngày xưa đi đánh và cướp sản nghiệp của những người làm ăn kinh doanh chân chính như ông Khai Trí Nguyễn hùng Trương! Đó quả thật là một sự mỉa mai khôi hài cho nhà nước Cộng sản. Đảng Cộng sản chẳng qua chỉ là một thứ đảng cướp không hơn không kém mà thôi. Huyền thoại chống ngoại xâm mà chúng thường huênh hoang khoác lác ca tụng chỉ là công tác phải thi hành do Quốc tế vô sản giao mà thôi. Bộ mặt giả nhân giả nghĩa, lưu manh, thảo khấu của chúng theo thời gian rồi cũng lộ ra khiến người dân ngày càng kinh tởm chúng.

Sau khi qua Mỹ năm 1991 để đoàn tụ gia đình. Ông có cho đăng một thư ngỏ yêu cầu những nhà phát hành sách hải ngoại ngưng in sách của nhà sách Khai Trí và yêu cầu thanh toán tác quyền cho ông nếu đã in sách cũ của ông. Nhà xuất bản Đại Nam do ông Trương đình Nho làm giám đốc, có liên lạc với ông và trả cho ông một số tiền tác quyền vì nhà sách Đại Nam có tái bản một số sách của nhà sách Khai Trí. Một nhà xuất bản lớn khác có in lại sách của ông nhưng khi ông liên lạc để đòi tác quyền thì họ từ chối không trả. Thật ra luật pháp Mỹ cũng không giải quyết chuyện tác quyền về những cuốn sách in trước 1975 tại miền Nam Việt Nam. Cho nên xin ghi nhận chuyện xử sự khá đẹp của nhà sách Đại Nam khi trả tiền tác quyền cho ông Khai Trí. Đó là một lối hành xử có văn hóa, ăn trái nhớ kẻ trồng cây rất đáng khen ngợi.

Là một độc giả Thiếu Nhi của ông ngày xưa, tôi có gọi điện thoại nói chuyện với ông về chuyện sách báo cho vui. Ông cho biết thêm một chuyện là nhà nước Cộng sản cho tái bản cuốn tự điển Pháp - Việt của cụ Đào đăng Vỹ ở Sài gòn. Biết ông sắp đi Mỹ đoàn tụ, Cộng sản gửi ông một số tiền trị giá bằng dollars và nhờ ông sau khi qua Mỹ, tìm con cái của cụ Đào đăng Vỹ mà giao lại cho họ, gọi là trả tiền tác quyền cho chuyện tái bản tự điển nói trên. Ông hỏi tôi có biết con cháu cụ Đào đăng Vỹ ở đâu không để ông liên lạc và giao tiền? Tôi cho ông số điện thoại một người con gái cụ Vỹ có chồng là dược sĩ hiện đang ở trong vùng tôi ở. Vài ngày sau nói chuyện điện thoại lại với ông thì ông cho biết ông đã liên lạc theo số điện thoại tôi cho nhưng gia đình cụ Vỹ không dám nhận số tiền tác quyền do nhà nước Cộng sản gửi cho. Tôi hiểu ngay. Sống trong một cộng đồng tỵ nạn với nhiều màn chụp mũ bậy bạ, gia đình cụ Vỹ sợ sẽ bị rầy rà phiền toái nếu chuyện nhận tiền tác quyền do nhà nước Cộng sản gửi cho, dù chuyện nhận tiền tác quyền của cuốn sách của người cha là một chuyện chính đáng. Tôi hỏi ông là bây giờ con cụ Vỹ không dám nhận số tiền đó thì ông sẽ phải làm gì với số tiền đó. Ông bảo là ông sẽ gửi lại số tiền này cho nhà nước Cộng sản vì người nhận không dám nhận tiền.

Nói chuyện với ông xong mà tôi cứ ngẫm nghĩ, “Trên cuộc đời này sao mà có người đàng hoàng như thế nhỉ!” . Tự nhiên trong lòng tôi dâng lên niềm kính phục sâu xa dành cho ông, người chủ nhiệm tuần báo Thiếu Nhi ngày xưa mà tôi là độc giả. Nếu ông là người không đàng hoàng thì ông không bao giờ đi tìm người thân của cụ Vỹ để giao tiền mà sẽ ỉm đi luôn để giữ làm của riêng. Ôi! một con người đàng hoàng như thế mà bị chế độ Cộng sản đày đọa, cướp của bỏ tù thì đủ biết cái chế độ Cộng sản Việt Nam khốn nạn và đáng nguyền rủa đến chừng nào. Sau 1975, biết bao nhiêu người miền Nam đàng hoàng có tư cách như ông Khai Trí Nguyễn hùng Trương phải chịu cảnh đày đọa và tài sản mồ hôi nước mắt bị chính quyền “cách mạng” tịch thu như ông. Thật không ngạc nhiên chút nào khi mới đây thấy chế độ Cộng sản mới đây thân thiện và hợp tác với thứ lưu manh, lừa thầy phản bạn như Nguyễn cao Kỳ! Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, chỉ có bọn lưu manh mới chơi và làm ăn được với nhau vì chúng có chung tần số gian giảo, dối trá.Một chuyện riêng trong gia đình cũng xin kể ra ở đây .Sau 1975 mẹ tôi vào sinh sống ở Sài gòn trong khi ông ngoại tôi ở Huế. Có dạo một người đồng hương từ Huế vào Sài gòn chơi, mẹ tôi bèn gửi một số tiền nhờ người này đem về cho ông ngoại của tôi khi người này về lại Huế. Người đồng hương này đã không làm tròn lời giao phó của mẹ tôi, nghĩa là khi về lại Huế ông ta không giao tiền của mẹ tôi gửi cho ông ngoại tôi. Sau đó một vài năm thì ông ngoại tôi bị đau nặng đi đến tình trạng hôn mê. Mẹ tôi về Huế để lo lắng sức khỏe cho ông. Khi biết tin mẹ tôi về Huế, người đồng hương ngày xưa vội vã đến tìm gặp mẹ tôi để đưa lại số tiền mà mẹ tôi gửi ông ngoại tôi ngày xưa. Mẹ tôi nói với ông ta, “Tôi nhờ anh đưa tiền cho ông thân tôi, anh đã không đưa ngày ông còn tỉnh để ông tiêu. Giờ này ông cụ đã hôn mê rồi thì anh trả lại tiền cho tôi làm gì nữa”. Xem đó mới thấy chuyện ông Khai Trí nhận giao tiền tác quyền cho gia đình cụ Đào đăng Vỹ và ông đã làm ngay thì mới thấy ông là người đàng hoàng. Đáng buồn là trong cuộc đời những người đàng hoàng, tử tế như ông lại gặp bọn Khuyển ưng Cộng sản cướp của, bỏ tù dù ông không làm chuyện gì sai trái và thiếu đạo đức.

Tôi hiểu nỗi lòng đau đớn của ông Khai Trí khi đứng trên đường Lê Lợi buồn bã nhìn tiệm sách Khai Trí thân yêu mà ông đã bỏ biết bao công lao gầy dựng nên bây giờ đã thay ngôi đổi chủ như nhà văn Nguyễn thụy Long kể lại ở trên. Rồi câu nói mỉa mai chua chát là hy vọng đến năm 3000, bọn Cộng sản cướp của sẽ trả lại cái nhà sách Khai Trí yêu quý lại cho ông! Ông Khai Trí ơi, chẳng phải chờ đến năm 3000 đâu ông, Cộng sản chắc cũng còn một hai năm nữa là tan rã vì phe phái chúng đấu đá quyền lực, tranh giành quyền lợi đưa đến sự sụp đổ không thể nào tránh khỏi của chế độ bất nhân, tàn ngược của chúng. Chúng gian ác, cướp của giết người, bỏ tù người vô tội nhiều quá quá nên trời xui đất khiến chúng chia ra băng đảng đấu đá nhau như hai phe của Đại tướng chột mắt Lê đức Anh và Đại tướng cai đẻ Võ nguyên Giáp đang bày binh bố trận để thanh toán và tiêu diệt nhau. Một chế độ dân chủ tự do thật sự mới sẽ thành hình sau khi chế độ Cộng sản sụp đổ và sẽ trả ngay nhà sách Khai Trí lại cho gia đình vợ con ông. Ông sẽ ngậm cười nơi chín suối ông nhé. Mong vong linh ông sống khôn thác thiêng phù hộ cho chuyện này sớm thành sự thật.

Xin thắp một nén hương lòng để tưởng nhớ đến ông Khai Trí Nguyễn hùng Trương, một người đàng hoàng đáng kính!

Lawndale, một đêm đìu hiu giá lạnh cuối tháng 3 năm 2005