Bài Dạ Cổ Hoài Lang nhịp 8 - Bài “Vọng Cổ” đầu tiên

Năm Nghĩa
(CLVN.VN) - Lại một lần nữa bài “Dạ cổ hoài lang” có biến chuyển mới. Nhịp 4 sang nhịp 8 và từ nguyên nhân cải đổi này nên có sự kiện được lột xác thành bài Vọng cổ nhịp 8 đầu tiên?

Trích bài của Trần Phước Thuận trong sách “Tìm hiểu cổ nhạc Bạc Liêu”. Tác giả viết: Bản Dạ cổ hoài lang ra đời, lúc bấy giờ nó dần dần chiếm chỗ của 2 bản: “Tứ đại oán” và “Hành vân”.

Nhưng hơn 10 năm đầu nó vẫn chưa lấn áp được các bản này mặc dù nó đã được cải tiến thành nhịp 4. Mãi đến năm 1934, bản Dạ cổ hoài lang mới được thực sự lột xác, chính thức biến thành bản Vọng cổ nhịp 8, chữ đờn nhiều hơn, sức thu hút mạnh hơn.

Phải nói nhờ công sáng tạo và giọng ca truyền cảm nhẹ nhàng của chính tác giả bài vọng cổ nhịp 8 đầu tiên này: “Văng vẳng tiếng chuông chùa” của nghệ sĩ Lư Hòa nghĩa. Ông ra đời vào năm Tân Hợi (1911) tại Xóm Mới Bạc Liêu, trong một gia đình khá giả. Cha là Lư Văn Bửu (tên riêng là Thành) - nguyên là thầy giáo. Mẹ là Nguyễn Thị Nghiệp ở Bạc Liêu từ lâu đời. Ông có tất cả 13 anh em, ông đứng hàng thứ ba tên thật của ông là Hiển, tên chữ là Hòa Nghĩa. Nhưng đến khi có vợ là cô Năm Đặng, thì có một số người gọi thứ của vợ thành Năm Nghĩa. Sau đó, ông lấy tên này làm nghệ danh. Từ đó mọi người gọi ông là “NĂM NGHĨA”

Ông thấy bài ca mỗi câu quá ngắn, mặc dù ông rất tâm đắc với bài Dạ cổ hoài lang, một thể điệu rất hợp với ông. Ông muốn chuyển sang nhịp 8 (dài gấp đôi bản hiện hành lúc đó), chữ đờn có thay đổi để cho mùi hơn. Ông đã tốn nhiều công sức lẫn thời gian cho việc làm này. Cuối cùng ông đã thành công, ông hoàn thành bản đờn Dạ Cổ mới với mỗi câu 8 nhịp. Nhưng chưa có lời ca nào tương ứng, vì lúc đó các lời ca cũ đều ngắn, không phù hợp với chữ đàn mới.

Năm 1934, Năm Nghĩa đến hàn huyên và hào tấu với Sáu Lầu (đàn anh). Đêm đó nghe tiếng chuông chùa “Vĩnh Phước An” gần đó. Có lẽ tiếng chuông đã gây cám xúc cho ông, Năm Nghĩa đã viết lên 20 câu cho bản Dạ Cổ nhịp 8. Cũng là nguyên cớ ấy nên sau đó Năm Nghĩa đã đặt tên “Văng vẳng tiếng chuông chùa” cho bài nhạc này.

Sau khi đã thu năm 1938, không biết lý do nào, lại đổi “Văng vẳng tiếng chuông chùa” thành “Vì tiền lỗi đạo”. Nhưng đa số người mộ điệu gọi bản Dạ Cổ nhịp 8 (Vọng cổ nhịp 8) đều gọi theo tênđặt lúc đầu là “Văng vẳng tiếng chuông chùa”.

Như vậy, trong lịch sử hình thành và phát triển bản Vọng cổ, nếu nhạc sĩ Cao Văn Lâu là người khai sáng ra tiền thân của nó là bản Dạ cổ hoài lang, một kỳ tích trong cổ nhạc Nam Bộ, thì nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa chính là người mở đường cho bản Dạ cổ hoài lang biến đổi thành Vọng cổ và phát huy đúng hướng để bản Vọng cổ có vị trí như ngày nay.

20 câu Vọng cổ nhịp 8 đầu tiên - Văng vẳng tiếng chuông chùa *
  1. Văng vẳng tiếng chuông chùa… giọng công phu, nó xa đưa của đoàn sư vãi.
  2. Ba tiếng chuông ngân… Giọng chuông thúc tỉnh dường như kêu gọi mối bi tình trên cõi trần ai.
  3. Chớ có để đa mang làm chi khối tương tư, oằn vai mệt xác rồi phải nặng nợ với đau lòng.
  4. Tôi tưởng ai mà năm canh mơ màng trằn trọc, chỉ nghe giọng thê lương buồn thảm của đàn dế kêu gọi bên cánh đồng.
  5. Trằn trọc mối tơ duyên… Tôi biết cùng với ai đây hầu có giải tỏa mối duyên phần.
  6. Mây hồng một dãy xa xa, kìa đàn chim xao xác tiếng rít kêu, nhìn bóng cây tối dường như kêu gọi mối hận ly tình mà bày ra lắm cảnh thê lương.
  7. Em ôi! Em có nhớ những hồi nào suốt cả đêm trường đôi đứa ta đâu đầu cùng nhau nhìn đèn canh quạt gió.
  8. Ở dưới cội tùng tàng che bao phủ, tôi còn nhớ em thỏ thẻ rằng, thân em như cát đằng chỉ nương nhờ nơi lượng cả của tôi đây bảo bọc dùm em.
  9. Đến nay em ham làm chi cái đồng tiền tài mà em phụ duyên thừa, dứt tình xưa đành để cho tôi suốt cả đời phải mang lấy câu tuyệt vô duyên vọng.
  10. Có lý đâu em đành tâm đẩy tôi vào nơi chốn bể sâu vực thẳm này, em nhận chiếc thuyền tình đành để tôi tương tư phải chịu đắm chìm nơi giữa dòng tây.
  11. Em! Xưa, nhớ lại rằng coi tôi đã dầy công cùng em hằn chia xớt ngọt bùi mà suốt cuộc đời thì không có mong chi đặng sum vầy.
  12. Tôi không rõ lắm! Lòng của em sắt đá hay xương thịt người mà em nỡ chi để dạ bạc tâm sầu, lại bày ra chi thói bạc tình.
  13. Em ôi! Đời là trường học khó, nếu như ta muốn nợ đời thì phải chịu khổ cùng đời mà tốt hơn ta chịu cực khổ thân hơn là khổ tâm.
  14. Nếu như tôi đây là kết quả của đôi ta đáng làm vầy, thì đâu có đem hết cả tinh thần đảo điên mà giao trọn lại cho con bạn tình chung.
  15. Em ôi! Phải chi cho tuổi em phải ngũ cho cùng kế bên lầm tưởng mà nhận lấy chữ tiền tài.
  16. Phú quý như vầng mây trước gió che hàng, nhu Hằng Nga khi mờ khi tỏ khi khuyết khi tròn, em ơi nghĩ lại coi có phải lại đầy là tạm còn của là chung của chúng ta đây chăng,
  17. Thôi kể từ đây tôi quá giang quan sau thương lý ngộ trường đồ, hầu có xa lánh gánh nợ chung tình này để cho kia vui đậu với bướm tình.
  18. Chớ có để đa mang là chi cái dạ tình, mà nó làm cho tôi đây càng thêm mệt trí với nhiều nỗi quá khổ tâm.
  19. Đêm năm canh mà tiếng của ai ru con xa đưa thê thảm giọng buồn dường như khêu gợi tấm lòng này.
  20. Ngoài hiên tôi đây nghĩ tình ngắm cảnh ngó lên trên trời, con thỏ đã ngậm sương đầy mà sao tôi còn phải mang nặng cái cảnh quá thê lương.
Lư Hòa Nghĩa (1934)

Qua lịch sử hình thành và chuyển đổi, quả là một kỳ công của nhiều con người, khối óc để chuyển biến thành bài Vọng cổ ngày nay, rồi nhịp 16, 32, 64 ra đời để nâng bài ca đến một chỗ đứng độc đáo trong làng cổ nhạc Nam bộ.

* (“Văng vẳng tiếng chuông chùa”, còn có tên “Vì tiền lỗi đạo”)