Líp ba ga là tiếng lóng của giới lái xe Nam Kỳ thời Pháp thuộc

TTO - Theo Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển (1902-1996) được Bùi Đức Tịnh giới thiệu, hiệu đính, ‘líp ba ga’ là phiên âm của cụm từ tiếng Pháp ‘libre bagage’ (\libʁ ba.gaƷ\).


Bài Từ thả giàn, thả ga đến líp ba ga nhận được nhiều phản hồi và tranh luận khác nhau của bạn đọc. Tiếp tục sự quan tâm đó, Tuổi Trẻ Online đăng sau đây thêm một bài giải thích khác về nguồn gốc từ “líp ba ga” trong tiếng Việt.

Theo Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển (1902-1996) được Bùi Đức Tịnh giới thiệu, hiệu đính, “líp ba ga” là phiên âm của cụm từ tiếng Pháp “libre bagage” (\libʁ ba.gaƷ\).

Vì vậy, ta cần tìm hiểu nghĩa tiếng Pháp của mỗi từ “libre” và “bagage”.

Tiếng lóng của giới lái xe Nam Kỳ thời Pháp thuộc

Theo từ điển Larousse trực tuyến, tính từ “libre” có nhiều nghĩa: tự do (nghĩa 1); miễn phí (nghĩa 2); độc thân (nghĩa 3); trống, bỏ không (nghĩa 4); thoải mái (nghĩa 5); (thơ) không theo niêm luật (nghĩa 6); phỏng (dịch), (chuyển thể) tự do (nghĩa 7); thuộc về tư nhân (nghĩa 8).

Cũng theo từ điển trên, danh từ giống đực “bagage” có nghĩa là hành lý (nghĩa 1) hoặc vốn hiểu biết (nghĩa 2). Để minh họa, từ điển đưa ra hai ví dụ: “bagage à main” (hành lý xách tay) và “bagage scientifique insuffisant” (vốn hiểu biết khoa học chưa đầy đủ).

Nếu “libre” và “bagage” có nhiều nghĩa như thế thì “líp ba ga” trong tiếng Việt gắn với nghĩa nào của mỗi từ?

Theo tài liệu đã dẫn của cụ Vương, “líp ba ga” ban đầu là tiếng lóng của giới lái xe Nam Kỳ thời Pháp thuộc, dùng để chỉ việc cảnh sát làm ngơ, không phạt khi xe chở dư hành khách hoặc hàng hóa.

Dần dần, “líp ba ga” được dùng rộng rãi như một thành ngữ chỉ tình trạng hành động tự do, không bị ràng buộc, la mắng hay phạt vạ.

Như vậy, theo cụ Vương, “líp ba ga” có nghĩa gốc là “xe khách được tự do chở hành lý, hàng hóa mà không bị phạt”. Vì thế, “líp ba ga” gắn với nghĩa thứ nhất của mỗi từ “libre” và “bagage” trong tiếng Pháp.

Một số tác giả cho rằng “líp ba ga” có nghĩa gốc là “hành khách được mang hành lý miễn phí”. Trong trường hợp này, “líp” gắn với nghĩa thứ hai của “libre”, còn “ba ga” vẫn gắn với nghĩa thứ nhất của “bagage”.

Cách giải thích này cũng đề cập đến lĩnh vực vận tải và khá giống với của cụ Vương nhưng có thể làm nảy sinh thắc mắc: thông thường hành khách luôn được mang theo một lượng hành lý miễn phí tối thiểu, nên “líp ba ga” theo nghĩa này chưa thể hiện hết “đặc quyền” hành động tự do, không bị ràng buộc.

Cách đọc tắt của “libre porte-bagages”?

Một số tác giả khác cho rằng “líp ba ga” là cách đọc tắt của “libre porte-bagages”, trong đó “libre” dùng để chỉ “roue libre” (ổ líp) và “porte-bagages” là cái yên chở hàng sau xe đạp.

Cũng theo tác giả, “roue libre” và “porte-bagages” là các bộ phận của xe đạp, “libre” trong “roue libre” và tính từ “libre” là hai từ đồng âm khác nghĩa, còn “porte-bagages” không liên quan gì đến từ “bagage” (hành lý).

Thật ra, “roue libre” có nghĩa rộng là bánh xe tự do. Từ “libre” trong “roue libre” và tính từ “libre” đã nói ở trên là một chứ không phải là hai từ đồng âm khác nghĩa.

Mặt khác, danh từ ghép giống đực bất biến “porte-bagages” trong tiếng Pháp có nghĩa là thiết bị chở hàng của mọi loại xe (chứ không riêng cho xe đạp) và “bagages” trong “porte-bagages” chính là số nhiều của danh từ “bagage” (hành lý).

Hơn nữa, nếu chấp nhận “líp ba ga” là cách nói tắt của “libre porte-bagages”, cần phải giải thích thỏa đáng vì sao chữ “porte” lại biến mất và sự liên quan giữa “libre porte-bagages” với nghĩa của thành ngữ “líp ba ga” trong tiếng Việt hiện nay.

Cuối cùng, nếu “líp ba ga” được giới lái xe Nam Kỳ thời Pháp thuộc dùng như tiếng lóng thì cụm từ “libre bagage” có tồn tại trong xã hội Pháp thời xưa và ngày nay không?

Câu trả lời là có.

Một tạp chí kinh tế do G. de Molinari làm tổng biên tập xuất bản vào tháng 4-1892 cho biết hành khách được mang 25kg hành lý miễn phí (libre bagage).

Gabriel Groyer cũng vừa xuất bản tập thơ Libre bagage vào tháng 2-2018. Bạn có thể mua tập thơ này để đọc nó líp ba ga.