Cảm xúc hội đồng nhân dân và cảm xúc dân Thủ Thiêm


Phiên họp mới nhất của Hội đồng Nhân dân TP.HCM biểu quyết vụ xây dựng Nhà hát Giao hưởng Ca vũ nhạc 1.500 tỷ mà có người đã tính tới mỗi chiếc ghế ngồi coi hát đã trị giá tới trên 800 triệu tại Thủ Thiêm là một quyết tâm thế kỷ. Nhìn gương mặt các vị đại biểu nhân dân người nào cũng tươi vui, phấn khởi đưa cao cánh tay lên biểu thị sự quyết tâm cao, nhất trí lớn, đồng thuận với dự án khủng, không chỉ giá trị hơn ngàn tỷ mà tầm vóc tư duy văn hóa cũng muôn trùng. Các vị đại biểu nhân dân đầy cảm xúc hưng phấn vì mai này sẽ tạo nên phúc lợi tinh thần cho người dân Thủ Thiêm và người dân thành phố nói chung, đưa thưởng ngoạn văn hóa, nghệ thuật lên tầm cao mới, ngang bằng với thế giới.

Nhưng, có lẽ khi cảm xúc Nhà hát Giao hưởng Ca vũ nhạc hoành tráng 1.500 tỷ đang dâng trào, các vị đại biểu khả kính của nhân dân đã quên rằng tuyệt đại bộ phận người dân thành phố, đặc biệt là người dân Thủ Thiêm đều xuất thân từ nông dân, công nhân, hoặc dân nghèo thành thị như mua thúng bán bưng, làm mướn, gu thưởng thức văn nghệ chỉ là vọng cổ sáu câu, cải lương Hồ Quảng, gọi chung là cải lương. Tân nhạc thì nhạc vàng, nhạc sến, nhạc tiền chiến gọi chung là “nhạc bolero” là hết giá. Ngẫm xây cái Nhà hát Giao hưởng Ca vũ nhạc to đùng, với sự trình diễn của những dàn nhạc Giao hưởng mang tính hàn lâm, những vỡ Ca vũ kịch như… Cái chết của con Thiên Nga thì được mấy người mua vé vô xem? Hay cho dù xuân thu nhị kỳ có tổ chức biểu diễn nhạc Giao hưởng phát vé mời cho quan khách thì có ai dám chắc rằng có bao nhiêu quan khách sẽ bỏ thời gian vàng ngọc để kiếm tiền mà chịu khó chui vô cái Nhà hát này để ngồi… ngáp gió?

Hay cảm xúc HĐND… chỉ là 1.500 tỷ, một cơn hưng phấn ngất trời đưa tay lên cho “đủ tụ” rồi thôi, không cần biết khi số tiền khủng khiếp 1.500 tỷ này khi hình thành ra cái Nhà hát Giao hưởng Ca vũ nhạc kịch nó như thế nào, có người lui tới hay sẽ vắng như… cái chùa Bà Đanh và sẽ đắp chiếu, trùm mền mặc cho thời gian gặm nhắm? Các vị nói lấy được là “Xây Nhà hát Giao hưởng Ca vũ nhạc là do dân cần”. Xin lỗi, nếu dự án này mà đưa ra xin ý kiến người dân thì chắc không ai đưa tay ủng hộ cả vì người dân sẽ thấy ngay đây là chuyện… hoang đường.

Còn nói phục vụ người dân Thủ Thiêm ư? Câu chuyện này sẽ càng hoang đường hơn vì ngót 20 năm trời dài đằng đẵng như một kiếp người ngắn ngủi, rất nhiều dân oan Thủ Thiêm đã ngậm đắng nuốt cay, nước mắt chan cơm, trong đó có nhiều gia đình đã ly tán vì bị “giải tỏa trắng” ngoài quy hoạch đã phải sống dở chết dở kêu oan, chờ đợi đèn trời soi sáng, thực thi lẽ công bằng để có được một mái ấm đúng nghĩa, một sự đền bủ thỏa đáng khi mảnh đất cha ông để lại đã bị cướp mất chỉ với lý do… quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm?

Những dân oan, những mảnh đời bất hạnh, lây lất, trôi dạt này chưa biết sẽ về đâu thì lòng dạ nào, tâm can nào mà vào cái Nhà hát Giao hưởng Ca vũ nhạc coi hát hò, nhảy múa trong khi mình chỉ thích cải lương, nhạc bolero gần gũi, thiết thân với mình, hơn là thứ âm nhạc, ca vũ kịch xa vời vợi tận phía trời Tây? Mà dù có gần gũi, thiết thân thì cái vé để bước vô Nhà hát 1.500 tỷ này cũng đâu hề rẻ, có những thứ cần thiết cho cuộc sống dân nghèo như ký gạo, bó rau, miếng thịt hơn một chiếc vé vài trăm ngàn để đi coi những thứ mình… bù trất, không hiểu?


Nước mắt Thủ Thiêm vẫn còn đó, người dân Thủ Thiêm vẫn mong chờ một lẽ công bằng trong “đại án đất đai” 20 năm. Thủ Thiêm chẳng cách xa TP.Hồ Chí Minh bao nhiêu, chỉ qua một cây cầu, qua một hầm chui…không gian chẳng lẽ xé đôi, bầu trời ai chia hai mảnh mà cảm xúc HĐND và cảm xúc Nhân dân TP.HCM, trong đó đặc biệt là dân oan Thủ Thiêm không lẽ đã khác nhau?

Trời xanh không lẽ chia đôi
Thủ Thiêm không lẽ là nơi vô hình?
Đèn trời soi xét phân minh
Nhà hát Giao hưởng lý, tình ở mô?