Một ngày về thăm mảnh đất Bạc Liêu “Đờn Ca Tài Tử”

Dừng chân ở Bạc Liêu sớm tinh mơ, đi dạo bờ sông trước nhà chàng công tử nổi danh rồi ngắm khoảnh khắc bình minh lên trên khu chợ đầy những ghe chở dừa, thưởng thức hải sản ngon tuyệt bên rừng ngập mặn, ngắm khu vườn đầy ắp cánh chim, dạo quảng trường Ba nón lá yên bình,...có thật nhiều những trải nghiệm đáng nhớ cho bạn khi đến với thành phố Bạc Liêu - một vùng đất nằm trên những nẻo phù sa của miền Tây nước mình.


Nhà hát Ba nón lá - một công trình đậm nét truyền thống văn hóa Việt ở quảng trường Hùng Vương của thành phố Bạc Liêu - Ảnh: Tú Uyên


NHỮNG TIẾNG CÒI GHE VANG BUỔI SỚM


Dừng chân ở bờ sông Bạc Liêu vào sáng sớm - Ảnh: Tú Uyên


Đến Bạc Liêu vào sớm tinh mơ khi cả thành phố còn say giấc nồng, chỉ có những chiếc ghe, xuồng băng băng rẽ nước trên dòng sông buổi sớm yên bình. Tiếng còi ghe xé tan bầu không khí yên tĩnh vào sáng sớm đã trở nên quen thuộc với người dân ở đây và trở thành một âm thanh báo hiệu ngày mới nơi khu chợ ven sông.


Tiếng còi ghe vang dội cả khúc sông buổi sớm - Ảnh: Tú Uyên



Những chiếc ghe chở đầy dừa đậu lại khu chợ ven bờ sông - Ảnh: Tú Uyên



Từng gian hàng bắt đầu mở cửa, biển hiệu vẫn dùng những từ thời Cộng Hòa mà một người thuộc thế hệ 9x như tôi lần đầu tiên nghe thấy như: quầy khô, hiệu buôn,...- Ảnh: Tú Uyên


Bên bờ sông có một địa điểm khá nổi tiếng thu hút nhiều khách tham quan đó là nhà công tử Bạc Liêu - ngôi nhà sang trọng và giàu có bậc nhất miền Nam năm xưa. Nhà chàng công tử Trần Trinh Huy được thiết kế theo kiến trúc tân thời, nhiều vật dụng trong nhà đều làm bằng gỗ quý hoặc thiết kế mang từ Pháp về, ngôi nhà nằm ở số 13 Điện Biên Phủ nay đã thành điểm du lịch tham quan hút khách ở Bạc Liêu. Dừng chân ở bờ sông, bạn có thể nhìn toàn cảnh khu dinh thự rộng lớn đã từng một thời vang tiếng “Nghe danh công tử Bạc Liêu, đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu”.


Ngôi nhà sang trọng nằm trong khu dinh thự rộng lớn của nhà công tử Bạc Liêu - Ảnh: Tú Uyên


THOÁNG VỊ MẶN BIỂN QUÊ THÂN THUỘC

Sau khi vãn cảnh Bạc Liêu sáng sớm, đừng quên dùng bữa sáng với món bún nước lèo dân dã ở những hàng quán ven chợ. Kết thúc bữa sáng, hãy tiếp tục hành trình với điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng ở đây - chùa Quan âm Phật đài hay còn gọi là chùa mẹ Nam Hải. Hiện nay, khuôn viên chùa đang được tu sửa và xây dựng thêm với quy mô lớn nên chùa còn rất hoang sơ. Mặc cho trời nắng gắt và công trình còn dang dở hàng ngày chùa vẫn đón một lượng khách du lịch tâm linh khá lớn. Ở một số góc ảnh, ta sẽ nhận thấy vẻ đẹp riêng trong kiến trúc và quy mô của chùa mẹ Nam Hải.


Ngôi chùa to đẹp là chốn hành hương của nhiều du khách thập phương - Ảnh: Tú Uyên



Hàng ngày chùa đón rất nhiều khách du lịch tâm linh đến cúng bái - Ảnh: Tú Uyên



Trên đường đi ra bờ biển nơi chùa tọa lạc, ta có thể dừng chân tham quan nhà máy điện gió rộng lớn - một công trình vĩ mô trong hệ thống nhà máy điện cả nước - Ảnh: Duy Do


Bên cạnh đó, du khách cũng có thể đến tham quan những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Bạc Liêu như nhà thờ cha Diệp, chùa Xiêm Cán, vườn nhãn cổ, vườn chim Bạc Liêu,... Sau đó dừng chân thưởng thức hải sản ở khu chợ hải sản ven rừng ngập mặn. Lời khuyên của người dân Bạc Liêu là không nên đến nhà hàng ven biển vì giá khá đắt đỏ. Hãy đi dạo quanh khu chợ ven biển và chọn cho mình một gian hàng mà mình thấy tin tưởng, sẽ không hề có cảnh chèo kéo mua bán ở đây, du khách tha hồ chọn lựa hải sản còn tươi sống mới được người dân kéo lười vào và nhờ họ chế biến miễn phí tại chỗ rồi nhâm nhi món ngon ngay bìa rừng ngập mặn mát mẻ.


Chợ hải sản ven biển với vô vàn loại tôm, cá, mực còn tươi sống - Ảnh: Tú Uyên



Sò nướng thơm ngon được chế biến tại chỗ - Ảnh: Tú Uyên



Cua gạch thơm ngon được bán với giá hợp lý và được chế biến miễn phí - Ảnh: Tú Uyên


MÀU SẮC TRUYỀN THỐNG RỰC RỠ GIỮA TRỜI ĐÊM

Buổi tối ở trung tâm thành phố Bạc Liêu không sầm uất, nhộn nhịp như các thành phố lớn khác tuy nhiên bạn có thể đến Quảng trường Hùng Vương để vui chơi và chiêm ngưỡng hai công trình kỉ lục: Nhà hát Cao Văn Lầu (hay còn gọi là nhà hát Ba nón lá) và cây đờn kìm - biểu tượng văn hóa Bạc Liêu.


Nhà hát Ba nón lá rực rỡ giữa trời đêm - Ảnh: Sưu tầm



Cận cảnh chiếc đờn kìm cao 18,6m - biểu tượng cho truyền thống “đờn ca tài tử” xứ Bạc Liêu - Ảnh: Nonoyes


Vào buổi tối, quảng trường phun nước nghệ thuật và lên đèn rực rỡ trông rất đẹp mắt. Ở giữa quảng trường có khu trượt patin dành riêng cho giới trẻ và xung quanh trưng bày nhiều hình ảnh mang tính sự kiện lịch sử để người dân cũng như khách du lịch tìm hiểu.

Với cây đờn kìm kỉ lục cao 18,6m được dựng trên 5 cánh sen giữa hồ nước hình sao năm cánh đẹp rực rỡ giữa trời đêm và nhà hát có hình dạng ba chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam (đã xác lập kỉ lục), quảng trường Hùng Vương sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách khi đi dạo vào buổi tối. Bên cạnh đó, cuối quảng trường còn có một biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình rất hoành tráng.


Biểu tượng kết nghĩa giữa tỉnh Ninh Bình và tình Bạc Liêu - Ảnh: baclieu.gov.vn


“Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu như sống lại hồn Cao Văn Lầu
Về Bạc Liêu danh tiếng ôn lại giấc ngủ vàng son một thời để nhớ ngày đó xa rồi.”

Theo câu ca “Bạc Liêu hoài cổ” của Phi Nhung tìm về Bạc Liêu nơi đất phương nam thân thiết Việt Nam mình, bạn sẽ không hối tiếc khi dành ra một ngày để ở lại thành phố nổi danh “công tử, tài tử” nhưng lại thân thương và chân chất này.

“Bạc Liêu hoài cổ” – Tác giả: Thanh Sơn, Ca sĩ: Phi Nhung.