20 năm Văn học Hải ngoại

Khoảng năm 1994 nhóm nhà văn làm tờ Văn Học có gửi cho tác giả Viên Linh một số câu hỏi liên hệ tới văn chương trong và ngoài nước, và về sinh hoạt văn học đa dạng lúc giao thời. Tờ tạp chí ấy do các nhà văn trẻ trông coi, do đó nhiều câu hỏi của họ khiến tôi phải nhớ lại quá khứ hay kiểm lại các sự kiện dồn dập xảy ra trong cùng một lúc ở nhiều nơi, để cố trả lời cho thật gần với sự việc. Trên đại thể, những gì tôi phát biểu lúc đó tới nay không thay đổi, duy bài viết có đôi chi tiết về danh tính đã được nhuận sắc.
VL (tháng 6. 2014)

Văn Học: Trước 1975 tại Sài gòn, anh từng viết văn, làm thơ, làm báo, am tường mọi sinh hoạt liên quan tới chữ nghĩa của miền Nam. Từ kinh nghiệm quí giá đó, anh có thấy văn học hải ngoại là dòng nối dài của văn học miền Nam hay không?

Viên Linh: Những “sinh hoạt liên quan tới chữ nghĩa” là những sinh hoạt của “viết, đọc, và phê bình.” Tôi thu hẹp câu trả lời trước hết vào việc đọc, thứ nhất trên quan điểm thu hoạch được của một độc giả, sau đó mới là quan điểm của một người viết. Phần phê bình sẽ không nhiều. Trong câu hỏi đầu của anh, có mấy chữ “văn học hải ngoại” và”văn học miền Nam.” Câu hỏi của anh là văn học hải ngoại có phải là dòng “nối dài”của văn học miền Nam không? Tôi sẽ trả lời song song với một câu hỏi suy diễn để so sánh do tôi đặt ra: Văn học trong nước có phải là dòng “nối dài” của văn học miền Bắc hay không?

Trong trí nhớ chủ quan, mấy chữ “Văn học miền Nam” chỉ được dùng khoảng mười, mười lăm năm sau thời điểm chia cắt đất nước 1954. Trong khoảng 1968-1972, khi điều khiển tuần báo Khởi Hành của Hội Văn nghệ sĩ Quân đội, tôi khởi thảo loạt bài “Sơ thảo 15 năm văn xuôi Miền Nam” với các anh Cao Huy Khanh (biên niên sử), Nguyễn Nhật Duật, Lê Huy Oanh, Huỳnh Phan Anh, và tôi (từng tác giả). Khi rời Khởi Hành để dựng bán nguyệt san Thời Tập (1973-1975), chúng tôi đổi thành “Hai mươi năm văn học miền Nam Việt Nam”, cũng vẫn từng ấy người viết. Loạt bài này đã dược nhiều người dùng, đặc biệt là anh Doãn Quốc Sỹ lấy để giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sài gòn.

Cùng trải qua hai thời điểm ấy, tôi thấy những năm đầu tiên sau 1954 và những năm đầu tiên sau 1975, người cầm bút ở miền Nam và người cầm bút ở hải ngoại có một tâm trạng chung: mất quê hương, lạc loài, lưu vong. Sau 1954, chính những người này đã khiến văn học miền Nam tương phản rõ rệt với văn học miền Bắc (dù miền Nam lúc đó vẫn đang có những Bình Nguyên Lộc, Tam Ích, Hồ Hữu Tường, Sơn Nam, Thanh Nam, Kiên Giang…). Sau 1975, cũng chính tâm trạng này đã khiến văn học hải ngoại tương phản rõ rệt với văn học quốc nội (dù ở hải ngoại từ trước đã có những Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện, Võ Đình, Linh Bảo…[1].

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh (cả giai đoạn ở miền Nam lẫn giai đoạn đã rời miền Nam) các tác giả tiêu biểu của miền Nam vẫn là các tác giả tiêu biểu ở hải ngoại, cộng thêm một vài người còn trẻ mới nổi lên. Các tác giả của miền Nam nếu bị kẹt lại, phần lớn bị tù đày. Ra khỏi nước sau đó, họ nhập chung vào dòng văn học hải ngoại, không một chút xa lạ. Vậy thì theo tôi, văn học hải ngoại thời chiến tranh lạnh chính là văn học miền Nam. Nói một cách khác, dòng văn học hải ngoại chính là dòng văn học miền Nam nhưng thiếu những người bị miền Bắc cầm tù và những người tự nguyện gia nhập dòng văn học miền Bắc. Mà trong khi văn học miền Nam trở thành văn học hải ngoại thì văn học miền Bắc trở thành văn học quốc nội. Cùng một phút, cùng một giờ. Chỉ có một thay đổi: biên giới. Thành ra chữ “Miền Nam’, “Hải ngoại”, “Miền Bắc”, “Quốc nội” chỉ có một ý nghĩa là ý nghĩa địa lý, lại là địa lý chính trị: miền Nam hay Hải ngoại là văn học Việt Nam Quốc gia; miền Bắc hay Quốc nội là văn học Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Cho tới phút tôi đang viết câu trả lời này, Việt Nam vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa. Chưa ai thấy một nhà văn nào, một tạp chí văn học nào hay một nhóm nhà văn nào ở trong nước thuộc dòng văn học miền Bắc phủ nhận chủ nghĩa xã hội, phủ nhận thể chế xã hội. Cho nên tôi không thể nghĩ khác được rằng văn học của một nước xã hội chủ nghĩa lại không phải là văn học xã hội chủ nghĩa. Ở đây xin không nói tới một số nhà văn hiện ở trong nước nhưng vẫn thuộc dòng văn học miền Nam, dù họ có mặt trong cuốn “ Mười hai tác giả Sài gòn, mười hai truyện ngắn”, 1993[2].

Mấy chục năm nay, chúng ta hay dùng chữ “nối dài” một cách giễu cợt. Chữ ấy sở dĩ có là để bài bác các tờ Văn hóa Ngày nay (1958), Tân Phong (1959) trong cố gắng muốn khôi phục ảnh hưởng của Tự lực văn đoàn ở miền Nam. Nhất Linh là một ngôi sao bắc đẩu trong vận động sinh hoạt văn học báo chí thời tiền chiến, nhưng vận động ấy hồi giữa thập niên ‘50 không thể khôi phục vai trò của Tự lực văn đoàn như vai trò họ có thời tiền chiến. Các tác giả do Nhất Linh đề bạt vào TLVĐ sau 1958 (khi Văn hóa Ngày nay ra đời) không có cái vóc dáng của thời Đệ nhất TLVĐ, giống như cái khúc đường Lê văn Duyệt từ Hòa Hưng xuống Ngã Tư Bảy Hiền không phải là cái khúc đường Lê văn Duyệt nguyên thủy – gọi là Verdun – từ Hòa Hưng lên tới Ngã Sáu Sài gòn. Cho nên tôi không muốn dùng chữ này, dù chỉ thêm một lần nữa.

Ở một đoạn trên, tôi có dùng mấy chữ “trong chiến tranh lạnh.” Những nhận định trên của tôi cũng chỉ nói đến các nền văn học Việt Nam trong thời kỳ ấy. Khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt, các nền văn học ấy khởi sự thay đổi: Hải ngoại trước chỉ có Bắc Mỹ và Tây Âu, nay thêm Đông Âu. Trong nước trước chỉ có Xã hội chủ nghĩa, nay thêm Cởi trói. Chính do biến cố chính trị ấy mà chúng ta mới có chuyện để nói. Không có biến cố chính trị ấy thì không có đổi mới hay cởi trói, cái cày văn và cái bừa thơ vẫn buộc vào vai trâu, và con trâu được vắt ngang ruộng đất thì cày ngang ruộng đất, được vắt dọc cải cách thì bừa dọc cải cách; con trâu vẫn là con trâu dù ruộng đất có cải cách hay không cải cách.

Hỏi: Theo ý anh, nên lấy tiêu chuẩn nào để xác định một tác phẩm là thuộc về dòng văn học hải ngoại? Địa lý (tác giả ở trong nước hay ngoài nước), chính trị (Cộng sản, Quốc gia), ngôn ngữ (trường hợp các tác giả viết bằng ngoại ngữ), nơi xuất bản sách (tác phẩm từ trong nước gửi ra in ở hải ngoại)?

Đáp: Như câu trước, tôi cũng sẽ trả lời song song với những câu hỏi suy diễn, bởi mục đích chính của cuộc phỏng vấn này là gì? Sơ thảo văn học sử một giai đoạn, hay xem xét những điều kiện giao lưu? Ở đây tôi không thấy có mục đích văn chương. Câu hỏi thứ ba các anh gửi cho tôi: “Dựa trên những tiêu chuẩn nào để thưởng thức hay phê phán một tác phẩm xuất bản trong nước”, tôi thấy nó lạc lõng. Nhưng tôi xin dùng cái chỗ lạc lõng này để từ đó nói về các tiêu chuẩn Văn Học đã chỉ danh: nơi tác giả sống, nơi cuốn sách xuất bản, ý thức hệ và ngôn ngữ (viết bằng tiếng Việt hay ngoại ngữ).

Tôi bắt đầu bằng cuốn “Những thiên đường mù” của Dương Thu Hương. Chọn nói về cuốn này không phải vì nó hay nhất, mà bởi vì cô là tác giả có liên hệ đến người Việt hải ngoại, người Việt miền Nam và các thứ khác, nhiều nhất. “Những thiên đường mù” là một phó sản của văn học miền Nam. Không có biến cố 1975, không “ngấu nghiến đọc văn chương miền Nam trong khi các bạn gái khác đi mua sắm son phấn, đồ lót” như cô từng xác nhận (tôi không nhớ nguyên văn), Dương Thu Hương không viết được cuốn sách đó. Và nếu không được cởi trói, cô cũng không có đủ tự do để viết cuốn sách đó. Nhờ biến cố 1975, các nhà văn miền Bắc mới được thở không khí của thế giới tự do, qua cửa ngõ Sài gòn, và luồng không khí này thổi một sinh khí hồi sinh cho những người cầm bút miền Bắc. Mỗi tháng trước 1975, miền Nam in khoảng 2000 tựa sách mới, kể cả sáng tác dịch thuật đủ loại. Hai mươi năm ở miền Nam, bao nhiêu cuốn sách ra đời! Những cuốn sách ấy mở cửa thế giới cho những người vào từ trên vĩ tuyến 17. Sau 20 năm, những công trình sáng tác dịch thuật của miền Nam là một Đại Thư viện Văn học (không kể các ngành khác) cho các “tân sinh viên” miền Bắc. Ở đây, họ đọc được tất cả các danh phẩm quốc tế, không phải chỉ có sách của Liên xô, Đông Âu và Trung quốc. Lần đầu họ thấy được tâm hồn và đất nước người, cũng như tâm hồn và đất nước miền Nam. Lần đầu họ thấy sản phẩm của nền văn học tự do. Từ sự mở mang này mà có “Những thiên đường mù,” có Dương Thu Hương và các thứ. Nền móng của văn học phản kháng chính là văn học miền_Nam (đương nhiên cũng chỉ xảy đến cho những người cầm bút ý thức).

Không nhằm phê bình cuốn sách này, tôi chỉ lấy nó để đưa ra một nhận định. Có thể có hơn một cuốn như thế. Câu hỏi vẫn còn đó là : “Dụa vào những tiêu chuẩn nào để xác định một cuốn sách thuộc dòng văn học này hay dòng văn học kia.” Có thể dùng tạm chữ “tiêu chuẩn thời thế.” Theo tiêu chuẩn thời thế, một tác phẩm có thể được xếp vào bên này hay bên kia, dù tác giả sống ở đâu, hay viết bằng thứ ngôn ngữ nào. Mà khi thời thế đổi thay, tức là có “giao lưu,” có chính có tà, còn có ngụy. Có chính qua tà, tà qua chính, có cả chính lẫn tà, tà qua ngụy, còn có cả ngụy chính và ngụy tà.

Tiêu chuẩn thời thế cũng sẽ giải quyết được vấn đề thời điểm. Hoàng Xuân Hãn ở hải ngoại ba, bốn mươi năm, được kể như thân miền Bắc, ông ta thuộc dòng văn học nào? Hoàng Văn Chí ở hải ngoại ba, bốn mươi năm, được kể như thân miền Nam, ông thuộc dòng văn học nào? Nhất Hạnh cũng vậy. Cũng vậy với một số người ra hải ngoại trước 1975, chẳng hạn như với Võ Đình, Trần Thanh Hiệp, Phạm Công Thiện, Đặng Tiến.

Thời Lê, Trần Ích Tắc chạy qua Tầu ngồi viết “An Nam chí lược.” An Nam chí lược thuộc dòng văn học hải ngoại hay văn học Tầu? Rồi Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, ở Shangai, ở Tokyo, ở Singapore, viết hồi ký, làm thơ. Sau 1956, Nguyễn Chí Thiện ở miền Bắc soạn thi tập “Tiếng vọng từ đáy vực” (nhan đề này do tôi đặt và nhóm Nguyễn Hữu Hiệu và Thời Tập xuất bản ở Washington , D.C. năm 1980), Tiếng vọng từ đáy vực thuộc dòng văn học nào? Miền Bắc? Hải ngoại? Trong nước? Bùi Giáng đang sống ở Sài gòn, Thơ Bùi Giáng do anh em Việt Thường ở Canada xuất bản, Thơ Bùi Giáng thuộc dòng vàn học nào? Miền Nam, Hải ngoại, Trong nước? Thân thị Ngọc Quế đang sống ở Pháp, thơ bà in trong nước, tác phẩm của bà thuộc dòng văn học nào? Trong nước hay Hải ngoại? Phạm thị Hoài đang ở Đức, in truyện ở Bolsa, tác phẩm của Phạm thị Hoài thuộc “dòng văn học Bolsa” (chữ mách qué của Đặng Tiến qua bài phỏng vấn của Thụy Khuê đăng trên Diễn Đàn) chăng?…

Thế thì theo thiển ý, ranh giới địa lý là ranh giới hành chánh, chính trị, không phải ranh giới văn học. Văn học vốn chẳng là vượt thời gian và không gian ư? Chữ “Hải ngoại” cũng là một chữ địa lý chính trị, không được hoàn toàn chính xác. Đặng Tiến viết cho Đoàn Kết, Diễn Dàn, anh ở hải ngoại nhưng là hải ngoại Việt kiều, không phải hải ngoại lưu vong. Hai tờ báo anh viết phổ biến ở quận 13 Paris, dù thế ai dám bảo văn chương đó là văn chương quận 13? Bùi Giáng ở miền Nam nhưng không thuộc văn học quốc nội hiểu theo dòng miền Bắc – quốc nội, mà thuộc dòng miền Nam – hải ngoại, là dòng văn học chống văn học xã hội chủ nghĩa. Thành ra dùng tiêu chuẩn thời thế, ta có văn học Nam Bắc triều chẳng hạn, đúng hơn là văn học Đàng Trong, văn học Đàng Ngoài…

Tới đây, cần nói sơ tới thời điểm chiến tranh lạnh kết thúc. Chính từ lúc đó mà sinh hoạt văn học miền Bắc – quốc nội (Văn chương minh họa) chuyển hướng, để mở ra một hướng văn học mới: tìm về dân tộc. Nhưng cũng từ căn bản cá nhân lẻ tẻ, tùy tài năng, ý thức từng người (những Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp…). Cho nên nếu không thể nói văn học hải ngoại là văn học miền Nam nối dài thì cũng không thể nói văn học trong nước là văn học miền Bắc nối dài, vì văn học miền Bắc đã được khơi mở khi tiếp xúc với miền Nam, được đẩy tới khi bức tường Bá linh bị phá sụp. Những rúng động ấy được nhìn thấy trong văn phong các tác phẩm sau này. Đó là văn phong miền Nam nơi một số tác giả miền Bắc ở lớp tuổi còn có thể “đổi mới” khi vào Sài gòn năm 1975. Ở vài nhà văn khác, tôi nhìn thấy tiểu thuyết phóng sự của báo chí Sài gòn trước 1975. Không phải họ không có tài. Họ có tài. Tài năng đó chỉ phát triển khi văn học miền Nam mở cho họ những cánh cửa nhìn vào văn chương thế giới.

Văn chương hải ngoại bây giờ cũng khác văn chương miền Nam, vì ra nước ngoài , những cánh cửa hai mươi năm trước vừa mở ra cho những nhà văn miền Bắc thì cũng đóng lại với họ; họ mở ra những cánh cửa khác trực tiếp hơn, bao la hơn, thô bạo hơn.Thơ Nguyệt Động của Nguyễn Đức Sơn 20 năm trước bạo tợn thế, nay thật là thơ mộng, vì Nữ thần Thi ca của Sơn đến từ thiên cổ, không phải những Nữ thần da latex đến từ Hongkong hay Cựu Kim Sơn.

Hỏi: Nếu có giao lưu giữa văn học hải ngoại và văn học quốc nội, sự giao lưu ấy phải xảy ra trong điều kiện nào? Theo anh, khi đọc một tác phẩm xuất bản trong nước, nên dựa theo những tiêu chuẩn nào để thưởng thức hay phê phán?

Đáp: Tôi đã ba lần lên tiếng về giao lưu văn hóa, giao lưu văn học, lần đầu tháng 9.1992 trên đài RFI qua cuộc phỏng vấn của Thụy Khuê lúc tôi qua Pháp. Cung Trầm Tưởng lúc ấy ở Sài gòn, anh có nghe, và đồng ý với tôi. Lần thứ hai qua cuộc phỏng vấn cho chương trình của anh Nguyễn Hữu Trí trên đài V.O.A. tháng 12.1993, và lần vừa rồi lúc Thụy Khuê qua Mỹ, mang về phát trên đài RFI vào tháng trước. Xin tóm tắt:

Hãy giao lưu với bằng hữu của chúng tôi hiện còn ở trong nước trước. Đó là những người đồng chí hướng và từng thuộc vào một dòng văn học với chúng tôi. Khi những Trần Tuấn Kiệt, Doãn Quốc Sỹ, Bùi Giáng, Tuệ Sỹ, Vương Đức Lệ, Mai Trung Tĩnh … chưa in được tác phẩm ở trong nước, chưa viết được trên báo chí xuất bản ở trong nước, thì thế nào là giao lưu? Cho tới giờ phút này tôi vẫn chỉ thấy họ muốn giao lưu với những người họ chưa bỏ tù được, còn với những người họ bỏ tù được, thì vấn đề tự nhiên triệt tiêu, đối tượng đã không còn thì làm gì còn vấn đề mà đặt ra nữa. May thay, cách đây 6 tháng, (trên tạp chí Văn Học Hà nội, tháng 2. 1994), ông Nguyễn Huệ Chi, phó viện trưởng Viện Văn học, đã can đảm viết ra điều này: “Điều cần yếu… trong xu thế hòa hợp, giao lưu hôm nay, giữa những người Việt trong nước với trong nước…”. Chỉ vài chữ thôi, ít ra ông Nguyễn cũng có cái gan dám nói. Ngay ở trong nước mà không hòa hợp giao lưu được, thì giao lưu với hải ngoại nghĩa là gì? Chỉ là một khía cạnh kiều vận, kiều vận trên mặt trận văn hóa. May hơn nữa là Đặng Tiến khi trả lời báo Diễn Đàn (tháng 5.1994) cũng đã ở cái lúc nói ra được điều này: “Tôi chỉ sợ rằng… sẽ rơi vào kế hoạch kiều vận của chính quyền nhà nước V.N. đang ve vãn Việt kiều…”

Theo tôi, không bao giờ có giao lưu văn học giữa văn học Việt Nam hải ngoại và văn học xã hội chủ nghĩa Hà nội. Khi những người cầm bút trong nước được tự do, tự do viết và tự do xuất bản, tự do đi lại, thì lúc ấy làm gì còn cần đến giao lưu nữa. Không vì lý do gì để người cầm bút tự do, lại có đến “hai lần tự do”, lo nghĩ giao lưu hòa hợp. Mấy năm nay tôi cứ thấy buồn cười và bực mình. Nếu có vài cánh chim ca hát ngoài lồng đến gần những con chim trong lồng, là để an ủi, giúp đỡ, khích lệ, mở cửa cho những con chim chẳng may ở trong lồng, không lẽ lại muốn chui vào lồng như những con chim kia[3].

Phần hai của câu hỏi này, tôi thấy lạc lõng. Tuy nhiên ta cũng nên trở lại với văn chương thôi. Nên dựa trên những tiêu chuẩn nào để thưởng thức hay phê phán những tác phẩm xuất bản trong nước? Theo tôi, ta cứ dựa trên tiêu chuẩn chung. Đã là một tác phẩm thì phải hay cái đã, dù trong nước hay ngoài nước. Nhưng trong nước, thiếu tự do, người viết đi vào ẩn dụ, ẩn dụ là đặc thù của tất cả mọi nền văn chương bị trói buộc. Ngay cả khi được cởi trói, nhà văn trong nước vẫn viết với tâm trạng bị trói, sẽ bị trói, hay tạm thời không bị trói. Họ không thể quên cái gương Nhân văn Giai phẩm. Cũng vẫn còn nhớ tai nạn xe hơi xảy ra cho Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh. (Về chính trị thì cũng không nên quên những tai nạn chết người xảy ra cho mấy ông tướng, cho Đinh Bá Thi). Cho nên từ văn phong của cô Dương Thu Hương lúc viết bài tham luận đọc ở một buổi họp Đảng đến văn phong của cô khi viết cho ông lang Tây sau vụ đi chơi sông Đà, ta thấy rõ sự biến chuyển nơi một tác giả trong nước khi ta đọc hay phê phán bài viết của họ. Nếu người đọc là ông bác sĩ, có thể người đọc tự giận mình đã cư xử ra sao, có thi hành bổn phận đúng mức của một chàng trai hành hiệp bốn phương lão luyện giang hồ chăng, để cớ sự xảy ra eo xèo như thế. Nếu người đọc là người đã viết trên một nhật báo ở đây, hãnh diện nhận mình cùng quê Thái Bình với cô Hương, viết rằng “Tôi uống từng lời của chị”, thì trước sau phải thấy rằng đọc thơ văn trong nước – của dòng văn học miền Bắc – là cần “giải hoặc” trong khi đọc. Giải hoặc ẩn dụ, giải hoặc văn phong, giải hoặc chiến dịch, nghị quyết và giai đoạn.

Hỏi: Anh qua Mỹ từ 1975, chứng kiến sự thành hình của văn học hải ngoại ngay từ thuở ban đầu. Anh nghĩ thế nào về tiến trình của nền văn học ấy, từ đó đến bây giờ?

Đáp: Tại hải ngoại, thời kỳ “xét lại” ban đầu thực đau đớn: Thời kỳ kể xấu, ném đá, hay lỗi tại tôi lỗi tại tôi mọi đàng. Lớp tướng lãnh bị ném đá. Lớp công chức cao cấp bị kể xấu, nhóm này đổ tội mất nước cho nhóm kia… Cuối cùng, những gì tương đối nhất mà người Việt di tản còn chấp nhận được, chính là văn chương báo chí, văn học miền Nam. Có thể chỉ vì người ta đã tới lúc so sánh được hai nền báo chí, hai nền văn chương, hai nền văn học. Có thể vì gương tù đày chết chóc của các cây bút miền Nam trong các nhà tù của Hà nội. Có thể vì nhạc vàng và văn chương Sài gòn là những bảo vật trân quí người miền Bắc vồ vập tìm kiếm. Báo chí văn học hải ngoại, may thay, là kẻ nối dõi chính thống, do đó được yêu mến, dù đó chỉ là lòng yêu mến một thái tử con quí phi, không phài lòng yêu mến một hoàng tử con hoàng hậu, dù đứa con đó, tự nó, sau khi miếu đường đổ vỡ, đã lăn lộn truân chuyện với ngoại đạo tà phái.

Cũng được thôi. Nó vẫn là kẻ nối dõi của chính phái. Tuy vậy, phải hiểu rằng ngày mai nó trở về, triều đại phải thay đổi. Có những người đã nửa thế kỷ (1945-1995 chẳng hạn), những người ra đời trong vùng kháng chiến bên kia vĩ tuyến 17 trước 1954 và sau 1954, bị hạn chế bởi vĩ tưyến 17, chưa bao giờ vào Sài gòn đọc tiểu thuyết thơ nhạc miền Nam sau 1975. Những người ấy cho tới giờ này chưa biết tí gì về Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương, Lê Văn Trương, Đinh Hùng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, những người ấy phải qua một lớp nhập môn. Có thể gọi lớp học này là “50 năm Văn học Quốc gia,” để so sánh với 50 năm văn học xã hội chủ nghĩa.

Hỏi: Năm 1975, một đợt các nhà văn nhà thơ di tản sang định cư ở Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Canada… Phần lớn những nhà văn nhà thơ nói trên ít tham gia trực tiếp vào sinh hoạt chữ nghĩa ở hải ngoại, sáng tác cũng ít hơn so với lớp vượt biển sang sau. Theo anh, đâu là nguyên nhân tạo ra tình trạng ấy?

Đáp: Tôi được sống qua nhiều lớp sóng phế hưng. Lớp Sáng Tạo đánh vào bãi Tự Lực Văn đoàn, lớp Hiện sinh đánh vào bờ Lãng mạn. Tôi đã thấy lớp Hiện tượng, lớp Cơ cấu. Cuộc tung hoành của Nguyễn văn Trung, Lê Tôn Nghiêm và Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Ngô Trọng Anh trên các tờ Đại học, Tư tưởng, Vạn Hạnh. Cái trung dung của Bách khoa, Văn, cái xông xáo của Khởi Hành… Lớp ra đi năm 1975, chúng tôi cùng một con tàu, nghĩa bóng cũng như nghĩa đen, là con tàu American Challenger, rời Phú quốc đêm 29.4.75, có Xuân Vũ, Thanh Nam, và tôi, vào trại gặp thêm Nghiêm Xuân Hồng, Trúc Sĩ,… Dù đi trên một con tàu, nhưng mỗi người một hoàn cảnh.

Nền văn học nào cũng có lúc lên lúc xuống, lúc ra khơi, lúc bế tắc; song sự bế tắc ấy, nếu có, là thảm kịch của nhà văn, chứ không phải là tội lỗi của nhà văn. Có khi chỉ vì anh ta tự trọng. Có người cả đời cầm bút, sống nhờ ngòi bút, không thể trở thành tác giả của loại báo chợ, là thứ báo không trả nhuận bút; hay báo nửa chợ nửa quê, tức là không những không có nhuận bút mà còn phải bỏ tiền ra giúp in tờ báo đó. Và giữa thủ đô tị nạn, các tiệm sách không nhận thi phẩm của các thi sĩ gửi bán, nhưng hẳn vẫn hãnh diện với người nước ngoài: dân tộc chúng tôi là một dân tộc thi sĩ! Tôi cũng không may mắn rảnh rang như Mai Thảo, để viết cho tờ báo của mình và rong chơi đây đó (hãy tưởng tượng Mai Thảo 40, 50 tuổi và có vợ con). Cho nên điều Đặng Tiến nhận xét trên tờ Diễn Đàn không đúng (người viết văn hải ngoại được hai lần tự do, muốn viết gì thì viết và viết không vì cơm áo địa vị). Không phải kiếm sống bằng ngòi bút là tự do à? Ngược lại, người cầm bút hải ngoại bị tha hóa chính vì mưu sinh không do ngòi bút. Đó là nguyên nhân chính tạo ra tình trạng ít sáng tác, ít tham gia. Ngày nào chính ngòi bút có thể cho mình phương tiện để viết, tôi sẽ trở lại tham gia trực tiếp hơn, sáng tác nhiều hơn.

_______________________

Chú Thích:

[1] Đặng Tiến: “Tôi là một trong những người ưu tiên sử dụng nó (cụm từ Văn học Việt Nam Hải ngoại)… Mãi đến 1985, nhà xuất bản Sông Thu ở Mỹ mới xuất bản cuốn Truyện ngắn Hải ngoại…” Đặng Tiến không biết đến “Tuyển tập Thơ Văn 90 Tác giả Việt Nam Hải ngoại (1975-1981)” do Văn Hữu của Hoàng Ngọc Ẩn in năm 1981-1982.

[2] “12 Tác giả Sài gòn, 12 truyện ngắn” (Sài gòn, 1993), trong có truyện của Vương Hồng Sển, Ngọc Linh, Choé (Nguyễn Hải Chí).

[3] Cuối thập niên 80 (khoảng 1987, 88 trở đi), nhiều phái đoàn văn nghệ cũng như văn nghệ phẩm trong nước xuất hiện ở hải ngoại. Tại hải ngoại, nhiều “nhà xuất bản”, nhiều tạp chí tự động chối bỏ vai trò chủ bút của mình khi ghi ở cuối sách hay đầu tạp chí nhũng chữ này: “Chịu trách nhiệm xuất bản,” “Tổng biên tập.” Chịu trách nhiệm xuất bản, tổng biên tập là những chữ phải có trên sách báo dòng văn học miền Bắc – Quốc nội, Xã hội chủ nghĩa, chỉ định một vài cá nhân nào đó (đảng viên), cho làm chủ nhiệm một tờ báo hay một nxb, do đó họ phải “chịu trách nhiệm” đường lối về một ấn phẩm. Họ không có tư cách một chủ bút toàn quyền quyết định ấn phẩm theo truyền thống báo chí xuất bản V. N. từ thời tiền chiến, qua thời văn học miền Nam và văn học hải ngoại thời kỳ 15 năm đầu.