Sách báo trước 1975 in ấn, đóng xén ra sao



Những đầu sách cũ được bán cho giới trẻ Sài Gòn ngày nay. (Hình: Zing)

Cuối thập niên 1950 sinh hoạt báo chí văn nghệ tại Sài Gòn khá đa dạng, từ hình thức đến nội dung.

Loại báo khổ nhỏ gáy vuông chỉ mới có hai ba tờ, còn lại là khổ lớn cỡ tờ giấy dùng cho máy chữ, gáy gấp yên ngựa, khuôn khổ sẽ là 5.50 x 8.50 phân Anh (thước nào cũng có cm và inch), sau khi xén sẽ nhỏ đi mỗi bề nửa cm hay 1/4 inch.

Mà báo khổ nhỏ thường phải dày và do đó phái đóng gáy vuông, nhưng như người viết bài này còn nhớ, sách báo có gáy vuông hồi đó thay vì phải khâu bằng chỉ, vậy mà người ta vẫn đóng bằng hai cái kim sắt. Những chi tiết này không quan trọng gì đối với độc giả, tuy thế sách báo đóng gáy vuông và sách báo đóng yên ngựa là hai dạng khác hẳn nhau. Đóng yên ngựa bằng chỉ lại khác xa đóng yên ngựa bằng dây kẽm.

Việc in ấn, in giấy trắng và in giấy báo thuộc hai thể loại khác biệt: giấy báo (thô, vàng) ít khi được bán ra từng ram 500 tờ mà được cung cấp thẳng cho nhà in từng cuộn, trong khi giấy trắng bán từng ram. Giấy báo được giao cho nhà in từng cuộn thường để in nhiều ngàn tờ báo mỗi số. Giấy trắng bán từng ram thường để in 500 cuốn hay hơn ngàn cuốn là tối đa, hoặc chỉ được dùng để in bìa cho loại ấn phẩm nội dung in trên giấy nhật trình (báo hằng ngày), như ta thường thấy.

Nói về khổ báo giấy in cách đóng như trên xem ra vô bổ, song đối với người sinh sống làm ăn liên hệ đến ngành xuất bản lại khá cần thiết.

Nếu có người đưa cho ta một tờ đặc san in giấy trắng, bìa có dày hơn giấy trắng bên trong, nói đặc san in 3,000 tờ, ta có quyền không tin. Với 3,000 tờ đặc san in giấy trắng, phí tổn rất lớn, thông thường người ta không tiêu phí quá đáng chỉ cho phần giấy bên trong, cho nên chỉ thoáng nhìn một ấn phẩm, ngó loại giấy được sử dụng, người ta có thể đoán ra đâu là sự thực.

Tờ đặc san in giấy mắc mỏ ấy có lẽ chỉ in ra 300 tờ, nói 3,000 tờ là nói quá, và nếu ta muốn quảng cáo sản phẩm của mình trên một tờ đặc san, thì giá cả quảng cáo trên tờ báo in 300 số một kỳ sẽ phải khác với giá cả quảng cáo của tờ đặc san in mười lần nhiều hơn. Bài này nói về vài khía cạnh kỹ thuật của việc in ấn, đóng xén sách báo cũng như những phức tạp tự thân của một vấn đề ta có thể tránh được nếu ta tìm hiểu trước.

Khía cạnh khác nữa nhân thể cũng nên nói đến khi ta đang nói về ngành in, đó là mực in. Hãy lấy hai cuốn sách, một cuốn in ở nước ngoài, như sách Pháp Anh Mỹ, và một cuốn in ở Việt Nam. Hãy mở bất cứ trang nào ở cả hai cuốn và so sánh hai trang sách vừa mở ra đó, người ta sẽ thấy trang sách in ở Sài Gòn Chợ Lớn khác hẳn trang sách in ở nước ngoài.

Tại sao trang sách in ở Sài Gòn Chợ Lớn lại mờ nhạt như thế? Cả hai cuốn sách đều in mực đen, đúng rồi, nhưng sao mực in sách ở ngoại quốc lại đen nhánh mà mực in sách ở Việt Nam lại chỉ – ước chừng – có khoảng 40% đen? Có thể có những cuốn khá hơn, đậm hơn, 50% hay 60% đen? Tôi viết đen mà không viết màu đen, vì đen không phải là một màu; xanh lá cây nâu tím vàng là màu sắc, còn đen trắng không phải là màu sắc. Màu xanh lơ ta từng gọi trong kỹ thuật in gọi là màu cyan, màu đỏ sắc pháo ta từng gọi trong kỹ thuật in gọi là màu magenta. Còn màu đỏ máu là magenta cộng với vàng.

Bạn đọc đã bao giờ thấy một cái máy in trong tầm mắt và tầm tay mình chưa? Máy nào cũng được, máy Đức máy Đài Loan hay máy Hồng Kông? A.B. Dick hay Multilith, loại in màu, tức là có tối thiểu hai máng mực, nhiều máy có 5, 6 máng mực – thực ra có một máng trong đó là máng dầu. Dầu trong những máng in, máng dầu ấy trong nhiều nhà in Sài Gòn Chợ Lớn được thay bằng nước lã. Và đó là lý do: mực đã bị pha nước.

Mực đen không còn 100% đen và các màu sắc khác không còn rực rỡ nguyên màu nữa, mà đỏ lờ, xanh lờ, tím lờ… Nhiều hình ảnh bị thấm nước, trở thành “double images,” không còn sắc nét được nữa. Một cái máy in với máng dầu thay bằng nước lã thì sáng kiến ấy quả có tiết kiệm được tiền bạc, đáng khen cho kẻ phát minh và người áp dụng khôn ngoan chỉ tìm thấy ở Sài Gòn Chợ Lớn trước hết.

Một mục văn chương nghệ thuật thỉnh thoảng nói về kỹ thuật cũng là góp phần hiểu biết đến khía cạnh liên hệ. Những người yêu sách, gây dựng một tủ sách gia đình, để trong phòng khách, không nhiều thì ít có khi cũng đóng sách khi cần thiết. Mua sách cũ mang về, cắt xén lại một chút, đóng thêm cho nó một cái bìa, hay thay hẳn cái bìa khác, là việc rất lý thú.

Có những cuốn sách không cần đóng lại bìa, hay thay bìa, mà chỉ cần bọc lại bằng nylon hay giấy bóng kính. Giấy bóng kính là loại trong vắt thường thấy dùng bọc quanh một bó hoa. Loại này rất rẻ. Chơi sách người ta cần những cụ liên hệ để sửa sang cuốn sách, kể cả các cuộn giấy thô mộc, hai ba thứ keo dán khác nhau một khi cần đóng lại cuốn sách, dao xén và thước dẹt.

Có một thứ bạn cần mà khó giải thích: đó là một hộp màu vẽ loại dùng cho học sinh, những màu khô đựng trong khoảng 10 cái đĩa sắt sẽ phải dùng tới một cây bút lông và khi dùng, dùng chút nước lạnh thấm cây bút lông, dụng cụ sơ sài này sẽ giúp “điểm xuyết” những chỗ trầy chỗ lem bẩn nếu có trên trang sách, gáy sách. (Viên Linh)