Giới thiệu về Vũ Hoàng Chương

Vũ Hoàng Chương xuất hiện vào giai đoạn cuối của thời kỳ tiền chiến. Thi phẩm đầu tay của ông Vũ ra đời vào năm 1940, thì Hoài Thanh và Hoài Chân viết về thơ ông vào năm 1941 và Vũ Ngọc Phan viết xong quyển 3 của bộ Nhà Văn Hiện Ðại vào năm 1942.

Vậy các nhà phê bình kể trên nói về Vũ Hoàng Chương trẻ, còn chúng ta đang nói về ông Vũ sau 1954, tức thị một Vũ Hoàng Chương già đây chăng?

Không hề có chuyện ấy. Không làm gì có một Vũ Hoàng Chương già hơn ông Vũ thuở đôi mươi. Vừa ló ra góp mặt với đời, ông đã già tức khắc. Xuất hiện sau cùng, ông thuộc hạng thi sĩ già nhất thời tiền chiến.

Tôi không bịa chuyện lạ để đùa cợt chế giễu ông. Lúc sinh thời ông nghiêm chỉnh khả kính, ngày nay ông đã ra người thiên cổ, tôi không dám thế đâu. Bảo ông Vũ già, là Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan. Họ bảo thế từ hơn nửa thế kỷ trước; không phải tôi. Vũ Ngọc Phan viết: “Thơ ông là thơ của một thanh niên mà nhiều lúc giọng già cóc cách”, viết thế nhiều lần trong một bài.

Và chính Vũ Hoàng Chương cũng kêu nào “đời tàn trong ngõ hẹp”, nào “đời hiu hiu xế tà”, nào “xuân đời chưa hưởng kịp, mây mùa thu đã sang”. Cũng chính ông Vũ kêu:

Ngoài ba mươi tuổi duyên còn hết
Một ván cờ thua ngả bóng chiều v.v...

Ba mươi tuổi mà đã hết duyên? Thật ra bấy giờ ông đâu đã tới ba mươi tuổi! Cuốn Mây in năm 1943, ông mới hăm bảy; các bài “Ðời tàn ngõ hẹp”, “Ngoài ba mươi tuổi” phải viết trước đó, vậy viết từ ngày ông hăm bốn hăm lăm chứ mấy! Ðời sao mà tàn, bóng chiều sao đã ngả, ván cờ đời sao đã kể là thua sớm quá vậy?

“Giọng già cóc cách” thế nào không rõ. Nhưng xem cái ý nghĩ của ông thì thấy già rành rành. Nếu ý đã già, giọng cũng già (cóc cách) nữa thì đích thị già trọn vẹn rồi, còn gì nữa? Vũ Hoàng Chương không những già, lại còn xưa. Hoài Thanh ngờ rằng “Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào xưa của Ðông Á.” Lại nghĩ rằng: “trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây nó có cái vị chua chát, hằn học và bi đát riêng.”

Trụy lạc hay không trụy lạc, say sưa hay không say sưa, ngao ngán hay không ngao ngán, Vũ Hoàng Chương đều có thể xưa. Ngay trong yêu đương, ca hát, ông cũng có cốt cách một người xưa. Xưa trước ông chừng hai nghìn năm chẳng hạn. Mất Kiều Thu, chàng thanh niên trong tuổi đôi mươi ngồi vỗ chậu hát nghêu ngao hệt Trang Tử! Chàng hát hỏng ra sao? Do ré mi fa sol chăng? Không. Chàng hát xế xừ cống xự xang v.v... Chàng mơ gái Tầm Dương, nhắc tích Tây sương, chàng kể chuyện sông Tương, Kinh Kha, Tần Thủy Hoàng v.v... Giữa chừng câu ca thỉnh thoảng chàng nện xuống một tiếng “hề” (Thơ Việt Nam có độ lổn nhổn rất nhiều “hề”; tôi có cảm tưởng là phong trào “hề” thịnh hành từ sau ông Vũ?)

Vũ Hoàng Chương lớn lên gặp lúc nước nhà trải qua nhiều đổi thay lớn lao. Thanh niên thế hệ ông xài nhiều các danh từ: cách mạng, cao trào, tự do, dân chủ, đấu tranh, tiến bộ v.v... Còn ông Vũ thì ông hay nói đến chuyện... làm vua. Vâng, chính ông làm vua. Tên ông lót chữ Hoàng, ông thường tự xưng là Hoàng (“Tố của Hoàng ơi”). Hoàng, chiết tự thành ra Bạch Vương. Người yêu của ông có kẻ tên Khanh, ông xưng hô như thể là vua với hoàng hậu, nghe hách lắm, thích lắm:

Hoặc:

Ðêm nào, Khanh nhỉ! tình ta mới
Hà nội đèn treo đỏ phố phường
(Nhớ cố nhân)

hoặc:

Lớp lớp tình ta đã sóng xiêu
Mắt Khanh càng đắm đuối bao nhiêu
(Hợp tan)

Ông Vũ nghĩ thế thì hãy biết thế. Thực ra có phải mấy bận viếng hồ Ba Bể mà gieo nổi một ý thức bộ lạc? Trong cả ban nhạc sinh viên, mấy kẻ được chọn gieo mầm? còn những kẻ khác? còn tất cả dân cư miền Bắc Cạn có mang cái mầm ấy không?

Dù sao cái xưa của Ðinh Hùng đã có Vũ Hoàng Chương giải thích. Còn cái xưa của Vũ Hoàng Chương, ai đứng ra giải thích đây? Không biết. Chỉ dám biết không phải tôi.

Ấy là riêng nói về giới thi sĩ. Nếu kể rộng ra đến văn giới, thì ông Vũ còn một bạn chí thân nữa: Nguyễn Tuân. Cũng lại một “người xưa”. Là người phục hồi vang bóng của một thời dĩ vãng. Là người dựng nên những câu chuyện hoang đường quái dị, đặt nó vào khung cảnh ông thần núi Tản Viên, thời nàng tiên xác ngọc hát lanh lảnh giữa rừng đó v.v... Thế rồi mùa thu 1945 xảy đến, ông văn sĩ ở lại khúm na khúm núm dưới chân lãnh đạo, đổi họ Nguyễn ra họ sợ, tự vặt râu vặt ria, thoắt cái biến thành người mới. Còn ông Vũ với ông Ðinh, hai thi sĩ vào Nam thì được yên lành, tha hồ tiếp tục già, tiếp tục xưa.

Cái già cái xưa không phải của một ông Vũ mà ít nhất liên kết cả ba tên tuổi lớn, phải chăng đó là một xu hướng văn nghệ của giai đoạn cuối thời tiền chiến? Tại sao nẩy sinh ra cái xu hướng ấy? Các cụ thời Ðông Dương, Nam Phong thì đạo mạo, nhóm Phong Hóa, Ngày Nay đã mang tiếng cười đến làm trẻ trung hóa không khí văn nghệ, tại sao tiếp liền ngay sau đó văn nghệ lại vội vàng quơ râu đeo vào? Ai là kẻ tình nguyện giải thích hiện tượng này? Không biết. Chỉ dám biết đó không phải công việc tôi lúc này.

Lúc này chỉ xin ghi nhận một khía cạnh tâm hồn của Vũ Hoàng Chương, cái khía cạnh không thay đổi suốt đời ông.

Ở Vũ Hoàng Chương, một đặc điểm khác cũng đeo dính vào ông suốt một đời. Ðó là lời nói trau chuốt, cầu kỳ. Từ thuở ban đầu, thơ ông đã bày rõ cái sở trường (và sở đoản) ấy. Vũ Ngọc Phan chê ông gọt dũa kỹ quá cho nên lời thơ “lẽ tự nhiên” kém thành thực, ít làm cho người đọc cảm động; chê thơ ấy có hay chăng là hay nhờ nhờ chữ khéo chọn nhờ âm điệu nhịp nhàng, chứ không hay về ý, về những rung cảm của thi nhân.

Bảo rằng Vũ Hoàng Chương không có ý hay và không có rung cảm sâu, tôi không dám tán thành: ông Vũ này đã bất công với ông Vũ kia. Nhưng bảo rằng Vũ Hoàng Chương gọt dũa kỹ thì quả có thế. Quả lời thơ của ông không bao giờ là lời giản dị tự nhiên. Vũ Hoàng Chương có thể nói thuộc vào số thi sĩ Việt Nam có những lời thơ đẹp đẽ nhất. Ðẹp đẽ một cách cầu kỳ và kiêu kỳ. Vũ Hoàng Chương và Nguyễn Bính đứng ở hai thái cực. Vũ ông thích gọt dũa, khoái trau chuốt, mê say xoa nắn chữ nghĩa. Chàng trai họ Vũ ham tỉa chữ cũng như cậu bé Khổng Khâu ham bày trò cúng bái. Ai có khiếu nấy. Lớn lên Khổng Tử soạn kinh Lễ, về già Vũ ông tỉ mẩn bày ra thơ nhị thập bát tú với thơ truyền Kiều. (“Nhị thập bát tú” tức bài thơ 28 chữ; về hình thức, là một bài thất ngôn tứ tuyệt. “Truyền Kiều” cũng là bài thơ thất ngôn bốn câu, lời thì lấy từng mảng từ những câu lục bát trong Truyện Kiều ra. Vũ ông, khi làm thơ “truyền Kiều” thì tự xưng là “Người Truyền”!)

Khi người ta đã tỉ mỉ gọt tỉa ra vài chục lời thật điêu luyện, thì việc nảy ra cái ý nắn nót trình bày những lời châu ngọc ấy dưới dạng chữ thật đẹp, trên nền giấy trang nhã, cũng là tự nhiên. Thế cho nên Vũ Hoàng Chương (cũng như Ðông Hồ) thường thực hiện những công trình thi họa rất được yêu quí trong văn giới: tờ hoa, bút lông, mực tàu, triện son, chữ ký bay bướm... Những trang thơ như thế hoặc để trưng vào tờ báo xuân, hoặc lồng vào khung kính treo ở thư phòng. Chuyện ấy nhắc đến những thiếp Lan Ðình, đến truyện nét chữ của người tử tù ngày trước (lại trước, lại xưa). Chữ quốc ngữ được trao cho vai trò trang trí, được đua vào tranh, vào thế giới hội họa! Lần đầu tiên... Ba bốn trăm năm trước, khi lũ chữ móc ngoéo vào nhau, lòng thòng lượt thượt ấy theo chân các ông cố đạo rậm râu kéo vào cái xứ Ðông phương lạ hoắc này, chúng có bao giờ mơ ước tới cái vinh quang lớn đến thế!

Kể ra trong cái thú chơi chữ này, Vũ Hoàng Chương cũng không bơ vơ. Trước 1945, ở Bắc, vẫn ông bạn Nguyễn Tuân của ông từng được biết rộng rãi về những trang chữ và những tập bản thảo viết đẹp, trình bày cầu kỳ.

Sau 1954 cùng vào Nam với ông có Vũ Khắc Khoan có Mai Thảo văn chương cũng nắn nót (có khi uống éo) kỹ lắm; và rồi, ngoài người bạn cao niên là Ðông Hồ ra, sau đó lại có bao nhiêu đàn em tiếp nối truyền thống bút lông mực tàu vẽ chữ quốc ngữ. Tiếp nối cho đến ngày nay, ra đến ngoài bờ cõi xứ sở.

Văn gọt dũa thì kém thành thực, thì thiếu ý tân kỳ, thiếu rung cảm sâu sắc? Không hẳn vậy đâu. Ðọc những câu trước 1945 như:

“... Chiều tàn trong ngõ hẹp
Mưa lùa gian gác xép
Ngày trắng theo nhau qua
Lá rơi đầy ngõ hẹp
Ðời hiu hiu xế tà...”

hay:

“Nằm say nhựa tỏa cánh xiêu xiêu
Giường thấp nghe trời xuống tịch liêu...”

mà bảo là rung cảm không sâu không thấm thía được sao?

Ðọc những câu sau 1945 như:

“... Lịch treo giữa ngực kêu thành tiếng
Chẳng tiếng nào nghe khác tiếng mưa...
Thời gian từng giọt buông theo máu
Lại trở về, không gọi cũng thưa
Còn đó mười hai, còn tháng sáu...
Ba mươi năm lẻ vẫn chưa vừa!...”

mà bảo là không có ý hay tứ lạ được sao?

Chăm chút cái đẹp của câu thơ trong ngót bốn chục năm trời, Vũ Hoàng Chương có chủ trương nhất định, không phải mấy lời chê bai của Vũ Ngọc Phan mà lay chuyển được. Ông cho rằng thơ phải có vần có điệu, cái vần điệu thích hợp với tâm hồn dân tộc mình. Ông không chịu được thơ tự do, như đã được khởi xướng sau Genève ở miền Nam. Ông bảo chẳng mong có anh cày ruộng chị gặt lúa ru con nào mà buột miệng ngâm thơ Thanh Tâm Tuyền với Nguyên Sa v.v... “Các nhà thơ của trường phái tự do còn phải tranh đấu gian nan mới chiếm được cảm tình của đại chúng.” Thơ tự do có thể được nói đến trong sách văn học nhưng “đi vào văn học sử đâu có khó bằng đi hẳn vào lòng người, đâu có bất diệt bằng đi hẳn vào tâm hồn dân tộc.” Ông rộng lượng an ủi: “Không phải thơ tự do bị bỏ rơi! Không!” và “Thơ tự do nếu trong sáng, chân thành, vẫn có rung động được lắm.” Nhưng tính ông thẳng thắn, nên rốt cuộc vẫn không giấu được nhận định chủ yếu, nó gần như câu xử tử thơ tự do. Nhận định rằng thơ tự do nổi lên thành phong trào từ 1956, “và chỉ một vài năm sau trên thi đàn Việt Nam lại tràn ngập những tiết điệu quen thuộc.” Tiết điệu quen thuộc tức những thể thơ cũ, trong đó ông chú trọng nhất là thể lục bát. “Ðến hôm nay thì có thể bảo thơ lục bát đã trở thành Thơ-Hôm-Nay.”

Ông Vũ vừa không nén được một nụ cười ranh mãnh, mặc dầu bấy giờ ông đang trang nghiêm đọc lời phát biểu trong ngày kỵ thứ 149 của Nguyễn Du, do phủ Quốc Vụ Khanh Ðặc Trách Văn Hóa tổ chức.

Trong nửa đầu thế kỷ ở nước ta, cho đến cuối thập niên 30, hoạt động văn học chuyển từ lớp cựu học sang lớp tân học, từ kiến thức và kỹ thuật của Ðông phương sang Tây phương, câu văn từ du dương trầm bỗng sang giản dị tự nhiên, đa số văn nhân tiêu biểu thuộc hạng trí thức trung lưu, xu hướng tinh thần nhằm con đường canh tân tiến bộ. Từ các cụ Phan Kế Bính, Nguyễn Ðỗ Mục, Nguyễn Bá Học..., cho đến Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ v.v... là thế.

Nhưng sau đó một thế hệ, chợt có sự chia tách đột ngột. Một bên, những người như Nam Cao, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng...; một bên nữa là Nguyễn Tuân, Ðinh Hùng, Vũ Hoàng Chương v.v... Bên này tách khỏi giới trí thức trưởng giả, giới tiểu tư sản, chọn đứng về phía tầng lớp nghèo khổ, dấn thân vào đấu tranh; bên kia lại tránh xa các tranh đấu xã hội, lại chọn thái độ nhàn du phóng dật. Bên này là nghệ thuật vị nhân sinh; bên kia chủ trương phục cổ, duy mỹ.

Nguyên nhân nào đưa tới sự phát sinh những xu hướng văn học đối ngược nhau vào thời điểm ấy? cái phải cái quấy của mỗi bên ra sao? Ðó cũng không phải công việc của chúng ta hôm nay. Ở đây chẳng qua ta chỉ nhận định cái vị trí của ông Vũ trong văn giới bấy giờ.

Vũ Hoàng Chương, ngay từ buổi đầu cầm bút, đã chọn chỗ đứng dứt khoát, đã có biệt sắc rõ rệt, có chủ trương minh bạch. Và cứ thế cho đến tận cuối đời, ông Vũ vẫn một ông Vũ ấy, bất tất phân biệt già với trẻ.

Nói một bên dấn thân một bên phiêu du, như vậy không có nghĩa cho rằng Vũ Hoàng Chương thoát ra ngoài thế sự, lòng không bận đến cuộc hưng vong của quốc gia.

Ông không nuôi trong lòng cái oán thù sùng sục của kẻ nghèo đối với người giàu, ông không đứng vào hàng ngũ giai cấp này chống giai cấp nọ, ông không ca ngợi ánh sáng của chủ nghĩa này, không tố cáo chủ nghĩa kia v.v... Nhưng ông đâu có bao giờ thờ ơ đối với chuyện đất nước. Sao vàng xòe năm cánh trên năm cửa ô, ông mừng vui ngây ngất. Giặc Tây tràn đến, ông khẳng khái đòi trả ta sông núi. Nhà cầm quyền cộng sản thiết lập chế độ độc tài khát máu, ông phừng phừng kêu gọi Bắc tiến. Một tôn giáo gặp khó khăn, ông ca ngợi lửa từ bi, đốt “thơ cháy lên theo với lời kinh”. Cuối cùng khi miền Nam mất vào tay cộng sản thì ông đi tù, chịu chết, không thay đổi thái độ.

Vũ Hoàng Chương cũng như Nhất Linh, những người quan niệm làm thơ cốt cho đẹp viết truyện trước hết cốt cho được truyện hay, những người chơi lan ở suối Ða Mê, hút thuốc ở gác mây v.v..., những người ấy không ngại cái chết vì nước non. Từ một quan điểm nghệ thuật mà suy diễn đến nhân cách, đến thái độ ở đời, thái độ chính trị của người ta, e là chuyện phiêu lưu.

Giữa Nhất Linh và Vũ Hoàng Chương có đôi điều ngộ nghĩnh. Nhất Linh về sau suy đi xét lại, bèn thay đổi hẳn quan niệm sáng tác của mình, viết sách vạch kẽ những sai lầm của mình trước kia. Vũ Hoàng Chương không hề làm thế. Ông làm trái lại! Năm 1969, vào lúc năm mươi ba tuổi, viết lời mở đầu cho cuốn Ta Ðợi Em Từ Ba Mươi Năm, ông xác nhận “đặc biệt ưa thích” những bài thơ tình viết trước buổi qua phân đất nước (1954), nghĩa là viết vào khoảng đôi ba mươi tuổi. (Ta Ðợi Em Từ Ba Mươi Năm là tuyển tập do chính tác giả lựa lấy những bài đã in ở các cuốn Thơ Say, Mây, Rừng Phong, Hoa Ðăng và Trời Một Phương. Hai thi phẩm sau xuất bản năm 1959 và 1962, nhưng các bài được chọn là những bài viết từ trước 1954.)

Năm 1985, một số thân hữu và môn sinh của ông ở Hoa Kỳ cho tái bản tuyển tập nói trên; Vũ phu nhân (trong lá thư đề ngày 14-10-1985) đã viết: “Trước khi mất anh Chương cũng căn dặn tôi rằng: ‘Tất cả những tác phẩm của tôi chỉ cần giữ lại một cuốn Ta Ðợi Em Từ Ba MươI Năm là đủ rồi.’ Bây giờ các bạn của anh lại tái bản đúng cuốn đó, vong hồn anh Chương cũng được ngậm ngùi nơi chín suối.”

Như thế, trong khi Nhất Linh vượt bỏ những thành tích buổi đầu, thì Vũ Hoàng Chương lại bỏ phiếu cho thi nghiệp sơ khởi của mình. Ấy là vì trước sau ông Vũ không thay đổi chủ trương; trong khi đó năm tháng làm cơ thể ông suy nhược, tình cảm ông vơi cạn dần. Trong thơ ông vào giai đoạn sau có nhiều suy tưởng hơn cảm xúc, nhiều chữ nghĩa hơn ý tình. Thơ đẹp vẫn đẹp, điêu luyện vẫn điêu luyện; nhưng càng ngày thơ càng hướng về phía trò chơi. Ông thành ra thiện nghệ về thơ thù tạc: ông xướng họa, ông liên ngâm, ông “truyền Kiều”, ông “chuyển ngữ”... “Chuyển ngữ” thơ cổ nhân và “chuyển ngữ” ngay cả thơ của chính ông làm bằng chữ Hán. Ông rất mực tài tình trong các thú vui tỉ mẩn ấy. Nhưng vừa thực hiện những công trình tuyệt diệu như thế, ông vừa tiếc nuối thời đã qua.

Năm 1982 trên một số báo Ðất Mới xuất bản ở Seattle (tiểu bang Washington) tưởng niệm Vũ Hoàng Chương, bà Quỳ Hương nhắc lại câu chuyện hồi năm 1960, tại trung tâm Bút Việt ở Sài Gòn, khi giới thiệu diễn giả là Vũ Hoàng Chương nói về thi ca, Nhất Linh đã gọi Vũ thi sĩ là “ông vua thơ”. Thi sĩ tiền chiến đã bao người xuất hiện và thành danh trên báo Ngày Nay, hay từ nhà xuất bản Ðời Nay của Nhất Linh: Thế Lữ, XuâN Diệu, Huy Cận... Giữa bấy nhiêu tài danh, được Nhất Linh chọn phong vương! Vũ Hoàng Chương tiền chiến có cái thành tích đáng sợ chứ.

Sau tháng 4-1975, một hôm Mai Thảo đến Gác Bút ở Khánh Hội, trông thấy một Vũ Hoàng Chương mệt nhoài, nằm thiếp trên sàn. Hỏi thì được biết ông vừa đến nhà Mộng Tuyết bên Gia Ðịnh về. Cố gắng đến vì có ông Ðào Duy Anh từ miền Bắc vào nhắn lời rất muốn gặp, và rất muốn có một tập Rừng Phong. Ông Vũ kể rằng hôm ấy ông Ðào đã nói với ông: “Thơ, trước sau tôi vẫn chỉ yêu nhất có hai người. Là anh và Lý Bạch.” (Ðất Mới tháng 5-1982).

Như thế Vũ Hoàng Chương tiền chiến mãi sau này vẫn được danh gia trong văn giới trọng vọng rất mực, được xếp ngang hàng với thi tiên bên Trung quốc, được tôn làm thi vương thi đế. Vũ Hoàng Chương tiền chiến được người trọng, và cũng được chính ông tự yêu thích; còn Nhất Linh tiền chiến, sau Genève từng có độ gặp một phong trào đả phá chê bai, và ngay chính ông, ông cũng không bằng lòng các tác phẩm thời trước của mình.

Giữa Vũ Hoàng Chương và Nhất Linh có chỗ khác nhau như thế, cũng lại có chỗ giống nhau. Kể ra chỗ giống nhau là điểm tâm lý chung của hầu hết các văn thi sĩ tiền chiến ở miền Nam sau 1954: Các bậc tiền bối ấy có cảm tưởng là mình bị thế hệ sau bỏ rơi. Nhất Linh tâm sự với Nguyễn Vỹ là lớp trẻ không hiểu mình, Vũ Hoàng Chương than với Nguyễn Mạnh Côn trong một cuộc phỏng vấn rằng ông từng có lúc muốn chết vì thấy mình sống không cần thiết, thơ viết chẳng có người đọc (xem Văn Học Miền Nam - Tổng quan). Quách Tấn cũng cảm thấy niềm cô đơn ấy:

“Thơ không người thưởng thức
Mình chép riêng mình ngâm”
(Chép thơ)

Trong hiện tượng ấy có điều đáng suy nghĩ: Ngay hồi tiền chiến, vào thời điểm xuất hiện của Quách Tấn và Vũ Hoàng Chương thì thơ của họ cũng đã “già”, đã “xưa” lắm rồi, tại sao nó không hề lỗi thời mà lại tức khắc làm nên danh tiếng lẫy lừng của họ chính vào thời đại của thơ mới? để rồi mười năm sau thình lình nó hóa cũ cách tức tưởi?

Một con sói già không còn săn được mồi nữa, một lão ngư ông bất lực ngoài biển cả, một nhà văn không sáng tác được vì không bắt kịp thời đại..., là cả một thảm kịch. Ðã có những văn nhân thi sĩ không chịu đựng được cảnh ấy. Ông Vũ chắc chắn không có ý định “dọa” ông Nguyễn Mạnh Côn. Huống hồ về sau, sau 4 -1975, ông còn gặp những đày đọa nghiệt ngã. Nói về Vũ Hoàng Chương mà không một hồi tưởng về những đau đớn cuối đời ông, mà chỉ toàn chuyện vần với điệu lời với tứ, e tàn nhẫn.

Sau tháng 4-1975, cái xã hội quanh ông trông chẳng ra làm sao:

“Sáng trưa hẳn sáng tối chưa đành
Gà lợn om xòm rối bức tranh
Rằng vách có tai thơ có họa
Biết lòng ai đỏ mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi đừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh.”
(Vịnh Tranh Gà Lợn)

và nhìn lại bản thân mình (trong lao tù) thì thật bi đát:

“Từ độ vào đây tháng đã mòn
Lông hồng gieo xuống nhẹ dường non
Một manh chiếu lỉa hồn ngây ngất
Ba chén cơm rau xác mỏi mòn
Ngày đến bữa ăn càng nhớ vợ
Ðêm về giấc ngủ lại thương con
Bao nhiêu nước chảy qua cầu nữa
Chẳng dễ gì phai được tấm son.”

Có mấy người bạn đã lui tới với Vũ Hoàng Chương trong những tháng sau cùng ở Sài Gòn kể rằng ông Vũ và phu nhân và người con đã sẵn thuốc độc, nhiều lần toan tính cùng chết với nhau. Việc ấy chưa kịp thực hiện thì ông bị bắt, rồi hơn một tháng sau bài thơ tuyệt mệnh trên đây, ông ra đi một mình.

Mười lăm năm sau, trên tạp chí Làng Văn, số xuân năm Tân Mùi, Ðào Trường Phúc có bài tùy bút thật cảm động. Bài viết về Vũ Hoàng Chương, người thầy cũ của ông: “Theo học ban C của Chu Văn An là một trong những ước nguyện lớn nhất của tôi lúc bấy giờ, vì một lý do rất đơn giản: điều đó có nghĩa rằng một năm sau tôi sẽ được theo gót anh tôi, trở thành học sinh Ðệ Nhị C, lớp duy nhất của bậc Trung học tại Sài Gòn được học Việt văn với Giáo sư Vũ Hoàng Chương. Ngót ba chục năm sau, mỗi khi gặp lại những bạn bè đồng song và cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm dưới mái trường xưa, tôi đều nghiệm ra rằng hình ảnh của “Thầy Chương” là một trong những hình ảnh được tất cả học trò ban C Chu Văn An ghi nhớ một cách thuần nhất và bền bỉ hơn cả.”

Ông Ðào Trường Phúc nhắc lại một số kỷ niệm, và phân tích cái cảm tình của ông đối với thầy. Ông nhớ bộ đồ thầy mặc, chiếc cặp da thầy cầm, khuôn mặt xương xương bước chân lững thững giọng nói nhỏ nhẹ nụ cười nhẹ nhàng của thầy.

Khi đã ra đời, thỉnh thoảng có dịp đến thăm thầy cũ, “trong khi nghe những lời ông nói, những câu thơ ông đọc, tôi bắt gặp trở lại niềm sung sướng và xúc động của ngày xưa, khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường và ngước mặt nhìn dáng dấp ông trên bục giảng. Trong lòng tôi của thời gian ấy, không phải chỉ có sự ngưỡng mộ nhà thơ Vũ Hoàng Chương như trong thời tôi mới lớn, mê thơ ông và ước ao được trở thành học trò của ông. Phải nói là tôi yêu thương ông cũng như yêu thương từng vần thơ của ông (...)”

Tôi sung sướng chép lại từng đoạn dài trong bài tùy bút của Ðào quân, một mặt vì những lời như thế hẳn làm vong hồn thi sĩ “được ngậm cười nơi chín suối” như Vũ phu nhân từng nói; mặt khác những lời ấy có thể giải tỏa cảm tưởng nặng nề u ám nơi chính mình, giải tỏa nỗi buồn se thắt hiu hiu trong lòng mình khi đối diện sự nghiệp và cuộc đời một con người, một lớp người tài hoa, lỗi lạc, bị kẹt vào hoàn cảnh éo le.

Trong cuốn Văn Học Pháp (Littérature Francaise, tập 9) tác giả bảo 80% các tác phẩm văn nghệ bị quần chúng quên lãng ngay trong năm đầu tiên vừa ra đời, và hai mươi năm sau thì tỉ số bị đời quên lãng là 90%. Từ khi cuốn Say của Vũ Hoàng Chương xuất bản (1940) cho đến mấy lời thương tiếc của Ðào Trường Phúc hơn nửa thế kỷ đã trôi qua.

“Bao nhiêu nước chảy qua cầu nữa
Chẳng dễ gì phai một tấm son.”