2. Vét ao ăn Tết

Ông Bảy Sô đã ngà ngà qua mấy từng rồi, tay run run cầm nhạo rót rượu vào hai cái ly lốm đốm dấu tay. Ông lừ nhừ, giọng nói khàng khàng như tắt tiếng, giống hệt mấy anh kép hát bội hạng nhì hạng ba được thầy tuồng xếp vai cho ra giáo đầu, trong khi khán giả bình dân ở giàn cá kèo ồn ào không thua chợ chồm hỏm hợp định kỳ hằng tháng ở đầu làng:

- Bà ơi! Rượu này pha hôm nào mà chẳng có bọt bèo chi cả? Tôi chiết nó đúng ở cái bong bóng sát giàn bếp kia cà.

Bà Bảy cũng chẳng hơn gì ông Bảy. Từ hừng đông sáng thức dậy, bà đã bỏ bụng sơ sơ gần nửa xị. Bà chẩm rải bước ngang ngạch cửa ăn thông ra nhà trước, vừa nhướng đôi mắt lờ đờ mơ màng, lúc nào hai mí trên cũng muốn sụp hẳn xuống, vừa nói:

- Rượu nào mà không bọt bèo? Ông giả bộ hoài! Ông nói thiệt hay giỡn chơi vậy ông kẹ? Mới hồi tưng bửng gà gáy, thằng Chín Tý qua đập cửa rầm rầm hỏi mua một lít. Nó nếm thử, khen ơi là khen. Bà trở giọng :

- À, cũng phải mà! Bọt đâu có bọt phải không ông? Ông xỉn quất cần câu rồi!? Trời đất thiên địa ơi ngó xuống mà coi nè! Kìa, ông rót trót lọt ra ngoài bàn, tôi đoán độ cả nửa ly, còn đọng vũng đó.

Ông Bảy vội lắc lắc đầu do tật cha sanh mẹ đẻ từ nhỏ. Ông vội đưa tay chít lại cái khăn chéo trắng đã ngã màu nâu từ lâu, làm cho mớ tóc muối tiêu của ông không còn lù xù bồng bềnh. Ông đằng hắng cãi lại:

- Hứ! Say đâu mà say? Tôi uống năm ba tỉn nước mắm, cả hũ, cả khạp da bò cũng chả thấm thía gì! Bợm nhậu tiếng tăm nổi như cồn vùng này bà không nhớ sao?

Giọng ông như phân trần:

- Bữa nay, tay tôi sao bỗng dưng run run kỳ lạ vậy cà! Mới nhậu có cái chân gà chưa hết xị mà. Làm thêm cái nữa đủ cặp, chắc hết run phải không bà?

Ông day qua phía bà Bảy hỏi:

- Bà còn làm gì nữa đó? Cứ nấn ná không chịu vào mâm cho rồi. Đồ ăn nguội lạnh hết. Cả ruồi lằn nữa... Coi được cứ lên mâm cho vui. Thấy bà ăn tôi mới mắc thèm bắt trớn. Ăn ên một mình ngon cái nổi gì?

Vừa đi, bà Bảy vừa trả lời:

- Biết rồi! Ông bợm khét tiếng vùng mình mà. Khét tiếng hồi nhỏ... lúc ông Nhược ỉa cứt su, chứ bây giờ ông như ông Táo ngồi lù đù cú rũ ở gốc me bên đình kìa, cà quơ cà quào chờ Ngọc Hoàng giũ sổ! Bà bỗng nói lẫy, cau có:

- Ông đói ăn trước đi. Nước cất rượu đã nóng. Thay nước xong, tôi vào ngay. Ông làm như tôi chặt ruột không biết đói à!

Bà Bảy đẩy củi vào lò nấu rượu, can lửa cháy đều, liu riu liu riu. Xong, bà quày quả lên mâm, vén vạt áo ngồi trên ván ngựa, thòng hai chân xuống đất. Bà chà xát hai lòng bàn chân qua lại đôi ba lần cho bụi cát bụi đất bay bớt đi. Xong bà xếp một chân gọn lỏn, chân kia gập lại chỏi thẳng lên, vói tay xắp lại chén dĩa, thức ăn thức uống cho ngay hàng ngăn nắp. Ông Bảy chép miệng làm lành:

- Tôi thật vô công rồi nghề, ngày ngày chẳng làm chuyện gì nên thân. Sáng chiều cứ lai rai vô tích sự. Tôi mới làm tiếp cái đầu gà. Con gà giò bông lúa đang trổ mã bị thằng Xê phang xiểng niểng, xà lếch xà lếch mấy bữa nay. Tôi cứ tưởng nó còn nhỏ hếu hôi lông, không dè mềm mại ngọt thịt quá.

Bà Bảy hơi phật ý:

- Gà giò gà chạy không ngọt thịt sao được? Ông nói gì kỳ lạ quá? Khéo vẽ duyên! Tôi nghe không lọt lỗ tai. Lãng xẹt!

Bà nguýt khẽ:

- Làm như ông mới ăn thịt gà giò, gà chạy lần đầu. Thiên hạ chòm xóm nghe, họ cười tôi thúi đầu. Họ kêu rêu tôi tổn thọ. Họ tưởng đâu tôi siết hầu siết họng không cho ông ăn, trong khi gà vịt nhà mình nheo nhóc đầy đàn, rậm rật trong vườn ngoài ngõ.

Ông Bảy biết ý vợ, bèn vả lả:

- Bà xem này! Đến cái xương sọ cũng mềm rụm. Răng cỏ tôi như cây trốc gốc, xiêu vẹo, cái này đéo bà cái kia mà tôi nhai nát ngướu, chứ đâu như thằng Năm Ống Quyển. Nó nhỏ hơn tôi ít ra cũng năm bảy tuổi gì lận, nhưng trơ nướu móm xọm. Vậy mà nó giống tôi, rất thích đầu gà đầu vịt. Tôi cam đoan nó chỉ mút mút chép chép đỡ ghiền, chớ nó làm sao thưởng thức được cái óc gà béo bổ thâm thúy bên trong.

Ông lại cười khề khà:

- “Trai thời trung hiếu làm đầu” phải không bà? Phần tôi xong rồi. Tôi vừa chiết thêm một nhạo nữa đó. Bây giờ tới lượt bà đi. “Gái thời tiết hạnh, phau câu, gan mề”. Ly của bà đây này. Bà nhấm thử, xem nước ngọt dịu tôi mới pha có hậu không?

Ngừng một chút, ông nghiêm giọng:

- À, tôi quên phứt. Chưa già khụ mà đã lú lẩn, quên trước quên sau. Không lên tiếng ngay, bà nói tôi say... Cơm nước xong, bà cứ để đó cho tôi. Bà làm ơn đi ngay xuống quán chị Tư gọi chỉ cho người lên lấy hai bong bóng rượu đặt hôm kia. Chỉ căn dặn kỹ lắm. Nhắc đi nhắc lại nhiều lần, bảo gấp để kịp giao theo chuyến xe đò sáng sớm đi Chợ Lớn.

Cặp vợ chồng ông Bảy Sô tuy vậy mà đầm ấm lắm. Lấy nhau gần bốn mươi năm, cả hai không có một mụn gái để hủ hỉ những lúc buồn vui. Đừng nói chi con trai nối dõi tông đường. Hai ông bà rất thảnh thơi nhàn nhã. Ông bà không bị ràng buộc vướng bận bởi trách nhiệm nặng nề làm cha làm mẹ. Thêm ở thôn quê rẫy bái, cuộc sống không đòi hỏi nhiều điều phức tạp quá đáng, vợ chồng thả nổi tà tà, đắp đổi qua ngày nhờ cái nghề sinh sống tự do: nấu rượu lậu. Rượu ông Bảy Sô có tiếng nhất vùng. Bợm nhậu từ đầu trên cuối xóm, chí đến các làng lân cận không ai không một lần ghé nhà ông mua để thưởng thức. Gặp những ngày lễ lộc định kỳ trong xóm hoặc dịp Tết nhứt, kể như hai ông bà đầu tắt mặt tối, lúi húi tới lui tối ngày bên bếp rượu. Dù nổi tiếng nhờ làm ăn ngày càng phát đạt và được bà con một mực tín nhiệm, nhưng vợ chồng gói ghém kín đáo lắm. Ông bà không hề phô trương bung thùa, luôn luôn cảnh giác đề phòng kẻ ghét ghen ganh tỵ dòm ngó. Ngay thuở xa xưa còn thực dân thuộc địa Pháp, đố tào cáo lành nghề vào ruồng bắt được ông. Còn nói gì các hương chức trong Ban Hội Tề, họ đều là những bạn nhậu chí tình chí cốt, dĩ nhiên không làm khó dễ gì ông. Trái lại, họ còn lân la thân mật nữa. Rượu ngon nhờ ông bà Bảy cất rượu tươm tất, tỉ mỉ theo phương pháp và kỹ thuật cổ truyền được thừa hưởng từ đầu huyền tổ tằng tổ, thuở mấy tay phiêu lưu Pháp mới đặt chân đến đất Nam Kỳ Lục Tỉnh. Ông bà lại biết chọn nếp chọn men lão luyện do kinh nghiệm mấy mươi năm liên tục trong nghề. Tánh tình lại hề hà vui vẻ, một mực chiều chuộng quý mến khách. Cả hai chịu khó pha chế sao cho phù hợp với thị hiếu mỗi khách hàng, dù họ có khó tánh đến đâu. Trong nhà, ông còn ngâm, để dọc để ngang trên các kệ cây sát vách, chai hũ lớn nhỏ đủ loại. Nào rượu thuốc do các ông thầy thuốc Bắc Tam Thiện Đường ở chợ Gò Đen hoặc Phú Xuân Đường ở đèn năm ngọn trong Chợ Lớn cung cấp theo toa các y tổ ngày xưa mà các ông bảo còn giữ được nhờ cha truyền con nối cả chục đời lương y bên Trung Quốc. Rồi nào rượu ngâm trái cây đủ loại, ngâm các loại gia súc hà nàm. Rượu nhím, rượu kỳ đà, rượu rắn, rượu nếp than... đầy đủ màu sắc và hương vị.

Khách hàng nào cũng tìm được ở nhà ông bà Bảy hương men vị nếp mình thích thú kiếm tìm. Họ không uổng công lặn lội xa xôi để được hồi xuân hồi dương, bổ gan bổ thận. Bạn bè thân thích tha hồ tới lui thưởng thức bất kể giờ giấc sớm tối. Nhà ông không lúc nào vắng khách. Nhờ đó, cuộc sống hàng ngày vui nhộn, giúp ông bà quên cảnh vợ chồng già cô đơn, không con không cháu quấn quít một bên. Cái nghề nấu rượu lậu dĩ nhiên mang đến vợ chồng ông Bảy lợi tức tối thiểu, đảm bảo việc tiêu xài hằng ngày. Hai ông bà sống phây phây như tiên ở làng mạt khỉ ho cò gáy nầy. Chẳng hề bận tâm lo lắng ngày sau ra sao. Nhưng sự sung mãn của gia đình nhờ ông bà khéo léo bươn chải, khai thác thêm một nguồn lợi thứ yếu là bã hèm. Ông bà dùng để nuôi heo, nuôi gà, vịt. Đàn heo Thuộc Nhiêu của ông bà thường thường khoảng nửa chục đủ đầu, lớn như thổi, gối thêm một số heo con sởn sơ mập ú. Do đó, lúc nào trong chuồng cũng xôm tụ, nheo nhóc eng ét náo nhiệt cả ngày. Gà vịt của ông bà không sao kiểm soát hết. Ông bà thả tự do bay nhảy nhởn nhơ trong sân trong vườn, bươi xới ăn cào cào châu chấu, sâu bọ tha hồ. Còn nếu đói nữa, chúng nhảy vào chuồng tìm các máng heo thế nào cũng có chút ít bã hèm rơi rớt. Có con đẻ ngoài buội rậm, ở bờ tre, nơi cuối vồng cuối liếp lúc nào không hay. Đến chừng chúng nó lục tục dẫn đàn con về sân lúc cho ăn chập tối, ông bà Bảy mới phát hiện trong ngạc nhiên thích thú đàn gà của mình nay có thêm một bầy mới nữa.

Vợ chồng ông bà Bảy rất bằng lòng với số phận mình, nhìn lên không giàu có hơn ai nhưng nhìn xuống thấy mình cũng phong lưu đáo để. Từ nhỏ đến lớn, nay tóc đã muối tiêu tuổi xế chiều, có ngày nào hai ông bà đội trời đạp đất dang nắng dầm mưa, làm việc đồng áng nặng nhọc bao giờ đâu. Ông bà rất cởi mở dễ dãi. Ai cần, ông bà cho. Ai thiếu, ông bà biếu. Bẩm sinh như vậy. Không bao giờ ông bà biết tính toán trong cử chỉ thương yêu giúp người. Thật vậy. Ở đời, bợm nhậu có tiếng háo ăn lắm. Nhậu một mình không vui, mất hứng. Phải có bạn bè tri âm tri kỷ nhâm nhi đấu chuyện tào lao tầm phào. Thói thường người ta nói không sai. Có hôm, gặp ngày mưa rơi như cầm tỉn mà đổ, ông Bảy ngồi nhà bó gối buồn hiu. Hoặc ông đi tới đi lui, xớ rớ trong gian nhà chật hẹp. Thấy có chiếc áo tơi nào lù đù tạt ngang qua trước cửa nhà, ông lớn giọng cất tiếng:

- Vô đây anh Hương Hào, đụt mưa cho ấm. Vội vã gì với thời tiết thúi đất nầy. Trà tam rượu tứ! Tôi uống một mình từ đầu cơn mưa tới giờ không thú vị chút nào cả. Anh Hương Hào sẵn dịp tháp tùng cho vui.

Qua ngày mùa, ai ai cũng phải làm ruộng nương rẫy bái tận lực, từ tờ mờ sáng chim chóc vừa chớp mắt hát líu lo ở hàng tre mãi đến đỏ đèn mới về nhà. Khách mua rượu tiêu khiển cũng vơi đi. Đâu có ai rổi rảnh cho dù có nhớ có thèm hơi hướm của chất đế nồng cay. Ông Bảy bèn tập bà Bảy lai rai với ông cho vui cửa vui nhà. Thét rồi cả hai vợ chồng già không lúc nào không có đế nồng lưu thông trong huyết quản. Thức dậy là ông bà có vài ly ấm bụng điểm tâm, không cần phải ăn sáng với xôi nếp, khoai củ chắc bụng như bà con thiên hạ lục lục thường tình. Tối đến, ông bà cũng nhờ đế ru giấc ngủ thêm nồng nàn, mặc cuộc đời đen đỏ đỏ đen ra sao thì ra.

Tiếng mấy đứa nhỏ lao xao ngoài ngõ ngắt khoảng bởi tiếng cười rộ từng chập làm cho thằng Xê bỗng dưng buông đũa. Nó nhanh nhẹn bỏ giò xuống đất chạy ra xem, mặt mày hăm hở chưa từng thấy. Miệng nó lập bập nghe tiếng được tiếng không:

- Thôi rồi! Đúng là bà Bảy đang xỉn. Má ơi! Tụi nó đang theo chọc ghẹo bả đó.

Bà Hai Xệ vội hét lên, lôi giựt vọng thằng Xê quày trở lại:

- Ông ôn hoàng dịch lệ ơi! Con lạy ông mà! Mau mau làm ơn trở vô tém dẹp chén cơm lở dở, bỏ hột rơi hột rớt bừa bãi mang tội ông ơi. Con không có thì giờ chờ đợi hầu hạ nhe. Lúa thóc còn đang đăng đê đê ngoài sân từ sáng chưa ai trở. Lạ gì bà Bảy nữa?

Rồi bà hướng thẳng về phía thằng Xê, nghiếng răng:

- Bộ mới mẻ lắm sao? Ngày nào cũng vậy. Giờ nầy là bả cà kê xiểng niểng đi ra quán bà Tư. Chục ngày như một. Cả năm nay, có sót ngày nào cho tao cùi đi. Bả say mèm.

Bà buông lời móc họng:

- Con xin ông đừng có tụ năm tụ bảy chọc phá trêu ghẹo bả, kẻo con nổi nóng lên, dằn không được mà mang họa đấy. Chừng đó ông đừng trách con... Thằng Xê khựng lại, đứng như chết ngắc chết trân. Dù bực dọc cách mấy nhưng nó nào dám biểu lộ ra ngoài. Nó quày quả trở về ván ngựa, hấp tấp tém tém chén cơm dở dang rồi lùa lia lịa một búng phùng cả hai má. Nó vẫn còn ấm ức, ngồi không yên. Nó đưa mắt nhìn ra ngõ:

- Chọc ghẹo gì bả má. Con ra cùng tụi nó theo đỡ bả kẻo bả té vào bờ tre, buội rậm gai đâm chích tội nghiệp. Già cả rồi! Mà cũng để nghe bả ca Vân Tiên.

Lần này bà Hai dứt khoát:

- Tao bảo thôi là thôi. Chẳng có giang ca dong dài gì hết. Ở nhà! Chẳng đi đâu cả. Bày đặt. Lỡ trúng nắng trúng mưa về báo đời tao? Nuôi cho ăn học muốn hụt hơi, tiền đâu tao chạy thầy chạy thuốc nữa đây?

Thằng Xê cũng ơn ớn lịnh bà Hai Xệ vì bả thường dám nói dám làm. Nó đành thúc thủ trụ bộ ở ngạch cửa trước, đưa mắt thèm thuồng nhìn ra ngoài sân, tỏ vẻ vùng vằng. Một đỗi sau, nó tự nhiên cười khanh khách một mình, réo vọng xuống sàn nước nơi bà Hai Xệ đang rửa chén:

- Má nghe không? Bà Bảy bữa nay không ca Vân Tiên mà lại nói lái có tuồng tích. Đó má nghe không?

Văng vẳng...:

Mé chiếc gươn (mướn chiếc ghe)
Xuổm bồ (xổ buồm)
Chạ quay (chạy qua)
Đài Nông (Đồng Nai)
Ma bua (mua ba)
Thấn phung (thúng phân)
Đê vèm (đem về)
Trít cây mồng (trồng cây mít)
Băm na (ba năm)
Cái tró (có trái)
Trền leo (trèo lên)
Huống xái (hái xuống)
Xử làm te (xẻ làm tư)
Cá ông bùng (cúng ông bà)
Bòn ca (bà con)
Xái lụm (xúm lại)
Ôi cho rằn (ăn cho rồi)
Đọt cái tít... (địt cái tót...).


Tiếng mấy đứa trẻ tiếp theo nhịp nhàng “tót... tót...” cười rân lên làm thằng Xê càng thêm nôn ruột. Nó vang lơn nài nĩ bà Hai cho nó ra họp mặt với chúng bạn. Nó kèo nài đôi lần ba lượt, chỉ xin vài phút phù du thôi, nhưng bà Hai vẫn một mực cương quyết:

- Tao đã bảo không đi đâu hết. Bả nói lái tầm bậy tầm bạ, có dây có nhợ. Cứ bổn cũ soạn lại, nói tới khuya cũng bao nhiêu đó thôi. Mầy ngứa cẳng ngứa chưn, lấy nón lá máng ở gốc cột nhà sau đội ra cày lúa ngoài sân cho tao. Còn có ích lợi hơn.

Bà Hai bỗng xuống giọng nhỏ nhẹ, nhắc nhở thằng Xê:- Coi chừng mấy chỗ đệm rách, lúa lọt đổ ra ngoài.

Bà Hai Xệ mặc dầu ở sát nhà ông bà Bảy Sô, cách nhau chỉ một cái mương ranh, ngoằm ngoèo nhỏ hếu, vừa đúng tầm thằng Xê bắt trớn phóng qua phóng lại gọn lỏn như đi chợ sớm chợ chiều. Nhưng hai bên không mấy hòa thuận. Mà cũng chẳng có gì quan trọng. Vẫn mấy chuyện lặt vặt đàn bà con nít. Những chuyện xích mích bất đồng tiếp diễn từ ngàn xưa giữa những cơ ngơi giáp ranh nhau. Ổi, xoài, mãn cầu, mận, thậm chí đến cam sành, quít đường... dựa mé mương phía bên ông bà Bảy cứ thoải mái, điệu đàng chĩa ít cành oằn trái ve qua sát vạt đất bên này. Thằng Xê lém lỉnh, ở cái tuổi ăn không ngồi rồi, tối ngày cà nhổng chỏng mông rong chơi với bạn bè trang lứa, rủ bọn lục lăn lục lữa, trời đánh thánh đâm đến độ thầy chạy, a tòng lặt ráo nạo, nhiều khi còn phá hủy tanh bành té bẹ, chưa kịp chờ trái hườm hườm nở gai. Bà Hai Xệ phiền trách ông bà Bảy thả gà thả vịt lội lên lội xuống phá sạt mương sạt liếp, bươi xới sạch sành sanh rau cải vườn bà. Bà trồng thứ gì cũng chẳng ra hồn. Có công trồng, chăm nom bón phân, tưới nước sáng chiều rã cánh tay xệ bã vai muốn đứt hơi, chẳng những không thu hoạch tương xứng, còn mất thêm thì giờ rình rập đuổi đập từng chập. Gà vịt ông bà Bảy quen thói, đuổi đó, một đỗi lại thong dong bén mảng qua, làm cho bà Hai luôn luôn cằn nhằn cau có. Khổ nỗi, gà vịt ông bà Bảy ăn toàn hèm. Ăn riết chán phèo. Chúng cứ ngóng cổ tìm cách tràn qua sân bên nầy mổ trộm thóc lúa phơi ở sân. Bực mình, bà Hai Xệ lúc đầu mắn vốn ông bà Bảy nhưng ông bà Bảy chỉ hề hà cười trừ. Hứa hẹn thì có, thực tế đâu cũng vào đấy. Chẳng có gì thay đổi. Gà vịt vẫn tiếp tục bay qua rậm rật trong vườn gay mắt bà Hai. Tánh ông bà Bảy như thế. Hề hà như không có chuyện gì quan trọng trong đời. Còn nói gì gặp lúc tào cáo bủa vây ruồng bố, lùng sục nhiều ngày tận hang cùn ngõ cụt, ông bà không ra hèm được. Heo không ăn dặm, đói kêu la eng ét cả ngày nhức tai điếc óc.

Nói là bà Hai Xệ không ưa ông bà Bảy Sô cũng không đúng lắm. Phải nói là bà Hai không bằng lòng ưng ý mới đúng hơn. Tuy không bằng lòng nhưng bà Hai để bụng, thề chết mang theo, không la cà thân mật, chớ tuyệt nhiên không sanh sự cãi cọ, chưởi bới hàng tôm hàng cá bần tiện. Ít ra cũng còn chút thể thống tối thiểu của người láng giềng sát bên hè. Thỉnh thoảng bực mình quá, bà dằn lòng không được, dù nặng lời thì cũng bông lông bóng gió, xa gần có văn chương nghệ thuật… theo kiểu bình dân. Hoặc bà im lặng, lấy tay ngoắc lấy ngoắc để, thúc hối đôn đốc thằng Xê rượt đuổi, phang gà vịt ông bà Bảy đổ lông tung toé, có khi què giò xệ cánh nữa. Mỗi lần gà vịt chạy có cờ, kêu la thất thanh toát toát, ông bà Bảy biết ngay là bà Hai hoặc thằng Xê chút chít ra tay, chớ không ai khác vào đó. Thằng Xê con nít con nôi, khi bà Hai trong bóng tối giựt dây, âm thầm ném đá giấu tay thị thiền cho nó cứ thấy gà vịt ông bà Bảy bén mảng qua vườn, tha hồ rược đuổi. Đá cục nó chất dài dài bên vỉa hè, dọc theo hàng lu vú. Mấy đống xà bần mảnh sành, gạch bể ngùn ngụn nó để rải rác sát theo mương ranh, không cần che giấu chi cả. Làm như nó chú tâm thách thức trêu tức ông bà Bảy vậy. Nó còn có thêm mấy cái ná thun treo lủng lẳng ở gốc cột nhà, chuồng gà, cột bếp hay nhà chòi chứa củi. Mỗi khi bà Hai thầm ra dấu, nó biết ngay ý đồ của bà. Vì đây chẳng phải là lần thứ nhất. Nó vụt chạy như bay, nhanh như chớp, tóm đồ nghề gọn gàng, lanh lẹ còn hơn các chiến sĩ lúc nghe còi báo động ứng chiến trong các loại phim chiến tranh chống Đức, Ý, Nhựt thời Thế Chiến thứ hai.

Bà Hai Xệ ở góa lúc nào không ai biết, vì chẳng ai để ý làm chi nơi chéo đất người thưa ít chuyện này. Chỉ biết bà ở với thằng Xê, đứa con trai duy nhứt của bà. Mẹ con quanh năm hủ hỉ không đến đỗi tẽ nhạt. Lợi tức của bà không đáng bao nhiêu, vừa ngam ngám để hai mẹ con sinh sống đắp đổi qua ngày. Lợi tức đó nhờ bà ky cỏm, lam lũ cặm cụi, ăn cây nào rào cây nấy. Bà không hề tiêu xài, phí phạm đồng xu cắc bạc. Trái lại, bà gói ghém chu đáo, chừng mực. Bà không cho vay cắt hầu cắt họng, vì trong thâm tâm bà vẫn sợ luật trời đất vay trả trả vay nhãn tiền. Bà hay nói với bà con trong xóm cho vay «xen xít đít đuôi» theo kiểu chủ nợ Chà Và Ma Ní ở Sài Gòn, Chợ Lớn, đẻ con không khùng khùng điên điên cũng quái thai, không tay chân, không lỗ đít. Bởi vậy, bà nguyện làm ăn lương thiện, cho nuôi heo rẻ. Cứ mua heo con sởn sơ tốt mã đem rải dài dài đầu trên xóm dưới. Người một con. Người một cặp. Kẻ có của ra vốn đầu tư. Người có công chăm sóc cho ăn uống hằng ngày. Đến khi bán chia theo tỷ lệ vừa phải, đôi bên đều có lợi. Đâu ra đó, vừa hợp lý, vừa phân minh. Bà Hai cũng có cho nuôi heo nái, nhưng không nhiều. Chỉ vài con, đếm không quá năm ngón trên bàn tay. Mỗi lứa, bà bắt vài heo con tùy nái và cũng tùy lời cam kết lúc đầu. Nái này vừa dứt ở đầu xóm, lật bật đến nái kia ở cuối thôn. Bà tới lui lo phân phối, chạy đôn chạy đáo bán heo con cũng mệt đã đời trời đất. Bà rất có tay ở địa hạt này. Bầy heo thịt núc ních của bà rậm đám lắm. Hết con nầy bán đến con kia. Thế cũng vui. Vài ngày thấy bà vắt khăn rằn ở vai, xà lĩa xà lĩa đi từ nhà nầy sang nhà khác thăm bầy heo. Bà có công lắm. Vì đây là của tiền, sự sản chắt chiu của bà. Lỡ có người bê tha, heo ốm đói bịnh hoạn thì cụt vốn. Lần lữa, tháng ngày qua như vậy giúp bà quên đi mình đã trọng tuổi nhiều.

Cái tật lớn của bà Hai Xệ là ham đánh tứ sắc. Mà hễ lọt vào vòng lẩn quẩn đen đỏ đó rồi ai cũng muốn ăn. Thua hết vốn, tiền của đâu đánh nữa. Hầu như ngày nào bà cũng ngồi sòng. Ngồi không lâu, tùy bữa. Nhưng nhứt định không quá bốn, năm giờ mỗi ngày. Tuyệt nhiên, bà không thích đánh ban đêm, có hại sức khoẻ. Hôm nào đến trưa đúng ngọ không thấy thằng Heo con bà Tư Quán chạy kêu tay đến mời, bà thúc hối thằng Xê ba chưn bốn cẳng u ra quán xem coi có tay bài đến chưa? Bà cứ tắc lưỡi lẩm nhẩm một mình:

- Chẳng lẽ hôm nay lại háp tay kìa?

Cái xóm Phú Thứ là xóm đặc sệt nông dân chơn chất làm ăn. Chỉ năm ba người khá giả, ăn không ngồi rồi, bày ra đánh tứ sắc tiêu khiển, giết thì giờ nhàn rỗi. Chủ chứa là bà Tư Quán. Trong xóm ai cũng biết danh. Tay em lúc đầu khá đông. Không người này có người kia. Ít khi thất nghiệp ngáp ghiền. Dần dà nhiều người thua lỗ lún đáy, gia đạo xào xáo nên đôi lúc chích tay ngặt nghèo lắm. Bọn ghiền, đánh tay ba không vui, mất hết hứng thú. Đã nói tứ sắc tứ trụ, phải bốn người chẳn chòi mới được. Bà Tư bắt đầu mời thêm tay em ở các thôn làng lân cận, trước họ sang chơi mua vui, sau tránh mang tai mang tiếng trong xóm của họ. Dù sao, chơi bạc bài cũng chẳng có danh dự gì mà hãnh diện cả. Chơi trong xóm, bà Hai Xệ còn nương tay chớ chơi với người lạ, bà sát phạt không dung tha. Trong giới, bà thuộc hạng thầy rùa, già tay ấn, cao bài lắm. Thế cũng chưa đủ. Vì nhiều hôm xuất hành không may gặp rắn rít hay kỳ đà cản mũi, nhứt là trên đoạn đường từ nhà đến quán bà Tư, rủi gặp đàn bà bụng chửa dạ mang, dứt khoát bài hôm ấy rác rưới ê hề, dù cao tay, rị mọ trì chí đến đâu không sao cứu nổi. Nhờ lớn tuổi, với dáng vẻ lờ đờ chậm chạp bên ngoài, ít người quan tâm lưu ý tới nên trong trường hợp bất khả khán ấy, bà ra tay trổ ngón đánh lận. Mấy ai nghi ngờ chi nữa khi nghe bà phân trần:

- Tôi lớn tuổi rồi, ham chơi cho vui vậy mà. Ăn thua không kể. Tay run rẩy, mắt lại lem nhem. Thật tình tôi ạch đụi quá do ngồi lâu muốn cúp xương sườn xương sống. Bây chịu khó chờ tôi nhé! Đừng có hối làm tôi quýnh lên, thêm lâu lắc hơn.

Bà nói như van lơn khẩn thiết:

- Thím Bảy, mợ Năm, thằng Chín còn trẻ, cảm phiền nhá!

Bà kéo cặp kiếng lão trệ nơi sóng mũi, nhướng mắt nhìn chầm chầm xuống chiếu, hướng đối diện, ngang sông:

- Bây lật con gì đó? Có thấy chi đâu? Không khéo bỏ đôi bỏ tụi, chút nữa bây bắt thường, đứt chếnh sớm.

Bà Hai chậm lụt như vậy, không lanh mắt, không sáng bài. Già cả mà! Nhưng sòng nào bà cũng ăn. Kẹt lắm là huề vốn. Ăn, bà không ăn nhiều. Bà canh kỹ lắm. Bà ăn theo lối chạy gạo hằng ngày, ăn theo kiểu câu thiên hạ đường dài. Ăn sát ván, người ta chạy mặt sao? Đánh ăn cũng nhờ không ai ngờ vực, bà lên rác xuống rác tổ trời. Cái tuổi già đạo mạo, cái thái độ mù mờ, giả đò sa mưa của bà thực tế có kết quả viên mãn. Có lẽ bà Hai Xệ sợ đấng thiêng liêng vô hình trừng phạt sau này nên đêm đêm bà mặc áo nâu, gõ mõ tụng kinh vang rền. Khốn nỗi, ban ngày tánh nào tật nấy, bà không chừa không bỏ được. Con ma bài nó bắt mà. Tánh tham lại lồng lộn không nguôi. Chưa bao giờ nghe nói có ai bắt được bà gian lận. Chẳng những đã lanh tay, bà còn có cái hào nhoáng lú lẩn, lụm khụm bên ngoài. Nhưng chắc lương tâm không để bà yên với đồng tiền ác đức bất chánh, bất nghĩa, bất nhân. Mỗi đêm, không sót đêm nào, bà gõ mõ tụng kinh khoảng mười giờ, lúc tĩnh mịch vắng vẻ.

- Bà Hai bắt đầu tụng kinh rồi tụi bây ơi!

Mấy tay nhậu ở quán bà Tư hễ nghe gõ mõ tụng kinh, biết tới giờ bà Hai tỉnh tâm hối lỗi. Và cũng là lúc phải chia tay, kẻo ngày mai còn sức đi làm việc đồng áng. Một hôm nọ, bà Hai Xệ đang tụng kinh ngon lành theo tiếng mõ trầm đều, lúc cao lúc thấp. Tuy lớn tuổi nhưng giọng bà còn trong ấm lắm. Bà lại dài hơi. Câu kinh nhiều lúc ngân nga bất tận, tưởng chừng như bà sắp hụt hơi. Tiếng mõ vẫn nhịp đều, nhỏ dần nhỏ dần nhưng người bên quán bà Tư bỗng dưng nghe lồng lộng giọng hấp tấp của bà:

- Xê ơi! Mầy ra gỡ con cá cắn câu. Nó vãy đùng đùng bên hông nhà bếp, ở gốc buội sả. Mầy ở đâu? Bộ điếc lác, lỗ tai trâu sao không nghe, không trả lời trả vốn gì cả? Ra gỡ mau lên kẻo nó sức mép...

Tiếng mõ, câu kinh tiếp tục trầm buồn nhịp nhàng trong đêm. Và câu chuyện cười đùa không ác ý ở quán bà Tư hôm đó đượm thêm sắc màu trào lộng hóm hỉnh.

***

Xóm Phú Thứ có non ba mươi nóc gia. Năm ba gia đình lớn tuổi hiếm con hoặc không một mụn nối dõi tông đường, như vợ chồng ông Bảy Sô, bà Hai Xệ chẳng hạn, sức khoẻ không có, đã chọn những nghề nhàn nhã, người thì nấu rượu lậu, người thì cho nuôi heo rẻ. Nghĩ ra cũng sướng một đời. Số người sinh sống như thế ấy không bao nhiêu, đếm chưa giáp bàn tay. Trong số đó, nổi bậc nhứt là bà Tư Quán. Bà Tư trước có chồng làm trùm vạn cấy, ăn đầu chận đuôi vào ngày mùa khan hiếm nhân công nên thuộc hàng quá ư trưởng giả. Chẳng may, ông Tư sớm bị triệu hồi phủ phục Ngọc Hoàng Thượng Đế khoảng năm ông bốn mươi lăm bốn mươi sáu tuổi gì đó. Ông ra đi bất thình lình, để lại thằng Heo vừa đậu xong bằng Sơ đẳng Tiểu học, con Hổ còn nhỏ biếu và con Dê mới được gả về làm dâu gia đình khá giả làng Mỹ Yên bên cạnh. Bà Tư sống với thằng Heo và con Hổ, tu bổ, khai thác miếng vườn cả mẫu tây do ông Tư tạo dựng lúc sinh thời. Cây trái xum xuê, nguồn lợi tức duy nhứt của gia đình bà. Cứ một đôi ngày có bạn hàng sỉ tạt ghé ngang, mua mão đem bỏ mối ở các vựa Bình Đông, Xóm Củi hay Chợ Lớn Mới. Nhiều lúc bà Tư chê rẻ, giá cả không tương xứng với phân phướng và công sức bà. Bà hì hục gánh ra chợ làng Phước Lợi, Gò Đen hay chợ quận Bến Lức, ngồi bán lẻ sẽ có lợi hơn. Sẵn dịp, bà đi chợ luôn thể. Thật tiện lợi vô cùng. Lần hồi bà cất một quán lá nhỏ đầu ngõ để bán thổ sản tươi trong vườn, trong khi ngôi nhà khang trang to lớn của bà ở tận cuối vườn, cửa trước quay mặt xuống bến sông. Nhà cất theo kiểu quay mặt xuống sông trong vùng hiếm hoi lắm, còn rơi rớt lại rải rác đó đây vài cái, do phong tục tập quán xưa.

Lúc bấy giờ, phương tiện giao thông chánh yếu là đường thủy. Đâu có đường thênh thang trải đá đỏ, đá xanh hay nhựa hắc ín như ngày nay. Những nhà còn sót lại đó đều là nhà bề thế chắc chắn, cột gõ vách bổ kho bằng loại ván lỏi, chịu đựng nắng mưa, năm tháng. Nhà bà Tư xem ra còn có nét lắm. Bán buôn cắc ca cắc cụp như vậy ngày càng thu hút thêm đông đảo khách hàng. Có đồng vô đồng ra luân lưu cũng vui. Về sau, bà phát triển thêm địa bàn hoạt động do nhu cầu đòi hỏi thôi thúc tới tấp của bà con trong thôn ấp. Mỗi khi đi chợ, bà bổ thêm hàng thiết yếu sinh sống hàng ngày như dầu hôi, nước mắm, đường muối, thuốc rê, diêm quẹt, nhiều nhứt là bánh trái, kẹo mứt, bòn bon... quến con nít. Bà còn lãnh rượu lậu của ông bà Bảy Sô để bán lẻ trong xóm nữa. Những năm gần đây, tiếng tăm đồn đãi thêm thắt chanh ớt muối đường, ông bà Bảy Sô sợ kẻ ra người vào tấp nập, gây sự chú ý của bọn tào cáo và nhứt là đám điềm chỉ rấp ranh rình mò. Từ dạo có cái quán bà Tư, ông bà Bảy mới thực sự an phận với nghề nấu rượu lậu, chớ không bán lẻ nữa. Bỗng nhiên bà Tư trở thành mối lái tin cậy của ông bà Bảy. Bợm nhậu trong xóm kể cả bạn hàng mua sỉ rượu đế từ nơi xa đều phải đến quán, qua tay bà Tư. Thế là quán bà Tư mỗi ngày thêm thạnh hành. Nó lại chiếm địa thế lý tưởng, nằm ngay ngả ba lộ cái, tụ điểm yết hầu trong xóm. Người qua kẻ lại dập dìu sáng chiều. Quán ngó thẳng ra ao làng, chiều chiều trai gái tụ năm tụ bảy gánh nước, chuyện trò vang rân, quên đi cả ngày dang nắng dầm mưa ngoài đồng không mông quạnh. Gặp mùa nước sông trở mặn chát, giặt áo quần bằng xà bông dù là xà bông Cô Ba, xà bông Con Cọp thượng hảo hạng đi nữa cũng không có chút bọt. Nước sông dù lắng phèn lâu ngày cách mấy không sao uống được. Lờ lợ tanh tanh. Khi đi ngang quán bà Tư, tuy không hẹn hò trước, đám thanh niên thiếu nữ ấy dừng chân nghỉ năm mười phút. Kẻ ngồi trên đòn gánh bắt ngang hai thùng thiếc nước. Người ngồi trên ghế tre dài trước quán, chắc chắn láng cón. Mọi việc xảy ra trong ngày, cả tiếng đồn thầm kín loại thầm thì rỉ tai cứ cuồn cuộn tuôn chảy, dòn như pháo Tết, pha lẫn tiếng cười từng chập rất mực mộc mạc hồn nhiên.

Quán bà Tư treo lủng lẳng phía trước những xâu bánh còng bánh neo, vài phong bánh bẻn, kẹo đậu phọng, đặc biệt nhứt là những quày chuối cả chục nải chín cây vàng hườm căn da hấp dẫn. Tự nhiên đây là nơi họp mặt thường xuyên của đầy đủ các lứa tuổi trong làng. Con nít thì kẹo bánh, trái cây. Người lớn nhậu nhẹt. Đàn bà, trầu cau, dầu hôi nước mắm. Đám trẻ rửng mởn, lứa tuổi chớm biết so hình đọ dạng, tập tành làm duyên làm dáng, cũng nhờ cái quán dễ thương của bà để trộm nhớ thương thầm, ước mơ nên vợ nên chồng sau này. Khách khứa vô ra vui nhộn luôn. Bà Tư quên dần cảnh đời éo le ngang trái, cuộc sống góa bụa hẩm hiu buồn tẽ của mình. Nhứt động nhứt tịnh, bà đều hay biết. Trăm thứ chuyện vui buồn sốt dẻo trong xóm đều đổ vào đây như cá chui vào rọ. Từ vụ ghen bóng ghen gió đến việc quan hôn tang tế, gia đạo mỗi người, bà rành mạch từng chi tiết một, phông phốc không sai. Khi nào vắng khách, bà lắc lư trên chiếc võng bằng lác mịn màng, nhai trầu chót chét rồi phun phèn phẹt bên vách phên. Có khi người ta đến quán không nghe tiếng ngoáy trầu cụp cụp hay những lời nói nhẩm một mình của bà thì thấy bà đang ngáy khò khò, kéo đàn cò đàn gáo có bài bản, âm điệu bổng trầm, nhặt khoan nhờ những ngọn gió trong lành, mát dịu từng cơn hắt nhẹ vào quán.

Bà Tư cũng như cặp vợ chồng ông Bảy Sô rất hề hà cởi mở. Bản chất hiền hậu nhưng khổ một tý là dễ nóng tính lắm. Khi nổi trận lôi đình là bà bất kể, ra sao thì ra, phang ngang văn tục, không thua gì những tay anh chị đứng đường đầu chợ cuối hẻm ở quận ở tỉnh. Trong xóm, bà được bà con xếp vào hàng lẫm liệt, chỉ có duy nhứt mỗi mình bà trong phái đàn bà con gái ở đây. Dù góa bụa, ít ai, cả đến mấy tay xâm mình rống mắc không hề dám hở môi hở miệng chọc phá trêu ghẹo, lẳng lơ xa xôi, đưa đò với bà. Rõ ở đời, những người dao to búa lớn, nói năng bất cần, đàn áp thiên hạ, thường được việc là vậy. Lúc ông Tư còn sanh tiền, vợ chồng hợp tánh hợp tình, cũng thích đánh tứ sắc. Không ngày nào không có sòng bài trong nhà. Tay bài thích chơi ở nhà ông bà Tư, vì hai ông bà có phong cách chịu chơi. Lấy xâu, hai ông bà lấy không bao nhiêu, lấy cho có lệ theo thói thường, có trải chiếu phải lấy xâu. Thực tế, ông bà rất hậu đãi tay bài, chăm lo ăn uống tử tế, thịnh soạn như hàng thượng khách. Không ngại tiếc công tiếc của, tốn kém gấp bội so với tiền xâu. Sau ngày ông Tư mất, bà Tư buồn cuộc đời vô duyên cô quạnh, tiếp tục không bỏ thói quen lân la với “bốn ông tướng” xanh trắng đỏ vàng. Bà nuôi một chút hy vọng cỏn con, đen tình phải đỏ bạc. Bè bạn cũ trong số có bà Hai Xệ, ghiền bài bốn màu nhỏ lá còn hơn tiên ông khắn khít ả phù dung. Bà Hai rất mến mộ bà, ngày nào cũng la lết tới nhóm. Nhưng từ lúc bà Tư lập ra cái quán, nó bắt đầu cột chưn cột cẳng bà trong công việc buôn bán hằng ngày không ngớt tay. Bà bèn từ bỏ hẳn nghiệp tứ sắc từ dạo đó, tập trung làm ăn, lo tương lai thằng Heo, con Hổ bắt đầu lớn đại rồi. Tuy nhiên, tay bài cũ không rủ cũng đến và bà để họ tự do tiếp tục trải chiếu chọn nơi, giải trí như thuở nào.

Hiền nhưng nóng tánh. Việc bà Tư dùng ngôn từ anh chị chốn thị thành cũng có nguyên do của nó. Vốn khá giả, ngày trước ông Tư thuộc hàng sạch sẽ trong làng trong tổng, sát lẻm bảnh bao, áo quần phẳng phiu ủi láng mướt. Mỗi khi đi ra ngoài, dự tiệc tùng hay giỗ quảy, ông tự lo quạt than đỏ hồng bỏ vào bàn ủi rồi cũng tự tay ông ủi lấy áo quần tươm tất. Đàn ông như ông chắc hiếm hoi lắm. Trong khi ấy, bà Tư dễ dãi hẳn. Bà tỏ ra xập xệ, không đòi hỏi gì nhiều. Áo quần, bà chỉ xếp ngay ngắn, tối ngủ gối đầu nằm, sáng dậy lấy ra mặc là bà quá ưng ý. Ông Tư có mèo hay không, không ai biết rõ ràng nhưng lời ra tiếng vào soi bói, thêm nhưn thêm nhụy, đồ tới đồ lui nhè lọt vào hai tai bà Tư. Bà ghen bóng ghen gió, ong óng lên lồng lộng, chưởi bới như tát hằng đêm, hòa lẫn với lời kinh trầm bổng của bà Hai Xệ. Đi ngoài bờ tre, có đêm nghe bà đằng giọng đay nghiến:

- Ông à! Tôi tuy thất học thật nhưng nào phải phường dốt nát ngu đần. Tôi không phải hàng một chữ nhứt một bẻ đôi không có. Mẹ họ... Bộ đánh trống bỏ dùi, khỏi lỗ vỗ vế hả?... Hay là “vợ là địch, bồ bịch mới là ta” đây? Ông nói cho tôi lọt lỗ tai đi!

Rồi bà không cầm được tức giận khi nghĩ đến mối tình chăn gối đằm thắm của ông Tư đối với bà, nay chia xẻ làm đôi làm ba. Bà phân bua nổi phồng gân xanh hai bên cổ:

- Tao thề trước ngọn đèn cầy đang cháy ở bàn thờ ông bà. Tao mà biết con đỉ ngựa đó, tao bầm nó ra từng mảnh, tao lột da đầu nó mới nghe. Mẹ họ... Nước chảy hoài đá cũng mòn. Sắt thép mài giũa mãi cũng hao hụt huống hồ là thịt... là xương...

Bà nghiến dài từng tiếng một. Nghe rợn người. Sau này, lâu lâu ngồi nhắc chuyện xưa với bà con lối xóm, nhứt là với đám trẻ mới tấn lên gánh nước ao dừng chân ở quán bà, bà thường hay khuyên lơn răn bảo, mỗi khi nghe chúng nhắc nhớ tới ông Tư:

- Thím thương ổng lắm chớ. Vợ chồng một ngày một buổi cũng là chồng vợ. Ổng cũng từng nồng nàn với thím nên mới có mấy mặt con đó. Con Dê rồi thằng Heo, con Hổ khít đeo còn hơn năm một.

Bà Tư xỉa thuốc, nhổ trầu phèn phẹt, cười khanh khách, nhe hàm răng nửa trống trên nửa trống dưới:

- Thím bực ổng có cái tánh mèo mả gà đồng. Ban đầu thím ghen lắm. Đố bà nào, cô nào bóp kèn qua mặt được thím. Kể tụi bây nghe cả tháng, cả năm chưa hết chuyện.

Bà nhíu mày:

- Nhiều khi thím hận ổng ăn ở đản hậu với thím, được xôi rồi việc, trở mặt làm ngơ. Có lúc trực nhớ ông bà mình hồi xưa có nói: “chàng năm sương gặp nường bảy nắng”, thím thầm vái van thần thánh linh hiển cho ổng gặp một tay tứ chiến giang hồ cho ổng biết thân, tởn tới già. Nhưng sau, suy nghĩ kỹ lại. Ối, đàn ông năm thê bảy thiếp, làm sao cầm chưn họ được.

Rồi bà trầm ngâm nghĩ ngợi, đôi mắt đâm chiêu, u buồn, phảng phất một niềm riêng bà cố giấu kín tận sâu thẳm đáy lòng:

- Thím tự an ủi mình. Thím xem như mình mua cái áo, về nhà mặc không vừa. Thím cũng không bán mà cũng không vất bỏ đi, đem treo nó tòn ten ở gốc cột trong hốc để đó. Thím còn gánh nặng gia đình, làm thẳng thừng quá sợ đổ vỡ. Một vai thím gánh mẹ già. Lúc ấy, bà bác còn sõi, trên dưới bảy mươi, thất thập cổ lai hi rồi. Một vai thím gánh con Dê và thằng Heo, miệng còn hôi sữa, lo nuôi chúng nó nên người.

Bà cười ngất như người chiến thắng sau những trận thảm bại chua cay. Rồi bà ung dung kể tiếp:

- Đi đã đời, ổng lạy thím mà về. Bây biết không? Ghen quá ổng tưởng đâu ổng quý lắm, vàng ô, hột xoàn tô, giấy xăng bộ lư đầy hộp “bít ki” không bằng, được nước làm tới. Mà hồi thím ghen, thím rầu, ốm o cà tông cà teo, gió thổi muốn bay. Sau, lấy áo ra mặc vừa y. Bởi vậy... mới có con Hổ, còn nhỏ hếu đó, nhỏ hơn thằng Heo một con giáp tròn vo.

Dứt lời, bà Tư bật cười ngân ngất, thòng giò xuống sàn tre, lắc lư đẩy đưa cái võng nghe kèn kẹt kèn kẹt... Đâu mặt quán bà Tư, phía xéo bên kia ao là giang san bất khả xâm phạm của ông Hương quản Nghé, bốn năm đời cha truyền con nối từ cố hỉ cố lai, tiếp nhau vững như trồng ở các chức vụ quan trọng cầm giềng mối trong làng. Hương quản Nghé có lối sống công tử, thừa tiền dư của, ăn xài phong lưu, tuyệt nhiên không hề dấn thân kham khổ. Tuy làm hương quản nhưng Hương quản Nghé làm cho có chức vị lấy tiếng. Danh vọng đi đôi với tiền tài. Vốn giữ trật tự an ninh nhưng ông không mấy vất vả. Thảnh thơi là khác. Cây súng hai nòng duy nhứt trong làng của ông chưa bao giờ thấy ông xử dụng chống trộm cướp bất lương. Trái lại, người ta chỉ thấy ông mang kè kè bên mình lấy le thiên hạ, hoặc đi săn chim bắn thú. Ông có thừa thì giờ chăm sóc ngôi nhà ba căn song hai chái, cột gõ to gần bằng một vòng tay ôm, bóng lưỡng đen huyền. Hàng cột lâu đời này mang những hàng liễn chữ nho thếp vàng sáng chói. Nền đúc, ngói âm dương. Thêm mảnh vườn thênh thang rộng lớn không biết đến bao nhiêu mẫu tây. Dù có quyền thế, Hương quản Nghé rất thận trọng. Thái độ phòng xa và phong cách ăn ở ba phải của ông ít khi va chạm, gây phiền hà người lân cận. Vườn ông mênh mông nhưng ông kỹ lưỡng trồng tre khít đeo bao bọc, còn tăng cường thêm một hàng xương rồng xương hùm gai nhọn hoắt tua tủa lạnh lùng. Sau rào tre, ông đào mương sâu, tiếng là để chận rễ tre không cho ăn sâu vào đất phá vườn, nhưng thực ra nhà ông xem như một chiến lũy kiên cố thuở xa xưa. Trong nhà, ông nuôi thường xuyên bốn năm con chó thiến. Ban ngày, ông trống mỗi con một góc, ăn uống ngủ nghê tại chỗ. Ban đêm, ông thả ra giữ nhà, giữ vườn. Chúng được tự do, mừng rỡ chạy giỡn suốt đêm.

Xưa nay, thói thường là như vậy. Lúc khó khăn, nghèo khổ túng thiếu, người ta sống gần gũi chung đụng, nương tựa chia sớt, không ngớt kêu réo gọi mời nhau. Hoặc biếu xén dù là một củ khoai ngon, một trái cây ngọt vừa mới hái ở vườn nhà. Nhà cửa trang trại cửa nẻo mở toanh tha hồ vào ra không kể giờ giấc. Nhưng khốn nỗi, khi làm ăn phát đạt khá giả, xây dựng vườn tược thành khoảnh, cơ ngơi kinh dinh bề thế, người ta bắt đầu làm mặt lạ. Giàu đổi vợ, sang đổi bạn mà! Họ cố tình sống ngăn cách, xa lánh nhau hoặc giả chào hỏi xã giao lấy lệ. Cho nên không hiếm gì người nghe lòng mình cứ nằng nặng tiêng tiếc phải chi cái hàng rào tre vút cao nghều nghệu với xương rồng xương hùm chơm chởm gai nhọn hoắt kia không thay thế dãy bùm xụm mùa trái nở rộ, nho nhỏ dễ thương trong bóng… phải chi cái hàng rào bông bụp xanh mướt đầy bông hoa đỏ thẳm, lất phất ít nhụy vàng đong đưa còn đó… hoặc cùng lắm giàn mướp khía mướp hương néo trái dài sộc cạnh bờ ranh vẫn như ngày xưa… để chiều chiều người bên này nhón gót nhìn sang thấu bên kia nhắc nhở thăm hỏi chân tình:

- Làm gì dữ vậy bác Hai, thím Ba... Cơm nước xong chưa ? Bộ quên, sao để heo cúi vẫn eng ét vang rân vậy?

Ông Hương quản Nghé và gia đình sống cách biệt hẳn với bà con láng giềng, ngay cả với hai gia đình sát ranh. Người trong xóm cũng không hề bén mảng lui tới nhà ông làm chi thêm phiền phức. Ai lạng quạng đi ngang bờ tre vườn ông, đàn chó hùa nhau sủa rân, hậm hực như muốn vồ lấy ăn tươi nuốt sống. Thận trọng hoặc giả không muốn gay mắt, họ thường đi tắt, chọn lấy bờ con mà đi. Bất đắc dĩ lắm mới đi ngang. Vườn tược của ông được rào dầy đặc như vậy nên gà vịt bên nhà ông bà Bảy Sô chịu phép, không hó hé qua được. Ông bà Bảy không hề bị Hương quản Nghé phiền hà mắn vốn hoặc bà Hương quản phiền trách như trường hợp bấy nay của bà Hai Xệ. Ông Hương quản biết vợ chồng ông bà Bảy nấu rượu lậu từ lâu nhưng cứ làm ngơ, xem như không hề hay biết. Bản tánh ông thích tránh đụng chạm. Hằng ngày đi ngang qua quán bà Tư, ông hỏi qua loa nắng mưa lúa thóc, hỏi lấy lệ vài câu xã giao tối thiểu. Thế thôi.

Thế chiến thứ hai vừa chấm dứt trong đổ vỡ hoang tàn. Việt Minh Cộng sản âm mưu đứng lên cướp chính quyền. Rồi Pháp trở lại Việt Nam mưu toan đặt lại nền thống trị cũ. Toàn dân đứng lên kháng chiến giành độc lập quốc gia, chủ quyền dân tộc. Trong khi đó, Việt Minh Cộng sản lén lút hoạt động với ý đồ đen tối độc quyền lãnh đạo quốc gia. Chiến dịch “Diệt tề phản đế” theo đúng chủ trương đấu tranh giai cấp, xóa bỏ tư hữu của chúng đã gây bao nhiêu tang tóc chia lìa khắp nông thôn. Quân đội quốc gia mới thành hình đóng ở Gò Đen, Bến Lức vất vả bảo vệ an ninh trong vùng. Nhứt là các trục giao thông chính yếu như đường lục tỉnh, cầu Bến Lức...

Hương quản Nghé bấy giờ không còn làm làng nữa. Lúc ấy, Hội đồng xã các làng lân cận đều rút về đóng ở Gò Đen. Trụ sở xã Thanh Hà, Long Hiệp, Mỹ Yên rải rác cách nhau không xa mấy. Xã trưỏng kiêm nhiệm luôn mặt an ninh trật tự như những chỉ huy trưởng đồn bót mới được củng cố. Hương quản Nghé và gia đình tiếp tục sinh sống ở ngôi nhà cũ nơi xóm Phú Thứ. Bản tính cầu an hưởng lạc thúc giục ông mua sẵn một căn phố ở chợ Gò Đen, để hờ đó. Ông nghĩ xa, phòng khi tình hình bất ổn trầm trọng, ông có sẵn cơ ngơi bỏ giò trú thân. Về sau, việc quân lực địa phương và làng xã ruồng bố thường xuyên cộng thêm những đợt phá hoại thanh trừng tàn bạo của Việt Minh Cộng sản làm cho Hương quản Nghé và gia đình thay đổi hẳn thái độ. Ông không còn sống ngăn cách co rút sau lũy tre chơm chởm gai của mình nữa. Ông tỏ ra cởi mở hơn, lân la chào hỏi thân mật bà con lối xóm hơn. Đám thằng Xê, thằng Heo và lũ nhỏ trời đánh thánh đâm, chằn ăn trăn quấn ngày càng thân mật với ông. Chúng nó không còn nể sợ ông như ngày trước. Hồi ông đương thời, dù không hãm hại bức bách ai quá lạm, nhưng với cây súng hai nòng kè kè bên mình, chúng nó lấm lét, tránh né ông. Cùng lắm chúng chỉ liếc trộm nhìn thầm từ xa thôi. Bây giờ, chúng nó rất thân mật gọi ông, đứa bằng bác, đứa bằng chú xem như trong họ hàng bổn tộc vậy. Ổi, điều, mận, mãn cầu... trong vườn ông, chúng hái ăn thả cửa. Ông bà Hương quản không hề hở môi nghiêm khắc la rầy. Mấy con chó thiến hùm hổ độ nào đã bị Việt Minh Cộng sản đập chết từ lâu nên bọn trẻ không còn thấp tha thấp thỏm mỗi khi vào nhà ông. Ông còn khuyến khích chúng kéo tàu dừa tàu cau khô, mo nan chà củi rơi rụng đầy rẩy trong vườn đem về nhà chụm bếp. Bặp dừa ở bến sông, ông cho tha hồ xắn làm phao cắm câu mồi chạy hay kết bè mỗi lần tụ tập tắm sông. Dây mây, dây choại leo chằng chịt, ông cho rút lúc nào thì rút không cần xin phép tắc trước. Cả mù u, gừa dẹt, bần nước, trâm bầu hay đùng đình đủng đỉnh...khi cần cứ đốn về xài, miễn là phải dọn dẹp sạch sẽ chà nhánh. Sự chuyển hướng trong thái độ đối xử của ông Hương quản làm cho bà Tư Quán gay mắt. Nhiều lúc bà tỏ ra phật ý trước mặt đông đủ bà con. Những lần tiếp xúc thường nhựt với khách hàng giúp bà có nhiều kinh nghiệm sống nên bà khá bén nhạy trong phản ứng. Có hôm bà quở thằng Heo trước mặt thằng Xê và lũ trẻ choi choi như để dằn mặt cảnh cáo chúng nó:

- Mấy ông con của tôi ơi! Mấy ông khờ khạo quá.. Đừng tưởng ông Hương quản tử tế. Thấy ổng chiếu cố thương yêu mấy ông làm tao phát ham... Mẹ… họ! Chớ không phải ổng sợ! Bây giờ đâu như hồi xưa. Ai cũng như ai. Đừng thấy vậy tưởng bở nhào vô.

Thằng Heo vội cắt lời:

- Má không biết! Má không có đến nhà ổng. Ổng tử tế lắm. Bả cũng vậy. Như để tranh thủ lòng tin của bà Tư, nó không ngần ngại nói:

- Má thử hỏi thằng Xê xem có phải như vậy không? Tụi con vắng mặt, lâu ngày không qua chơi là ổng nhắc ổng chờ. Ổng hỏi tại sao lâu quá không qua.

Bà Tư Quán vừa nguýt vừa lấy cây chổi tàu cau moi xột xạt bã trầu khô ở kẹt vách:

- Chà! Chà! Coi bộ ngọt ngào tình ái quá cỡ! Ở đó mà nhắc mà chờ. Hồi bây còn nhỏ léo hánh ở bờ tre là ổng suýt chó, sợ tụi bây còn hơn sợ dịch tả.

Rồi bà hậm hực bực tức:

- ... Mẹ! Bây giờ tụi bây đứa nào đứa nấy như trâu cui trâu cổ, cưới vợ được rồi, nhờ cậy cũng được rồi, ổng bả mới thương tụi bây. Bây là một lũ đần độn, hời hợt, mắt không nhìn qua khỏi hai lỗ mũi... Bà đoan quyết:

- Mẹ… họ! Chớ không phải ổng nhờ tụi bây rửa vườn tược không công cho ổng đó sao? Hôm rồi, xã Ngoạt qua đây với lính tráng, vào từng nhà bảo đốn lá phát buội rậm. Vườn tược phải trống trải sạch sẽ để dễ kiểm soát, ngăn ngừa đám đá cá lăn dưa giết người không gớm tay Việt Minh Cộng sản ẩn núp, thừa dịp đến đêm tối phá hoại xóm làng. Tụi bây lo ăn chơi đâu có biết... Mẹ! Tử tế thương yêu quá mà!

Bà Tư còn muốn nói tiếp nữa nhưng mấy đứa nhỏ từ từ bỏ giò lái, rút êm có trật tự. Văng vẳng có tiếng vọng lại xa xa:

- Thôi cho tụi con sống với má!

Nói là nói như vậy chớ bà Tư một mực lễ độ đối với ông Hương quản Nghé trong giao tế hằng ngày. Thật vậy, ngoại trừ những lúc bà nổi nóng, kềm hãm không được ngôn từ, chớ ngày thường bà rất ư lịch sự với tất cả mọi người chung quanh. Kể cả những đứa nhỏ trời đánh thánh đâm, ngày nào không đi học, tụ tập rong chơi hôi trâu khét nắng. Vốn nhanh nhẹn, nhạy bén và rộng rãi, nghĩ sao nói vậy, không chải chuốt cầu kỳ, không so đo tính toán hơn thiệt, bốp chát thẳng thừng còn hơn ruột ngựa nên ai nấy không buồn lúc tự ái bị tổn thương va chạm. Họ cho rằng bà Tư không hề cố ý. Ngay như khi nghe mấy đứa trẻ gánh nước than phiền cái ao xóm đã cạn, nước đục ngầu sau khi xách được vài gàu. Về nhà phải lóng phèn đến mấy ngày mới dùng được. Bờ ao lở lói. Mấy con trâu không trẻ chăn giữ mặc tình lội dọc lội ngang xuống uống nước mùa nắng. Bà bèn phát biểu ngay:

- Bây còn nhỏ mới lớn lên, bây không biết. Hồi trước ao nầy đẹp lắm. Nước trong vắt lại có cầu ao chắc chắn, làm bằng nhánh cái cây cẩm lai lúc đốn cất đình trước mặt bây đó. Cả vùng nầy vào những mùa khô kéo dài, thiên hạ đổ xô về đây gánh nước dập dìu.

Bà như nhớ lại một thời xa xưa:

- Chiều chiều đông đảo vui nhộn không sao tả xiết. Cái bến ghe kia kìa, bây giờ bây trông thấy lở sạt tầy quầy. Hồi trước ghe xuồng bên Phước Tỉnh, Bàu Lác qua đậu nối đuôi chực chờ chở nước. Ao sâu nước ngọt không bao giờ cạn. Ngay cả mùa hạn hán năm tao hai mươi mốt hai mươi hai tuổi...Mấy đứa trẻ chăm chú nghe bà nhắc cái chéo đời thời thạnh trị xa xưa làm bà Tư xúc động nhưng hiu hiu hài lòng. Bà sẵn trớn mỉa mai trách móc:

- Chớ đâu phải như bây giờ. Bây thấy đó. Từ ngày lộn xộn, chém giết xưng bá xưng vương đến nay, ao mình bị bỏ bê đâu có ai dòm ngó tới. Bông súng mọc đầy. Chàng hiu ếch nhái mặc tình nhảy múa trửng giỡn phá hại.

Bà đưa tay mặt chỉ thẳng về phía trước như để lưu ý đám trẻ:- Bây coi kìa. Nội cái buội sậy, cỏ hoang, bìm bìm chằng chịt hỗn loạn dưới gốc, tao phát ớn. Tao sợ còn hơn sợ bị toi bị gió. Sâu bọ lớn nhỏ đủ cỡ lểnh nghểnh. Chim chóc ỉa đầy bừa bãi. Còn mấy bà mấy mẹ ở ấp nhứt ấp nhì đi chợ Gò Đen về ngang nghỉ chân, ăn hàng bánh xả rác vất từng đống ở bờ ao. Bà không dứt tiếng phàn nàn, đâm chiêu buồn buồn:

- Ban đầu, xế xế trời mát, tao còn ra quét. Để vậy gay mắt. Thét rồi chán ngán, tao bỏ luôn, quét dọn chỉ hoài công. Quét bữa nay, vài bữa họ lại xả nữa. Ngặt nó gần cạnh quán tao quá, nó nhởn nhơ trước mặt. Giận nói là bỏ nhưng bỏ không đành. Quyền lực đã suy đồi. Hết thuốc chữa. Thầy chạy rồi!

Có tiếng trong đám trẻ vừa trịnh trọng, vừa ướm hơi:

- Thôi, bà Tư xung phong đứng ra cổ động vét lại ao mình đi. Bà có uy trong xóm mình lắm mà! Bà nhận lời chắc chắn bà con mình sẽ nhiệt liệt nhiệt liệt hoan hô bà đó!Bà Tư dẩy nẩy:

- Uy cái con khỉ gì? Tao thuộc hàng dốt nát, chữ nghĩa không đầy lá me lá mít, lại bún thiêu, trói gà không chặt. Bộ tụi bây giỡn chơi à? Hại tao sao? Thiếu gì người có tài có đức. Xóm mình không hiếm đâu. Đừng có xúi quẻ, xúi dại, tao làm việc ruồi bu không giống ai. Thiên hạ mỉa mai xầm xì cười tao. Thôi. Để tao yên thân yên phận tuổi già.

***

Mấy tháng sau, câu chuyện đùa vui ý nhị đó đã thành sự thật. Bà Tư Quán tích cực dấn thân, vận động bà con xa gần lớn nhỏ trong xóm cùng nhau tham gia vét lại ao nhà. Bà đến từng nhà một, giáp mặt từng người, trình bày kêu gọi kẻ góp công người góp của, đốc thúc thực hiện sớm. Đến đúng kỳ hẹn, người ta thấy gần như đông đủ bà con hăng hái tham gia. Họ chia làm nhiều nhóm. Kẻ tát nước. Người dưới ao. Đàn bà con gái, những người yếu đuối đứng cách khoảng vừa tầm tay nhau, làm thành những hàng dài từ dưới đáy lên tận bờ ao chuyền đất. Nhà nào cũng có người đại diện. Cả đám thằng Heo, thằng Xê gọi nhau í ới, vui vẻ tham dự. Chúng sẵn dịp vọc đất thả giàn. Mới xọt xẹt chưa ra hồn, mình mẫy chúng đều lem luốc, sình đất đen ngòm. Thỉnh thoảng có đứa lún sình kêu la rùm trời rùm đất. Cái gốc trâm, lùm buội um tùm, gai dứa chơm chởm hồi sáng thấy phát ghê vừa được phác sạch. Mấy đứa nhỏ gom chà nhánh, quét dọn rác rưởi đem đốt cạnh bờ ao, khói lên cuồn cuộn đen ngòm. Tàn lửa bay ngổn ngang trong không gian bao la vô tận. Chúng tỏ ra sung sướng với công tác được người lớn lần đầu tiên chính thức giao phó cho. Trưa hôm ấy, bà Tư Quán đã chu đáo đặt cộc mượn trước một vài bà còn khoẻ trong xóm, đang rảnh tay rảnh chưn để gánh mấy tấm đệm bàng to, loại đệm dùng phơi lúa cuốn tròn treo lủng lẳng ở các giàn lẫm trại. Họ đem trải rộng chung quanh gốc trâm chờ đợi phái đoàn vét ao lên ăn trưa. Bà Tư tỉ mỉ sắp xếp không thiếu sót mảy may gì cả. Chả sao bà không hổ thẹn với biệt danh bà Tư Lãnh Tụ được bà con phong cho từ ngày bà đứng ra hô hào phát động chiến dịch vét ao nhà. Nhiều lần bà nói:

- Gấp rút quá. Năm tàn tháng lụn, Tết nhứt, nhưng thôi làm quách cho rồi. Chờ sau Tết phải dời ra ngoài ngày. Thời đại mới nhưng bà con mình ở đây có người chưa theo kịp. Dĩ hòa vi quý. Tao cũng tôn trọng phong tục xưa, định chờ qua động đất, kẻo sau này có bà con đổ thừa, tao chịu trời không thấu. Bà đắn đo:

- Tham khảo ý kiến, thật vô cùng rắc rối. Người thì bảo qua mùng mười khởi hành, người lại nói phải qua rằm mới được. Ông Chủ Đầu Cầu còn khăng khăng phải ra giêng, ngoài ngày. Vì đây là chuyện trọng đại lớn lao chớ không phải như động dao động thớt thường tình trong gia đình đâu.

Bà lại tiếp:

- Bây thấy chưa? Nhức đầu lắm. Mỗi người mỗi ý. Vạn người vạn ý. Rốt cuộc tao định phức trước Tết cho xong chuyện, chấm dứt lời ra tiếng vào, bàn tán quanh co mãi không đi tới đâu. Mà sẵn dịp để cái ao xóm mình xinh đẹp bảnh bao đón Xuân ăn Tết luôn thể.

Đệm trải dưới gốc trâm cũng vừa xong. Gió đồng cuốn bay tung toé. Bà Tư hò hét lấy mấy thúng cơm nếp dằn lên bốn góc. Bữa cơm trưa hôm nay đông đảo quá, chưa từng thấy nhưng rất ư đạm bạc, gồm vỏn vẹn cơm nếp muối đậu. Cơm nếp chắc bụng, muối đậu mặn mòi chịu đựng mới nổi một ngày làm đất nặng nhọc. Bà con đã quen thức ăn truyền thống này ngày mùa nhưng từ hôm nắng ráo đến nay, bặt lâu ngày, nay ăn cũng ngon miệng. Trong khi mọi người đang quây quần chen chúc nhau ăn, cười nói không ngớt, bỗng có tiếng bà Tư oang oảng:

- Mẹ họ... Mấy thằng ôn hoàng. Hai cái rá bánh ít trần và mấy phong kẹo đậu phọng bánh phồng tao dành để đãi người lớn khổ cực. Nảy giờ tao tìm đỏ con mắt không thấy. Đứa nào moi ra đây? Ăn hổn ăn ẩu, không còn bao nhiêu cái. Lại cũng tụi bầy trẻ chằn tinh gấu ngựa nữa. Toàn là đồ mỏ hò mỏ ó, lòng tong cá chốt. Không biết kính trước nhường sau gì cả. Còn giả vờ ím thính im ỉm nữa!

Thằng Xê ngậm một búng đầy họng, phồng hai má, ú a ú ớ lơ lớ:

- Bánh ít trần kẹp với kẹo đậu phọng ngon quá bà Tư ơi. Từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ mới được bà Tư đãi. Không ăn cũng uổng. Cám ơn, cám ơn bà Tư nhé.

Nói rồi nó chôm thêm một cái bánh và miếng kẹo nữa, chạy thụt mạng thẳng ra ruộng. Mấy đứa trẻ khác bắt chước nó chạy lúp xúp theo sau tận đầu gò hoang. Mọi người cười rần lên, ngước mắt nhìn theo chúng :

- Thây nó chị Tư ơi! Con nít con nôi. Tụi nó thèm thuồng. Nhớ hồi tôi còn nhỏ cũng vậy. Má tôi đi dọn giỗ. Tôi đi theo tò tò. Thấy mấy bà rỉa cua hay cuốn bì cuốn thèm chảy nước miếng mà mấy bà ác lắm. Đâu có ai cho ăn. Sau này lớn lên, thèm khát gì, người ta cứ mời mọc ép nài. Thây tụi nó. Coi vậy chớ có tụi nó mới rậm đám, mới vui.

- “Chời, chời”! Ai như ông Bảy kia kìa. Hình như ổng còn kè kè hai chai “dượu” bên nách nữa.

- Đúng ổng “dồi” chớ ai.

- Bộ ổng định thuốc mình sao? Công việc còn đăng đăng đê đê, đầy đàng đầy đống làm trối chết chưa chắc đã nhòn. Mơi giờ có thấy vực được bao nhiêu đâu. Thấm tháp gì mới chỉ được một buổi. Không khéo, cứ trì hưởn nhậu nhẹt tới tối chưa xong.

- Bữa nay trời tốt. Ông trời ổng hầm hừ hâm dọa như vậy từ tang tảng sáng nhưng bây giờ trống chưn rồi. Trời mát làm tới chừng nào xong mới nghỉ nghe bà con.

- Ai nói như vậy đó. Bằng thừa. Không làm dứt sao được? Ngày mai nước mạch lên lai láng, quân ngũ nào tát cho cạn để vét?

- Mà tôi cá. Mười ăn một. Mặt trời lặn là xong ngay.

Lời qua tiếng lại của bà con chưa dứt đã thấy ông Bảy Sô lất la lất lửng đến sát bờ ao rồi. Mọi người mừng rỡ thân mật chào đùa ông Bảy vì biết ông mới trưa mà đã ngà ngà trong khi ông Bảy Sô lập bập từng tiếng một:

- Tao mang cho tụi bây hai lít bọt ngọt dịu. Tao với bà Bảy tụi bây vừa ý lắm. Mới pha còn ấm hiểm đây này.

- Chiều còn làm nữa ông Bảy ơi. Bộ ông hại tụi này sao?

- Ậy mà! Thấm giọng mỗi đứa một chút cho ấm bụng, dầm dưới ao đỡ lạnh. Tụi bây đâu phải đàn bà con gái nheo nhẻo đâu, hễ thấy rượu là sợ. Dầu hèn cũng thể chớ. Nát vỏ cũng còn bờ tre mà!

Ông Bảy chìa ra hai cái tô con rồng ngã màu xam xám do chất dơ lâu năm khắn chặt, miệng tô sờn mẻ nhiều nơi. Ông khụm nụm rót rượu ra tô. Xong, đích thân ông đi đến nơi này nơi kia chuyền cho mọi người cùng nhấm, mỗi người một chút thôi.

- “Chời, chời”! Bộ nhậu khan như vầy sao ông Bảy?

- Bây lo gì mà nhắc nhở đòi hỏi. Chiều nay vét ao xong, tao mời hết bà con lại nhà tao ăn mừng xóm mình có cái ao mới. Cho có vẻ trịnh trọng hơn. Bà Bảy bây sáng giờ cùng với thím Hai Xệ làm cả chục gà mái dầu, con nào con nấy ăn hèm mập lút, mở sa vàng hườm, mỗi con cả bụm tay người lớn.

- Ông Bảy chịu chơi quá.

- Chịu chơi cái giống gì? Phải việc là làm tới, làm mút chỉ luôn. Tụi bây cũng biết, tao giàu có hơn ai ở xóm này, nhưng như tao vừa nói, dù hèn cũng thể, dù bể cũng kêu cành cạch mà. Tao mời hết nhé. Lớn nhỏ mời ráo nạo. Ai cũng có công hết.

- Ông Bảy không mời thời thôi. Ông có lòng mời thì tụi này đâu đứa nào dám phụ lòng ông. Nhứt định sẽ đến đông đủ.

- Hồi sáng tao bơi ghe qua Phước Tỉnh mang lúa đổi cả chục quảo bún rồi. Nhưng tao khoái là thỉnh được thím Hai qua giúp bà Bảy tụi bây một tay đắc lực. Vì là chuyện chung, công ích nên thím Hai không từ chối. Như vậy hai bà đã xí xóa mọi hiềm khích bấy nay.

Ông tỏ ra phấn chấn:

- Ở sát bên hè mà ngày ngày cứ hườm nguýt, trâu trắng trâu đen, thậm chí còn chưởi bới bông lông nữa, chòm xóm nghe được họ chê cười. Hai bà mới đó xem ra tương đắc lắm. Nhân tiện đãi tụi bây, tao ăn mừng luôn sự hòa thuận tác hợp đó.

Ông lại chậm rãi trình bày thêm:

- Thím Hai chẳng những giúp công còn mang bột giáo trùng nắn bánh cụt bánh hòn, nạo dừa khô thắn “lòng lanh, bồng con” nữa. Giờ nầy hai bà mãi lo chuẩn bị nấu nướng đâu có hột nào trong bụng. Tao bỏ đó đi đây.

- Nhưng chỗ đâu chứa hết đám lâu la này ông Bảy?

Bà Tư Quán quát lên:

- Tụi bây lộn xộn quá. Khéo lo mà ốm. Chuyện của chủ nhà để chủ nhà người ta lo. Ai có phận sự nấy. Ông Bảy là người có trách nhiệm cao. Ổng trông như vậy chớ thật ra không phải như vậy đâu.

Đằng hắng đôi ba cái, ông Bảy lấy giọng giải thích:

- Thì người lớn ở nhà trên. Đàn bà con gái ở nhà sau. Đám cò ke lục chốt ở chòi củi. Tao đã quét dọn chòi củi từ sáng hôm qua sợ bữa nay một mình làm không xuể. Cứ trải đệm ra là tụi nhỏ chúng nó vui rồi.

- Thời nay bình quyền bình đẳng sao ông Bảy còn phân cách vậy?

- É! Ai nói đó? Bình quyền bình đẳng là một việc nhưng phải có người lớn kẻ nhỏ chớ. Đâu ra đấy. Thêm nữa, bây không nhớ câu: “Thương người uống rượu mà hận kẻ phá mồi” sao? Mới rồi đi đàng xa tao chả nghe văng vẳng tiếng chị Tư quát tháo về mấy rá bánh ít trần, kẹo đậu phọng à?

Tiếng người cười rân lên như ong vỡ tổ.

- Phải đó ông Bảy.

Ông Bảy được trớn, đứng phắc dậy nói tiếp:

- Có được dịp bà con đông đủ như vầy hiếm hoi lắm. Quý biết dường nào.

- Đúng vậy. Nhưng hình như thiếu...

- Ai nói như vậy đó?

Bà Tư Quán nảy giờ lăng xăng đơm cơm nếp cho từng người cùng với mấy cô gái trẻ gánh nước ao mỗi buổi chiều khi mặt trời phụp xuống, buông lời ấm ức:

- Biết rồi! Đứa nào nhắc tới đó làm tao nóng mặt.

Ông Bảy hỏi:

- Giống gì vậy chị Tư?

- Tánh tôi rất phân minh, thích nói huỵch tẹt. Trắng ra trắng, đen ra đen, chớ không ỡm ờ, lập là lập lững, nửa nạc nửa mỡ. Thì tụi nó nhắc đến gia đình ông Hương quản Nghé chớ ai vào đây. Tụi nó không nói đích danh. Nhưng ngửi hơi, tôi thừa biết. Cửa nẻo nhà ổng đóng kín im ỉm, ngoài ngõ còn rắp chà tre mấy lớp, anh không thấy sao?

Có người nói:

- Hồi xưa, ổng rộng rãi quá mà. Mỗi lần cúng Kỳ Yên ở đình, ổng cúng heo quay, đãi ăn đãi uống linh đình...

Bà Tư cãi lại:

- Nữa...!.... Mẹ! Ổng cúng đình để mua chuộc người khuất mặt khuất mày, sợ tội lỗi chớ bây giờ đình mình sập rồi, từ bữa đụng độ năm ngoái. Đến nay có ai dòm ngó quan tâm để ý tới. Bây giờ ổng đã bám rễ chắc nẹo ở Gò Đen, an ninh đảm bảo, sống tà tà, có màng đâu đến cái xóm Phú Thứ quê mùa hẻo lánh này nữa hòng đóng với góp. Đôi mắt bà bỗng dàu dàu:- Mà đóng góp làm gì? Ban ngày ruồng bố, ban đêm khủng bố, một cổ hai tròng. Thét rồi xóm mình tả tơi xơ xác. Bây không thấy sao? Chập tối đỏ đèn, cửa nẻo nhà ai cũng kín mít. Mọi người đều rút vào nhà tử thủ. Tụi bây nhắc cho mắc công.

- Cháu thấy thỉnh thoảng ổng có về. Sáng hôm qua tôi có thấy mà!

- Ấy! Về là để táo vét cây ngon trái ngọt trong vườn, vét được thứ nào hay thứ nấy. Vét để sống phè phởn ngoài ấy. Tụi bây vẫn ngây thơ cục mịt. Làm như ổng còn thương còn nhớ, bỏ không đứt bức không rời xóm mình à?... Mẹ họ! Thôi bỏ qua đi bây ơi. Tao chán ngấy. Tao đã già hai thứ tóc rồi.

- À há! Êm êm chắc ổng sẽ về. Mà biết chừng ổng sẽ khai thác cái ao này bằng máy bơm để tưới vườn nữa. Tụi mình bất quá mỗi ngày gánh vài đôi nước để uống là cùng.

Bà Tư Quán bỗng lồng lộn lên:

- ... Mẹ! Sao tao ghét cái lối sống chàn hảng chê hê đó quá. Chỉ biết mình, không nghĩ đến thiên hạ, bà con chung quanh. Bây nói phải đó. Êm xuôi mới về hẳn chớ bây giờ đi đi về về để thăm bẫy. Mà lạng quạng không khéo mấy thằng Việt Minh Cộng sản mù quáng, dốt đặc cán mai, gán cho tội làm gián điệp, mổ bụng dồn trấu, trói thúc ké cho đi mò tôm mà coi. Tao ăn hiền ở lành, trực tính nói như vậy chớ không phải kêu rêu trù ẻo ổng đâu. Riêng tao thì tao sinh đẻ ở đây, lớn lên sống ở đây mà chết nhứt quyết cũng chết ở cái chéo đất này...

Rồi bà ngừng một chút ra chiều đâm chiêu suy nghĩ:

- Tụi bây đâu có biết. Cái ao xóm mình nó sạt lở, nó cạn bao nhiêu lần rồi chớ bộ mới lần thứ nhứt sao? Hồi tao khoảng đâu mười bảy mười tám gì đó, tao tham gia vét một lần lúc thực dân Pháp còn thế lực. Đến khi Nhựt Bổn tràn qua xâm chiếm đánh nhau với Đồng Minh, bom nổ ầm ầm, ban đêm súng bắn đạn lửa tua tủa như pháo bông ngày Tết đan quyện sáng rực trời, tao lại đóng góp vét lần nữa. Bây giờ là lần thứ ba chớ phải chơi sao. Tao chắc cũng là lần chót trong đời vì tao đã gần đất xa trời rồi. Tao cũng chán ngán trò đời nên ước ao sớm được về với ông bà tổ tiên, an phận ấm cúng hơn.

Tiếng thằng Xê lảnh lót:

- Bà Tư ơi! Bà đừng có lo. Mười lăm, hai mươi năm nữa, nếu ao mình có lở có sạt, chừng đó còn có tụi tui.

Mấy đứa nhỏ ào ào lên:

- Xê ơi! Tụi tao không bỏ mầy đâu.

Thằng Heo đứng cạnh bà Tư Quán, khều nhẹ tay má nó:

- Má à! Thằng Xê định làm lãnh tụ thay thế má ở xóm này đó. Thôi má cho nó làm lãnh tụ... hàm ngay bây giờ đi.

Đoàn người cười ầm:

- Phải! Phải đó chị Tư...

***

Chiều nghiêng. Mặt trời đỏ choét tròn xoe vẫn còn mắc lửng như trồng ở chân trời và cái ao vừa vét xong, sâu, sâu lắm. Bờ ao được mấy đứa nhóc con, lũ thằng Heo thằng Xê gia công bo láng, trông đẹp mắt. Sau khi ngắm nghía kết quả mỹ mãn một ngày công ích để đời, đoàn người bắt đầu tẻ xuống bờ mẫu. Quần áo họ lem luốc, hăn hắc mùi bùn non xà xịn nhưng vốn đã quen hơi nên không đến đỗi khó chịu.Thỉnh thoảng họ dừng chân, ngoái nhìn từ xa hình ảnh toàn bộ cái ao mới vét của mình. Rồi sau đó họ trao đổi với nhau vài câu thân mật, đôi lời phê bình phơn phớt nhẹ nhàng để cùng nhau cười vang đắc ý. Họ đã lần lượt, kẻ trước người sau tách rời xa nhau trên những đường mòn ngoằn ngoèo dẫn vào thôn ấp nhưng không quên nói vói theo. Họ vẫy tay hứa hẹn tối nay thế nào cũng phải có mặt ở nhà ông bà Bảy Sô. Đã hứa, phải giữ lời, không thể vắng mặt được. Đứa nào hoặc vô tình hay cố ý xé lẻ không đi, ông Thần đình Phú Thứ sẽ vặn lọi cổ nó. Tuy đình đã sập từ lâu nhưng ổng còn đâu đấy, linh thiêng lắm.

Riêng bà Tư Quán vẫn lui cui thu dọn đệm, chiếu, tìm mấy cái rá để lăn lóc mỗi nơi một cái. Xong, bà phân công các cô gánh về hoàn trả chủ cũ. Bà rời ao sau cùng như còn quấn quít, quyến luyến không khí chung lưng đâu cật của xóm bà lúc cần thiết hữu sự. Bà cũng sung sướng xúc động từ nay ao nhà đẹp đẽ, trong trẻo, tinh khiết như thuở xa xưa mới đào lần thứ nhứt lúc bà ở tuổi thanh xuân mơ mộng. Bà thở phào lâng lâng khoan khoái. Chân bước nhanh hướng về phía quán đã bắt đầu lên đèn le lói. Lòng bà rộn rả vì tai bà hãy còn nghe vang dội rõ ràng trong hoàng hôn hấp hối, lời nói bộc trực của thằng Xê:

- Mười lăm, hai mươi năm tới, nếu ao xóm mình sạt nữa, chừng đó sẽ có tụi tui.