7. Văng vẳng tiếng chuông

Hằng ngày thằng Mười mang cặp bàng đi ngang trước nhà ông bà tôi để đến trường, gồm vỏn vẹn hai lớp đồng ấu và dự bị. Trường làng tôi là trường nhà nước nên xây cất khang trang, thềm gạch cao ráo với mái ngói đỏ au. Tường vôi màu chu quanh năm được giữ gìn kỹ lưỡng sạch sẽ, không hề vấy bẩn. Sĩ số học trò không đủ cho hai lớp do nơi hẻo lánh đèo heo, dân cư lèo tèo thưa thớt. Thôn ấp lại cách xa nhau mút chỉ cà tha, mù mù tăm tăm trong tầm nhìn, nhứt là vào lúc tang tảng sáng hay chập tối đỏ đèn. Người ta phân biệt những thôn ấp đó qua lũy tre ngất nghểu rậm rì và những rặng cây xanh sẫm giữa một vùng sông nước ruộng đồng mênh mông bát ngát. Việc di chuyển qua hai mùa nắng mưa vốn khó khăn trắc trở đã đành, nhưng đến mùa mưa nước nổi tràn dâng, bờ mẫu bị phá vỡ. Nhiều đoạn bứt mất cả mươi thướt hơn. Học trò vắng mặt quá nửa. Thầy giáo gộp hai lớp làm một, khởi dạy rất sớm, thể theo lời thỉnh nguyện của phụ huynh học sinh. Họ ước muốn con em mãn giờ học sớm, lúc trời hãy còn trong sáng, dù ánh sáng yếu ớt muộn màn nhưng cũng còn đủ thì giờ để chúng phụ giúp cha mẹ trong công việc đồng áng đăng đăng đê đê, làm không ngớt tay. Do vậy, cứ tưng bửng hừng đông, theo chân mấy bà mấy cô đi chợ sớm, thằng Mười lủi thủi đi ngang nhà ông bà tôi. Trong khi ấy, tôi vẫn lục đục thần thừ, loay hoay trên bộ ván ngựa bên chái nhà nằm nướn.

Thầy tôi, ông Thầy Huế có thói quen khởi dạy rất trễ. Ông không bị gò bó bởi giờ giấc chính thức bắt buộc của Ty Giáo dục tỉnh, do thầy dạy kèm vài con em những nơi thân tình hoặc những chỗ ơn nghĩa trong xóm. Đôi khi có bà con lối xóm đến chơi, trà nước trò chuyện dây dưa, mãi đến khi khách ra về, thầy mới bắt đầu lên lớp. Thầy giảng dạy không bao lâu thì đến giờ nghỉ trưa. Buổi chiều, lúc tan trường, mặt trời vẫn còn lủng lẳng trên không trung, chúng tôi thừa mứa thì giờ rong chơi phá phách đầu thôn cuối xóm. Giờ này, thằng Mười la cà chạy giỡn với đám trẻ lục lăn lục lữa, thuộc hàng ó đâm chúng tôi, đến chạng vạng sẫm tối vẫn chưa chịu về chùa. Có lẽ đó là giờ khắc tự do của nó, hăm hở mừng vui được thoát khỏi sự dòm ngó trông chừng của bề trên. Lúc ấy, chúng tôi không ngớt hát vang vang làm náo động cả thôn xóm, nhại theo bản nhạc đâu đó đã thâm nhập vào lòng không biết từ lúc nào:

“Năm giờ rồi mà trống chưa tan
Xin thầy về dùng chén cơm rang...
Đỡ buồn!”


Chúng tôi thường gặp nhau trên bờ đê, ở Gò Bướm, Gò Vua hoặc ở quán bà Tư Trầu. Nơi này bày bán bánh kẹo và trái cây được trình bày tiêm tất trong hàng chai keo đậy nắp kín mít hoặc treo lòng thòng lủng lẳng trước cửa quán. Những thứ tạp nhạp màu sắc khêu gợi đó có ma lực lôi cuốn quyến rủ sự thèm thuồng của chúng tôi mỗi khi đi ngang quán.

Thằng Mười là một chú tiểu non chèo trong chùa làng, mặt búng hãy còn ra sữa. Nó thuộc hàng trang lứa với chúng tôi, suýt soát chừng một hai tuổi là cùng hoặc leo qua vài tháng chớ không thể hơn. Thoát trông nó có vẻ cứng cạy hơn chúng tôi chút đỉnh, nhưng đạo mạo chửng chạc và hiền như bụt. Quả nó đúng là con nhà Phật, xuất thân từ chốn tu hành. Đầu cạo láng o, lên nước bóng lưởng. Những hôm mới cạo, đầu nó óng ánhtheo ánh sáng mặt trời ban mai chĩa thẳng vào. Chúng tôi hay cắc cớ, len lén núp sau lưng, thình lình vò đầu nó mát lạnh. Nó luôn luôn mặc bộ đồ bà ba màu nâu sậm, hơi bạt màu, có lẽ do đã được dùng lâu ngày. Ít ra cũng năm ba năm trở lên. Nhiều khi hai vạt áo nâu nâu của nó lên nước vàng chạch do ngấm nước phèn. Chỉ một kiểu áo quần duy nhứt đó cho suốt niên học. Trong khi lũ chúng tôi thích ăn diện, thường thay đổi luôn. Tuy trang phục không đến đỗi sặc sỡ kiểu cách quá đà, nhưng cũng đa dạng, dễ ngắm nhìn, nhứt là vừa vặn sạch sẽ. Quần áo thằng Mười khác hẳn, rộng thùng thình. Chúng tôi thường chọc quê bảo nó mặc đồ khính. Các bà có thiện duyên đến chùa làm công quả, phòng xa may trừ hao. Ngặc một nỗi là các bà đa phần đều trong thời ướm rụng, không nhớ hoặc không biết rõ tuổi thật của nó. Các bà chỉ áng chừng rồi định bụng chắc nó sẽ nhổ giò chóng lớn như thổi. Nó sẽ mặc không kịp, phải phạc bỏ sau đó làm tốn hao vải vóc. Xa xí của thập phương. Nhà chùa lại eo hẹp, đạo hữu hiếm hoi, hơn nữa người cúng dường có ngần. Có hôm, cái quần nâu chàm của nó dài thậm thượt. Trông chẳng giống của ai cả. Sợi dây lưng quần trắng bạch được cột tréo vòng trên cổ nó mới đủ sức giữ quần không trật xệ xuống dưới. Ấy thế, thỉnh thoảng nó lấy hai tay nắm chặt lưng quần kéo xốc lên phía trên để hai lai quần không chấm đất. Còn nói gì cái áo nó mặc hằng ngày. Rộng phùng phình bình rĩnh. Mỗi lần chạy giỡn vướng bận nên lúc nào cũng thấy nó cột hai vạt áo đâu vào nhau phía trước bụng, độn phồng thành một cục to. Trông nó rất buồn cười, có một không hai trong xóm. Nhưng nó vốn chân quê mộc mạc không hề để ý gì cả.

Thằng Mười rất vui vẻ. Tánh tình dung dị hồn nhiên. Miệng nó luôn luôn nở nụ cười cởi mở dễ mến, để lộ hai hàm răng hột dưa đều đặn khít khao, trông có duyên quá cỡ. Ít khi thấy nó phật lòng nổi cáo. Nó lại nói tiếng quê mùa, giọng chơn chất. Nó không phân biệt được những nguyên âm chánh, nhưng không biết sao ngần ấy sai phạm trong ngôn ngữ lại có sức thôi miên níu kéo, quyến rủ chúng tôi. Do mặc cái quần xề xệ rộng thùng thình, chấm hơn mắc cá cả trượng ấy nên lũ chúng tôi đeo theo, bám nó như sam để chọc ghẹo phá phách. Rồi không biết mắc mớ gì mà chúng tôi đâm ra cố tình, đôi khi ác ý gọi “thằng Mười Thầy Chùa”, “thằng Mười tu hú” còn phát biểu những câu khiếm nhã mất dạy: “Thầy chùa lùa con gái, con gái...”. Nói nào cho ngay, nó không giận không hờn, không hề nổi nóng phản ứng trách móc, không hề có thái độ chống chế, dù một lời bực dọc nhỏ nhẹ, một cử chỉ bất bình kín đáo. Bất quá nó làm thinh im lặng như để chứng tỏ không mấy vui trong lòng. Nhiều bữa, chúng tôi bu quanh phá nó tơi bời hoa lá. Nó cố gắng bức ra khỏi vòng vây, đâm đầu chạy thoát thân ra phía ngoài. Nó tạt vào quán lá Bà Tư để tránh né. Luôn tiện, nó mua bánh kẹo, trái cây hoặc nhang đèn hay tương chao, trà lá cho sư cụ.

Quán của bà Tư Trầu vừa vặn chái hiên nhà trước, bày biện lèo tèo nhưng cũng vui nhộn lắm do nằm trên trục lộ đất đen xì, nơi “ông đi qua bà đi lại” không ngớt. Bà Tư thương mến nó còn quá trẻ, sớm chọn nghiệp tu hành khổ hạnh. Bà thường cho nó ăn những món ở nhà chùa hiếm hoi hoặc không hề có. Còn nhỏ tuổi, thiếu thốn khát khao, nó thèm thuồng là việc đương nhiên dễ hiểu như nắng mưa đêm ngày, như sông rạch chia năm xẻ bảy, tách nhánh rẽ dòng. Hơn nữa, với lứa tuổi trẻ măng, ăn

chưa no lo chưa tới, nó đâu có ý thức rõ rệt về vấn đề chay lạt. Chúng tôi tinh nghịch lắm, cứ đeo theo la ó bảo thằng Mười phá giới, thằng Mười nhảy rào... Chúng tôi hăm he sẽ đến mét sư cụ khiến bà Tư Trầu chồm nhỏm lên nhanh như trở bàn tay, xán lại kẹt vách, chộp lấy cây chổi chà tàu dừa tàu cau rượt đuổi chúng tôi như đuổi tà đuổi ma không bằng. Bà còn la lối cấm tiệt chúng tôi không được phá nó nữa. Chúng tôi như ong vỡ ổ, tranh nhau chạy có cờ, chạy thụt mạng toé khói.

Thằng Mười con của bác Bảy Rô, nhà nghèo lắm. Bác đến xóm tôi cũng mới đây, tròn trèm năm bảy năm, cùng lắm là mười năm thôi. Bác chuyên sinh sống qua ngày với nghề làm thuê làm mướn từng ngày từng bữa. Ai mướn làm gì bác cũng làm, không bao giờ từ nan. Nhưng tựu trung vẫn những việc ruộng nương vườn liếp như phác rừng phá trảng, đánh rễ cây, be bờ bao ngạn, đắp đê ngăn nước mặn, tác mương tác đìa... Nghe đâu quê quán bác ở tận miệt các tỉnh miền Đông đất đỏ, vất vả quanh năm, rốt cuộc đến hạn kỳ không đủ tiền đóng giấy thuế thân. Loại thuế này đánh vào người dân từ mười tám đến sáu mươi tuổi, có bổn phận tuân hành râm rấp, đóng cho nhà nước thuộc địa. Thật oái oăm đau lòng! Con dân Việt Nam, sinh sống trên đất nước Việt Nam, phải đóng cho ngoại bang một thứ thuế về chính bản thân mình để có quyền sống trên mảnh đất thân yêu của ông bà cha mẹ từng dầy công vung bồi, xây dựng qua nhiều thế hệ tiếp nối. Bị làng xã thúc giục truy lùn, bác đành bỏ nhà bỏ cửa, khăn gói lén vào đây trốn lánh, mai danh ẩn tích. Cũng may vùng đất khỉ ho cò gáy này có một truyền thống bất di bất dịch, luôn luôn cưu mang che chở những người bất hạnh, sẫy chân lỡ bước. Hơn nữa, nơi vùng đất khẩn hoang, nhân công khan hiếm, bác tìm được việc làm ngay không khó. Bác đắp đổi qua ngày trong vòng tay đùm bọc của bà con cô bác thiện tâm, giốc lòng nâng đỡ đùm bọc. Dù vậy, bác cũng không lo nổi việc chăm sóc dưỡng nuôi cùng chi phí ăn học của thằng Mười. Một miệng ăn ở tuổi nhổ giò. Do đó, bác quyết định ký gởi nó rất sớm cho sư cụ để nó được trông nom dạy dỗ, hướng dẫn đàng hoàng trong tinh thần vị tha bác ái, lánh dữ làm lành. Biết đâu với thời gian thấm nhuần giáo lý nhà Phật, nó chẳng theo chân sư cụ chăm lo Phật sự chùa nhà sau này, một may sư cụ viên tịch về chốn Niết Bàn diệu viễn. Nhưng bây giờ thằng Mười trở thành chú tiểu nhỏ hếu với pháp danh Tâm Thành. Hằng ngày nó ra vào hủ hỉ với sư cụ, có hơi hám, có tiếng tăm. Do đó, ngôi chùa cổ nhứt vùng, từ dạo có mặt nó, cũng đỡ vắng vẻ lạnh tanh như thuở trước.

Chùa làng tôi cổ lắm. Mái ngói cũ kỹ, rong rêu đóng dầy cọm, xám sẫm ẩm ỉ. Chùa được xây cất lâu đời khoảng thế kỷ trước trên ngôi đất ven rạch, tiện lợi cho khách thập phương và bổn đạo đến viếng vào thời buổi vàng son thịnh hành của ghe xuồng, sông nước. Chung quanh, cây cối um tùm nối tiếp không đứt đoạn. Nhiều cây to xan xát hùng vĩ, tăng thêm vẻ mờ mờ ảo ảo của nơi tín ngưỡng thiêng liêng. Những con sóc dạng dĩ tha hồ trửng giỡn chạy nhảy, chuyền từ nhánh này sang nhánh khác. Chim chóc sớm chiều ríu ra ríu rít không thôi. Rồi những con tu hú thỉnh thoảng buông tiếng kêu như đánh thức cảnh tĩnh mịch làm cho sự huyền bí càng sâu lắng thêm. Ngoài vườn, có khi sát bên thềm chùa, rải rác nhiều tháp cao, lắm từng chất chồng với đỉnh chót vót chĩa thẳng lên không trung. Tháp xây bằng đá tảng, hoặc đá xanh hay đá ong trét bằng ô dước, lâu ngày cũng rêu phong ẩm ỉ, trùm phủ lóm đóm. Mấy liếp chuối bạt ngàn xanh nhạt với những quày dài cả thước tây, bao bọc những luống rau luống cà. Chiều chiều thằng Mười hè hụi xăng quần quá gối, vén tay áo đến cùi chỏ, tận lực xách nước ở giếng kế bên chùa. Thằng Mười giúp sư cụ tưới rất đắc lực để có rau xanh tự túc quanh năm. Mệt lả, mồ hôi lấm tấm nơi vầng trán, mặt nó đỏ bừng đáng thương làm sao!

Chùa nghèo! Có lẽ vì đất rộng người thưa, dân cư đa số đều là trai tráng lực lưỡng, tự tin nơi sức khoẻ hiện tại của mình, chưa mấy quan tâm nghĩ ngợi xa xôi về kiếp sau ra sao. Bổn đạo vốn lưa thưa lại ơ thờ. Không mấy người có khả năng bỏ tiền của, công sức sửa chữa trùng tu chùa đúng mức. Nền đất vẫn như thuở mới xây cả thế kỷ qua. Trừ chánh điện mới được lót gạch tàu đỏ au trong thời gian gần đây, nhờ sự cúng dường xứng đáng theo lời trối trăn ký thác của ông Chủ Tý. Lúc ông hấp hối rước sư cụ đến tụng kinh để linh hồn ông thanh thản ra đi, về nơi thiên thu bồng lai lạc cảnh. Vách ván chung quanh chùa đã có triệu chứng mục rã. Nhiều đường mối lộ thiên được sư cụ hì hục đôn đốc thằng Mười tận lực giẫy, còn để lại vết dài ngoằn ngoèo uốn éo trên mặt ván. Có nơi thằng Mười phết lên đường mối một lớp dầu chai ngăn chận mối tái phát.

Lũ chúng tôi có nhiều dịp đi ngang qua chùa. Cảnh sầm uất của ngôi chùa cổ âm u cô tịch vào lúc trưa đứng bóng người thưa hay chập tối làm cho chúng tôi khiếp sợ lấm lét. Không bao giờ chúng tôi có can đảm dám dừng lại nhìn thẳng bên trong. Có đứa còn nhát trong chùa có ma. Nào “ma lai rút ruột, ma cà ròng hút máu”, rồi thêu dệt bao nhiêu tình tiết rờn rợn toát mồ hôi, nên mỗi khi đi ngang, chúng tôi đâm đầu chạy, vượt qua thật mau. Những lúc đó, chúng tôi chỉ kịp liếc chéo thấy bên trong lố nhố nhiều tượng Phật lớn nhỏ, sơn son phết vàng lì câm, nhưng uy nghiêm bất động. Hằng năm, chúng tôi chỉ dám hó hé lấp lém đến chùa một lần duy nhứt mà thôi. Ngày ấy là rằm tháng bảy, ngày truyền thống xá tội vong nhân, ngày Đại lễ Vu lan, mùa báo hiếu của con cháu đối với cha mẹ ông bà. Dịp này, nhà chùa có tục “cúng thí”, nói theo ngôn từ bình dân chân quê đặc sệt. Thêm vào đó còn có cảnh xô giàn giựt giàn vui nhộn, chưa từng có trong năm. Do tích xưa Mục Liên Cứu Mẫu, biểu lộ lòng hiếu thảo trong sáng, mẫu mực của Người đối với bà mẹ nhiều tội lỗi, làm điều sai quấy lúc sanh tiền. Bà giải thoát được mẹ khỏi cảnh nhục hình trong chốn ngạ quỷ. Mỗi năm, con cháu đến chùa làm lễ Cầu Siêu hồi hướng công đức trời biển của thân nhân tứ thân phụ mẫu quá vảng. Đồng thời họ cũng cầu an cha mẹ tại tiền được mạnh khỏe, sống lâu trường thọ. Cũng dịp này, họ không quên cầu siêu những oan hồn uổng tử, những vong linh lang thang không nơi nương tựa, dật dờ trôi nổi ở thế gian. Họ nguyện cầu những “cô hồn tháng bảy” sớm siêu thoát vì là ngày xóa bỏ, tha thứ mọi tội lỗi của người chết. Tuy nghèo, nhà chùa vẫn cố gắng làm lễ khá trọng thể. Do phong cách và truyền thống tôn trọng bà con bá tánh.

Đúng ngọ. Từng đoàn người hò hẹn nhau, nhóm năm nhóm ba kéo theo dò dọc cả đám trẻ nít cười giỡn liếng thoáng, áo quần tiêm tất bảnh bao, lần lượt đổ về hướng chùa. Cảnh tấp nập này chưa từng thấy trong năm bao giờ. Họ nói cười vang rân, bốp chát ngoài sân chùa, câu nọ xọ câu kia không đầu đuôi chi cả. Tất cả mọi người đều chuẩn bị chu đáo từ nhiều ngày trước để tham dự cho bằng được “bữa cơm thí” do nhà chùa thết đãi. Không thể vắng mặt. Tuy là “cơm thí” nhưng sư cụ chăm lo vĩ vèo, sợ bổn đạo và bà con khó tánh cố chấp, xầm xì, xa gần chê trách. Món ăn chánh năm nào cũng vẫn là bún kèm với kiểm mà các bà làm công quả thi nhau khoe tài khéo léo. Các bà nêm nếm tới chữ, vừa miệng, nấu rất ngon với thổ sản tinh tuyền trong xóm như mướp hương, bí rợ, núm rơm, cái dừa tươi, nước cốt dừa. Hết mâm này liền theo mâm khác. Thỉnh thoảng, các bà còn ơi ới réo gọi, chuyền nhau rội thêm mãi. Bổn đạo đa số là nông dân lực lượng mặn mòi, ăn như tằm ăn lên, như xáng xúc không bằng. Liên tiếp như vậy đến xế trưa vẫn chưa dứt. Vì còn một số không ít khách “lỡ chuyến đò”, do họ ở những thôn ấp xa trong sâu hay bận làm “tối mắt tối mũi” cho dứt công việc đồng áng cấp bách.

Riêng đối với chúng tôi, đây là ngày đáng ghi nhớ trong đời. Chúng tôi khấp khởi hân hoan đến độ lúng túng vụng về buồn cười vì là lần đầu tiên được nâng lên hàng người lớn. Chúng tôi cũng bệ vệ ngồi bàn, cũng được phục vụ đãi đằn tiêm tế chưa từng thấy. Hôm ấy mới thấy cảnh chùa tưng bừng huyên náo nhưng vô cùng uy nghiêm thiêng liêng. Ngày thường, chúng tôi lúc nào cũng liếng thoáng phá phách, đùa giỡn không dứt. Nhưng lạ vô cùng, hôm nay bỗng nhiên chúng tôi tỏ ra điềm đạm, ít nói. Dù có nói cũng nhỏ nhẹ thì thầm trong tai vừa đủ nghe. Rõ ràng không khí trang nghiêm uy nghi đã thực sự có tác động hoán cải con người chúng tôi. Đèn nhang hừng hực nơi chánh điện. Khói hương nghi ngút lan tỏa, hòa quyện khắp nơi. Tượng Phật bóng ngời óng ánh do thằng Mười thận trọng, kính cẩn lau chùi cả tuần lễ, mười ngày trước. Tiếng nói cười chào hỏi, ới gọi nhau như bắp rang. Tiếng mõ cốc cốc trầm buồn nhịp nhàng theo giọng sư cụ tụng kinh Đại báo Phụ mẫu Trọng ân trong ấm, ngân nga bổng trầm trầm bổng êm tai.

Thằng Mười tỏ ra rất bận rộn. Bộ vó bên ngoài phụt phịt tưởng chừng như nó thuộc hàng làm biếng làm nhác chảy thây, nhưng chúng tôi đâu ngờ nó xóc vác mọi việc. Nó lăn xăn lít xít, không đứng yên được một chỗ, còn ngồi không đợi nóng đít. Dù sao, sau sư cụ, nó là vai chánh trong chùa. Nó khá thành thạo, quán xuyến trong ngoài không thua người lớn. Người này hỏi, người kia gọi nó không ngớt. Nhưng nó luôn quấn quít bên cạnh sư cụ. Nếu có phải vắng mặt đôi chút vì lý do này nọ, nó cũng lật đật đáo lại ngay, không để sư cụ trông ngóng tìm kiếm. Nó có bổn phận phụ giúp sư cụ trong giờ hành lễ. Trông nó rất điêu luyện thạo nghề. Chỉ cần một cử chỉ nhẹ nhàng, một cái nhìn trìu mến nhắc nhở, một cái khoát tay đồng lỏa của sư cụ hay chỉ nghe đến một đoạn kinh là nó biết ngay bổn phận phải làm. Hôm nay, nó đứng đắng hẳn, lại oai vệ lạ thường. Nó nghiêm nghị, gián cách chúng tôi. Dù nó có muốn gần gũi chúng tôi cũng không thể được. Ăn mặc vẫn một màu nâu sòng thường lệ nhưng mới mẻ xếp nếp như nó chỉ mặc lần đầu. Chúng tôi không hề thấy nó cười nói hồn nhiên thả giàn như những ngày đi học gặp nó trên bờ đê hay ở quán bà Tư Trầu, cũng biết cười giỡn, cũng liếng thoáng không thua kém lũ chúng tôi bao nhiêu. Riêng phần chúng tôi, trong hương khói thiêng liêng huyền ảo ấy, đâm ra khúm núm, khép nép thập thò giữa những người lớn phụng phịnh trong lớp áo quần bảnh bao, lộng lẫy sắc màu. Có người ngường ngượng vụng về, do bộ đồ mới mặc lần đầu tiên trong đời hoặc cả năm mới có dịp lấy ra mặc một đôi lần. Hồ keo còn dầy dục, đi tới đi lui nghe sột sạt khó chịu. Tuy nhiên, họ đều tỏ ra sùng đạo tối đa. Trong cử chỉ, trong lời ăn tiếng nói, họ tỏ ra rất mực cung kính Tam Bảo.

Thấy thằng Mười chợt ẩn chợt hiện đó đây, chúng tôi chẳng đứa nào dám lân la nấn ná cạnh bên nó. Bây giờ, nó là người lớn, có một vai trò quá ư quan trọng, xem như cột trụ trong ngày lễ nữa. Chúng tôi chỉ thỉnh thoảng rụt rè núp theo sau trong im lặng, xem nó kéo cái chày cây to lớn treo gọn trên giá, để dọng mạnh vào đại đồng chung nghe bưng tai, ngân nga xa xôi... Tiếng chuông ngân vang nhỏ dần nhỏ dần... tạo không khí tĩnh tại sâu lắng trong mỗi tâm hồn.

***

Năm lên tám, chín tuổi, tôi đang đi học chữ quốc ngữ ở nhà ông Thầy Huế thì ông bà tôi muốn gởi gấm tôi học thêm chữ nho ở chùa sư cụ. Ý ông bà tôi nghĩ rằng tôi đã lớn đại rồi, muốn tôi được trui rèn đạo lý Khổng Mạnh và giáo lý nhà Phật để sau này có cơ sở vững vàng cư xử, đối đãi phải trái ở đời. Sau lễ khai tâm với mâm trái cây ngon vừa chín mộng vừa hườm hườm, hái trong vườn nhà lúc tưng bửng sáng và mấy bó nhang đèn mua chiều hôm trước ở quán bà Tư Trầu, tất cả được trịnh trọng bày trên bàn Phật. Ông bà tôi cung kính lên nhang đèn xong, vái lẩm nhẩm trước bàn Phật. Tiếp theo, tôi lạy và xá Phật đúng như ông bà tôi đã làm trước đó vài phút. Rồi ông bà tôi hướng dẫn tôi đến xá xá sư cụ, cử chỉ nhìn nhận sư cụ là thầy. Vị trí của thầy quan trọng hơn người cha sinh ra tôi như lời nhắc nhở nhiều lần của ông tôi: “quân, sư, phụ”. Từ hôm đó, tôi gặp thằng Mười thường xuyên ở lớp học sau chùa cùng với đôi ba thằng bạn nhóc con trong xóm, con em bổn đạo. Trong khi chúng tôi còn e dè khép nép mài mực, o bế từng cái chấm, cái phẩy, sổ ngang sổ dọc thì thằng Mười tỏ ra trên chưn chúng tôi cả trượng. Nó đã lão thông bài bản, thuộc lòng các sách Nhất Thiên Tự, Tam Thiên Tự mà nó thường đọc và trả bài ngân nga từng đoạn theo vần điệu lục bát đặc thù dân tộc:

Thiên trời, địa đất, vân mây
Vũ mưa, phong gió, trú ngày, dạ đêm
Tinh sao, lộ móc, tường điềm
Hưu lành, khánh phúc, tăng thêm, đa nhiều...


Hoặc:

Thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn
Tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba
Gia nhà, quốc nước, tiền trước, hậu sau
Ngưu trâu, mã ngựa...


Nghe man mán đâu đây nó đang bắt đầu bước vào Ngũ Thiên Tự gì đó. Chí tình mà nói chúng tôi nghe như đàn khải tai trâu, đâu có biết ất giáp chi. Nhưng chỉ nghe nói như vậy thôi, chúng tôi cũng đã bái phục tài nó dài dài, thầm nghĩ cái bồ chữ nghĩa thánh hiền đầy bụng nó chắc to lớn lắm. Những lúc sư cụ vắng mặt, chúng tôi van lơn nhờ cậy thằng Mười nhắc lại những lời giảng nghĩa, giải thích trước đó của sư cụ mà chúng tôi đầu óc ngu ngơ u tối hoặc lơ đễnh lo ra chóng quên. Thằng Mười rất tốt bụng. Nó không nề hà câu nệ. Nó sẵn sàng chỉ dẫn chúng tôi có ngần có lớp. Và những lời chỉ dẫn chân tình với cử chỉ chăm lo thân ái, khuyến khích đôn đốc của nó in sâu vào trí nhớ chúng tôi. Quả “học thầy không tầy học bạn”. Thường nhứt, chúng tôi nhờ nó viết hộ vài chữ khó khăn hắc ám. Trông nó nhấn xuống đá lên dịu nhễu, chúng tôi tấm tắc khâm phục. Dù vậy, chúng tôi chưa đến đỗi phải hạ mình gọi nó hay tôn nó là thầy, vì trong người còn chút ít tự ái anh hùng rơm. Dù thế gian có câu: “học một chữ, một ngày cũng là thầy”. Nhưng có điều chắc chắn là sự chọc phá chế giễu chú tiểu này, thầy chùa nọ trước đây, bây giờ được chúng tôi mặc nhiên lùa xa trong lãng quên, nhường chỗ cho sự nể nang thầm phục.

Học với sư cụ cũng như với ông Thầy Huế không có những ràng buộc khắc khe về giờ giấc và nghi thức nơi trường ốc nhà nước. Sư cụ rất thương yêu chúng tôi, tỏ ra hết tình chỉ dẫn, giảng dạy chu đáo. Người thường nhắc tới nhắc lui không biết bao nhiêu lần theo đúng phương pháp dân gian: mưa dầm thấm lâu. Khi nào chúng tôi lỉnh hội đầy đủ và đúng mức, sư cụ mới an tâm. Thêm vào đó, còn có sự giúp đỡ tận lực của thằng Mười nên chúng tôi rất tự tin. Chúng tôi ham thích ganh đua trong vòng thân ái. Sư cụ những năm đó đã già hẳn nhưng trông còn sõi. Có lẽ người luôn luôn năng động nên khỏe mạnh so với tuổi đời. Vườn tược được chính tay người săn sóc sạch sẽ, cây trái trĩu cành thẳng hàng ngay lối. Hơn nữa, nhờ tương chao rau khoai đầy vồng đầy liếp, không bị độc tố phân phướng nhân tạo tác hại vào cơ thể và sức khoẻ chăng? Những hôm học giỏi và viết bài xong trước giờ, sư cụ cho chúng tôi ăn xôi với chuối. Chuối đủ loại, không thiếu gì trong vườn, ăn mệt nghĩ, không phải ái ngại đắn đo chi cả. Có những nãi, trái căn da vàng hườm trong bóng, sư cụ bảo thằng Mười nhanh chân bước tréo vào buồng trong nơ ra. Loại chuối cau ngon này được vú kỹ trong mấy khạp da bò. Còn nói gì gặp những hôm mưa gió sục sùi, kéo dài tầm tã lê thê cả ngày cả buổi, chúng tôi ở nán lại chùa quá giờ cơm trưa hoặc cơm chiều. Chúng tôi được sư cụ đãi những bữa chay thanh đạm. Phần đói bụng, phần lạ miệng, chúng tôi ăn ngon tắt thở.

Kỷ niệm khó quên những ngày gần gũi học hỏi ở chùa là được nghe sư cụ điềm đạm kể chuyện xưa tích cũ rất hấp dẫn lôi cuốn. Mỗi lần kể xong, sư cụ dẫn giải thêm về đạo lý giải thoát và thuật xử thế của người xưa, nhân đó lấy làm gương ở đời. Những lời khuyên bảo nhắc nhở, nhắn nhủ của người rất thực tế, dung dị dễ hiểu, ngăn ngắt tình người. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn nhớ hình dáng sư cụ, cung cách kể truyện của người, có đoạn trang nghiêm xúc động nhưng cũng có lúc hóm hỉnh trào lộng khiến cho chúng tôi đồng loạt bật cười chỏng gọng, nước mắt tuôn tràn không cách nào dằn được. Những câu chuyện sư cụ kể đến nay tôi còn nhớ vanh vách như mới ngày hôm qua. Mới hay ảnh hưởng của những chuyện xưa tích cũ, những chuyện kể dân gian xa hun hút thời lập quốc huyền bí hỗn man, sâu đậm biết dường nào. Tiếc thay một số không ít những chuyện ấy lại ít được truyền tụng đến các thế hệ sau này. Một mất mát, mai một đáng buồn! Vả lại, người kể truyện hiện nay quý hiếm lắm. Bối cảnh sinh sống cũng khác đi nhiều so với thời trước. Con người luôn luôn bị ám ảnh níu kéo bởi cuộc sống khó khăn bất ổn hằng ngày. Họ ít có thì giờ rổi rảnh thảnh thơi. Cho dù có thảnh thơi rổi rảnh, họ lại bị quyến rủ bởi những thú vui thời đại. Hơn nữa, kể truyện là một nghệ thuật. Kể truyện có những bí quyết riêng, kỷ thuật riêng mới đủ sức lôi cuốn người nghe. Và câu chuyện sẽ không lạt lẽo nhàm chán.

Lớp học chữ nho được đặt ở chái hiên sau nhà chùa, bốn bên có vách bổ kho đóng không được khít khao. Ngồi bên trong có thể nhìn rõ ràng bên ngoài. Chung quanh vắng vẻ, tịch mịch u trầm. Chúng tôi ngồi im thin thít, tập trung tối đa. Không biết sao mà nói hết lời vì sư cụ không hề rầy la quở phạt nhưng chỉ có sự hiện diện của người là đủ cho chúng tôi có thái độ kính trọng đó. Chúng tôi chỉ nghe tiếng nói trong ấm của sư cụ so với tuổi tác của người. Bình trà có hình bát tiên thuộc loại đồ cổ Trung Hoa đắc giá, thằng Mười vừa mới châm thêm nóng hổi. Mùi trà thơm phưn phức. Khói trà lan toả uể oải ở miệng bình rồi la đà tan biến hướng lên trần nhà. Sư cụ chẩm rải:

Ngày xưa, xưa lắm, không rõ vào thời đại nào, nơi vùng xa xôi nọ, có một ngôi chùa nhỏ, cũ kỹ rêu phong nhưng uy nghiêm linh diệu. Chùa được xây ven rừng. Cây cối cổ thụ vây quanh tăng thêm nét huyền bí như trong các truyện cổ thời, nơi các bậc hiền tầm thầy học đạo, tu luyện khổ hạnh. Trong chùa chỉ có sư cụ trụ trì với vỏn vẹn một chú tiểu phụ giúp Phật sự, nhang đèn mỗi tối, dọng chuông công phu theo giờ giấc, trồng trọt chay giới. Sư cụ tu học hồi còn trẻ, dày công thấm nhuần giáo lý nhà Phật. Không lâu sau, sư cụ đến trụ trì ở đây suốt mấy thập niên liền, rất được bổn đạo nể vì tôn kính. Bây giờ, sư cụ đã ngoài tuổi “thất thập cổ lai hi”. Hai trái tai dài như tai bồ tát, mắt sáng như gương, tướng đi vẫn nhanh lẹ, tham thiền siêng năng đều đặn. Tuổi thọ hẳn sẽ được kéo dài thêm nhiều năm nữa.

Cách chùa độ vài trăm thước có một lò rèn. Bác thợ rèn chuyên sản xuất những dụng cụ thông thường cho nông dân và tiều phu trong xóm trong làng. Đại khái như cuốc xẻng, dao mác, lưỡi cày lưỡi hái, búa rìu... Cách nhau vài trăm thước, không ngày nào bác thợ rèn không đến chùa trà nước, chuyện trò với sư cụ cho vui. Chẳng qua do nhu cầu tự nhiên của con người, sống hợp quần theo đoàn lũ ấm cúng, có ta có bà con, láng giềng chòm xóm chung quanh. Mối giao tế qua lại đó nhằm giúp đỡ nhau những khi hữu sự, những lúc trở gió trái mùa. Lâu ngày, giữa sư cụ và bác thợ rèn có mối dây lân bang khắn khít chân thành. Bác thợ rèn hiền lành, thật thà chơn chất nên trong thôn ấp ai ai cũng mến thương. Hằng ngày, bác chí thú làm lụng không ngừng nghỉ. Tiền thù lao, bác ấn định vừa vừa phải phải, qua lương tâm và mối giao tình. Đối với những bà con làm thuê làm mướn quá túng quẩn, thiếu trước hụt sau, không đủ trả tiền công rèn lưỡi cuốc lưỡi hái, bác không đợi họ năn nỉ ỷ ôi. Bác không chờ họ kèo lên bớt xuống từng đồng từng cắc. Bác thân mật bảo họ cứ mang về xài trước, khi nào có tiền thừa thải hãy trả sau cũng được. Phần lớn họ đều có trách nhiệm và liêm sỉ, dù có trả cà dật cà dựa, nhấp nhấp theo khả năng hạn hẹp của mình, chứ chưa bao giờ có cảnh thừ mặt mo ra cười trừ hoặc ăn quỵt. Miễn bác đủ ăn đủ mặc, ngày ngày làm việc, thảnh thơi uống trà mỗi buổi tối với sư cụ như hiện nay là phúc đức cho bác lắm rồi. Và bác rất bằng lòng, không mơ ước gì hơn. Bác rất toại nguyện với cuộc sống lao lực hằng ngày đó. Bác lại giàu lòng từ thiện. Trong thôn xóm có ai cần đến, bác sẵn sàng xăn tay áo và vui vẻ giúp một tay đắc lực. Sức khoẻ của bác phi thường. Lao nhọc cả ngày nơi lửa nóng hừng hực, bụi bậm lan tỏa mù mịt, bác không biết mệt mỏi là gì. Sư cụ thường nói đùa với bác, bảo sức trâu sức voi đố sánh bằng sức bác. Con người có những đức tính hiếm hoi đáng quý như thế, chưa hề để mếch lòng một ai, lại có tật uống rượu như hũ chìm. Sáng xỉn chiều say những hôm đóng cửa lò rèn. Đôi khi bác uống say mèm, quên cả trời đất rồi lăn ra sàn đất ngủ bất biết. Nơi vùng rừng núi hoang vu hiu quạnh, nhà cửa xơ rơ vài cái cách xa nhau, thú vui hầu như không có. Bác thợ rèn mượn hơi men vỗ về tình cảm, giải bày tâm sự với cây cỏ núi rừng, với suối nguồn trăng gió, nhứt là vào những buổi hoàng hôn mưa giăng giăng nặng hột, gió lạnh thấu xương. Riết rồi uống rượu đối với bác trở thành thói quen. Vắng nó, lòng bác thấy nhớ nhớ buồn buồn, một nỗi buồn bâng quơ man mác không sao giải thích tận tường được.

Hầu như mỗi ngày, không thiếu sót ngày nào cả, sau khi dùng cơm tối xong, bác thợ rèn thong dong bách bộ đến chùa chuyện trò với sư cụ đến khuya lơ khuya lắc như thông lệ. Thuở nhỏ hàn vi, cha mẹ mất sớm, bác thất học do lao vào trường đời tập tành phụ việc trong ngành rèn lúc chưa được năm sáu tuổi. Cái tuổi vừa mới biết thưởng thức chất ngọt lịm của đường phèn đường tán hay đường thốt nốt, của mía lao mía huyết... chớ chưa lần nào dám bạo gan bạo phổi nếm thử chất đắng chất chua của khổ qua hay xoài cà lâm hoặc vị cay nồng xé mây xanh của ớt sừng trâu, ớt hiểm. Rõ là cái tuổi còn ham rong chơi ta bà, thích chạy giỡn nô đùa. Do đó, sư cụ để tâm thương mến, chú trọng chỉ bảo, giảng dạy thêm qua những mẫu chuyện trao đổi với bác, xoáy quanh đạo đức thánh hiền, nếp sống cao thượng, liêm chính sỉ khí của người quân tử thời xưa. Nhứt là giáo lý từ bi hỉ xả của nhà Phật. Bác tỏ ra quan tâm ham thích được nghe những lời quý báu đó của sư cụ. Nhưng hơi men những lúc quá chén không kềm hãm được bác khiến sư cụ, vốn không hờn không giận, không giấu được sự ái ngại băn khoăn. Có hôm, sư cụ lựa lời lẽ nhẹ nhàng khuyên bảo bác:

- Này chú em! Tôi thân tình khuyên chú từ nay tiệt hậu đừng uống rượu nữa. Uống nhiều, chú sẽ say, mất hết nhân phẩm, mất hết những yếu tố tinh thần tối thiểu để được bà con bổn đạo và láng giềng kính trọng. Không kềm hãm được mình, chú có những hành động không tốt đẹp hoặc những cử chỉ, lời nói đáng tiếc làm buồn phiền người chung quanh. Đôi khi chú phạm phải tội lỗi trầm trọng. Chừng tỉnh ra, vỡ lẽ thì đã quá trễ tràng.

Sư cụ nói tiếp:

- Hơn nữa, uống rượu như hũ chìm lâu ngày, tôi dám đề quyết với chú sẽ hại đến sức khoẻ. Cơ thể suy nhược có ảnh hưởng đến nghề nghiệp chú. Tôi nghĩ nếu chú cứ tiếp tục uống theo đà này, chỉ vài năm nữa, không lâu đâu, chú sẽ dẹp lò rèn vì còn sức đâu làm việc như hiện nay. Do tai hại của rượu nên rượu là một trong những điều cấm kỵ của nhà Phật. Chú nên nghe tôi, hồi tâm chừa rượu vì lợi ích của chính bản thân chú trước nhứt đó.

Bác thợ rèn bỗng lặng thinh suy nghĩ hun lắm. Bác rất tâm đắc những lời khuyên lơn răn dạy của sư cụ. Bác cúi xuống không dám nhìn thẳng sư cụ, vừa bẻn lẻn tiếp thu, vừa tỏ ra biết ơn người. Nhưng khốn nỗi, khi về đến nhà với bối cảnh hun hút quạnh hiu u buồn, nằng nặng cô đơn cô độc, bác không sao chừa rượu được. Mặc dầu trong thâm tâm, bác rất ý thức. Và những lời khuyên răn quý giá của sư cụ hãy còn văng vẳng bên tai bác. Một hôm, như thường ngày, bác thợ rèn đến chùa lúc hoàng hôn le lói, mặt trời vừa khuất dạng sau cánh rừng dầy mịt phía sau chùa. Bác rất đỗi ngạc nhiên thấy sư cụ thập thò lóng ngóng ở thềm chùa. Bác tự hỏi có lẽ sư cụ đang nôn nóng trông chờ ai. Thấy bác, sư cụ tỏ ra vô cùng hân hoan mừng rỡ: - Tôi đang chờ chú nảy giờ. Hôm nay sao chú đến trễ thế? Nhưng thôi. Không hề gì! Cũng kịp lúc. Sư cụ hấp tấp giải thích:

- Chú có biết không? Tôi trông chú đến, báo chú biết một tin mừng, để tôi còn thì giờ sắp xếp chuẩn bị chu đáo hành trang nữa. Tối qua, tôi được Đức Phật báo mộng cho biết tôi sắp thành chánh quả sau hơn nửa thế kỷ khổ ải, dầy công tu luyện. Sáng sớm ngày mai, không thể chậm trễ được, tôi sẽ lên đường về Tây Phương, giao ngôi chùa nhỏ này cho thầy Tâm Thành. Thầy nay không còn là chú tiểu nữa mà đã tinh thông kinh kệ và giáo lý, đủ khả năng lo Phật sự vững vàng. Tôi ra đi nhưng rất an tâm. Tôi chào từ giã chú. Tôi sẽ giữ mãi mãi trong lòng những kỷ niệm tốt đẹp bấy nay giữa chú và tôi.

Bác thợ rèn nhíu mày, quá đỗi ngạc nhiên vặn hỏi sư cụ:

- Thế là sư cụ sắp thành Phật rồi?

- Đúng thế. Đó là kết quả suốt một đời tu Phật gian lao khổ hạnh.

Bác thợ rèn càng thêm ngạc nhiên buông lời hỏi tiếp:

- Nhưng thành Phật có khác gì người thường ở thế gian? Thành Phật, sư cụ có sung sướng hơn lúc ở chùa này không? Chắc sung sướng lắm nên sư cụ mới đành lòng rời bỏ ngôi chùa cổ này?

Sư cụ đáp:

- Thành Phật tức vĩnh viễn từ giã cõi thế phàm tục, không bao giờ trở lại nữa, không còn vướng bận nghiệp báo luân hồi. Những người hung dữ gian ác sau khi chết sẽ “đầu thai kiếp khác” để trả dứt nợ đã gây ra ở thế gian. Tùy theo tội lỗi nặng nhẹ, kiếp sau họ sẽ trở thành con cái nhà nghèo khó ty tiện hay nặng hơn nữa đội lốp súc vật chẳng hạn...

Nhìn thẳng vào đôi mắt hiếu kỳ của bác thợ rèn, sư cụ giải thích thêm:- Thành Phật tức thoát ly vòng luân hồi nghiệp chướng, sống an lạc trong cảnh giới Niết Bàn, tâm hồn thanh thản, hóa giải dục vọng, không còn buồn lo ham muốn, hờn giận ghét ghen, ganh đua chém giết. Vì sao? Vì con người đã thực sự lìa bỏ hẳn thân xác vướng bận của mình. Mà không còn mang xác thân phàm tục thường hành hạ lôi kéo mình thì còn đâu băn khoăn khổ nhọc để tìm kiếm tranh giành miếng ăn cái mặc cùng những thú vui chơi thường tình. Thoát ly khỏi xác phàm tức lánh xa những điều tội lỗi, tức chấm dứt được sự sinh diệt...

Bác thợ rèn se sẽ gật đầu, tỏ vẻ đồng tình với sư cụ:

- Sư cụ nói chí lý lắm. Cái xác phàm ô trượt của mình xúi dục cám dỗ mình làm lắm điều xằn bậy do sự đòi hỏi thôi thúc không giới hạn của nó. Như tôi đây. Tôi không kềm hãm được sự bồng bột ham muốn. Lắm lúc nóng tánh, không dằn được bực dọc giận hờn, cứ đeo đẳng dai dẳng. Tôi hay buồn hay lo, tâm thần không bình ổn nên có bao giờ tôi được thực sự sung sướng hạnh phúc trọn vẹn đâu? Bác thợ rèn xuống giọng nhỏ nhẹ như khẩn cầu:- Bẩm sư cụ, tôi nay cũng đã đứng tuổi rồi, trường đời thăng trầm bao nhiêu độ, tôi đã chứng kiến biết bao dâu bể tang thương. Tôi cũng muốn dừng chân trên bước đường bon chen nghiệt ngã. Tôi muốn thoát khỏi cái vòng quay luân hồi mà sư cụ vừa nhắc đó. Nói tóm lại, tôi cũng thành khẩn muốn trở thành Phật như sư cụ để được mãi mãi thảnh thơi an nhàn, xa hẳn trần thế mà tôi quá chán chê những trò đời nham hiểm, xảo quyệt, lật lộng khôn lường.

Bác trầm ngâm tranh thủ:

- Bạch sư cụ. Tôi muốn trở thành Phật với tất cả lòng thành. Vậy, ngày mai sư cụ có thể nào cho tôi tháp tùng để cùng về Tây Phương một lúc. Sư cụ có bằng lòng chấp thuận lời thỉnh cầu thành thật của tôi không?

Sư cụ vỗ vai thân mật bác thợ rèn, vội trả lời ngay:

- Chú em à! Làm sao được chú? Suốt cuộc đời, chú chưa một ngày tu hành khổ hạnh, chưa hề thuộc một đoạn kinh, chưa biểu lộ một việc làm phúc đức đáng giá nào. Chú lại uống rượu li bì, lè nhè mỗi tối, phạm điều cấm kỵ của nhà Phật nữa!? Tôi thiết nghĩ lời thỉnh nguyện của chú không ổn chút nào cả. Chú đi theo tôi càng thêm vướng bận.

Bác thợ rèn vẫn không tỏ vẻ thất vọng qua lời từ chối dứt khoát của sư cụ. Bác dàu dàu hỏi thêm:

- Ngày mai sư cụ lên đường đi Tây Phương. Nhưng dám thưa sư cụ, tôi xin lỗi đường đột hỏi sư cụ sẽ đi về hướng nào?

Sư cụ mỉm cười:

- Chú chậm hiểu quá. Đã nói đi Tây Phương tức là đi theo hướng Tây. Cứ nhắm hướng đó mà đi là đến đích. Đường xa diệu vợi nên phải quan tâm thận trọng kẻo lạc hướng nguy to. Hướng Tây tức hướng sau chùa, băng qua khu rừng mênh mông bất tận này, đi mãi đến khi chạm phải con sông to chắn ngang bít lối, không còn đi được nữa.

Bác thợ rèn quá đỗi mừng rỡ. Nỗi mừng vui nổi bậc trên gương mặt sáng ngời của bác. Bác lật đật xá xá sư cụ cáo biệt ra về. Khỏi thềm chùa vài bước, bác quày lại nói vói thêm:

- Bạch sư cụ! Ngày mai tôi sẽ qua sớm theo sư cụ đi Tây Phương. Tôi tình nguyện theo hầu hạ, quảy gánh đồ tế nhuyển của sư cụ. Đường sá xa xôi vạn dặm, ngăn sông cách núi hiểm trở, có bạn đồng hành trò chuyện cũng vui. Sư cụ sẽ bớt phần vất vả.

Sư cụ không trả lời có thuận lòng ưng ý hay không. Người chỉ mỉm cười, nụ cười đầy vẻ bí mật. Sư cụ thừa biết cố tật của bác thợ rèn, khi về đến nhà, nhâm nhi vài chum rượu ấm, bác sẽ quên đời, quên sư cụ, quên tất cả, quên luôn lời thỉnh nguyện hứa hẹn hôm nay và sẽ ngủ say khó thức dậy đúng giờ. Quả vậy. Tưng bửng sáng hôm sau, bác thợ rèn vẫn say sưa giấc điệp thì lúc canh ba canh tư gà gáy lanh lảnh, sư cụ đã làm lễ Phật xong, nói đôi lời giã từ người học trò gương mẫu là thầy Tâm Thành. Xong, sư cụ quày quả nhắm hướng Tây lên đường khuất dạng. Đến đúng ngọ, sư cụ băng qua một trảng lớn, lùm buội lè tè, gai gốc mù mịt. Bỗng sư cụ gặp một thằng bé mục đồng, quần áo rách te tua, đầu đội nón rơm tơi tả, đang hơ hải phóng ra giang tay đón đường xin nhờ giúp đỡ cứu độ một phen. Ơn này nó tạc dạ ghi lòng, thề không bao giờ dám quên. Vốn nó đang đuổi trâu ngoạm cỏ ở trảng nhưng một con ranh mảnh lại nhảy tọt vào giữa buội rậm gai gốc chơm chởm. Không cách nào nó lôi kéo ra được. Nó đã cố gắng hết sức mình cả mấy giờ trước nhưng vẫn loay hoay không thành công. Nó đang thất vọng, lòng bấn loạn. Nếu sư cụ chịu giúp nó, nó sẽ không bị chủ đánh đập thậm tệ như bao lần và đuổi đi không cho tiếp tục giữ trâu nữa. Nó ỉ ôi van nài sư cụ luôn miệng. Vì gia đình nghèo khó túng quẩn, nếu bị đuổi, cha mẹ nó không tiền hoàn trả số nợ năm nợ mùa do chủ ứng trước. Gia đình nó sẽ gặp khó khăn, cuộc sống vất vả bế tắc thêm. Nó khẩn khoản không dứt lời vì nó phải đuổi trâu về chuồng kịp cho chủ khởi công buổi chiều. Sư cụ khoát tay:

- Không được đâu con à! Ta rất thông cảm hoàn cảnh bi đát của con, nhưng không thể được. Ta phải đi xa cấp bách lắm. Nếu giúp con, ta sẽ trễ giờ mất. Không thể được. Không thể được đâu. Con đừng nài nỉ ta. Hãy tránh ra để ta đi cho kịp hẹn.

Nói xong, sư cụ nhanh bước giã từ thằng bé. Không mấy chốc, người biến mất trong cánh rừng già trước mắt. Trong khi đó, ở nhà, bác thợ rèn thức giấc thì mặt trời đã lên khá cao. Mọi người trong thôn ấp đều đi làm ngoài đồng cả. Giật mình, chưa kịp ăn sáng hoặc trà nước như thói quen, bác hối hả thay áo quần tiêm tất, chít khăn, quảy túi vải vật dụng thường nhật, phóng nhanh như bay đến chùa. Bác thất vọng khi nghe thầy Tâm Thành bảo sư cụ đã lên đường từ sáng sớm tinh mơ. Không kịp hỏi han thêm, bác nhủ lấy lòng khi hồi nhớ lời của sư cụ:

- Mình cứ nhắm thẳng hướng Tây mà đi, chắc sẽ bắt gặp sư cụ không khó khăn lắm đâu. Sư cụ đã đến tuổi trượng triều trượng quốc, chân mỏi gối dùn, chắc phải đi chậm chạp. Với sức khoẻ trời cho, mình cố gắng đi nhanh hơn ắt sẽ bắt gặp sư cụ không mấy hồi.

Nghĩ xong, bác băng vào rừng một cách khẳng quyết và tin tưởng. Không lâu, bác đến trảng, gặp thằng bé đang ì ạch vén gai kéo chà nhánh cố lôi con trâu đang dãy dụa ra ngoài. Thấy bác còn hơn thấy vàng thấy bạc, thằng bé mừng húm, quýnh quíu. Giờ hẹn với chủ quá cận kề rồi. Nó lập bập bẩm lạy bác, xá xá liên tu bất tận. Nó van xin bác giúp một tay. Nó nói huyên thuyên nào bác giúp nó keo nầy còn hơn xây mấy cảnh chùa, cất bao nhiêu đình miễu. Nó nhìn bác như van lơn, như khẩn khoản. Bác vội vả đến gần, lấy tay xoa đầu nó rồi nói:

- Tội nghiệp! Trâu mắc kẹt bao lâu rồi? Người lớn đâu cả? Để ta giúp cho.

Bác cùng thằng bé chăn trâu hì hục phác buội, kéo gai, tay chân trầy xước rướm máu, bụi bậm bám đầy đầu cổ, áo quần. Cuối cùng con trâu được lôi ra khỏi buội rậm. Nó mừng rỡ, gục gặc đầu, ngoắc đuôi liên hồi ra chiều sung sướng vì được tự do chạy nhảy. Bác vui vẻ bảo thằng bé:

- Thôi, được rồi. Nhớ từ rày về sau phải thận trọng. Đừng ham chơi, để trâu lang bang vào buội rậm nữa.

Bác thợ rèn chia tay thằng bé, phóng đi, sảy bước nhanh hơn. Bác đã mất quá nhiều thì giờ quý báu ở đây. Nhưng lòng bác lâng lâng sung sướng. Sư cụ hẳn đi xa quá rồi. Nhưng bác vẫn hy vọng, nghĩ rằng có hy vọng, còn hy vọng sẽ giúp bác thêm sức mạnh và nghị lực chấp cánh bay nhanh. Bác hớn hở huýt gió rồi hát lẩm nhẩm không dứt. Bác cứ nhắm thẳng từng chòm cây phía trước làm chuẩn. Hết chòm này đến chòm khác, chập chùng nơi rừng rậm quanh năm gió nắng. Mặt đất tuy gồ ghề lởm chởm, nhưng vẫn mát dịu dưới mỗi bước chân trần của bác. Trong khi đó, ánh nắng phơn phớt nhẹ nhàng trên những khóm hoa dại thẹn thùng khoe sắc thắm tươi, đang chúm chím cười ven theo hai bên đường mòn. Rừng già mát lạnh. Dưới những gốc cây cổ thụ u tối hãy còn đòng đọng hơi ẩm ban mai. Bác nhớ đến hương men nóng ấm. Bác ao ước được nhâm nhi vài chum lúc này có lẽ sẽ giúp cơ thể bác sản khoái và đỡ lạnh. Nhưng bác trực nhớ, nếu uống rượu lỡ say mèm sẽ hỏng cả mọi việc. Bác cắn răng lầm lũi đi tiếp. Bỗng bác gặp một người đàn bà tuổi độ ba mươi ngoài, có mang, đang nhăn nhó ôm bụng, ngồi dựa vào gốc cây bên đường mòn xuyên rừng. Tuy là đường mòn nhưng ít người qua lại, cỏ non mọc xởn xơ, rải rác lóm đóm từng cụm phân chồn cáo, thỏ rừng. Trông thấy bác, người đàn bà rên rĩ kêu than, khe khẽ ngỏ lời mong được sự giúp đỡ của bác.

- Bác ơi! Xin bác dừng lại đôi chút để cứu con. Con có mang đã đến giờ sinh nở. Con đau bụng thúc lắm. Bác cứu con. Bác cứu con... Chắc con chết mất. Ngày xưa người ta nói: “Đàn bà đi biển một mình”. Bây giờ con thấm thía lắm. Con đang đi rừng chỉ có một thân. Trơ trọi lẻ loi. Con van bác.

Bác thợ rèn nhìn tròng trọc chị đàn bà đang lăn lộn gào thét dưới gốc cây. Bác đến gần bên, lúng túng chẳng biết phải làm gì. Bác thẹn thùng. Dù ít học nhưng bác thừa hiểu câu “nam nữ thọ thọ bất thân”. Để bớt bối rối trong lúc quá bất cập, bác mở lời:

- Chị có thai cận kề ngày khai hoa nở nhụy sao lại bất ý đi đâu giữa rừng rậm như thế này? Nhà chị có xa đây không?

Chị đàn bà thở hổn hển, gương mặt đẵm mồ hôi hột, từng giọt từng giọt lăn nhẹ trên đôi má xanh xao vàng vọt. Dù vậy chị cũng cố trả lời với một giọng chắc nịch:

- Nhà tôi ở khá xa đây, chừng mươi cây số bên kia bìa trảng, nơi lố nhố mấy nóc gia đen thẵm xa xa đó. Tôi theo chồng chặt củi từ hừng đông sáng. Chồng tôi vừa quảy củi xuống chợ bán để lấy tiền mua thức ăn thức uống và quần áo cho con tôi sắp sanh. Tôi tiếp tục chặt củi, bó củi rồi về sau.

Chị tỏ vẻ thất vọng:

- Nào ngờ... Tôi lại sanh sớm như vầy. Hay là tôi tính sai ngày tháng mới mang khổ mang họa. Bác cứu con. Bác đừng bỏ con bơ vơ trong cảnh oái oăm, cô đơn trầm thống này. Con nguyền tạc dạ tri ân.

Bác thợ rèn thảng thốt thở dài trước đôi mắt van lơn khẩn cầu của chị đàn bà:

- Tội nghiệp chị quá! Tôi biết giúp chị gì đây? Tôi sống độc thân từ nhỏ đến lớn, có chứng kiến cảnh sanh đẻ bao giờ.

Bác suy nghĩ rồi tiếp:

- Nhưng được. Con dao đốn củi của chị đâu? Tôi sẽ chặt cây cất chòi, đốn chà nhánh che chung quanh ngăn ngừa gió mái lạnh lẽo. Chị sẽ có nơi ấm áp sanh đẻ. Tôi nghi chị sẽ sanh trong vài khắc đồng hồ tới đây. Chị không thể về nhà kịp đâu.

Nói xong, bác thợ rèn nhanh như chớp, đã dựng xong một lều nhỏ có mái che nắng che mưa, có vách chầm khíu bằng lá cây chắn gió rừng. Sàn lều được phủ một lớp lá cây khô tàm tạm. Đâu đó đã xong, bác dìu chị đàn bà vào sanh, thấp thỏm bên ngoài chờ đợi. Bác nôn nóng, đứng ngồi không yên, sớm muốn biết kết quả. Bác lẩm nhẩm cầu nguyện “mẹ tròn con vuông”. Bác gọi Đức Phật mở rộng vòng tay nhơn từ cứu nhân độ thế. Bác vụt đứng dậy bừng lên sung sướng khi nghe tiếng trẻ khóc oa oa chào đời vang ra từ trong lều. Mừng quá, mặt mày phấn chấn, bác hỏi vọng vào lều không chút dè dặt:

- Sanh xong rồi hả? Có gì trục trặc không? Tốt cả chứ?

Tiếng chị đàn bà đáp lại ngay, tỉnh táo nhẹ nhỏm:

- Mọi việc đều yên lành tốt đẹp. Xong xuôi cả rồi. Thằng bé kháu khỉnh, nằm một cục đen xì như than hầm, giống hệt nước da cha nó. Con cám ơn bác nhiều lắm. Bác có thể tiếp tục lên đường ngay, kẻo trễ.

Bác thợ rèn vui vẻ bảo:

- Tốt lắm. Tốt lắm. Tôi mừng hôm nay chị tai qua nạn khỏi. Tôi cũng mừng gia đình chị từ nay thêm ấm êm hạnh phúc. Chị nghỉ khoẻ ở đây vài tiếng nữa, xế xế hãy bồng con về nhà cũng không muộn. Thôi chào chị tôi đi. Chúc chị nhiều can đảm!

Nói xong, bác thợ rèn quay gót, khệ nệ tay xách nách ôm vật dụng tế nhuyển. Chẳng được mấy bước, bác trở lại cổi áo ngoài đang mặc trao cho chị đàn bà:

- Tôi có cái áo này mặc đi đường coi cho được một chút. Áo cũ, có vài chỗ vá vụng về, chị giữ lấy quấn cho cháu bé. Cháu cần ấm vì ông trời đang gầm gừ, xế chút nữa gió rừng lạnh lắm. Mưa bắt đầu lất phất bên ngoài. Đường xa... Không khéo... Chúc chị bình an.

Chị đàn bà quá xúc động, đôi mắt đỏ hoe, long lanh những giọt nước mắt tri ân nghèn nghẹn đối với nghĩa cử đức độ thương người. Chị nói:

- Con biết nói gì thêm đây. Bác tử tế và chu đáo quá. Người như bác thật là hiếm hoi trên thế gian nầy.

Chị đàn bà nhớ đến nhà sư chị đã gặp trước bác thợ rèn. Chị đã hết lời khẩn khoản van xin nhưng nhà sư hấp tấp:

- Ta có việc cấp bách phải đi mau. Ta không thể giúp gì được con. Trì hưởn, mất thì giờ, ta sẽ trễ hẹn. Hơn nữa, việc sinh đẻ lắm ô uế mà ta là kẻ tu hành.

Chị thất vọng đưa mắt ngỡ ngàng trông theo nhà sư nhỏ dần nhỏ dần... để biến hẳn ở khúc quanh xa xa. Đến sẫm tối, mặt trời le lói yếu ớt sau đồi cây. Gió núi se lạnh từng đợt từng đợt làm rung rinh cành lá với chim chóc tranh giỡn líu lo trước khi vào ổ ngủ. Sư cụ cũng vừa đến chân đồi với niềm tin rộn rả trong lòng. Trước mặt, một con sông rộng, sóng gợn trùng trùng điệp điệp, trườn mình chắn ngang bít lối. Con sông rộng mênh mông bát ngát. Đứng bên này bờ không thể trông thấy bờ bên kia. Chỉ một màu chân trời u u tăm tăm. Huyền bí thiêng liêng. Trời phụp hẳn xuống trong u tối. Một vừng hào quang rực sáng vụt hiện ra uy linh. Sư cụ khấp khởi hướng đến bên cạnh. Một Tòa Sen to lớn, sắc màu lộng lẫy chóa mắt đang bồng bềnh từ từ tấp vào mé sông. Sư cụ càng khấp khởi hồi hộp hơn khi hồi nhớ điềm báo mộng mấy đêm trước. Giờ đây, trong khoảnh khắc ngắn ngủi sẽ là sự thật, một sự thật mà người trông chờ từ ngày quyết tâm khổ công tu học. Sư cụ nhủ thầm:

- Tòa sen kia chắc sẽ vào rước mình về cõi Niết Bàn thảnh thơi nhàn nhã.

Chẳng mấy chốc, Tòa Sen tấp hẳn vào mé sông, bất động như đón đợi chào mời. Sư cụ vội vàng bước xuống. Nhưng chưa kịp thì Tòa Sen mấp máy tách khỏi mé sông. Sư cụ ngạc nhiên nhưng không nãn chí. Người chờ Tòa Sen tấp vào bờ lần nữa để bước xuống. Quái lạ làm sao. Tòa Sen một lần nữa lại trôi ra giữa giòng nước. Sư cụ ngẩn ngơ nhìn Tòa Sen càng thêm uy nghi rực rỡ, cứ tấp vào rồi lại trôi ra xa khi sư cụ đến gần như có ý thối thác tránh né người. Giữa lúc sư cụ đang ngẩn ngơ tiếc nuối, bác thợ rèn hổn hển chạy trờ tới. Bác đã đi cật lực ròng rã không hề dám ngừng nghỉ. Từ xa, nhờ trông thấy ánh hào quang tỏa rạng, bác đi tắc phông phốc, không mất thì giờ quanh co dò dẵm. Bác mừng quá khi gặp lại sư cụ trong hoàn cảnh hi hữu này. Bác hối hả gọi to với âm vang núi rừng vọng lại rang rảng:

- Bạch sư cụ. May quá! Tôi bận giúp mấy người hoạn nạn dọc đường, tưởng đâu đến trễ mất cơ hội. Nào ngờ... Tôi đến cũng kịp lúc. Phúc đức biết bao nhiêu. Tòa Sen kia sẽ rước sư cụ đó. Sư cụ cho tôi tháp tùng với.

Nói xong, bác thợ rèn đưa tay kính cẩn mời sư cụ lên Tòa Sen trước. Nhưng một lần nữa Tòa Sen tách bến ra ngay. Đến khi Tòa Sen tấp vào, bác ngỏ lời xin phép thử xuống trước xem sao. Trong thâm tâm, bác cốt ý giữ chặt Tòa Sen để sư cụ bước xuống sau an toàn hơn. Khi bác bước xuống chưa kịp ổn định xong, bất thình lình Tòa Sen bay vút lên không trung vô định. Tòa Sen mang theo bác thợ rèn, gương mặt thanh thản, soi sáng bởi ánh hào quang chói lọi, bỏ lại sư cụ một mình đứng im bất động, nhìn ánh sáng huyền diệu lung linh biến hút trong bao la vô tận. Bây giờ sư cụ mới hiểu ra bấy nay mình dày công tu luyện, thông suốt giáo lý của Đức Phật sáng danh cao trọng, mẩn cán Phật sự, không phạm giới cấm, không hề sa vào tội lỗi thế gian nhưng lòng vẫn vướng mắc nhiều ích kỷ nhỏ nhen thường tình. Sư cụ vọng nghĩ quá nhiều về cá nhơn mình hơn là quan tâm, tưởng nhớ và lo lắng cuộc sống của kẻ khác chung quanh. Thiện tâm nơi người còn mông lung phiến diện, chưa cô đọng rõ ràng trong thực tế. Kẻ thù đáng sợ nhất và cũng khó thắng nhất chính là bản thân ta! Sư cụ buồn bã, uể oải quay gót trực chỉ hướng về chùa.

Trên đường cũ, sư cụ cố ý tìm lại cái trảng lớn đầy gai buội nơi thằng bé mục đồng ì ạch lôi con trâu bị mắc kẹt ra ngoài. Sư cụ cũng tìm cái gốc cây mà chị đàn bà thai nghén tựa lưng rên rĩ khẩn cầu. Nhưng sư cụ hoài công. Người không sao tìm ra dấu tích. Bấy giờ, sư cụ mới chợt hiểu là Đức Phật đã giả dạng người đang lâm nguy để thử lòng sư cụ lần cuối. Vừa đi, sư cụ vừa tự vấn lòng mình, tỏ ra ăn năn sám hối. Từ đó về sau, sư cụ nhiệt tình chăm lo Phật sự, tiếp tục tu thân dưỡng tánh, diệt lòng ích kỷ chỉ lo cho chính bản thân mình. Người để hết tâm hết dạ phục vụ bổn đạo bá tánh cùng bà con trong thôn xóm hữu sự cần đến. Tuy lớn tuổi, sư cụ cảm thấy như vừa được thực sự hồi sinh. Hồi sinh qua bài học thực tế, quý báu của Thiêng Liêng.

***

Đầu óc tôi lúc ấy hãy còn non nớt, hời hợt. Nhưng những lời khuyên nhủ của sư cụ ở mái sau chùa quê nhà, qua các câu chuyện người kể, vẫn in rõ nét trong tôi. Sư cụ không dẫn giải lý thuyết sâu xa cao vời vợi của nhà Phật, nguồn gốc của khổ đau triền miên bất tận tại thế, cái vòng quây nhân quả luân hồi cùng với ý nghĩa vô thường muôn hình vạn trạng v.v... Sư cụ không đề xuất những khuôn vàng thước ngọc, mẫu mực gò bó có tính cách lý thuyết khô khan. Tuy nhiên, bàng bạc qua lời dung dị lý tình của người, qua những lời khuyên lơn ngan ngát tình thương, chúng tôi đã thâm nhập vào lòng, ghì níu ôm ấp cung cách gìn lòng xử thế. Mà cốt lõi vẫn là việc quay về với chính nội tâm mình để suy gẩm, phán xét và phấn đấu bản thân, gieo rắc nhân lành, diệt khổ.

Dòng đời luân lưu bất tận. Cuộc sống tiếp tục trườn mình trên quê hương Việt Nam chinh chiến điêu tàn. Đa số người xưa, cật ruột hay thân quen từng đi qua đời tôi, đã trở về với cõi vĩnh hằng miên viễn. Sư cụ đã an nghĩ từ lâu trong lòng đất mẹ, linh hồn chắc đã siêu thoát thanh thản nơi cõi Niết Bàn. Những câu chuyện sư cụ kể chúng tôi nghe ở lớp học chữ nho nơi hiên sau chùa đã thực sự góp phần không nhỏ giúp tôi vượt qua khổ ải. Tôi không dám nói mình đã thành công trong việc diệt trừ hoặc hóa giải những khổ ải đó nhưng chỉ cái ý hướng thôi thúc tôi mạnh dạng đặt chân trên con đường thênh thang rực sáng do sư cụ chỉ dạy, cũng đủ mang đến tôi lắm nguồn hạnh phúc bất ngờ trong đời. Bao nhiêu băn khoăn buồn đau, bao nhiêu âu lo sợ hãi nếu không tan biến hẳn cũng đã giảm sút nhiều trong tâm thần bình ổn của tôi. Nhưng có một điều chắc chắn đã hướng dẫn những bước đi của tôi từ dạo ấy đến nay vẫn là những lời dặn dò chí tình chí nghĩa của sư cụ. Đó là sự cố gắng không ngừng nghỉ, gieo rắc nhân lành quả tốt trong kiếp sống hiện tại.

Sư cụ ơi! Tôi rất cảm ơn sư cụ đã dẫn lối chỉ đường cho tôi được trầm mình trong suối trong nước mát, thoải mái với nguồn hạnh phúc bất tận trong thiện duyên với mọi người để quên đi lần khổ ải, nghịch cảnh oái oăm. Công ơn trời biển của sư cụ đã giúp tôi làm sáng tỏ cốt tủy tinh tuyền của đạo sống con người. Đạo sống đó chung qui bắt nguồn từ chính tâm hồn mình, từ chính nội tâm mình mà thôi. Sư cụ gói trọn vẹn ý nghĩa ấy trong câu ngắn gọn: “Phật tại tâm” đã được khắc ghi trong sâu thẳm lòng tôi.

Tôi đến đất liền sau bảy ngày bảy đêm lênh đênh trên biển cả với niềm tin sắt đá ở nhân lành mà sư cụ đã dày công nhồi nhét trong tâm não tôi ngày còn thơ ấu. Miền đất hứa đã thực sự dưới đôi chân quờ quạng của tôi. Quần đảo Anambas của Nam Dương, nhấp nhô ngoài khơi, lố nhố những đảo to đảo nhỏ san sát nhau không biết cơ man nào mà kể cho hết. Người vượt biển đến đây đông lắm, cả mấy chục ngàn người. Họ đến từ khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Đến được vùng đất hứa ước mơ là một hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời phiêu lưu không hẹn bờ bến đỗ. Sau đó, chúng tôi được chính quyền địa phương tập trung vào đảo Kuku khá lớn ở quận Letung Jemaja để dễ dàng kiểm soát an ninh và lập thủ tục thanh lọc. Nói tập trung nhưng sự thật cuộc sống trên đảo rất tự do thoải mái, ít ra trong những năm đầu thời điểm vượt biên cao độ: 1979/1980. Tôi còn đang ngỡ ngàng trên đất lạ, xa quê hương vạn dặm nghìn trùng, lòng vẫn ngăn ngắt nỗi nhớ niềm thương, không thể phôi pha trong sớm chốc. Một bạn đồng hội đồng thuyền ngỏ ý rủ tôi “đi chùa” trên đảo.

Chùa vừa mới được đồng bào lớp trước xây cất trên sườn đồi, xa hơn làng tỵ nạn vài trăm thước. Bạn còn nói thêm, tuy đơn sơ thiếu thốn mọi mặt nhưng chùa cũng được bổn đạo và bà con tỵ nạn thiện nguyện, làm công quả trang trí đẹp đẽ gọi mời. Hơn nữa, chùa dựa vào sườn đồi, có suối mát nước trong uốn éo róc rách trầm buồn. Sau chùa, những dãy chà là ngất nghểu chen lẫn cây cối um tùm xanh mướt trông rất phải nơi tu hành ẩn dật. Tôi bỗng nhớ ngôi chùa xưa nơi xóm tôi rồi bâng khuâng hồi tưởng sư cụ, thằng Mười thuở còn là chú tiểu non chèo và bè bạn dăm đứa lúc bập bũm trong rừng nho biển thánh. Tôi nhớ cồn cào quê hương vừa đánh mất. Tình cờ tôi được nghe giới thiệu thầy trụ trì tạm thời ở đây có pháp danh là Tâm Thành. Một cái tên nghe quen quen, trùng hợp với tên chú tiểu trong chuyện kể của sư cụ mấy thập niên về trước. Một cái tên gợi hình gợi dáng, bỗng chốc khơi dậy trong tôi bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu nơi quê nhà. Bán tính bán nghi, tôi hỏi gặn lại nhiều lần. Anh bạn tôi cười phá lên ra chiều khoái trá, xác nhận rõ ràng pháp danh của thầy chính là Tâm Thành. Tôi nôn nóng mong muốn được diện kiến thầy ngay để rõ thực hư. Còn nỗi sung sướng nào bằng. Tôi nhận ra không khó ở thầy những nét quen thuộc của chú tiểu dễ thương dễ mến chùa làng tôi năm xưa mà lũ trẻ chằn ăn trăn quấn chúng tôi thường chọc phá gọi “thằng Mười thầy chùa”. Bao nhiêu năm cách biệt tiếp nối đi qua với lắm xáo trộn tang thương đầy nước mắt, thầy vẫn như xưa, không thay đổi gì nhiều tuy gầy đi chút ít. Có lẽ do ảnh hưởng sau những ngày đêm vất vả thiếu thốn trong chuyến vượt biên thập tử nhất sanh? Hàn huyên ôn cố. Biết bao nhiêu tình. Chúng tôi vui mừng khôn xiết, nhắc nhớ lớp học chữ nho và tác phong đạo hạnh tuyệt vời của sư cụ. Sự nhắc nhớ đó càng thêm mặn mà trên bước đường khởi hành lưu vong tứ cố vô thân của chúng tôi. Và cái quá khứ được chúng tôi nhắc nhớ đó không phải để hoài niệm trong thụ động. Mà chính để chúng tôi có thêm niềm tin và nghị lực để chịu đựng lâu dài.

Tôi sung sướng gặp thầy trong hoàn cảnh trái ngang ở đảo. Tôi lại xúc động biết thầy rất được đồng bào tỵ nạn ở đây, nơi đất lạ xa tấp buồn tênh, kính trọng mến yêu. Thầy dành hết thì giờ, gởi gấm trọn vẹn tấm lòng mình chăm sóc lo lắng, giúp đỡ tận tình đồng bào. Tinh thần lẫn vật chất. Quả thầy đã noi gương sáng chói của sư cụ và đã thực sự làm sáng danh người, làm sáng danh Phật pháp. Riêng tôi, trong niềm vui ý nghĩa, trong sự sung sướng tình cờ này, lòng tôi bỗng nhiên ngượng nghịu thẹn thùng. Tôi hối hận về những ranh mảnh trẻ con, đã quấy phá thầy thuở thiếu thời, lúc thầy trang trọng chú tâm dồi mài kinh sử, chữ nghĩa thánh hiền:

Nhân chi sơ tay rờ cơm nguội
Tánh bổn thiện cái miệng đòi ăn...


Sự thẹn thùng ngại ngùng của tôi rồi cũng qua mau vì thầy rất tự nhiên, niềm nở, hầu như không hề để ý tới những sai quấy phá rầy của chúng tôi ngày xưa. Chẳng những thầy đã thực sự tha thứ mà còn nâng đỡ tinh thần tôi trong lúc manh nha sa sút giữa những đợt sóng tới tấp của định mệnh. Nằm trong chòi lá đơn sơ ẩn mình dưới những con nắng oi nồng nơi hoang đảo tắm bóng dưới những hàng dừa cao ngất nghểu hoặc im lặng với những vũng trăng lấp lánh ở sàn đất, tôi lắng nghe gió núi se lạnh thổi vi vu theo tiếng sóng biển vỗ rì rào nơi ghềnh đá. Đêm đêm tôi chập chờn không an giấc do tâm sự ngổn ngang chồng chất dồn dập. Tôi nhớ ngôi chùa xưa. Tôi nhớ tiếng đại đồng chung văng vẳng ngân nga trầm buồn… mỗi lần chú tiểu Tâm Thành dóng lên theo giờ giấc công phu. Nay ngôi chùa tỵ nạn của thầy Tâm Thành không mõ, không chuông, không đại đồng chung, thiếu kinh, thiếu kệ. Chùa không một tượng Phật, không một Tòa Sen, nhưng trong cái thiếu trước hụt sau đó ẩn hiện một tấm lòng dạt dào như sóng biển trào dâng. Nhiều đêm trằn trọc, mơ mơ màng màng, tôi nghe như có tiếng chuông xưa, tiếng chuông huyền diệu nơi quê hương thăm thẳm, văng vẳng bên tai. Tiếng chuông như nhắc nhớ cảnh tỉnh lòng mình sống sao cho thanh sạch, với âm hưởng ngân nga quyện theo lời ru u buồn thuở nào của mẹ tôi:

Thứ nhứt là tu tại gia
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.