Đồng bằng sông Cửu Long dưới tác hại đập nước của Trung Cộng và đê bao của Việt Cộng

Eugene K. Chow, chuyên viên về các vấn đề ngoại giao và quân sự, trong bài viết tựa là China in Weaponizing Water đăng trong The National Interest ngày 26 tháng 8 năm 2017 có đoạn nhập đề phỏng dịch như sau:

“Trung Quốc sở hữu một vũ khí nguy hiểm cho phép Trung Quốc giữ làm con tin một phần tư dân số trên thế giới mà không cần bắn một phát súng. Trong khi mọi người chỉ quan tâm đến Trung Quốc với một lực lượng quân sự tối tân đáng sợ, nhưng họ không nghĩ đến kho vũ khí vô hình ghê gớm của Trung Quốc là các đập nước. Với hơn 87 000 đập nước và làm chủ cao nguyên Tây Tạng, nơi phát xuất 10 con sông lớn trên thế giới mà 2 tỉ người lệ thuộc, Trung Quốc đang sở hữu một vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chỉ cần bật một nút bấm, Trung Quốc có thể xả hàng trăm triệu gallon nước từ các đập nước khổng lồ, gây ra tai họa lũ lụt và thay đổi các hệ sinh thái cho các quốc gia ở hạ nguồn”.

Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)
nằm trong quốc gia cuối cùng ở hạ nguồn sông Mekong, là một trong số đối tượng của Trung Quốc trong hiểm họa tàn phá nầy.

BS Ngô Thế Vinh, tuy không phải là chuyên viên thủy học và môi trường học, nhưng từ 20 năm nay đã để tâm nghiên cứu về sông Mekong và ĐBSCL, đã đi quan sát thực địa sông Mekong từ nguồn qua các quốc gia ven sông, đã xuất bản hai quyển sách về chủ đề nầy là Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng (NXB Văn Nghệ, 2000) và Mekong, dòng sông nghẽn mạch (NXB Văn Nghệ Mới, 2007) đã có đoạn viết như sau nhân cuộc quan sát thực địa vùng ĐBSCL hồi tháng 12/2017:

“Bấy lâu, các chuyên gia Bộ Nông nghiệp từ ngoài Bắc vào vẫn có cái nhìn rất giản đơn về hệ sinh thái sông nước Cửu Long: họ chỉ thấy có triều cường và triều kiệt. Rồi đề xuất kế hoạch làm những cống đập chặn triều cường để ngăn mặn giữ ngọt. Từ suy nghĩ giản đơn ấy, họ đã và đang gây ra bao nhiêu hệ lụy cho hệ sinh thái ĐBSCL như hiện nay” (Ngô Thế Vinh. “Cổng đập chặn mặn gây rối loạn hệ sinh thái và những cái giá phải trả “ đăng trong báo Tiếng Dân ngày 13/2/2018).

Nhận định của BS Ngô Thế Vinh đã được TS Tô Văn Trường phản bác trong một bài phân tích khá dài đăng trên hai trang mạng Tiếng DânBauxite VN ngày 22/2/2018 có đoạn như sau:

“Đọc cả bài “Cống đập chặn mặn gây rối loạn hệ sinh thái và những cái giá phải trả” cho thấy tác giả mới chỉ đưa ra những nhận định mang cảm tính, trực quan của cá nhân dựa trên chuyến đi thực tế cùng một số chuyên gia quen biết, chưa có một phân tích, một đánh giá nào mang tính khoa học, định lượng,….Chưa thấy một con số một đoạn viết nào có nội dung khoa học chứng minh về nhận định của tác giả… Đây là ý kiến của những người thích “chém gió” không có kiến thức cơ bản về thủy văn, thủy lực dòng chảy trên sông…Ngày hôm sau (23-2 ), cũng tại hai trang mạng trên, nhà báo Lê Phú Khải, đã từng có nhiều liên lạc với các đảng viên cao cấp cũng có bài chỉ trích Ngô Thế Vinh và biện hộ cho chế độ bằng lời lẽ tự cao trịch thượng:

“Hơn 30 năm là người quan sát (observateur) Đồng Bằng Sông Cửu Long, quan sát từng bước đi, từng công trình, cả thành quả đến những khiếm khuyết được uốn nắn kịp thời, tiếp xúc từ người nông dân đến ông Thủ tướng vốn là nông dân sinh ra và lớn lên ở Đồng Bằng Sông Cửu Long là ông Võ Văn Kiệt…tôi xin nói rõ: Không dễ gì những ông chủ tịch tỉnh như ông Nguyễn Minh Nhị (7 Nhị), thủ tướng như Võ Văn Kiệt là những người có quyền lại dễ dàng nghe các anh “trí thức Bắc Kỳ” như tiến sỹ Tô Văn Trường, tiến sỹ Đào Xuân Học, Mai Văn Quyền “xui dại” trong việc trồng lúa, đắp đê bao vv…và vv… Hơn nữa, những trí thức như Võ Tòng Xuân, giáo sư Nguyễn Ngọc Trân… họ đều là các chuyên gia được đào tạo từ chế độ Sài Gòn cũ và ở nước ngoài… đấy thôi (!)


Người viết cần nói thêm là ông Lê phú Khải đã gởi bản thảo tác phẩm “Lời Ai Điếu” cho Nhật báo Người Việt ở California xuất bản và được quảng cáo rần rộ là một best-seller sách tiếng Việt. Điều ngạc nhiên là trong sách, ông chỉ trích nặng nề nhiều nhân vật cao cấp trong đảng mà ông vẫn bình chân như vại. Phải chăng, ông cũng cùng một “type” với Huy Đức tác giả Bên Thắng Cuộc?

Chưa hết, ngày 28-2, bài phản biện thứ ba của TSKS Nguyễn Phúc Vĩnh Phong, chuyên viên thủy lợi, với văn phong ôn tồn cởi mở hơn:

“Bài phản biện của TS Tô Văn Truờng trả lời nhà văn Bác sĩ y khoa Ngô Thế Vinh trên vấn đề hệ lụy do các công trình thủy lợi lên hệ sinh thái ĐBSCL nhắc chúng ta là không ai có thể đúng 100% cả; chúng ta chỉ có thể hiến tặng những gì chúng ta có sẵn trong hầu bao mà thôi. Bác sĩ Ngô Thế Vinh mặc dầu không phải chuyên nghề thủy lợi như Tiến Sĩ Tô văn Trường nhưng cũng đã phát biểu ý kiến có tầm nhìn đúng phần nào trong tương lai xa; như khi đề cập đến các hồ chứa thủy điện xuyên mùa trên sông Lan-thương (tên người Trung Quốc gọi sông Mê-kông trong vùng đất của họ) đã xướng lên hoàn cảnh Cửu Long cạn dòng; cạn dòng nước và nhất là cạn dòng phù sa vào ĐBSCL của nước Việt Nam chúng ta. Hết phù sa thì ĐBSCL sẽ không thể còn là vựa lúa bền vững sinh thái của Việt Nam chúng ta nữa; chúng ta sẽ phải dùng nhiều phân hoá học để tiếp tục sản suất nông nghiệp; nguồn nước dân sinh, nuôi trồng thủy sản sẽ bị ô nhiễm bởi lượng phân hoá học dư thừa không được cây cối hấp thụ…”

Rõ ràng là chuyện tác hại các đập nước trên dòng Mekong đã chuyển thành cuộc “đôi co” giữa các chuyên gia mà có người cao giọng như bên thắng cuộc Miền Bắc nói với các người bị xem là bọn chém gió bên thua cuộc Miền Nam trong việc quản lý đất đai, sông nước vùng ĐBSCL.

Từ những nhận định trên, bài viết lược khảo hiện trạng vùng ĐBSCL qua 1/ một số dữ kiện địa chánh trị liên quan đến sông Mekong, 2/ các tác động của các đập thủy điện trên sông Mekong và 3/ hậu quả của chánh sách đắp đê ngăn nước mặn trên sông Cửu Long và vùng ven biển. Như thông tin về một vấn đề phức tạp và nhiều tranh cãi, người viết phản ảnh những quan điểm dị biệt của những người trong cuộc, từ người nông dân đến chánh quyền, từ các chuyên gia thực sự am tường ngọn rau cọng cỏ của vùng đất nầy đến các tiến sĩ dỏm ngự trị trong các phủ bộ, viện nghiên cứu ở Hà Nội.

Và sau cùng, bài viết như một đóng góp khiêm tốn trong loạt bài nhận dịnh về bài viết của BS Ngô Thế Vinh của một người tuy không phải là chuyên gia về thủy lợi, nhưng cũng biết thế nào là thủy nông, biết địa hình địa vật và tâm tư của con người vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long trước khi đoàn quân thủy lợi từ miền Bắc tràn vào đào xới vùng đất nầy.

Mekong, dòng sông phúc lợi cho 6 quốc gia

Sông Mekong là dòng sông hạng 10 thế giới nếu kể theo lưu lượng (trung bình 13 200 m3/s, mùa nước lũ có thể đến 30 000 m3/s), hạng 12 nếu kể theo chiều dài (4 350 km) với lưu vực 795 000 km2, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng. (Wikipedia).

Về vị trí chính xác của nguồn sông, theo Encyclopedia Britannica thì sông Mekong phát nguyên ở triền phía Bắc của núi Tanggula có cao độ 4 900 m, nhưng nhiều tài liệu xác nhận những địa điểm khác nhau, do đó chiều dài và cao độ con sông cũng khác nhau.

Từ khi nhà thám hiểm Pháp Jules-Léon Dutreuil de Rhins lần đầu tiên công bố vào năm 1894 nguồn của sông Mekong là con suối Lungmung chảy qua bộ lạc Zayaqu ở cao độ 5 055m trên cao nguyên Tây Tạng cho đến báo cáo năm 2014 của Peter Neele đăng trong Japanese Alpine News, nhiều đoàn thám hiểm ngoại quốc và Trung Quốc đã thăm dò, nghiên cứu thực địa và tuy có công bố của cơ quan thẩm quyền Trung Quốc, nhưng đến nay các đoàn thám hiểm vẫn còn tiếp tục.

Năm 1999, Viện Khoa học địa lý và Nghiên Cứu Tài nguyên thiên nhiên thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Trung Quốc, sau nhiều cuộc điều tra toàn diện trực tiếp vả nghiên cứu tài liệu đã kết luận nguồn thật sự của sông Mekong là sông Zayaqu trên núi Guosongmucha, cao độ 5514m, thuộc thị trấn Zadoi, quận Yushi thuộc Khu tự trị Tây Tạng, tỉnh Thanh Hải (The Source of Mekong River-Sangri-La River Expeditions).

Trước đó, năm 1994, Viện Khoa Học Trung Quốc (Chinese Academy of Sciences CAS) phối hợp với Đại học Nông Nghiệp Tokyo (Tokyo University of Agriculture TUA) sau cuộc thăm dò thực địa và khoa học đã công bố nguồn của sông Mékong là một con suối tên là Lasagongma ở cao độ 5224 m. Dữ kiện nầy sau đó được xác nhận vào năm 1999 như dữ kiện chính thức. (Final determination of the source of the Mekong River).


Bản đồ trên ghi những địa điểm nguồn sông Mékong không được công nhận: Lungmung (1894), Rupsa (1994), Jifu (1999) và nguổn được công nhận bởi Viện Khoa Học TQ: Lasagongma (1994, 1999).

Ref: Tomotsu Natamura & PeterWinn. Final determination of the source of the Mekong River.


Về tên, sông Mekong có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo nơi sông chảy qua. Gần phân nửa chiều dài con sông (2150 km) nằm trong lãnh thổ Trung Quốc được gọi là Lan Thương Giang (Lancang Jiang), chảy qua các vách núi sâu và bậc thềm thấp dần và khi ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc thì chỉ còn cao hơn mặt biển 500m. Sau đó, Mekong làm ranh giới giữa Myanmar (Miến Điện, trước gọi là Burma, Birmanie) và Lào (200km) rồi ranh giới giữa Lào và Thái Lan. Người Miến Điện gọi Mekong là Mekaung Myit, người Thái và người Lào gọi là Maenam Khong (Maenam = sông), phía hữu ngạn có một chi nhánh chảy qua Thái Lan gọi là Maenam Mun dài 750km. Người Tây Phương trong các du ký hay thám hiểm, ngay từ thế kỷ 18 đã gọi là Mekong, có lẽ nói trại tử danh từ Mae Khong của Thái-Lào.

Sông chảy vào Campuchia có tên là Tonlé Mekongk hay Tonlé Thom (Tonlé = sông lớn). Phía trên Phnom Penh, Mékongk hợp lưu với sông Tonlésap và vào mùa mưa, nước chảy ngược vào hồ Tonlésap (Biển Hồ). Biển Hồ là hồ chứa nước ngọt lớn nhứt ở Đông Nam Á, vào mùa mưa (tháng 6 - tháng 10), diện tích của hồ lên đến 10 000km2, sâu 14m, nhưng đến mùa khô chỉ còn chừng 3 000 km2, sâu 2 m. Biển Hồ là trạm cuối cùng đưa nước, phù sa và vật trầm tích xuống miền Nam Việt Nam.

Từ Phnom Penh sông MeKông chia thành hai nhánh dài từ 220–250 km chảy từ Bắc xuống Nam. Nhánh lớn vẫn gọi là Mekong đi vào VN qua thị xã Tân Châu gọi là Tiền Giang, đến Cai Lậy chia thành 4 sông chảy ra biển bằng 6 cửa: sông Mỹ Tho đổ ra cửa Tiểu (hay Vàm Láng ở Gò Công), cửa Đại (quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre), sông Ba Lai chảy qua phía Bắc tỉnh Bến Tre đổ ra cửa Ba Lai, sông Hàm Luông ở phía Nam tỉnh Bến Tre đổ ra cửa Hàm Luông, sông Cổ Chiên làm ranh giới giữa tỉnh Bến Tre và Trà Vinh đổ ra cửa Cổ Chiên và cửa Cung Hầu.

Nhánh nhỏ ở tả ngạn gọi là Bassac theo chữ Miên là Tonlé Bassac (Ba Thắc) vào VN ở Châu Đốc gọi tên là Hậu Giang chảy ra biển bằng 3 cửa là Ba Thắc, Định An và Trần Đề (Tranh Đề).

Bản đồ: Võ Hương An.
Bởi lẽ sông Mekong đổ ra Biển Đông bằng 9 cửa nên đoạn sông nầy được gọi là Cửu Long (9 con rồng). Tên gọi Cửu Long Giang được xuất hiện trong Đại Nam Nhất Thống Chí của Trịnh Hoài Đức nhưng theo Võ Hương An: Cái tên Cửu Long Giang là sản phẩm văn hóa của lưu dân Việt - Minh Hương trên bước đường định cư khai phá vùng châu thổ Cửu Long, lấy ý từ 9 cửa sông đổ ra biển mà đặt ra. Cái tên Cửu Long Giang có thể đã xuất hiện vào đầu thế kỷ 18, ngay cả trước năm 1732 (nhưng phải sau thế kỷ 17), khi Việt Nam thủ đắc Vĩnh Long, An Giang. (Võ Hương An. Ai đã đặt tên cho sông Cửu Long / Khoahocnet).

Nói là 9 cửa, nhưng thực sự hiện nay chỉ còn 7 cửa vì phù sa đã bồi lấp cửa Ba Thắc, chỉ còn lại dòng sông Côn Tròn chảy dọc theo Cù lao Dung hợp với cửa Trần Đề chảy ra biển. Tương tự như vậy với cửa Ba Lai, hiên nay chánh phủ xây cống đập Ba Lai để ngăn nước mặn tràn vào đất liền.

Hai sông Tiền và sông Hậu đã nhận phù sa và các vật liệu trầm tích từ thượng nguồn theo dỏng chảy của sông Mekong đổ xuống, bồi đắp vùng châu thổ tạo nên Đồng Bằng Sông Cửu Long, là vùng đất trù phú nhứt của Việt Nam. Sự sinh tồn và phát triển của 18 triệu cư dân vùng nầy tùy thuộc vào mạch nước, và đó là lý do khi dòng sông nầy nghẽn mạch theo cách nói của nhà văn bác sĩ Ngô Thế Vinh bởi những con đập khổng lồ của Trung Quốc và của Lào thiết lập trên thựơng nguồn, Việt Nam sẽ nghẽn mạch.

Đồng bằng sông Cửu Long rộng 40 548 km², tổng số dân của 13 tỉnh, thị xã trong vùng gần 18 triệu người (chiếm 12% diện tích và 19% dân số của cả nuớc ). ĐBSCL là nơi có nhiều kinh rạch (8 000km) trong đó có 50% là kinh chánh có bề rộng từ 8-40m và cao độ trên mặt biển từ 2-4m. 75 % dân số sống ở ven kinh, sông, biển nên nông nghiệp và ngư nghiệp là sinh hoạt kinh tế chính yếu.

ĐBSCL nổi tiếng là vựa lúa của Việt Nam và là trung tâm cung cấp phần lớn các sản phẩm lương thực cho cả nước. Theo thống kê 2015, chỉ riêng lúa chiếm 57% sản lượng của quốc gia (cả nước: 45.1 triệu tấn, ĐBSCL: 25.6 triệu tấn) ; 90% gạo xuất cảng là gạo của ĐBSCL. Về thủy sản chiếm 56% (3.7 triệu tấn /trên 6,6 triệu tấn cho cả nước) trong đó có 0.8 triệu cá biển và 0.5 triệu tôm (80% cả nước), và 70% các loại trái cây. Hiện nay, mỗi năm VN xuất cảng thủy sản khoảng 6 tỉ USD, trong đó riêng tôm chiếm khoảng 50% doanh thu.

Tuy nhiên, với chánh sách phát triển thiên vị các địa phương của chế độ cộng sản , từ một vùng đất trù phú trước 1975, Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là vùng đất bị bỏ quên, càng ngày càng thêm nghèo và nhiều tỉnh trong vùng nghèo nhứt nước cùng với “vùng sâu, vùng xa” của các dân tộc thiểu số.


Nguồn: ĐBSCL với thử thách 2017/Lê Anh Tuấn.


Đập thủy điện của Trung Cộng và Lào Cộng trên sông Mekong

Nước là một trong những nhu cầu hàng đầu của Trung Quốc để nuôi một dân số khổng lồ và cung cấp thủy điện cho một quốc gia đang phát triển kỹ nghệ. Người dân Trung Quốc cần nước như thức ăn. Năm 2017, lượng nước cung cấp cho một người dân Trung Quốc chỉ bằng 1/3 lượng nước tiêu thụ trung bình của một người dân trên thế giới (một số tài liệu ghi ít hơn hay nhiều hơn). Do đó, không có gì ngạc nhiên vào năm 1997, Trung Quốc là một trong 3 quốc gia trên thế giới (cùng với Burundi và Thổ Nhĩ Kỳ) đã biểu quyết chống lại Công ước Liên Hiệp Quốc về Nguồn Nước (United Nations Watercourses Convention UNWC = Convention des Nations Unies sur les cours d’eau) để Trung Quốc tự do thao túng trên các dòng sông có chung lưu vực với Trung Quốc. Trên toàn thế giới có 276 con sông quốc tế (xuyên biên giới, liên quốc gia) và mục đích của Công ước nhằm “bảo đảm cho việc sử dụng, phát triển, bảo tồn, quản lý và bảo vệ các nguồn nước liên quốc gia một cách tối ưu và bền vững cho các thế hệ hôm nay và mai sau…”. Nói khác đi, các quốc gia có chung một dòng sông phải tôn trọng những nghĩa vụ theo một thỏa ước giữa tất cả các quốc gia nầy. Trung Quốc có 40 dòng sông chia sẻ lưu vực với 16 quốc gia láng giềng, nhưng Trung Quốc chỉ ký thỏa ước song phương với 3 quốc gia cộng sản là Nga, Bắc Hàn và Mông Cổ. Sự từ chối của Trung Quốc tham gia vào Công Ước UNWC đã bị thế giới chỉ trích, nhưng Trung Quốc viện dẫn UNWC vi phạm vào chủ quyền của TQ.

Chính trong sách lược “cướp dòng nước”, Trung Quốc đã thiết lâp các đập thủy điện, thủy lợi khắp nơi trên các dòng sông chánh và phụ. Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 23 842 đập, nhiều nhứt thế giới trong số 58 519 đập (Commission imternationale des grands barrages. Registre mondial des barrages).

Trên thượng nguồn Mekong, Trung Quốc đã bắt đầu xây một chuỗi các đập nước từ năm 1986 mà không tham khảo các nước trong lưu vực cũng không cung cấp các thông tin chính xác về lưu vực sau khi đập đã hoàn thành. Hiện nay có 6 đập đã hoạt động, 7 đang xây và khoảng 20 đập nữa trong vùng Thanh Hải, Tây Tạng dự trù trong thời gian sắp tới.


Các đập nước trên sông Mékong năm 2013 (Nguồn: MRC. Dams on Mekong).


Sáu đập đang hoạt động là: đập đầu tiên là Mãn Loan (Manwan) bắt đầu hoạt động năm 1993, Đại Triểu Sơn (Dachaosan, 2003), Cảnh Hồng (Jinghong, 2009), Tiểu Loan (Xiaoman, 2010), Công quả Kiều (Gungguogiao, 2012), đập mới nhứt là Noa Trát Độ (Nuozhadu, 2014). Hai đập Tiểu Loan và Noa Trát Độ nằm trong top 20 đập lớn nhứt thế giới, và đập Tiểu Loan có chiều cao 292m, chỉ thấp hơn đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang (Dương Tử) là đấp nước lớn nhứt thế giới. Sáu đập nầy cung cấp 15 000 MW và tích trử 50 tỉ m3 nước (Tiểu Loan: 15 tỉ, Noạ Trác Độ: 22 tỉ), chiếm 28% lưu lượng nước đoạn sông chảy từ nguốn đến Thái Lan (Timo Rasanen. New study shows significant impact of Chinese dams on Mekong – www.thethirdpole.net, Feb.6, 2017).

Ngoài ra, Trung Quốc còn đầu tư và sở hữu 6 dự án đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong ở Lào trong đó có 2 đập đang xây là đập Xayaburi (1260 kW) ở Thượng Lào, Don Sahong (260 KW) ở biên giới Lào-Campuchia và chuẩn bị xây đập Pak Beng (912KW). Lào lại còn có tham vọng xây thêm 9 đập nữa để bán điện cho Việt Nam và Thái Lan, không kể dự án chuyển nước sông Mekong về Vientiane.

Trước hành động ngang ngược của Lào dưới sự bảo che của cộng sản đàn anh Trung Quốc, Liên Minh Bảo vệ sông Mékong (Save the Mekong Coalition) đã lên tiếng phản đối, đòi phải có những nghiên cứu đầy đủ hơn về những tác hại của 12 dự án trên hạ lưu sông Mekong, nhưng vô hiệu. Thực ra, Lào là một quốc gia chậm tiến, dân rất nghèo và nhẫn nhục, chỉ có đảng cộng sản Pathet Lao cầm quyền là độc tài nhưng nhu nhược vâng lịnh đàn anh Trung Quốc. Cũng như VN, nước Lào hiện nay có khoảng 10 000 nhân công Trung Quốc đang khai thác kinh tế và tài nguyên tại nhiều vùng da beo (lãnh địa) trên đất Lào, đang bị nợ Trung Quốc ngập đầu với con đường sắt 6 tỉ USD nối liền Lào với các tỉnh phía Nam cũa Trung Quốc.

Campuchia cũng có dự án xây hai đập Stung Treng, Sambor và chuyển nước sông Mekong từ Koh Sotin qua một hệ thống kinh đào dài 80 km để tưới 300 000 ha vùng Kompong Cham, Prey Veng và Svay Rieng (dự án Vaico) và dự án tương tự lấy nước để tưới 380 000 ha vùng Stung Treng và Kratié.

Thái Lan cũng có dự án khổng lồ 75 tỉ USD chuyển dòng sông Mekong quặc vô sông Loei, một chi nhánh nhỏ chảy trong Thái Lan (dự án Khong-Loei- Chimun) để xây một hồ chứa nước 4 tỉ m3 có khả năng cung cấp nước ngọt rộng như ĐBSCL (4 triệu ha).

Nói tóm lại, nước nào cũng có dự án chiếm hữu sông Mekong, duy chỉ có VN ở cuối sông thì “lãnh đạm và lãnh đạn”. Lãnh đạm vì VN bị cai trị bởi một chế độ ngu dốt, tham nhũng, nên không có sáng kiến gì chỉ chờ phù sa và nước ngọt từ thượng nguồn đổ về, nhưng nước đã bị đàn anh Trung Quốc và các đàn em đồng chí Lào, Miên chia nhau xây đập nên Việt Nam ở cuối nguồn phải gánh chịu tất cả các hậu quả, nói nôm na là lãnh đạn. Trong tất cả các hội nghị, từ cấp thủ tướng đến bộ trưởng, vì nể sợ Trung Quốc, không một lãnh đạo VN nào dám phản đối chỉ có những tuyên bố linh tinh với các ngôn từ rỗng tuếch, đặc điểm của ngôn ngữ cộng sản, đại loại như … rà soát, triển khai, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, thực hiện tốt… Hãy nghe Bộ Trưởng Tài Nguyên Môi Trường kiêm Chủ Tịch Ủy Ban Mekong VN phát biểu trong một hội nghị: “VN theo dõi đặc biệt với sự quan tâm đặc biệt và quan ngại sâu sắc…” (Thêm đập thủy điện trên sông Mekong VNexpress 14/5/2017). Quan tâm đặc biệt mà chỉ ngậm miệng chẳng có sáng kiến, biện pháp nào cả. Càng tồi tệ hơn, trong khi các chuyên gia về môi trường và cả thế giới phản đối Lào và Trung Quốc thì Phạm Tuấn Phan, đại diện VN trong Ủy Hội Mekong lại tuyên bố với báo chí: “…Lào lắng nghe ý kiến quan ngại và đã thay đổi thiết kế tạo điều kiện cho sự di chuyển của cá và nước…, đập Xayaburi được coi như một kiểu mẫu của tất cả đập dòng chính sông Mékong.” Bà Maureen Harris, Giám Đốc Tổ chức Quốc tế Sông ngòi (International Rivers) khu vực Đông Nam Á đã cực lực phản đối lời phát biểu kỳ dị nầy. (Đập thủy điện Lào đe dọa nông nghiệp ĐBSCL- RFA 23/03/2017).

Thật là nhục nhã cho đất nước VN có những người đại diện chỉ là những đảng viên ngu xuẩn, hèn hạ, chẳng những không binh vực cho quyền lợi quốc gia mà còn làm thiệt hại quốc gia bằng các hành động bất tài, bất xứng. Thì ra, trong vấn đề đập nước, Trung Quốc khỏe ru vì bên dòng sông Mekong có 3 đồng chí Việt Miên Lào chấp nhận làm khuyển mã.

Các Ủy hội Mekong

Trịch thượng và xão quyệt, Trung Quốc tự xem là bá chủ và lập luận rằng Lan Thương là con sông của Trung Quốc chảy trong nội địa, Trung Quốc có quyền hành xử theo nhu cầu và quyền lợi của Trung Quốc mặc cho những phản đối của lân bang hay các hiệp hội quốc tế. Vả chăng, Trung Quốc không bị ràng buộc bởi bất cứ một thỏa ước nào với các quốc gia ven sông Mekong.

Về các thỏa ước, năm 1957, Liên Hiệp Quốc đã thành lập Ủy Ban Mekong (Mekong River Committee) gồm 4 quốc gia là Việt Nam Cộng Hòa, Miên, Lào và Thái Lan, trụ sở ở Bangkok, nhằm mục đích phát triển lưu vực sông Mekong, nhưng nhiều dự án đã không thực hiện được vì chiến tranh. Sau 1975, khi cộng sản nắm quyền ở Việt Nam, Miên, Lào và mặc dù có một Ủy Ban Lâm Thời (Interim Mekong Committee) nhưng Ủy Ban nầy thực tế không hoạt động vì Miên đã rút ra khỏi Ủy Ban khi Khmer Đỏ cầm quyền năm 1978 và sau đó là chiến tranh Việt – Miên.

Ngày 05/04/1995, tại Chiang Rai (Thái Lan), 4 quốc gia trên ký kết Hiệp Định Phát Triển Bền Vững lưu vực sông Mekong (Agreement on the Cooperation for the Sustainable Development of the Mekong River gọi tắt là Ủy Hội Mekong (Mekong River Commission) đặt lại nền tảng hợp tác giữa 4 quốc gia trong việc khai thác sông Mekong trong hữu nghị. Mặc dù là quốc gia ven sông, Trung Quốc và Miến Điện chỉ tham gia với tư cách cố vấn.

Phải chờ đến năm 2010, Ủy Hội Mekong mới hợp Hội Nghị Thượng Đỉnh đầu tiên tại Hua Hui (Thái Lan) với một bản nội qui và những tuyên bố chung chỉ có tính cách khuyến cáo mà không có quyền phủ quyết hay chế tài đối với các hội viên không tôn trọng nội qui (như Ủy Hội Mékomg 1957), do đó từ ngày tái lập, Ủy Ban bất lực trước mọi cuộc tranh chấp giữa các quốc gia ven sông, đặc biệt với hoạt động của Trung Quốc trên các đập ở thượng nguồn. Mặc dù với các tác hại rõ rệt minh chứng qua các cuộc điều tra của các giới nghiên cứu độc lập, Trung Quốc luôn tuyên bố là các đập nước của Trung Quốc không ảnh hưởng gì đến hạ lưu, và Trung Quốc cũng không cung cấp đầy đủ các dữ kiên, thông tin về các đập cho Ủy Hội và các cơ quan quốc tế.

Để vô hiệu hóa Ủy Hội Mekong, năm 2015, Trung Quốc lập ra một tổ chức lấy tên là Ủy Ban Hợp Tác Lan Thương–Mekong (Lancang-MeKong Cooperation = LMC) qui tụ 4 nước trong Ủy Hội Mekong là Việt, Miên, Lào, Thái Lan, thêm Miến Điện và Trung Quốc. Vô hiệu hóa vì từ đây có một ủy hội mới mà Trung Quốc là cấp chỉ huy sai bảo các đàn em vốn cũng độc tài tham nhũng bằng cách tài trợ các dự án mà Trung Quốc là chủ thầu và các quốc gia đàn em sẽ là con nợ truyền kiếp. Với tên gọi Lancang- Mekong Cooperation, Trung Quốc lưu manh xem sông Lan Thương và Mekong như hai con sông khác biệt và với sách lược nầy, Trung Quốc đang tái lập lại Đông Dương thuộc Pháp của thế kỷ trước.

Trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai của LMC tổ chức ở Phnom-Penh vào ngày 10 tháng 2 năm 2018, Trung Quốc cam kết dành 12 tỉ USD dưới hình thức viện trợ và cho vay ưu đãi để thực hiên các dự án tại 5 quốc gia trong LMC. Một trong những dự án chính yếu mà Trung Quốc chủ tâm thực hiện là nới rộng lòng sông Mekong và Menam ở vùng biên giới Thái Lào để tàu chở hàng của Trung Quốc từ Vân Nam có thể xuôi dòng ra tới Ấn Đô Dương trong sách lược Một Vành Đai, Một Con Đường mà Tập Cận Bình đã đề ra hồi năm 2013. Báo cáo của TQ là trong 10 tháng năm 2017, thương mại giữa TQ và 5 quốc gia Mekong đạt được 17.5 tỉ USD và TQ đã đầu tư vào 2.6 tỉ, tăng 22% so với năm ngoái. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã ví von TQ đóng vai trò của “chiếc đầu tàu tốc hành đưa 5 quốc gia Mékong vào thời đại cao tốc”, còn ngoại trưởng Vương Nghị thì nói TQ là chiếc xe ủi đất. Thủ tướng Miên, người đồng chủ tọa hội nghị hí hửng ca tụng Trung Quốc là hào phóng. Nhìn chung, dó là mánh khóe của tên ăn trộm quăng cục xương cho những con chó giữ nhà gặm để tự do lục lạo.

Thitinan Pongsudhirak, giáo sư về Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn (Bangkok) có nhận định: “Đối với Trung Quốc, chặn dòng nước vì lợi ích của chính mình rồi giả vờ có lòng tốt đề nghị chia sẻ quyền lợi với những nước hạ nguồn để mặc cả trong ngắn hạn. Nhưng cuối cùng, cách giao tiếp thiển cận của Trung Quốc theo luật chơi của mình mà không quan tâm đến các bên khác có thể gây tác dụng ngược lại. Hôm nay, Myanmar là quốc gia không chắc sẽ phục tùng Bắc Kinh trong vấn đề Mekong. Sau nầy có thể sẽ là Thái Lan, khi nước nầy trở lại với chế độ dân chủ và có thể là Việt Nam, khi đơn giản là nước này không còn chịu đựng được nữa. Quyền lực các con đập của Trung Quốc có thể sẽ đập lại Trung Quốc khi các nước nhỏ đoàn kết để chống lại.”

For China, blocking off the water for its own benefit and then feigning benevolence in offers to share it with those further downstream yields short-term bargaining chips. But eventually, China's myopic approach of playing by its own rules and disregarding those of other parties may boomerang back. Today it is Myanmar which is unlikely to subserviently toe Beijing's line on the Mekong. Later it could be Thailand, when the country returns to democratic rule, or perhaps, Vietnam -- when it has simply had enough. China's dam power may yet be damned if its smaller neighbors gang up against it. (China’s Alarming Water Diplomacy on the Mekong in Nikkei Asian Review 21/3/2016).

Người viết thiết nghĩ, chuyện các quốc gia nầy “tỉnh ngộ” chống lại Trung Quốc là chuyện mộng mơ, đặc biệt với Việt Nam đã mất cả dân trí, dân khí từ khi đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền.

Tác hại các đập nước thượng nguồn sông Mekong lên Đồng Bằng Sông Cửu Long

Từ 8000 năm qua, mỗi năm sông Mekong chuyên chở hàng tỉ tấn phù sa và vật liệu trầm tích bồi đấp đồng bằng sông Cửu Long và làm mũi Cà Mau lấn ra biển mỗi năm khoảng 100m. Nhưng từ khi TQ xây đập, ước tính của các chuyên gia là các đập của Trung Quốc đã giữ lại khoảng từ 50% đến 90% tổng lượng phù sa và trầm tích. Những đập khác đang xây trên dòng chính ở Lào và Miên còn cộng hưởng thêm vào tác động này. (Mekong River Commission Summary Report 2010, p.21).

Theo TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu biến đổi khí hậu (DRAGON) thuộc Đại học Cần Thơ, dẫn nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore cho biết lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long giảm từ 160 triệu tấn/năm xuống 75 triệu tấn sau khi Trung Quốc cho đập Mãn Loan hoạt động, và lượng phù sa sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ còn khoảng 42 triệu tấn/năm, khi các đập khác trên thượng nguồn sông Cửu Long hoàn thành. Cụ thể hơn “... liên tục 20 năm qua, lượng phù sa đưa về ĐBSCL giảm đi 2.3% mỗi năm” (ĐBSCL trước đe dọa nghiêm trọng. RFA 30/06/2017).

Phù sa và vật liệu trầm tích sụt giảm vì nước bị giữ lại trong các đập và hồ chứa trên thượng nguồn, lưu lượng nước chảy về vùng hạ lưu càng cạn kiệt. Theo TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp của VN, thì “15 năm trước đây, mực nước của ĐBSCL xấp xỉ trên dưới 4m, khi có mưa nhiều lũ lụt thì lên đến 4,5m, những năm gần đây chỉ còn 3 - 3,5m và năm nay chỉ còn 2,5m…” (Đồng bằng sông Cửu Long cạn phù sa. RFA 30/1/2018).

Ngoài ra, bởi tác động của biến đổi khí hậu, nước biển mỗi năm mỗi dâng cao, xâm nhập vào bờ mà dòng sông Cửu Long ít nước, lưu vực sông Cửu Long yếu đi không đủ sức đẩy nước mặn, hậu quả là nước mặn càng lấn sâu vào nội địa, bờ sông bị sạt lở, đất lún, làm phá hủy nông nghiệp, nhà cửa của dân chúng và hạ tầng cơ sở. Hiện trạng (Tháng 3/2016): ranh giới độ mặn 4g/l lấn sâu tới 90-95km trên sông Vàm Cỏ, 45 - 65km trên sông Tiền, 55- 60km trên sông Hậu và 60- 65km ở khu vực ven biển Tây (Sông Cái Lớn). ĐBSCL có khoảng 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng gần 800 km, chủ yếu diễn ra dọc sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Từ năm 2005, bờ biển vùng ĐBSCL bị xói lở với tốc độ khoảng 300 ha/năm, chủ yếu dọc bờ biển Kiên Giang và Cà Mau. (Trần Thục. ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức lớn. baomoi.com 26/09/2017).

TS Dương Văn Ni, chuyên gia về nguồn nước tại Đại học Cần Thơ cho biết những dự án thủy điện và chuyển nước dòng sông Mekong ở thượng nguồn là “cái chết từ từ của Đồng bằng Sông Cửu Long”. Theo ông “…sông Mekong không chỉ đưa phù sa hay nước, mà còn đưa 160 - 170 triệu tấn cát về miền Tây Việt Nam, để giữ cho mặt đất dưới này không sụt xuống. Nếu thiếu cát, sỏi, sạn thì dầu chúng ta có rất nhiều sét, thịt, bùn thì nó không giữ lại được, không định hình được đất đai và đẩy hết ra biển. Mọi người, nhà báo, truyền hình ai cũng nói tới thiếu nước. Nhưng thiếu nước ngọt, ta có thể lấy chỗ này bù chỗ khác, thiếu nước tưới, ta có thể chở từ nơi khác bù vào chỗ thiếu này. Nhưng nếu Đồng bằng sông Cửu Long thiếu cát, thiếu phù sa, mặt đất sụt hàng ngày, không lấy đâu ra phù sa bù lại được. Đồng bằng sẽ chìm xuống, ngập mặn.(Cái chết từ từ của ĐBSCL. BBC tiếng Viẽt 2/3/2016).

Các đập nước còn tác hại lên thủy sản. Theo nghiên cứu của Trần Đắc Định, trường Đại học Cần Thơ thì “có ít nhất 461 loại cá trong vùng ĐBSCL mà đa số là loại cá cần di chuyển xa để sinh đẻ và phát triển” (Mô tả định loại cá ĐBSCL = Fishes of the Mekong Delta). Các con đập như một hàng rào ngăn chận sự di chuyển của loài cá. Việc xây dựng các con đập còn làm gián đoạn chu kỳ lũ tự nhiên mà các loài cá đã thích nghi. Đập cũng giữ lượng trầm tích ở lại, làm mất một nguồn dinh dưỡng cho cá, làm thay đổi nhiệt độ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng và sinh sống của loài cá.

Trong khi cả 18 triệu dân ĐBSCL đang lo sợ mất chén cơm vì tác hại của các đập Trung Quốc thì chánh phủ VN lại cho Trung Quốc xây một nhà máy giấy khổng lồ nằm bên bờ sông Hậu, tại huyên Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, ngay tại trung tâm của ĐBSCL. Đó là nhà máy tên Lee & Man Paper Manufacturing, một trong top 5 công ty giấy lớn nhất thế giới có trụ sở chính ở Quảng Đông. Ngoài việc được Bộ Tài Nguyên - Mội Trường cho phép xả ra 50 00m3 chất thải mỗi ngày /đêm, nhà máy giấy còn có thể sử dụng hàng triệu lít nước ngọt mỗi ngày, điều không thể nào chấp nhận được vì dân chúng trong vùng đang thiếu nước ngọt trầm trọng.


“Bà Lâm Thị Thu Sửu, đại diện Mạng lưới Sông ngòi VN (VRN) phân tích, việc nhà đầu tư Lee & Man đưa ra phương án nhập tới 80% lượng giấy đã sử dụng để tái chế có nguy cơ đẩy ra môi trường lượng soude (NaOH) rất lớn, tới 28.500 tấn. Bên cạnh đó, nhà máy còn thải ra rất nhiều hóa chất độc hại khác nhau như hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs), tecpen, rượu, phenol, metanol, acetone, chloroform, methyl ethyl ketone, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, bột màu, a xít, dung dịch kiềm. Nước thải từ xử lý giấy rất giàu các chất thiol, sulfur dioxide, sulfite và sulfide cũng như mùi hôi thối. Ngoài ra, nước thải từ công nghiệp tái chế giấy cũng chứa các sợi và nhựa từ giấy. Nước thải cũng chứa chất tẩy trắng như hydrogen peroxide, chlorine dioxide và xút; các chất ô nhiễm khác bao gồm: cao lanh, can xi cacbonat, talc và titan dioxite...

An ninh nước sạch, sức khỏe và cuộc sống an toàn của dân cư đứng trước nguy cơ nhiễm độc rất cao. Nó sẽ còn hủy hoại nguồn lợi thủy sản sông và biển, đồng thời ảnh hưởng lớn tới việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL ”. (Lee&Man có thể kéo giảm GDP/Báo Thanh niên 10/07/2016).

Bắt đầu hoạt động cuối tháng 9/2017 (sau nhiều năm bị đình trệ vì bị dân chúng và các chuyên gia “sạch” phản đối ), chỉ một tháng sau, dân cư xung quanh nhà máy đã khiếu nại “cột khói bốc mùi hôi thối như bồn nhà cầu, cột khói trắng như có mùi acid làm da khô, nước máy bơm lên để qua đêm thấy nhớt nhớt…” (Nhà máy giấy Lee & Man phát mùi hôi thối (RFA, 14/11/2017). Bị chất vấn, Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc Hội trả lời “QH đang giám sát chặt” và Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh đã ký giấy phép cho lập nhà máy đang bị điều tra. Đó là thứ ngôn ngữ và hành vi quen thuộc của tập đoàn tham nhũng. Lee & Man Paper Manufacturing báo hiệu một thứ Formosa khác tại miền Nam.

Đê bao ngăn mặn của Việt Cộng trên Đồng Bằng Sông Cửu Long

Đồng Bằng Sông Cửu Long đã và đang đối diện với những tàn phá của thiên tai như lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng cao do hiện tượng biến đổi khí hậu. Ngoài thiên tai, ĐBSCL còn phải gánh chịu những tác hại do chính con người tạo ra, hoặc để sinh tồn, hoặc để chống đỡ với thiên nhiên như các đập nước của Trung Cộng và các đê bao ngăn nước mặn của Việt Cộng. Cho đến nay, các tác hại của những đập nước của Trung Cộng chưa được sự đồng thuận của các nhà nghiên cứu về cường độ, tác nhân và đối tượng của sự tàn phá đối với các quốc gia ở hạ nguồn.

Xin đan kể vài quan điểm điển hình:

- TS Mai Thanh Truyết (nhà nghiên cứu môi trường, Hoa Kỳ): “Đến một thời điểm nào đó, vùng đất phì nhiêu màu mở, trù phú ĐBSCL sẽ trở thành vùng đất hoang vu. Với hai mũi giáp công, nước biển tấn công đất liền gia tăng và trên thượng nguồn sông Cửu Long bị ngăn chận nhiều đập thủy điện sẽ làm cạn dòng nước ở vùng hạ lưu, chắc chắn giết chết vùng địa danh nổi tiếng giàu đẹp nầy của quê hương VN (Sông Mekong đang lâm nguy)

- ThS Nguyễn Minh Quang (chuyên viên thủy học, Hoa kỳ): “…Nguy cơ trước mắt của ĐBSCL dường như không phát xuất từ các đập trên dòng chánh sông Mekong ở Trung Hoa hay ở Lào mà phát xuất từ các phụ lưu, quan trọng nhứt là hệ thống phụ lưu 3S: Sekong, Sesan và Srepok…” (Đồng Nai-Cửu Long, số 9/2016, p. 145) Cũng cần lưu ý là 2 sông Sesan và Srepok phát nguyên từ vùng Tây Nguyên Viêt Nam trước khi chảy qua Miên, có lưu vực rộng, vũ lượng lớn, như vậy, theo quan điểm nầy, miền Tây Nguyên VN cũng có ảnh hưởng đến ĐBSCL.

- TS Huỳnh Long Vân (trong nhóm Nghiên cứu Đồng Nai- Cửu Long, Úc) Có hai hiện tượng thấy rõ nhất ở ĐBSCL do xây dựng đập thủy điện trên thượng nguồn dòng chính sông Mê kong. Thứ nhất mất lượng phù sa tải xuống ĐBSCL sau khi một số đập thủy điện do Trung Quốc xây trên thượng nguồn. Cho đến bây giờ một số đập xây dựng xong rồi, số lượng phù sa chuyển xuống ĐBSCL giảm đi 30%. Mức giảm đó khiến đất đai mất phì nhiêu, đó là chuyện đương nhiên. Thứ hai, không bồi đắp được ĐBSCL, tức không nâng được chiều cao của ĐBSCL để trong trường hợp nước biển dâng cao thì giúp giảm đi tác hại của nước biển dâng cao. Thứ ba ĐBSCL không mở rộng ra được. Đó là ba điều rõ ràng. Nếu Trung Quốc tiếp tục xây thêm những đập nữa thì sẽ mất đến 50% lượng phù sa mà trước kia ĐBSCL vẫn nhận được khi không có những đập thủy điện đó. Hiện tượng thứ hai nữa là vào mùa khô nước mặn vào sâu trong nội địa…

- TS Thái Công Tụng (chuyên viên thổ nhưỡng, canh nông, Canada) Năm 2016, ĐBSCL bị hạn hán khủng khiếp và nhiều người nói vì đập nước thượng lưu, nhưng năm 2017, cũng từng đó cái đập mà nước vẫn chảy về ĐBSCL, không ai rên hết. Phải chăng là vì năm 2017, vũ lượng toàn vùng cao hơn nên nước chảy về nhiều hơn. Vậy thì trách hạn hán hay trách đập thượng nguồn? Về dài hạn thì ĐBSCL phải thich nghi với nước it đi: diện tích lúa bớt đi (vì cây lúa cần nhiều nước), trồng hoa màu phụ nhiều hơn, tăng công việc làm không cần đất (off- the-land activities) như tín dụng, như ngân hàng, như chuyển vận, như buôn bán.

- TS Lê Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ). Ông hoài nghi về giả thuyết Trung Quốc dùng các đập nước như một khí giới đe dọa miền hạ lưu như gậy lũ lụt, hạn hán, nhưng theo ông Biển Hồ mới thực sự ảnh hưởng đến ĐBSCL. Ông kết luận: “Hạn hán hiện nay ở các quốc gia hạ nguồn sông Mekong chưa hẳn là do các công trình trên sông. Nhiều con sông ở Đông Nam Á khác với sông Mekong cũng có những hiện tượng tương tự (Các đập nước và hồ chứa nước ở thượng nguồn có hay không nguy cơ môi sinh tiềm ẩn cho hạ nguồn sông Mekong. www.vncold.vn)

Nếu vấn đề các đập nước của Trung Cộng còn nhiều tranh cãi, nhưng đối với hệ thống các đê bao ngăn nước mặn mà chính quyền cộng sản đã thiết lập tại ĐBSCL từ hơn 40 năm qua, mọi người, từ nhà nghiên cứu đến người dân đểu công nhận những tác hại lớn lao và dai dẳng, mà nói như BS Ngô Thế Vinh là nhiều hệ lụy.

Còn nhớ sau khi tiếp thu Saigon tháng tư 1975, và sau khi cướp nhà cửa, của cải, vàng bạc của người dân miền Nam, cộng sản đã lùa đa số thị dân đi vùng kinh tế mới vừa để trả thù, vừa để bắt dân đào kinh khai khẩn các vùng đất hoang vu mà trước đó là sào huyệt của họ. Người dân Miền Nam không sao quên được thời kỳ đen tối, đối xử tàn bạo của tân chế độ trong kế hoạch khẩn hoang nầy.

Chỉ trong 10 năm từ 1976 đến 1985 có 2.8 triệu người đã bị cưỡng bách đi vùng kinh tế mới (Patrick Gubry. Popualion et développement, p.201) trong đó có ít nhất 1/3 bị đi vùng ĐBSCL. Mặc dù kế hoạch đã bắt đầu áp dụng từ năm 1976, nhưng mãi đến ngày 27/03/ 1980, Tố Hữu mới ban hành Quyết Định 95-CP “Chính sách xây dựng các vùng kinh tế mới” ấn định một số “quyền lợi” của người bị cưỡng bách di dân như sau:

- Cấp vé xe từ nhà đến vùng kinh tế mới, mỗi gia đình (CS gọi là hộ) được mang theo từ 500 đến 800kg hành lý, trợ cấp tiền ăn dọc đường 1 đồng /người/ngày (không đủ để ăn một gói xôi nhỏ !!!)

- Cấp cho 2 dụng cụ sản xuất (thường là cuốc cùn, nều đưa bằng tiền thì bị cán bộ ăn chặn bớt (tham nhũng đã bắt đầu ngay những ngày đầu cai trị miền Nam).

- Trợ cấp từ 700 đến 900 đồng để làm nhà ở (thử tưởng tượng cất nhà trên đất úng thủy, vật liệu xây cất không có, gia đình thường đông con)

-Trợ cấp 100$ tối đa để đào giếng, 100$ để mua ghe thuyền đi lại trên sông rạch

- Nếu bị ốm đau không lao động được thì được trợ cấp 1$/ngày, thuốc phòng bịnh, chữa bịnh theo tiêu chuẩn 50 xu/ngày, khi chết được trợ cấp 150$ chi phí mai táng.

Những người bị đưa đi vùng kinh tế mới gồm 5 dạng: 1/dân thất nghiệp; 2/dân không có hộ khẩu; 3/dân cư trú trong các cư xá, công ốc dành cho quân nhân công chức VNCH;4/ tất cả người hành nghề buôn bán từ tiểu thương đến chủ xí nghiệp; 5/ người gốc Hoa và tín đồ Thiên chúa giáo.

Người bị đi vùng kinh tế mới là một thứ nô lệ lao động thời cận đại, đó là một tôi ác lớn lao của đảng cộng sản sau vụ cải cách ruộng đất mà hôm nay, bọn cộng sản cha, cộng sản con phải cúi đầu nhận lổi với nhân dân miền Nam.

Điều khiển đám thị dân miền Nam bị cưỡng bách đi đào kinh đắp đê là Đoàn Quy Hoạch Thủy Lợi từ miền Bắc được đưa vào. Họ dốt nhưng rất tự hào, hống hách, họ bỏ qua các ý kiến của các chuyên viên thủy nông miền Nam, đem áp dụng các nguyên tắc trị thủy, đắp đê cổ lổ ở vùng sông Hồng vào ĐBSCL, nơi có những đặc tính hoàn toàn khác biệt với Đồng Bằng miền Bắc.

Thế là “.. ta đắp đê, xây đập hoặc cống ngăn mặn dọc theo duyên hải và dọc theo sông ở hạ lưu thường bị nước mặn xâm nhập; dọc theo hai bờ sông Cửu Long, nơi nước lụt chảy tràn bờ, ta đắp đê ngăn lũ, xây các công trình lấy nước; nơi nào không có nước ngọt để thâm canh tăng vụ, ta đào kênh dẫn nước sông Cửu Long vào, nếu nước không tự chảy, ta xây dựng trạm bơm điện; nơi nào bị úng, ta thực hiện các công trình tiêu úng, chống úng…” (Nguyễn Minh Quang. Tình trạng thiếu nước ở ĐBSCL đăng trong Dân Làm Báo).

Chính trong bối cảnh ấy mà một hệ thống kinh đào, bờ đê, cống đập được mở mang ngổn ngang, vô trật tự, có cái hữu dụng, có cái tai hại đưa nước phèn, đất phèn, ô nhiểm đến những vùng khác. Và cứ thế, các đê ngăn nước mặn ở bờ biển, các đê bao chống lũ trong nội địa bành trướng khắp nơi để thi đua trồng lúa 2 vụ, 3 vụ (vụ thứ ba là trong mùa lũ).

Nhờ hệ thống bao đê ngăn nước lũ, nước mặn
, diện tích trồng lúa và sản lượng ở ĐBSCL đã tăng lên. Trong hai thập niên 1975-1995, chánh sách nầy có vẻ hợp lý để giải quyết tình trạng ăn độn khoai, sắn, bo bo, nhưng Đảng có biết đâu, thay vì trồng lúa, đất đai ở ĐBSCL còn có thể trồng nông phẩm khác, khai thác ngành chăn nuôi, ngư nghiệp còn có giá trị hơn lúa. Số gạo sản xuất tăng đến mức dư thừa, xuất cảng được, nhưng lợi nhuận không có bao nhiêu vì gạo là một sản phẩm ít giá trị nhất trong các hàng xuất cảng, giá bấp bênh trên thị trường quốc tế, bị các lái buôn, hợp tác xã cấu kết với tham nhũng lũng đoạn giá cả, chưa kể chánh phủ cầm giá gạo để làm vừa lòng người dân, vì gạo là thức ăn chủ yếu, do đó số phận người nông dân đã nghèo lại cứ nghèo thêm.

Theo GS Võ Tòng Xuân: “Năm 1975 cả ĐBSCL mới canh tác 2,039 triệu ha lúa, tổng sản lượng lúa đạt 5,141 triệu tấn. Lợi tức bình quân đầu người ở nông thôn ước tính biến động từ 100 đến 200 USD mỗi năm. Năm 2009 diện tích canh tác lúa tăng lên 2,340 triệu ha trong đó 83,17% là lúa cao sản, đạt sản lượng 21,2 triệu tấn. Lợi tức đầu người tăng lên 500 đến 1.400 USD mỗi năm.

Từ số liệu trên, sau gần 35 năm hòa bình, thống nhất đất nước, sản lượng lúa miền Tây Nam Bộ tăng 4 lần trong khi lợi tức nông dân tăng từ 5 đến 7 lần. Nhưng đại bộ phận nông dân không có tích lũy, cho nên đến khi thu hoạch là phải lo bán ngay sản phẩm để thanh toán nợ nần. Nhiều bà con nhân dân có thể là đã thoát nghèo nhưng chưa giàu như những người thu mua nguyên liệu mà mình đã sản xuất ra. Đến bao giờ người nhân dân mới có “của dư của để” không phải cầm cố giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất để vay mượn vốn sản xuất như hiện nay?
(Nông dân Miền Tây sau 35 năm thống nhất đất nước 11/05/2010)

Theo TS Trần Văn Đạt “Ngành xuất khẩu gạo đã mang về cho VN bình quân khoảng 2 tỷ USD mỗi năm trong gần 3 thập niên qua (Tình trạng sản xuất và thương mại lúa gạo tại VN và thế giới 2017/18. Khoahocnet.com).

Nhưng việc phát triển các đê bao lai đưa dến một hậu quả trầm trọng và dai dẳng mà hiện nay ĐBSCL đang phải đối mặt. Đất đai trong vùng đê bao bị suy thoái cằn cỗi, chai cứng, vì không nhận được phù sa, nông dân phải gia tăng phân bón mỗi năm, độc tố ngấm sâu vào mạch nước ngầm khiến các giếng đào nước ngọt bị hóa mặn, ô nhiểm không khí, vốn sản xuất gia tăng mà vì thâm canh nên năng suất giảm. Đê bao cũng ảnh hưởng đến nhiều loại tôm, cá đồng, cá sông không vô đồng được để sinh sản.

Việt Nam có nhiều chuyên gia có tâm và có tầm, nhưng những quan điểm của các chuyên gia chỉ để thảo luận với nhau, để họp thành các “think tank”. Các đề nghị không được cấp trên quan tâm vì người lãnh đạo ngu dốt, phe cánh, và nếu có được chấp thuận thì cũng thi hành nửa vời rồi hủy bỏ, hay tai hại hơn là các địa phương không tuân hành.

TS Tô Văn Trường đã phát biểu trong một hội nghị: Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm nay, VN đã nhập trên nửa ti đô la thuốc trừ sâu và nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc. Nhiều nơi 1 vụ lúa đã xịt thuốc trừ sâu từ 6-9 lần nguy hại đến an toàn sản phẩm. Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn đã biết nhiều loại thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật độc hại đã bị cấm sử dụng trên thế giới cho nông nghiệp như 2,4 D (đây là hóa chất diệt có dại, chiếm 50% trong “chất độc màu da cam”), Paraquat, Glyphosate v.v… nhưng vẫn cho tiếp tục sử dụng ở VN vì lý do lợi nhuận?...Ngoài ra, sự quản lý chồng chéo dẫn đến nhiều bất cập và kém hiệu quả. Nhà nước đã phân công Bộ Tài Nguyên Môi Trường quản lý sông và lưu vực còn Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn thì quản lý công trình tưới tiêu. Ở ĐBSCL trừ hai dòng chính sông Tiền và sông Hậu ra, liệu ai có thể nào phân biệt được dòng chảy nào là sông, dòng chảy nào là kênh dẫn, cấp tiêu thoát nước ở ĐBSCL không? Có phân biệt được vùng đất nào gọi là hệ thống công trình thủy lợi để Bộ NN&PTNT quản lý, vùng đất nào gọi là lưu vực sông để Bộ TN&MT quản lý không? (Tô Văn Trường. Mạn đàm về hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL. Bauxite Viet Nam ngày 22/09/2017)

Bởi lẽ chánh phủ không có tầm nhìn dài hạn, và luật lệ không được tôn trọng, các địa phương mạnh ai nấy làm, và chính các nhà làm kế họach, các lãnh đạo trung ương và địa phương cũng không đồng thuận một kế hoạch chung. Thí dụ như vấn đề sống với lũ hay là chống lũ, phá vở đê bao hay duy trì đê bao?

TS Lê Anh Tuấn có nhận định:

“Cái khó ở chỗ là nếu bỏ những đê bao nó sẽ làm đảo lộn những sắp đặt trước đây, ví dụ như nhà cửa, mồ mả, vườn tược người dân đã làm trong những vùng thấp rồi. Bây giờ phá đê như vậy sẽ ảnh hưởng cuộc sống rất nhiều. Thứ hai là một số nông dân trồng lúa trong mùa đó thì bây giờ không biết làm gì… Nhưng điều quan trọng trước tiên là yêu cầu các địa phương không nên mở rộng các khu đê bao nữa để chừa lại không gian giữ nước. Sau đó nghĩ tới những giải pháp giúp cho họ chuyển đổi trong những điều kiện khác nhau tùy theo vùng sinh thái. Tiếp theo là công trình giúp giữ nước lại như thế nào để ít bị thất thoát, đó là những bước về lâu về dài mới thực hiện.” (Hiến kế cứu ĐBSCL. RFA 11/01/2017).

Về lâu về dài là bao lâu: chắc hẳn 10 năm sắp tới cũng chưa đủ thời gian thay đổi triệt để.

Người viết mạo muội góp ý: 100 năm nữa cũng không thay đổi được gì với chế độ cộng sản. Bằng chứng là cùng lúc với khuyến cáo của TS Tuấn, trên trang mạng của Tổng Cục Thủy Lợi viết: Kế hoạch chống lũ đến năm 2020: Đang xây dựng 450 km đê biển, 1290 km đê sông và khoảng 7 000km bờ bao ven kinh rạch nội đồng để ngăn chặn vùng ven biển (Tổng cục Thủy Lợi. Thủy lợi và phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL).

Về phía người dân, họ không có chọn lựa nào khác là phải tuân theo chánh quyền. Hãy nghe lời kể của một nông dân:

“Ngày xưa, trong mùa nước nổi người ta sạ lúa mùa. Nước lên tới đâu lúa vượt tới đó, trổ bông kết hạt trên mực nước sâu 2-3m. Khi nước rút hết thì lúa cũng chín, gặt lúa là xong mùa, khỏi làm cỏ bón phân chăm sóc gì hết. Dân miền Tây có tiếng “làm chơi ăn thiệt” là vì vậy. Thời gian nước nổi là lúc đất nghỉ ngơi. Sau khi nước rút, ruộng đồng trở nên “tươi mới”, cỏ dại và sâu bệnh đều chết vì bị ngâm nước. Nước rút đi để lại một lớp phù sa màu mỡ, vì vậy đất luôn tốt và không bao giờ bị cằn cỗi. Nhưng từ 15-20 năm nay nông dân vùng nước nổi không còn làm lúa mùa nữa mà chuyển sang làm lúa hai vụ. Để tăng sản lượng lúa hơn nữa, người ta đắp đê bao ngăn nước để làm lúa vụ 3 ngay trong mùa nước nổi. Bên ngoài đê nước cứ nổi, bên trong đê vẫn sạ lúa và sinh hoạt bình thường như trong mùa kiệt. Rất nhiều nông dân không muốn có đê bao vì chưa chắc có lợi hơn. Làm lúa vụ 3 lời ít hơn hai vụ lúa kia, nếu giá cả bấp bênh có khi còn lỗ vốn. Thêm nữa, khi đắp đê thì trong vùng bao đê sẽ mất đi nguồn cá, đất đai mất nguồn phù sa quý giá. Cỏ dại, sâu bệnh lưu cữu trên đồng làm tăng thêm chi phí cho các vụ lúa sau. Nhưng vì đó là chủ trương của Nhà nước nên dù muốn dù không cũng phải làm theo…. Nông dân vốn đã nghèo, bao đê để làm lúa, chăn nuôi trong mùa nước không khá hơn được bao nhiêu nhưng khi bị bể đê là mất sạch vốn liếng không biết bao giờ mới hồi phục nổi. Sau trận bể đê năm nay, hi vọng cả nông dân lẫn chính quyền và các ngành chức năng liên quan sẽ có nhận định sáng suốt hơn về vấn đề đắp đê bao ở vùng nước nổi. Từ đó sẽ có các giải pháp đúng đắn để giải quyết vấn đề, không để sai lầm lặp lại. Mà với sai lầm nào thì nông dân cũng là người gánh chịu hậu quả nhiều nhất “.(Mùa nước nổi xưa và nay).

Từ 43 năm qua, nhờ tài sản và mồ hôi nước mắt của hàng triệu người dân miền Nam bị cưỡng bức đi đào kinh, đấp đê để cứu người dân Miền Bắc qua cơn đói phải ăn bo bo độn với gạo. Cũng trong 43 năm qua, đảng cộng sản không có một chánh sách dài hạn và bền vững, kỳ thị địa phương mà hậu quả là miền ĐBSCL càng ngày càng kiệt quệ. Chánh sách đê bao và ưu tiên trồng lúa là một khí cụ để kềm hảm vùng đất nầy trong nghèo đói và chậm tiến.

Phải chờ đến ngày 17 tháng 11 năm 2017, đảng cộng sản mới thấy được sai lầm của ông nông dân kể trên bằng cách ban hành Nghị Quyết 120 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL mà chủ yếu là chuyển thứ tự ưu tiên từ lúa-thủy sản-cây trồng sang thủy sản-cây trồng-lúa. Dứt khoát giảm diện tích trồng lúa. Cộng sản cai trị bằng nghị quyết và khẩu hiệu. Kèm theo Nghị Quyết, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt chước 16 chữ vàng của Trung Quốc sửa lại thành khẩu hiệu 10 chữ vàng: Kỹ Cương, Liêm Chính, Hành Động, Sáng Tạo, Hiệu Quả. Thật là vô liêm sĩ khi kẻ ăn cướp rao giảng đạo thánh hiền . Cầu mong đó là nghị quyết và khẩu hiệu cuối cùng của chế độ.

Chuyện các “kỳ công kỳ quan” của đảng cộng sản nói hoài nói mãi không bao giờ hết. Nếu một hình ảnh bằng ngàn lời thì hai bức ảnh sau đây nói lên được phần nào thực trạng phân cách nghèo - giàu một cách thô bạo của đất nước Việt Nam hôm nay.


Người nông dân ĐBSCL ẵm con buồn thảm nhìn ruộng lúa khô cằn.



Người giàu Hà Lội nửa người nửa ngợm nửa đười ươi (Ảnh: Internet).


Kết luận

Để chấm dứt, người viết mượn lời nhận định của hai nhà nghiên cứu am tường các vấn đề môi trường và xã hội VN, một ở ngoài nước và một ở trong nước.

TS Mai Thanh Truyết: “Xin đừng đổ lỗi cho hiện tượng hâm nóng toàn cầu và cũng xin đừng đổ lỗi cho các đập thủy điện của Trung Cộng mà phải chấp nhận hậu quả ngày hôm nay đang xảy ra cho ĐBSCL là do sự quản lý, phát triển không theo đúng tiến trình toàn cầu hóa nghĩa là phát triển theo chiều hướng ứng hợp với việc bảo vệ môi trường. Ngày nào não trạng của đảng cộng sản không thay đổi trong việc bảo vệ cơ chế chuyên chính vô sản, ngày đó chắc chắn nước mặn vẫn tiếp tục tiến sâu vào đất liền…” (Sông Mekong, nỗi nghẹn ngào của vùng hạ lưu)

TS Lê Anh Tuấn: “Di dân ở ĐBSCL chiếm tỷ lệ cao nhất Việt Nam và đang là một hiện tượng xã hội đáng lưu ý. Mặc dù cư dân vùng ĐBSCL vốn là lưu dân từ miền Trung và miền Bắc vào khai phá vùng đất này, nhưng quá trình di dân mở cõi và hình thành vùng dân cư sung túc đến thập niên 1970 phải mất hơn 300 năm. Trong khi hiện nay, chỉ hơn năm năm gần đây, dòng dịch chuyển dân cư từ nông thôn lên các khu đô thị và khu công nghiệp tăng gấp 10-15 lần so với 40 năm trước đó, tùy thuộc vào kết quả canh tác và công việc thời vụ. Theo một số khảo sát, tỷ lệ xuất cư từ vùng ĐBSCL đến vùng công nghiệp Đông Nam bộ lên đến trên 97%, đến nỗi người dân địa phương dùng cụm từ “đi Bình Dương” để ám chỉ chung cho lớp người bỏ quê lên các khu công nghiệp làm thuê. Di dân có thể có mặt tích cực trong việc phân bố lại lực lượng lao động và tăng trưởng công nghiệp nhưng cũng có rất nhiều hệ quả tiêu cực về xã hội và môi trường đô thị - công nghiệp”. (ĐBSCL với thử thách 2017. www.thesaigontimes.vn 25/2/2017)

Các nhà lãnh đạo của chế độ siêu việt về tham nhũng và độc tài nghĩ sao về hai nhận định nầy?